DI TÍCH VÀ THẮNG CẢNH PHỐ CÁT
PHẠM TẤN
Di tích thắng cảnh Phố Cát hiện nay thuộc địa phận xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
Cái tên “Phố Cát” chắc chắn có từ thời Lê, vì theo sách Đại Nam nhất thống chí (Tập II, Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội - 1990), ở phần cổ tích có ghi: “Lũy cũ Phố Cát: Ở bên núi An Lão, thuộc huyện Thạch Thành, giáp địa phận Phụng Hóa, tỉnh Ninh Bình, nơi núi rừng sâu rộng, dưới có ngã ba; phía Tây Nam đi đến châu Lang Chánh, phía Bắc đi đến tỉnh Ninh Bình, phía Đông đi sang là huyện Tống Sơn, lũy có từ thời Lê, cao 6 thước, bên trong rộng 6,7 mẫu từ trước đến nay vẫn bắt dân ở động sách sở tại canh giữ. Tương truyền nhà Lê đặt trạm ở đây, gọi là trạm Cát, đường thượng đạo từ đường này xuất phát. Có lẽ trước là trạm mà sau nhân đó làm đồn Bản triều năm Minh Mệnh thứ 14, đổi động Sách làm thôn xã mà bỏ đồn” (trang 240). Nhìn vào bản đồ địa chí của tỉnh Thanh Hóa hiện nay thì thấy Phố Cát nằm liền núi Yên Lão như sử cũ đã chép.
Như vậy, chữ “Cát” có từ thời Lê và xa hơn nữa. Còn hình thành tên gọi là “Phố Cát” là từ khi có đồn, có trạm đặt ở đây. Trong các văn bia, tài liệu từ đầu thời Nguyễn đến giờ cũng như cách gọi của nhân dân gần xa, lúc nào cũng chỉ thống nhất với tên gọi là Phố Cát và ngôi đền “Mẫu nghi thiên hạ” (thờ Liễu Hạnh, trong hệ thống tứ bất tử) cũng gọi là đền Phố Cát. Hiện nay danh từ “Phố Cát” không phải chỉ để gọi dãy phố hai bên đường cái quan có dân cư tụ họp từ lâu, mà còn là địa danh và tên gọi chung cho phần lớn khu vực hành chính, núi non, sông nước của xã Thành Vân bây giờ.
Mặc dù thuộc địa hình miền núi (liền mạch với hệ thống Tam Điệp hùng vĩ) nhưng vị trí của Phố Cát rất cơ động và thuận lợi. Từ đây ô tô có thể đi về cả bốn hướng, Bắc đi phố Rịa để đến Ninh Bình, Nam về Kim Tân - thủ phủ của huyện Thạch Thành, Đông đến Bỉm Sơn độ 15km thì gặp Quốc lộ 1A, còn phía Tây theo các trục đường kinh tế mới để sang tỉnh Hòa Bình.
Từ thành phố Thanh Hóa đến Phố Cát đi bằng hai đường, một đường từ thành phố đi Vĩnh Lộc - Kim Tân chừng 60km, một đường từ thành phố Thanh Hóa - Bỉm Sơn rồi rẽ lên.
Từ di tích thắng cảnh Phố Cát, chúng ta có thể tiếp tục cuộc hành trình đến chiến khu cách mạng Ngọc Trạo và đến rừng quốc gia Cúc Phương một cách dễ dàng.
Phố Cát, di tích và thắng cảnh xen lẫn hòa quyện vào nhau thật hữu tình, trong vòng 1km2, chúng ta có thể đến được hầu hết các điểm tham quan như: Đền, thác, hang động, núi non, suối nước, rừng cây, bản làng... chỉ cần một ngày với thời tiết thuận lợi, di tích và thắng cảnh Phố Cát sẽ làm hài lòng các đoàn khách hành hương và du lịch.
Nếu bạn ở lại một đêm để thấy cảnh chiều tà, hoặc buổi mai sẽ được thưởng thức những âm thanh, nhạc điệu đặc biệt của vùng núi rừng Phố Cát này.
Phố Cát là một vùng đất của lịch sử và huyền thoại. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện được nhiều hiện vật của thời đại đá giữa (thuộc văn hóa Hòa Bình). Từ đây đến hang Con Moong (nơi mà Viện Khảo cổ đã từng khai quật và phát hiện được các lớp văn hóa của thời đại đồ đá) chỉ vài cây số.
Nhiều truyền thuyết về cuộc hành quân của các tướng lĩnh Lam Sơn và sự tham gia đóng góp của nhân dân cũng được ghi nhận ở vùng này.
Lũy thành Phố Cát xưa là căn cứ và quê hương của cuộc khởi nghĩa nông dân lớn hồi thế kỷ XVIII (cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật).
Phố Cát còn là nơi in dấu những bước đường trường chinh của các chiến sĩ du kích cách mạng ở chiến khu Ngọc Trạo (1940 - 1941). Đây là nơi liên lạc và tập kết lực lượng cho chiến khu. Mật khẩu “Ai lên Phố Cát” cũng là hình tượng sinh động đến bây giờ.
Phố Cát cũng là đầu mối và căn cứ quan trọng của chiến khu Hà - Ninh - Thanh trong kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp. Trong 9 năm ấy, ngoài sự đóng góp sức người sức của cho chiến trường, giúp đỡ trực tiếp bộ đội và thương binh của nhân dân vùng Phố Cát, đền Thánh Mẫu còn quyên cho kháng chiến được 18kg vàng, 36kg bạc, 1,4 tấn đồng và nhiều tiền của khác.
Phố Cát của kháng chiến và cách mạng, Phố Cát của tình người, nhưng Phố Cát cũng là một túi bom ghi sâu tội ác của thực dân Pháp. Di tích - thắng cảnh Phố Cát đã bị nhiều vết thương. Một số công trình kiến trúc uy nghi, hoành tráng đã bị đánh sập (1953). Nhưng sự ngưỡng mộ về thắng cảnh Phố Cát của du khách gần xa thì mãi mãi vẫn còn.
Sự ngưỡng mộ Phố Cát, ngoài yếu tố lịch sử, địa lý và cảnh đẹp, còn có một yếu tố rất quan trọng là sự ngưỡng mộ đến vị đức Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và các sinh hoạt văn hóa tinh thần mang tính chất tín ngưỡng dân tộc ở ngôi đền này.
Mẫu Liễu Hạnh là một nữ thần trong hệ thống tứ bất tử của thần linh Việt Nam, đồng thời là vị thánh trong đạo tứ phủ. Trong các triều đại phong kiến Việt Nam đều tôn Mẫu Liễu Hạnh là đệ nhất nữ hoàng, vì là thần thượng đẳng của cung đệ nhị trên thiên đình.
Theo truyền thuyết dân gian, Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, vì làm vỡ chén ngọc, bị đầy xuống trần gian, thác sinh vào nhà họ Lê từ đời Thiên Hựu (1557). Bố mẹ đặt tên là Giáng Tiên, năm 18 tuổi lấy chồng, tên là Đào Lang. Năm 21 tuổi bị gọi về trời. Tuy nhiên Thượng đế rủ lòng thương cho nàng được ở hạ giới để trả xong nợ. Nàng cùng hai tiên nữ giáng hạ ngay giữa ban ngày ở vùng Phố Cát (Thạch Thành, Thanh Hóa), chốn ngự một nơi có phong cảnh đẹp mỹ lệ, tốt tươi. Chẳng bao lâu các nữ thần ban nhiều phép lạ cho dân chúng địa phương. Để tỏ lòng biết ơn, nhân dân đã lập ngôi đền thờ nguy nga ở lưng chừng núi, phụng thờ hương khói. Vì vậy nàng đã được tôn thờ là Tiên Chúa, là đệ nhất thành hoàng, là mẫu nghi thiên hạ, Mã Hoàng công chúa, Chế thắng đại vương... Triều đình cũng phong thần cho nàng. Nữ thần luôn luôn ban ân đức cho mọi người nên đã được nhân dân suy tôn là Thánh Mẫu.
Thờ đức Thánh Mẫu thì hầu như nơi nào cũng có nhưng nơi thờ chính và lớn nhất là ở phủ Dày - nơi giáng sinh lần thứ nhất, Phố Cát nơi giáng sinh lần thứ hai và Sòng Sơn - nơi hiển thánh.
Về mặt văn học dân gian, xung quanh Phố Cát, chúng ta đã thu thập được nhiều truyền thuyết, cổ tích, mẩu chuyện, bài ca, trò diễn xướng thật lý thú. Đó là sự góp phần làm giàu cho kho tàng văn học dân tộc.
Giờ đây, chúng ta hãy đến thăm Phố Cát. Đền thờ bà Chúa Liễu Hạnh vẫn là chỗ đầu tiên mà chúng ta cần đến. Bài hát chầu văn giới thiệu đền Phố Cát như có sự quyến rũ lạ lùng:
Khách thập phương tới đền Phố Cát
Ngắm non sông bát ngát một vùng
Chín tầng thác dội lòng trong
Cây đa trước miếu cá vùng kín khe
Nhìn non nước bốn bề như vẽ
Đều khen rằng cảnh mẹ xinh thay...
Hoặc đây là một đoạn bia ca ngợi cảnh trí Phố Cát (do Mai Cung Trai, Đốc học tỉnh Nam Định soạn vào năm Thành Thái 16): “Đất có núi khe xung quanh, hoa xanh, cỏ tốt, có đất đúc thiêng liêng. Giếng Ngọc phun nước ngày đêm, đường Thiên Lý cũ có ngựa chạy suốt Nam - Bắc. Động đá mấy lớp xuyên núi sâu tung hoành đặc biệt. Nơi châu ngọc trăm thước, di tích nhà cửa còn đó thực là nơi cảnh đẹp lớn của một vùng...”.
Đền Phố Cát nằm ở lưng chừng một ngọn núi (địa phương thường gọi là núi Dết) với thế đất tay ngai (vì ở bên tả, bên hữu có hai gò đồi thấp dạng vòng như hai tay dựa). Phía trước đền có 3 ngọn núi đá là Tam Thai án ngữ như một bức bình phong, các ngọn núi khác được dân địa phương dựa theo hình dạng và đặc điểm cụ thể mà đặt tên như núi Cây Trôi, núi Long, núi Ly, núi Hổ, núi Vực Voi...
Gần đền Phố Cát có một dòng suối nhỏ, có những hòn non bộ và các thác nước nhỏ xinh xinh chảy qua rì rào như khúc nhạc thánh thót, êm đềm. Đến trước cửa đền thì dòng suối đổ chụm vào một cái vũng thấp rộng như hồ. Ở đó có hàng ngàn con cá “Thần” bơi lội tung tăng một cách hiền lành, song lại được con nhang, đệ tử và khách hành hương sùng kính đến kỳ lạ. Đây là loại cá chép mắt bạc, thân vàng và tím sẫm, có con nặng trên 10kg, chẳng ai dám bắt cá để ăn thịt vì xem đó là “cá thần”. Cứ đến mùa xuân, cá lớn biến đi đâu hết như là có phép tiên và từng đàn cá con mới lại kéo về. Và cứ thế vào mùa hội đền đàn cá lớn lại về... Mỗi khi thấy có người đến bờ nước, các đàn cá lại đua chen bơi đến để chờ được cho ăn. Món ăn cá thích nhất là đậu phụ, rau cải, nổ rang. Lúc đó ta có thể giơ tay và bế cá lên khỏi mặt nước được (nhưng điều này thì chẳng ai dám làm).
Tại suối cá này, Tổng đốc Thanh Hóa đã cho xây một cái tháp Vọng Ngư hình lục lăng để dành riêng cho vua nhà Nguyễn (Bảo Đại) ngồi ngắm cá. Đây là công trình kiến trúc rất hài hòa và ăn nhập với cảnh quan của hồ cá thần.
Trong thế tay ngai của dãy núi Dết là bốn công trình độc lập từ thấp lên cao gồm sân rồng với nghinh môn 8 mái, cung đệ tam, cung đệ nhị và cung đệ nhất. Xung quanh là tường hoa bao bọc, mỗi cung có ba gian thông. Hai gian đầu cung nhị và cung tam làm đường liên cung lên xuống. Bên trong các cung là tượng và các đồ thờ bằng chất liệu rất quý. Bên cạnh công trình chính là nhà Quan cư (nhà khách và tiếp lễ), cổng Tam Quan (2 tầng, 8 mái), tháp Vọng Ngư, tường hoa, cây cảnh, cầu cong bằng đá bắc qua suối để khách bộ hành đến đền Quan Giám và đền Bùi...
Tất cả kiến trúc trên đều là kiến trúc Nguyễn giống Phủ Dầy và Đền Sòng. Rất tiếc là năm 1953, bom của thực dân Pháp đã hủy hoại một số công trình chính. Hiện tại đền Phố Cát chỉ còn nền móng của các cung (và gần đây nhân dân mới làm lại cung nhất) tam quan, tháp Vọng Ngư và cầu đá bắc qua suối. Ngoài ra, còn một số con giống và bia ký (sẽ nêu ở phần sau). Nhưng dù sao với những công trình kiến trúc còn lại vẫn là nét chấm phá hữu hiệu làm cho tổng thể cảnh quan tự nhiên của Phố Cát thêm sinh động.
Tam Quan: Tam Quan của đền Phố Cát là một kiến trúc đẹp và hoàn hảo về mặt thẩm mỹ. Mặc dù là kiến trúc Nguyễn nhưng nghệ thuật thể hiện lại đạt ở trình độ rất cao về mọi phương diện. Nó kết hợp kiến trúc cung đình với kiến trúc truyền thống thật tài tình. Tam Quan được làm theo hai tầng tám mái, hai bên tả, hữu đều có bậc tam cấp lượn vòng lên xuống thật uyển chuyển, hòa nhập với cách bố cục hợp lý của các đường cong ở tầu đao và tầu mái. Bước lên tầng hai của Tam Quan, ta có cảm tưởng như đứng trên tháp nghinh phong với một tâm hồn lộng gió và khoái cảm kỳ thú khi ngắm nhìn cảnh trí và tạo vật ở xung quanh.
Cấu trúc và nghệ thuật thể hiện ở Tam Quan có thể nói là uy nghi, tráng lệ nhằm thể hiện, đề cao uy quyền của đức Thánh Mẫu. Mặt khác cũng biểu hiện được ý niệm, tâm linh truyền thống của dân tộc trong những ý niệm âm dương ngũ hành và khái niệm “thái cực”, “lưỡng nghi”, “tứ tượng”, “bát quái” là những cái cơ bản của muôn vật hữu hình mà người xưa thường nói.
Tháp Vọng Ngư: Hình lục lăng. Bố cục hài hòa, cân đối. Tầng trên cùng có thành hoa vây bọc như đài hoa, các bậc tam cấp từ chân tháp ăn dần xuống chân suối. Toàn bộ công trình tạo nên sự thơ mộng và vui mắt cho du khách mỗi lần đến ngắm cá.
Cầu Đá: Cầu đá bắc qua suối nhỏ hình vòng cung được xây rất kiên cố bằng những cột đá và các phiến đá lớn. Trải qua rất nhiều năm, cầu vẫn vững vàng và chịu được sức đẩy của nước qua các mùa mưa lũ. Chính chiếc cầu này cũng là một yếu tố làm cho Phố Cát thêm duyên dáng.
Từ đền Mẫu Phố Cát, vượt qua cầu Đá chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình để du ngoạn cảnh trí hữu tình ở khu vực này, mà đường vòng cung từ cầu đến các điểm rồi về đền cũng chỉ hơn một cây số. Trong quãng đường vòng cung ấy, chúng ta sẽ đến được những điểm chính như: Hang động Thiên Lôi, động Lá Lốt, bãi đá Thiên Tạo, đền Quan Giám, đền Bùi, vực Voi và chín thác nước cùng cảnh rừng và dòng suối.
Động Thiên Lôi: Đi qua chiếc cầu đá, chúng ta hãy dừng lại chỗ đền Quan Giám (mặc dù kiến trúc không còn nữa) để thắp hương tưởng niệm Nguyễn Hoàng, Nguyễn Uông - các vị tổ của nhà Nguyễn rồi ngược lên một đoạn rất gần là đến núi Hang. Ở đó có động Thiên Lôi. Đường lên động cũng thật dễ dàng. Cửa động rộng chỉ vài mét vuông, nhưng vào trong rất sâu và có nhiều ngách. Có đoạn lại rộng bằng mấy gian nhà. Từ cửa động đi dần vào lối chính, chỗ nào cũng gặp các hình thù kỳ thú (như hình tiên đứng, tiên nằm, hình voi hút nước, hình chim, hình thú và đặc biệt là có một số hình giống hình tượng Phật). Các nhũ đá rũ xuống tạo ra hàng trăm, hàng ngàn bầu vú căng phồng sữa mà nhân dân gọi là vú tiên. Còn có nhiều phiến đá gõ lên thành nhiều âm thanh trầm bổng khác nhau. Có chỗ còn như kho lúa, kho tiền, có chỗ như cung điện có cột vàng, cột bạc, thật nguy nga. Càng vào trong càng mát lạ, nhưng có điều là hang này lại có nhiều ngách thông lên trời nên cảm giác vẫn dễ thở. Vào độ vài chục mét, chúng ta sẽ bắt gặp giếng Tiên và suối ngầm chảy trong các hang và kẽ đá. Tiếng nước chảy như tiếng nhạc. Dân địa phương vẫn vào hang để đánh bẫy ba ba và cá nheo. Có thể nói, động Thiên Lôi là một động rất đẹp. Thời Pháp, người ta cũng từng tổ chức du lịch đến động này.
Xem xong động Thiên Lôi, nếu muốn xem tiếp động Lá Lốt thì cũng rất gần, từ đây đến đó chỉ độ 200m, ở động này thì không đẹp bằng động Thiên Lôi, nhưng ở đó cảnh trí lại rất ngoạn mục.
Đền Bùi và Bãi đá thiên tạo: Khách hành hương và du lịch đã đến Phố Cát chắc chắn không bao giờ chịu bỏ qua khu vực đền Bùi. Từ động Thiên Lôi, đi tắt qua bãi đồi bằng phẳng có lối mòn dễ đi, được một đoạn, gặp dòng suối lớn, rẽ sang tay phải một đoạn ngắn nữa là đến khu vực đền Bùi. Đền không còn nữa, chỉ còn gốc đa và bệ thờ, thế mà dân đến đây cũng rất đông. Đền Bùi thờ Mẫu Thoải (Mẹ Nước). Ở đây có hồ suối và bãi đá thiên tạo rất đẹp. Nhiều phiến đá nhô lên với nhiều hình thù kỳ dị khác nhau. Có phiến như những con giống đá. Ở bãi đá thiên tạo, sát đền Bùi, chúng ta sẽ gặp một hang đá ngầm bằng nhiều cửa thông thiên, trèo leo lên xuống rất dễ dàng. Cây con và các dây leo làm cho bãi đá trở nên kỳ diệu và hoang dã. Bãi đá thiên tạo này rộng đến vài ngàn mét vuông. Hiếm có chỗ nào có bãi đá thiên tạo đẹp và đáng yêu đến như vậy.
Suối - hồ - rừng và thác nước: Về đền Phố Cát không đi đường cũ mà vòng về phía tay phải thành một đường vòng cung, chúng ta sẽ có dịp thưởng thức đầy đủ cái đẹp hài hòa, gắn bó và thơ mộng đến tuyệt vời của cảnh trí rừng - suối - hồ và thác nước. Từ đền Bùi và đi vòng như vậy để về đến đền Phố Cát, gặp trục đường chính cũng chỉ hơn một ngàn mét. Trong hơn ngàn mét dài ấy, chúng ta sẽ được tận hưởng cảnh trí của vùng này một cách hoàn mỹ về mọi phương diện. Đi quãng đường này là đi qua chín tầng thác, gặp suối, gặp hồ, gặp một số hang và mái đá. Lúc ta đi trên cạn, lúc ta lội dưới nước, lúc lại ẩn hiện trong những vòm cây trùm bóng mát. Mùa khô là mùa nước cạn, nếu không biết đường, cứ theo đường nước chảy mà đi thì cũng về được đến đền. Về mùa mưa, chín tầng thác là chín bản đàn hòa tấu vào nhau thành một giai điệu tuyệt vời. Nước tung bọt trắng xóa. Nếu không đi được hết chín tầng thác chúng ta cũng nên đến chỗ thác và hồ Vực Voi để chiêm nghiệm lại nhiều huyền thoại kỳ thú về việc đưa voi về đây của các tướng lĩnh Lam Sơn. Từ hồ Vực Voi chúng ta sẽ đi và gặp một bãi đất bằng phẳng, nếu để làm lều trại du lịch thì tuyệt vời. Xuống tiếp nữa là thác đá Săn (dân địa phương còn gọi là thác đá Lẻ). Cứ thế, suối cứ len lỏi thành nhiều đường trong tán cây rừng để đổ về dòng suối trước đền. Đi trong quãng đường thác suối, hồ và rừng cây này, lòng chúng ta thanh thản và khoan khoái vô cùng. Đoạn đường này hợp với khách hành hương, nhưng cũng rất hợp với ước vọng của tình yêu và hạnh phúc, bởi vì các điểm dừng nghỉ là các cảnh trí rất mộng mơ, chúng ta được tắm trong bụi nước và sự mát dịu của rừng cây...
Nếu có sự đầu tư hợp lý thì nơi đây sẽ trở thành một cụm điểm du lịch bốn mùa thật hấp dẫn.
P.T