Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   “Hãy nói lời yêu khi còn có thể”  (Đọc tập thơ Đò ngang ngược sóng của Lê Đáng)
“Hãy nói lời yêu khi còn có thể”  (Đọc tập thơ Đò ngang ngược sóng của Lê Đáng)

“Hãy nói lời yêu khi còn có thể” 
(Đọc tập thơ Đò ngang ngược sóng của Lê Đáng)

                            LÊ XUÂN TOÀN

Tôi quen biết Lê Đáng từ năm 2022, khi được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa. Chị cùng Ban với tôi, Ban Lý luận phê bình, chị vào trước tôi ba năm. Là cô giáo dạy bộ môn Ngữ văn cấp THCS thành phố Thanh Hóa, chị đến với thơ có phần thuận lợi hơn so với người khác. Những bài giảng cho học trò hàng ngày, cái hay, cái đẹp của con chữ viết về thân phận con người, những thông điệp nhân văn, năm tháng cứ đầy lên, có thể coi đó là những bài phê bình nho nhỏ. Cái duyên của văn chương gắn vào chị, viết phê bình, làm thơ, tay nào cũng đều, cũng gặt hái thành công. Viết phê bình là công việc đòi hỏi sự đọc, trải nghiệm, mở rộng tầm soát của cá nhân để có thể đồng sáng tạo cùng tác phẩm. Người làm phê bình đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng để thẩm bình một cách công tâm tác phẩm, khen chê đúng mực. Họ giữ vai trò “bà đỡ” để phát hiện ra cái mới, cái độc đáo của tác phẩm, định hướng cho bạn đọc và dư luận. Cố nhiên, sáng tạo con chữ dù ở địa hạt nào cũng nhọc nhằn, tiêu tốn nhiều thời gian công sức, như cố nhà văn Nguyễn Minh Châu sinh thời gọi là “công việc trời đày”. Người viết thì cứ đắm mình, cứ dan díu, coi đó như là hơi thở của mình. Với Lê Đáng, đến với thơ cũng như là những giờ giải lao sau tiết dạy, được bung xõa xúc cảm của mình, miên man cùng mỗi sát na tâm hồn mà văn xuôi không làm được. Nghĩa là, làm thơ có vẻ như công việc tay ngang, để sẻ chia, thấu cảm, sống cùng nỗi niềm dâu bể. Tập thơ “Đò ngang ngược sóng” (NXB Hội Nhà văn năm 2024) là tập thơ đầu tay của chị. 
Sinh năm 1982, có thể gọi Lê Đáng là cây viết trẻ mà hiện nay lực lượng đang rất mỏng, nhất là ở mảng lý luận phê bình. Chị là thế hệ tiếp nối cho lớp nhà văn gạo cội xứ Thanh. Là tập thơ đầu tay nhưng “Đò ngang ngược sóng” đã tạo được dư luận trên các báo, Tạp chí Trung ương và địa phương.  
Thi liệu đầu tiên của thơ là ngôn từ và cách sắp xếp, chọn lựa nó một cách đắc địa. Sinh thời, nhà thơ Lê Đạt từng nói “Con chữ bầu nên nhà thơ”. Ngôn từ chân xác, gọi đúng tình, đúng cảnh, đem lại khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc. Bài thơ “Buông”, tác giả viết: “Rồi một ngày/ Bình minh choàng tấm áo màu tro/ Hoàng hôn cồn lên màu mắt/ Ngôi sao nhỏ nháy nhịp cuối cùng rồi rơi tự do về đất/ Là ngày em xa anh”. Đất trời vần vũ trong vũ điệu hồng hoang, thiên nhiên khoác lên mình sắc màu u buồn, đó cũng là lúc lứa đôi chia lìa. Thơ không nói đến khổ đau, buồn thương khi phải từ bỏ một cuộc tình mà người đọc như thấy nỗi cắt cứa hụt hẫng. Nỗi niềm thuộc về phái yếu, họ đã yêu và sống vì tình nhiều hơn, rời xa là mất mát, tang thương. Ở độ mặn mà của tuổi trẻ, hẳn rằng, tác giả đã được trải nghiệm điều này. Người thơ không chỉ sống và yêu cho mình mà trên hết là trải qua nhiều nỗi đời. Nói “buông” nhưng làm sao bỏ được, trái tim bao giờ cũng có lí lẽ riêng. Trong bối cảnh văn hóa đọc xuống cấp, người viết, in thơ chủ yếu để tặng nhau, vàng thau lẫn lộn. Các trang thơ ở các báo, tạp chí cứ đều đều, bàng bạc, người đọc lướt qua. Thơ Lê Đáng, những điểm phát sáng, những ám gợi níu lòng bạn đọc: “Ì oạp nhịp tim cái bữa/ Dòng hôi hổi tựa dậy thì”; “Em đi gió cay thốc ngược/ Cả chiều đổ bóng vào anh” (Với biển). Từ ngữ ẩn dụ, liên tưởng giăng mắc cái phức hợp của trái tim, cái đa thanh của lòng dạ đàn bà. Bề ngoài tưởng lạnh lùng, xa cách, tỉnh rụi nhưng bên trong đang bấn loạn, thổn thức. Trái tim phụ nữ hình như rất nhiều ngăn, muốn ôm chứa, bao dung nhưng tình đời lắm nẻo, đành tấp niềm riêng vào bên trong. Phụ nữ đến với công việc chữ nghĩa khác với nam giới, thu vén bộn bề gia đình, việc xã hội, họ nặng gánh hơn. Là phụ nữ, Lê Đáng cũng có những khát khao hạnh phúc đời thường, mong ước một tình yêu bền chặt, thủy chung; Là cô bé Lọ Lem bé nhỏ, cầm tay người bạn đời đi trên con đường hạnh phúc. 
Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, với thơ lại càng nghiêm ngặt hơn, phải luôn làm mới con chữ. Đem đến một mĩ cảm, một niềm cảm khoái cho bạn đọc. Lê Đáng có cách thể hiện rất duyên, rất nữ tính: “Xin những đám mây hãy dụ cơn mưa về phía em/ Sáng nay phía đông thành phố còn hồng đôi má/ Ly cafe vội vã/ đắng gạn riêng mình/ ngọt chát cho em/ Xin những giọt mưa đừng lân la đến bên anh gạ quen” (Anh và mưa). Khi yêu, người ta thường ích kỉ, muốn trọn chiếm làm của riêng, và chị không là ngoại lệ, đó là lẽ thường của người phụ nữ. Cái ghen của chị cũng thật đáng yêu, ghen để yêu hơn. Lối diễn đạt nhẩn nha, duỗi dài câu thơ để bộn bề ý tứ, làm mềm con chữ. Người viết không làm chữ mà tự nó hàm ngôn, phong kín bằng liên tưởng phong phú như trong bài thơ “Em vẫn nợ anh một cái gật đầu”: “Áp mặt vào ngực anh/ lắng nghe bản giao hưởng đôi trái tim lênh loang mặt biển/ chiều cứ êm trôi/ em vẫn nợ anh một cái gật đầu/ chính nó sẽ trói em bằng việc bị ai đó định quyền sở hữu”. Lối diễn ngôn mới nhưng được bắt nhịp từ truyền thống nên không gây khó và rối. Trên văn đàn, người ta đưa ra những quan niệm về thơ “hậu hiện đại” siêu thực, tượng trưng quá cao siêu và xa lạ với bạn đọc. Những cuộc cách tân thơ, như kiểu bẻ chữ, sử dụng ngôn từ tùy hứng gây khó cho bạn đọc. Thơ là tiếng lòng của trái tim đến với trái tim, vừa lạ vừa gần gũi mang tâm hồn dân tộc, hiểu rồi cảm. Nó cũng giống cánh diều bay cao, chao liệng trên bầu trời nhưng được gắn kết với mặt đất nhờ sợi dây bền chặt. Thơ Lê Đáng vừa truyền thống vừa hiện đại. 
Đọc thơ Lê Đáng ta có một cảm giác thanh thoát bởi cách cảm, cách nghĩ theo biên độ mở. Không bị câu thúc về vần, nhịp, hoặc phải phô ý tưởng. Phẩm chất của thơ thiên về độ cảm, sức nghĩ chứ không phải tả chân bằng đủ. Người Việt yêu thơ ca, mở miệng đã thành vần vè. Nhưng để thành thơ đúng nghĩa thì phải bàn nhiều. Hoặc thơ đèm đẹp về lời, xúc cảm êm dịu, ngọt ngào đánh lừa cảm giác. Thị hiếu thẩm mĩ của người đọc ngày càng cao, người ta cần ở thơ những khoái cảm thẩm mĩ mới, tạo “cú hích” trong lòng về chân - thiện - mĩ. Nghệ thuật là cuộc đời, và nó phải mang tầm phổ quát, sống với nhiều cảnh đời. Lê Đáng chi chút cho tình cảm riêng tư nhiều hơn, đó cũng là thiên hướng của các nhà thơ nữ. Tình yêu con người có muôn nghìn nẻo đến, chị yêu cũng khác: “Anh/ người đàn ông không mang nét thư sinh/ chẳng hào hoa phong nhã/ Anh/ người đàn ông không biết rót mật chắp cánh vào lời nói/ để em vui/ chẳng dám cầm tay em giữa chốn đông người” (Anh). Tình yêu không màu mè, làm duyên mà chân thật, thô mộc. Người đàn ông đem đến cho bạn đời sự ấm áp, bình yên. Là chỗ dựa vững chắc trên đường đời. Thường là người phụ nữ đắm say trong mộng mơ, những yêu chiều ngọt ngào, chị yêu trong cõi thực, xây lâu đài hạnh phúc trên nền móng vững chãi. Người ủ ấm bếp lửa hạnh phúc, bằng những tri nhận để yêu thương. Người phụ nữ bé nhỏ nhưng trái tim lại muốn ôm chứa hạnh phúc vô bờ, luôn hướng về, nghĩ về người đàn ông của mình, sống vì nhau, cho nhau. 
  Người ta hay ví von, thơ là rượu là hoa, nghĩa là nói đến cái tinh chất, cái đẹp của diễn ngôn. Bài thơ “Tặng người chơi đàn” đã đạt đến độ tinh tế của sự cảm, sự rung ngân: “Tiếng vương, tiếng dứt/ tiếng vút, tiếng trầm/ tiếng đàn sâu như mắt em/ sâu như đêm/ thảng xa như một nụ cười”. Khúc vui, điệu buồn, độ lắng đọng của tâm trạng qua tiếng đàn, đôi tai thẩm âm thật tinh nhạy. Người ta nói, “thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc), qua tiếng đàn để liên tưởng đến tâm cung bậc lòng người. Con mắt người thơ tình tứ nên chạm vào đâu cũng thấy lên hương, đượm tình: “Hạ gom vài ba túi nắng/ chờ xuân để thả lên trời/ rớt xuống mai vàng bung sắc/ hồng hào khoe váy ra phơi…/ phút giao thừa em có nghe/ hoan ca đất trời cây cỏ/ rạo rực ứ tràn ngực nhớ/ các mùa dâng hết cho xuân” (Xuân). Liên tưởng mở ra bát ngát, mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ, rạo rực, căng tràn sức sống, bung nở hết mình. Mùa xuân tươi đẹp tình tứ khơi mào cho đôi lứa giao duyên. Mường tượng ra thiếu nữ trước thềm xuân, xinh tươi, e ấp đem váy ra phơi dưới nắng xuân thơm lành. 
Lê Đáng thành công hơn với thơ tự do. Chị tha hồ tung hứng phóng bút, đầy ắp những thi ảnh, đường nét sắc và mới. Những đường biên tâm trạng, những giãi bày, tìm đến hồn đồng điệu. Thơ là tiếng lòng, đồng thời cũng là những tầng vỉa cảm xúc, mĩ cảm mới đến với bạn đọc. Tình cảm riêng tư trong thơ chị cũng không có sự bạo liệt hay có dục tính như ở một số nhà thơ nữ gần đây. Có lẽ chị là nhà giáo, tính chất nghề nghiệp của nhà sư phạm không quen với những cảm xúc nhiệt náo ấy. Nhưng thơ chị cũng không kém phần duyên tình và cũng rất trần thế: “Đêm/ rười rượi trăng lơi/ hôn mềm lá cỏ/ Sông/ nõn nà/ khỏa lòng/ uốn nhẹ theo vũ điệu nghinh xuân/… Anh/ mải mê/ lắng cùng em/ phập phồng tiếng thở” (Đêm xuân). Ẩn dụ thật khéo, đêm xuân, không gian, thời gian mê đắm trong vũ điệu tình yêu. Tình trong cảnh, thiên nhiên tràn ngập sức trẻ xuân tình như đang mời gọi tình nhân. 
Đắm mình trong khu vườn tình yêu, chữ nghĩa trong thơ Lê Đáng nhiều bài đẹp, thuần khiết như tâm hồn người con gái đang yêu. Thơ chị không hiếm những từ ngữ giàu biểu cảm: “Biển chiều xanh như màu mắt/ Cát mịn mơn nhẹ những gót chân/ Hoàng hôn vỗ sóng thì thầm”. Và những day dứt, những nát nhàu khi va đập những đớn đau, muộn phiền. Bằng trải nghiệm đường đời, vui buồn cùng các thân phận, người thơ làm cho tiếng Việt trở nên giàu có hơn.
Trên đây là những thu nhận như những lát cắt về thơ Lê Đáng, chắc chắn chưa thể nói hết cái đẹp, cái hay trong chữ nghĩa của chị. Và tôi tin rằng, Lê Đáng sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường sáng tạo thơ đầy gian khổ và cũng vô cùng vinh dự này. 
                                                                                           L.X.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 74
 Hôm nay: 5590
 Tổng số truy cập: 13568222
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa