Nửa chiều ngày tất niên, cô giáo trẻ Thanh Trúc đang chuẩn bị bữa cơm đoàn kết, như cách mẹ cô hay nói mỗi khi có cuộc đoàn tụ thì đứa con gái vừa đầy tuổi cứ khóc ngằn ngặt. Nhìn các thứ thức nấu nằm ngổn ngang trên mặt sàn bệ bếp, cô bỗng bực bội, cáu bẳn thái quá với con. Đã thế lại có một cú điện thoại không mong muốn gọi đến, tán dương cô đến mức thớ lợ. Thanh Trúc lạnh lùng đáp lại: “Cậu không thấy con gái tớ đang khóc đấy à? Thôi đi nhé!”. Đúng lúc ấy thì mẹ cô, bà giáo Nhân về, bà mặc áo dài, đi xe đạp điện, mái tóc đã lốm đốm sợi bạc của bà được chải bồng lên như kiểu tóc thiếu nữ Hà Nội hồi ba sáu -bốn lăm (1936-1945). Cái áo len mỏng mầu hoàng yến khoác bên ngoài như tôn thêm nước da vốn đã hồng hào của bà. Lâu lắm rồi, Thanh Trúc mới thấy mẹ mình trang điểm. Từ sáng sớm, thấy mẹ vui chuẩn bị đi gặp bạn học cũ, cô đã mừng nhưng không ngờ rằng, lúc trở về vẻ mặt của bà lại vui nhiều đến thế! Cô cười cười giao ngay đứa con đang khóc cho mẹ. Điện thoại của cô lại reo. Nhìn vào số, cô sầm mặt lại vì biết vẫn người cũ gọi đến.
Bà giáo Nhân đón lấy đứa cháu gái. Như đã bén hơi quen, nó hụi hụi cái đầu có mái tóc dầy và đen như mun vào người bà ngoại. Tranh thủ lúc ấy, Thanh Trúc đi như vọt lên cầu thang tầng trên. Cô ra ngoài tum, gay gắt nói vào máy: “Mình đã rất nể cậu nhưng cậu vẫn cứ quá đáng đấy! Mình đang có gia đình hạnh phúc. Cậu làm như thế là phá mình. Mình là người phụ nữ yêu bằng tim, bằng óc chứ không phải yêu bằng tai. Đừng bao giờ gọi đến mình với cái giọng đó nữa nhé! Nò! Cậu nghe rõ chưa?”. Thanh Trúc nói xong liền tắt máy và nặng nề đi xuống. Đến đầu cầu thang tầng một cô đứng lặng đi vì nghe bà giáo Nhân đang ru cháu: À ơi! Thế gian thương kiếp lênh đênh/ Mỏng manh phiêu dạt bấp bênh phận hèn/ Thì đây vẫn thấy dầy ken/ Quản chi đất nghịch, nước phèn bùn hoai/ Gặp khi nước dập gió dời/ Lại năng bám víu lại bời bời xanh.
Thấy con gái mình vẫn i ỉ khóc, Thanh Trúc nói mẹ:
- Mẹ ru bài Bèo của bác Nhật hay quá!
Bà giáo Nhân không trả lời câu hỏi của con gái mà nói:
- Con bé mọc răng con ạ, mọc răng nanh là đau lắm. Con đi làm cơm cúng tất niên kẻo muộn. Hôm nay, gia đình anh Mai con đến ăn cơm còn mời thêm cả khách nữa đấy.
Thanh Trúc:
- Khách nào, mẹ?
Bà Nhân:
- Anh con chỉ phôn dặn thế, mẹ cũng không tiện hỏi.
Thanh Trúc còn muốn hỏi gì đó nhưng con bé lại khóc ré lên. Bà giáo Nhân phải bế cháu ra sân vừa đi, bà vừa rủ rỉ ru lại mấy câu lúc trước.
2. Thanh Trúc vào bếp. Dư âm cuộc nói điện thoại khiến cô đã nóng nảy trả lời bằng giọng chì chiết vẫn chưa buông bỏ cô. Tuần trước lớp 12 A1 của cô có cuộc họp mặt nhân mười năm kết thúc thời học sinh phổ thông. Cuộc họp do Nò, bạn cùng lớp nay là đại gia Thanh Tùng đài thọ, được tổ chức rất hoành tráng tại khách sạn 5 sao Trống Đồng trên phố tỉnh. Tất cả ba mươi tám cựu học sinh lớp 12A1 đều được mời, có người là tiến sỹ ngoài Hà Nội về, có người là sỹ quan quân đội trong quân khu ra, có người ở lại quê bấy lâu nay vác cày theo trâu cũng diện comple đến rất sớm... Ai cũng vui mừng và tỏ ra khâm phục đại gia trẻ Nò - Thanh Tùng, người vừa có sáng kiến họp lớp, vừa là chủ chi cho một cuộc hội ngộ chưa từng có từ khi các cựu học sinh lớp 12A1 rời ghế phổ thông. Thanh Trúc cũng rất vui, cô còn được bầu làm thành viên ban liên lạc lớp gồm ba người do Nò làm chủ nhiệm, cô là phó một, phụ trách mảng lễ tân, hậu cần. Các cựu học sinh thống nhất mỗi năm sẽ họp mặt ít nhất một lần và tất cả cùng ký vào một bức trướng mầu xanh có thêu dòng chữ: “Tiên học lễ, hậu học văn” để kính tặng thầy chủ nhiệm. Tuy nhiên sau khi ban liên lạc lớp ở lại lên kế hoạch cho năm sau xong, thành viên thứ ba có việc bận về trước, Nò - Thanh Tùng đã vồ vập nâng đôi tay của Thanh Trúc lên hôn và nói như đứt hơi rằng, anh ta tổ chức cuộc họp lớp hoành tráng như vừa rồi chỉ là lấy cớ để được gặp Thanh Trúc thôi. Cho đến giờ, Thanh Trúc vẫn là người tình trong mộng của Nò. Thanh Trúc cười khôi hài và đưa tay kẻ cả sờ trán Nò - Thanh Tùng, hỏi: “Thần kinh cậu vẫn bình thường đấy chứ?”. Nhà đại gia trẻ nói với giọng đam mê hùn hụt: “Mười năm qua không lúc nào Thanh Tùng không nhớ đến Thanh Trúc. Tùng và Trúc. Mình đã bỏ cái tên Nò quê một cục để có chữ Thanh bên cạnh chữ Tùng để được cùng tên đệm với Thanh Trúc và cầu chúa cho chúng mình sớm gặp nhau. Mình vẫn yêu Thanh Trúc như ngày nào, không hề hao mòn một nửa ly”.
Thanh Trúc nhìn vẻ mặt có vẻ thực lòng như ngây ra của Nò, cô trở nên nghiêm túc: “Cám ơn Nò, cám ơn Thanh Tùng, mình đã có gia đình, vợ chồng mình rất hạnh phúc. Dù có Bin Ghết (Bill Gates) đến đây cũng không thể lay chuyển được lòng mình đâu. Nò hãy bình tâm tìm hạnh phúc khác nhé”.
Cô nói xong, lạnh lùng chào Nò, đi ra nhanh.
Nhưng đã một tuần nay, ngày nào Nò cũng gọi vào di động của cô không dưới chục lần. Lúc đầu thì cô còn lịch sự giải thích nhưng thấy Nò cứ lần khần không buông bỏ, cô đã phải nổi nóng và thô bạo tắt máy như vừa rồi. May mà đợt này chồng cô đang đi công tác nước ngoài, sau tết mới về, nếu không, chắc cũng làm bận lòng anh.
3. Bà giáo Nhân từ ngoài vào bếp khiến Thanh Trúc rời được ý nghĩ về chuyện liên quan đến Nò. Bà vui vẻ nói với con gái:
- Cháu ngủ rồi! Khổ thân, mọc một lúc hai răng nanh. Mẹ có thể phụ giúp con việc gì nào?
Thanh Trúc nhìn thấy mẹ vui liền hỏi với giọng cười cười:
- Trông mẹ hôm nay rất phong độ, chắc người ấy có về họp lớp phải không ạ?
Bà giáo Nhân đỏ rựng cả mặt lên, bà lắc đầu, gạt đi:
- Người ấy nào? Con đừng có bắt nọn mẹ!
Thanh Trúc vẫn vui vẻ truy tiếp:
- Con biết từ lâu rồi…
Bà giáo vội ngăn:
- Đừng luyên thuyên nữa, cô khiến mẹ việc gì thì khiến đi để mẹ còn làm, không thì vợ chồng anh Mai cô sắp sang rồi đấy. Tính thằng anh cô, háu đói lắm!
Thanh Trúc vui vẻ đáp:
- Mẹ làm cho con món sa lát Nga. Con nghĩ hôm nay, mẹ làm món đó sẽ ngon hơn mọi lần.
Bà Nhân lại đỏ mặt, mắng yêu con gái:
- Luyên thuyên!
Nói rồi, bà giáo chọn các thứ vật liệu để làm món sa lát Nga và mang sang phòng ăn ở gian bên...
4. Cô giáo Thanh Trúc là con gái trong một gia đình cha mẹ không hạnh phúc. Từ khi còn nhỏ, cô đã được chứng kiến sự trái khoáy giữa hai tính cách của cha mẹ. Cha cô cao to, thô kệch về hình thức và cũng rất thô bạo trong tính nết. Khi mới lên ba, Thanh Trúc đã được chứng kiến ông treo ngược anh Mai cô lên cành khế để vụt roi. Cành khế giòn bị gẫy, anh cô ngã cúi đầu xuống trầy da trông thấy cả xương sọ. Rồi khi lên năm, cô đã bị ăn một cái bạt tai của bố, khiến tai bên phải ù đặc cả tuần, di chứng ấy đến bây giờ cái tai ấy còn bị giảm thiểu sức nghe, chỉ còn có 4/10.
Khủng khiếp nhất là năm cô vào học phổ thông trung học, một buổi tối, ông Hoành, là bạn học cùng lớp với cha mẹ cô dẫn đến một người tên là Nhật. Ông Nhật hồ hởi chào hỏi bố mẹ cô, mẹ cô có thoáng lúng túng nhưng cũng vui vẻ chào lại, còn bố cô lạnh lùng nhìn hai người khách, tay chỉ vào ghế, nói cộc lốc:
- Các vị ngồi đi!
Ông Hoành phải nói ngay:
- Mảng (tên bố cô là Mảng), mày không nhớ à? Đây là Nhật cán sự Văn của lớp ta mà.
Ông tên Nhật cũng nói với bố cô:
- Chào Mảng, mình ở Hà Nội về, gặp Hoành, Hoành rủ mình đến chơi thăm Mảng và Nhân. Nhớ ra mình chưa nào? Cũng đã hai mươi năm rồi đấy.
Ông Mảng chào mời:
- Hai ông ngồi đi, uống rượu hay uống trà?
Ông Hoành nhìn khách hỏi:
- Cậu dùng được gì?
Ông Nhật trả lời:
- Cả hai thứ mình đều không dùng được. Rượu thì không biết uống. Trà thì uống vào lúc tối thế này dễ bị mất ngủ. Mình được gặp các cậu là quý rồi.
Ông Mảng khệ nệ bê ra một bình rượu khủng, trong đó có con rắn hổ mang đầu dựng lên, hai bên mang bạnh bẹ, lưỡi thè lè ra trông rất đe dọa. Ông Hoành nhìn khách bảo:
- Cậu bị khớp, làm một chén loại này là bay hết. Dân đi Nga về phải là vua rượu chứ?
Khách lắc đầu. Ông Mảng tự nhiên nổi nóng:
- Mẹ kiếp, ông đến chơi, mời thứ qué gì ông cũng lắc, vậy ông đến đây với mục đích gì?
Bà giáo Nhân sững người. Ông Nhật bình tĩnh nói:
- Mục đích chỉ muốn gặp lại bạn bè cũ, thăm sức khỏe và công việc làm ăn của mọi người. Mình trông thấy hai thứ đó ở đây rất tốt rồi. Mình cũng đang vội, cho phép mình về trước Hoành. Chào các cậu nhé.
Khách nói xong, tươi tắn bắt tay từng người rồi đi ra ngoài. Ông Hoành cáu kỉnh nói với ông Mảng: “Sao cậu tầm thường thô lỗ thế? Cậu đối xử với bạn cũ thế à? Cậu không biết xấu hổ à?”
Ông Mảng phẩy tay:
- Ông nữa, ông cũng biến ngay đi! Ông rách việc làm tôi khó chịu quá!
Ông Hoành trố mắt nhìn ông Mảng rồi bảo với bà Nhân:
- Mình xin lỗi Nhân! Bụng dạ mình chỉ muốn làm điều tốt thôi. Không ngờ. Chào Nhân!
Bà Nhân cuống lên:
- Từ từ đã anh Hoành...
Ông Mảng quát lên:
- Vào nhà! Đừng có làm tôi phải sốt tiết lên đấy!
Bà Nhân giận dữ:
- Anh Mảng, đủ rồi, im đi!
Ông Hoành đi ra, bà Nhân cũng đi ra theo, định tiễn ông Hoành thì ông Mảng kéo quặt tay bà lại. Ông Hoành phải dừng và chỉ vào mặt ông Mảng nói như quát:
- Chính thức từ hôm nay, tôi và cả lớp 10B không bạn bè gì với cậu nữa. Cậu mà bạo lực với Nhân, tôi đấm vỡ mặt ngay! Nhớ đấy! Mình thực sự xin lỗi Nhân.
Ông Hoành nói và đi nhanh ra ngoài. Khoảng năm phút sau thì ông Mảng đập tan cái bình rượu có con rắn hổ. Bà Nhân ngồi ở ghế không có phản ứng gì. Ông Mảng gầm gừ tiến lại chỗ bà, quát hỏi:
- Vẫn còn say mê tơ tưởng cái thằng Nhật ba lăng nhăng đó hả?
Bà Nhân vẫn ngồi như hóa đá, chỉ có đôi môi cắn lại và hai hàng nước mắt trào ra.
Nhìn thấy nước mắt vợ, ông Mảng bợp lấy cằm bà dựng lên dồn lại góc phòng. Cô bé Thanh Trúc từ nãy đến giờ vẫn ngồi im ở đầu cầu thang tầng một lao vụt xuống xô bật ông Mảng ra, hét lên:
- Bố không được đánh mẹ!
Rồi cô đứng chắn trước mẹ cô, căm uất nhìn ông Mảng.
4. Bà giáo Nhân nằm như bị liệt mất bốn hôm. Ông Mảng biết hối, lên tỉnh mua tổ yến sào về hầm cách thuỷ với nhân sâm để bà bồi dưỡng nhưng bà không hề đụng đến một ly. Cô bé Thanh Trúc năn nỉ hỏi bà nguyên nhân từ đâu mà ông Mảng lại cư xử thô lỗ như vậy, bà cũng không nói. Sau bốn ngày, bà bỗng sai cô nấu bát cháo đậu xanh, bà ăn hết và đến trường dạy học như bình thường, có điều bà gần như tuyệt đối im lặng với ông Mảng trừ những câu chào lúc đi, lúc về nhà.
Không như người anh trai tên Mai, cứ luôn bảo cô, “kệ bố mẹ” mỗi khi Thanh Trúc nài nỉ hỏi Mai là vì chuyện gì, Thanh Trúc tìm đến một bà bạn học cũ thân nhất của mẹ cô. Đó là bà giáo Sáng. Bà Sáng khi còn hiếm muộn đã xin nuôi cô mấy năm làm con đỡ đầu. Thế rồi bà may mắn sinh đôi được hai cậu con trai. Cô đến chỗ bà là đến với bà mẹ thứ hai. Nghe cô nỉ non khóc hết cả nước mắt, bà Sáng đành kể cho biết, ông Nhật chính là người yêu đầu đời của mẹ cô. Hai người hồi đó đều học giỏi nhất lớp, ông Nhật giỏi Văn, còn mẹ cô thì đã đoạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Mẹ cô không những học giỏi mà còn hát hay. Khi mới học lớp 8, tỉnh đội rồi quân khu đã cho người về tuyển mẹ cô vào văn công quân đội nhưng mẹ cô ham học hơn là đi theo con đường ca hát. Là người sinh ra ở chốn thôn quê nhưng cô Nhân ngày đó dáng người mảnh dẻ, cao ráo, da trắng như trứng gà bóc và hơi gầy. Ở thôn quê lam lũ, cô không thể là kiểu người làm ăn nên bà mẹ dù rất nghèo vẫn cố dốc lòng nuôi con ăn học, mong sao cho cô thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Cô con gái xinh đẹp của bà sớm có nhiều kẻ nhắm nhe. Nghĩ đến hoàn cảnh mẹ góa con côi, họ hàng thân tộc ít, bà cũng muốn sớm có một chỗ dựa. Chỗ dựa được bà ưng ý hơn cả là cậu Mảng, con ông Bè, trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Lúc đầu, bà cũng có cấn cớ đôi chút là cái nòi nhà ông Bè lâu nay đã bị nhiều tai tiếng va vướng vào chuyện trai gái bất minh. Ông trưởng phòng khi còn đương chức chủ tịch xã đã khiến cô nhân viên đánh máy có chửa, đẻ ra đứa con trai giống ông như lột, giống đến cả cái mắt lé và dài vếch lên như mắt cáo khoang. Được cái, cậu Mảng, con trai ông Bè tướng mạo tuy lầm lì nhưng có sức khỏe, trong làng ai có công việc gì cậu đều săn sả giúp đỡ. Bà mẹ đem cái chỗ dựa ấy ra bàn với Nhân. Cô liền nổi cáu với mẹ và kể, nữ sinh trong lớp đã nhiều lần phát hiện ra cậu Mảng rình mò lúc họ tìm chỗ kín đi tiểu. Bà mẹ nghe Nhân nói, liền tin cô và không có ý định tìm chỗ dựa nhà cậu Mảng nữa.
Nhưng rồi một lần bà đi bán gạo hàng xáo dưới chợ xa về. Trưa nắng, bụng đói bà cố lết về đến gốc đa đầu làng thì xỉu luôn. Mảng trông thấy, cậu ta liền vứt xe đạp, cõng bà vào trạm xá cấp cứu rồi đưa bà về nhà. Nhà cậu giàu có, đường sữa không thiếu, lại có cả bột đậu xanh cao cấp do bố cậu được phân phối theo tiêu chuẩn trưởng phòng. Mấy thứ đó đã giúp bà mẹ của cô Nhân mau chóng hồi sức. Hồi sức nhưng bà vẫn phải nằm và mồ hôi lạnh cứ tứa ra từng đợt.
Cũng ngày hôm đó, cô Nhân bí mật tiễn Nhật lên ga để đi làm thuê ở miền trong. Còn hơn một tháng nữa mới thi đại học, cậu tranh thủ đi kiếm tiền để lo phí tổn trường ốc thi cử.
Tiễn Nhật xong, Nhân về ban tuyển sinh huyện để làm nốt các thủ tục hồ sơ thi đại học. Cô không biết rằng, trong thời gian đó mẹ cô cũng vừa thoát cơn thập tử nhất sinh.
Khi Nhân về đến đầu làng thì giông gió lúc hoàng hôn nổi lên đùng đùng, nghe người làng kể lại chuyện mẹ cô bị ngất, cô hoảng, đạp xe như bay về nhà.
Người đầu tiên, cô gặp trong nhà là Mảng. Cậu ta đang sắc thuốc cho mẹ cô ở bếp. Cô ngạc nhiên hỏi thì Mảng chỉ tủm tỉm cười. Nhân bổ vào chỗ mẹ nằm, bà mẹ đang chống hai tay ngồi tựa lưng vào thành giường. Bằng giọng vẫn còn yếu, bà kể lại sự may mắn đã gặp được Mảng. Cậu ta kịp thời cấp cứu bà, cho bà uống sữa pha với bột đậu xanh, rồi sắc cho bà một bát thuốc giải cảm hàn nhập lý và đang sắc tiếp nước thứ hai để đến đêm, bà uống. Bà mẹ dặn con gái, phải cảm ơn lòng tốt của Mảng. Nói rồi bà mẹ mệt mỏi ngủ thiếp đi.
Cơn giông lúc chập choạng tối vẫn chưa dứt ở phía tây, vẫn vọng lại những tiếng sấm ầm ì rồi gió lạnh bỗng nổi lên đùng đùng, dưới bếp cậu Mảng phải dùng cái nong chắn gió, sợ tắt cái bếp đang sắc thuốc.
Nhân xuống, giúp Mảng lấy cái đòn gánh chống nghiêng vào cái nong lên. Cô đang nghĩ cách cám ơn Mảng thế nào cho phải thì bị cậu ta đè ra sàn bếp. Sức liễu yếu đào tơ của một cô gái vừa đạp xe cả ngày lo hết chuyện nọ đến chuyện kia đã không cưỡng lại được sức chiếm đoạt của gã con trai mười tám tuổi cao một mét tám lăm, nặng tám mươi cân, có máu di truyền của ông cựu chủ tịch xã, ông đương kim trưởng phòng Nông nghiệp Chu Bè mắt lé.
Cơn điên của kẻ cuồng dâm mới lớn chỉ diễn ra mươi lăm tích tắc trong giông gió sấm mưa đã biến một thiếu nữ thanh tân dáng mảnh mai, tâm hồn mộng mơ, tinh khiết thành một người đàn bà khốn khổ.
Sau cú hoảng hồn bị cướp đoạt quá chóng vánh, Nhân nổi cơn thịnh nộ, cô giật chiếc đòn gánh chống cái nia chắn gió nhè đầu cậu Mảng mà phang. Cậu ta chống đỡ những cú phang của cô không mấy khó khăn. Mảng đã rút được chiếc đòn gánh vứt đi rồi giữ chặt hai tay cô. Nhân vùng ra không được liền cắn mạnh. Mảng phải bỏ tay ra, cô rút con dao phay cài ở phên bếp cứ nhằm vào phía Mảng mà bổ. Cậu ta tránh được hết. Nhân lao đến chỗ bếp, tay cầm cái quai siêu thuốc, lia cả siêu thuốc vào giữa mặt Mảng nhưng cậu ta vẫn kịp tránh được. Cái siêu thuốc văng vào cột vỡ tan tành.
Đang khi ấy thì bà mẹ đầu tóc tã tượi nước mưa run lẩy bẩy, tay xách cái đèn bão đi vào.
Cậu Mảng vội quỳ xuống trước bà. Cũng lúc đó cô Nhân lại vớ cái đòn gánh định phang nhưng bà mẹ ngăn lại:
- Nhân, dừng lại con.
Nhưng Nhân đã không nghe bà, đòn gánh được phang xuống song cậu Mảng cũng kịp đỡ và giữ chắc lấy nó. Bà mẹ lao đến, ôm lấy con gái, bà nói như đứt hơi:
- Nhân ơi! Mẹ…, mẹ biết đã xảy ra chuyện nghiêm trọng rồi. Nhưng con mà đánh chết cậu ta thì cái khổ sau này sẽ nhân thành gấp mười, gấp trăm. Rồi lấy hết sức bình sinh, bà quát vào mặt Mảng: Cậu đã hại đời con gái tôi. Cậu phải có trách nhiệm đối với nó. Nếu cậu từ chối, cái thân già này sẽ đổi mạng với cậu.
Mảng chắp tế bà như tế sao:
- Con lạy cô, con lạy mẹ. Vì con yêu em Nhân từ lâu, con có quá đáng cũng là chỉ muốn lấy được em Nhân làm vợ...
Nhân hét lên:
- Câm mồm đi! Thằng ăn cướp, câm mồm ngay đi!
Bà mẹ chắp tay vái Nhân:
- Bây giờ thì mẹ lạy con. Mẹ con ta không có con đường nào để thoát nữa đâu. Con mà cưỡng lời mẹ, mẹ chết không nhắm mắt được mà con thì không sống được ở cái làng này nữa.
Hai mẹ con ôm nhau khóc. Mảng thì vẫn cúi đầu găm mặt xuống đất như kẻ trọng tội.
Sự việc được giải quyết chóng vánh. Ngay đêm đó, ông nội và mẹ Mảng phải sang ký vào giấy cam đoan sẽ cưới Nhân cho Mảng trong vòng mười ngày trở lại.
Cũng đêm đó, Nhân khóc, khóe mắt chảy cả ra huyết. Có lúc cô như hóa điên khóc khóc, cười cười, đọc đi đọc lại bốn câu thơ mà lúc trưa Nhật đã tặng cô: Sân ga em tiễn anh đi/ Gói xôi nếp mới độ trì đường xa/ Cơ hàn rồi sẽ mau qua/ Mai sau anh dựng mấy tòa cho em.
Cơn điên lắng xuống, nhìn bà mẹ nằm như cái gọng xương khô, nước da đã mất hết thần sắc, mắt cứ ựa ra thứ lệ đặc mầu bột dong, cô phải ôm lấy mẹ, hứa với mẹ vâng lời, miễn là bà phải sống.
Đám cưới của Nhân và Mảng to lắm lại được ông Phó Chủ tịch huyện làm chủ hôn nên còn được tiếng là sang nữa.
Nhật về làng. Cậu kiếm được đủ số tiền cho hai người đi thi đại học nhưng đã mất đứt người yêu. Cậu nằm bệt mấy ngày rồi lên huyện xin đổi nguyện vọng thi. Trước ngày Nhật đi thi, cô bạn tên Sáng của Nhân mang đến cho cậu quyển vở ghi chín mươi chín bài thơ lục bát cậu đã viết tặng Nhân và ở bài thơ cuối cùng bài tặng trên sân ga, nước mắt đã thấm dày như phết bằng keo. Quyển vở chép thơ có buộc một dải băng trắng viết hai câu Kiều bằng máu: Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Nhân vẫn đỗ đại học và đúng ngày tháng đã sinh con trai nét dáng thanh tú, duy một bên mắt hơi bị hiêng hiếng, đích thị là dòng giống nhà ông Chu Bè, trưởng phòng Nông nghiệp huyện…
Thanh Trúc vừa nghe bà giáo Sáng kể chuyện, vừa khóc lịm đi. Kể xong, bà chỉ tha thiết một yêu cầu, cô nghe vậy chỉ để biết vậy thôi. Cô có nghĩ đến tình nghĩa không có công sinh nhưng có công dưỡng của bà thì giữ kín chuyện, chứ dây vào ông Mảng thì sẽ rắc rối to.
Thanh Trúc đã vâng lời bà Sáng.
Cách một năm, sau ngày cô giáo Thanh Trúc về nhà chồng, cô thấy mẹ cô người cứ rạc rài đi, da xanh lướt, mắt đổ quầng thâm. Nhiều hôm cô thấy bà Nhân dắt cái xe đạp đi dạy học, bước không vững. Cô rất lo lắng, vội đưa mẹ đi khám bệnh, các thầy thuốc bảo bà giáo không có bệnh gì, chỉ là dạng bị căng thẳng và suy kiệt thôi. Cô lại đem điều này thổ lộ với mẹ nuôi. Bà Sáng ngần ngại giây lát rồi cũng nói với cô: “Con đã trưởng thành rồi, mẹ cũng không giấu con làm gì. Đó là… là… mẹ con phải chịu đựng cái… nòi nhà ông nội của con thôi. Mẹ con vóc mai mình liễu không lại được với thứ phàm tục vũ phu, ăn lấy được. Khổ thân mẹ con”.
Cô hiểu ra sự tình và thấy rất căm tức cha mình. Nhưng rồi cô giáo trẻ lại nghĩ, căm tức cũng chả để làm gì, phải tìm cách giải thoát cho mẹ cô. Cô bàn với chồng, viện cớ hoàn cảnh vợ chồng trẻ, ở nhà riêng, chồng hay đi công tác xa, cần đón bà Nhân về, vừa cho có mẹ có con, vừa có người giúp đỡ trông nom cháu bé mỗi khi chồng vắng nhà lâu ngày. Bà giáo Nhân về ở với vợ chồng cô mới một thời gian ngắn, đã thấy tươi tắn hẳn lên, có da có thịt và trẻ ra đến cả chục tuổi…
Hôm nay trong bộ áo dài và khoác thêm cái áo len mỏng mầu hoàng yến bên ngoài, đi cái xe đạp điện trông bà như người phụ nữ chỉ mới hơn bốn mươi chút chút, lúc bà cười, nhìn còn trẻ hơn.
6. Bà giáo Nhân mang đĩa sa-lát Nga vào khiến Thanh Trúc rời khỏi mạch nghĩ. Đĩa sa-lát bà chuẩn bị trông đầy đặn và gam mầu vàng tươi nổi lên như nét chủ đạo. Thanh Trúc khen mẹ:
- Lâu rồi, con mới thấy mẹ trẻ và vui như hôm nay.
Bà Nhân cười hiền hậu:
- Trần đời nhà cô, lại đi khen một bà già năm mươi tuổi là trẻ. Để những lời tốt đẹp ấy mà khen chồng cô nha.
Thanh Trúc vẫn ngắm mẹ và nịnh tiếp:
- Con nói thật mà! Mẹ chịu khó nhuộm mấy sợi tóc bạc kia đi thì còn khối bác theo. Trông mẹ còn ngon lắm!
Bà Nhân nghiêm mặt lại nhìn con gái, nói:
- Luyên thuyên. Độ này con hay luyên thuyên đấy. Này, mẹ hỏi, sao gần đây, con nói điện thoại cứ úp úp mở mở thế? Không phải thằng Dũng gọi về, đúng không? Không ai yêu thương vợ con như thằng Dũng đâu, con mà ngang trái với nó, mẹ từ.
Thanh Trúc trêu mẹ:
- Có một ông Bill Gates, made in Việt Nam đang chết rạp dưới chân con, con định quên anh Dũng vài năm, thay đổi không khí cho vui đời, mẹ thấy thế nào?
Bà Nhân trừng mắt lên, vẻ mặt thất sắc, nói:
- Luyên thuyên, hư đốn! Nòi giống nhà tao không sinh ra cái của ấy. Trúc, con dừng lại, tu thân đi!
Thấy mẹ thất kinh quá thể, cô giáo trẻ Thanh Trúc vội nói:
- Con đùa đấy! Đúng là có một thằng cha trọc phú, vung tiền háo sắc gạ gẫm con cả tuần nay nhưng con đã bảo với hắn, Bill Gates Mỹ còn chả ăn thua nữa là cậu. Con thề, con không hư đốn.
Cô nói và bỏ các thứ đang làm, chùi tay vào hông tạp dề, ôm lấy mẹ. Cô hỏi bà Nhân:
- Mẹ ơi, hôm nay bác Nhật về họp lớp phải không ạ?
Bà Nhân lại nhắc đến hai từ luyên thuyên như quán tính. Nhưng rồi nét mặt của bà trở nên xúc động:
- Bác ấy có về họp nhưng rồi phải đi ngay! Tội nghiệp, trông cứ vội vội vàng vàng…
Thanh Trúc hỏi mẹ:
- Bác ấy có tặng thơ mẹ không?
Bà giáo lúng túng trả lời:
- Luyên thuyên! Già rồi thơ với thẩn gì? Gặp, thấy nhau còn khỏe mạnh là mừng nhất.
Bà Nhân nói thế nhưng bà lại nhớ, trong cuộc gặp ngắn ngủi chỉ độ hơn tiếng đồng hồ, ông Nhật có đọc thơ tặng lớp. Bài thơ có hai câu cuối khiến bà ấn tượng: Hai tay nâng một nụ cười/ Thấy trong thăm thẳm chao ôi, một thời.
Khi ông vừa đọc xong, bà Sáng ngồi cạnh rỉ tai bà Nhân:
- Thơ Nhật dành riêng cho cậu đấy!
Bà Nhân đỏ bừng mặt cấu nhẹ vào tay bà Sáng như bảo, đừng luyên thuyên nhưng rồi bà vẫn nhớ đầy đủ mười bốn âm tiết cuối của bài lục bát ông Nhật đã đọc...
7. Ông Mảng đột ngột xuất hiện ở ngõ. Bà Nhân nhìn thấy, tái mặt thất thần. Cô giáo Thanh Trúc đi như chạy ra cổng ngăn cha mình lại song ông Mảng vội nói như người sắp hết hơi:
- Bố , bố… xi… in… xin con gái, năm hết tết đến rồi cho bố được sang đây ăn bữa cơm đoàn kết… gia đình mình. Vợ chồng anh Mai con cũng đã điện mời bố! Bố… già rồi…
HTQ-11-2019
L.N.M