Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Những thách thức của lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay 
Những thách thức của lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay 

Những thách thức của lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay 

                                     LÊ ĐÁNG
 

Văn học nghệ thuật là hình thái ý thức đặc biệt, phản ánh nhận thức thế giới bằng ngôn ngữ của cái đẹp, trong đó phê bình giúp nâng tầm nhận thức thẩm mỹ lên một tầm mới ở mức thấu hiểu, có lý luận đưa đường, hướng lối và điều chỉnh kịp thời. 
Trong 50 năm qua, từ sau ngày đất nước thống nhất, lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) luôn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng nền văn nghệ mới tiên tiến, giàu tính dân tộc - dân chủ và nhân văn. Giúp định hình hướng đi, xác định mục tiêu, xác định giá trị và tiêu chuẩn của nghệ thuật; cung cấp kiến thức, phương pháp tiếp cận để hiểu đúng và đánh giá tác phẩm nghệ thuật; khuyến khích sáng tạo, truyền cảm hứng, tạo hướng đi mới cho tác giả. Để thực hiện được sứ mệnh của mình, lý luận phê bình VHNT đã và đang đứng trước những khó khăn, thử thách cần được nhìn nhận và có giải pháp phù hợp.
1. Lý luận phê bình và công việc của các nhà lý luận phê bình
Bản chất của lý luận và phê bình là xem xét, phân tích, bày tỏ ý kiến, nhận xét, đánh giá và định hướng. Qua đó, hình thành tư tưởng mang tính khái quát và hệ thống hóa có tác dụng chỉ đạo thực tiễn trong một lĩnh vực cụ thể. Nếu đi tìm nguồn gốc khái niệm từ nghệ thuật phương Tây thì theo tiếng Hy Lạp cổ, lý luận phê bình (kritikos) là nghệ thuật phân định, phán xét, và nó trở thành một loại hình chuyên, chủ đạo trong hoạt động nghệ thuật, trong đó có văn học. Hiểu như vậy thì vai trò của các nhà lý luận phê bình cũng như công tác lý luận phê bình là đưa ra một vấn đề cụ thể để cùng bàn bạc, xem xét, nghiên cứu theo hướng mở mang tính phản biện chứ không phải là một kết luận đóng. Lý luận là cái thuộc bản chất chung, nhận thức được vận dụng trong thực tiễn. Lý luận và phê bình luôn đi cùng nhau. Lý luận không hẳn là lý thuyết, vì thực tế lý luận chính là hiện thực, thực tiễn đúc kết, kết tinh mà khái quát thành tư tưởng, đường lối. 
Với VHNT, lý luận phê bình là lập luận, tranh biện và bày tỏ ý kiến, nhận định đánh giá để nhận thức các vấn đề về VHNT như tác giả, tác phẩm, trào lưu, khuynh hướng,… mục đích, luận giải lý thuyết thành quan điểm chỉ đạo nghiên cứu sáng tác. Hệ thống hóa các lý thuyết và quan điểm sáng tạo VHNT thành triết lí, phương pháp… Phân tích để chỉ ra giá trị phải có căn cứ, bằng lý luận, có cơ sở thì mới tránh được cảm tính, hướng đến giá trị nhân văn, vì con người và tiến bộ xã hội
2. Vai trò của lý luận phê bình trong sáng tạo nghệ thuật và đời sống xã hội
Văn học nghệ thuật luôn theo sát bước đi của lịch sử, đồng hành cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong “Đề cương Văn hóa Việt Nam” năm 1943, Bác Hồ cũng nhấn mạnh: “Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Lực lượng sáng tác VHNT chính là “Binh chủng đặc biệt” có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển và gìn giữ đất nước; góp phần tạo nên, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Như Nguyễn Đình Thi từng khẳng định: “Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho đường chúng ta đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta phải tự bước lên đường ấy”. “Đường ấy” là con đường có được khi các nghệ sĩ đã trải qua cả một quá trình tìm đường, nhận đường và lên đường thực hiện sứ mệnh riêng. Lý luận phê bình luôn đồng hành cùng sáng tạo nghệ thuật, tác động tương hỗ nhau để tạo nên tiến trình VHNT của một dân tộc. Lý luận phê bình luôn đồng hành với sáng tác.  
Mặc dù được xem là đi sau sáng tác nhưng lại có định hướng (ở góc độ nào đó) cho các văn nghệ sĩ khi sáng tác, thông qua sáng tác mà đúc kết nên lý luận và từ việc nghiên cứu lý luận mà có cơ sở vận dụng vào sáng tác cũng như tiếp tục đánh giá tác phẩm. Với chức năng thẩm định, phân tích, nghiên cứu đánh giá tác giả - tác phẩm, phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo và phát hiện cái mới; tham gia điều chỉnh đúng hướng cho sự vận động, phát triển của VHNT, các nhà lý luận phê bình chính là người đồng sáng tạo với tác giả, là dạng bạn đọc đặc biệt đối với tác phẩm. 
Cuộc sống hiện đại, khoa học công nghệ phát triển mạnh, con người trở nên bận rộn hơn. Khi những thước phim ngắn, những đoạn Tiktok, những review phim, review sách được lựa chọn có khi thay cho việc đọc hết, đọc một hoặc vài ba cuốn sách như thời trước. Bạn đọc không có nhiều thời gian cho việc chọn lọc, tiếp nhận một tác phẩm VHNT nên lý luận phê bình đã giúp quảng bá tác phẩm. Thực tế có những tác phẩm chưa được bạn đọc chú ý, nhưng qua vài bài phê bình, tranh luận về một vấn đề nào đó đặt ra trong tác phẩm thì có khi sự tìm kiếm tác phẩm đó lại trở nên “hot” hơn trên Google…
Thực tế đã chứng minh, những thành tựu của lý luận phê bình qua các thời kỳ lịch sử như: Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, lý luận phê bình vừa manh nha vừa nhanh chóng khẳng định vị thế của mình với các công trình nghiên cứu như “Phê bình và cảo luận” (Thiếu Sơn), “Thi nhân Việt Nam” (Hoài Thanh - Hoài Chân), “Việt Nam văn học sử yếu” (Dương Quảng Hàm)… Tiếp đến là những năm chống Pháp, chống Mỹ, lý luận phê bình đã cổ vũ, động viên kịp thời, định hướng cho những sáng tác đi đúng con đường, hoàn thành trách nhiệm mà Nhân dân giao phó.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, trải qua thời kỳ đổi mới đất nước năm 1986 và sau đổi mới, do cuộc sống hiện nguyên một bức tranh muôn màu, con người xã hội trở thành đối tượng hai mặt: sáng - tối, tốt - xấu, thiên thần - ác quỷ,… thậm chí có những nhân vật không rõ mặt vì mang nhiều bộ mặt… Cuộc sống bừa bộn và phức tạp, VHNT hướng vào góc khuất. Từ sau năm 1990 đến nay, lý luận phê bình mặc dù không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng, thậm chí là có lúc mất phương hướng, không hiệu quả nhưng bằng sự nỗ lực, ý thức rõ vai trò và nhiệm vụ của mình đã cho ra đời một số “công trình” như: “Phương pháp luận nghiên cứu văn học” (1989) của Hoàng Ngọc Hiến, “Tác phẩm văn học như một quá trình” (2004) của Trương Đăng Dung, “Lí thuyết hậu hiện đại” (2011) của Phương Lựu… Lý luận phê bình đã làm tròn vai trò thay đổi hướng nhìn, điểm nhìn đó là nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá đúng sự thật. Những người làm công tác lý luận phê bình đã luôn bền bỉ góp sức mình vào “dòng chảy” văn học nước nhà.
3. Những thách thức và giải pháp
Một là, về phía bản thân những người làm công tác phê bình VHNT. Phê bình còn tập trung vào những tác giả có tên tuổi thành danh, những tác phẩm nổi tiếng, quen thuộc, “ăn theo”, tránh va chạm. Hoặc nếu mới cũng là tác giả, tác phẩm gọi là “hiện tượng” nổi đình nổi đám trên các trang mạng xã hội hay trên một diễn đàn nào đó. Lối phê bình theo kiểu “nhìn mặt tác giả”. 
Trong nghiên cứu phê bình bằng lý luận, có cơ sở cũng như có tâm của những người viết lý luận phê bình, như nhà lý luận phê bình Nguyễn Thanh Tâm đã nhấn mạnh, phải “xem như tác giả đã chết” thì mới có thể có nhìn nhận đánh giá khách quan. Khi ta không có sự công tâm, tìm tòi phát hiện sẽ làm mất cơ hội và thiếu công bằng cho những tác phẩm mới, giá trị mới. Nếu chỉ khen nhau, ba phải, bằng những câu từ sáo rỗng, nếu chỉ khen nhau vì một mối quan hệ nào đó thì chuyên môn sâu sẽ không được chú trọng, không dẫn dụ được bạn đọc đến với tác phẩm, công trình nghệ thuật. Do đó, cần xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ các nhà lý luận phê bình, người làm công tác lý luận phê bình phải có nhận thức và thái độ đúng đắn, trách nhiệm và nghiêm túc trong công việc. Phê bình trên tinh thần lắng nghe và phản biện chứ không công kích nhau. Cần tập trung tối đa nguồn lực để phát huy tối đa đội ngũ những người làm công tác phê bình. Đội ngũ người làm công tác phê bình cũng cần vững chuyên môn, lập luận vững, dũng cảm trong nghề; phải có những đột phá tư duy, chính sách, chiến lược để phát triển, làm giàu nền văn học nước nhà. 
Những người làm công tác lý luận phê bình cần có tâm thế sẵn sàng chấp nhận cái nhìn của người khác, nâng niu những người tài hoa, những nhà phê bình có tâm. Chúng ta có quyền kỳ vọng, nhưng không ảo tưởng đòi hỏi quá sức ở lý luận phê bình nước nhà. Không phải cái gì cũng chất lên “đôi vai” VHNT cũng như lý luận phê bình. Xem lý luận phê bình là một nghề cần dấn thân, không chấp nhận sự cẩu thả, sự “ăn theo”, không biến một hoạt động lao động sáng tạo cao quý, uyên bác thành việc làm phục vụ mục đích tầm thường của cá nhân hay nhóm người nào đó. Chuẩn bị và xây dựng được nguồn nhân lực luôn là quan trọng trên hành trình đồng hành cùng tiến trình VHNT nói chung và lý luận phê bình nói riêng.
Hai là, cơ chế thị trường. “Cơm áo” không đùa với các nhà lý luận phê bình. Chỉ một số người có thể sống được bằng nghề, sống sung túc với nghề. Còn lại là phải “nuôi nghề”, “nuôi đam mê”, tức là họ phải kiếm tiền, kiếm thu nhập từ các công việc, các nguồn khác. Hoặc phải chật vật sống nếu chỉ tập trung vào chuyên môn. Những người say mê sáng tác lý luận phê bình không nhiều, say mê nghiên cứu không nhiều. Đồng lương, nhuận bút và thù lao cho người làm công tác lý luận phê bình nói riêng, VHNT nói chung còn chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống khiến họ chưa có sự chuyên tâm. Có khi phải gác đam mê, “sống đã rồi viết”. Cơ chế thị trường và sự ưu đãi/ không ưu đãi, chênh lệch chưa phù hợp giữa các ngành nghề, nhận thức chưa đúng về vai trò, tầm quan trọng của lao động đặc thù cũng là khó khăn, thách thức.
Muốn nâng cao chất lượng sản phẩm lý luận phê bình thì cần bảo đảm chế độ, bảo đảm đời sống cho đội ngũ những người làm phê bình. Cần có cơ chế khích lệ, để họ yên tâm nghiên cứu, tìm tòi. Họ xứng đáng được thụ nhận “quả ngọt” mà mình tạo ra.
Ba là, sự phát triển của các kênh truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội giúp bạn đọc dễ tiếp cận tác phẩm, công trình nghiên cứu nhưng cũng không tránh khỏi sự dễ dãi, thiếu kiến thức chuyên môn trong khen chê, đánh giá. Hiện tượng một số bài, công trình lý luận phê bình còn mang tính giới thiệu, quảng cáo, nâng nghệ sĩ hoặc trù dập nghệ sĩ trong thị trường. 
Tác phẩm ngay từ khi ra đời hoặc trước đó đã có thể có những “bà đỡ”, những người làm truyền thông PR giới thiệu đến công chúng bằng nhiều kênh khác nhau. Đặc biệt là bạn đọc mạng xã hội không phải ai cũng có chuyên môn, có kiến thức để thẩm bình, đánh giá, khái quát, gọi tên,… mà phần lớn là cảm tính, theo số đông, dễ bị dẫn dắt dẫn đến sai lệch. Đánh giá không có cơ sở, thiếu lý luận, không căn cứ vào bản thân của tác phẩm. Không để tác phẩm tự sống, tự chịu quy luật đào thải khắt khe thì dẫn đến chuyện vừa được ca ngợi, tung hô đã vội “chết non, chết yểu”. Bên cạnh đó là hiện tượng bạn đọc, kể cả những người có chuyên môn sâu, có tài năng nhưng bất mãn với một cơ chế, cá nhân, một chế độ hay một cơ quan nào đó mà quay sang “ném đá”, cào phím, nhiệt tình phanh phui, châm chọc thậm chí lối viết vu khống, hạ bệ nhau, giẫm đạp lên người khác, lên tác phẩm…
Cần phải nắm bắt, quản lý được truyền thông, định hướng tiếp nhận và có quy chuẩn nhất định, thống nhất trong đánh giá sản phẩm. Nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu thuộc Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, đại diện Hội Nhà văn,… phải kịp thời lên tiếng, chấn chỉnh, đồng thời thay đổi nhận thức vai trò của công tác lý luận phê bình, khuyến khích sáng tạo. Phê bình phản biện và lắng nghe, chấp nhận các quan điểm trái chiều.
Bốn là, thách thức từ những hạn chế, từ việc chưa kiểm soát hiệu quả người thẩm duyệt, công tác biên tập, xuất bản.
Một số người trong đội ngũ thẩm duyệt và biên tập chưa đồng đều về chuyên môn (thực tế) lẫn tinh thần trách nhiệm, còn dễ dãi và qua loa, thậm chí ít đọc, không đọc bản thảo. Chúng ta dễ dàng nhận thấy những cuốn gọi là “Phê bình” hay “Lý luận phê bình” với những bài đã “cũ”, “nói theo” kiểu “Biết rồi, khổ lắm…” hoặc lấy ý một cách lộ liễu, có khi copy cả đoạn bài của người khác mà không dẫn nguồn. Vậy không có lý gì những nhà xuất bản, những người biên tập lại không nhận thấy!?
Nhiều “công trình” chỉ là tập hợp các bài viết đơn thuần là phân tích, cảm thụ tác phẩm hoặc đưa ra những thông tin theo kiểu nhắc lại, tóm tắt, giới thiệu. Xét ở góc độ nào đó, tập hợp bài viết vẫn được xem là phê bình khi thể hiện sự đánh giá nhìn nhận mang tính chủ quan nhưng chưa có chiều sâu, chưa trên cơ sở lý luận vững vàng và chưa thực sự khái quát vấn đề cũng như ứng dụng lý luận vào thực tiễn sáng tác. Dù bản chất của lý luận phê bình là có chủ quan, nhưng khi biến nó thành một vấn đề lợi ích thì sẽ mất đi tính khách quan và thiếu cạnh tranh công bằng.
Công tác xuất bản, in ấn cũng còn nhiều dễ dãi, bất cập. Nhiều nhà xuất bản “chiều lòng” khách để có công việc, doanh thu. Điều này, trực tiếp tạo ra những “công trình” chưa đạt, thậm chí chất lượng dưới ngưỡng chuẩn. Có những bài nghiên cứu, bài giới thiệu tác giả, tác phẩm trên báo giấy, báo điện tử về một tác giả trẻ, khen tác giả hết lời, rồi sau đó cộng đồng bạn đọc phát hiện ra tác giả đó đạo văn. Thử nghĩ: Ai biên tập? Ai là người liên quan đến xuất bản và trực tiếp xuất bản? Ai là người viết bài thẩm bình, “nghiên cứu” ca ngợi?...
 Sự cẩu thả trong sáng tạo, trong nghiên cứu và xuất bản là không thể chấp nhận. Bởi sản phẩm của nó có sức lan tỏa rộng rãi, có vai trò chỉ lối, dẫn dắt. Nhìn sản phẩm, đọc sản phẩm và ứng dụng sản phẩm đó sẽ đánh giá được “nơi sản xuất”. Văn học nghệ thuật còn là biểu hiện của văn hóa một dân tộc, vì vậy, rất cần sự nghiêm túc trong việc thẩm duyệt, cấp phép xuất bản. 
Một thách thức nữa là vai trò của lý luận phê bình trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực VHNT mà trước hết là bản thân những người làm công tác lý luận phê bình là “dấn thân”, cùng với việc dám viết, dám bày tỏ, dám “phê”, còn phải “nâng niu” và biết lắng nghe. Người làm lý luận phê bình phải trên nền tảng hiểu biết sâu rộng về lý luận văn nghệ mác-xít, nắm vững tư tưởng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, những văn kiện Đại hội Đảng, những Nghị quyết về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ thì những người làm công tác lý luận phê bình cần ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, nhanh chóng và liên tục tiếp cận trào lưu hiện đại để có cơ sở và lý luận sắc bén nhằm phản bác, giải mã và có biện pháp, giải pháp đối với các hiện tượng VHNT lệch lạc, tấn công chống phá, khẳng định vai trò nền tảng của mình trong đời sống xã hội. 
Không thể nói lý luận phê bình thiếu, yếu như một số nhận định phiến diện, chưa đầy đủ cơ sở và không thuyết phục. Nhưng phải thừa nhận, lý luận phê bình có những quãng không theo kịp được sáng tác. Với sự ra đời của một loạt các tác phẩm mới với nhiều khuynh hướng khác nhau, thậm chí có những “khuynh hướng không thể định hình để gọi tên”, bởi nó pha trộn, pha tạp mang tính thử nghiệm, phiêu lưu của các tác giả trẻ, đã làm cho phê bình lúng túng, lý luận không thể khái quát thành quan điểm. Nếu không định hình hoặc nhìn nhận cảm tính một chiều, một góc thì khó chấp nhận. Số còn lại hoặc im lặng, hoặc khen chê không đúng khí chất, bản lĩnh và trí tuệ của một nhà phê bình, đã khiến bạn đọc mất phương hướng. 
Những thách thức của lý luận phê bình VHNT vừa là khó khăn nhưng ở góc độ nào đó cũng là cơ hội. Trước thực trạng trên, những người quản lý, lãnh đạo cũng đã cùng với các nhà lý luận phê bình cùng tìm kiếm giải pháp. Cụ thể, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương đã có những việc làm cụ thể như mở các hội thảo khoa học từ Trung ương đến địa phương, mở các lớp bồi dưỡng trình độ lý luận phê bình nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, khơi gợi, định hướng được những ý tưởng sáng tạo, đồng thời tạo động lực cho những người làm công tác lý luận phê bình, từ đó mà có những đóng góp tích cực trong đời sống văn học nước nhà. Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, lý luận phê bình văn học đang đứng trước những cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn trong quá trình phát triển.
Cần xây dựng được một hệ thống lý luận phê bình VHNT phát triển toàn diện của các hoạt động VHNT làm trung tâm, phát huy được các giá trị truyền thống, hướng đến hiện đại hóa trong phê bình, định hướng và điều chỉnh sáng tác. Xác lập nền tảng riêng cho văn hóa, văn hiến dân tộc, sẵn sàng cho hội nhập quốc tế. Khuyến khích xây dựng được những thành tựu riêng của cá thể. Lý luận phê bình phải đủ sức giải đáp các vấn đề đặt ra trong thực tiễn như Nghị quyết 23 cũng như các văn kiện của Đảng đã đề ra: “Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng). 
                                                                                             L.Đ


Tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình lí luận văn học (Trần Đình Sử, NXB Đại học Sư phạm).
2. Lí luận văn học (Trần Đình Sử - Phương Lựu, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội).
3. Xây dựng Đảng những bài chính luận (Trần Đình Huỳnh, NXB Hà Nội).
4. Phê bình văn học nghệ thuật: Thực tiễn, thành tựu, thách thức…
(Phùng Văn Khai, tạp chí Lý luận phê bình VHNT Báo Văn nghệ số 02-2020).
5. Tư tưởng văn hóa, văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây (NXB Thế giới, 2007).
6. Hậu lý thuyết và tương lai của phê bình (Nguyễn Thanh Tâm, Chuyên đề Đọc và Viết, Báo Văn nghệ 01-2024).


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 69
 Hôm nay: 5388
 Tổng số truy cập: 13568020
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa