Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Người không chung thủy (Truyện ngắn) - Bùi Hữu Thược
Người không chung thủy (Truyện ngắn) - Bùi Hữu Thược

Tình cờ đi mua khẩu trang phòng chống Covid-19, tiếp xúc cô bán hàng tiệm tạp hóa trên phố, mặc dù tôi là phụ nữ vẫn bị cô cuốn hút vì trang phục, đường nét hình dáng, khuôn mặt, đặc biệt đôi mắt to đen láy rất đẹp. Nhìn kỹ nét mặt và nghe phát âm không lẫn đâu được tiếng quê tôi vừa dở Thanh dở Nghệ, tôi nhận ra cô nhân viên bán hàng mang tên Vi Thị Thắm là con gái chị Sen cùng làng. Tôi hỏi chuyện gia đình. Thắm kể:
- Thưa cô! Cháu đã có chồng và đã có hai con, con gái đầu 5 tuổi, cậu thứ hai hơn 2 tuổi rồi cô ạ.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao nhìn cháu như còn son! Đúng là cháu mang gen của mẹ. 
*
Tôi còn nhớ ngày ấy chị Sen hình dáng giống cái Thắm bây giờ, có đôi mắt đen to, khuôn mặt trái xoan, mái tóc dài đen óng mượt. Nhưng chị hơn Thắm nước da trắng hồng, son phấn cũng phải cúi đầu xấu hổ. Chị thường gội đầu bằng quả găng gai và bồ kết trên núi Bái Trắng, chỉ núi ấy bồ kết mới thơm dịu nên con gái làng tôi thường gội. Mỗi lần chị gội đầu xong hong khô, tôi lại muốn tết tóc cho chị vì mùi thơm của găng và bồ kết hòa vào nhau rất dịu mát làm tôi cứ lâng lâng. Tôi thích tết búi tóc chị thành hình con rết nổi sóng, rờ áp vào má cứ mềm mềm, mượt như lông sóc. Chị khéo tay hay thêu thùa đan lát. Ngày ấy len rất hiếm có khi chị lấy cả những bì gai dạy bọn nhỏ chúng tôi đan áo, đan bao tay. Thường ngày chúng tôi đi chăn trâu trên đồi cà phê của người Pháp trồng. Chị dạy chúng tôi phân biệt nhiều giống cà phê, trong đó cà phê chè là thơm ngon nhất. Bọn tôi còn hái cà phê về rang giã rồi nấu nước sôi pha vào ấm tích, rót mỗi đứa mỗi chén, vẽ râu vắt chân uống, bắt chước mấy ông đàn ông trong làng, đêm đó cả bọn thức trắng. Phía tây làng tôi là những đồi sim. Mùa sim nở hoa là một biển nhấp nhô màu tím. Bọn trẻ chăn trâu thường hái cành sim ngụy trang giống bộ đội để đánh du kích. Mùa sim chín thì miệng đứa nào cũng tím ngắt. Chị Sen thường dành cho tôi những quả sim chín mọng nhất để thi với bọn cùng lứa xem đứa nào hái được quả to nhất, béo nhất thì tối về chị sẽ dạy cho đánh đàn bầu.
Làng Thanh Hạ quê tôi có giếng làng bên gốc đa cổ thụ. Đình chùa làng tôi to và đẹp nhất vùng. Khi chúng tôi lớn đình chùa không còn nữa vì năm năm sáu đã tháo dỡ đắp đập Bột Dột lấy nước tưới cho mấy xã khô hạn phía nam huyện Nông Cống. Chỉ nghè của làng tôi bé hơn nên mới còn lại. Bọn con trai lớn mới dám bước chân vào nghè, con gái chúng tôi chả đứa nào dám bén mảng vì trong nghè tượng thờ, câu đối, đại tự sơn son thiếp vàng nhìn lóa mắt, những bức phù điêu, các đầu xà cột chạm khắc rồng phượng hoa lá và các con linh vật tinh xảo sống động như thật, rất sợ.  Đặc biệt con hổ phù to lớn đắp nổi, ghép bằng hàng nghìn mảnh sứ đủ màu sắc chiếm cả đầu hồi phía nam nghè, biểu hiện của vũ trụ bao la vô bờ bến, là hình ảnh tượng trưng linh thiêng, oai vệ xua đuổi tà ma, chống lại ám khí, bảo vệ dân làng. Tôi đi nhiều không có con hổ phù nơi nào oai phong, bề thế đẹp như hổ phù của làng tôi. Ngày bé, trẻ con trong làng thường chơi với nhau, chị Sen lớn hơn tôi bốn tuổi nhưng nhiều lúc vẫn vào hùa với tôi trong trò chơi. Thằng Ngọ nhiều lần dọa hổ phù tối về bắt tôi, chị lại dỗ dành: “Nó nói dối đừng tin, hổ phù chỉ có bảo vệ cho dân làng mình thôi”. Việc gì chị cũng bênh bọn nhỏ khi bọn lớn bắt nạt, nên bọn trẻ chúng tôi càng quý chị.

Minh họa: Bùi Quang Đức


*
Học xong lớp 9/10 tôi đi thanh niên xung phong. Sau ba năm thanh niên xung phong tôi xin đi học lớp bổ túc công nông, rồi thi vào đại học không đậu. Tôi vào học trung cấp Sư phạm, ra trường về ngay trường làng, trong làng có người không ưa bảo tôi cao gầy như cây sào, có người lại nói tôi có vóc dáng eo dây đang mốt. Rồi tôi cũng lấy được chồng, nhưng không lấy được chồng làng. Chồng xin cho tôi về thị xã dạy học. Mấy bà cô chồng cứ nịnh tôi bằng cách đánh tiếng khen anh khéo chọn vợ như người mẫu Kate Moss. Thành thử là người nhà quê việc gì tôi cũng phải gồng mình lên để đẹp lòng người thành thị. Rồi sinh nở nuôi con, công việc suốt ngày giáo án, đổi mới phương pháp, rồi thi cử kiểm tra chấm bài vở, hết lo đối phó thanh kiểm tra, đến đối phó sơ kết, tổng kết… Cứ như bèo dạt, nước trôi tôi không nhớ gì về làng xóm của mình.  Một hôm chồng tôi hỏi: 
- Sao em cứ lăn ra với mấy cái giáo án không nhắc gì về quê ngoại?
Tôi bảo: 
- Mấy năm rồi anh có cho em về đâu mà nhắc? 
- Thế mai thứ bảy về nhé, về thăm ông ngoại ở một mình chắc buồn! 
Tối đó chồng tôi bàn phải cố mượn được cái xe máy về làng cho đẹp mặt một tý, hai vợ chồng ở thị xã lâu rồi mới về quê, hơn ba mươi cây số mà đi xe đạp thì ông ngoại sẽ buồn, người làng cũng khinh thường. Về đến đầu làng nghe tiếng xe máy trẻ con túa ra, bọn nhỏ nhìn vợ chồng tôi như người ngoài hành tinh. Tôi gặp một bà già tóc điểm bạc, lưng hơi còng nhìn mãi không nhận ra ai. Đang băn khoăn phải chào là bà hay là bác, thì bà hỏi:
- Nhàn về à em? Tôi chưa nhận ra ai thì bà nói: 
- Chị Sen đây! Tôi ngớ ra ôm chầm lấy chị. 
- Sao chị gầy thế? Tôi ôm chặt chị người chỉ da bọc xương. Nước mắt tôi tự nhiên cứ trào ra.
Về ông ngoại ăn cơm xong chưa kịp uống nước, tôi chạy sang bên nhà chị. Ngôi nhà xưa vẫn nguyên xiêu vẹo, tranh pheo xác xơ. Trong nhà có hai chiếc chõng tre cũ, một bàn thờ bằng tấm ván nhỏ không bào còn nhát cưa treo trên cao đồ thờ có mỗi bát hương sành từ thời các cụ để lại. Đồ đoàn trong nhà chẳng có gì, chỉ thấy sân vườn nhà cửa sạch sẽ. 
Tôi hỏi: 
- Nhà đi mô cả chị?
- Bà mất gần 8 năm rồi em ạ, hai đứa bỏ học hết, đang chạy tìm việc nhưng nơi mô cũng không nhận. Mấy năm bà ốm, một mình chị lo ăn từng bữa, thương bà đói vẫn nhường cho cháu. Các cháu rách rưới, rau cháo thất thường, không có điều kiện học hành bằng mọi người chị buồn lắm.
- Thế chế độ chính sách chị có được hưởng chi không? 
- Có chi mô em! Kể cả con Hồng con liệt sỹ nhưng không học hành đến nơi đến chốn cũng chả được chi cả. 
Tôi sực nhớ có thằng bạn hồi nhỏ cùng học cấp ba tên Sơn, thường gọi là Sơn mắt trố. Ngày xưa tôi rõ ghét hắn vì toàn chọc ghẹo tán tỉnh tôi. Khi tôi đi thanh niên xung phong còn viết thư tỏ tình hẹn ngày về sẽ “xây tổ ấm”. Tôi không trả lời, gửi mấy lần thư tiếp hỏi địa chỉ đến thăm, tôi cho “đi tây” hết. Sau bẵng đi, ngày tôi đang học sư phạm anh ta vài lần gặp nhưng có lẽ ngại vì tôi là gái xung phong. Chính vì thế mà làng tôi có 3 đứa cùng lứa với tôi đi bộ đội, thanh niên xung phong về ế không lấy được chồng. Nghe đâu anh ta học công tác đoàn, sau làm bên lao động thương binh xã hội.
Tôi về tìm hỏi được số điện thoại bàn của Sơn lúc đó chưa có nhiều di động. Tôi gọi cho Sơn: 
- Tao có việc bà chị là vợ liệt sỹ ở nuôi mẹ chồng đến già rồi cụ mất, có chế độ chính sách gì của nhà nước không? Bên kia Sơn nói: 
-  Có rồi đấy Nhàn ạ.
*
Ngày tôi học cấp hai, chị Sen yêu anh Tiến cao ngăm đen có đôi vai rộng, chị là hoa khôi của làng, nên ai cũng bảo đôi ấy đẹp nhất làng. Chiến tranh chống Mỹ bùng nổ, bố mất, anh Tiến là con một, nhưng vẫn xung phong nhập ngũ. Ngày anh đi cả làng có ba thanh niên nữa cùng nhập ngũ nên vui như hội. Làng tổ chức liên hoan. Làng tôi cả làng biết múa hát. Làng có hai đội văn nghệ một là đội hát bội - hát tuồng của người già và một đội chèo - tân nhạc của cánh thanh thiếu niên. Hai đội này không biết có từ bao giờ chỉ biết có rất nhiều trò hay từ cổ chí kim, trang phục đạo cụ rất đẹp, cứ khoảng 15-20 ngày lại thay nhau diễn một tối. Hai đội sống được là nhờ tiền thướng của dân làng cho mỗi buổi diễn. Chị Sen, anh Tiến cùng mấy đứa chúng tôi đều ở trong đội thứ hai. Chị Sen đàn hát rất hay là ca công chính. Tôi nhớ, tối tối diễn xong mặt còn nham nhở nhọ nồi, vôi, màu mè loe loét cả bọn vẫn húp cháo sì sụp. Trước khi Tiến nhập ngũ gia đình anh đã có lễ dạm ngõ chị Sen cho anh, buổi ấy có múa lân trong sân nhà chị.
 Anh đi rồi tôi thấy chị buồn ít nói hơn, đi đâu chị cũng muốn tôi đi để bớt phần lẻ loi. Nhập ngũ tròn ba tháng anh có thư về báo tin đơn vị chuẩn bị đi B. Gia đình hai bên biết bàn gấp việc tổ chức cưới cho anh chị, trong dịp anh nghỉ ba ngày trước lúc đi B. 
Ngày cưới, chị Sen mặc áo trắng quần lụa đen, đội nón mới, trang điểm trông rất đẹp. Anh Tiến mặc bộ đồ quân phục rách một tý ở vai. Bọn nhỏ chúng tôi hôm đó đều được ăn kẹo và hát. Cưới xong anh ở với vợ đúng hai đêm thì khoác ba lô lên đường về đơn vị. Anh Tiến đi chị Sen mất cân bằng trông như gà gẫy cánh. Chị nhớ anh gầy tọp hẳn đi. Tôi lúc đó chạy đi chạy lại với chị không biết chị bị bệnh gì mà nôn ọe suốt cả ngày, không hề ăn uống. 
Từ ngày anh đi đúng chín tháng mười ngày con gái đầu của anh chị ra đời, cả nhà vui lắm, chị đặt tên bé là Hồng. Tôi đi học về thường chạy sang nhà bế bé cho chị khi chị bận. Khi bé Hồng tròn một tuổi rưỡi, cả nhà đang ăn cơm thì nhận được giấy báo tử. Anh Tiến hy sinh ngày 29-1-1968 tại Long Xuyên, đúng vào ngày đầu tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Chị vật vã đau xót. Chị ốm không dậy được, mắt hốc hác, tay chân như cái que, tôi thường ở bên chị hàng tháng trời. Bà nội như mất hồn ôm cháu cứ rơi nước mắt, nhìn cảnh tượng trong làng không ai kìm được lòng.
Khoảng bốn năm tháng sau chị bình tĩnh khỏe lại, hôm hai chị em vào đồi sim hái quả cho làng ngâm rượu. Chị kể cho tôi đêm tân hôn của chị. Hai vợ chồng nằm trên cái chõng tre cũ trải manh chiếu mới không dám cựa vì tiếng kẽo kẹt sợ hàng xóm nghe. Việc chăn gối còn thẹn thùng, đêm tân hôn chỉ ôm nhau chị thút thít khóc. Đêm thứ hai anh vẫn còn run, gà gáy lần thứ ba, thứ tư mới mạnh dạn thực hiện chức phận làm chồng của mình. Chị ngất ngây lần đầu được sung sướng rồi mang mãi cảm giác yêu thương ấy.
*
Năm 1972 nhiều đợt bộ đội hành quân qua làng vào Nam. Chị Sen trong tổ hậu cần giúp sắp xếp bộ đội vào ở trong các gia đình. Chị cùng anh em nấu cơm giúp bộ đội. Làng tôi nhiều khoai ngon nên chị luộc cả khoai cho bộ đội ăn. Chị còn giúp giặt giũ, khâu vá quần áo cho bộ đội. Chị cảm nhận mỗi chiến sỹ như có chồng mình trong đó. Chị dành hết tâm lực cho những đoàn quân ra trận. Chị không dám nhìn thẳng vào đôi mắt anh bộ đội nào, nhưng đôi má gái một con của chị cứ hây hây, ngực căng đầy, đôi mắt như có nước, mái tóc chị lại càng óng mượt. Anh bộ đội nào thấy chị cũng không rời được mắt, khi biết hoàn cảnh đều thương cảm xuýt xoa, sao chị trẻ xinh thế mà đã góa chồng!
Hôm ấy cuối xuân, hoa bưởi chỉ còn lác đác, bộ đội qua làng nhiều. Nhà có bốn bà cháu nên chỉ chứa thêm được ba bộ đội nữa là chật. Trong đó có tiểu đội trưởng Duy cùng hai chiến sỹ là Thắng và Lai. Sen đi nấu cơm ở sân đình cho bộ đội ăn vừa dọn dẹp xong về đến nhà thấy Duy đang bế Hồng. Mắt Sen lạc đi, bộ đội nào giống anh Tiến quá! May mà Sen trấn tỉnh không đã gọi toáng lên chạy bổ lại.
Đơn vị Duy ở lại làng hơn mười ngày để rèn thêm một số chiến thuật cho bộ đội vào trận. Cả nhà biết Duy cũng là con một, bố là liệt sỹ chống Pháp, mẹ Duy là bác sỹ ở bệnh viện Xanh-pôn. Duy ra trường hai năm đang ở lại trợ giảng tại khoa Điện của Đại học Bách khoa. Duy nhập ngũ vì nhiều lần viết tâm thư. Cả nhà nghe càng quý Duy. Còn Duy, nhìn thân hình ngà ngọc, đôi mắt đắm đuối của Sen, hiểu  hoàn cảnh mẹ con Sen trái tim Duy thổn thức như nhảy khỏi lồng ngực. Đêm hôm đó trăng sáng, bên gốc bưởi còn mấy bông hoa thơm ngát, Duy đã nói lời yêu Sen và hẹn ngày ra Bắc anh sẽ đưa Sen về Hà Nội thưa với mẹ. Duy sẽ cho hai mẹ con Sen bơi thuyền hồ Tây ngắm sen trắng, đi chùa Trấn Quốc, đi dạo đường Thanh Niên... Mấy ngày Duy ở trong nhà, Sen và cả nhà như sống  trong cổ tích. Rồi Duy lại đi để lại cho Sen một chiếc khăn tay in tháp rùa hồ Hoàn Kiếm và nỗi nhớ khôn cùng. Đến Quảng Bình, Duy viết thư về nói nhớ mẹ con Sen nhiều đêm mất ngủ.
*
Không lâu cả làng ồn ào vì tin dữ, chị Sen không chồng mà chửa. Tôi vô cùng sửng sốt. Tiếp đó nhiều cuộc họp làng, xã, phụ nữ, đoàn thanh niên, đội, hợp tác xã… Nhiều ý kiến gay gắt: “Không chồng mà chửa, làm ảnh hưởng đến chính sách hậu phương tiền tuyến”. “Là vợ liệt sỹ đã vinh dự thế mà không biết giữ gìn thanh danh”… Đủ mọi lời ra tiếng vào, họ đưa chị ra kiểm điểm nhiều lần, truy hỏi cái thai trong bụng chị của ai? Chị chỉ im lặng. Chị bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức phó Chủ tịch hội Phụ nữ xã. Có đứa ác tâm còn đòi cạo đầu chị bôi vôi làm gương cho kẻ khác. Đi ra đường nhiều người gặp nhổ nước bọt vào mặt chị rồi quay đi. Kể cả bà mẹ chồng chị ra đường gặp người già đến trẻ con cũng không ai chào. Bởi vì theo họ nhà có hai mẹ con mà bà không biết bảo ban con dâu, để nó chửa hoang, ảnh hưởng đến làng nước… Đội văn nghệ còn dựng trò diễn: có nhân vật đàn bà chồng đi trận, vợ ở nhà chửa hoang, quan gọi người vợ lên phạt đánh đòn khi về dọc đường bị sét đánh chết, xác không ai chôn, quạ cũng không thèm ăn. Từ đó bản thân tôi cũng không dám gần gũi chị. 
Tháng cuối năm, hôm ấy rất rét. Bà mẹ chồng thấy chị cắn răng chịu những cơn đau chuyển dạ vật vã nên gọi tôi sang. Tôi và bà cụ luống cuống định đưa chị ra trạm xá xã, nhưng chị một mực không đi, rất may chị đau quằn quại khoảng vài chục phút thì sinh con gái thứ hai, tôi thấy nhẹ người. Bé lọt lòng bụ bẫm, khóc rất to, chị đặt tên bé là Thắm. 
Có người trong làng đặt vè dạy trẻ hát: Nước ta có núi có sông/ làng ta có ruộng cấy trồng lúa khoai/ có vườn ươm giống trúc mai/ lại cho một mớ sen hồng thắm tươi.
Trẻ con hát. Đội văn nghệ diễn. Các cuộc họp hợp tác xã lại càng nhiều ý kiến. Dư luận càng đàm tiếu sâu rộng thì cuộc sống của chị và cái gia đình nhỏ đen đủi, nghèo đói trong cái mái tranh dột nát, xiêu vẹo lại càng không lối thoát.
Khi Thắm tròn bốn tháng chị Sen nhận được một lá thư ngoài bì đề người gửi Lưu Đình Thắng dấu bưu điện gửi từ phía Nam, Sen vội mở, trong thư nét chữ viết vội Thắng báo tin Duy đã hy sinh trong trận bảo vệ thành cổ Quảng trị. Chị ôm con nấc lên không còn khóc được nữa. 
Chị lại ốm dài. Chị nghĩ sao đời chị long đong, khốn nạn thế. Hai  người đàn ông như tượng thần của thời cuộc, sao xấu số, đi qua đời chị như cơn gió, như nhát dao đâm. Anh Tiến chỉ bên chị hai đêm, vài phút cho chị làm vợ, cho chị một đứa con rồi anh chết, để lại cho chị một nỗi đau và một khoảng trống vô bờ. Nhưng  may, anh chết còn để lại cho chị một rừng thương hại, còn chỗ nương nhờ đó là làng xóm, đoàn thể... Còn Duy! Anh là người đàn ông trong mơ cũng khó. Anh cũng là con người đầy nhiệt huyết, giàu lòng trắc ẩn. Anh như quả núi lấp tròn đầy vào vực thẳm khi chị mất Tiến. Chị đã dành bao hy vọng và tình yêu cháy bỏng cho anh. Anh cũng dành cả một biển trời thương yêu cho chị, anh cho chị một đứa con, rồi anh lại chết. Anh đi qua đời chị như bóng mây, thoáng cho một bóng râm. Chị càng nghĩ ruột gan chị càng thắt lại rồi rã ra. Chị không biết chia sẽ cùng ai, nên chết hay sống? Nhiều khi chị muốn nhảy xuống sông Yên nhưng chị lại thương hai đứa con, thương Tiến, thương Duy, thương mẹ chồng già cơ cực... Chị lại nghĩ, thôi trời bắt tôi khổ nhưng cầu cho con tôi đừng khổ.
Con chị mỗi ngày một lớn, chị càng ưu tư, sống giữa làng mà như ngoài đảo vắng. Có miếng ăn chị phải nhường cho ba bà cháu. Chị ăn qua quýt cho qua bữa rồi lại lao vào đồng áng, nhặt nhạnh con cua, con ốc. Thế mà người chị vẫn đẫy đà, bộ ngực và cái mông chị cứ căng lên thách thức mấy bà vợ của mấy ông cán bộ trong làng, trong xã. Thấy chị đẹp người ta càng đàm tiếu. Người thì bảo con chị là của ông đại đội trưởng bộ đội, người bảo nó giống ông chủ nhiệm hợp tác, người bảo hao hao ông xã đội… Mỗi lần các ông cán bộ đi hội họp các bà vợ ở nhà lại lo ngay ngáy, vì theo họ chị là con ma quyến rũ đàn ông. Vài lần vợ ông chủ nhiệm đã đón đường đánh ghen với chị. Không biết bao nhiêu tội lỗi đổ lên đầu, chị chỉ biết ngậm ngùi im lặng như một con giun lầm lũi không nói, không cười. 
Bà cụ thương bế cháu nheo nhóc ngồi bậc cửa. Cụ gầy rộc, còng như một cái que gẫy gập, cụ chống gậy hái từng mớ rau dại, mót từng hạt lúa củ khoai cho cháu. Nước mắt cụ cạn từ lâu rồi có đau thương hơn cụ cũng không khóc được nữa. Lâu lâu có người đi qua xỏ xiên, thúc giục: 
- Sao bà không đuổi cái đứa con dâu lăng loàn vô phúc ấy đi cho khuất mắt? 
Bà chỉ cắn răng. Bà biết Sen khổ thế nào rồi? Vì bà cũng là người đàn bà chồng chết khi 20 tuổi, đúng bằng tuổi con Sen khi thằng Tiến chết. Nhưng bà còn được ở bên chồng 6 năm vì bà lấy chồng từ khi 14 tuổi. Còn con Sen chỉ được ở bên chồng có hai ngày. Bà chỉ phải nuôi thằng Tiến nhưng con Sen bây giờ phải nuôi hai đứa và cả bà nữa, dù rau cháo chưa một ngày mất bữa. Bà không nghe ở nó một lời ca thán vất vả, hay lời nói nặng đến bà bao giờ.
Bà  nghĩ, Sen đẻ thêm con Thắm  cũng là cái số nó phải ở lại nuôi bà. Ngày ấy bà biết Duy có tình ý với con dâu bà cũng mừng, thế là nó có người thương, đàn bà cần có nơi nương tựa. Con dâu bà thời xuân sắc như luống rau sạch mơn mởn, không “rào dậu” cánh đàn ông đứa nào chả muốn sà vào. Bà biết đàn bà mất chồng như nhà mất khóa, vườn mất rào, lợn mất cọc ngăn. Bà biết nỗi khổ của gái có tí nhan sắc góa chồng thế nào rồi. Mất chồng rồi có xấu cũng như cái bánh ngon trên mâm cỗ đông người. Bà ngày trước có đẹp gì cho cam, luật làng khắt khe là thế, nhiều đêm đàn ông mò đến cạy cửa trong nhà bà phải véo thằng Tiến cho nó khóc thật to.
*
Tôi tìm lại chỗ Sơn làm việc. Hai tuần sau tôi và Sơn về làng. Sơn bây giờ đạo mạo là phó giám đốc sở Thương binh xã hội, đi xe con có thư ký đi kèm. Nhìn Sơn tôi trộm nghĩ: tâm sinh tướng.
Sơn xuống xe vào nhà gặp chị Sen hỏi chị cặn kẽ, xuống xã yêu cầu xã làm hồ sơ báo cáo về tỉnh để làm chế độ cho chị. Chiều hôm ấy Đảng ủy và Ủy ban xã triệu tập cuộc họp khẩn về chế độ cho vợ liệt sỹ. Trong cuộc họp đầy đủ các ban bệ, rất nhiều ý kiến về chị. Buổi họp kéo đến hơn 5 giờ chiều vẫn còn nhiều ý kiến muốn phát biểu, nhưng Bí thư Đảng ủy xã kết luận: 
- Báo cáo các đồng chí, theo nhiều ý kiến của ban ngành trong xã đã phát biểu, bà Sen là vợ liệt sỹ, là cán bộ thuộc đối tượng cần gương mẫu, nhưng sống không chung thủy, dẫn đến sinh con ngoài giá thú ảnh hưởng đến chính sách hậu phương và tiền tuyến, ảnh hưởng đến chính trị xã hội ở địa phương rất nhiều trong một thời gian dài. Hiện nay hòa bình rồi xã đang tích cực xây dựng phát triển hợp tác xã tiên tiến, đặc biệt là nếp sống văn hóa, con người mới xã hội chủ nghĩa. Để làm gương và giúp địa phương không có những tiền lệ xấu, đề nghị nhà nước xem xét trường hợp bà Sen không nên trợ cấp. 
Bí thư nói xong nhiều người vỗ tay tán thưởng. Cuối cùng Sơn có ý kiến: 
- Tôi hỏi các đồng chí: đàn bà chồng mất rồi còn chung thủy với ai? Việc bà Sen có thêm con ngoài giá thú, việc này thuộc phạm trù đạo đức là việc ta không bàn. Ở đây ta chỉ bàn việc thực hiện chính sách của Nhà nước với vợ liệt sỹ. Mặc dù trong hoàn cảnh nào bà Sen cũng đã có công nuôi con, nuôi rồi thờ cúng mẹ chồng là mẹ liệt sỹ chu toàn, rất đáng được trân trọng. Chính phủ đã có Nghị định số 31/2013 quy định về chính sách đối với vợ liệt sỹ tái giá và chưa tái giá. Tôi yêu cầu Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã nghiên cứu nghị định, thông tư đã hướng dẫn, rà soát trong xã còn đối tượng nào lập hồ sơ để Nhà nước thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định, đây mới là văn hóa, đây mới là xã hội chủ nghĩa…  
Ba tuần sau vào ngày giáp tết âm lịch chị Sen có quyết định hưởng trợ cấp vợ liệt sỹ và nhận tháng trợ cấp đầu tiên. Chị mừng lắm, chị định dịp này con Thắm đã lớn rồi để nó lấy được chồng, tết về chị sẽ nói với Thắm lần đầu sơ lược về bố nó.
Sáng mồng một tết mấy đứa chuẩn bị bầy cỗ lên bàn thờ xong. Vợ chồng Hồng mời chị thắp hương cho bố. Chị mặc chiếc áo mới con Thắm mua. Đứng trên chiếc ghế thắp hương, cầm ba nén hương vái ba vái. Chị chắp tay trước ngực, tâm trạng chị rạo rực nhớ lại phút giây kỷ niệm, chị run run nghèn nghẹn. Hình ảnh Tiến và Duy lại hiện về. Lúc đó trong lòng chị trào dâng xúc cảm, người chị run lên chiếc ghế chao nghiêng, rất không may chị ngã té ngửa đầu va xuống nền nhà, chị bất tỉnh. Ba tiếng sau chị mất. 
Chị quá vội đi chưa nói được với con Thắm bố nó là ai? 
            

B.H.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 121
 Hôm nay: 2590
 Tổng số truy cập: 13584922
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa