LÊ QUANG SINH
Khát vọng xứ Thanh
I.
Một ngày,
Sen ao làng bật cánh
Mẹ tôi đau cơn trở dạ cuối cùng!
Tôi sinh ra trong tiếng sấm ùng oàng
Có ánh chớp sau những ngày khô hạn
Sông Mã vắt phù sa. Ngô trổ cờ phấn trắng!
Lời bà ru. Tiếng võng dính quanh nhà!
Gạc Sắn vùi trong tro rạ tháng ba
Bom Mỹ xanh lè, nuốt vào câm lặng!
Tiếng Tắc Kè bên bờ Tre khất nắng
Nấc bao mùa gió Phơn(1) thổi dây dưa.
Đã nhiều lần theo sông Bưởi, sông Chu
Lên Tây Bắc, qua núi rừng Ngọc Trạo
Đất vẫn đất, rừng vẫn rừng huyền ảo
Áo nâu Người vá đụp đã lần ba...
Những cánh buồm quanh quẩn. Biển vờn xa!...
Con cá, con tôm sống đời ngực lép
Thành nhà Hồ rêu phủ màu truyền thuyết
Long mạch ngầm. Đói rét vẫn lộ thiên.
Bao đời vua sử sách ghi tên
Bao đời chúa mang gươm đi mở cõi
Chim Hạc bay về núi Nưa mờ khói
Tiếng trống đồng rung động xứ Thanh Hoa.
II.
Giặc giã liên miên. Rồi chiến tranh cũng hết!
No ấm đâu? - Vẫn đội nón chưa về!
Biển bạc, rừng vàng, đất đai, tiềm lực...
Điệu chầu văn lơ lửng ngọn tre.
Tôi lên Thường Xuân, vòng sang Quan Hóa
Những cánh rừng Lim trơ gốc sững sờ
Qua Cổ Định gặp những người thợ mỏ
Vác cuốc chim đi trong nắng bơ phờ.
Biển ngàn năm mặn chát đến giờ
Mà hạt muối vẫn nhạt lòng, khan hiếm
Người bướu cổ ôm một đời nghiệp chướng
Kiếp dân chài vài nong cá le te.
Đã có lúc giấc mơ rau Má to bằng lá Sen
Đã có khi quẩn quanh với Luồng, Lang, Lợn, Lạc...
Chim Hạc co chân thành Cò, thành Vạc
Trâu ra đồng bước hụt lối ca dao...
Huyễn hoặc bao nhiêu câu chuyện ồn ào
Nắng đổ lửa tấm lưng trần gập xuống
Nếp nghĩ loe nhoe rừng Thông bố tướng
Cứ cỏn con, lố nhố trong đầu.
Ôi, xứ Thanh. Nơi mà tôi yêu dấu!
Đi đến đâu cũng gặp dáng tung hoành
Mẹ tần tảo sao suốt đời áo vá?
Em tới trường xiêu vẹo, mỏng manh!
Thương câu thơ ống thấp, ống cao
Đi bộ, đi xe, nhiều lời trống rỗng
Nghe Sung rụng. Vả rát lòng nẫu cuống
Tiếng Cuốc kêu. Da diết. Tiếng Cuốc kêu!
III.
Khát vọng xứ Thanh!
Khát vọng xứ Thanh!
Như có tiếng chim Hạc bừng đập cánh
Tiếng cha ông. Lời Bác dặn dò.
Chân ai vừa dập mạnh xuống sàn đò
Dô hò dô!...
Người hàng xóm đọc Thiên Nam dư hạ(2)
Trưa miên man rơi rụng sang mùa!
Tôi đã nghe điệu hò trong chiến tranh
Tôi đã nghe bao lần mẹ ru khi ngược gió
Sông Mã, sông Chu - Sông Trâu, sông Ngựa
Cứ lồng lên cùng sông Bưởi ầm òa...
Thanh Hóa ngàn năm dù đói, dù no
Lòng kẻ sĩ vẫn thấm đầy mạch đất
Nước có biến thì trăm dân làm một
Chém cá kình, đạp sóng dữ, đến tự do(3)!
IV.
Trở lại bên cầu Hàm Rồng nắng Thu vàng ruộm.
Bao nhiêu năm gió Nồm vẫn ngang dòng
Đôi trai gái trong bộ đồ áo cưới
Núi Ngọc soi mình trong bóng nước trong.
Chiếc du thuyền ngược dòng sông Mã,
Chở bao nhiêu khát vọng tràn trề
Người náo nức khói Thu từ rơm rạ
Cứ tràn vào giai điệu đê mê.
Cây Lim xanh hiến mình không mơ thành bất tử!
Người với người sống tựa để vì nhau
Rừng trở dạ muốn đổi đời có ích
Biển khôn nguôi câu chuyện làm giàu.
Những lối mòn mẹ Tơm lách qua đêm
Nay thành phố, thành đường, đèn soi rực sáng
Đến cây Luồng cũng cọ mình xanh bóng
Mơ đồng bằng để lại được hoài thai.
Một Nghi Sơn nhộn nhịp suốt đêm ngày
Một Sầm Sơn với Trường Yên, Lạch Hới
Thuyền vỏ trấu gác trần nhà chờ hội
Những con tàu vạn tấn vào ra.
Giờ qua sông em không phải lụy đò
Nếp nhà gianh đã xếp tầng mái ngói
Còn đâu nữa những hoàng hôn màu khói
Gạo trắng ngần vùi chôn chuyện tháng ba.
V.
Khát vọng xứ Thanh!
Khát vọng xứ Thanh!
Ngàn cây số xa nhau giờ chỉ bằng nốt bấm
Trai gái yêu nhau qua mạng hẹn hò
Nghe già bản say sưa về số hóa
Trẻ con Mường nhún nhảy điệu sì lô.
Thế giới trong lòng tay. Chớp mắt thành cổ tích
Bao giấc mơ không còn ở thiên đường
Biển dài rộng vẫn thấy mình chật hẹp
Mở hết lòng khao khát một đại dương.
*
Khát vọng xứ Thanh!
Khát vọng xứ Thanh!
Em có về cùng anh ngày hội làng vừa mở
Hát giao duyên, xem Xuân Phả, tuồng, chèo
Qua phủ Trịnh rồi xuôi đền Bà Triệu
Nghe Trạng Quỳnh làng Hoằng Lộc phiêu lưu.
Anh không trách em tự bằng lòng khi nghĩ về quá khứ
Nhắc hạt bo bo mốc hoáng, thâm sì...
An ủi nhau bằng lời luồng, lời nứa
Chim sáo qua cầu. Chim sáo thiên di!
VI.
Khát vọng xứ Thanh!
Khát vọng xứ Thanh!
Sông núi dáng Rồng
Đất đai mình Hạc...
Tôi muốn câu thơ thành lời em hát
Bay lên mang khát vọng con người.
Viết xong tháng 11-2024
L.Q.S
(1) Gió Phơn: Gió Lào.
(2) Thiên Nam dư hạ - Bộ sách thời Lê Thánh Tông được Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí xếp vào loại "Hiến chương": "Sách điển chương của một thời đại làm khuôn phép đời đời".
(3) Mượn ý lời nữ tướng Triệu Trinh Nương thời kỳ chống giặc Ngô 225-248.