Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Dỡ - Phan Đức Lộc
Dỡ - Phan Đức Lộc

Tảng sáng, bà Thìn đang nằm cúm rúm trên chiếu rơm, nghe một tiếng “rầm” như sấm đầu mùa. Cái nhà xí bên mé sông đã bị sụp xuống sau một lần sạt cát. Lúc chạy ra, bà Thìn chỉ biết đứng nhìn mấy lớp tranh nâu cũ cùng tro tàn và giấy vụn theo con nước đùng đục trôi đi từng mảng, lềnh bềnh, lơ lửng. Hôm qua định hốt phân hoai bón cho ruộng lúa đang thì con gái rồi, vậy mà tất bật những việc lặt vặt chưa kịp làm, phân hờ hững dỗi hờn, gối đầu lên nhau theo sông về biển. Ngồi bệt trên đám cỏ úa, bà Thìn thầm tiếc rẻ: vừa tiếc cái nhà xí mất hai ngày công mới dựng nổi, vừa tiếc chỗ phân đã được ủ vôi cả tháng. Bà tự an ủi, cũng may khi cái nhà xí đổ xuống sông, mình đang ngủ trong nhà…
Thật đúng lúc, từ phương xa, thằng Tần, con trai bà gọi điện về. Chưa để con hỏi han sức khỏe nọ kia, bà đã xơi xơi một thôi, một hồi chuyện cái nhà xí. Thằng Tần phì cười:
- Mai mốt con về, con sẽ dựng cái nhà xí mới cho mẹ.
Bà Thìn vờ choẳn ngoẳn:
- Gớm, giục anh khô cổ, rát mồm anh mới thọc tay.
Nhà bà Thìn không thuộc diện nghèo trong xóm, nhưng vì cái lối sống ăn xổi, ở thì quen từ nếp nghĩ, quen xuống hậu môn nên có mỗi cái nhà xí cũng lừng khừng mãi mới chịu làm tạm bợ. Ngày xưa, chỗ đi vệ sinh của gia đình là một khoảng nhỏ hình hộp được gắn xuề xòa bằng những miếng bao bì xi măng, bên trong bắc hai tấm ván gỗ rồi cứ thế ngồi đó mà thải trực tiếp xuống dòng sông vốn dĩ nước xanh biêng biếc. Bọn trẻ chăn trâu rủ nhau tắm sông, có hôm hụt hơi, nuốt ực cả mảnh giấy báo nhễu nhão. Mấy ngày sau nghĩ lại còn lợm họng không dám ăn cơm. Bố mẹ chúng đến nhà bà Thìn lảnh lót mắng vốn… cái “hình hộp” kia. Bà ờ ờ, ợm ợm, ừ ừ…
*
Uống hết thuốc nam, uống sang thuốc bắc, bà Thìn mới rặn ra được thằng Tần. Chồng bà chưa kịp nghe tiếng con gọi bố thì đã sớm ra đi sau một lần ra đồng tay không bắt rắn. Để bù đắp cho đứa con mồ côi bố, bà Thìn hết mực nuông chiều thằng Tần. Là con nhà nông nhưng từ nhỏ đến lớn, thằng Tần chẳng phải mó tay, động chân vào bất cứ việc gì cả. Mẹ hì hụi việc nhỏ việc to, con vô nghĩ, vô lo, suốt ngày tưng tửng chơi bời, nhảy nhót. Cách bao bọc con của bà Thìn xem ra đã gây ra tác dụng ngược. Không ngày nào, thằng Tần không gây ra chuyện. Hôm thì trèo cột điện bắt tổ chim bị điện giật suýt mất mạng. Hôm thì bật lửa nướng cá làm cháy rụi cả cây rơm. Bà chẳng răn đe con bằng roi, bằng vọt mà dạy dỗ nó bằng những lời ngọt, lời bùi. Có phải vì lỗ tai được rót quá đầy những lời ngọt bùi mùi mẫn từ người mẹ bao dung mà thằng Tần càng lớn càng nghịch ngợm, nhưng cái mồm nó dẻo quéo khéo nịnh chả ai bằng. Cái lần đi ăn trộm gà bị hàng xóm bắt quả tang, xềnh xệch xách cổ về tận nhà, nó nước mắt bên dài, bên ngắn:
- Năm nay mất mùa… Đến hạn nộp tiền học phí, con không dám xin mẹ…
Bà Thìn sụt sịt ôm con vào lòng, vỗ về:
- Ôi, con tôi nó đã biết thương mẹ rồi đấy!
Bà Thìn nào hay thằng con quý tử trộm gà toan mang bán lấy tiền trả nợ quán game. Trong mắt bà, thằng Tần luôn hoàn hảo kể cả khi mắc lỗi. Bà vẫn cậy bản thân còn khỏe, một mình cáng đáng hai mẫu ruộng lúa, một bầy gà tơ, thêm vườn rau tươi, dư sức nuôi thằng con ăn học nên người. Chưa nên người đã nên lươn, nên chạch, ra đường quấy phá, về nhà lèo lá. Nó lớn tều nghều mà ươn oải không cầm nổi cây chổi quét nhà, chứ chưa nói đến việc nấu cơm, giặt giũ. Ăn uống khảnh khọt, đâm đâm, chọt chọt, ngũng ngoẵng khó chiều. Cá nhỏ chê tanh, rau xanh chê nhạt, thịt lợn nạc chê khô, gà gô chê nhão. Đi học một tuần sáu buổi thì trốn mất ba. Còn ba buổi nữa la cà, rong chơi. Thuốc lá phập phù. Rượu bia tới bến. Và nguy hiểm hơn, nó mê bài bạc.
Lớp 11 dở dang, không chịu nổi cảnh chữ nghĩa suốt ngày hiếp dâm trí não, thằng Tần bỏ ngang, ôm mộng dỡ nhà người ta về làm nhà xí của mình. Mấy bao tải lúa, đàn gà, những thứ có giá trị trong nhà cứ hao hụt dần vào những hôm bà Thìn đi vắng. Trò đỏ đen hôm thua, hôm thắng. Thua, muốn gỡ gạc. Thắng, càng say mê. Biết chuyện, bà Thìn ra sức khuyên ngăn con trai. Vẫn cái lưỡi không xương, thằng Tần trăm đường lắt léo:
- Mẹ ạ, giờ không đánh bạc, con chả biết làm nghề gì hơn. Mẹ xem, chân tay con lẻo khẻo thế này thì làm sao bốc vác, phụ hồ được. Học kiếm cái nghề ổn định thì đầu óc con không đủ khả năng. Con đánh bài có chiến thuật, thủ thuật hẳn hoi, mẹ đừng lo lắng. Con sẽ mang nhiều tiền về cho mẹ.
Nói rồi, thằng Tần trải bộ bài ra mặt thành hàng dài một cách điệu nghệ, rút lên con J bích. Nó úp con bài trong lòng hai bàn tay, úm ba la rồi mở ra, con J bích đã hóa thành Q cơ. Bà Thìn sửng sốt như không còn tin nổi vào mắt mình. Trong mấy giây, tất cả diễn ra như một màn ảo thuật. Bà ngạc nhiên hỏi:
- Con làm cách gì đấy?
Nhổ một sợi tóc bạc trên mái đầu bà Thìn, thằng Tần ba hoa:
- Con trai mẹ đâu phải hạng tầm thường. Mẹ hãy tin tưởng con!
Bà Thìn xuôi xuôi:
- Con đánh sao thì đánh. Phải cẩn thận đấy. Mẹ chưa thấy ai ở cái làng này xây nổi nhà xí từ việc đánh bài, đánh bạc cả.
Thằng Tần chưa dỡ được nhà người ta thì các chủ nợ kéo đến, hùng hục dỡ từ chiếc giường, dỡ bộ bàn ghế, dỡ chiếc ti vi, tháo luôn đôi hoa tai của mẹ nó mang đi sau mỗi lần nó thua bạc. Chỉ còn cái bàn thờ bố nó, người ta thương tình chưa dỡ. Sự đến nước này, bà Thìn chỉ biết úp mặt khóc. Ông Bụt không hiện lên, chỉ thấy nước mắt thấm vào những vết nẻ trên đôi tay ran rát. Nhà ở trống trơn. Nhà xí vẫn là “chiếc hộp” bằng bao bì xi măng chằm vá. Những nhà có con hay tắm sông bảo, nếu tuần tới, nhà bà chưa chịu làm nhà xí mới, họ sẽ viết đơn báo lên xã. Chẳng còn tìm nổi cái gì có thể bán được để chơi bạc nữa, ngồi một chỗ, ngứa chân ngứa tay, thằng Tần đục tre, dựng khung làm nhà xí, vách trát bằng đất, mái lợp rạ khô. Cái hố chứa bên trong xây kín bằng xi măng trộn cát. Giờ thì đố ai dám bén mảng tới nhà lời vào, tiếng ra…
*
Tưởng rằng khoản nợ đã dừng lại. Nào ngờ càng ngày, người tứ xứ cầm gậy, vác côn đến đòi nợ càng đông. Nhiều lần, thằng Tần bốn cẳng, ba chân hớt ha hớt hải chạy ra nhà xí lẩn trốn. Làm nhà xí có lẽ là quyết định sáng suốt nhất trong cuộc đời nó. Cũng may có cái nhà xí bao che, dung túng, không thì thịt rách, máu rơi rồi. Sống chui, sống lủi thế thì chẳng bằng con chó. Một đêm mưa âm u, mù mịt, nó khoác ba lô, quyết chí thẳng tiến vào Nam lập nghiệp. Bà Thìn khóc thi với mưa. Con ơi, xa vòng tay mẹ rồi, không biết con có sống nổi không? Con phải cố gắng lên, con nhé. Khó nhọc quá thì về đây với mẹ. Mẹ sẽ bán đất trả nợ cho con. Hai mẹ con bịn rịn cầm tay, mắt ngân ngấn nước. Con đường phía trước bóng tối ken dày, ánh đèn nhà ai như ngụp lặn trong màu đen ảm đạm…
Diện tích đất Sài Gòn tỉ lệ nghịch với số người trăm nơi, ngàn chốn đổ về. Khó khăn lắm, thằng Tần mới xin được chân bốc hàng cho một đại lý tạp hóa ở trung tâm thành phố. Tháng ba triệu bao cơm mà chả giữ nổi một đồng lương gửi về cho mẹ trang trải nợ nần. Ở quê đã đua đòi, vào đây còn đú đởn hơn. Sài Gòn lung linh. Sài Gòn hoa lệ. Sài Gòn mang đến cho thằng Tần những người anh em gắn mác thiện lành. Họ dẫn nó bước qua bao cánh cổng cuộc đời. Bóng cười, tẩm quất, mát - xa, rồi thì quán nhậu, quán bar tưng bừng. Sung sướng hôm nay, mặc kệ những khốn khổ ngày mai. Đi chơi thì phỡn phè, đi làm uể oải. Đầu tháng nào cũng lập đàn giải ngố, giải xui mà chẳng hiểu sao giữa tháng đã phải cúi cúi, chui chui, vay mượn chỗ này vá lấp chỗ kia. Ánh sáng rực rỡ cùng những ồn ào, náo nhiệt của Sài Gòn khiến thằng Tần quên đi người mẹ ở vùng quê nghèo nàn, tối tăm, quạnh quẽ…
 Trên đời này đâu phải chỗ nào cũng ấm áp bao dung như ở nhà với mẹ? Đến tháng thứ sáu, thằng Tần bị ông chủ đại lý đuổi thẳng cổ vì cái tội nhiều lần đi làm muộn và say rượu, nôn nhoe nhoét trên đống gối chăn nhập ngoại. Đám bạn làm thuê đã chẳng nói đỡ một lời, lại còn móc túi vét sạch sành sanh mấy đồng nợ vặt. Bằng hữu vào bia, ra rượu chốn này là thế đấy. Những lời thề thốt keo sơn trong cuộc tửu cạn, đêm tàn đã bị phủ định sạch trơn. Vác ba lô lên vai, thằng Tần nhổ toẹt một bãi nước bọt:
- Lũ chó!
Một thằng dí cái nắm đấm vào mặt nó, gân cổ:
- Phắn! Còn lèm bèm tao cắt lưỡi cho chó ăn nha mậy?
 Phắn thì phắn! Đứng giữa đất Sài Gòn mà sợ không kiếm được việc làm và cạ cứng thì khác nào lạc giữa rừng xanh chẳng tìm ra củi đốt? Đây đếch cần, nhé. Đi xa một đoạn, nó vỗ mông bành bạch.
*
Bà Thìn đã qua cái thời nói không mỏi mồm, làm chẳng mỏi tay. Nay chỉ đủ sức chăm một đàn gà, làm vài ba sào ruộng ki cóp, dành dụm trả nợ dần dần. Mỗi lần nhớ thằng Tần, bà lại mang mấy tấm ảnh đen trắng cũ xưa ra, dùng khăn mùi soa lau sạch lớp bụi rồi tư lự ngắm ngắm, nghía nghía. Cái thằng từ bé đến lớn khuôn mặt chỉ to thêm chứ đường nét không thay đổi nhiều. Chao ôi, giống bố nó như đúc! Hồi nó còn nhỏ, thấy thợ ảnh đến nhà là thích chí bíu lấy áo mẹ, chống nạnh tạo dáng, miệng cười toe toét, mắt híp vào. Vậy mà lớn lên, bảo chụp chung với mẹ một tấm ảnh làm kỷ niệm thì lắc đầu nguầy nguậy. Thành thử, hình ảnh thằng Tần trong tâm trí của bà càng thêm khắc khoải.
Tính ra, thằng Tần đã đi làm được gần nửa năm. Năm thì mười họa, nó gọi điện về bảo, công việc ổn định, nhưng chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nên chả góp được bao nhiêu. Bà Thìn chẳng trông đợi vào những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của con trai, chỉ mong nó kiếm đủ cái bỏ mồm nuôi thân là bà mừng rồi. Thương con, thi thoảng, bà lại đùm túm đỗ, lạc, đậu, ngô gửi xe vào Nam. Thằng Tần miễn cưỡng ra bến xe nhận rồi vứt vào xó cửa, có hạt nảy mầm, có hạt lên meo, lên mốc. Nó đã bảo mẹ Sài Gòn chả thiếu gì, chỉ thiếu mỗi tiền mà tính bà cứ ngay ngáy lo xa. Bà chỉ quanh quẩn sau lũy tre thì nào biết hình dung Sài Gòn tròn méo thế nào? Cứ nghĩ, lo cho con được cái gì hay cái đấy.
*
Bị đại lý tạp hóa đuổi việc, thằng Tần xách ba lô lang thang khắp nơi vẫn chưa xin được việc. Năm mươi nghìn cuối cùng còn kịp lận vào cạp quần chíp cũng đã bị kẻ gian móc mất khi đang chen lấn trong chợ Bến Thành. Nó cứ lẩn thẩn dọc con đường lớn, cái ba lô vẫn chừng ấy quần áo nặng dần trên vai, chân trĩu xuống, mắt loăng quăng hoa cải, hoa cà, cổ họng khát khô, bụng cồn cào đói. Trên đường, những chuyến xe vẫn tấp nập lại qua. Những gương mặt bịt khẩu trang kín mít chỉ để lộ ra ánh mắt vô hồn. Ai cũng đang hối hả, bận rộn cho cuộc mưu sinh, người nào việc nấy. Chẳng ai dư dả thời gian để bận tâm đến một chàng thanh niên cao to bước chân đang chùng chình, dặt dẹo. Trưa đầy nắng và bụi. Cái dạ dày thằng Tần may chăng chỉ còn đọng lại chút hơi cồn của cuộc rượu hôm kỉa, hôm kia. Mồ hôi tứa ra trên trán nó nhớp nháp. Nó đổ xuống…
Khi tỉnh lại, thằng Tần thấy mình nằm trong một cái lò gạch ám đen bồ hóng. Cái lò gạch gợi Tần mang máng nhớ một cái truyện trong sách giáo khoa mà lần duy nhất trong đời nó từng đọc lướt. Truyện gì cũng có thằng say rượu tứ cố vô thân ấy nhỉ? Đập đập đầu mãi mà chữ nghĩa trong đầu chẳng chịu thức dậy. Bên cạnh, một cặp vợ chồng chắc trạc tuổi mẹ Tần, mặc quần áo lao công đang làm thịt một con gà mái. Nghe tiếng trở mình của thằng Tần trên chiếc chõng tre cót két, người vợ quay lại rồi đưa bàn tay đang dính lông gà lay người chồng đang quay mặt ra ngoài đường, nói giọng miền Trung nằng nặng:
- Ông ơi, thằng cu tỉnh rồi tề!
- Tốt quá rồi.
Thằng Tần lúng túng:
- Cháu… cháu đang ở đâu thế này?
Người vợ rửa tay, quệt vào lưng áo, rồi chạy đến bên thằng Tần, sờ lên trán, xởi lởi:
- Cha mạ ơi, cậu bị sốt, ngất trên đàng. Vợ chồng tui đi chở rác thấy nên đưa cậu về đây. Chừ đỡ hơn rồi nầy.
Lắng tai mãi, thằng Tần mới nghe và hiểu hết nghĩa câu nói đặc sệt ngữ âm địa phương của người vợ. Nó rối rít nói lời cảm ơn rồi gượng dậy, đầu vẫn còn hơi ong ong. Người chồng loay hoay nhóm bếp than, bỏ con gà đã làm sạch vào nồi nước rồi ồm ồm hỏi:
- Cậu quê ở mô?
- Dạ, cháu ở Hà Nam.
- Ở xa hè - Người chồng châm điếu thuốc mời thằng Tần hút - Rứa vô đây mần chi?
Tần đón lấy điếu thuốc:
- Cháu đang thất nghiệp.
Chừng nửa tiếng sau, nồi cháo chín, người vợ múc ra một bát đầy thịt và trứng gà sóng sánh, rồi thả thêm đôi lát hành thơm nức, mang đến cạnh chỗ Tần đang nằm. 
- Con gà mái đang đẻ trứng đó. Ngon lắm.
Tần khẽ húp một thìa, chợt lồng ngực nhói dậy bao nhiêu ký ức về mẹ, mũi nó dãn ra, cay nồng. Đúng lúc ấy, người chồng lại hỏi:
- Rứa có chịu làm lao công không, tui xin việc cho?
Người vợ giật áo chồng:
- Ông ni nói hay hè. Người ta mặt mày sáng sủa rứa mà đòi rủ đi làm lao công.
Hơi cháo gà như lan ra khắp mao mạch Tần. Sau một hồi suy nghĩ, nó đáp:
- Cô chú cho cháu theo nghề với ạ.
Vợ chồng cô chú lao công rất tốt bụng, hòa đồng, vui tính. Họ xem thằng Tần như con đẻ trong nhà. Làm lao công, lương tháng được năm triệu, hai vợ chồng gửi về cho lũ con nheo nhóc ở nhà ba triệu, còn hai triệu chả đủ tiền thuê nhà nên bất đắc dĩ mới phải mò ra cái lò gạch bỏ hoang này ở tạm. Họ kể về những đứa con với một niềm đau đáu khôn nguôi. Những ngày sống với họ, thằng Tần vỡ ra nhiều điều còn hơn những bài học môn Giáo dục công dân trên lớp. Bát cơm nó ăn mỗi ngày đâu chỉ có mỗi hương thơm, vị ngọt. Tần nhớ mẹ quay quắt. Mẹ nó vì yêu thương nó hết lòng mà đã chiều chuộng nó một cách mù quáng. Tần nghĩ, mình còn trẻ, cuộc sống còn dài. Mình sẽ khép lại những tháng ngày bê tha để mở ra một trang đời mới.
 Tần khoác lên mình bộ quần áo lao công màu tím than, đẩy xe rác rong ruổi khắp những ngõ dài, ngách hẹp của Sài Gòn. Ban đầu, chưa quen việc, mùi rác hỗn tạp gây gây, ngai ngái, tanh tanh, thôi thối xộc vào mũi đến mắc ói. Nhưng dần dà, làm hơn một tuần thì quen, chỉ ngại nhất khi có những thanh niên qua đường nhìn mình, ném những câu dửng dưng đại loại như: “Ngon giai thế mà đi làm nghề đổ rác”. Vợ chồng cô chú lao công phải động viên Tần rất nhiều. Tháng lương đầu tiên, Tần gửi về cho bà Thìn hai triệu, cầm năm trăm nghìn tiêu vặt. Số tiền còn lại, nó gửi cho cô lao công gọi là tiền cơm nước. 
*

Minh họa: Đăng Khoa

Bà Thìn mừng rơn khi sau cuộc điện thoại chưa lâu, thằng Tần đã gửi tiền về. Nó dặn bà mua thêm thức ăn bồi bổ. Tim bà đập rộn ràng hạnh phúc. Bà cất số tiền dưới gối, định lúc nào góp được hòm hòm sẽ xây một cái nhà xí mới. Một cái nhà xí rộng nhất làng, vừa để dằn mặt các nhà hàng xóm xung quanh, vừa có đủ chỗ cất giấu mấy món đồ mới sắm được kẻo bọn chủ nợ sấn đến nẫng mất. Từ ngày cái nhà xí bị sụp, bà toàn phải đi vệ sinh nhờ nhà hàng xóm. Nhà bên ấy đông người. Có hôm chờ đến són ra quần, phải cuống cuồng chạy về nhà thay rồi mang cái quần nhơm nhớp xuống sông giũ vội. Không có nhà xí khổ thế đấy! Mãi sau này khi bà đứng sau giậu mồng tơi nghe lén cuộc nói chuyện của mẹ con nhà hàng xóm, bà mới biết hôm đó, đứa con gái nhà ấy cố ý ngồi trong câu giờ để hại bà. Bà bai bải chạy sang nhà hàng xóm, chống nạnh:
- Mẹ con nhà thím rõ cái ngữ nham hiểm. Tôi đi nhờ nhà xí nó mòn mất đi à mà chơi ác với nhau thế?
Nhà hàng xóm vóng vót không kém:
- Đi xong toàn quên bỏ gio, thử hỏi ai mà chịu được?
- Đừng có mà đặt điều nhá! - Giọng bà Thìn vẫn xoe xóe như vòi nước chảy mạnh. - Ruộng vườn nhà thím lên xanh một phần cũng nhờ phân của tôi đấy nhé. Đồ lòng lang, dạ sói!
- Đã vác đít đi nhờ nhà người ta thì đừng có mà ối a lắm chuyện. Đúng là làm ơn mắc oán đây mà! - Nhà hàng xóm lảnh lót không chịu thua, chịu kém một lời. - Đồ mồm ngỗng, miệng ngan!
Những người qua ngõ dừng lại nhìn hai nhà ra rả chửi nhau, chỉ chỉ, trỏ trỏ, cười cười. Cái nhà xí be bé mà xé ra câu chuyện to đùng. Bà Thìn im tiếng trước, ngoắt đít bỏ về nhà. Bụng bà tức anh ách. Sau bữa đó, bà chẳng còn mặt mũi nào đi vệ sinh nhờ ở những nhà hàng xóm lân cận khác. Đau bụng đến mấy, bà cũng cố nín nhịn đợi đến đêm mới len lén chạy ra mé sông. Lâu dần hình thành thói quen, bà chỉ đi đại tiện khi mặt trời đã tắt hẳn. Nhiều khi, cái bụng ong ỏng giục đôi chân chạy nhanh nhưng lúc ngồi bên mép nước lại không ra được, phần vì gió gài gại buồn buồn, phần vì sợ ngộ nhỡ rắn rết nghe sột soạt mò tới đớp một phát thì coi như toi đời. Nhất định phải gom đủ tiền xây cái nhà xí trong thời gian sớm nhất!
*
Buổi trưa đi làm về, cô lao công mang viên gạch ra soi ngoài nắng, số tiền tiết kiệm giấu trong lỗ gạch đã biến mất. Vợ hỏi chồng, chồng bảo không lấy. Thằng Tần đang vo gạo ngoài chum nước. Cô khựng lại nhìn nó, không nói năng gì. Kẻ trộm dù có lắp thêm bốn đôi mắt cũng không thể tìm thấy số tiền cô cuộn tròn đút trong viên gạch kê ngoài nhà xí được. Cứ ngỡ nhà xí là nơi an toàn nhất, nào ngờ… Chỗ cất tiền ấy, cô biết, chồng cô biết và thằng Tần cũng biết. Nhà chỉ có ba người, cô không lấy, chồng cô không lấy thì còn ai khác ngoài… Cô cố ghìm ý nghĩ dừng lại trước dấu chấm lửng. Đó chính là sự kiện làm cho mối quan hệ của thằng Tần và vợ chồng cô lao công âm ỉ rạn nứt từ bên trong mặc dù bên ngoài họ vẫn tỏ vẻ tươi cười tự nhiên, xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Thằng Tần lờ mờ cảm nhận được điều ấy. Nhưng nó không lấy thì thanh minh chẳng khác nào thú tội. 
Cuộc sống là một sự sắp đặt hết sức tình cờ. Hôm đi quét rác về muộn, thằng Tần thấy chú lao công mặc nguyên cả bộ đồ màu tím than bước vào nhà nghỉ. Nó đứng đợi bên ngoài tấm biển quảng cáo một hồi lâu, đợi chú ấy đi ra rồi thình lình từ sau gốc cây bước nắm lấy cổ tay như bắt quả tang:
- Chú lấy trộm tiền của cô đi chơi gái phải không?
- Cháu.. cháu… thông cảm. - Người đàn ông ấp úng - Chú cũng là đàn ông.
- Sao… Sao… - Thằng Tần không biết diễn đạt ra sao cho tròn vành, rõ nghĩa cái câu định nói.
Chú vỗ vai nó:
- Cô mi bị dính HIV sau một lần nhặt mấy cái bơm kim tiêm vứt chỏng chơ ngoài bãi rác bị đâm trúng ngón tay…
Tháng lương thứ hai, Tần đem hết số tiền làm một việc tốt. Khi nó đang loay hoay gỡ viên gạch trong nhà xí, đùng một cái, vợ chồng cô chú lao công bất ngờ xồng xộc xông vào. Chú lao công tát một phát vào đầu thằng Tần, trợn mắt:
- Mi định mần chi đó, Tần?
- Cháu… Cháu… - Chẳng nhẽ nói mình định đem tiền lương nhét vào cái lỗ gạch để bảo cô tìm lại trong khi ví tiền vẫn nhét trong túi quần? Nghĩ vậy, Tần lắp bắp: - Cháu định… Cháu định…
- Tần ơi là Tần! - Cô lao công bình thường hiền dịu thế cũng không giữ nổi bình tĩnh. - Vợ chồng cô chú mô đối xử tệ bạc với cháu mà cháu nỡ lòng làm rứa hả, Tần?
Câu nói của cô lao công như mũi dao cứa vào ngực Tần. Mặt nó đỏ lựng rồi tối sầm lại. Nó nhìn chú lao công. Chú thừa biết nó không có ý định trộm cắp nhưng vẫn cố diễn vai người bị hại để gián tiếp khẳng định với vợ rằng thủ phạm lần trước cũng chính là Tần. Tần đau đớn nhận ra, không ai còn muốn nó tồn tại trong cái lò gạch hoang này nữa. Nó lại vác ba lô lên vai…
*
Mấy tháng liền, thằng Tần chẳng gửi về nhà thêm một đồng nào. Số tiền dưới gối bất đắc dĩ đã phải xén bớt mà cái nhà xí vẫn nằm trong tưởng tượng. Xây nhà xí giờ cũng tròm trèm dăm triệu chứ đâu ít. Lần này mất công xây thì đầu tư gạch, xi, đổ móng đàng hoàng chứ làm kiểu cọc tre, vách đất, mái lá tạm bợ kia rồi sớm muộn cũng đổ sập thôi. Bà Thìn đang cuốc vườn thì một người trong làng đi làm ăn xa trong Sài Gòn lâu ngày đến chơi: 
- Anh Tần nhà bác chắc dạo này làm ăn phát đạt lắm?
Bà Thìn chùi bàn tay lấm đất vào ống quần, gạt mồ hôi trên trán:
- Tôi có biết gì đâu. Lúc nào hỏi nó thì nó bảo bình thường. Đi làm lâu lâu rồi mà mới gửi về được vài triệu thôi.
- Bác cứ hay giấu giếm, sợ bọn cháu vay à? - Người cùng làng vừa nói, vừa cười ý nhị.
- Ơ, tôi nói thật mà.
Người ấy ghé miệng vào tai bà, nói nhỏ, làm ra chiều bí mật:
- Cháu đã nhiều lần bắt gặp anh Tần nhà mình mặc comple ăn uống cùng những ông to, bà lớn trong những nhà hàng sang trọng, đắt đỏ ở Sài Gòn.
- Thật thế ư? - Bà Thìn lạnh cả sống lưng như lên cơn sốt rét. - Làm gì có chuyện đó?
- Anh ý sang quá nên cháu chẳng dám bắt quàng làm họ. Vì cháu cũng chỉ là thằng đánh giày dạo, xấu hổ lắm. Không tin bác xem đây này.
Người cùng làng mở điện thoại cho bà Thìn xem một đoạn video mà người ấy quay lén được. Trong video, thằng Tần ăn mặc như một chú rể nhà giàu cầm một ly rượu đỏ chúc tụng rộn ràng với phong thái rất tự tin, đĩnh đạc. Mắt bà Thìn nhòe đi… Tiên sư cái thằng, làm ăn phát đạt mà chưa chịu gửi tiền về cho mẹ trả nợ và thuê người xây nhà xí. Chắc nó định đón mẹ vào Sài Gòn định cư luôn đây mà? Con mình giàu rồi. Nhà hàng xóm đã xây một nhà vệ sinh tự hoại lát gạch hoa. Tưởng thế là oách lắm sao? Dù có vào Sài Gòn ở, mình cũng phải xây một cái nhà xí to bằng nhà chính của chúng nó rồi bỏ hoang để chuột ỉa cho bõ tức, nhé. Bà rút điện thoại ra gọi cho con trai. “Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau…”
*
Muốn làm người tốt giữa cuộc đời này đâu dễ chút nào? Không xin được việc, chán đời, thằng Tần dùng số tiền lương tháng thứ hai làm lao công quyết tâm trở lại giấc mơ đen đỏ. Run rủi thế nào, phát đầu tiên, nó trúng ngay bảy triệu. Rồi cứ thế lao vào đó như con thiêu thân mê muội ánh sáng phù hoa chẳng thoát ra được. Khi tiền nhỏ đẻ ra tiền lớn, tay tha hồ vung lên quá trán. Có tiền là có bạn. Bạn khắp chốn cùng quê, cứ cụng chén, nâng ly là kết nghĩa anh em, bằng hữu. Đến lúc tiền hết, bạn bè lẳng lặng mất hút như đá lạnh gặp nước sôi. Thằng Tần cắm luôn cái chứng minh nhân dân, vay được một triệu, lãi suất bảy nghìn đồng một ngày. Đến hạn, nợ không trả nổi, lãi nhiều gấp chục lần gốc. Chủ nợ sai người lùng tìm nó khắp nơi như đi săn động vật quý hiếm. Nó trốn sống chui, sống lủi dưới các gầm cầu lánh nạn. Lại nhớ những ngày ở quê, mỗi lần chủ nợ gõ cửa trước, toàn phải chạy cửa sau chui vào nhà xí…
Hồi còn làm lao công, thằng Tần nhặt được một bộ comple màu xám hàng hiệu và đôi giày da sáng bóng khá mới người ta nhét vào túi nilon vứt trong sọt rác. Nó nhặt về, giặt sạch sẽ, gấp vuông vắn rồi đút vào ba lô nghĩ bụng, đợi có dịp nào đó thích hợp sẽ mặc. Sực nhớ những món đồ đó, thằng Tần chợt nghĩ ra một cách kiếm cơm không đụng hàng ai. Chiều chiều, nó tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉn chu lân la đến gần các nhà hàng ngó nghiêng quan sát. Sau đó, khi nhà hàng đông nghịt khách, nhân lúc nhập nhèm, nó hiên ngang bước vào, tự tin xin nhân viên phục vụ một cái chén rồi trà trộn đám đông, đi từng mâm chúc rượu. 
- Em xin tự giới thiệu, em là Lâm - Giám đốc Công ty truyền thông Hoa Tulip. Hôm nay dự tiệc thấy bàn mình vui vui, cho em được giao lưu chúc các anh chị một chén.
- Em xin tự giới thiệu, em là Đạo - Trưởng phòng…
- Em xin tự giới thiệu….
Thằng Tần chuẩn bị rất nhiều bài giới thiệu khác nhau. Sài Gòn rộng thế, ai biết ai là ai. Người ngồi trong mâm thấy có người đến chúc thì cũng cứ nâng chén lên uống ừng ực. Ai hơi đâu đi thẩm tra lý lịch. Thấy ăn mặc bảnh bao thì cũng tưởng thuộc giới thượng lưu ngồi mâm bên cạnh. Nó khéo léo đưa chuyện rồi kè kè ngồi luôn vào một vị trí nào đó còn trống, cầm đũa gắp tì tì rồi lại đứng dậy tiếp tục bài ca giao lưu cho đẫy bụng thịt ngọt, rượu thơm. Nếu lỡ có gặp người quen, sợ bị phát hiện thì vờ nghiêng mặt bước ra toilet. Cái chiêu thức ăn xin hiện đại ấy áp dụng chẳng được bao lâu thì nó va trúng vào mâm chủ nợ. Gã chủ nợ phát hiện ra nó trước:
- Cu em, trốn đâu kỹ thế hôm nay mới ló mặt.
Thằng Tần xô đổ ghế, ba chân bốn cẳng thục mạng tháo chạy. Lũ đàn em của gã chủ nợ tức tốc đuổi theo. Nhà hàng nháo nhào như vừa bị đánh bom. Nó chạy bán sống, bán chết, may mà kịp leo lên một chuyến xe Nam - Bắc…
*
Bà Thìn lật gối, lấy số tiền góp làm hố xí mang ra bến xe trả tiền cho thằng Tần. Hai mẹ con gặp nhau, mừng tủi đan xen, mũi bùi ngùi, mắt ươn ướt. Tần nhìn lại nhà mình. Thấy con trai bụng phưỡn ra, trổ tướng một ông sếp lớn, bà hớn hở hỏi:
- Việc ở công ty thế nào, con?
- Công ty nào hở mẹ?
- Có người làng ta bảo giờ con ăn nên làm ra lắm. Suốt ngày đến ăn uống những chỗ sang trọng thôi. 
Thằng Tần ngúc ngắc:
- À, con con… Chuyện dài lắm, mẹ ơi… - Nó nhanh chóng chuyển chủ đề - Mẹ dạo này khỏe không ạ?
- Bụng mẹ gặp một số vấn đề trục trặc. Hôm nọ mẹ đi khám, bác sĩ bảo do mẹ nhịn đại tiện nhiều quá nên bị táo bón.
Hai mẹ con vào nhà. Tần như kẻ đi lạc. Ngôi nhà trống trơn. Không giường. Không bàn. Không ghế. Cái bàn thờ bố Tần nơi gian chính đã biến mất, di ảnh ông dựng nơi chân tường, dính lem nhem cứt chuột, cứt chim, cứt gián. Tần chạy đến, ôm lấy di ảnh bố, lòng trào lên nghèn nghẹn. Bà Thìn kéo áo chấm nước mắt:
- Bọn chúng biết chiếc bàn thờ làm bằng gỗ sưa thì đánh ô tô đến hốt đi tuần trước rồi. Nhà mình giờ chẳng bằng một góc nhà xí nhà người ta, con ơi!
Ngồi chưa ấm chỗ thì chủ nợ nhà đầu làng đã đánh hơi thấy thằng Tần, vội kéo một toán thanh niên bặm trợn chuyên làm nghề đòi nợ thuê đến tính sổ. Tần ôm di ảnh bố, theo thói quen ngày xưa, đẩy cửa sau chạy ra mé sông. Chạy nửa đường thì sực nhớ, cái nhà xí đã bị sụp xuống sau một lần sạt cát…
            

P.Đ.L
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 80
 Hôm nay: 3862
 Tổng số truy cập: 13586194
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa