HÌNH ẢNH NÚI THIÊN TÔN VÀ SÔNG MÃ - HAI BIỂU TƯỢNG QUAN TRỌNG VỀ LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÝ CỦA XỨ THANH ĐƯỢC ĐÚC NỔI TRÊN BỘ CỬU ĐỈNH ĐẶT Ở THẾ TỔ MIẾU HOÀNG CUNG HUẾ
HÌNH ẢNH NÚI THIÊN TÔN VÀ SÔNG MÃ - HAI BIỂU TƯỢNG QUAN TRỌNG VỀ LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÝ CỦA XỨ THANH ĐƯỢC ĐÚC NỔI TRÊN BỘ CỬU ĐỈNH ĐẶT Ở THẾ TỔ MIẾU HOÀNG CUNG HUẾ
TS. PHẠM VĂN TUẤN
1. Vua Minh Mạng sắc dụ cho nội các làm Cửu đỉnh
Minh Mạng là vị vua thứ hai của vương triều Nguyễn (1802-1945); ông lên ngôi vào ngày mùng 1 tháng Giêng năm Canh Thìn (14-2-1820), băng hà vào ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý (20-1-1841), ở ngôi vừa đúng 20 năm. Trong khoảng thời gian trị vì hai mươi năm đó, đức vua Minh Mạng không chỉ tỏ rõ tài năng của một nhà cải cách nổi tiếng đương thời cũng như dưới thời quân chủ, mà còn là một nhà văn hóa lớn trong việc kiến tạo nền văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa Huế, góp phần quan trọng vào việc định hình diện mạo kinh đô Huế sau này. Ngày nay, nhìn lại những gì ông làm được cho thấy mục đích của ông là nhằm tăng cường sức mạnh của triều đại và quốc gia sau một thời kỳ chia xé, hỗn loạn và suy đồi, nhà Tây Sơn ngắn ngủi chưa kịp ổn định và vua Gia Long cũng mới đặt nền tảng ban đầu. Sinh thời, đức vua rất cảm phục Lê Thánh Tông (1460-1497) và phấn đấu noi theo: “Nước Việt ta lấy văn hiến mở nước, các vua anh minh ra đời, duy Thánh Tông nhà Lê là hiếm có, pháp độ và chính sách hay đều chép ở trong sử, lại còn sau khi mưu cơ muôn việc nhàn hạ, văn nghệ vui chơi, làm ra rất là phong phú, cái phong tao lưu lại còn thấy tiếng hay. Trẫm truy tư cố nhân rất là khâm mộ…”(1). Mặc dù khó bắt kịp bậc minh quân ấy, nhưng ít nhiều ông cũng đạt được một phần ý nguyện mà ngày nay những di sản của ông để lại chúng ta không thể không khâm phục và trân trọng. Một trong những thành tựu quan trọng có ý nghĩa và giá trị của nền văn hóa cung đình phải kể đến, đó là vào năm 1821, ngay sau khi vừa mới lên ngôi được một năm, vua Minh Mạng đã cho xây dựng Thế Tổ miếu (còn gọi là Thế miếu) với mục đích để làm nơi thờ các vị vua triều Nguyễn và các Hoàng hậu, công trình này được xem là thành tựu kiến trúc có giá trị nhất trong Hoàng Thành Huế. Đây cũng là khu miếu thờ lớn nhất, ngoài miếu chính còn có nhiều công trình phụ thuộc có giá trị nghệ thuật và giàu tính lịch sử như Cửu đỉnh; Hiển Lâm Các (nơi suy tôn công lao của các vị thần linh, vua và công thần triều Nguyễn); Tả Hữu Tùng Tự (nơi thờ các công thần); Canh Biểu Điện (nơi thờ Khổng Tử); đền thờ Thổ Công… Và cho đến nay, Thế Tổ miếu vẫn là một công trình quan trọng bậc nhất trong Đại Nội Huế. Đó là một tòa nhà có kiến trúc “Trùng thềm điệp ốc” gồm Tiền doanh 11 gian, 2 gian chái; Chính doanh 9 gian 2 chái kép. Ở bên trong miếu thiết trí án thờ các vua nhà Nguyễn, mỗi vị vua được thờ một gian.
Đến năm 1835, để nhằm mục đích nâng cao hơn nữa vị thế của Thế Tổ miếu, vua Minh Mạng đã sắc dụ cho nội các đúc Cửu đỉnh để đặt trước sân miếu thờ. Về sự kiện này, sách Đại Nam thực lục chép: “Vua dụ nội các rằng: Đỉnh là để tỏ rõ ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời tam đại(2) lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cúng, đúc 9 cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thật to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa; đúc 9 cái đỉnh để ở nhà Thế miếu: Chính giữa: Cao đỉnh; Tả nhất: Nhân đỉnh; Hữu nhất: Chương đỉnh, Tả Nhị: Anh đỉnh, Hữu nhị: Nghị đỉnh, Tả tam: Thuần đỉnh, Hữu tam: Tuyên đỉnh, Tả tứ: Dụ đỉnh, Hữu tứ: Huyền đỉnh(3). Các đỉnh này đều có chiều cao 5 thước đến hơn 6 thước, vòng lưng to 11 thước 6 tấc đến hơn 8 tấc, nặng 4.100 cân hay 4.200 cân có lẻ(4). Trang trí trên Cửu đỉnh gồm các thứ chim cá, giống thú cây cỏ cùng đồ binh khí, xe thuyền cho đến thiên văn địa lý trong nước, lớn nhỏ đều đủ, đều theo hình ấy mà đúc, tổng cộng 153 hình ảnh tiêu biểu trên khắp miền đất nước(5). Tuy nhiên, không phải đúc đủ cả nhưng phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý của người xưa vẽ hình mọi vật(6).
Sau hơn một năm thì đúc xong. Ngày Quý Mão tháng Giêng năm 1837, đức vua sai quan có trách nhiệm chọn ngày tốt đặt 9 cái đỉnh trước sân Thế miếu (dưới đỉnh kê bằng tảng đá). Ngày hôm ấy vua thân đến miếu tế cáo. Lễ xong. Dụ rằng: Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ còn ít, nhà biên chép truyền nói không đúng, chép ra đều là vạc nấu ăn, còn như đỉnh to và nặng, không những gần đây không có, dẫu ba đền (Hạ, Thương, Chu) cũng ít nghe thấy. Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành 9 đỉnh to, sừng sững đứng cao, to lớn nặng vững, không vết mẻ chút nào, đúng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi đến không bao giờ hết. Vậy thông dụ cho 31 trực tỉnh và thành Trấn Tây đều biết(7).
Ngày Bình Ngọ, vua ngự điện Thái Hòa nhận lễ mừng. Ban yến cho quần thần, văn tự tứ phẩm và ngũ phẩm trở lên, không cứ dưới tên có bị xử phân hay không đều được dự. Thưởng hậu cho các viên đốc biện, giám tu, chuyên biện cùng các thợ đúc cấp, kỷ, áo quần và tiền. Các quan địa phương đều dâng biếu mừng(8).
Sử cũ không thấy chép, vua Minh Mạng nói đời sau phải lấy tên đỉnh (vạc) làm miếu húy, nhưng trên thực tế, 9 đỉnh đồng mỗi chiếc đều gắn với miếu húy của một vị vua: Cao đỉnh gắn với Thế Tổ Cao Hoàng Đế được đặt ở chính giữa; rồi tiếp đến hai bên trái phái là Nhân đỉnh gắn với Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế; Chương đỉnh gắn với Hiến Tổ Chương Hoàng Đế; Anh đỉnh gắn với Dực Tông Anh Hoàng Đế… Như vậy, việc đúc Cửu đỉnh để đặt trước sân Thế miếu là chủ trương của đức vua Minh Mạng và ông đã hoàn thành trọng trách lớn lao đó.
2. Vua Minh Mạng đã tuyển chọn núi Thiên Tôn để khắc trên Cao đỉnh và sông Mã khắc trên Anh đỉnh
Những hình ảnh được lựa chọn để cho đúc trên Cửu đỉnh phải là những hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hóa và cảnh quan về thiên nhiên tươi đẹp trên khắp mọi miền đất nước, đồng thời cũng là muốn nói lên sự giàu đẹp của Tổ quốc.
Tỉnh Thanh Hóa nói chung, Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn (Hà Trung) nói riêng là vùng đất Quý hương, Quý huyện của vương triều Nguyễn, vì thế mà đức vua đã chọn núi Thiên Tôn để đúc trên Cao đỉnh và sông Mã đúc trên Anh đỉnh, đây là hai thực thể mang tính biểu tượng cho lịch sử và địa lý của miền đất Thanh Hóa nổi tiếng trong lịch sử đất nước về nhiều mặt và có một quá trình phát triển lâu dài.
- Núi Thiên Tôn, vốn là một danh sơn được chép trong sách Đại Nam nhất thống chí - Bộ Quốc sử nhà Nguyễn như sau: “Ở vào địa phận mấy trang Khắc Ninh, Đông Bình và Quảng Phúc trong Quý hương, về phía Tây - Bắc huyện Tống Sơn, là nơi xây cất lăng Trường Nguyên (tức Lăng mộ Nguyễn Kim - Triệu Tổ nhà Nguyễn) tại đó. Núi này từ huyện Thạch Thành bỏ xuống, liên tiếp 12 ngọn, cỏ cây xanh tốt, nhác trông như gấm. Tam Điệp và Thần Phù quanh lượn bên tả; Trạch Lâm và Trang Chử uốn quanh phía hữu; nước theo Long Khê đi xuống Tống Giang vòng bao phía trước. Trước đây nguyên tên gọi là Am Sơn (núi Am), cũng có tên gọi là Thiên Tôn Sơn. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) mới phong cho tên này - tức núi Triệu Tường và cho thờ theo vào Đàn Nam Giao. Năm thứ 17 (1837) đời vua Minh Mạng đem tượng hình của núi khắc vào đỉnh Cao. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), liệt vào hàng danh sơn, ghi vào tự điển (điển lệ bắt buộc phải cúng tế)”(9).
Sách Thanh Hóa tỉnh chí của Nhữ Bá Sĩ cũng khảo tả về núi Tam Điệp và núi Triệu Tường: “Núi Tam Điệp, phía Nam chạy đến Nga Sơn, Tống Sơn, phía Bắc gối vào Ninh Bình. Mạch núi từ huyện Lạc Hóa (Cẩm Thủy) chuyển sang Thạch Thành. Bắt đầu là núi Bái Trang ở Quý Hương, ngọn thì cao um tùm, trông mạnh mẽ như chim hồng hộc đứng, rồi thấp xuống thành ra núi ấy, ngọn nhiều và rậm rạp dẫy dẫy tiếp nhau, đá xanh bên suối biếc, khí thế rợn người. Cảnh ấy như Hoa Lư đời Đinh - Lê trông như con đường hổ dữ vậy. Thực là cảnh rồng cuộn, là đất quý của tỉnh nhà đủ để thống lĩnh các ngọn núi Bắc Kỳ, làm đất trấn trị cổ của Cửu Chân vậy.
… Núi Triệu Tường ở Quý Hương, Tống Sơn. Về thế núi là dãy núi trên dưới mấy chục dặm hàng nghìn ngọn cao chót vót chen nhau, hai bên tả hữu có sông nước Cửu Chân muôn ngọn triều về. Thực là nền móng chung đúc tốt nghìn năm của bản triều. Núi từ Tây Bắc mà đến liên tiếp 12 đỉnh cao chạy dài. Cây cối một màu xanh tốt trông xa đẹp như gấm ngọc. Giữa nơi um tùm trũng xuống có đồng ruộng, có giếng hình tròn. Bên tả có bia ngự chế, bên hữu có miếu thờ thần. Phía trước có hình vuông để lễ lạy ở đấy cả. Tên cũ là Am Sơn lại còn gọi là núi Thiên Tôn. Đầu thời Minh Mạng mới quyết định gọi như ngày nay. Thực ra gọi như thế là nêu được khí thế tốt đẹp, phát đạt lâu dài của cảnh sầm uất vậy(10).
Như vậy, nói về núi Triệu Tường ở Quý hương không phải là một ngọn núi hay một ngọn đồi cụ thể mà là nói về cả một hệ thống núi gồm 12 ngọn núi cùng với những ngọn núi khác của tổng Thượng Bạn xưa (xã Hà Long ngày nay), kéo dài từ Tây Bắc xuống Đông Nam (từ Thạch Thành kéo vòng xuống tận núi Tam Điệp - chỗ Dốc Xây trên Quốc lộ 1A). Đây là nơi quê hương gốc rễ của nhà Nguyễn, nơi có tông miếu của liệt tổ, liệt tông. Xét các mặt, núi Triệu Tường được liệt vào hàng danh sơn của đất nước và được khắc hình vào Cao đỉnh trong bộ Cửu đỉnh đặt ở sân Thế miếu Hoàng cung Huế.
Mặc dù núi đồi ở Hà Long trập trùng, liên khoảnh như bát úp, các dãy núi đồi này vẫn có tên cụ thể. Ở phía Tây Bắc có núi Hang Treo, cao 210 so với mực nước biển, ở trong hang có thể chứa được hàng trăm người. Năm 1888-1892, Hang Treo là nơi trú quân của khởi nghĩa Hùng Lĩnh, do Tiến sĩ Tống Duy Tân lãnh đạo; năm 1941, là căn cứ của chiến khu Ngọc Trạo, nơi thành lập đội du kích Ngọc Trạo, là tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa. Các núi khác ở trong vùng (Hà Long) có tên là núi Vành, núi Úp, núi Đụn,… Núi Đụn cách trung tâm xã 2,5km, cao 118,5m so với mực nước biển, diện tích hơn 30.000m2, bên trong có hang rộng với các nhũ đá tạo ra nhiều hình thù kỳ thú. Ngoài ra, còn có các dãy núi đồi khác như: Thiên Tôn, Dương Lăng, Cao Lão, Cao Các, Pháo Đài; dãy núi đá vôi từ Quèn Lim Pô đến đền Rồng, đền Nước (thuộc dãy Tam Điệp). Các đồi khác như Thiên Tôn, đồi Chùa, đồi Đá, đồi Quan, đồi Chua, Ông Phụ, Rú Đậu, đồi Bạng, Tài Lương, Hoa Hiệu, Đá Trắng, Cạnh Cái, Cạnh Con, đồi Thúy, đồi Bông, đồi Sầy, đồi Hưng, đồi Kiêu, đồi Ngô, đồi Cáo Đẻ, Gò Lục, Lùm Giêng, Lùm Dâu, Cần Vòng, Đá Lát, Hang Mang, Rú Thông, Giàng Giàng… Khu vực đồi Thiên Tôn - Mả Hang, theo tương truyền có mộ của song thân Nguyễn Kim - vị thủy tổ của vương triều Nguyễn được thiên táng, hổ táng ở đó và mộ của bà Nguyễn Thị Mai (Hoàng hậu của Triệu tổ Tĩnh Hoàng Đế). Tại đây, vào năm 1806, vua Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là Lăng Trường Nguyên; và vì lăng này không có dấu vết rõ ràng nên nhà vua đã cho xây dựng ở chân núi Thiên Tôn một cái nền vuông để làm chỗ cúng tế, bái yết(11). Vào năm 1822, vua Minh Mạng cho dựng ở Lăng Trường Nguyên một tấm bia đá khắc bài minh văn ngự chế như sau:
Đất lớn, chúa thiêng sinh Triệu Tổ,
Vun đắp cương thường, nêu rạng Thánh Võ.
Nghĩa động quỷ thần, công truyền vũ trụ,
Cõi trần rời bỏ, lăng ở Bái Trang.
Non nước bao bọc, sầm uất tùng xanh,
Khí thiêng nhóm họp, đời đời xương vinh.
Mệnh trời đã giúp, con cháu tinh anh,
Võ công dựng nước, bèn tìm gốc nguồn.
Truy tôn dựng miếu, lăng gọi Trường Nguyên,
Tân Tỵ Bắc Tuần, đến đây dựng lại.
Trông ngắm non sông, nhớ đến gốc cõi,
Khắc chữ vào bia, lưu ức vạn tải(12).
Cao đỉnh, khắc các hình: Mặt trời, biển Đông, núi Thiên Tôn, sông Ngưu Chữ, sông Vĩnh Tế, chim trĩ, con hổ, con ba ba, con rồng, hoa tử vi, quả mít, hạt thóc tẻ, trầm hương, gỗ thiết, cây hành, thuyền nhiều dây, súng lớn. Như vậy trên thân (phần bầu) Cao đỉnh có hình ảnh của núi Thiên Tôn, càng nói lên tầm quan trọng của dãy núi này đối với lịch sử triều Nguyễn, vì Cao đỉnh tượng trưng cho Thế Tổ Cao Hoàng Đế - tức vua Gia Long, vị vua khai sáng của triều đại.
Kể từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, bất cứ vua Nguyễn nào hễ cứ “Ngự giá Bắc Tuần” là cũng đều đến núi Thiên Tôn làm lễ bái yết một cách trọng thể ở núi Thiên Tôn và các miếu thờ tổ tiên của triều đại ở đó.
- Sông Mã là con sông lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, nó là biểu tượng về địa lý quan trọng của xứ Thanh. Sách Đại Nam nhất thống chí chép về con sông này như sau: Sông Mã ở về phía Tây huyện Vĩnh Lộc. Có tên gọi là Tất Giang và cũng có tên gọi là Lễ Giang. Sông này phát nguyên từ con sông Cửu Long bên Vân Nam, chạy qua Ai Lao rót vào châu Trình Cố, châu Quan Hóa và huyện Cẩm Thuỷ. Hai bên tả hữu, khe lạch rất nhiều, các ngọn nước đều được đổ dồn vào đó, chuyển xuống các miền Vĩnh Lộc, An Định. Tới thẳng Đa Lộc, Quy Sơn (thuộc huyện An Định), rẽ về phía Bắc thì hợp với con sông Bảo Giang từ Ninh Bình chạy vào, tới sát núi Quân An đi sang phía Đông thì hợp với sông Chùy Giang từ châu Lương Chánh đổ xuống. Lại đi xa nữa tới bến Thanh Dương thuộc huyện Thuỵ Nguyên thì hợp với sông Lương Giang. Rồi từ đó hợp lại chảy sang phía Đông, qua hai dãy núi Long Hạm và Hỏa Châu thẳng đến nơi đồn Thuỷ Quân của hàng tỉnh, nhập với con sông Thọ Giang mới đào, rồi đó mới dồn về phía Đông mà phóng ra cửa bể Hải Trào. Năm thứ 17 đời vua Minh Mạng (1836), lấy hình sông này khắc vào Anh đỉnh. Năm thứ 3 Tự Đức, cho liệt vào hàng đại xuyên (sông lớn) và ghi vào tự điển. Xét trong Thông chí có nói: Sông Lỗi Giang ở châu Thanh Hóa, trên từ Lão Qua, dưới suốt tới sông Tế Giang thuộc huyện Vĩnh Ninh. Vậy Tế Giang tức là Bảo Giang mà Lỗi Giang tức là Mã Giang vậy. Ngoài ra còn có các sông khác như Lễ Giang, Định Minh Giang, Nguyệt Thường Giang và Hội Trào Giang thì cũng là biệt danh của con sông này cả. Theo sử về đời nhà Trần, khi Mộc Thạnh là tướng nhà Minh đem quân sang thì đóng ở cửa biển Hội Trào thuộc huyện Cổ Linh và khi vua Trùng Quang lên ngôi, Mộc Thạnh sai tỳ tướng là Hoàng La sang mừng thì nhà vua cho người ra tiếp ở Nỗ Giang thuộc về Thanh Hóa. Lại có đoạn nói Đặng Cảnh Dị cùng tướng nhà Minh là Trương Phụ đại chiến ở sông Nguyệt Thường thuộc quận Cửu Chân. Nay xét ra thì Nỗ Giang tức là con sông Nguyệt Thường, mà hiện nay ở vào địa phận xã Nguyệt Viên (trước đây xã này tên là Nguyệt Nỗ) thuộc huyện Hoằng Hóa(13). Sông Mã còn được chép trong sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng (người tỉnh Quảng Tây vào nửa sau thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII) biên soạn vào khoảng năm 1691, viết rằng: “Sông Lỗi Giang tại châu Thanh Hóa, ở trên thì bắt nguồn từ biên giới Lão Qua, ở dưới thì chảy thông với sông Tế Giang ở huyện Vĩnh An” (Lỗi Giang là tên cũ của sông Mã; Lão Qua tức là nước Lào ngày nay; Tế Giang là tên cũ của sông Bảo)(14). Khi viết mục Sơn Xuyên của phủ Thanh Hóa lúc bấy giờ, Cao Hùng Trưng chỉ chọn có sông Mã là con sông duy nhất để đưa vào công trình của mình. Điều đó càng chứng tỏ vua Minh Mạng đã lựa chọn sông Mã là biểu tượng của Thanh Hóa khi cho đúc hình ảnh con sông này lên Anh đỉnh trong hệ thống Cửu đỉnh đặt ở trước sân Thế Tổ miếu trong Hoàng cung Huế lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Ngoài những giá trị nêu trên, dòng sông Mã còn có vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ và một lịch sử hình thành đầy biến động đã đi vào lịch sử và thi ca(15).
*
Như vậy, hình ảnh núi Thiên Tôn được đúc trên Cao đỉnh và sông Mã đúc trên Anh đỉnh, đã được vua Minh Mạng lựa chọn để làm biểu tượng về lịch sử và địa lý của tỉnh Thanh Hóa trong tổng số 153 hình ảnh của bộ Cửu đỉnh, điều đó không chỉ nói lên sự giàu đẹp của Tổ quốc, mà điều quan trọng hơn là những đỉnh đồng này lại được thiết trí ở trước sân Thế Tổ miếu - một trong những nơi thiêng liêng bậc nhất trong Hoàng cung Huế, và được triều Nguyễn ghi vào “tự điển” - điển lệ bắt phải cúng tế, vì thế một lần nữa chúng lại mang những giá trị và ý nghĩa lớn của nền văn hóa cung đình thời quân chủ Việt Nam với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật có tầm quốc tế. Chính vì vậy, ngày 08-5-2024, tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ, hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” (hay còn gọi là Cửu đỉnh) của Việt Nam đã được thông qua và chính thức trở thành di sản tư liệu của chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Trong niềm vinh dự và tự hào lớn lao đó, Thanh Hóa có hai di sản thiên nhiên đặc sắc là núi Thiên Tôn và sông Mã được khắc ở những đỉnh đồng này, vì thế chúng tiếp tục trở thành biểu tượng cho sự giàu đẹp mãi mãi của một vùng đất.
P.V.T
(1) Theo Lê Nguyễn Lưu, Văn hóa Huế xưa - Đời sống văn hóa cung đình, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr.50.
(2) Tam đại: Hạ, Thương, Chu, ba triều đại xưa ở Trung Quốc.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập IV (tái bản lần thứ hai), Tổ phiên dịch Viện Sử học dịch, Nxb Hà Nội, năm 2022, tr.792-793.
(4), (5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập V (tái bản lần thứ hai), Tổ phiên dịch Viện Sử học dịch, Nxb Hà Nội, năm 2022, tr.21.
(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập IV, Sđd, tr.793.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập IV, Sđd, tr.21-23.
Về hình ảnh được khắc trên Cửu đỉnh, sách Đại Nam thực lục chép như sau:
- Cao đỉnh, khắc các hình: Mặt trời, biển Đông, núi Thiên Tôn, sông Ngưu Chử, sông Vĩnh Tế, chim trĩ, con hổ, con ba ba, con rồng, hoa tử vi, quả mít, hạt thóc tẻ, trầm hương, gỗ thiết, cây hành, thuyền nhiều dây, súng lớn.
- Nhân đỉnh, khắc các hình: Mặt trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, sông Phả Lợi, chim công, con báo, con đồi mồi, con cá voi, hoa sen, quả nam trâm, hạt thóc nếp, cây kỳ nam, cây ngô đồng, cây hẹ, thuyền nhỏ, súng luân xa.
- Chương đỉnh, khắc các hình: 5 sao, biển Tây, núi Thượng Sơn, sông Linh Giang, sông Lợi Nông, con gà, con tê, con rùa, con cá sấu, hoa nhài, quả xoài, cây đậu xanh, cây đậu khấu, cây gỗ thuận, cây kiệu, thuyền đồng mông, súng điểu thương.
- Anh đỉnh, khắc các hình: Sao Bắc Đẩu, sông Ngân Hán, núi Hồng Sơn, sông Mã, sông Lô, con hạc, con ngựa, con ve, con rắn, hoa văn côi, cây cau, cây dâu, cây tô hợp, cây thị, cây nghệ, lá cờ, đạn bươm bướm.
- Nghị đỉnh, khắc các hình: Sao Nam Đẩu, cửa biển Thuận An, cửa quan Quảng Bình, sông Bạch Đằng, sông Cửu An, chim uyên ương, con voi, con bươm bướm, cá hoa xanh, hoa hải đường, cây mai, cây biển đậu, cây quế, cây gỗ đàn, cây vải, thuyền Hải đạo, súng trường.
- Thuần đỉnh, khắc các hình: Gió, cửa biển Cần Giờ, núi Tản Viên, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định, chim hoàng oanh, con bò lang, con trai, cá rô, hoa quỳ, cây đào, cây đậu vàng, cây túc sa, cây gỗ táu, cây hương nhu, cái thuyền, bài đao.
- Tuyên đỉnh, khắc các hình: Mây, núi Duệ Sơn, núi Đại Lãnh, sông Lam Giang, sông Nhị Hà, chim Yểng, con lợn, con giải, cá hậu ngư, hoa trân châu, quả long nhãn, củ lạc, tổ yến, cây trắc, cây gừng, thuyền lê, cái nỏ.
- Dụ đỉnh, khắc các hình: Sấm, cửa biển Đà Nẵng, cửa quan Hải Vân, sông Vệ Giang, sông Vĩnh Điện, con vẹt, con dê, con hến, cá lành canh, hoa dâm bụt, quả lê, đậu trắng, lá dầu, cây thông, cây tử tô, thuyền ô, dao phác.
- Huyền đỉnh, khắc các hình: Mưa, cầu vồng, núi Hoành Sơn, sông Tiền Hậu Giang, sông thao, núi Thúc Thu, con ngựa, con cà cuống, con trăn, hoa lan 5 lá, quả vải, cây bông, sâm nam, cây sơn, cây tỏi, cái xe, ống phun lửa, đều 17 loại, mỗi loại đều 9 cái.
(8) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tr.22-23.
(9) Văn hóa Tùng Thư, Đại Nam nhất thống chí - tỉnh Thanh Hóa, tập Thượng (Á Nam Trần Tuấn Khải phiên dịch), Nha văn hóa - Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản - năm 1960, tr.35.
(10) Thanh Hóa tỉnh chí, tập I (dịch từ bản Hán văn Quyển thượng), Nguyễn Mạnh Duân dịch - Thư viện tỉnh Thanh Hóa, tr.21.
(11) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.96-99.
(12) Vĩnh Cao và các cộng tác viên, Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb Thuận Hóa - Huế, 1995, tr.97-98.
(13) Văn hóa Tùng Thư, Đại Nam nhất thống chí - tỉnh Thanh Hóa, tập Thượng (Á Nam Trần Tuấn Khải phiên dịch), Nha văn hóa - Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản năm 1960, tr.76-77.
(14) Cao Hùng Trưng, An Nam chí nguyên (bản dịch của Hoa Bằng), Lưu tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa (bản in Roneo), tr.90.
(15) Đi ngược dòng sông Mã là một điều rất thú vị: Chúng ta đi qua những vùng đồi Cẩm Thủy rợp những cây xanh, những bến đò ngang gần La Hán làm cho bao giờ người đi đường cũng bắt buộc phải nhớ đến một kỷ niệm nào đó của thời thơ ấu và đến khi nhìn thấy dòng sông Mã chảy lồng lộn bên những vách đá vôi dựng đứng, sóng tung bọt như bờm ngựa trắng và nước réo dữ dội qua 10 cái thác chúng ta mới hiểu giá trị lớn lao của con sông này về mặt thủy điện đáng quý như thế nào. (Theo Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Khoa học Kỹ thuật - Hà Nội, 1977, tr.105).