Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Còn bao tiếng cười - Đỗ Ngọc Yên
Còn bao tiếng cười - Đỗ Ngọc Yên

       Tôi đã đọc đi, đọc lại nhiều lần tập thơ Tiếng cười sang trọng của nhà thơ Hải Minh. Bởi một lẽ khá đơn giản là cách đây hơn 40 năm trước (1975), tôi đã từng đọc thơ ông, khi hai chúng tôi đều là sinh viên cùng khóa của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông học sử, còn tôi học văn, vừa là đồng hương, lại vừa đồng tuế và cũng coi như là đồng môn, vì trước đây ở Việt Nam ta coi văn, sử, triết bất phân mà... nên muốn đọc xem thơ của ông bạn mình dạo này ra sao. Chỉ vậy thôi.
       Đọc hết gần một trăm trang thơ của Hải Minh, cảm nhận trước tiên của tôi là thơ ông đã đổi khác nhiều so với những gì mà tôi vẫn hình dung về nó cách đây hơn 40 năm về trước. Điều ấy là lẽ thường tình khi thời cuộc đổi thay, con người cũng thay đổi, kể cả trong thi ca. Nhưng tôi thật sự thấy mừng cho ông. Mừng vì cái vạm vỡ, cương cường và rắn rỏi trong thơ ông trước đây, bây giờ đằm hơn. Bởi lẽ ở đời cũng có không ít người suốt cả cuộc đời mà thơ vẫn giậm chân tại chỗ, muốn khác mà không thể khác được, muốn hay mà lực bất tòng tâm.    
Ngay tên tập thơ, tôi linh cảm thấy đây là cách nói của một người từng trải qua bao thăng trầm, buồn vui, ngọt bùi, cay đắng ở đời. Bởi ở đời có bao tiếng cười, nhưng đã là người làm thơ thì chí ít cũng biết chọn cho mình tiếng cười sao cho người đời và đồng nghiệp có thể chấp nhận được: 
              Khối ánh sáng nắng thủy tinh
              Đăng tải sóng: Buồn - Vui nhân thế
              Bão gầm gào - Gió lẫm lũi bươn chải
              Chuốc oán hận nhân loại!
              ...
              Ta chợt nghe một tiếng cười sang trọng.

                                (Tiếng cười sang trọng) 
       Tập thơ có khá nhiều bài viết về chủ đề quê biển của ông như: Nắng Sầm Sơn, Sầm Sơn nắng, Tắm biển, Chân đảo, Chiều quê, Chợ quê, Chốn quê... nơi chôn rau cắt rốn của nhà thơ Hải Minh, trước đây là xã Quảng Tường, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là thành phố Sầm Sơn). Nhưng có lẽ sau quãng thời gian bươn chải mưu sinh ở nhiều phương trời, ông càng khao khát cái tình quê kiểng mặn nồng, đằm thắm nên nó đã cho ông những câu thơ xuất thần: 
              Cải vàng đất bãi, đất bồi
              Ngồng hoe cả một vòm trời ven sông. 

       Có thể nói đây là hai câu thơ hay, đặc biệt là hai chữ ngồng hoe khá tinh tế và thấu đạt, khi nhà thơ đã động từ hóa tính từ hoe làm cho câu thơ tăng nặng sức biểu cảm và giá trị thẩm mỹ. Hay khi nói về sự chuyển hóa thân phận của quả lạc thành củ lạc, Hải Minh đã có những câu thơ mang tính khái quát cao: 
              Miếng da trời sà xuống bãi
              Dự báo số đời nhân sinh
              Là quả hóa thân thành củ
              Thời gian chiêm nghiệm phận mình.

                                      (Hoa lạc)
       Kinh tế thị trường đã làm cho những làng quê đổi thay đến chóng mặt. Các nhà kinh tế thấy mừng, còn những người nặng tình quê nói chung và đặc biệt là nhà thơ lại thấy nhói đau vì sự tác động của những mặt trái của nó: 
              Rau răm trồng chậu, lên thau
              Ngự sân thượng tít trời cao gió lùa
              Gió vi vút, nắng như đùa
              Chiều quê như phố như vừa bãi sông.

                                     (Chiều quê)
       Hay: 
              Vạ đò dọc, chéo đò ngang
              Chợ lăn lóc - lá phổi làng nuôi nhau.

                                     (Chợ quê)
       Mặt trái của kinh tế thị trường đã đẻ ra nhiều dự án ma, mà báo chí từng phanh phui trong những năm gần đây. Nhà văn với tư cách là tấm gương phản chiếu thời đại (Goorky), lẽ nào lại đứng ngoài cuộc trước nghịch cảnh ấy: 
              Một dự án mọc lên
              Một cánh đồng biến mất
              Ngọn gió mát đầu làng
              Ngoằn ngoèo sang màu khác.
              ...
              Một vệt ngấn phù sa
              Nhiều triệu năm phong hóa
              Chỉ một dự án ma
              Cánh đồng thành bãi cỏ... 

                               (Là cỏ)
       Kinh tế thị trường là cơ hội để phát triển đất nước, nhưng cũng là cơ hội khiến cho không ít kẻ nhắm mắt chạy theo lợi nhuận trước mắt bằng cách cố tình lập ra các dự án ma để trục lợi, đẩy bao người nông dân rơi vào cảnh khóc dở mếu dở và cũng làm cho những người có lương tâm làm ăn đứng đắn vì lợi ích cộng đồng bị vấy bẩn lây, khiến cho trắng đen lẫn lộn. Đến như chú Cuội, thật sờ sờ ra đấy mà vẫn còn bị nghi là giả: 
              Đời mài lăn lóc Cuội ơi
              Cho lòi lõi đá miệng đời còn nghi.
              ...
              Ai qui cho Cuội lọc lừa
              Ai dự báo cảnh bây giờ trớ trêu
              Thật trơ như Cuội giữa trời
              Mà thành đồ giả - giữa người trần gian.

                                  (Giải ảo)
       Phần lớn các bài thơ trong Tiếng cười sang trọng của nhà thơ Hải Minh đã cho thấy ông là người chịu khó tìm tòi đổi mới thơ trong thời gian gần đây theo xu hướng chung của thi ca Việt đương đại là chuyển từ đại tự sự mang âm hưởng sử thi chiến trận và lao động sản xuất, sang tự sự trữ tình, chia sẻ những điều mà đại bộ phận người dân quan tâm. Vì thế tập thơ đã ít nhiều chạm đến trái tim của công chúng yêu thích thơ ca. Đấy là cái được rất đáng ghi nhận của Hải Minh, dù chất lượng các bài trong tập chưa đều, có chỗ còn viết vội, nói to hoặc suy luận gượng ép. Nhưng dù sao, tôi cũng xin chúc mừng nhà thơ Hải Minh và hy vọng sẽ được đọc nhiều hơn nữa những vần thơ giàu chất suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống, lẽ đời, lòng người của ông.
                        Hà Nội, tháng 5, năm 2017
                                      Đ.N.Y


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 121
 Hôm nay: 1957
 Tổng số truy cập: 13693759
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa