Tối ngày 3 tháng 4 năm 2025, tại Trung tâm Hội nghị Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2025).
Dự lễ kỷ niệm, về phía Trung ương có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương; Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện thị, thành phố trong tỉnh; các Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cựu chiến binh, cựu dân quân trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng; các phóng viên cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.

Toàn cảnh lễ kỷ niệm
Sáu mươi năm trước, tối ngày 02/4/1965, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thông báo: Địch sẽ đánh lớn vào Hàm Rồng trong ngày 03/4; đồng thời nhắc nhở “Phải đánh chắc, đánh trúng, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch, bảo vệ mục tiêu, tiết kiệm đạn dược…”. Tất cả các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ ở khu vực Hàm Rồng, Đò Lèn và các khu vực trọng điểm khác luôn bình tĩnh, tự tin, củng cố công sự, trận địa vững chắc, hợp luyện thuần thục các phương án tác chiến, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài, trang bị sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu.

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm
Đúng 8 giờ 45 phút ngày 03/4/1965, Mỹ cho hàng loạt máy bay bất thần lao và cắt bom, bắt đầu từ Đò Lèn, Tĩnh Gia, Nông Cống và tiến vào khu vực trọng điểm Hàm Rồng. Ngày đầu tiên chúng sử dụng 102 lần tốp máy bay tiêm kích đánh phá dữ dội trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Không dừng lại, sang ngày 04/4, địch tiếp tục dùng một lực lượng lớn máy bay bắn phá với tốc độ và cường độ lớn, cứ 10 phút tổ chức một đợt công kích. Từng tốp máy bay từ nhiều phía lao tới như những con thiêu thân, tốp nọ thay thế tốp kia. Bầu trời Hàm Rồng vang rền tiếng gầm rú của máy bay, mặt đất rung chuyển với những tiếng nổ xé trời của bom đạn.
Trong bối cảnh đó, mặc cho địch đánh phá dữ dội, uy hiếp từ mọi phía, bom đạn bỏ xuống dày đặc; mặc cho lực lượng của địch với vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại tối tân, quân dân Thanh Hóa trên khắp các trận địa, các vị trí chiến đấu vẫn bám trụ kiên cường, với cách đánh thông minh, táo bạo, bất ngờ, quyết đánh và quyết thắng bảo vệ quê hương. Những cái tên “thần sấm”, “con ma”, “giặc nhà trời”, “kẻ đột nhập” đến “pháo đài bay”, đều bị quân dân Thanh Hóa bắn tan xác. Trong 02 ngày 03 và 04/4/1965, quân dân Thanh Hoá đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, riêng tại khu vực Hàm Rồng đã bắn rơi 31 chiếc. Đế quốc Mỹ phải cay đắng thừa nhận: “Đó là 2 ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”.

Đồng chí Nguyễn Doãn Anh - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trình bày diễn văn lễ kỷ niệm
Trong diễn văn lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Doãn Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhấn mạnh: Hàm Rồng chiến thắng trở thành tượng đài bất tử, minh chứng cho tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam trước mọi kẻ thù xâm lược. Đây cũng là thất bại lớn đầu tiên của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc, là sự khẳng định về sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam. 60 năm đã đi qua nhưng sự kiện Hàm Rồng chiến thắng mãi là bản anh hùng ca bất tử, để lại những bài học quý giá, có ý nghĩa sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Cựu chiến binh Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228, phát biểu tại lễ kỷ niệm
Trong không khí thiêng liêng của buổi lễ, các cựu chiến binh cùng ôn lại những ngày tháng hào hùng không thể nào quên cùng quân và dân tỉnh Thanh Hóa chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng… 60 năm trước họ nắm chắc tay súng, nguyện quyết tử để cầu Hàm Rồng đứng vững, làm nên chiến thắng lẫy lừng. Tự hào về tinh thần quả cảm và ý chí chiến đấu của quân và dân Hàm Rồng đã làm nên chiến thắng lịch sử, thế hệ trẻ Thanh Hóa hôm nay nguyện tiếp bước truyền thống anh hùng, với tinh thần vượt khó và không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc
Tại lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Hàm Rồng - Vang mãi bản hùng ca” gồm 3 phần: Phần I- Hàm Rồng sẵn sàng chiến đấu; Phần II- Hàm Rồng chiến thắng; Phần III- Hàm Rồng vang mãi bản hùng ca. Chương trình nghệ thuật được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa, với các cảnh diễn hóa thân của nhiều nhân vật có thật trong lịch sử, kết hợp với các ca khúc nổi tiếng về Tổ quốc, Đảng, Bác Hồ, về Hàm Rồng, Thanh Hóa trong chiến đấu và trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước hôm nay. Thông qua các cảnh lớp, các địa điểm, trận chiến đấu, chương trình khắc họa hình tượng hiên ngang, bất khuất của các lực lượng tham gia phục vụ chiến đấu trên trận địa Hàm Rồng; sự hy sinh anh dũng của bộ đội pháo binh, không quân, hải quân...

Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tại lễ kỷ niệm
Lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần quả cảm và ý chí kiên cường của quân, dân Thanh Hóa và cả nước tại mảnh đất Hàm Rồng lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống anh hùng, khơi dậy và phát huy lòng tự hào dân tộc, tự hào với quê hương Thanh Hóa. Thông qua đó, giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống trong học tập, sáng tạo, trong lao động, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu mạnh, kiểu mẫu.
Quỳnh Thơm