Trại sáng tác và hoạt động tuyên truyền, quảng bá Văn học nghệ thuật - năm 2025
Từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 03 năm 2025, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phối hợp với Tạp chí Hòa Bình tổ chức trại sáng tác và hoạt động quảng bá Văn học nghệ thuật - năm 2025. Tham dự trại sáng tác có gần 50 văn nghệ sĩ, cộng tác viên trong và ngoài tỉnh.

Các văn nghệ sĩ thực tế tại thung lũng Lang Lung (huyện Lang Chánh)
Trại sáng tác và hoạt động tuyên truyền, quảng bá Văn học nghệ thuật - năm 2025 nhằm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Hướng tới chào mừng tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025). Việc Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phối hợp với Tạp chí Hòa Bình tổ chức trại sáng tác và hoạt động tuyên truyền, quảng bá Văn học nghệ thuật - năm 2025 cũng nhằm nâng cao trong hoạt động tổ chức và tổ chức hoạt động sáng tác Văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới. Đây là dịp động viên, khích lệ và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập vào cuộc sống, cùng giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Bên cạnh đó, các văn nghệ sĩ có điều kiện cùng giới thiệu, nghiên cứu, hoàn thiện các chuyên đề về sáng tác và cảm thụ nghệ thuật trong đời sống, tìm hiểu và phát hiện đề tài, hình thành ý tưởng trong sáng tác văn học nghệ thuật…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm thu trọn vẻ đẹp núi rừng miền Tây xứ Thanh qua ống kính
Đoàn văn nghệ sĩ đã đi thâm nhập thực tế sáng tác ở hai huyện Lang Chánh và Bá Thước. Đây không chỉ những vùng đất mới nổi về du lịch những năm gần đây nhờ có điều kiện thiên nhiên phù hợp với du lịch nghỉ dưỡng và chính sách thu hút đầu tư hợp lý, mà còn là vùng đất lắng đọng chiều sâu lịch sử - văn hóa. Sự chung sống hài hòa giữa ba dân tộc Thái, Mường, Kinh suốt chiều dài lịch sử đã tạo nên nhiều lớp lang văn hóa vừa mang sắc thái riêng biệt của từng tộc người, vừa có sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa các dân tộc. Những điểm đến vừa có bề dày cả về lịch sử và văn hóa, đủ sức khơi gợi để các văn nghệ sĩ tìm tòi, khai thác nhằm cung cấp nguyên liệu cho các tác phẩm của mình.

Chuyến đi thực tế sáng tác đã khơi nguồn sáng tạo cho người nghệ sĩ
Tại trại sáng tác, các văn nghệ sĩ đi thực tế tại một số điểm như: Thung lũng Lang Lung và thác Rồng (xã Lâm Phú), di tích lịch sử văn hóa chùa Mèo (thị trấn Lang Chánh), danh lam thắng cảnh thác Ma Hao (xã Trí Nang), bản Peo (xã Yên Thắng) ở huyện Lang Chánh; Tham quan thác Hiêu, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước); Thăm làng nghề dệt thổ cẩm người Thái ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước; Thăm mô hình trang trại trồng cam ở huyện Bá Thước,… Tại các nơi đến thăm và tiếp xúc, đoàn văn nghệ sĩ đã được lãnh đạo và nhân dân địa phương đón tiếp chân tình và nồng hậu với tấm lòng mến khách. Từ thực tế đời sống nhộn nhịp, người dân cần cù chịu thương chịu khó trong sản xuất phát triển kinh tế đã khơi gợi mạch nguồn cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó các văn nghệ sĩ có điều kiện nâng cao hơn nữa năng lực sáng tạo, cho ra đời các tác phẩm giàu hình ảnh đời sống và thiên nhiên, góp phần quảng bá vẻ đẹp đất và người xứ Thanh, những thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương. Cũng trong khuôn khổ trại sáng tác, các văn nghệ sĩ đã có những trải nghiệm du lịch cộng đồng, từ đó hiểu thêm về đời sống văn hóa của đồng bào địa phương. Trong không khí ấm áp, thân tình, các văn nghệ sĩ đã giao lưu, trình diễn các tiết mục văn nghệ, được hòa cùng đồng bào dân tộc Thái trong những điệu nhảy sạp…

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Pù Luông (huyện Bá Thước)
Trại sáng tác đã khơi nguồn cảm hứng, đam mê sáng tạo văn học, nghệ thuật cho các văn nghệ sĩ, hứa hẹn cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, góp phần vào sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà.
Quỳnh Thơm