Năm nào cũng vậy, nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, trường trung học cơ sở Đa Phú tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng kỷ niệm. Chia tay mọi người, sau buổi liên hoan toàn thể cán bộ giáo viên của trường, Thoan lặng lẽ đạp xe về nhà trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Thoan lục tìm những gì bản thân và gia đình mình đã có đem so sánh với các đồng nghiệp trong trường về cái hơn, điều kém. Thoáng chút tự hào với nhan sắc trời cho, bỗng cổ họng Thoan nghèn nghẹn, lòng trĩu nặng, tủi thân. Tất cả những gì xảy ra sáng nay vẫn còn văng vẳng bên tai, đầu óc Thoan quay cuồng, buồn vui khó phân giải.
Sáng nay, sau buổi tọa đàm nội bộ, cán bộ, giáo viên của trường kéo nhau ra nhà hàng Xuân Lý dự liên hoan ẩm thực. Trong lúc chờ lãnh đạo địa phương, chẳng ai bảo ai, hơn ba chục người tụ tập thành từng nhóm tương đồng theo tuổi tác hoặc sở thích đứng trò chuyện rôm rả xung quanh khu vực nhà hàng. Thoan cùng mấy chị em thuộc nhóm “U bốn mươi” quây quần dưới gốc cây bàng nói cười vui vẻ. Chị em thi nhau “buôn” hết chuyện xa gần; chuyện trời đất; chuyện trang phục, bếp núc cuối cùng cũng quy về chuyện quà tặng nhân ngày Nhà giáo. Chẳng mấy khi có cơ hội, ai nấy đều mở lòng, vô tư chia sẻ chuyện riêng không hề giữ kẽ. Lài - Giáo viên Văn, Trưởng ban Nữ công của trường luôn được mọi người suy tôn là “Chị cả”, sởi lởi mào đầu câu chuyện. Lài lấy tay đẩy nhẹ vào vai Hà, nói: Thông báo với mọi người con này có “quà xộp” thế mà hôm nay không trưng ra, định để đến bao giờ? Cả nhóm tò mò muốn biết quà gì. Vẻ mặt ngại ngùng, Hà kể: Thú thật với các chị, hôm chủ nhật, cả nhà đang ăn cơm, anh ấy về đứng trước ba mẹ con giơ tay lên tuyên bố: Ngày hai mươi tháng mười một năm nay, bố sẽ tặng mẹ một món quà “bốn bánh”. Nghe bố nói, con Bống đứng phắt dậy reo lên: Sướng quá, mẹ phải chia cho mỗi người một cái nhé! Thằng Huy nghiêm mặt, nói: Em ngây ngô lắm, có phải bánh ăn đâu mà chia, đó là xe xế hộp chứ. Con Bống hỏi lại: Xế hộp là cái gì? Thằng Huy tỏ vẻ hiểu biết: Xế hộp như cái xe hay đưa đón bố chứ còn cái gì. Cả nhà được trận cười sảng khoái. Chẳng thích thú gì, em kiên quyết từ chối, nhưng anh ấy bảo: Em phải có ô tô đi lại cho đỡ vất vả. Anh không muốn làn da mịn màng, mái tóc bóng mượt thướt tha và cả con người em phải vương lớp bụi trần gian. Vả lại, là Phu nhân của “Đại gia” phải đi ô tô mới đúng đẳng cấp. Em nói lại: Từ nhà đến trường có vài cây số, còn đi xa đã có xe của anh rồi cần gì phải mua nữa. Bây giờ công ty đang nợ chồng chất, làm ăn ngày càng khó khăn, anh để tiền lo trả nợ và kinh doanh. Anh ấy khua tay ra hiệu em im lặng và lý sự: Em lạc hậu quá! Kinh doanh là phải nợ, mà nợ có Ngân hàng lo. Em đi ô tô sang trọng sẽ nâng “Thương hiệu” của công ty, có thế họ mới dám cho vay và lôi kéo được các nhà đầu tư chứ. Nói là làm, hôm kia anh ấy mua ngay chiếc Toyota bốn chỗ. Em mới học lái nên chưa dám chạy.
Nghe xong, mọi người lặng lẽ nhìn nhau vẻ mặt vừa thèm khát, vừa phảng phất ghen tỵ nhưng vẫn không quên chúc mừng Hà. Phút im lặng thoáng qua, cô Lan - giáo viên Toán, vô tư chẳng ý tứ gì, sởi lởi khoe luôn: Thế còn hơn “ông xã” nhà em, năm nay đốc chứng thế nào lại tặng vợ “cái dây” mấy lượng. Các chị bảo, bây giờ có ai “hâm” đâu mà đeo lắm vàng trên người, như thế vừa quê, vừa làm mồi cho bọn nghiện. Nhưng em nghĩ cái dây đó không đeo thì để dành làm của hồi môn cho con cái sau này, còn hơn để anh ấy vứt tiền vào lỗ hà, lỗ hốc. Nguýt một cái dài thượt, Xoan nhìn Lan nói vẻ quan trọng: Này cậu phải cảnh giác kẻo rơi vào cái bẫy chết người đấy. Vì nếu đeo, sẽ trúng kế của lão ta, mượn tay người khác để “triệt hạ” vợ. Cả nhóm nhìn Xoan rờn rợn, nói gì mà ghê thế, chỉ được cái nghi oan cho người khác. Chị Lài đỡ lời, động viên Lan: Sướng thế còn gì, nhất mày đấy! Nét mặt đang vui, bỗng Lan trầm xuống lòng quặn đau nghĩ tới những món quà chồng cô vẫn thường tặng cho người ta trong các dịp lễ tết. Lời đồn thổi, bóng gió xa gần chuyện anh “bồ bịch” bên ngoài nghe đầy tai, nhưng vì danh phận của mình, sự nghiệp của chồng nên Lan nén chịu giữ lấy cái hạnh phúc mong manh và sự vô tư, hồn nhiên, trong sáng của hai con.
Mỗi người đang theo đuổi những suy tư khác nhau, chị Cần vẻ tự hào kể vanh vách, xua đi không khí nặng nề của nhóm: Như nhà em đây này, hai vợ chồng đều là giáo viên nên năm nào cũng vậy, cứ chiều mười chín tháng mười một, tay trái em móc tiền trong túi ra mua thức ăn, mua hoa; tay phải làm bữa ăn tươi chiêu đãi cả nhà. Đến bữa, vợ chồng lấy hoa tặng nhau, các con chúc mừng bố mẹ thế là xong. Chị Lài nhân đà này, mắng yêu Cần luôn: Hối hận chưa, ngày trước tao làm mối cho cậu cán bộ Ngân hàng cứ chối đay đảy, bây giờ chẳng có người tặng quà, tiếc chảy máu mắt ra chưa? Cần không chịu, vênh mặt lên, đắc chí khoe: Chồng không tặng thì có người khác tặng. Nghe vậy, cả nhóm cười ồ lên, Xoan chỉ mặt Cần nói liên thanh: Chết nhá, người khác là ai khai ra mau; lâu nay giấu kín, bây giờ cháy nhà mới ra mặt chuột! Chắc bồ sộp lắm hả, tặng gì rồi? Mặt Cần hơi tái vì biết mình nói hớ, bình tĩnh lại, thanh minh: Người khác là phụ huynh, học sinh chứ đâu phải là bồ. Mọi người trong nhóm đồng thanh: Quà đấy thì ai chẳng có, thế mà cũng khoe.
Cuộc trò chuyện đang rôm rả và nóng dần lên, chị Lài nhỏ nhẹ chia sẻ với mọi người: Các em ạ, chúng ta mỗi người mỗi cảnh, chẳng biết đâu mà hơn với thiệt. Có ai mà đong đầy được hạnh phúc. Nhiều khi chị nghĩ đến hoàn cảnh của mình cũng chạnh lòng lắm. Chín giờ tối hôm qua, đi làm về, anh ấy thấy hoa trong nhà hỏi: Hoa ở đâu nhiều thế này, ai tặng đấy? Nỗi buồn trào lên, chị cố gặng bảo: Anh không biết ở đâu à, hoa của phụ huynh và học sinh tặng đấy! Lấy tay vuốt nhẹ mồ hôi lấm tấm trên trán, anh ấy cầm ngay bó hoa đẹp nhất giơ lên nói: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, anh tặng em! Chị chưa kịp nhận, hai đứa con đứng dậy ngăn lại: Có phải hoa của bố đâu mà bố tặng mẹ! Chị vội vàng đưa hai tay đón bó hoa và nói với các con: Của ai cũng được, miễn bố có hoa tặng cho mẹ là tốt lắm rồi. Chút bối rối thoáng qua, anh nhận thấy mình có lỗi và dõng dạc tuyên bố: Hôm nay, bố chỉ tặng quà “nháp” cho mẹ, ngày mai bố hứa sẽ tặng quà “hoành tráng” hơn được không? Hai đứa con nhảy lên vỗ tay hoan hô và ngoéo tay đòi bố thề giữ lời hứa. Thật ra, gần hai chục năm chung sống với nhau, chưa bao giờ anh ấy tặng quà cho chị. Năm nào nhớ thì chỉ thoảng qua lời chúc mừng. Nhưng chị cũng cảm thông và chia sẻ, chẳng đòi hỏi thêm gì. Ngày nào cũng vậy, anh đi làm từ sáu giờ sáng đến bảy tám giờ tối mới về. Làm thợ kỹ thuật nên việc ở công ty bù đầu, đắp cổ, anh ít quan tâm đến vấn đề xã hội. Đôi khi chị xót xa bởi sự vô cảm của anh; cũng thèm khát anh có lời nói, việc làm dù là hình thức để động viên vợ. Trong sâu thẳm, lúc nào chị cũng thương và cảm phục anh, con người chân chất, hiền lành, luôn chỉn chu vì gia đình, vợ con, chỉ lo cho người khác. Chưa bao giờ anh chăm chút, thu vén cho bản thân mình.
Nghe chị Lài nói, mọi người muốn dành cho chị lời động viên chia sẻ chân tình. Là người thấu hiểu nỗi sướng khổ của vợ một đại gia, Hà động viên chị Lài: Em thấy như chồng chị là hay đấy, thực là ăn chắc mặc bền. Nhiều người lấy phải gã đàn ông bẻm mép, lúc nào cũng xum xuê nịnh vợ. Cho vợ một nhưng cống nạp cho người khác mười. Miệng luôn xoen xoét nói dối vợ con như Cuội. Vợ chồng sống với nhau trong tâm trạng luôn phải cảnh giác, thiếu niềm tin yêu. Đằng này, anh nhà chị “nộp thuế hàng tháng” đầy đủ; thương yêu và hết lòng với vợ con; biết chăm lo và gìn giữ hạnh phúc gia đình, thế là sướng lắm rồi. Đến lượt Xoan cũng phụ họa thêm: Đúng đấy, nhiều gã đàn ông bây giờ, cậy kiếm được đồng tiền, coi vợ con như kẻ nô lệ, như ô sin trong nhà; lúc nào mặt cũng câng câng, đỏ lâng đỏ láo, suốt ngày đi “tiếp khách”, về đến nhà hạch sách vợ con. Lắm tiền nhiều của, quyền cao chức trọng như thế để làm gì! Nhiều người, cầu mong giản đơn mỗi bữa ăn của gia đình đều có mặt chồng là hạnh phúc lắm rồi.
Thoan miên man suy nghĩ, lo ngại đến lượt mình sẽ kê khai thế nào đây! Chị em sống với nhau chân tình, chẳng giấu giếm điều gì, thành thật khai báo hết. Lẽ nào mình lại phụ lòng tốt của người ta! Bỗng thầy hiệu phó, Chủ tịch Công đoàn nhà trường oang oang thông báo: Lãnh đạo xã đến rồi, mời anh chị em vào trong để liên hoan. Thoan mừng ra mặt, thầm cảm ơn Thầy hiệu phó đã cứu mình thoát khỏi một “bàn thua” trông thấy.
Chiều mùa đông, bóng tối sầm sập kéo về. Nhìn ngôi nhà tuềnh toàng đơn sơ, nghĩ đến khó khăn chồng chất; thua chị, kém em đủ điều Thoan lại càng tủi thân, hậm hực trút nỗi tủi nhục lên đầu chồng. Nghĩ đến anh, lòng chị bộn bề vừa giận, vừa thương. Anh Kha - chồng chị, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, mấy người bạn thân bảo chuẩn bị tiền để xin cho vào làm ở một cơ quan Nhà nước. Chị Thoan phấn khởi, tất bật lo cho chồng. Biết tin anh kiên quyết từ chối. Anh bảo với chị: Nhà mình lấy đâu ra chừng ấy tiền. Vả lại, em biết tính anh rồi, không thích quỵ luỵ người khác. Thoan cự lại: Anh cứ như “người ngoài hành tinh” vậy. Bây giờ mình bằng cấp không có, ô dù cũng không, muốn vào cơ quan làm việc thì phải chạy chứ. Kha gắt lại: Anh hỏi em, bỏ ra chừng ấy tiền xin việc thì phải làm mấy chục năm mới trả hết nợ. Nói là làm, anh chủ động xin vào làm bảo vệ ở Công ty May mặc. Làm được vài năm, thu nhập chẳng đáng là bao, suốt ngày phải bám công ty, không giúp được gì cho vợ con, anh đành bỏ về làm nghề chạy xe ôm. Biết chuyện, chị động viên, nói lớn, nói nhỏ, phân tích thiệt hơn nhưng anh không chịu. Nghề chạy xe ôm, công việc thất thường, thu nhập không ổn định và cũng chẳng đáng bao nhiêu. Mỗi khi anh dắt xe ra khỏi nhà, lòng chị thấp thỏm lo âu, chờ mong. Lúc nào tai họa cũng có thể bất ngờ ập đến. Chị lo sợ chẳng may anh sa ngã vào các tệ nạn xã hội thì khổ vợ con. Những đêm trời mưa rét, anh rong ruổi trên đường đưa đón khách, chị bồn chồn, trong lòng nóng như lửa đốt, đứng ngồi không yên mong anh, thương anh cắt ruột. Nhiều khi vô cớ, hay những lúc gia đình khó khăn chị tỏ thái độ khó chịu, đôi khi còn hậm hực, giận dữ, khinh thường anh. Dù nhận biết được những gì vợ đối xử chưa phải với mình, nhưng anh lặng lẽ chấp nhận và cố gắng bằng việc làm cụ thể để làm vơi đi nỗi buồn của chị.
Mưa chiều mỗi lúc càng dày hạt hơn. Gió mùa Đông Bắc nhè nhẹ, Trời se lạnh. Dựng xe giữa sân, anh hăm hở vào nhà, hai tay giơ bó hoa tươi đẹp về phía Thoan, mỉm cười nói:
- Chúc mừng em nhân ngày Nhà giáo Việt Nam!
Chẳng thèm để ý đến quà tặng, Thoan lặng lẽ cúi xuống, quay mặt bước đi. Nhân đà này, chị trút hết tức giận, tủi thân lên anh, miệng nói rõ đủ cho anh nghe:
- Đúng là “điên”! Mười mấy năm nay, chưa bao giờ tặng quà, hôm nay lại tặng hoa! Vay tiền ai thế?
Bất ngờ với cách ứng xử của vợ, cố kìm nén lại, Kha bình tĩnh nói:
- Hôm nay anh vừa chạy được hai “cuốc” mà, thiếu nhiều chứ chẳng lẽ tiền mua hoa tặng em cũng không có sao! Khinh anh thế?
Đụng đúng vào cái mạch Thoan ấm ức từ lúc ở trường về, chỉ chờ có thế, chị xả ra một tràng liên thanh:
- Thôi đi ông! Nhà cửa thì đang rách nát, tiền học hành của con lo từng bữa một; nhà trống tuềnh, trống toàng, tài sản chẳng có gì đáng giá một xu; thua kém người ta đủ thứ. Đã bảo vợ chồng cố gắng tiết kiệm để lo nâng cấp cái nhà cho đỡ bệ rạc. Người ta giàu có, quyền cao chức trọng mới tặng hoa cho nhau. Nhà mình nghèo hèn, cao sang chi mà hoa với hoét!
Kha đứng như phỗng giữa nhà, cố lấy sức rướn lên nuốt trôi nước trong cổ họng, hai chân run cầm cập. Sau khi trấn tĩnh lại, Kha nhẹ nhàng đặt bó hoa xuống bàn rồi lẳng lặng đội mũ, dắt xe ra khỏi nhà.
Bữa cơm chiều Thoan đã chuẩn bị xong. Có việc gì mà hôm nay thằng Thân học về muộn thế. Thân là đứa con ngoan, mới học lớp mười mà cao ngất ngưởng. Chưa bao giờ Thân làm bố mẹ phải một chút phiền lòng, lo âu. Chồng đi rồi, nghĩ lại chị cảm thấy ân hận vì hơi quá lời. Tình thương yêu, nỗi lo sợ bất an dành cho anh thường nhật trong chị lại cuộn lên. Anh thẳng thắn, nhưng rộng lòng vị tha. Thoan tự trấn an mình, chốc nữa về, chị thành thật xin lỗi là anh tha thứ ngay thôi.
Trời nhá nhem tối, Thân đạp xe về, lấy bó hoa trong giỏ xe ra, tay phủi nhẹ những hạt mưa vương trên áo chạy đến bên mẹ, chững chạc nói:
- Con tặng mẹ bó hoa!
Thoan cảm động, niềm vui trong lòng dâng lên khó tả. Hai tay Thoan nhận hoa rồi ôm chặt Thân, nghẹn ngào nói:
- Cảm ơn con nhiều. Con mẹ lớn thật rồi!
Thân rưng rưng nước mắt, nói: Con yêu mẹ!
Sau giây lát mẹ con dành tình cảm cho nhau, Thoan hỏi:
- Thế sao hôm nay con về muộn thế?
Không trả lời vào câu hỏi của mẹ, Thân hỏi lại:
- Mẹ có nhớ Minh Huyền bạn con không?
Suy nghĩ chốc lát, Thoan bảo mẹ nhớ rồi, Huyền là con cô giáo Mai, dạy ở Trường Mầm non Đạo Lý, bố là chú Thịnh làm cán bộ huyện. Nghe xong, Thân trầm mặt xuống phàn nàn với mẹ:
- Mẹ ơi, con thương Huyền lắm. Hôm nay con về muộn là vì Huyền đấy!
Trong người như có dòng điện chạy qua, Thoan run lập cập, uất giận nổi lên, cố ghìm nén cô mới nói được với Thân:
- Con không được yêu đương sớm thế! Mẹ xin con ngay lập tức tránh xa Minh Huyền!
- Mẹ nói gì, con không hiểu - Thân đủng đỉnh hỏi lại.
Dù cố kìm chế, nhưng rồi Thoan cũng nhảy cẩng lên chu chéo: Con với cái thế này thì chết thôi, chưa nứt mắt ra đã yêu với đương. Trời ơi sao tôi khổ thế này!
Hốt hoảng, lo sợ vì biết mẹ hiểu nhầm, Thân ôm mẹ từ tốn giải thích: Mẹ ơi, không phải như mẹ nghĩ đâu. Hôm nay con phải ở bên Huyền để động viên bạn ấy. Nói rồi Thân bảo mẹ ngồi xuống ghế, kể vanh vách cho mẹ nghe những gì đã xảy ra ở nhà Huyền lúc chiều.
Đi làm về, bố Huyền lấy trong cặp ra một bọc tiền ném xuống bàn trước mặt vợ bảo quà ngày hai mươi tháng mười một tôi tặng cô đấy. Mẹ Huyền chẳng thèm để ý, lặng lẽ bỏ đi. Chú Thịnh thấy vậy nói trống không: Chê ít à? Đã mở ra đâu mà biết, một ngàn đô đấy! Mẹ Huyền bảo nhiều hay ít em cũng không cần. Chú Thịnh, ngửa cổ lên trời cười hô hố: Thật nực cười, lần đầu tiên trong đời thấy người đàn bà chê tiền. Cô Mai rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào nói: Anh đừng nên tặng quà cho vợ theo kiểu ban phát quyền lực. Bao năm nay, lúc nào anh cũng xem em như kẻ hám tiền, cái gì cũng quy ra tiền. Anh nghĩ mà xem, có người anh năn nỉ xin họ được tặng quà, có người đòi anh tặng quà. Đối với họ, sao anh tặng tiền, tặng hoa lịch sự thế. Đối với em anh thô lỗ, như người bố thí, em làm sao chịu nổi. Những ngày này, em cần gì to tát đâu, chỉ mong một bông hoa từ tấm lòng chân thành, tình cảm trong sáng đúng nghĩa vợ chồng là mãn nguyện rồi. Cô Mai đang nói, chú Thịnh sừng sộ quát lên: Thôi đi cô, đừng hão huyền, mơ mộng nữa. Tư tưởng “một mái nhà tranh, hai trái tim vàng” lạc hậu lắm rồi. Đừng để tâm hồn lơ lửng trên mây, cô hãy đứng xuống đất mà đi. Gần hai thứ tóc trên đầu còn mộng mơ, lãng mạn. Nói cho cô nghe, năm ngàn đồng một bông hoa hồng đẹp, nếu thích tôi có thể tặng cô hàng ngàn bông, chứ không chỉ một bông. Cô Mai càng uất lên, nói: Anh nghĩ lại đi, tình cảm vợ chồng đâu phải vì tiền, vì quyền cao, chức trọng. Làm lãnh đạo, suốt ngày được người ta cưng nựng, thưa bẩm, anh có quan tâm gì đến vợ con đâu. Hôm nào cũng lấy lý do đi tiếp khách bỏ cơm nhà. Việc anh làm, người ta biết cả đấy, không che được mắt thiên hạ đâu.
Bị thọc đúng huyệt, chú Thịnh lồng lộn nạt nộ, thách thức cô Mai: Có giỏi cô làm đơn tố cáo đi! Rằng tôi là kẻ tham ô, tham nhũng vì vợ con; rằng tôi vi phạm đạo đức lối sống, quan hệ bồ bịch do không có con trai nối dõi tông đường. Sự bình tĩnh đến lạ thường, cô Mai túc tắc nói: Anh đừng nói thế, chẳng có người vợ nào lại hại con, phản bội chồng. Chẳng qua em nói để anh tỉnh ra, nhìn lại mình cư xử với vợ con, gia đình đúng mực hơn. Bỏ ngoài tai mọi lời của cô Mai, chú Thịnh hầm hầm, hổ hổ bảo thế này thì sống với nhau làm sao được, tốt nhất là hai đứa nên chia tay nhau.
Thấy hai người to tiếng, bố lại đòi ly dị, hai chị em bạn Huyền sợ hãi, thương mẹ, khóc nức nở. Huyền định bỏ đi khỏi nhà, lẩn tránh sự thật phũ phàng. Con phải ngồi lại bên cạnh, động viên mãi để bạn ấy đừng làm điều gì dại dột.
Hai mắt Thoan đỏ hoe. Chị nấc lên thành tiếng, đứng dậy ôm Thân vào lòng thì thầm: Mẹ cảm ơn con nhiều. Con của mẹ trưởng thành và hiểu biết lắm rồi. Bây giờ mẹ đã hiểu vì sao con tặng hoa cho mẹ.
Thân bảo mẹ đừng khóc nữa, rồi hỏi bố bao giờ về. Thoan quay mặt chỗ khác lẩn tránh lỗi lầm của mình, lấy tay gạt nước mắt, nói:
- Con gọi cho bố xem đang ở đâu, bảo bố về thôi. Nhớ nói với bố, hôm nay mẹ làm bữa ăn tươi chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, đang chờ bố về cả nhà ăn cho vui.
Thân lấy điện thoại ra gọi cho bố. Đứng bên cạnh, chị nghe tiếng anh oang oang trong máy: Bố đang đi khách cách nhà hơn mười lăm cây, hai mẹ con cứ ăn cơm trước đi kẻo đói. Đừng đợi, chừng ba mươi phút nữa bố về.
Thân buông máy, hỏi mẹ:
- Ta có ăn trước, hay đợi bố?
- Con đói thì ăn trước mà học, mẹ đợi bố về ăn cho vui - Thoan nói luôn.
Nét mặt rạng lên, Thân vui vẻ bảo hôm nay là ngày đặc biệt, dù có đói con cũng đợi bố về. Nói xong Thân nhảy cà cẫng vào phòng học, tay giơ lên, miệng hô vang “con yêu bố, con yêu mẹ”.
Bóng đêm dày đặc, mưa mỗi lúc càng thêm nặng hạt. Thoan đứng ngồi không yên ngóng chồng. Lòng chị như ngồi trên đống lửa. Chẳng lẽ vì chị mà anh không về sao! Đã bao giờ anh giận chị thế đâu! Người thật thà, chất phác như anh chắc đúng là đang vì công việc, chứ không có gì khác. Thoan bồn chồn, đi ra đi vào, miệng lẩm nhẩm cầu trời khấn phật phù hộ, độ trì cho anh. Hơn nửa tiếng đồng hồ trôi qua, anh vẫn chưa về. Chị giục Thân gọi anh xem sao. Thân mở máy gọi, chỉ nghe tiếng tồ te tí, rồi tiếng dịch vụ nhà mạng “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng để lại lời nhắn...”. Linh tính mách bảo chị, có chuyện chẳng lành, bây giờ biết làm sao đây. Chị cố nén chịu một mình, sợ thằng Thân lo sợ. Mấy phút sau, Thân chủ động gọi cho bố. Thông tin nhận được chẳng khác gì lần trước. Thân cố bình tĩnh trấn an mẹ: Chắc bố đang chạy khách ngoài vùng phủ sóng, nên không bắt được liên lạc. Chị loạng choạng chạy vào ngã vật xuống giường, nghĩ đến điều xấu nhất có thể đến với anh. Thỉnh thoáng thấy ánh đèn pha sáng chói, tiếng xe máy chạy trên đường, Thân vội vàng ra ngóng. Thời gian ì ạch trôi đi, hơn mười giờ đêm anh vẫn chưa về. Mẹ con chị hoảng loạn, chờ anh trong vô vọng.
Tiếng còi ô tô toe toe, ánh đèn pha rọi thẳng vào nhà, hai mẹ con chị hoảng loạn chạy ra đón khách. Chị run bần bật khi thấy hai chiến sỹ công an, quân phục chỉnh tề đỡ anh xuống xe, dìu vào nhà. Đầu anh quấn băng trắng toát. Quần áo anh ướt sũng, lấm bùn bê bết. Thoan lập cập chạy đến ôm lấy anh khóc nức nở. Thân vừa khóc, vừa xoắn xít hỏi mấy chú công an: Bố cháu làm sao thế này, bị tai nạn hay bị người ta trấn lột. Đồng chí đại úy công an bảo chị pha nước cho anh tắm rửa, thay quần áo cho đỡ lạnh, rồi nói chuyện sau. Mấy người hàng xóm, thấy xe cảnh sát đêm khuya đến nhà, chắc có điều gì bất ổn, lục tục kéo nhau sang. Ông Cổn, Trưởng thôn xồng xộc bước vào, chào mọi người rồi tự giới thiệu: Tôi là Trưởng thôn ở đây, các anh công an đêm hôm đến đây thế này, có vấn đề gì cần hỗ trợ của địa phương để tôi báo lên công an xã. Hai chiến sỹ công an cười rất tươi, cảm ơn ông Cổn, rồi nói: Thưa bà con, không sao đâu ạ, việc tốt lành thôi. Nghe vậy, chị Thoan mới bớt run, nói năng lưu loát hơn. Anh Kha tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo xong ngồi xuống ghế tỉnh táo hẳn ra. Đồng chí đại úy công an đứng dậy, dõng dạc, từ tốn thông báo với mọi người: Thưa bà con, Công an phường Hàm Long cử chúng tôi đưa anh Kha về nhà, cũng là để thay mặt lãnh đạo, chiến sỹ Công an phường xin chân thành cảm ơn và biểu dương anh Kha đã dũng cảm cùng với một chiến sỹ bộ đội giải cứu được cô giáo đang bị bọn côn đồ cướp hiếp. Mọi người nghe xong thở phào nhẹ nhõm. Ông Cổn, cầm tay đồng chí công an, giãi bày:
- Nói thật với đồng chí, bây giờ chúng tôi mới hết lo. Cứ tưởng anh Kha vi phạm pháp luật, công an bắt đưa về khám nhà. Nghe anh nói, chúng tôi càng khẳng định, càng tin tưởng không bao giờ anh Kha làm điều xấu. Cả làng, cả xã ai cũng biết anh Kha là người chăm chỉ làm ăn, thật thà, chất phác, luôn quan tâm đến người khác, là người chồng, người bố mẫu mực trong gia đình...
Đồng chí công an bắt tay ông Cổn, dõng dạc nói với mọi người: Việc là thế này, trên đường đưa khách về quê, anh Kha và người khách là chiến sỹ bộ đội khi đi qua cái chòi cá bên đường, nghe tiếng cô gái kêu ú ớ trong chòi, đoán có chuyện chẳng lành hai người quyết định dừng lại, tiến về phía chòi cá. Biết có người đến, cả bọn nhào ra, dùng dao, gậy tấn công hòng trốn thoát. Anh Kha và chiến sỹ bộ đội đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu, quyết tâm giải cứu cô gái đang bị chúng cưỡng hiếp và bắt bọn côn đồ. Trời tối quá, anh Kha bị chúng đập gậy vào đầu, choáng váng ngã lộn xuống ao. Điện thoại, áo quần ướt sũng anh vẫn không sợ, vùng lên cùng chiến sỹ bộ đội chống chọi với chúng. Nghe tiếng tri hô, bà con trong làng nhanh chóng chạy ra hỗ trợ các anh bắt được hai tên. Ba tên khác sợ hãi bỏ chạy. Trước khi tẩu thoát, chúng còn cố tình đập phá xe của anh. Hai anh đã được mời về Công an phường cung cấp cứ liệu, hoàn thiện hồ sơ. Còn cái xe của anh Kha, hiện nay đang tạm giữ ở phường để làm tang vật phục vụ cho điều tra vụ án, gia đình cứ yên tâm. Riêng vết thương trên đầu chỉ bị vào phần mềm, phải khâu mấy mũi, chúng tôi đã sơ cứu. Anh quay sang phía đồng đội cầm lấy bó hoa và phong bì thư, tươi cười bảo: Đây là hoa và quà của cán bộ, chiến sỹ Công an phường Hàm Long trân trọng tặng chị Mai nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Cả nhà vỗ tay rầm rập, ngưỡng mộ tấm lòng của các chiến sỹ công an và niềm tự hào về người hàng xóm thân yêu của mình.
Khách đã về, không khí trong nhà ấm dần lên. Thoan lịch kịch hâm lại thức ăn. Mùi thơm ngào ngạt tỏa ra hòa vào tiếng cười, nói vô tư trong sáng của Thân làm cho căn nhà càng rộn ràng, vui vẻ hơn. Kha nhỏ nhẹ nói: Anh thành thật xin lỗi vì đã làm cho em và con phải lo. Thoan áp đầu vào ngực Kha thủ thỉ: Em xin lỗi và cảm ơn anh, cảm ơn con hôm nay đã tặng cho em một món quà vô giá, đó là bài học cuộc đời, em sẽ không bao giờ quên.
Tháng 12 năm 2019
L.G.K