Cách đây hai tuần, thằng Hai nhà ông Lữ gọi điện ra mời gia đình tôi về dự lễ sang cát cho vợ nó. Mấy hôm sau, tôi lại nhận được tin nhắn từ ông: "Anh gắng thu xếp để về, anh nhé!”.
Tôi đã đọc đi đọc lại dòng tin ấy, hiểu là ông Lữ có việc quan trọng cần tôi có mặt.
Cậu ruột tôi hy sinh trong chiến dịch Biên giới (1950), khi Lữ mới năm tuổi. Tôi là con út của mẹ tôi, nên là anh mà kém ông bốn tuổi. Tôi vào bộ đội từ sau Mậu Thân, khi ông đang là Bí thư đoàn xã. Sau chiến tranh bảo vệ biên giới, tôi về Hà Nội, ông Lữ được điều động ra huyện, công tác ở văn phòng ủy ban. Mẹ ông mất, sang cát cho cụ được chừng hai năm thì vợ ông cũng qua đời do bạo bệnh. Ngày ấy, ông chưa tới năm mươi tuổi và có tới năm mặt con.
Lo cho bằng ấy miệng ăn trong hoàn cảnh nông thôn thời hậu chiến với bao cơ chế ngặt nghèo ngày ấy, quả là một thử thách cam go. Thật may là cô em dâu tôi, tức vợ ông Lữ, dù ít học nhưng là người bản lĩnh. Nhấc chân khỏi mặt bùn đã thấy chiếc đòn gánh nhún nhảy trên vai. Trong hai cái mủng tre đan đậy mẹt của bà, khi là cá tôm, mùa là khoai sắn. Có dạo còn là tạp pín lù những cá khô, lạc óc, mắm cáy, thuốc lào... Bà bơ phờ chen chúc trên những toa tàu chợ đi Hà Nội. Lúc quay về là hàng la gim, quần áo không hợp quy chuẩn trưng bày trong bách hóa, mà ngày ấy, ta vẫn quen gọi là phế phẩm. Trong các ô chuồng cạnh bờ ao luôn có vài con lợn nái, hơn trăm vịt đẻ. Lúa cấy vừa bén xanh đã lo gột vịt đón mùa.
Bà lam lũ! Bà sốc vác. Như chiếc xe cải tiến thô tháp, lỗi mốt mà nặng nhẹ đều bất chấp. Điều quan trọng hơn bởi nó là biểu trưng cho những đứa con có chỗ chung tay xúm xít, đu đẩy. Công lực từng đứa khác nhau nhưng trên tất cả chính là sự chung đường, đồng hướng.
Cỗ xe ấy không còn! Hệ lụy của sự hụt hẫng, tản mát đâu chỉ là năng suất lao động.
Tôi không nhớ ai đó từng tổng kết, đại ý là: "Người vợ chiếm hơn phân nửa sự nghiệp của chồng". Đặt trước tác ấy vào hoàn cảnh nhà ông Lữ, chắc sẽ không ai bàn cãi. Ấy vậy mà tôi vẫn bị sốc khi được tin ông xin nghỉ công tác chỉ sau một năm gì đó đề bạt Phó Chủ tịch huyện.
Dạo ấy, tôi thường đi công tác phía Nam. Nhà tôi cùng thằng cả về dâng hương ngày giỗ tổ, đem ra rặt những tin buồn. Nhà tôi kể: "Em không còn nhận ra chú Lữ nữa, mình ạ! Người thì sắt lại, da thì nám đen. Mà sao tóc chú bạc nhanh thế chứ?". Còn thằng cả nhà tôi thì buông lời cảnh báo: "Mấy đứa em nhà ta trong quê giống hệt quân hồi vô lệnh!". Tôi nghe con nói mà lặng cả người. Rất có thể vừa rồi, nó đã chứng kiến vài biểu hiện không bình thường, có khi còn ngỗ nghịch của bọn trẻ nhà ông Lữ. Ai chứ cái thằng út tên là Năm ấy, bức xúc khiến nó sừng cồ là chuyện có thể. Ngắm thằng bé thì ai cũng thích: Tròn lẳn, đen choay, rộng bụng... Bình thường thì hiền như đất nếu biết đừng chọc ngoáy tới bất cứ ai trong nhà nó. Không rỗi hơi mà công an huyện hai bận tới tận nhà tìm. Là bởi can tội gây rối trật tự công cộng.
Có lẽ thấy tôi chỉ thở dài, nhà tôi cũng bùi ngùi: "Lúc chú Lữ tiễn mẹ con em ra ngõ, em dạm: Chú cũng nên tìm lấy một người đỡ đần đi. Chú ấy cười buồn: Phải chờ các cháu nhà em ổn định đã, chị ạ. Không dưng các cụ xưa đem tiêu chí tề gia, đặt trên cả sự vĩ đại như trị quốc hay bình thiên hạ đâu chị".
Tập hợp những tản mạn ấy, chính tôi cũng không biết nên buồn hay nên vui. Buồn vì trong tôi, vẫn ám ảnh cái cảm giác chú em họ tôi liệu có đang trả một cái giá quá đắt chăng khi từ nhiệm cương vị của mình. Một vị trí mà nhiều tham vọng vẫn muốn đạt được bằng mọi giá. Còn ông thì xác định ngược lại. Từ vĩ mô "trị quốc", tình nguyện đảm trách "tề gia" trước hiện trạng kinh tế gia đình nhiều dấu hiệu xuống cấp. Vực dậy tinh thần, xây dựng nền nếp cho một lũ con vừa qua thơ dại nhưng chưa đủ lớn khôn. Những hoa niên, chanh cốm, đồng nghĩa một cách hoàn hảo với chông chênh, phá cách, nổi loạn.
Tôi vui vì chú em họ vong niên của tôi, dù hoàn cảnh nào cũng không để mất mình: vững vàng và trung thực. Lấy gia đình làm chỗ dựa cho mọi vui buồn, sướng khổ.
Tôi càng vui hơn khi dần được chứng kiến gia đình ông, không phải chỉ theo kịp mà nhiều mặt đã vượt lên một cách vững vàng so với mặt bằng chung của một vùng quê ven thành phố. Các con ông đều đã lập gia đình. Con Nhật là bác sĩ sản nhi, lấy chồng đồng nghiệp quê Bắc Giang. Thằng Hai mở trang trại quê, trong chuỗi cung ứng thực phẩm cho thành phố. Thằng Ba và thằng Bốn, được học hành bài bản. Đứa đang lãnh đạo một công ty công nghệ cao trong thành phố Hồ Chí Minh. Đứa là chuyên gia, công chức kinh tế của thành phố Huế. Thằng Năm tưởng chừng đáng lo nhất, giờ cũng đã thành chủ một doanh nghiệp. Hôm tôi về dự lễ khai trương công ty hỗ trợ xây dựng của vợ chồng nó, ngắm cơ ngơi, nhà xưởng, xe, máy... mà mừng. Vợ chồng, con cái các anh, các chị đều có mặt, đang hoàn chỉnh những công việc cuối cùng cho buổi lễ ngày mai. Vừa thoáng thấy tôi, gần như tất cả đều chạy ra đón. Chúng bảo: "Bố cháu đang đợi bác bên nhà thờ!".
Tôi được ông Lữ và các cháu quý mến, không chỉ bởi là thành viên duy nhất gần gũi về huyết thống, có lẽ còn vì dám nói những suy nghĩ của mình. Ơn trời! Âu cũng là gia tài mà mẹ tôi để lại. Con Nhật cũng là đứa giống bố nó về khía cạnh này. Một chút khác biệt là bố nó khoan hòa, trầm tĩnh, còn nó thì mạnh mẽ, cương trực hơn. Nó vẫn bảo: "Cháu không thể gần được những người làm gì, nói gì cũng cân đong lợi ích cá nhân trước đã...".
Từ văn phòng công ty của thằng Năm tới nhà thờ họ chỉ hơn trăm mét. Ông Lữ ngồi ở phòng khách biệt thự hai tầng của vợ chồng thằng Hai, trước cái ti vi 60 inch, đang phát lại trận bóng đá cúp C1 đêm qua. Vậy mà trên tay ông vẫn hờ hững cuốn sách hình như đang đọc dở. Trông ông dạo này phát tướng. Béo hơn, trắng hơn, trẻ ra nhưng nhìn kỹ có vẻ như cớm nắng. Miệng tủm tỉm cười mà mắt lơ đễnh như hướng về một nơi vô định. Trên cái sân rộng, lát gạch đỏ au, hơn mười đứa cháu nội ngoại của ông đang chạy nhảy, đùa nghịch. Phía ngoài hàng rào chè mạn được cắt tỉa công phu, thay cho bức tường hoa phía trước nhà thờ họ là khuôn viên trồng cây ăn quả. Nghe nói mục tiêu mà ông đặt ra là mùa nào, thức nấy, nên dù trồng nhiều chủng loại mà không loài nào quá hai cây. Chắc để các cháu ông về quê bất nệ mùa nào, đều có cơ hội ra vườn hái quả. Vẫn là phương châm: "Gia đình trên hết!".
Câu chuyện của anh em tôi thi thoảng vẫn phải tạm ngưng do lũ cháu chốc chốc lại kéo vào nhờ ông phân xử một mâu thuẫn vừa phát sinh:
- Ông ơi! Bàn chân của em Tôm thế này, phải gọi là cái chân bẩn, chứ ứ phải là cái cẳng nhớp hay cái chưn dơ, phải không ông?
Tôi để ý, ngoài cái không khí thân tình trong câu chuyện của anh em tôi, chắc chỉ lũ cháu mới khiến được ông Lữ như trở lại với chính mình. Miệng ông cười hiền, pha chút hóm hỉnh làm nét mặt thêm rạng rỡ, cặp mắt cũng ánh lên, đủ đầy sinh lực.
Gần hai chục năm, ông Lữ nghỉ hưu nhưng có ngày nào nghỉ việc. Cái sự bề bộn, xô bồ khiến trí lực ông luôn trong trạng thái thường trực, hưng phấn, bảo tồn. Con cái phương trưởng, chúng bắt đầu nghĩ ra mọi cách, ngõ hầu báo đáp ơn nghĩa với những đấng sinh thành. Đương nhiên, việc chúng nghĩ tới trước tiên bao giờ cũng là loại bỏ vướng bận tinh thần hay cơ bắp cho bố mẹ. Vốn là người năng động, vô hình dung, ông bị đẩy vào hoàn cảnh của một loại biên hay hết đát. Con cháu vẫn đó, mà chỉ khi phát sinh mâu thuẫn hoặc trong vai đại diện đậm chất đặc thù, chúng mới cho mình động não hay lên bục danh dự cắt băng. Chúng có biết đâu: "Đã nhàn tản còn tìm đâu ra hứng thú".
Chỉ tới cái bận ông Lữ bỗng dưng thấy rức đầu, chóng mặt. Nước mắt, nước mũi dàn dụa bởi những trận nôn thốc tháo. Một nửa người phong tê bại xụi, phải nhập viện mất gần hai tháng. Chị em chúng mới nhớ tới cái điều mà theo tôi, chúng nên nghĩ sớm hơn. Nhưng thôi! Muộn vẫn hơn không. Chúng tìm nhau tận đẩu đâu, chỉ cần trình diện là coi như ổn thỏa. Đến việc của ta, chúng mà yên lặng là coi như khóa sổ. Lòng ta có day dứt mấy cũng đành tìm ký tự: Một chấm, một gạch chéo, một chấm (./.) mà thôi.
Nói như vậy, chắc cũng có phần oan cho cô con gái ông Lữ, bởi hình như nó đã ngấm ngầm chuẩn bị từ lâu, và đây là cơ hội để bàn dứt điểm. Thằng Ba không muốn con chị vòng vo tam quốc, thủng thẳng chêm vào: "Chỉ mình bố, đã loạn cả lên. Thêm một nữa, chắc sẽ thành than hết". Con Nhật hất cằm: "Tôi tạm phân công thế này: Vợ chồng cậu túc trực trên viện chăm bố một tuần. Về nghỉ bốn tuần. Lại bay ra thay ca. Ừ không?".
Thằng Ba nín thít.
Vợ chồng thằng Hai tranh nhau để nói: "Lúc bố ốm đau thế này, trách nhiệm thuộc phần nhà em hết!". Con chị gạt phắt: "Còn bốn cặp nữa, coi như con nuôi. Mang đường sữa, bánh trái xếp đầy bàn, đầy tủ. Hỏi han, sụt sịt năm câu ba điều giống như hàng xóm là có thể rút êm?".
Cái con bé thường ngày thuỳ mị, chưa từng dám cầm roi đánh một con mèo ăn vụng, mà khi vào việc thật đáo để: "Vừa rồi nhà cậu Ba phải van ông bái bà, mất thêm mấy triệu tiền boa, vẫn đành chấp nhận ngồi ghế phụ. Đó là chưa nói tới lỡ mất hợp đồng bạc tỉ. Vợ chồng cậu Bốn không dám đợi tàu hỏa, đành phải thuê một tài xế sơ cua đi cùng. Chuyện hiếu nghĩa nhà ta không cần bàn nữa, nhưng thiệt hại không đáng có thì cần xem lại. Ta bàn như thế cũng là để thông trong nhà trước. Mời được người ta về nhà mình cũng không dễ đâu".
Con Nhật vừa nói vừa chăm chắm nhìn khắp những đứa em. Cả em trai và em dâu. Hình như bắt gặp cái hiếng mắt của thằng Năm, liền hỏi chặn: "Cậu định nói vợ chồng em ở với bố là hợp nhất chứ gì? Đúng vậy! Bố thương cậu nhất. Cả nhà ai cũng thương cậu nhất. Tao nghe nói hôm rồi, cậu mua được một con tôm hùm rất lớn, nói rằng bữa tối chỉ dành cho hai bố con để thưa chuyện gì đó với bố. Thế mà suốt bữa, cậu chỉ biết mỗi việc là ép bố uống rượu. Trời vừa tối đã ngự lên chiếc giường trong phòng bố, cứ thế ngáy như bò rống nghẹn chứ có thưa bẩm gì đâu”.
Thằng Bốn thấy chú em út có vẻ yếm thế, vội chữa cháy:
- Nhưng vấn đề là chị đã hỏi ý bố chưa?
- Tao có ăn gan báo cũng không dám tiền trảm hậu tấu!
Thằng Bốn nhổm hẳn người trên sa lông:
- Thế bố bảo sao hả chị?
- Bố yên lặng!
Nó thở hắt ra:
- Yên lặng thì biết đâu cơ chứ.
Con vợ thằng Bốn nguýt chồng một cái rõ dài:
- Các anh cứ chê đàn bà chúng em như chiếc khay đựng trầu. Không lẽ bố bảo: "Tốt lắm! Các con xúc tiến nhanh lên".
Cả bọn cười muốn tung mái.
*
Cái sự ra tay của cô chị cả và bốn đứa em dâu hóa ra lại linh nghiệm một cách thần kỳ. Ông Lữ ban đầu chỉ như để chiều theo mấy đứa con, nhận lời đến nhà gặp mặt. Thế rồi cái sự lên xuống ấy cứ nhặt dần. Thằng Hai vốn đứa sốt sắng, vài ba ngày, lại hỏi: "Thế nào rồi, bố?". Ban đầu ông Lữ còn hỏi lại: "Thế nào là thế nào?". Mặc! Vài ngày, nó lại hỏi. Vẫn nguyên câu ấy. Giọng ông Lữ chỉ thoảng như hơi thở: "Bà ấy... không muốn ở... dưới này...". Nó cười rất tươi: "Thì bố lên đó, ít hôm lại về chơi với các cháu là được chứ gì?". Ông nghiêm nét mặt: "Bậy nào! Tôi là trưởng họ". Nhưng lại bảo: "Bà ấy nghĩ thế cũng phải".
Xưa nay ông vẫn thế. Sống trách nhiệm với mình nhưng lại luôn tìm ra cái đúng của người thân yêu. Những vướng mắc nảy sinh, vẫn tự thân mình khắc phục.
Lần này ông Lữ cũng mời tôi lên nhà. Tôi hẹn ông sáng hôm sau, nói thác rằng cần đến chào mấy nhà bên nội. Thật ra muốn chuyện trò thêm cùng mấy đứa nhà ông. Tôi phàn nàn: "Hôm trình diện gia tiên, sao không cho bác biết?". Con Nhật nói luôn: "Đến việc đi đăng ký kết hôn, bố cháu còn không định nữa là. Bố bảo: Còn đâu cơ hội cho lần sau mà cứ vẽ. Nghĩ thế nào, lại bảo: Nhưng vẫn phải làm!". Thằng Năm phàn nàn: "Bố cứ xì xòn đi về bằng xe đạp thế...". Con chị gắt: "Vợ cậu thế, chắc cậu mặc xác nó hả. Quen cái bệnh hễ có chuyện là cả nhà biến bố thành cái ô, thành đức Phật, thành trước tác để dựa dẫm, núp bóng rồi". Thằng Ba nãy giờ chỉ ngồi hút thuốc, cất giọng áy náy: "Dù sao em vẫn thấy thương bố quá! Nó cứ vô lý thế nào...". Con Nhật chu môi, ranh mãnh nhìn vợ chồng thằng Ba: "Xuỳ! Cho tôi làm thầy bói, gieo một quẻ cho vợ chồng cậu, được không. Này nhé! Cứ cho là mỗi tuần cậu tiếp khách và được khách tiếp hai lần. Vì cậu không biết uống rượu nên trông mau mau tới nhà để kịp giãi bày những hổ lốn đang nổi loạn trong dạ dày. Những lúc ấy ai đổ bô, lau mặt, rửa chân cho cậu? Còn nếu cái Nga vợ cậu chẳng may chột bụng, là y chang cậu nhăn mặt, bịt mũi, đúng không?". Vợ thằng Ba bật dậy khỏi chiếc sa lông cùng ngồi ké bên chồng, reo lên tán thưởng: "Thật vô cùng chuẩn xác! Sao mà chị tài thế chứ". Thằng Ba lúng túng kéo vợ ngồi xuống, lừ mắt ra mặt giận khiến cả đám bụng miệng vì không dám cười to. Con Nhật chỉ tủm tỉm, tưng tửng hỏi lại cậu em trai: “Còn nếu bàn về cái sự vô lý hay có lý, thì nhân đây, tôi cũng xin phép hỏi mọi người: Đã có cặp vợ chồng nào yêu nhau, lấy nhau, sinh con đẻ cái là vì cái lý chưa? Một trăm phần trăm là bởi cái tình. Đúng chưa nào?”.
Chao ơi! Cái cách con Nhật giải thích về tình yêu, tình người sao mà giản dị, mà sâu sắc đến thế.
*
Bà Lữ bị ngã xe đạp hôm đi chợ. Vừa sái khớp vừa rạn xương, nên đồng nghiệp của bà ở bệnh viện vẫn khuyên cần bó bột. Người già mà ngã, càng không được coi thường. Nên khi có khách, bà vẫn nửa nằm, nửa ngồi trên chiếc giường in ốc có lắp bánh xe. Chân lành co, chân đau bó bột to sụ.
- Các cháu đi làm cả à cô?
Tôi hỏi theo thói quen thôi. Nhưng có lẽ bà hiểu sâu hơn những gì tôi muốn biết.
- Chúng biết sáng nay bác lên. Định cùng đến để chào bác nhưng anh Lữ không chịu. Bảo rằng: "Người già với người già dễ hiểu nhau hơn. Cứ để tự tay cậu mợ làm cơm mời bác. Hơn hai chục năm mới có cơ hội được hầu nhau. Điều tưởng giản đơn mà mấy người có được". Bọn chúng nghe thế, cười ran. Trước khi ra còn xếp một hàng ngang, nắm tay nhau hô to như trong trại lính: "Chúng, con, hiểu, rồi... a... ạ...".
Ông Lữ không mặc áo ngoài. Chiếc áo ba lỗ khiến trông ông thêm cường tráng, nhanh nhẹn. Ông lui cui nấu nướng trong bếp, thi thoảng mới chạy tràn ra góp thêm vào câu chuyện. Tôi để ý những lúc như thế, ông không ngồi sa lông mà ngồi ghé lên giường. Hình như cũng muốn được vợ cầm chiếc khăn bông thấm mồ hôi trên trán, trên vai. Mà cô em dâu tôi làm cái công việc ấy mới nhanh nhẹ làm sao, tỉ mẩn làm sao.
Bữa ăn được sắp ra. Tôi có thêm một ngạc nhiên nữa về chú em tôi trong việc nội trợ. Miếng chả mực ướp gừng quấn lá lốt mềm và ngọt, món cá quả nấu dưa chua vị đậm hương thanh. Cả tới món giá đậu trộn rau ngót, xoài xanh nạo chỉ, nêm gia giảm cũng rất vừa miệng. Lúc ăn, cô em dâu tôi dùng tay xé thịt, bóc tôm đều đều đặt vào bát của chồng, khiến tôi bỗng liên tưởng về một cặp vợ chồng trẻ mới cưới. Có cái e ấp, có cái thân quen... Thật vui. Ông khoe: "Em vận động mãi, nhà em mới dạy cho cách làm vài món đó anh". Tay ông gắp trả vào bát của bà một con tôm nõn, chậm rãi thêm vào mấy cọng giá, sợi xoài. Ánh mắt rạng lên sau cặp kính sáng lóa: "Không chịu tiết lộ bí kíp bếp núc. Những như hôm nay, còn lâu mới được bác khen...". Ông Lữ cười nhẹ mà cả mắt, cả môi đều không giấu được sự ranh mãnh, dí dỏm thời trai trẻ. Niềm vui từ giọng nói, từ ánh mắt hai người cứ lan tỏa khắp phòng.
Ai bảo tình yêu vẫn tỷ lệ nghịch cùng tuổi tác hay sự say mê, mới mẻ, âu yếm, nồng nàn chỉ có ngày còn thanh xuân chứ? Tôi dám khẳng định rằng: những quan niệm ấy, chắc chắn đã lỗi mốt rồi. Ai chưa tin, xin cứ đến gặp vợ chồng chú em tôi, khi ta biết giữ mình. Nói đúng hơn là đừng vung phí cái thời xuân sắc.
Tôi nhìn vợ chồng ông Lữ. Một người biết gạt đi nhiều thứ chỉ bởi toàn vẹn gia đình. Tự nhiên lại chạnh nghĩ tới hoàn cảnh của thằng Hai nhà ông. Những bất ngờ thuộc về số phận nào ai biết trước. Vấn đề chỉ còn là ta đón nhận, hành xử với số phận thế nào.
Tháng 3-2020
V.L