1. Trước khi gọi taxi đi đón ông chú ruột ở ga Hà Nội, tôi dặn vợ:
- Chú Thuần ra chơi, em đừng nhắc đến chuyện về hưu của chú nhé.
Vợ tôi cười cười:
- Anh đã nhắc em mấy lần rồi thôi.
- Anh sợ em quên. à, mà em phải dặn cả thằng Tú nữa đấy.
- Bọn trẻ, chúng nào đã quan tâm gì đến chuyện hưu trí mà anh lo.
- Thì cứ cẩn tắc vẫn hơn.
Lát sau, chiếc xe taxi đỗ trước cửa cùng với một hồi còi. Vội vội vàng vàng đi ra, nhưng tôi vẫn lẩm cẩm dặn vợ thêm một lần nữa:
- Em phải nhớ đấy...
2. Chú Thuần tôi là giám đốc sở Giao thông vận tải của một tỉnh phía Nam. ở tuổi ông, khối người còn phải chạy chọt nước rút để được đề bạt làm quan, thế mà mới hơn năm mươi, chú tôi đã hưu. Khi nhận được tin này tôi hết sức ngỡ ngàng nhưng sau đó biết ông về hưu vì sự cố, cái sự cố suýt làm ông thân bại danh liệt, tôi không khỏi ngậm ngùi. Tôi cũng đoán rằng, một người hiền lành, trọng sự công bằng trong trật tự, hẳn ông đau khổ và hận nữa. Vì thế, khi nhận được điện thoại báo, ông đã trở thành người vạn đại, muốn ra Hà Nội chơi một thời gian, kết hợp giải quyết một số công việc, tôi phải dặn dò vợ con phải chuẩn bị đón ông thật chu đáo. Theo đó, một phòng rộng trong căn nhà bốn tầng của chúng tôi được kê một chiếc giường mới, một cái bàn viết nhỏ, một bộ bàn ghế tiếp khách gỗ tốt, bắt mắt. Trong phòng có hệ thống nghe nhìn đầy đủ. Tôi chọn trong tủ sách gia đình ra mấy bộ sách quý cả Tây lẫn Tầu đặt lên chiếc kệ gỗ ở đầu giường, nơi tiện với tay nhất.
Khi nhìn căn phòng đã có phần hòm hòm, tôi tranh thủ hỏi ý kiến vợ xem có thiếu thứ gì nữa không. Vốn có khướu hài hước, nàng bảo: “Phòng này tương đương với phòng của tổng thống một nước đang phát triển, vừa thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu”.
3. Chú Thuần và tôi sinh cùng tháng cùng năm chỉ khác ngày. Cha mẹ tôi sinh hạ trưởng nam đầu tháng. Ông bà nội tôi sinh con trai út cuối tháng. Là chú cháu nhưng tính theo ngày sinh, chú Thuần còn kém tôi 23 ngày. Hai chúng tôi được cùng một lúc bú bốn bầu sữa. Con bú mẹ, bú chị. Cháu bú bà, bú mẹ nên cả hai đều lớn nhanh như thổi. Mẹ tôi kể rằng, hồi nhỏ, hai chú cháu tôi được gọi là cối xay. Để phân biệt, chú Thuần là Cối chú còn tôi là Cối cháu. Lớn lên, ông nội dạy hai chúng tôi tu thân theo câu của đức Khổng Tử: “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tịnh dã” (Thấy người tốt nghĩ cách bằng họ, thấy người không tốt, tự xét mình). Ông nội tôi dạy dỗ cẩn trọng là thế nhưng chỉ chú Thuần lĩnh hội được sự giáo dục của ông. Bởi thế, cuộc đời của chú luôn gặp mọi sự suôn sẻ. Mười tám tuổi chú vào đại học. Hai mươi sáu tuổi chú được đề bạt làm trưởng phòng. Ba mươi bốn tuổi làm giám đốc một nhà máy chuyên đóng các phương tiện vận tải đường sông. Kém một tuổi đầy bốn mươi, chú làm giám đốc sở và có ghế trong Tỉnh ủy.
Về đường thê nhi, chú tôi còn thuận lợi hơn cả đường công danh. Thím Loan tôi đẹp người, đẹp nết và đa tài. Thím sinh hạ trong một gia đình có truyền thống mấy đời làm nhà giáo. Thoạt đầu, thím cũng theo nghề của cha ông nhưng sau đó các ông đạo diễn đã mời thím đóng phim và thím trở nên nổi tiếng trong một số bộ phim với các vai diễn về nhân vật cô giáo, bác sĩ, cán bộ đoàn thể thanh niên, phụ nữ... Là một diễn viên có tiếng nay đây mai đó nhưng thím Loan rất có trách nhiệm với cơ nghiệp của chồng và nhà chồng. Bình sinh, ông bà nội tôi quý thím nhất trong bốn người con dâu. Ba người con, một trai hai gái của chú thím đều thành đạt. Các em đều là tiến sỹ, thạc sỹ. Riêng em gái đầu có thêm hàm phó giáo sư ở tuổi hai sáu.
Chú tôi thuận lợi hanh thông bao nhiêu thì tôi lận đận bấy nhiêu. Mười tám tuổi đi lính. Vào bộ đội được chọn làm văn công cấp trung đoàn, mà hồi đó được gọi là Đội Tuyên truyền văn hóa văn nghệ. Đội này tập trung mỗi năm hai lần, mỗi lần vài tháng tập luyện chương trình và đi biểu diễn trong địa bàn trung đoàn đóng quân hoặc đi hội diễn cấp tỉnh đội, quân khu. Đơn vị nơi tôi biên chế xem những người như tôi là diện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên chả ai quan tâm đến sự đề bạt, cất nhắc. Đến khi trung đoàn sáp nhập với đơn vị khác, tôi ra quân. Đi bộ đội ba năm được mỗi cái quân hàm binh nhất. Trước khi phục viên, tôi có đề nghị ban chỉ huy phong quân hàm hạ sĩ thì chính trị viên tặng tôi một cái khăn và một quyển sổ, ông thân mật nói: “Đối với người quân nhân cách mạng, một năm mười cấp chưa phải là nhanh, mười năm một cấp chưa phải là chậm. Nay đồng chí phục viên, cần gì phải phong cấp nữa. Đại đội tặng đồng chí một chiếc khăn và một quyển sổ. Quyển sổ đồng chí dùng để ghi chép những lời hay, ý đẹp trong cuộc sống hằng ngày, cái khăn thì dùng phủi đi những hạt bụi phi vô sản trên người”. Tôi hỏi lại chính trị viên: “Thưa chính trị viên, hạt bụi phi vô sản nó như thế nào ạ?”. Chính trị viên nghiêm mặt: “Chỉ riêng câu hỏi đó cũng đủ chứng minh, đồng chí chưa xứng đáng được phong quân hàm hạ sỹ”.

Minh họa: Sỹ Tốt
Về quê, tôi thi đỗ vào đại học rồi tốt nghiệp, rồi đi làm. Đến năm gần bốn mươi tuổi mới được bầu làm thư ký công đoàn phòng. Nhưng chưa giữ chức vụ thì có vấn đề. Đó là lần khai lý lịch, ở mục thành phần, nghề nghiệp gia đình trước cách mạng, tôi nói đùa rồi khai, nghề gia đình tôi là nghề vây bắt. Câu đùa của tôi lọt vào tai một kẻ hóng hớt. Kẻ đó đi tâu với cấp trên. Tôi được người có thẩm quyền gọi lên hỏi xem có phải trước cách mạng, cha ông tôi đã làm mật thám, cẩm, cò cho Pháp không? Tôi cười hì hì: “Dạ thưa, ông cha tôi trước cách mạng làm nghề đánh bắt cá ạ”. “Sao không nói rõ là ngư nghiệp mà lại lấp lửng thế?”. Tôi vẫn cười: “Dạ, làm công tác công đoàn phải cần vui vui cho nó có phong trào chứ ạ”. Người tiếp tôi đập bàn: “Công đoàn là tổ chức đoàn thể của giai cấp công nhân, không phải là nơi nói đùa”. Và vì lý do đó, quyết định công nhận tôi bị hủy. Cùng năm ấy, chú tôi được mời đi làm giám đốc sở Giao thông vận tải ở một tỉnh phía Nam. Chú đến gặp tôi. Khác hẳn phong thái nhu mì hằng ngày, chú Thuần nổi cáu phê phán tôi nhiều nhẽ. Cứ như lời chú thì tôi là người không có ý chí, không bặt thiệp, trong giao tiếp toàn nói những câu bị mất lòng người nghe, tôi còn là một kẻ không trách nhiệm với truyền thống đại gia đình họ Trần. Chú tôi dẫn chứng: Bốn người con trai của ông bà nội, không là tướng tá trong quân đội thì cũng là cán bộ đầu ngành cấp huyện, cấp tỉnh bên ngoài. Các em tôi, đứa xoàng cũng đã trưởng phòng, phó giám đốc, còn tôi chỉ là một nhân viên quèn với mức lương vừa đủ làm sổ bảo hiểm y tế của một bệnh viện phổ thông. Chú Thuần đưa tôi về quê, “áp giải” ra mộ ông nội, bắt tôi nhắc lại câu: “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tịnh dã”. Sau đó, chú tôi bắt tôi làm bản cam kết lập thân.
Nể tấm lòng của chú, tôi quyết tu thân theo nguyên tắc làm nhiều, nói ít; gặp ai cũng chào trước. Năm bốn mươi ba tuổi, có thể nói là năm “vào cầu” trên con đường công danh của tôi. Nói “vào cầu” là vì trong vòng có tám tháng, tôi được bổ nhiệm liên tiếp bốn chức vụ. Lúc đầu là phó phòng, khi công ty tách ra, tôi nghiễm nhiên là trưởng phòng của một công ty mới. Ông phó giám đốc về hưu, người ta thăm dò người kế cận, tôi đạt phiếu 28/30 trong số các cán bộ chủ chốt trong công ty. Vừa ngồi vào ghế phó giám đốc chưa đầy một tháng, ông giám đốc bị tai biến rơi vào tình trạng hôn mê thực vật, cấp trên mạnh dạn giao quyền, rồi giám đốc cho tôi. Hôm cát “cu”, tôi gọi phôn, báo tin vui cho chú. Chú tôi lặng đi hồi lâu khiến tôi phải hốt hoảng, hỏi liên tiếp: “Chú, chú có nghe cháu nói không? Chú Thuần!”. Mãi sau chú tôi mới run run bảo: “Chú mừng, mừng lắm. Sa, cháu đã làm trọn lời dạy của ông nội. Chắc dưới suối vàng cụ cũng đang hân hoan mỉm cười”.
Từ nơi xa xôi, ở cái sở mà chú Thuần làm thủ trưởng có rất nhiều khởi sắc. Trên tivi đã nhiều lần đưa tin những con đường nhựa đã len lỏi vào các bản vùng cao, có cả hình ảnh chú tôi đi ủng, đội mũ bảo hiểmlao động đứng giữa cái mố cầu đang xây, trả lời phỏng vấn về tốc độ hoàn thành cây cầu. Trên mặt báo cũng đã có lần in ảnh của chú tôi. Tôi luôn được nghe những thông tin tốt lành: “Ông Trần Đức Thuần đang là nguồn đào tạo lãnh đạo tỉnh trong tương lai. Bộ định rút ông về làm vụ trưởng để làm bước đệm lên thứ trưởng; ông Thuần sắp tới sẽ làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc một tập đoàn kinh tế đặc biệt”. Còn tôi, như một con thỏ được đội lốt hổ, tôi luôn thấy chức giám đốc công ty đối với mình là quá sức. Nhiều lúc tôi thèm cái địa vị công chức quèn, chuyên viên thường bậc bốn ngày nào. ở cái địa vị ấy tôi có thể đi muộn, về sớm, có thể nhỡ mồm, nhỡ miệng, có thể tỏ cái nhìn khinh mạn với một kẻ nào đó mà tôi không công nhận nhân cách. Nhưng làm giám đốc, tôi phải nín nhịn cả khi có kẻ vô lại cực đoan vô cớ nhục mạ tôi giữa cuộc họp. Cả cái cách nghe điện thoại, tôi cũng phải luôn mở đầu bằng câu thưa bẩm lễ phép dù chưa biết phía bên kia người gọi là ai. Đã có đôi lần, tôi thổ lộ với ông chú ruột nỗi niềm ấy, chú Thuần cười khà khà, bảo: “Mọi cái rồi sẽ quen thôi”. Và tôi quen thật. Quen như nghiện.
4. Cách đây hơn một năm nhân chuyến ra Hà Nội công tác, chú tôi có mang theo một người phó. Tên anh rất phụ nữ, rất mềm oặt: Hà Thúy Liễu. Chỉ một vài giờ Liễu ở chơi ăn cơm và nghỉ ngơi ở nhà tôi, mặc dù đã được chú Thuần giới thiệu như thủ túc thân tín, như người sẽ thay thế, khi chú nghỉ hưu hay được đề bạt trọng trách cao hơn, tôi vẫn không có thiện cảm với anh ta. Rất không thiện cảm! Là vì anh nói hơi nhiều, buông ra câu nào được rào đón, che chắn cẩn thận với thứ giọng the thé ma quái. Có điều lạ là anh ăn khá nhiều, phải đến sáu bát cơm và rất tích cực ăn thức ăn; ăn xong, đặt lưng, anh đã khò khò ngáy được ngay, thế mà trông anh rất gầy. Gầy đến độ mắt trố ra như mắt cua gạch và cổ cao lêu đêu như cổ ngỗng. Tôi thầm ác cảm, thằng cha này chắc là lắm âm mưu nên bao nhiêu năng lượng từ cái ăn, cái ngủ sung túc của hắn đã bị đốt hết cho âm mưu. Lại nghi anh ta bị bệnh tật gì đó, nên tôi hỏi dò: “Anh có bị mạn tính gì quấy rầy không?”. Hà Thúy Liễu trả lời ngay: “Thưa anh, từ bé đến giờ em chưa phải uống một viên thuốc nào”. Có một chi tiết này khiến sự ác cảm của tôi về Liễu bị kết tủa thành định kiến. ấy là khi Liễu ngủ trưa dậy, tôi bảo vợ mang ra một khay mấy cốc nước mơ lưu niên, gọi là để uống giã rượu. Khay nước vừa được đặt xuống thì một con kiến mối tiến lại chỗ để cốc nước mơ trước mặt Hà Thúy Liễu. Nó dựng dựng những chiếc chân nhỏ xíu lên thành cốc thăm dò. Liễu khẽ lấy móng tay ngón út dón một giọt nước mơ nhỏ xuống mặt bàn. Con kiến mối đánh hơi được mùi ngọt, bỏ thành chiếc cốc thủy tinh bổ tới chỗ giọt nước. Nó cho chân trước chấm vào chỗ ngọt đưa lên miệng. Hà Thúy Liễu liền cầm con dao Thái ra tay. Anh ta đủng đỉnh chặt dần từng chiếc chân của con kiến mối. Con kiến mất hết cả chân giẫy giẫy giữa giọt nước có đường. Hà Thúy Liễu quan sát và cười mãn nguyện cùng với những nhịp gật đầu trước khi cho lưỡi con dao vào cái ngấn giữa cổ và thân con kiến mối, ấn nhát phân thây.
Lúc chia tay với chú Thuần, tôi nói lại chuyện đó và khẳng định với chú kẻ thủ túc Hà Thúy Liễu của chú không thể là một thiện nhân. Tôi nhắc chú phải cảnh giác và nếu loại trừ trước được thì cũng nên làm ngay để tránh hậu họa. Chú tôi gạt phắt đi ngay và khẳng định Liễu là người rất tốt, rất có năng lực. Liễu tuy dị tướng nhưng lành tính. Chú còn bảo tôi, đã sắp sang cái tuổi tri thiên mệnh (ngũ thập tri thiên mệnh, năm mươi tuổi biết được mệnh trời) phải nhìn đời rộng rãi hơn, chớ có nhìn mặt bắt hình dong.
Tôi đem điều băn khoăn ấy tâm sự với vợ. Nàng cười bảo: “Em không có thói quen quan sát đàn ông lạ. Nhưng mà chú Thuần chọn người, chắc tinh hơn anh”.
Hồi đầu năm nay ở hai đầu dây nói, chú cháu tôi vui vẻ chúc mừng năm mới đến nhau. Giọng chú tôi hân hoan: “Năm nay chú cháu mình đều có sao Thái Dương, chắc mọi việc sẽ rất tốt lành!”. Lời chú tôi thật nghiệm. Qua tết mươi ngày, tôi nhận được một “puốc” đi bổ túc kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp ở một nước thuộc khối G7. “Puốc” kéo dài năm tháng, mỗi tháng phụ cấp 600 đô, được đi tham quan miễn phí khá nhiều các công ty nổi tiếng của họ. Đang ở nước ngoài, tôi được tin chú Thuần gặp tai nạn nghề nghiệp, bị quy là thiếu trách nhiệm trong quản lý để thất thoát tài sản, chú tôi có thể phải đền công quỹ một trăm năm mươi ngàn đô la và rơi vào khung án hình sự từ hai đến năm năm tù. Được tin, lòng như lửa đốt, tôi gọi phôn thẳng về chỗ chú tôi thì được trả lời: “Ông Trần Đức Thuần đã bị cách chức để điều tra, yêu cầu không gọi số phôn này nữa”.
Tôi mang máng ra giọng một người nào đó hơi quen. Thôi đúng rồi! Giọng của Hà Thúy Liễu. Tôi điện về nhà riêng, về điện thoại di động cho chú tôi thì máy lúc nào cũng đóng. Có thể điện thoại nhà chú tôi bị phong tỏa hoặc bị “ngắt” rồi chăng?
Bằng meo (e-mail) và phôn nhiều lần với vợ, tôi được biết chính gã Liễu nhân lần chú Thuần bị ốm, nhập viện, đã lập mưu hạ bệ ông bằng tài liệu của một công ty đời sống, cơ quan cấp 2 trực thuộc sở mà chú tôi làm giám đốc. Số tiền quỹ trên được giấu giếm để chia nhau đã đến con số gần năm tỉ đồng. Chú tôi bị đình chỉ công tác để các cơ quan pháp luật vào cuộc. Là cấp phó thường trực, lại là người có công phát hiện tham nhũng, đấu tranh không khoan nhượng trong nội bộ nên Liễu được đề bạt vào chức vụ của chú Thuần. Vợ tôi cũng cho biết, chú tôi rất suy sụp, còn thím Loan thì đang gõ cửa công quyền tìm cách minh oan cho chồng.
5. Ngày xong “puốc” học về nước cũng là ngày chú tôi gọi phôn thông báo, chú tôi đã thoát nạn. Thoát nạn là nhờ thím Loan đã đội đơn đi khắp các cơ quan pháp luật và cả cấp trên của chú Thuần để tìm công lý, vì thực ra cái công ty đời sống đã giấu giếm năm tỉ đồng để chia nhau được thành lập trước khi chú tôi về nhận chức vụ giám đốc sở. Người đóng vai trò quyết định trong vụ việc sử dụng năm tỉ đồng quỹ đen dạo đó đã chết. Tiền đã vào túi cá nhân kẻ sống, người chết theo các khoản ăn trưa, thưởng tháng, thưởng quý, thưởng năm rồi nên cũng khó thu hồi. Bản thân cái công ty đời sống ấy, giờ cũng không còn tồn tại nữa. Tuy nhiên, có một số cán bộ, công nhân trong công ty cảm động trước tấm lòng của thím Loan đã mang tiền được chia đến nộp công quỹ. Số tiền thu hồi lại đâu cũng được đến gần một tỉ đồng. Thế là chú tôi thoát khỏi vòng lao lý và không phải đền khoản tiền một trăm năm mươi ngàn USD nhưng vẫn bị quy trách nhiệm là thiếu sâu sát, là quan liêu. Cấp trên của chú Thuần chọn cho chú một giải pháp về hưu ở tuổi năm hai, kèm thêm một câu động viên: “Thôi đồng chí vui lòng nghỉ sớm ít năm, coi như đây là sự hy sinh cho sự bảo trọng của chính mình. Chứ nếu đồng chí còn công tác thì những người thiếu thiện chí với đồng chí sẽ ngứa mắt, kiếm chuyện lục lại vấn đề”.
Chú tôi đã về hưu như lời khuyên của cấp trên. Ông cũng thận trọng nhờ bộ phận tài vụ tra sổ sách nộp lại tiền ăn trưa năm tháng ông được phát là bảy trăm năm mươi ngàn đồng, tiền thưởng năng suất nửa năm là ba trăm ngàn đồng.
Chuyện chú tôi về hưu ở tuổi năm hai là như thế và đó cũng chính là lý do mà tôi cứ lẩn tha lẩn thẩn dặn đi dặn lại vợ con là đừng có đụng đến chuyện không nên nhắc lại, không đáng nhớ lại ấy.
6. Cửa chính nhà ga rộng mở cho khách của chuyến tàu xuyên Việt đi ra. Chú tôi vai đeo, tay sách, nách mang bao nhiêu là thứ đồ xuất hiện. Tôi len vào xách đỡ cho chú mấy cái túi và thầm nghĩ, bây giờ đã thông thương, hàng hóa cứ như nước tìm đến chỗ trũng, ở đâu thiếu nó khắc tự đến sao chú tôi lại vất vả thế kia? Như đoán được ý nghĩ của tôi, chú bảo: “Toàn hoa quả cả thôi, chú biết ngoài này cũng chẳng thiếu nhưng mình bỏ công mang vẫn quí hơn”. Tôi chỉ biết đáp lại tiếng “vâng ạ” rồi đưa chú tôi ra taxi. Chú Thuần bảo đi xích lô cho thoáng. Tôi mời chú: “Chả mấy khi chú ra, vả lại taxi, cháu đã đặt sẵn rồi”. Chú cứ suýt xoa mãi, sợ tốn kém cho vợ chồng tôi rồi mới lên xe.
Có thể nói, vợ và con trai tôi thực hiện lời dặn của tôi một cách mĩ mãn. Nàng lễ phép hỏi thăm sức khỏe của thím Loan và gia đình các em con của chú thím. Nàng khép nép khen chú dạo này khỏe hơn lần ra chơi năm ngoái. Chú tôi cười thoải mái, nói: “Chú cũng cảm thấy khỏe ra . Hình như cái đầu được giải phóng khỏi công việc bận rộn suốt ngày, nó nhẹ đi nhiều. Mình là dân rồi, là thành người vạn đại rồi mà các cháu”.
Tôi cố vui, nở nụ cười hưởng ứng câu nói của chú nhưng trong lòng thì thương chú vô hạn. Tôi không tin là cái đầu của chú tôi đã nhẹ nhàng sau đại nạn vừa rồi. Mái tóc chú tôi dạo năm ngoái mới loáng thoáng vài sợi bạc, rậm và vồng lên trước trán, nay đã bạc trắng cả. Còn ở đỉnh đầu tóc đã rụng nhiều đã bắt đầu có triệu chứng hói. Một cái đầu đã nhẹ nhàng không thể có biểu hiện bằng một mái tóc như thế.
7. Những ngày sau đó, chú Thuần bảo vợ chồng tôi mua cho chú một cái bản đồ xe bus Hà Nội để tiện đi công việc. Tôi nói, tôi có thể xin nghỉ phép để đưa đón phục vụ công việc của chú nhưng chú muốn tự mình đi xe bus cho chủ động về thời gian. Sáng nào cũng thế, sau khi ăn sáng xong, chú gói quà cùng các bản tài liệu photocopy rất dày và đi cho đến chiều, lúc quá tan tầm mới về. Có hôm chú rất vui, nhưng cũng có hôm có vẻ buồn và luôn kín đáo thở dài. Đêm chú Thuần thường thức khuya viết lách gì đó, để hôm sau thấy chú phấn chấn nói: “Hôm nay vui quá, đã giải quyết được ba, bốn chỗ”.
Nhưng có một lần chú Thuần đi về, lấy ghế ra ngồi trước hiên nét mặt buồn lặng đi. Vợ chồng tôi đưa mắt nhìn nhau không hiểu là có chuyện gì xảy ra. Liền đó, nàng bảo nhỏ tôi: “Anh là cháu ruột, chú bỗng dưng buồn thế, sao anh không chủ động chia sẻ?”. Tôi gật đầu và đi ra, đến bên cạnh chú. Tôi còn chưa tìm được lời vào câu chuyện thì chú tôi hỏi: “Anh chị Sa có tiền dự trữ không? Nếu có cho chú vay mười lăm triệu. Nay đang là tháng 8, tháng 11 chú sẽ hoàn trả”. Tôi đáp liền: “Thưa chú, chúng cháu có đấy ạ. Chú cần thì lấy hơn cũng được. Miễn là công việc của chú trôi chảy còn không phải lo trả cho chúng cháu đâu...”. Chú tôi ngắt lời: “Chú chỉ cần mười lăm triệu thôi và đúng tháng 11 chú sẽ hoàn trả. Anh chị thu xếp hộ chú và thuê cho chú một chuyến taxi”.
Tối hôm đó, chú tôi không về nhà. Trong lúc chờ đợi, vợ chồng tôi đằm đặm trong sự lo âu. Vợ tôi đã mất hết thói quen khôi hài thường ngày. Nàng hỏi tôi, giọng trĩu buồn:
- Không biết có chuyện gì xảy ra với chú Thuần?
Tôi cũng căng mặt nghĩ ngợi rồi đoán:
Xem ra cụ đang đi gõ các cửa kêu oan.
- Chú đã được minh oan rồi thôi.
- Đó mới chỉ là thoát nạn, không bị tiền mất, tật mang chứ cụ, chắc vẫn còn rất bực mình, rất cú vì chuyện thằng Hà Thúy Liễu nó phản thùng. Em cứ nghĩ mà xem, bây giờ anh phải về hưu thì em có chịu được không? Nhất là hưu trong tình trạng tai tiếng...
Vợ tôi im lặng giây lát, đồng tình:
- Em xem chú đang lo những việc hệ trọng. Em thấy nhiều lần chú sắp xếp tài liệu rồi ngồi lẩm bẩm một mình, nào là đã đi được nơi này, nào đã giải quyết xong việc kia. Hôm nay, chắc là phải gõ cửa một nơi có vai trò quyết định chung cuộc?
Tôi gật gù tán thành rồi bảo tiếp:
- Giá chú san sẻ với vợ chồng mình, anh sẽ đỡ đần cho chú được nhiều việc. Anh có nhiều bạn bè làm ở các cơ quan pháp luật. Biết cách đi, công việc sẽ trôi chảy, thuận lợi hơn.
Vợ tôi đắn đo:
- Chắc là chú tính toán kín nhẽ cả rồi.
Tôi quyết liệt:
- Đánh rắn phải đánh rắn dập đầu. Để xem hôm nay cụ đi về thế nào? Chứ loại như thằng Hà Thúy Liễu là phải diệt bằng được.
Vợ tôi cười và nàng lại nổi máu khôi hài:
- Dạo này, anh hoành tráng thế?
Tôi đáp gọn:
- ức!
Cho đến mãi gần trưa hôm sau chú tôi mới về. Là ngày nghỉ nên vợ chồng tôi đều ở nhà. Thấy chú Thuần rất vui và bảo đã xong việc nên chúng tôi cũng đỡ đi những lo lắng dò đoán từ suốt đêm qua. Vợ tôi tíu tít làm cơm. Bữa cơm ngày nghỉ thật vui và ngon miệng. Cơm xong, chỉ còn lại hai chú cháu, không nén nổi tò mò, tôi hỏi:
- Thưa chú. Mọi công việc của chú tốt đẹp cả chứ ạ?
- Rất tốt! May quá, hôm qua nhờ anh chị giúp cho nên đã kịp thời, rất kịp thời một đại sự.
Tôi thưa:
- Có gì đâu ạ! Thưa chú nếu phải bán cả cơ nghiệp đi để minh oan cho chú, vợ chồng cháu cũng sẵn lòng.
Chú Thuần ngớ ra:
- Sa vừa bảo gì cơ?
- Dạ! Có phải chú đang tìm cách trị cái thằng Hà Thúy Liễu phản thùng, không ạ?
Chú tôi sửng sốt nói:
- Đâu có, chú...
Tôi thở hắt ra:
- Thế mà cháu cứ tưởng đợt vừa rồi chú đi lo cho xong việc đó...
Chú tôi cười lớn:
- Không phải thế đâu! Lần này ra thăm vợ chồng cháu, chú tranh thủ đi gặp bạn bè thân, phần để xem họ sống thế nào, phần kết hợp cầm theo ít tài liệu giấy trắng mực đen về vụ việc của chú để anh em biết mình đã thoát nạn, khỏi phải lo lắng cho mình. Chú mừng nhiều, vì đa số bạn bè của chú đều khá giả. Cũng có một vài trường hợp không được vui lắm. Riêng cậu Huấn, dân quê mỏ Quảng Ninh bị bệnh cột sống. Nay bị tái phát, tưởng liệt nhưng đêm qua đã được đại phẫu, lót đĩa đệm nhân tạo nên qua được rồi. Chú vay tiền vợ chồng cháu là để giúp Huấn...
- Chú!... - Tôi kêu khẽ rồi không nói được gì thêm.
Chú Thuần rủ rỉ:
- Chú rất biết ơn sự quan tâm của các cháu. Đương nhiên là trong đại nạn vừa rồi chú bị oan nhiều nhẽ, nhưng xét ra thì mình cũng không phải là không có lỗi.
Tôi ngắt lời chú Thuần:
- Thưa chú, gặp phải con rận nó nằm sẵn trong chăn mình thì đến thánh cũng bị hại.
- Thì thế. Mình đã dùng sai người thì mình còn oan ức nỗi gì, hả cháu?
- Nhưng nó là thằng phản bội, là đứa lếu láo. Nó hại chú đã đành, nay nó lại ngồi trên đầu trên cổ bao người khác?
Im lặng một lát rồi chú tôi nói tiếp, giọng vẫn thủ thỉ tâm tình:
- Nó đã ngồi vào vị trí ấy thì phải tự tu thân, sửa mình, nếu không cũng chẳng có ai để cho nó ngồi lâu đâu. Chú là người đào tạo ra nó, giờ lại đi kiện tụng nó thì hóa ra cũng chỉ là kẻ nhỏ nhen, báo thù vặt. Vả lại, chú đã nghỉ hưu rồi, đã thành dân, thành người vạn đại rồi nên phải có cách xử sự độ lượng của người làm dân. Cháu có hiểu cho chú không?
Chú Thuần dừng. Tôi nhìn thấy ở gương mặt ông một nụ cười hiền lành, thoải mái không vướng bận trắc ẩn nào. Và sau đó, chú Thuần có một giấc ngủ trưa đầu tiên rất say từ hôm chú ra thăm vợ chồng tôi.
L.N.M