Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Văn học nghệ thuật Thanh Hóa 50 năm phát triển và cống hiến
Văn học nghệ thuật Thanh Hóa 50 năm phát triển và cống hiến

Văn học nghệ thuật Thanh Hóa 50 năm phát triển và cống hiến

                        HỎA DIỆU THÚY

Đất nước trong những ngày tháng Tư lịch sử, gắn với sự kiện vĩ đại: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 chấm dứt hai cuộc chiến tranh vệ quốc dài 30 năm, đất nước hòa bình, non sông thu về một mối. Sự kiện lịch sử này có tầm vóc thế giới, nó chứng minh không có bất kỳ thế lực ngoại bang nào có thể dập tắt ý chí, khát vọng độc lập tự do của nhân dân, dân tộc Việt Nam. “Mùa bình thường” đã trở lại với đất nước tròn nửa thế kỷ và chúng ta cũng đã tự tin bước trên hành trình hội nhập thế giới 30 năm. Nước Việt Nam từ máu lửa đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. 
Hưởng ứng kỷ niệm sự kiện lịch sử thiêng liêng, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã triển khai Kế hoạch số 219-KH/TU ngày 31-7-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về thực hiện Kết luận số 84-KL/TW ngày 21-6-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Triển khai thực hiện Kế hoạch số 192-KH/TU ngày 28-3-2024 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về Tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 - 30-4-2025). Tọa đàm khoa học “Thành tựu Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa trong hành trình 50 năm đồng hành và phát triển cùng đất nước (1975 - 2025)” nằm trong chuỗi những hoạt động ý nghĩa hưởng ứng các Kế hoạch và nhiệm vụ chính trị - văn hóa trên đây.
Trước ngày thống nhất đất nước hơn 6 tháng, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa ra đời, vì vậy, đây cũng là dịp “nhìn lại” hành trình xây dựng và trưởng thành của Hội 50 năm qua. Có thể coi đây là cuộc tổng kết lớn, đánh giá nỗ lực phấn đấu, sự cống hiến kiên trì và hiệu quả của VHNT Thanh Hóa dưới ánh sáng đường lối văn nghệ của Đảng thông qua sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Tỉnh và sự ủng hộ của Chính quyền, đoàn thể địa phương. 
Các tham luận trong Tọa đàm khoa học, vì vậy, đều có điểm chung là muốn nhìn lại hành trình từ xuất phát điểm, song hành cùng các bước ngoặt lịch sử - xã hội của đất nước đến hiện tại và tự tin tỏa sáng của VHNT Thanh Hóa 50 năm qua. Hầu hết các tham luận đều là của các tác giả đã có một hành trình gắn bó và trưởng thành với sự vận động và phát triển của Hội. Các “nhân chứng” này sẽ mang đến Tọa đàm không khí tin cậy, chia sẻ, ấm áp và lạc quan. Ở cuộc Tọa đàm còn khá nhiều tác giả có hành trang sáng tạo tới 50, 60 năm, hơn thế, sản phẩm của họ chưa hề lạc hậu mà vẫn tung tẩy cùng chồi non lộc biếc, cùng ban mai mỗi ngày.
Để có cái nhìn khái quát, chúng tôi thống kê tinh thần của các tham luận qua các đặc điểm nội dung chủ đề và tinh thần ấy như sau:
Thứ nhất, chủ đề của các bài viết có tính phổ rộng hầu khắp các lĩnh vực hoạt động của Hội. Các Ban Chuyên ngành đều có tiếng nói đánh giá hoạt động của Ban mình. 
Thứ hai, các tham luận đều có cái nhìn “lịch sử” về sự vận động, phát triển của Ban từ khi thành lập. Vì vậy, các bài viết thường có cấu trúc theo giai đoạn, với hai chặng chính gắn với bước ngoặt lịch sử - xã hội của đất nước: trước và sau đổi mới, từ 1975 đến 1986 và từ 1987 đến nay. 
Thứ ba, ngoài việc dựng lại quá trình phát triển đội ngũ, chuyên môn, các bài viết không quên ghi nhận những yếu tố nổi bật, cá nhân tích cực, tiêu biểu góp phần làm nên diện mạo chuyên môn của Ban, đồng thời chung tay xây dựng thành tựu cho VHNT Thanh Hóa. 
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh là một trong hai tác giả thuộc Ban Văn xuôi đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Là thành viên có mặt từ ngày đầu thành lập Hội, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh có cơ hội dõi theo bước đi của văn xuôi Thanh Hóa trong 50 năm, các thế hệ dần hình thành gắn với những tên tuổi nổi bật ở từng giai đoạn. Tác giả “thuộc” từng người, cả cuộc sống và văn chương để “kể” cho chúng ta biết văn xuôi Thanh Hóa 50 năm qua đã trưởng thành như thế nào. Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh cũng là cây văn xuôi “hai lần hiếm hoi” (vừa là cây bút nữ duy nhất của văn xuôi xuất hiện ngày đầu, vừa là cây bút người Mường) cho thông tin về “Tổ Văn học Ngọc Trạo” của nhóm miền núi ra đời từ hơn 60 năm trước. “Một lũ nhóc đầu trần, chân đất, áo rách, quần vá, gồm: Bùi Nam Châm (Bùi Nhị Lê), Hà Thị Ngọ (Hà Thị Cẩm Anh), Phạm Vân Du (dân tộc Mường), Vi Lập Công (dân tộc Thái) theo quái kiệt Phạm Vương Túc (Vương Anh) lập nhóm viết văn”. “Chúng tôi cứ thế hồn nhiên mà hoạt động. Kinh phí để Tổ Văn học Ngọc Trạo sinh hoạt chẳng có gì! Chúng tôi không phải đóng góp một đồng xu. Trong thời gian tập trung để “học nghiệp vụ” (tự tổ chức) hoàn toàn do gia đình Vương Anh cung cấp miễn phí. Thức ăn đều do bố mẹ của Vương Anh lo liệu. Sáng và chiều cụ bà xuống suối bắt cá, ra đồng bắt cua, bắt ốc còn cụ ông lên núi, vào rừng lấy hoa chuối, lấy măng sặt, măng nứa, măng tre…". Giả sử có một cuộc thi viết hồi ký về cái thủa ban đầu thành lập Hội, thì biết đâu sẽ có những áng ký thú vị và gây bất ngờ lắm sao!
Một Ban Thơ đầy tự hào với nội lực luôn sung sức với nhiều lớp thế hệ và chặng nào cũng xuất hiện những cái tên ghi dấu: Vương Anh, Mã Giang Lân, Văn Đắc, Bùi Nhị Lê, Anh Chi, Mai Ngọc Thanh, Lã Hoan, Huy Trụ, Vũ Thị Khương, Mạnh Lê, Nguyễn Minh Khiêm, Lâm Bằng, Đinh Ngọc Diệp, Trịnh Minh Châu, Phạm Thị Kim Khánh, Vũ Tuyết Nhung, Lâu Văn Mua, v.v… Trong 50 năm, Ban Thơ đã xây dựng được lực lượng lên tới hơn 70 thành viên, chủ lực của ngày hội thơ hàng năm, tạo nên tiếng thơ xứ Thanh phong phú và giàu bản sắc. Ban Mỹ thuật cũng có một hành trình đáng nể, 50 năm với nhiều cái tên của thế hệ tiền bối đã trở thành tên tuổi của nền Mỹ thuật Việt Nam: Lê Đình Quỳ, Lê Xuân Quảng, Phạm Duy Khải, Đỗ Chung… và những thế hệ kế tiếp tài năng: Hoàng Hoa Mai, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Hoàng Linh, Lê Thị Thanh, Bùi Thị Ngoan, Lê Hải Anh, v.v… Gần sáu mươi thành viên của Ban Mỹ thuật hiện nay luôn tự tin trong các cuộc đăng cai triển lãm, tổ chức triển lãm, dự thi quốc tế. Sản phẩm nghệ thuật và các giải thưởng lớn của các tác giả phần lớn đều lấy cảm hứng và đối tượng thẩm mỹ từ mảnh đất, con người xứ Thanh.
Ban Sân khấu (trong đó có Múa) và Ban Âm nhạc đã đem đến đời sống tinh thần tươi vui, sôi nổi cho bà con xứ Thanh 50 năm qua. Những năm tháng chưa có các phương tiện công nghệ thông tin như bây giờ, sân khấu và âm nhạc Thanh Hóa đã đến với mọi vùng quê, những vở diễn, những bài hát về Thanh Hóa tạo nên không khí lao động hăng say trong nhân dân. Có thể nói, trong mọi hoàn cảnh, từ môi trường chuyên nghiệp dưới ánh đèn sân khấu, các kỳ hội diễn, đến phục vụ tuyên truyền, xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng, tìm kiếm, bảo tồn, khai thác vốn văn nghệ dân gian phục vụ cho hiện đại, v.v… Sân khấu và Âm nhạc Thanh Hóa chuyển mình năng động để khẳng định và cống hiến. Những đạo diễn, diễn viên đạt danh hiệu cao quý của nhà nước, nhiều bằng khen, giấy khen là minh chứng cho những nỗ lực cống hiến và tài năng.
Ban Lý luận phê bình cũng là Ban trong nhóm “tiên phong” từ những ngày đầu thành lập Hội, cho thấy tầm nhìn và năng lực của các nhà lãnh đạo. Các thế hệ đã được kế tiếp từ: Nguyễn Huy Sanh, Nguyễn Văn Nhã, Hồ Nguyên Cát, Lê Xuân Đức, Hoàng Tuấn Phổ đến: Nguyễn Xuân Dương, Lưu Đức Hạnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Hỏa Diệu Thúy, Lê Xuân Soan, Thy Lan, Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Thanh Tâm, v.v... Các lĩnh vực nghiên cứu, phê bình cũng ngày càng đa dạng hơn, không chỉ ở văn chương mà còn nghệ thuật, không chỉ ở mức bài viết mà còn tầm chuyên luận. Vai trò của Lý luận phê bình cũng từng bước khẳng định vị thế nhiệm vụ định hướng, giới thiệu, quảng bá tác phẩm thông qua các hội thảo, tọa đàm khoa học, các đợt tập huấn lý luận. Đây là Ban có nhiều tác giả tham gia các hội thảo Quốc tế, Quốc gia, các Hội đồng Khoa học. Cũng là Ban có sách xuất bản đạt nhiều giải thưởng cao (tính theo tỉ lệ đầu sách). 
Ban Văn nghệ Dân gian cũng là một Ban “đặc biệt” của Hội VHNT Thanh Hóa. Vùng đất đã hiện diện từ hàng vạn năm trước, mang trong lòng dấu tích của các nền văn hóa - văn minh cổ đại, vùng đất hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên đa dạng, có tới 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, đã kiến tạo và dựng nên các triều đại lừng lẫy và luôn đóng vai trò lớn trong sự phát triển của lịch sử dân tộc. Vùng đất ấy chắc chắn là kho tàng folklore đồ sộ. Phán đoán này đã được thực chứng bằng những công trình điền dã, khảo tả tầm vóc với những cái tên lừng lẫy: Vũ Ngọc Khánh, Hoàng Anh Nhân, Vương Anh, Minh Hiệu, Hoàng Tuấn Phổ, Lê Huy Trâm, Cao Sơn Hải, v.v… Có sự thú vị là, những cái tên ấy không hẳn thuộc về Ban Văn nghệ Dân gian, họ đa tài, đa nghệ, ranh giới “hành chính” chỉ là hình thức. Họ là những nhà văn hóa. Hai tham luận của hai cây bút thuộc về hai thế hệ tuy khiêm tốn về số trang, song đã cố gắng phục hiện sự vẻ vang của văn hóa nguồn cội mang địa danh Thanh Hóa. Hai tác giả đã dựng lại chân dung lịch sử phát triển và những thành tựu rất đáng trân trọng của lĩnh vực nghiên cứu văn hóa - văn học dân gian ở Thanh Hóa.
Còn những thống kê và đánh giá về các vấn đề chuyên sâu khác, như: Vai trò của cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh; Thành tựu của một ban có nhiều “tước hiệu” và giải thưởng quốc tế như Ban Nhiếp ảnh; Thành tựu của Kiến trúc Thanh Hóa; Cống hiến của những tác giả đạt giải thưởng Nhà nước; Những vấn đề đặt ra của VHNT Thanh Hóa trong tương lai qua lực lượng trẻ: Thơ trẻ, Văn xuôi trẻ, Mỹ thuật trẻ, Lý luận phê bình trẻ, v.v… cũng đã được đặt ra ở cuộc tổng kết lần này và đều có những phát hiện và đề xuất thú vị, đích đáng.
Cuộc tổng kết 50 năm VHNT Thanh Hóa đồng hành và phát triển cùng đất nước sau ngày đất nước thống nhất, không chỉ giúp các thế hệ “ôn cố tri tân”, đánh giá thành tựu, sự cống hiến của VHNT, bảo lưu các giá trị đã trở thành văn hóa của tỉnh và cả nước, mà còn đặt ra trách nhiệm cho tương lai. Năm mươi năm qua, bao lớp thế hệ văn nghệ sĩ Thanh Hóa đã tạo nên nền VHNT Thanh Hóa tầm vóc, không chỉ tầm vóc về lực lượng, đội ngũ mà từ chính thành tựu chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, từ những giá trị động viên, cổ vũ mà các tác phẩm đó đem lại. Những sáng tạo văn chương nghệ thuật về con người và vùng đất Thanh Hóa anh hùng đã và sẽ là những món ăn tinh thần vô giá, góp phần xây dựng nên cuộc sống mới, con người xứ Thanh hiện đại với những tố chất cần thiết để trở thành chủ nhân của một tỉnh “Thanh Hóa kiểu mẫu” như Bác Hồ từng kỳ vọng và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang quyết tâm thực hiện. 
Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa hiện nay đang tập hợp tới hơn 500 khát vọng và mơ ước, đây là cơ sở để vững tin rằng, vùng không gian văn hóa xứ Thanh ở hiện tại và tương lai sẽ tiếp tục tỏa sáng. 
Đất nước đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện khát vọng thịnh vượng bằng những đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Để thực hiện được khát vọng ấy, yếu tố chủ thể con người vẫn luôn quyết định, cần có những con người có lý tưởng lớn, có trí tuệ và tư duy hiện đại đồng thời phải có tình yêu, lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt. Không gì có thể thay thế được văn chương, nghệ thuật trong việc nuôi dưỡng tâm hồn con người, thắp lên những lý tưởng cao đẹp, hướng con người đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. 
Đó là lý do Đảng ta chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Văn nghệ sĩ - chủ thể sáng tạo văn học nghệ thuật, cần thẩm thấu chủ trương nhiệm vụ này để những sản phẩm sáng tạo của chúng ta luôn ở giữa dòng chảy thời đại cách mạng của dân tộc, phục vụ tốt nhất, có ý nghĩa nhất cho đất nước và nhân dân.
                                                                                             H.D.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 99
 Hôm nay: 5444
 Tổng số truy cập: 13568076
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa