Thân tặng các bạn đồng nghiệp Khóa 1973-1979 Trường Đại học Y Hà Nội
Năm nay là năm thứ bốn mươi những cư dân P50-E5 ra trường. Khóa có bốn trăm người, khi nhập học chia thành bốn lớp: A, B, C, D. Năm thứ nhất học ở Nhổn. Năm thứ hai chuyển về ký túc xá Khương Thượng.
Ông Đoạt từ Sơn La về, rỉ tai với Chính: “Phòng 50, nhà E5 ta chơi 7 giáo sư, 7/12, hơn năm mươi phần trăm rồi còn gì!”. “Ừ thì vẫn! P50-E5 ta toàn những tay cự phách. Mười hai tay mà hết năm thứ tư đã có tám tay đậu nội trú(1) còn gì! Chú còn nhớ hôm ta ôn thi môn nội vòng 2 không, hôm đó tay Hùng, nội trú sinh lý, soi vào cánh cửa kính sơn xanh(2) chải đầu bằng cái lược nhựa sứt một mảng răng rồi gật đầu nói: “Đi khắp thành phố giờ mới gặp được một thằng đẹp trai - hóa ra lại là thằng này!”. Cả phòng cười ồ lên. Tay Duy đang bật bùng ghi-ta ở tầng trên cùng giường với Hùng bỏ đàn nhảy bổ xuống, cũng soi vào ô cửa kính, ngắm nghía trước sau, phải trái rồi tự xếp mình vào nhóm đẹp trai nhất Hà Nội! Hùng giờ cũng là phó Giáo sư, Tiến sỹ rồi. Khi chơi thì chơi quá trời mà học thì học quên ngày đêm! Cứ suy từ anh chàng Thành Quan họ thì biết, phụ trách nhiều hoạt động của lớp, của trường, có khi cả tuần chỉ lên lớp nghe giảng rồi về gấp sách để đấy, khi thì bận tập văn nghệ, khi thì bận báo tường, khi thì bận lên kế hoạch khởi động lại phong trào tập thể dục buổi sáng... đến ngày thi thì học thâu đêm, đói thì sẵn có bánh mỳ sáng của phòng, cứ xơi đi rồi sáng ra Kim Liên đổi cân khác bù vào. Mấy chục lần thi hết môn đều đạt điểm cao. Nội trú chuyên khoa sinh lý bệnh, ra trường về dạy ở Đại học Y Hải Phòng. Từ đấy đi lên. Bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Ba Lan. Khi bốn lăm tuổi đã là Viện trưởng Viện YHB”. “Tổ 12 ta năm vào trường có 20 người, bây giờ tính ra có 6 phó Giáo sư, Tiến sĩ. Nam có Thành Lũy, Thảo, Thẳng; nữ có Huyền, Minh, Thu!”. “Sao chưa thấy Giáo sư Hoàng?”. “Nghe ông Tuấn nói tối qua ông Hoàng và bà Oanh phải bay vào Sài Gòn để lo đám tang cho bà vợ trước, bà My My ấy, ông còn nhớ chứ?”. “Nhớ! Người ta nói ông Hoàng đặt nhân nghĩa không đúng chỗ. Nó đã bỏ mình chạy theo thằng khác rồi còn nhân nghĩa gì nữa mà phải vào”. “Nghĩa tử là nghĩa tận. Đó cũng là cái đức ở đời!... Thằng tổng giám đốc thải bà My My cắp theo con bồ trẻ, xa chạy cao bay sang tận trời Tây rồi. My My sau khi bị hắn ta vất bỏ đã trắng tay rồi lại còn bị K buồng trứng nữa mới đau chứ. Đúng là “luật nhân quả”. Người đời đã nói chớ có sai! Vợ chồng ông Hoàng phải dàn xếp cho vợ chồng thằng con trai đang làm ở Bệnh viện Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh, thằng bị My My bỏ lại cùng bố Hoàng đó, giờ cũng là Tiến sỹ rồi, chăm sóc mẹ nó rồi hàng tháng hoặc là ông Hoàng hoặc là bà Oanh bay vào. Phía bên nhà bà My My có còn ai đâu. Bà ta mồ côi từ lúc còn trong bụng mẹ”. “Bà Oanh chứ như người khác thì đừng hòng! Trước bà Oanh học ở trường nào chứ có phải ở trường ta đâu?”. “Bà ấy học Tổng hợp Sinh. Ra sau ta hai năm, về công tác ở Viện Huyết học - Truyền máu, cùng LABO Hemapoietic Stem Cells(3) với ông Hoàng, chuyên nghiên cứu phục vụ ứng dụng trong ghép tủy trị liệu các bệnh máu ác tính và di truyền, kiểu tái tạo liquid organ(4). Chồng bà ta hy sinh ở Gạc Ma, năm 1988, có một con gái. Bà My My ra tòa đoạn tuyệt với ông Hoàng được hơn hai năm thì bọn tớ ngoài này “dô” bà Oanh cho ông Hoàng. Bà Oanh định ở vậy nuôi con nhưng cánh nhà ta kiên trì vận động nên bà Oanh mới bỏ ý định “ở vậy nuôi con” để đến với ông Hoàng. Trước, My My nói ông Hoàng: “Anh cứ ôm lấy cái công nghệ gen và tế bào gốc máu cuống rốn của anh đi, chẳng làm nên trò trống gì cho cái nhà này, chỉ thấy càng ngày càng xơ xác!”. My My cặp với tay tổng giám đốc công ty cung ứng công nghệ, thiết bị và vật tư nông nghiệp. My My là giám đốc một công ty con của lão. My My đơn phương làm đơn ra tòa xin ly hôn với ông Hoàng. Kiên trì để hòa thuận không được, tòa có giấy gọi lần thứ ba, ông Hoàng buộc phải đồng ý và nhờ một ông luật sư ra tòa thay mình. Công nhận hồi ấy nghiên cứu khoa học nghèo thật, lại đi vào cái anh công nghệ gen và tế bào gốc nữa. Cả ông Hoàng và bà Oanh đi nước ngoài như đi chợ. Người ta cứ nghĩ giàu to bởi mang được hàng thùng về, nhưng thùng của hai người này chủ yếu là sách và thiết bị LABO. Hàng chục năm trước, sự tiếp cận công nghệ gen và tế bào gốc của ta chủ yếu ở mức độ đào tạo hơn là để tạo ra sản phẩm của công nghệ. Các viện và các bệnh viện có tiếp cận ở khía cạnh sử dụng công nghệ nhưng còn hạn chế, chưa nhiều sản phẩm như bây giờ”. “Ờ thì còn là xu thế nữa chứ, người ta có câu “sông có khúc, người có lúc” là gì. Bây giờ tế bào gốc đã thực sự trở thành tâm điểm trong Y học hiện đại, phát triển ở mức nghiên cứu Y học Tái tạo. Việc chế thuốc cho chữa và phòng các bệnh nan y đã chắc trong tay rồi còn gì”...
Ông Đoạt và ông Chính đang say sưa về chuyện vợ chồng Giáo sư Hoàng Oanh thì ông Duy vào đề: “Đủ rồi. 10 anh chàng, cùng 10 phu nhân. À, phải nói là 10 ông, cùng 10 phu nhân chứ! Nhẽ ra là 12, nhưng bác sỹ Mậu bị bạo bệnh, về với tổ tiên năm ngoái. Hôm qua mấy anh chị em ngoài này đã lên nhà thắp hương cho bác sỹ Mậu. Vợ chồng Giáo sư Hoàng Oanh tối qua phải bay vào Sài Gòn lo hậu sự cho bà My My. Xin Anh Cả Thanh khai mạc cho!”. “Thôi! Ông Tuấn giờ thông thạo mọi việc ở Thủ đô hơn tôi, đất có Thổ Công, sông có Hà Bá mà! Ông Tuấn cho dăm ba câu khai mạc đi”. “Không được!”. Ông Duy ấn cái micro vào tay ông Thanh: “Cách đây 46 năm, ông là Anh Cả bây giờ vẫn là Anh Cả. Giờ phải là Bác Cả chứ! Bác Cả cho dăm ba câu khai mạc đi!”. Ông Thanh đành phải đứng lên đọc “diễn văn” khai mạc. “Thưa các anh cùng các chị!”. “Gớm, gì mà Bác Cả phải trịnh trọng vậy. Nói thường đi cho ấm cúng, vui vẻ đi. Thưa gửi làm gì. Anh em mình đây đi đến đâu cũng nghe thưa gửi... nghe đến ức vạn lần rồi!”. “Thế thì tôi theo khẩu khí của cư dân P50-E5 ngày xưa vậy: Hôm nay, bên thềm Hội khóa bác sĩ 1973-1979, nhân 40 năm ra trường; theo sáng kiến của các chú các thím, ta tổ chức buổi gặp mặt cư dân P50-E5, ở nửa sau của thế kỷ trước. Tôi mới trong quê ra sáng nay nên chưa chuẩn bị được discourse, mong các thím thông cảm; còn các chú thì rõ tôi lắm rồi. Theo tôi, đây là sân chơi để ta ôn lại một thời đã qua, những ngày sinh viên trong khoảng thời gian mà đất nước khó khăn nhất nên những cư dân của P50-E5 ta khó khăn chồng khó khăn. Nhưng rất mừng và tự hào là ta đã vượt qua được để trở thành những bác sĩ, những thầy thuốc... Bây giờ nhiều chú đã là Tiến sĩ, là Giáo sư, phó Giáo sư, Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân... Ta có quyền vui vẻ, tự do nói lên cảm nghĩ của mình, đặc biệt là các thím! Ngày ấy, những thành viên của tổ ấm P50-E5 mới chỉ tôi là có vợ có con. Là cán bộ đi học mà, già nhất, hơn các chú ấy đến gần “một con giáp” nên các chú ấy mới phong cho cái chức Anh Cả. Còn chú Tuấn phụ trách hậu cần, chú Liễn - chính ủy của P50-E5 đấy thím Tâm à, không biết chú Liễn đã kể với thím và các cháu chưa, chứ các anh P50-E5 này nhiều chuyện lắm!... Chú Tuấn có kể cho thím và các cháu nghe chuyện chó hai tim, hai lá gan chưa. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Nhưng mà có quỷ, có ma đâu nên học trò đứng nhất!... Chuyện là anh Tuấn xin với phòng giáo tài để mua được chó sau khi tổ thực tập phẫu thuật thực hành. Hôm ấy tổ chia thành 5 nhóm, mổ 5 con chó để bộc lộ thần kinh, mạch máu; khâu lỗ thủng ruột, dạ dày... đến thì đóng thành bụng các thầy cô hướng dẫn cùng các nhóm trưởng chú tâm vào hội ý rút kinh nghiệm, lợi dụng thời cơ anh Tuấn cho lấy gan, lấy tim của chó khác nhét vào con chó của tổ mình mua và đóng thành bụng lại. Thành ra chó của tổ mình mua có hai quả tim, hai lá gan. Củi đun thì đi xin, thiếu thì lấy bớt thang giường ra đun. Ông Dục quản lý ký túc truy để phạt, nhưng có tìm được cụ thể tay nào đâu mà phạt!”.
Giáo sư Thành Lũy đang mê chuyện cũ thì có cú điện thoại cắt ngang. Từ đầu dây kia có tiếng của phụ nữ. Rồi Giáo sư Thành Lũy trả lời “À, Anh Cả ấy à? Ra rồi. Chúng tôi mới bắt đầu được mấy phút. Các bà đến hả? Phòng số 36. Đúng rồi. Khu ẩm thực Phòng không-Không quân. Đấy, đấy lại còn có cái khoản đó. Tùy các bà! Vợ chồng tôi cũng vừa mới từ Hải Phòng lên. Thôi nhé, lát gặp nhau nói chuyện nhiều”.
Giáo sư Thành Lũy quay lại phía ông Thanh và nói với mọi người: “Báo cáo với Bác Cả và các ông bà ta là có PGS, TS Huyền dẫn đầu các bà tổ 12 và tổ 11 đến thăm và chung vui”.
Ông Thành Lũy quay lại phía ông bà Trần Hồng Lĩnh: “Đề nghị bác giám đốc Trần kể lại chuyện bác đi biên giới hồi tháng 2 năm 1979 đi. Kể để mọi người ôn lại chuyện cũ..., nhớ kể cả cái đoạn hai bác gặp nhau đấy nhé!”. Ông Trần nháy mắt nhìn vợ. Rồi ông cầm lấy cái micro từ tay giáo sư Thành Lũy đặt xuống bàn. Ông bắt đầu bằng giọng thủ thỉ, ấm áp: “Thôi, tôi không nói qua loa nữa nhé! Hai bác cả và các chú, các thím thông cảm nhá!”. Ông Trần nhìn vợ rồi tủm tỉm cười: “Năm 1979, sau Tết Nguyên Đán, 7 người trong lớp chuyên khoa Ngoại - Sản được giáo vụ gọi lên. Cả 7 chúng tôi đã qua chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ít nhiều có kinh nghiệm trận mạc vì vậy được nhà trường giao nhiệm vụ đại diện cho tuổi trẻ trường ta đi chi viện biên giới phía Bắc. Chuyên khoa Ngoại - Sản đã học hết chương trình, chỉ chờ thi tốt nghiệp nên sáng đi bệnh viện, chiều ôn tự do, ở nhà hoặc đi thư viện, tùy. Nhận lệnh đi chi viện biên giới gấp, chúng tôi chỉ có một ngày chuẩn bị. Tôi để các bộ cánh lại, mang 2 bộ Tô Châu thời trong quân ngũ đã lâu xếp dưới đáy rương dùng cho các buổi lao động nay bươi ra dùng với một cái áo rét. Hồi ở chiến trường ra, tôi được anh bạn người Sài Gòn tặng một cái máy ảnh hiệu Canon với một cái ống nhòm. Cái máy ảnh thì dân P50-E5 thay nhau sử dụng, nào là ngày nghỉ hè, nào là đi chơi với bạn, dùng nhiều nên đến năm thứ tư không dùng được nữa. Cái ống nhòm vẫn tốt nên tôi mang theo ra trận... Mười giờ sáng tổ liên hoan tẹt ga. Bốn giờ chiều nhà trường gặp mặt thân mật. Tám giờ tối xe của Bộ Quốc phòng đón đi cùng các đoàn của các bệnh viện trong thành phố. Lên đến Trùng Khánh 7 bác sỹ trường Y (khi ấy người ta gọi anh em chúng tôi như vậy, có lẽ vì biết chúng tôi là sinh viên Y6 đang chờ thi tốt nghiệp) về bảy xã. Tôi được phân về xã Ngọc Khê, ở phía đông bắc Trùng Khánh, có đường 213 chạy qua và có cửa khẩu Pò Peo. Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là huấn luyện cấp tốc cho các chiến sỹ dân quân về kỹ thuật cứu thương: Băng bó, cố định xương gãy, sơ cứu và vận chuyển thương binh. Sáng tôi lên nhận nhiệm vụ chiều đã được “nếm” pháo kích quân Trung Quốc câu sang. Người già, con trẻ đã được đưa đi sơ tán từ mấy tuần trước. Dân quân cùng bộ đội lên chốt. Mỗi đợt tôi huấn luyện cho 6 đến 7 người, đa số là nữ. Những năm chiến đấu ở trong Nam chúng tôi đã thử lửa với cái chuyện pháo kích, khi thì chúng bắn cấp tập, lúc thì cầm canh... Nay tôi quán triệt cho anh chị em học viên: “Ta không chủ quan nhưng cũng không quá hoảng sợ mà hỏng việc!”. Vừa giám sát anh chị em thực hành, tôi vừa kể cho anh chị em nghe về các tình huống chúng tôi đã gặp trong các trận đánh.
Lớp huấn luyện đầu tiên của tôi bắt đầu chỉ 5 ngày là anh chị em đã thạo băng bó, cố định, làm ga rô. Họ lên chốt, thay cho anh chị em khác xuống tiếp thu. Sắp xong lớp thứ ba, tức là tôi lên chưa được 20 ngày thì quân Trung Quốc ào ạt đổ sang. Chúng tôi có lệnh giữ nguyên lớp đang huấn luyện lại làm bộ khung cho một trạm cấp cứu tiền phương và phải rút lên núi để đón thương binh từ các trận địa về.
Quân giặc đông nghịt, súng đạn nổ loạn xạ. Từ trên núi nhìn xuống, tôi thấy ngàn ngạt những người là người. Qua ống nhòm, tôi kến đến rợn người khi thấy sự liều thân của giặc! Bọn chỉ huy thúc lính, không tiếc quân. Quả là “lấy thịt lính đè lên lãnh thổ của ta!”. Lũ trước gục, thúc lũ sau xông lên. Lại gục và..., lại thúc một lũ tiếp xông lên... Lại gục! Cứ vậy..., lính Trung Quốc quá đông so với quân ta. Chúng đốt nhà, vườn tược, nương rẫy... Thương binh đưa về trạm chúng tôi đa phần đã được anh em xử lý đúng ngay trên trận địa. Một số ca cần phải xử lý cắt lọc cơ bản hoặc cầm máu lại, được anh em cứu thương phụ giúp nên tôi tiến hành nhanh chóng rồi chuyển cho bộ phận đưa gấp về tuyến sau. Số bị thương ngày càng nhiều. Chúng tôi lại có lệnh chuyển vào sâu trong núi. Có ngày phải di chuyển tới hai lần. Đến một ngày, sau hôm một đồng chí xã đội khi qua trạm cấp cứu đã nói với tôi: “Sang tháng ba được mấy ngày rồi bác sỹ ơi!”..., chúng tôi có lệnh phải chuyển vào sâu và lên cao nữa. Tới một cái hang núi cao hơn được hai ngày thì không thấy phía trước chuyển thương binh cho trạm của chúng tôi nữa. Còn 5 thương binh với 7 cán bộ. Thế là chúng tôi mất liên lạc với cấp trên, thức ăn cạn dần. Thuốc men bông băng, cồn gạc hết dần, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Có ba thương binh nặng vết thương càng ngày tiến triển càng xấu. Hai anh ổn định được vết thương nhờ vào các cứu thương biết lấy lá rừng làm thuốc. Họ vận động tốt nên xin về đơn vị để tiếp tục chiến đấu. Tôi đồng ý để họ tìm đường về đơn vị. Họ hứa sẽ lấy thuốc men và lương thực lên. Hai anh ra đi sáng, còn ba thì tối một anh hy sinh vì vết thương nặng. Thuốc bằng lá cây rừng không thể giúp anh vượt qua được tình trạng nhiễm trùng và mất máu. Chúng tôi liệm thi hài anh bằng tấm tăng và quấn chặt bằng những dây rừng rồi giấu anh vào một nghách của hang đá. Không còn gạo nữa nên bắt đầu phải ăn đến gạo rang và củ mài. Nước uống cũng khó. Chúng tôi bị cách biệt với đồng đội. Có thể quân địch không biết có chúng tôi trên núi nên không thấy quân giặc lên lùng sục, đành rằng thỉnh thoảng chúng cũng tương lên núi những loạt pháo. Hai nhân viên gái cứu thương khi đi lấy nước thì chỉ có một cô về, một cô bị trúng pháo kích của địch làm đứt hai chân và một vết thương vào bụng nên hy sinh. Chúng tôi lại tiếp tục lên cao. Đến vị trí mới, bố trí cho anh em xong, tôi ra cửa hang dương ống nhòm nhìn xuống thấy quân địch càng lúc càng đông nghịt. Chúng nổ mìn phá cầu và một số đoạn đường, đánh đổ các cột điện. Em gái cứu thương ở bản Nà Bai khóc khi thấy bọn chúng đốt nhà, bắn vào những con trâu và đuổi những con ngựa dồn về một khu đất trống...
Đêm xuống. Phía bản Giộc Sung, Lũng Lâu, Nà Bai và Thom Luông sáng rực bởi chúng đốt nhà, đốt vườn tược, nương rẫy... Sáng ra thấy quân Trung Quốc ở mọi ngã tràn về đông nghịt hơn. Tôi cho anh em chuẩn bị di chuyển lên trên vì có thể địch sẽ tràn lên núi để lùng sục chăng. Một đợt pháo kích bắn lên núi rát hơn, lâu hơn mọi ngày. Tôi lệnh cho anh em giấu những thứ không cần mang theo vào các ngách sâu và lấy đá chèn lấp để xóa dấu vết, tạo lại hiện trường như chưa từng có người từng ở. Còn hai thương binh một người đi được một người phải cõng. Phân công người cõng thương binh, người mang đồ đoàn, y dụng cụ... Khi dứt trận pháo kích, tôi ra cửa hang quan sát thấy quân giặc người vác, ngựa thồ, nóc xe ô tô, nóc xe tăng chất cao những thứ chúng đã vơ vét được. Những thằng đi sau cùng giật mìn cho sập cầu cống mới qua, đốt nhà chúng mới trú ngụ, khói cuộn ngùn ngụt và, người, ngựa, xe cộ ùn ùn kéo về phía Bắc...
Hóa ra là bọn giặc Trung Quốc rút về nước.
Chúng tôi vẫn phải ở lại xem tình hình thế nào và chờ chỉ thị của trên.
Ngay trưa hôm đó có người tiếp tế thuốc và lương thực lên. Năm ngày sau chúng tôi được lệnh xuống núi...
Trên đường xuống núi, chúng tôi trở lại hang cất thi hài chiến sĩ đã hy sinh. Chúng tôi đã giấu vào ngách hang sâu, thi hài cứng đét như để trong nhà lạnh. Tôi lệnh cho anh chị em chỉ giữ lại mấy khẩu súng đã được trang bị, vất tất cả những đồ dùng để lấy sức cõng anh thương binh và đưa thi hài đồng chí mình về theo.
Các đồng chí lãnh đạo địa phương đón chúng tôi ngay con đường ven sông Quây Sơn. Chúng tôi ôm nhau mừng mà tuôn trào nước mắt.
Bản làng giờ là bãi chiến trường, phủ một lớp than đen. Hoang tàn. Mùi tử khí, mùi gỗ cháy, nhà cửa, cỏ cây, vải vóc, đồ nhựa, cao su cháy... Ngột ngạt đến ngẹt thở. Dân trở về làng bản không còn nhà cửa...
Một bộ phận bộ đội vẫn phải trực chiến trên chốt, phòng giặc quay lại.
Không kể già trẻ gái trai, mọi người đều dốc sức vào thu dọn chiến trường, gạt bỏ những đống tro tàn để dựng những ngôi nhà, nói đúng hơn là những túp lều trên nền nhà cũ. Sửa lại cầu cống cho xe ta lên các bản làng lấy người bị thương nặng và tiếp tế lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn.
Trời vẫn mưa phùn, gió rét...
Rồi tình hình tạm ổn. Có lực lượng mới lên thay, chúng tôi được lệnh trở về trường. Tạm biệt đồng bào. Tạm biệt những đồng đội đã gắn bó với nhau những lúc sống chết cận kề, chia sẻ những khó khăn nhất trong thời gian chiến trận diễn ra. Khi lên ô tô, chúng tôi bảo nhau mỗi người chỉ mặc trên người một bộ quần áo, để bớt lại quần áo cho dân!...”.
Hai mắt ông Trần ngầu đỏ, những giọt nước mắt lăn xuống hai gò má. Bà Hồng Lĩnh cũng nước mắt dàn dụa, đưa cho chồng miếng khăn giấy. Mọi người như lặng xuống. Ông Tuấn tắt nhạc từ lúc nào mọi người giờ mới nhận ra. Giáo sư Thành Lũy cầm cái micro nói như khuấy động, xua đi nỗi buồn: “Em đề nghị hai bác kể lại cái đoạn hai bác gặp nhau đi!...”. Ông bà Trần Hồng Lĩnh đỏ mặt trở lại và gượng cười. Giáo sư Thành Lũy đứng lên lại chỗ ông Thanh, ấn cái micro vào tay ông Thanh: “Chuyện này phải là ông mối - Bác Cả ta là ông mối, tỏ tường hơn”. Ông Thanh đằng hắng như nuốt nghẹn, gượng cười và bắt đầu với giọng hơi trầm: “Chuyện chú Trần ngày hôm trước được Trung ương Đoàn tuyên dương như một người hùng không chỉ có trường ta noi gương mà thanh niên toàn Thủ đô đều khâm phục gương sáng về thành tích chiến đấu, dũng cảm, mưu trí trong xử lý cùng đồng đội bảo vệ biên giới phía Bắc và, ngày hôm sau Nhà trường buộc phải kỷ luật đình chỉ thi tốt nghiệp bác sỹ thì mọi người đều biết rồi. Đúng là một chấn động của trường! Tôi chỉ nói cái lý do dẫn đến việc chú Trần bị kỷ luật thôi. Chuyện là do lão Đào Liên, anh rể của chú Trần có trục trặc với chị Nguyệt, chị gái chú Trần. Năm 1965, ngày 28 tháng 6, chú Trần nhập ngũ. Lịch đã ấn định đến ngày 5 tháng 7 là thi tốt nghiệp lớp 10 nên nhà trường tuyên bố chủ trương của Ty Giáo dục và của Tỉnh là tất cả anh em nhập ngũ đợt cuối tháng 6 năm đó được đặc cách tốt nghiệp lớp 10. Chín năm sau, vào đầu năm 1973, chú Trần đang điều dưỡng ở trại Thương binh Nam Hà, có nguyện vọng thi đại học. Bước hoàn thiện hồ sơ cần phải có bằng tốt nghiệp lớp 10. Khi đó vợ chồng Liên Nguyệt đang mặn nồng hạnh phúc. Đào Liên lại đang đứng đầu một hiệp thợ làm nhà cho tay chánh văn phòng Ủy ban huyện nhà, huyện Ngân Sơn. Tay chánh văn phòng có cô em ruột làm việc ở Ty Giáo dục nên việc cô này giúp Đào Liên lấy cái bằng tốt nghiệp lớp 10 cho thằng em vợ, một thương binh chống Mỹ, là chuyện trong tầm tay cô này rồi. Thế là bộ hồ sơ của chú Trần đầy đủ thủ tục. Và năm 1973 chú Trần trúng tuyển vào trường ta. Đến năm 1978, tay Đào Liên này lại tằng tịu với một cô nhân viên bán hàng bách hóa và có với cô ta một thằng cu, trong khi chị Nguyệt có hai cô con gái. Sự việc vỡ lỡ, Đào Liên chủ động làm đơn ly hôn. Chị Nguyệt không đồng ý nên không ký vào đơn. Đôi bên giằng co cho đến đỉnh điểm. Đào Liên tìm mọi cái xấu của bên nhà vợ ra để bêu riếu, để chì chiết, để gây sức ép bắt chị Nguyệt phải ký vào đơn ly hôn. Chị Nguyệt không chịu với những điều vu khống của chồng. Cuối cùng, Đào Liên làm đơn gửi đến trường ta tố giác chuyện bằng tốt nghiệp lớp 10 của chú Trần là bằng giả. Nhà trường rất tiếc nhưng không thể không giải quyết vì Đào Liên rất hung hăng. Trường Y phải cử người về Ty Giáo dục tỉnh tôi thẩm tra. Ty Giáo dục khi đó truy danh sách những người được cấp bằng tốt nghiệp lớp 10 năm 1965, hồ sơ còn không đầy đủ, lại gặp người quản lý hồ sơ mới nên tìm không thấy có tên chú Trần trong danh sách người thi và đỗ lớp 10 năm 1965. Ty Giáo dục có văn bản trả lời cho cán bộ trường Y về thẩm tra là Hà Ngọc Trần không có trong danh sách những học sinh tốt nghiệp lớp 10 năm 1965. Thế là án tại hồ sơ đã rõ.
Nhà trường thật ra khi đó cũng không ngờ được sự việc lại như thế. Hà Ngọc Trần là một thương binh chống Mỹ, là người vừa mới góp phần mang thành tích vẻ vang cho trường trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Ông Hiển, lúc đó là phó hiệu trưởng, động viên chú Trần về lại đơn vị cử đi học, đăng ký với một trường cấp III nào đó thi lấy bằng tốt nghiệp rồi lên trường ta thi tốt nghiệp bác sỹ.
Chú Trần vừa tức vừa buồn trở về quê khi chúng ta đỗ tốt nghiệp bác sỹ về các đơn vị nhận công tác.
Sau khi tôi nhận công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi sang thăm chú Trần thì chú Trần đã lên miền núi thăm người nhà đi xây dựng vùng kinh tế mới. Tôi thưa chuyện với chị Nguyệt, khi đó chị Nguyệt mới vỡ lẽ ra chuyện chú Trần về nhà là do bị đuổi học chứ không phải về nghỉ chờ nhận công tác. Biết nguyên do vì cái bằng tốt nghiệp lớp 10 mà em trai bị đuổi học, ngay chiều hôm đó chị Nguyệt bảo tôi lai chị lên trường cấp III Ngân Sơn. Thầy hiệu trưởng cũ đã về hưu. Sau khi nghe hai chị em chúng tôi trình bày sự việc của chú Trần, thầy hiệu trưởng mới nói đây là việc nằm trong chính sách hậu phương quân đội, phải được làm rõ trắng đen. Thầy hiệu trưởng liền cho mời thầy hiệu phó lên. Nói đến chú Hà Ngọc Trần ở Ngân Xuân thầy hiệu phó nhớ ra ngay. “Hà Ngọc Trần ngăm đen, da đồng cói, học giỏi các môn tự nhiên!...”. Rồi thầy nói bộ phận văn thư lục lại hồ sơ lưu của những năm trước ra thì đúng là trong 23 người học sinh của hai lớp 10, tòng quân ngày 28 tháng 6 năm 1965, trước ngày thi tốt nghiệp một tuần, đã được nhà trường đề nghị Ty Giáo dục xét cho đặc cách tốt nghiệp có tên Hà Ngọc Trần.
Nghe tôi nói trước khi đình chỉ thi tốt nghiệp bác sỹ của chú Trần, trường đại học Y Hà Nội có cử cán bộ về Ty Giáo dục để xác minh. Thầy hiệu trưởng phân bua và động viên chúng tôi: “Trong chiến tranh chuyện nhầm lẫn, chuyện thất lạc, thậm chí là mất hồ sơ đều có thể xảy ra. Nhưng chắc chắn trường hợp đặc cách tốt nghiệp lớp 10 của anh Hà Ngọc Trần là người thật việc thật. Hồ sơ lưu còn đây, Thầy Long hiệu phó của trường dạy thời anh Hà Ngọc Trần còn đây, chúng tôi hứa sẽ làm sáng tỏ việc này. Ngày mai đích thân thầy Long sẽ lên làm việc với Ty và sẽ có trả lời sớm nhất với Đại học Y Hà Nội để minh chứng cho Hà Ngọc Trần. Chị Nguyệt và bác sỹ cứ yên tâm”. Chị em tôi nhẹ hẳn người sau khi được tiếp xúc và nhận được trả lời của Ban Giám hiệu trường cấp III Ngân Sơn. Sáng hôm sau tôi đi miền núi tìm chú Trần. Một ngày ô tô, nửa ngày xe ôm mới gặp được chú Trần. Sau khi nghe tôi kể lại, chú Trần nói: “Được vạ thì má đã sưng, anh à. Thôi đằng nào cũng chậm rồi, để em ôn lại chương trình lớp 10 và thi cho khỏi phải phiền phức”. “Phiền là phiền thế nào, mình đường đường chính chứ có thậm thụt như người ta nói đâu!”. “Ai biết được mình đang quang minh chính đại lại bị quàng vào bụi rậm”. “Xin với bà con ta về, chú mày cầm bằng ra báo cáo với nhà trường để người ta tổ chức cho chú mày thi tốt nghiệp”. “Về thì về, còn việc có ra trường ngay hay không anh em mình còn phải bàn thêm với chị Nguyệt nữa. Anh tưởng tổ chức một cuộc thi, mà lại thi tốt nghiệp bác sỹ, là chuyện như em và anh chơi một séc pinpon không bằng!”...
Chúng tôi mới về đến ngõ chị Nguyệt đã nói: “Chị mới lên trường về. Thầy hiệu trưởng nói là do mấy năm máy bay Mỹ bắn phá, Ty Giáo dục phải sơ tán đi nhiều nơi nên kho hồ sơ chất ở nhiều chỗ lắm. Người của trường Y về lại gặp phải anh phó phòng phổ thông mới ở huyện miền núi điều về, có kết hợp với bên lưu trữ tìm ở kho Đông Khê không thấy nên Ty Giáo dục trả lời không có cũng không sai nhưng hơi vội. Trách nhiệm chưa cao. Sau thầy hiệu phó trường ta lên thì bên phòng Tổ chức cán bộ nói còn kho tài liệu nữa bên Đông Phú. Ty cho cán bộ sang kho Đông Phú mới tìm thấy hồ sơ lưu các học sinh được đặc cách tốt nghiệp năm 1965 đấy. Trần có danh sách trong hồ sơ lưu. Phòng phổ thông làm thủ tục cấp lại bằng cho em ngay. Xong rồi. Thầy hiệu trưởng và thầy Long đã giao tận tay chị rồi đây này”. “Nhận được bằng là tốt rồi. Thời đó vì chiến sự ở miền Nam khốc liệt nên cả thế hệ như em phải ra trận gấp, chúng em đã học hết chương trình và chỉ còn có bảy ngày nữa là các em thi hết lớp 10. Nhà nước đặc cách tốt nghiệp lớp 10 cho các em là đúng với tinh thần thời bấy giờ. Còn hiện nay, trong tình cảnh của riêng em như thế này, em tính em nhờ anh Thanh cầm tấm bằng tốt nghiệp lớp 10 này ra báo cáo với nhà trường là em không phải là thằng gian lận. Mà về bản chất, em và anh Đào Liên đều không gian lận. Nhưng cách làm của anh Đào Liên trước đây 6 năm là dính đến gian lận, là do cô em gái của ông Chánh Văn phòng Ủy ban huyện ta khi ấy đang nhờ anh Đào Liên xây nhà. Cả một dây!.. Thôi sự việc đã thế rồi chị cũng nên cho qua. Mình phải là người rộng lượng, chị à! Xin cám ơn các thầy, các cô trong trường và Ty Giáo dục đã làm tất cả cho công tác động viên những người ra trận như bọn em thời đó. Bây giờ em xin với Ty Giáo dục để cho em thi. Thi để kiểm chứng lại kiến thức phổ thông của mình cũng tốt, mà chị!... Trước hôm lên chỗ dân ta khai hoang em có lên Ty Thương binh, các anh ở Ty Thương binh đã đồng ý chuyển các sinh hoạt phí của em về Trạm Điều dưỡng thương binh của tỉnh và bố trí cho em sang ôn văn hóa ở trường Bồi dưỡng cán bộ y tế rồi. Tuần sau em đến nhập vào lớp các y sĩ, y tá đang ôn thi tốt nghiệp lớp 10 để thi vào đại học. Em xin lỗi vì em nghĩ chị đang bề bộn nhiều việc nên em phải chọn thời gian thuận tiện để thưa chuyện với chị. Bây giờ thì chị biết cả rồi. Xin chị đừng suy nghĩ nhiều về chuyện này, hãy tập trung vào việc chăm cho hai cháu ăn học!...
Thế là tôi đành phải cầm cái bằng tốt nghiệp lớp 10 của chú Trần ra trường ta, còn chú Trần vào trường Bồi dưỡng cán bộ y tế ôn văn hóa. Năm 1980, lấy được bằng tốt nghiệp lớp 10, chú Trần ra trường ta thi tốt nghiệp bác sỹ với khóa 1974-1980, rồi cưới vợ. Còn giữa học trò Hà Ngọc Trần với cô giáo Nguyễn Hồng Lĩnh tỏ tình, yêu nhau rồi đi đến hôn nhân thế nào thì nhường cho hai ông bà Trần Hồng Lĩnh thuật lại. Thời đó họ bảo tôi là ông mối, nhưng có phải gợi ý, dàn xếp gì đâu. Hai người yêu nhau rồi qua nhà tôi chơi nói chuyện cho tôi biết. Thế thôi. Có mặt cả ông Trần và bà Hồng Lĩnh đây, những điều tôi vừa nói ra, thật một ngàn phần trăm.
Bây giờ ông bà Trần Hồng Lĩnh như mọi người biết đấy, con gái đầu, là thạc sỹ làm giảng viên của trường đại học Hồng Đức; thằng thứ hai nối gót bố Trần, giờ là bác sỹ, thạc sỹ chuyên khoa Ngoại, chức phó chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa tỉnh rồi. Thế là do “cuộc chiến tình ái” giữa chị gái và anh rể nên ông Trần phải chậm ra trường mất một năm nhưng “lãi” được một bà Tiến sỹ văn khoa Hồng Lĩnh ta đây. Quả là trong cái rủi lại có cái may! Chứ như cái cách nói chuyện ù à ù ỳ của tay Hà Ngọc Trần thời đó, thì chưa chắc bây giờ đã có vợ!”...
Chuyện của các cư dân P50-E5, nửa sau thế kỷ thứ XX, vui có, buồn có, thậm chí cay đắng và mất mát có! Đấy, phần tôi, kết thúc nhá! Bây giờ đến lượt các chú, các thím...
Mọi người nâng cốc chúc mừng nhau, sau bốn mươi năm ra trường.
Trại sáng tác Đà Lạt
Tháng 9-2019
N.H.S
(1) Khi sinh viên thường lấy cửa kính sơn xanh (thời ấy cửa kính thường được sơn xanh vì phòng máy bay - phòng không nhân dân) làm gương soi để chải đầu, làm dáng trước khi lên lớp hoặc đi chơi.
(2) Ở Đại học Y Hà Nội thường học hết năm thứ 4 những sinh viên học loại khá trở lên được nhà trường cho tham gia thi tuyển sinh viên Nội trú ở tất cả các chuyên nghành. Nếu sinh viên nào đậu thì sau khi thi tốt nghiệp bác sỹ sẽ học thêm 3 năn nữa ra trường trình độ tương đương Thạc sỹ.
(3) Hemapoietic Stem Cells = Tế bào gốc tạo máu. Có trong tủy xương, máu dây rốn, máu ngoại vi.
(4) Liquid organ = mô/tạng lỏng trong cơ thể chúng ta, thường được biết đến là máu.