Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Bạn song hành - Nguyễn Huy Súc
Bạn song hành - Nguyễn Huy Súc

Con cầy cun nhảy từ cây lá lội xuống bụi rậm bên đường làm Tiếp giật mình. Anh nhảy vội xuống xe, loàn cổ lấy được khẩu súng ra thì nó đã phóng lên đến lưng đồi. Tiếp định bóp cò nhưng sợ trong rừng có người nên anh đành phải hạ súng xuống. Tiếc thật! Con cầy cun to phải bằng con Nich nhà anh mà chậm một tý hóa ra hỏng. Đang mùa trái lội ăn miếng thịt cầy cun béo như ăn miếng thịt gà thiến. Tiếp đang tiếc sần người ra thì hai con sóc lại đuổi nhau ở ngay cái cành cây trước mặt, nó nhảy từ cành cây này sang cành cây khác, đến khi nó đuổi kịp nhau lên tận ngọn cây cao thì cả hai lại nhìn Tiếp như trêu ngươi. Tiếp vừa đeo súng vào người vừa nói với đôi sóc: Chúng mày nhỏ lắm, tao có thèm bắn đâu mà phải chạy! Anh lại lên xe đạp thẳng về trạm xá.
Tiếp dựng xe dưới gốc cây nhãn rồi đi thẳng vào phòng trực. Không thấy ai, Tiếp tự tìm lấy nước uống. Anh định đi sang phòng người bệnh thì già Dơ đã từ đấy bước ra.
- Anh Tiếp về đấy à? May lắm!
- Bố! Con mới về đây. Anh Phính và chị Đạm đi đâu hở bố?
- Chị Đạm xuống hợp tác. Anh Phình lên huyện. Này, quạt đây, uống nước đi. Về nghỉ hay có việc công đó?
- Con về có việc công.
- ừ, nhưng mà tý nữa ta sẽ bàn đến chuyện đó. Bây giờ sang đây, cần hơn. 
- Ai đó, bố?
- Thằng Huýnh, thằng Huýnh con nhà ông Tiệm đi kiết đó.
Tiếp theo già Dơ sang phòng người bệnh nằm. Già Dơ vén màn lên. Thằng Huýnh nằm dán xuống chiếu, cái bụng nó tỏm xuống. Đôi mắt nó to ra và sâu hoắm. Má nó bóp hẳn lại. Da nó khô và xanh như tàu lá. Thằng Huýnh đưa hai con mắt lờ dờ nhìn Tiếp. Rồi thằng Huýnh nhận ra Tiếp, nó đưa hai bàn tay khẳng khiu ra như muốn cầm lấy tay Tiếp. Tiếp nắm lấy hai bàn tay xanh dợt của nó. Già Dơ đỡ lấy người nó mà dặn:
- Nằm yên đi, Huýnh! Huýnh này, cố mà chịu một tý, già đang làm thuốc cho mày đó. Uống thuốc vào mày sẽ khỏi thôi mà. Thằng Huýnh nằm nghiêng lại, tay nó ôm lấy bụng, mặt nó nhăn nhăn nhó nhó trông đến là thương. Già Dơ cúi xuống lôi cái bô ở gầm giường ra cho Tiếp xem phân của thằng Huýnh. Tiếp khám bệnh cho thằng Huýnh. Thằng Huýnh lại ôm bụng mà la bố, la trời.
Già Dơ và Tiếp trở về phòng trực. Tiếp lần dở xem sổ ghi chép diễn biến bệnh của thằng Huýnh. Anh hỏi già Dơ:
- Bố đã giải quyết hết những thứ này chưa ?
- Đang làm. Vừa mới hội chẩn xong thì anh về mà. Ta đang bốc thuốc cho nó đấy. Vò cho nó bát nước lá nữa, lá “truôi côông”(1) của rừng ta ấy mà. Hay lắm đó. Kiết lỵ uống vào là khỏi ngay thôi.
Tiếp ngẩng mặt lên nhìn ông già một cách trìu mến. Anh nói với ông già giọng trầm hẳn lại như anh đang nói với cả rừng núi của anh:
- Bố à, con đi công tác dưới tỉnh nhưng con vẫn nhớ rừng ta. Rừng ta có con hươu, con nai, con khỉ... con nào cũng làm được thuốc bổ; có cây, có lá làm được thuốc bệnh. Thứ gì cũng quý! Trên lại cho con về rừng ta điều tra những cây thuốc quý đấy, bố à!
- ừ, thuốc rừng ta nhiều lắm. Một nghìn thứ cây, một nghìn vị thuốc đó. Không có cây rừng thì bà con bản Trảng Phình ta không sống được đâu. Hòn đá cũng còn có khi vã mồ hôi huống chi con người ta cũng phải có lúc ốm đau chứ. ốm đau mà không có thuốc thì chết, anh Tiếp à. Thằng Huýnh từ sáng đến giờ đi bảy, tám lần rồi. Anh Phính phải mang phân của thằng Huýnh lên bệnh viện xét nghiệm, chị Đạm phải xuống hợp tác xã của thằng Huýnh nói cho bà con biết mà phòng ngừa. O Mùi ở nhà lo truyền huyết thanh bù nước cho thằng Huỳnh. Còn ta thì đang làm thuốc chữa cho nó đây. Phải dập ngay tận gốc, bà con mường ta bây giờ đang bận lắm, công việc đang đuổi họ. Lúa dưới đồng chín, ngô trên nương già.
- Bố à, cứ làm theo ý kiến hội chẩn, đợi anh Phính về xem kết quả xét nghiệm ra sao rồi ta bàn bạc bổ sung thêm cách chữa cho thằng Huýnh. 
Già Dơ lắng nghe ý kiến của Tiếp, rồi sực nhớ ra công việc mình đang làm dở, già liền bảo Tiếp:
- Ta đang dở tay lọc bát nước thuốc cho thằng Huýnh, cho nó uống thuốc xong ta sẽ làm việc với anh. Anh ở đây nghỉ tạm một lát cho nó đỡ mệt.
Già Dơ đứng lên. Mái tóc ông bạc trắng, da dẻ ông hồng hào, những sợi râu dài muốt như cước của ông bay về một phía cổ. Trong chiếc áo choàng trắng có in dấu thập hồng ở ngực, nhìn ông đẹp như một ông tiên. Tiếp nhìn theo ông già mãi cho đến khi cái bóng ông khuất vào trong khung cửa của phòng Đông dược anh mới đứng lên đi ra vườn cây thuốc. Những cây mạch môn được trồng thẳng hàng, những cây hương nhu, những vạt sinh địa, những rõng sài đất... Ôi! mấy cây thuốc quý đang được già Dơ nhân giống như cuốn hút Tiếp về với thế giới thực vật. Anh thấy trong lòng tràn đầy lòng tự hào về thành quả của trạm y tế mường anh. Và bất chợt, cái câu chuyện giáp mặt giữa anh và già Dơ cách đây hơn mười năm, cái ngày thằng Huýnh còn đỏ hỏn nằm bên mẹ nó thập tử nhất sinh. Thời gian đã trôi qua, câu chuyện đã lãng quên vào sự thay da đổi thịt của bản Trảng Phình này. Có lúc câu chuyện lại gợi lên trong Tiếp một cái gì đẹp đẽ mà sâu lắng từ tận đáy con tim của người thầy thuốc đã biết mang khoa học ra đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan của xã hội phong kiến xấu xa để lại...

*
Năm đó, đẻ thằng Huýnh được một tháng thì bà Tiệm lên ung đinh sau lưng. Đang đêm, chẽm Khang(2), y tế hợp tác xã vào trạm xá báo cho Tiếp biết. Trời tối như bưng, Tiếp, Phính, chẽm Khang băng qua khu rừng sặt để đến nhà ông Tiệm. Bà Tiệm mê man, người nóng hầm hập. Đám miệng nhọt ở sau lưng bà đã bắt đầu vỡ mủ, mùi tanh nồng khó chịu. Nhìn bà Tiệm, Tiếp thương quá. Tiếp bàn với ông Tiệm:
- Ông Tiệm à, đưa bà Tiệm đến trạm xá cho chúng tôi tiêm thuốc đi?
Ông Tiệm trả lời:
- Nhà ta ít người lắm. Đưa nó đi thì phải đưa cả cái thằng Huýnh, con ta đi. Rồi ta cũng phải đi theo chăm chúng nó chứ. Ta đi, ai chăn con trâu, ai cho con lợn, con gà ăn. Mẹ nhà ta thì già mất rồi, ngồi một chỗ thôi, không làm được việc gì cả. Không đưa vợ con ta đi được đâu, anh Tiếp à.
- Cứ để bà Tiệm và thằng Huýnh ở trạm cho chúng tôi tiêm thuốc và chăm sóc cho. Ông Tiệm đừng lo. Có tôi, anh Phính, cô Đạm và O Mùi ở trạm mà.
- Không được đâu, mẹ nhà ta không vừa cái bụng thì ta phải chịu thôi.
Tiếp, anh Phính và chẽm Khang vận động mãi nhưng ông Tiệm vẫn lừng khừng, luẩn quẩn. Ông Tiệm thì nửa muốn đưa vợ đến trạm xá, nửa lại phải theo ý của bà mẹ để bà Tiệm nằm ở nhà. Mẹ ông đã nói với ông: “Cứ để nó ở nhà, tiêm đau lắm, tội thân nó, mà tiêm có khỏi đâu, khổ cả cái thằng cháu nội tao nữa là. Để tao sang điện thờ của ông đồng Dơ xin cho nó bát nước phép. Mày cũng biết rồi đó. Uống nước phép vào là nó khỏi thôi mà!”. Cuối cùng Tiếp bảo anh Phính trở về trạm, còn Tiếp ở lại chữa bệnh tại nhà cho bà Tiệm.
Trời đã sáng. Sương mù và mây luồn vào từng ngóc ngách các căn nhà sàn. Dưới sân nhà ông Tiệm đàn gà đang thi nhau mổ ngô. Những con gà trống vừa tranh ăn vừa gáy váng cả sân. Mẹ ông Tiệm đi đâu từ lúc trời chưa sáng giờ mới về. Bà cúp núp bưng bát nước “phép” lại cho con dâu uống. Bà lén lút nhìn Tiếp. Từ ngày Tiếp đi học y sĩ về đến nay, cái bụng bà không ưa cái công việc của Tiếp. Bà đã từng nói với mọi người: “Thằng Tiếp nó không phải là người của mường ta rồi. Nó mang cái thuốc ở đâu về tiêm đau phát chết lên cho bọn con nít và người già mường ta. Không được đâu. Chết thôi!”. Tiếp nghe đến tai, Tiếp buồn lắm. Nhưng rồi Tiếp lại nghĩ: “Bà ấy chưa hiểu việc làm của Tiếp thì bà ấy nói vậy thôi, mình được cấp trên cử đi mang những tiến bộ khoa học về,  mình phải tìm cách vượt qua những khó khăn, thuyết phục nhân dân để góp phần xây dựng mường Trảng Phình ngày một tiến bộ lên thôi!”. Tiếp vận động dân phải đưa con trâu, con lợn ra khỏi gầm nhà sàn. Phải làm nhà vệ sinh ra xa nhà. Nhốt con trâu con, con lợn trong gầm nhà là bẩn lắm, nó sinh con ruồi, con muỗi. Ruồi, muỗi lại truyền bệnh cho người. Cứ phóng uế bừa bãi bên bờ suối, trên sườn đồi, khi mưa nước bẩn chảy xối xuống khe, xuống suối, ta ăn nước khe, nước suối như vậy là bẩn lắm, mắc bệnh đó. Tiếp nói vậy, lúc đầu có người chưa tin. Họ bảo là đời ông, đời cha ta cũng ở như vậy mà sống bảy tám mươi tuổi. Tiếp vẫn kiên trì vận động. Anh và các cán bộ làm việc ở trạm xá xã làm ở nhà mình trước. Rồi đồng chí bí thư, đồng chí chủ tịch xã cùng làm, đến các ông trong ban quản trị hợp tác, các ông đội trưởng đội sản xuất đều làm tuốt. Cuối cùng, bà con thấy lợi nên ai cũng làm như Tiếp hướng dẫn: Không nhốt trâu, nuôi lợn dưới gầm sàn nhà nữa. Làm nhà xí xa nhà ở. Mỗi thôn, tùy từng chòm chín mười nhà đi lại thuận đường, hợp tác và xã hỗ trợ gạch để bà con đào xây giếng. Thế là toàn dân mường Trảng Phình nhà ai cũng được ăn nước giếng; Không còn nhà nào phải ăn nước khe, nước suối. 
Ông Tiệm và Tiếp đang ngồi ở cửa vóng(3) thì Phính đến. Phính quăng cái xe đạp ở bụi nứa nhà ông Tiệm, vừa thở vừa nói với Tiếp:
- Anh Tiếp à, về đi! Về trạm xá chữa bệnh cho anh Mẫm. Về, chiều lại đến thăm bệnh cho bà Tiệm thôi mà. Chị Đạm bảo đấy.
- Anh Mẫm đau ở đâu, Phính?
- Đau cái bụng, lại còn ỉa chảy nữa. Nặng lắm. Mất nước, có triệu chứng nhiễm độc thần kinh rồi. Chị Đạm và y sĩ Mùi đang cho bù nước và điện giải đấy.
Nghe Phính nói, Tiếp giật thót người lên. Gay đây! Bà Tiệm chỉ mới bớt sốt. Cứ hai giờ đồng hồ Tiếp lại phải tiêm cho bà tiệm một mũi pe-ni-xi-lin. Tiếp về trạm việc đó ai làm được. Chẽm Khang thì đi tìm xác rắn trong rừng chưa về. Phính cũng không ở lại được vì còn bao nhiêu việc ở trạm. Không về trạm, nhỡ anh Mẫm xảy ra chuyện gì thì cái bụng Tiếp làm sao yên được. Nghĩ đi tính lại rồi Tiếp thăm bệnh, tiêm cho bà Tiệm xong, Tiếp và Phính phải trở về trạm xá.
... Đêm đã khuya. Đồng Dơ chống gậy lọ mọ đi sau bà mẹ ông Tiệm để lên thang gác. Đồng Dơ hỏi khẽ ông Tiệm:
- Xong chưa?
- Chưa.
- Làm nhanh đi. Thằng Tiếp nó nói lúc nào nó đến?
- Nó nói chiều tối nhưng bây giờ nó chưa đến là thằng Mấm gay rồi. Nó cũng không dám đi tối một mình đến nhà ta đâu.
Ngồi một lúc, đồng Dơ lại hỏi:
- Gà gáy chưa, ông Tiệm.
- Gà gáy đầu rồi.
- Này, ông lấy cho ta một khúc cây chuối con chưa? Tắt bớt đi một ngọn nến, tý nữa hãy đốt thêm.
Ông Tiệm làm theo chỉ dẫn của đồng Dơ. Đang trong tình trạng lo lắng về sự xuất hiện bất thần của Tiếp nên đồng Dơ bày không đúng nghi lễ mà ông đã lĩnh hội được của bố ông từ thời vua Bảo Đại: Không chiêng trống, không thuyền rồng để rước các “ngài” ở thủy âm về. Thậm chí đồng Dơ còn tiết kiệm cả tiếng nói, cần gì đồng Dơ lại ghé sát vào tai ông Tiệm mà thì thào như kẻ trộm chia của: Múc cho ta chén nước đi, ông Tiệm! Lấy cho ta cây nến nữa đi!..
Làm xong những việc đồng Dơ phán, ông Tiệm đứng như người mất hồn chờ lệnh của đồng Dơ. Thỉnh thoảng ông lại thở dài. Nghĩ đến vợ, đến thằng con đang đỏ hỏn ông lại lo cho cái số phận của ông. Bà Tiệm mà chết đi thì ông vất vả lắm. Cảnh gà trống nuôi con, lặn lội đầu tắt mặt tối... Ông thương mẹ già. Thương vợ. Thương con. Rồi ông lại thương chính bản thân ông. Ông đưa con mắt chán chường nhìn đồng Dơ bày cỗ cúng. Đồng Dơ đã làm ông nhớ đến đời mình ngày còn trẻ. Hồi đó, ông Tiệm không bỏ sót một buổi cúng nào. Có đám người ta nhờ ông tiệm ngồi đồng. Người ta nói là khi đó con ma nó hiện vào người mình, mình làm việc gì cũng không biết nữa. Có phải mình làm đâu, ma nó làm đấy chứ! ấy thế mà riêng ông, ông không thấy ma hiện vào ông. Ông cũng làm mọi việc giống như những người ngồi đồng khác: ăn, uống, đòi các thứ, đạp đổ linh tinh... Bởi vì trước khi ngồi đồng ông đã được đồng Dơ bấm bấm vào vai rủ ra vườn, rỉ tai: 
- Tiệm à, mày muốn ăn xôi uống rượu với thịt gà thì mày khua chân múa tay lên cho mạnh vào nhá. Muốn ăn thịt thì mày ăn. Muốn uống rượu thì mày uống. Thiếu thì mày đòi. Không thích thì mày đạp đổ. Nhớ chưa nào? Tao khấn, rồi khi tao dậm chân và cầm nắm hương đang cháy nhìn thẳng vào mặt mày, tao xoay đến vòng thứ ba thì mày thượng nhá.
Ông Tiệm đã làm theo lời ông đồng Dơ dặn trước. Không những ông thấy vui vui, hợp với cái thời trẻ trung của ông lúc bấy giờ và sau mỗi lần cúng, ông còn được ăn ngon, uống say, còn được nhà chủ cho tiền. Có nhà cảm thấy mát mẻ, vừa cái bụng họ còn cho ông cả một đồng bạc trắng nữa... Thích thích là! Còn bây giờ, ông Tiệm nhìn ông đồng Dơ bày cỗ cúng mà lòng ông ngao ngán, mặc dù ông đồng Dơ đã tâm sự với ông tiệm:
- Ta cúng cho nhà ông là ta cúng thật. Cúng ông bà tổ tiên nhà ông sống khôn, chết thiêng về phù hộ cho vợ ông chóng khỏi khi uống nước lá cây rừng ta đã hái, rồi ta rắc cái vị xà thoái vào những cái miệng của ung đinh sau lưng vợ ông thôi. Vợ ông sẽ khỏi mà. Mế ông cũng được vui cái bụng nữa. Ta không có cúng ma mãnh như ta cúng cho mọi nhà ngày trước ông đi với ta đâu. Thật cái bụng mà! Ta không lừa ông đâu. Ông Tiệm lại thở dài sườn sượt. Đúng là há miệng mắc quai... Nhưng thôi. Cúng thì cúng. Cúng cho mẹ ông vừa cái bụng, vì mẹ không hiểu cho cái bụng ông lúc này. Với lại có bệnh thì vái tứ phương! May ra trúng cái gì được cái đó. Vả lại cúng thì nhà ông cũng không phải mua thứ gì cả: Gạo ông làm ra, ông đồ xôi, nấu rượu. Gà ông nuôi được, ông làm thịt... Chiều lòng mẹ ông, uống nước lá của ông đồng Dơ thì cứ uống, nhưng cứ phải theo tiêm thuốc của anh Tiếp. Không nhỡ vợ ông có mệnh hệ gì thì ông xót cái bụng lắm. Vợ ông sống với ông thật như cái cây, hiền như cái lá ngoài rừng. Nhớ những mùa quả trám, vợ ông lên đồi nhặt quả trám về kho với cá gáy ông bắt được ở hồ Vân Đội nhà vui vui là! Cá kho trám ăn với cơm gạo sọng(4), cơm vừa thơm vừa ngon mà ăn miếng trám còn ngon hơn miếng cá. Lại có những khi thất bát, trong nhà không còn cái ăn, hai vợ chồng rủ nhau vào rừng đào củ mài, củ nâu ăn thay cơm, vất vả mà vui như vợ chồng con chim cu gáy, cu gù...
Ông Tiệm cứ nghĩ miên man mãi. Ông thở dài, thở dài thật là não nuột. Rừng đêm im ắng trong màn sương và mây bao phủ đến rợn cả người. Từ trên lưng đồi, ngay sau nhà ông Tiệm, tiếng con chim thủ thỉ, thù thì(5) gọi nhau cứ như xoáy vào đêm tối...
Từ cánh rừng vầu nổi lên những cơn gió. Tiếp cầm trong tay ngọn nến nhựa cây trám nhồi vào trong đầu đoạn ống nứa đi đến nhà ông Tiệm. Đến chân dốc Lim, nến tắt vì không chịu được gió. Tiếp đi qua truông Thủ Chính, khi mờ, khi tỏ. Những cái lá sặt sắc cạnh cứ quất vào mặt anh ran rát. Đến ngõ nhà ông Tiệm, Tiếp thấy trên nhà đèn sáng choang và có tiếng người rì rầm. Tiếp đi lại phía cửa vóng nhìn lên. Ông Tiệm đang sửa lại cỗ xôi, con gà, chai rượu cho bàn cỗ cúng ngay ngắn lại. Đồng Dơ dở cái áo thường mặc làm lễ từ trong cái túi mông mốc ông thường đeo cặp kè bên hông ra. Đồng Dơ trải cái áo ra chiếu, ông dùng hai bàn tay vuốt từ đoạn giữa thân áo ra hai bên cho nó đỡ nhàu. Đoạn, ông đứng lên mặc áo, chít khăn. Đồng Dơ vái lạy tứ phía rồi quay lại, ngồi phía trước nơi bày cỗ cúng, lắc cái chuông khe khẽ, lầm nhầm khấn...
ồ! đồng Dơ. Đúng là đồng Dơ rồi! Thế ra ông ta vẫn chưa từ bỏ được cái trò lừa gạt này ư? Được! Từ dưới chân cầu thang nhìn lên thấy những động tác khua tay, bắt ấn của đồng Dơ, Tiếp thấy người mình nóng lên. Anh đã định nhảy lên nhà lôi cổ đồng Dơ về trạm xá “lên lớp” cho một trận. Nhưng Tiếp lại nghĩ: “Bây giờ là lúc phải bình tĩnh làm cho mẹ con ông Tiệm nhận ra bộ mặt thật của đồng Dơ và chính đồng Dơ phải tự nhận việc làm này là lừa dối, là xấu xa...”.
Chừng như khấn vái đã mỏi miệng, đồng Dơ gọi mẹ ông Tiệm ra, nói với bà:
- Mế à! Bà Tiệm bị con ma rừng nó ếm. Nó thù nên nó bắt đấy. Nhưng nhờ hồng phúc nhà còn vượng. Lại thêm âm binh bên điện nhà ta theo sang đây mạnh nên đã tống tiễn nó đi được rồi. Các ngài bên điện nhà ta cho bát “nước của thánh” để bà Tiệm uống đấy! Mế và ông Tiệm đỡ bà Tiệm dậy để ta cho bà Tiệm uống “nước của thánh”.  Các ngài còn bảo chính tay ông Tiệm phải hỏa táng cái xác linh xà kia lấy than rắc vô những cái miệng ung nhọt ở sau lưng cho bà Tiệm. Bây giờ thì Mế và ông Tiệm làm đi!
Ông Tiệm vẫn với nét mặt thảm hại đi về phía cái màn trong đó có vợ ông đang nằm. Bà mẹ ông Tiệm thì vui ra mặt. Bà ghé sát vào tai ông Tiệm thì thào phả cả cái mùi cốt trầu nồng vôi vào mặt, vào mũi con trai: 
- Phúc nhà còn to đó Tiệm à! Không biết, cứ để thằng Tiếp nó tiêm thì vợ mày chết thôi. Lạy Giàng! Lạy thánh muôn vàn mớ bái! Được lộc của thánh, vợ mày nó đỡ nóng đi, nó tỉnh táo lại, ăn được tí cháo, gọi là có hơi cơm, hơi gạo của rừng ta, mới hòng mà sống.
Đồng Dơ bưng “bát nước thánh” một cách trịnh trọng đi lại chỗ bà Tiệm nằm. Cùng lúc đó, Tiếp từ chân cầu thang bước lên sàn nhà. Trông thấy Tiếp, đồng Dơ run bắn người lên. Bát “nước phép”từ tay đồng Dơ rơi xuống sàn nhà đổ vãi tung tóe. Tiếp vẫn cố giữ nét mặt bình thản, anh hỏi đồng Dơ:
- Già Dơ định cho bà Tiệm uống thuốc gì đấy? 
Đồng Dơ choáng váng, sự việc đến bất ngờ khiến ông ta trở tay không kịp. Người ông ta run lên cầm cập. Cỗ xôi, con gà, chai rượu và hai cái xác rắn cuốn như leo tròn trên hai đoạn cây vầu ông bảo ông Tiệm dựng đứng ngay hai bên nơi bày cúng đã làm ông ta phải câm như hến. Đấy là chưa kể cái áo cúng nhầu như dẻ nút hũ, nham nhở những lỗ do chuột khoét, do nhán nhấm như đang trói chặt ông lại. Miệng ông ta ấp úng, nói ríu cả lưỡi lại:
- Dạ... Dạ thưa, xin anh tha thứ cho. Eng... En biết cái tội bày đặt cúng bái và cho “nước... nước thánh... thánh” của en  rồi. Dạ... Dạ thưa là  bây giờ, bây giờ en định đốt hai cái... Cái xác rắn, lấy than... g... Lấy thang để dắc lên nu độc cho bà Tiệm đó ạ!
- A, già dùng cái vị “xà thoái”, phải không? Xà thoái thì được đấy nhưng cái gọi là “nước phép” là nước gì đấy?
- Dạ thưa!... dạ thưa nó là nước lá cây ngư tỉnh thảo trộn với nước cỏ cúc giáp eng giã và vắt nước cho vào ống nứa mang đến đây để làm “nước phép” cho bà Tiệm uốông. 
- A, thế là già đã dùng nước cây dấp cá và cây sài đất để chữa hậu bối cho bà Tiệm đấy. Được đấy! Hai cây này có chất chống viêm. Nội ẩm, ngoại đồ kia đấy! 
- Dạ thưa, dạ thưa eng là có cả nôội ẩm ngoaại đồô đó ạa!
- Thế thì già cùng chúng tôi kết hợp chữa bệnh cho bà Tiệm nhé? 
Đồng Dơ nghe Tiếp nói vậy mà người cứ run lên lập cập làm rung cả sàn nhà của ông Tiệm. Tiếp vẫn nghiêm nét mặt nhìn đồng Dơ, anh hỏi thêm:
- Còn chuyện xôi, gà, vàng hương mời thánh thì sao?
- Dạ thưa... Dạ thưa, mong anh tha thứ cho eng lần này. Cuúng, cúng chỉ là việc eng bày ra để làm cho cái bụng bà mế ông Tiệng với vợ yên cái bụng mà dùng thuốc của em thôôi. Em xin anh lần này thì em chừa hẳăn...
Đồng Dơ cứ ríu lưỡi lại, nói những câu gì nữa mà Tiếp không nghe rõ. Trên trán ông, những giọt mồ hôi đang từ từ lăn xuống hai cái hốc má hóp của ông. Ông lùi lại đứng vào chỗ tối. Bà Tiệm vẫn sốt cao. Bây giờ thì bà bắt đầu nói lảm nhảm. Máu mủ ở đám miệng nhọt lỗ chỗ như tầng ong ở phía sau lưng bà rỉ ra ướt át và hôi hám. Những tiếng rên của bà Tiệm, rồi cái giọng oe oe không thành tiếng của thằng Huýnh vì đói sữa như đã kéo Tiếp ra cuộc đấu khẩu với đồng Dơ. Tiếp cặp nhiệt độ lại cho bà Tiệm. Bốn mươi độ năm! Tiếp nói với ông Tiệm:
- Ông Tiệm à, giờ thì bà ấy lại sốt cao lắm đấy. Đem cái khăn mặt ra nhúng nước lạnh đắp lên trán cho bà ấy đi. Cái lọ thuốc lúc trưa tôi tiêm còn một nửa đâu rồi. Cái lọ thuốc mà ông gọi là thuốc khói(6) đó? Đưa ra đây để tôi tiêm nốt cho bà tiệm. 
Ông Tiệm lục ở đầu chiếu, dưới mớ quần áo làm gối đầu cho bà Tiệm, lấy lọ pe-ni-xi-lin đưa cho Tiếp. Bà mẹ ông Tiệm vẫn nhìn ông Tiệm một cách hằn học. Đầu óc bà đang rối mù lên, bát nước phép đổ rồi biết lấy gì cho con dâu bà uống. Bà rón rén đi lại chỗ đồng Dơ nói khe khẽ:
- Ông xầy ơi! Xôn nọ mê pất roi, Cho xôn nọ bát rác phép khác dợ nọ oọng côồng(7). 
Không để cho bà nói thêm, đồng Dơ xua tay rối rít cho bà im đi. Biết ý, Tiếp quay lại hỏi đồng Dơ:
- Bà Tiệm khát nước lắm phải không, thưa già?
- Dạ ! Dạ... em đã nói là không có con ma nhưng...nhưưng...nhưng mế của bà Tiệng đây cứ... cứ... cứ bắt eng phảai... phảai...
*
Tiếp trở lại phòng người bệnh khi già Dơ đã lọc xong bát nước “truôi côông” cho thằng Huýnh. Một tay già Dơ bưng bát nước thuốc, một tay cầm cái thìa con bón cho thằng Huýnh từng thìa. Thằng Huýnh cứ chực nhổ nước thuốc ra. Già Dơ dỗ nó:
- Huýnh à, con phải ngoan lên chứ. Một ngụm nữa thôi, chịu khó mà uống con à! Khó uống lắm phải không? Nhắm mắt, nhắm mũi lại mà uống. Ngụm nữa thôi nào! Thế, thế! Khéo lắm, thằng cháu Huýnh của già khéo lắm! Già Dơ vừa đưa thìa thuốc vào miệng cho thằng Huýnh vừa khiến cái miệng mình dỗ dành thằng Huýnh trông ông mới trìu mến làm sao.
- Ôi Giàng ơi! Đau lắm Giàng ơi, cha mẹ ơi đắng lắm ! Thôi, thôi không uống nữa đâu, cọp bắt à...
- Hết rồi đây này. Thìa cuối cùng đây. Già biết thằng cháu Huýnh của già đau lắm chứ, đắng lắm chứ! Nhưng phải uống cái nước lá “truôi côông” này vào thì mới khỏi đau cái bụng để về với bố mẹ được chứ. Về để còn đi học với các bạn nữa chứ!
Tiếng già Dơ dỗ thằng Huýnh uống thuốc làm Tiếp cảm động.
Trong những năm tháng làm thầy thuốc của anh, đã nhiều lần anh dỗ con bệnh uống thuốc như vậy. Nhưng bây giờ, ở anh, tiếng già Dơ dỗ thằng Huýnh uống thuốc làm anh càng yêu mến hơn con người của bản, của mường Trảng Phình, nơi đã sinh ra anh; Yêu cái cây, cái lá của rừng Trảng Phình đã nuôi anh khôn lớn và trưởng thành.
Tiếp nhìn những đường kẽ biểu diễn của tấm biểu đồ về các mặt hoạt động của trạm y tế đóng trên tường nhà, bỗng anh bắt gặp cái túi vải mông mốc của già Dơ. Cái túi ngày xưa già Dơ thường đựng những ống “nước phép”, những lá bùa, cái chuông già lắc những khi già hành lễ, lên đồng... Cái túi anh nhớ như đẽo vào óc ấy, ngày nay già Dơ dùng để đựng những ấm thuốc lá, những chai thuốc lá rừng nhà đã được bào chế để chữa bệnh cho người dân bản mường. Tiếp nghĩ đến những đổi thay của bản Trảng Phình, đến người bạn đồng nghiệp già của anh, anh mỉm cười.
Một làn gió nhẹ từ cánh rừng sau trạm xá tràn xuống, mang hương thơm của cây lá, của hoa rừng ập vào làm Tiếp cảm thấy trong người anh sảng khoái.  
            

N.H.S

(1) Có nơi còn gọi là lá phượng vĩ
(2) Nhiều nơi người đẻ con gái đầu lòng thường gọi là chẽm ở trước tên của bố và mẹ: Anh chẽm, chị chẽm, bác chẽm, chú chẽm
(3) Cửa sổ ở nhà sàn người ta gọi là cửa vóng 
(4) Thứ gạo từ một thứ lúa trồng trên đồi thơm như gạo nếp, ăn rất ngon 
(5) Có nơi gọi là chim từ qui 
(6) Một số nơi, người dân thường gọi pe-ni-xi-lin là thuốc khói
(7) Câu nói bằng tiếng Mường (vùng Thạch Thành): Ông thầy ơi! Cháu nó mê mất rồi, cho nó bát “nước phép” khác để nó uống đi!


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 50
 Hôm nay: 4064
 Tổng số truy cập: 13599108
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa