Khúc nghệ sĩ dân gian
TỪ NGUYÊN TĨNH
Khúc nghệ sĩ dân gian
Người nghệ sĩ làng quê
Rời tay cày nhập vào dân công
Nhiệm vụ của anh như bao nhiêu người khác
Chuyển được lương thực ra mặt trận
Nhiệm vụ của anh nặng nề hơn người thường
Làm sao vận ra “câu hò dân công”
Cho dân công bớt đi khó nhọc
Đôi chân trần bớt mỏi đường xa
Vượt qua thung sâu, đèo cao… không bóng người
Không sợ hùm, beo rình ăn thịt
Chưa tìm ra ai để viết nhạc
Không thể lấy những câu thơ cổ kim ra để hát
Không thể lấy những câu đối ra để so tài
Phải lấy từ làng quê lắm tiếng cười
Được gửi gắm nơi “truyện Trạng Quỳnh”
Điệu hò không lấy gì khó bắt
Hò lơ… lới lơ… lắng tai nghe… Ai hò lờ…
Trèo lên đỉnh dốc Pha Đin…
Thương anh bộ đội hằng đêm diệt đồn…
Ai đi hò lờ…
Nhìn thấy đoàn dân công như đàn kiến leo lên đỉnh núi
Trái tim anh xúc động dâng trào
Ai mách anh xuất thần nên câu ca đó
Nhập vào trái tim đoàn dân công
Trăng lên đỉnh núi thì cao
Tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo(*)
Một loạt “tăng sình”(**) của kẻ địch nả tới
Bóng anh mờ tan trong ánh hoàng hôn.
T.N.T
(*) Trường ca “Tượng đài dân công” sử dụng câu ca dao “Đèo cao thì mặc đèo cao/ Trèo lên đỉnh núi ta cao hơn đèo” của nhà thơ Minh Hiệu làm điệp khúc của mỗi đoạn, mỗi khúc ca. Mong ước được xây dựng “Tượng đài dân công” khắc câu ca đó, nhằm biểu dương dân công xứ Thanh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương, khi một lần Người về thăm Thanh Hóa “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
(**) Tăng sình: Tiếng đại bác.
Các tin liên quan