Người bán nước chè bên sân ga - Đinh Xuân Đàm
Chuyến tàu Thống nhất mang số hiệu SE6 đưa tôi tới ga Thanh Hóa vào một buổi chiều mùa hè năm 2012 . Đang ở trên tàu có máy điều hòa nên khi tôi bước xuống sân ga bắt gặp ngay cái nóng hầm hập khô rát của những cơn gió phơn ở miền Trung. Khung cảnh tấp nập của sân ga và sự thay đổi của mảnh đất này khiến lòng tôi không khỏi bâng khuâng nhớ về một thời chiến đấu ác liệt, nơi đây chúng tôi có những đồng đội, những người lính pháo cao xạ phòng không tiểu đoàn 116 đã hy sinh. Mãi mãi yên nghỉ ở nơi đây trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ tuyến vận chuyển đường sắt đưa hàng vào Nam.
Tôi trở lại Hàm Rồng lần này để tìm gặp một người bạn mà suốt 40 năm qua, kể từ ngày chia tay nhau đi vào chiến trường, chưa một lần gặp lại. Như đã hẹn, bạn sẽ đón tôi ở ngoài sân ga, rồi đưa tôi tới nhà người bạn cũ. Xuống tàu tôi vội đeo ba lô ra sân ga tìm. Sự chờ đợi cứ trôi đi, đã gần một giờ đồng hồ mà bạn tôi vẫn chưa thấy đâu. Nhà ga đã vắng khách. Tôi đi dạo quanh sân ga. Bỗng có tiếng mời chào của một người bán nước, ngồi bên gốc cây ven đường:
- Mời đồng chí bộ đội vào uống chén trà nóng đã... hình như đồng chí đang chờ ai đó thì phải? Tôi kéo chiếc ghế nhựa nhỏ ngồi mà mắt vẫn cứ dõi theo những bóng người thưa thớt ra vào trước cửa nhà ga.
- Ông cho tôi xin một chén!
Người đàn ông đưa cho tôi chén nước:
- Mời đồng chí uống nước, trà Thái chính cống đấy! Mấy thằng bạn tôi năm nào vào ngày này chúng nó cũng uống.
Câu nói “Mấy thằng bạn tôi năm nào vào ngày này cũng uống” làm tôi giật mình quay lại nhìn người bán nước khi ấy đang cầm chén nước tưới xuống nền đất trước mặt. Ông đội một chiếc mũ “cối” đã bạc màu, kéo thấp che kín mặt nên tôi nhìn không rõ. Nghe giọng nói và nhìn cách ông tưới chén nước xuống đất tôi như có linh cảm, mách bảo một điều không bình thường ở con người này.
Chưa kịp bắt chuyện với ông thì một chiếc xe con phanh gấp trước mặt tôi, người tài xế mở cửa hét toáng lên:
- Anh Đông hả? Em Toản đây! Em xin lỗi vì có cuộc họp nên ra đón trễ! ủa mà hai anh gặp nhau nói chuyện lâu chưa?
Tôi chưa hiểu Toản nói gì thì bỗng người bán nước bỏ mũ cối ra, nói:
- Tao đây! Tùng lính chân dài đây!
Tôi vứt chén nước trên tay xuống đất, ôm chầm lấy Tùng đấm thùm thụp vào lưng mà mắng:
- Thằng trời đánh! Sao mày không nhận ra tao từ đầu.
Miệng nói vậy mà hai hàng nước mắt trong tôi cứ chảy ra lăn trên lưng áo đã bạc màu thời gian của người bạn. Rồi bỗng như có một điều gì tự ái trong tôi về người bạn, tôi đẩy Tùng ra hỏi:
- Mà sao đến nông nỗi này, mày phải ra đây bán nước hả?
- Vì miếng cơm manh áo mà ông bạn; mà tao bán nước trà cho đồng đội chứ có bán nước cầu vinh đâu! - Tùng vừa nói vừa lau nước mắt rồi phá lên cười, vẫn cái giọng cười hồn nhiên như ngày nào.
- Thôi thôi, mời hai ông lính già lên xe về nhà tôi, rồi tha hồ mà tra khảo nhau! Toản vừa nói vừa thu mấy chiếc ghế nhựa nhỏ và tích trà đưa lên xe.
- Nào giúp tớ lên xe! Tùng đưa tay vịn vai tôi đứng dậy. Tôi giật mình khi thấy Tùng chân phải là chân giả. Lòng tôi se lại và tự trách mình vô tâm khi vội vàng trách bạn.
Xe chạy đưa chúng tôi vào trung tâm thành phố Thanh Hóa, rẽ sang đường Bà Triệu đến ngã ba Đình Hương lại rẽ vào một con đường bê tông và dừng lại trước ngôi nhà sát đường.
- Hết tiền rồi! Mời hai ông lính già xuống xe vào nhà cho.
Tôi dìu Tùng xuống xe, một phụ nữ tóc đã điểm hoa râm ra mở cổng niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà 5 gian lợp ngói đã bạc màu rêu phong hình như mới được chỉnh trang, nước sơn tường màu vàng còn mới. Sân vườn trước nhà được sắp xếp trồng các loại cây cảnh trông thật bắt mắt.
Có lẽ một sự sắp đặt đã được chuẩn bị trước, tôi dìu Tùng vào nhà thấy giữa nhà kê một bộ trường kỷ đã cũ, trên bàn đã sắp sẵn một mâm cơm.
- Hôm nay bán hết nước rồi bà chị ạ! Toản đưa tích nước cho người phụ nữ đang cầm mấy chiếc ghế trên xe xuống.
- Lần nào bán mà chả hết, có bao giờ thừa đâu chú! Thôi mời mấy anh em vào nhậu mà hàn huyên với nhau kẻo cơm canh nguội cả rồi.
Vừa ngồi xuống ghế Tùng đã chỉ tay vào người phụ nữ cười hề hề nói:
- Bà xã tao đấy! Tên Tuyết, hơn tao hai tuổi nhưng mà còn son lắm lại là ân nhân của đời tao, cũng gốc quê Nghĩa Hưng đấy.
Tôi và Tùng lớn lên ở một vùng quê ven biển nơi có hai con sông Ninh Cơ, sông Đáy bao bọc. Mảnh đất quê tôi ngày xưa nghèo lắm, chúng tôi lớn lên qua những năm tháng mò cua bắt ốc ven sông. Nhà Tùng sát cạnh nhà tôi, Tùng là con một, mẹ mất sớm, bố đi công nhân đường sắt làm ở ga Đò Lèn. Tùng sống với bà nội, năm 1965 khi bà nội qua đời cũng đúng vào dịp tuyển quân, hai đứa chúng tôi đều trúng tuyển nhưng Tùng được hoãn vì nhà con một. Tùng phải vào tận Đò Lèn nói bố về xin cho mình được nhập ngũ, thế là 2 đứa chúng tôi cùng được bổ sung quân cho trung đoàn 228 phòng không đang làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Chúng tôi được biên chế vào đại đội 4 đóng trên một ngọn đồi sát với chân cầu Hàm Rồng, tôi làm lính trinh sát còn Tùng làm pháo thủ số 1 (lính chúng tôi đặt tên pháo thủ số 1 là lính chân dài). Suốt những năm 1965 đến 1972 chúng tôi tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng trên ngọn đồi (gọi là đồi “Ba cây thông”). Mãi tới sau đợt B52 đánh Hàm Rồng tháng 4 năm 1972 chúng tôi mới tạm chia tay nhau không còn ở cùng một đại đội. Tùng đi học lớp hạ sỹ quan rồi được điều về đại đội 34 tiểu đoàn 116 làm tiểu đội trưởng pháo 37 ly 2 nòng. Tôi được điều động về làm trợ lý trinh sát của tiểu đoàn 116 đóng quân tại bắc cầu Tào. Tuy không cùng đơn vị nhưng đại đội Tùng ở sát tiểu đoàn bộ nên tôi hay sang chơi, anh em tiểu đội của Tùng rất quý tôi.
Năm 1972, Mỹ lại leo thang đánh phá miền bắc lần thứ 2 (thực tế Hàm Rồng đã phải chịu trận từ cuối tháng 12 năm 1971). Đầu tháng 6 năm 1972, tiểu đoàn chúng tôi được lệnh cơ động sang bảo vệ ga xe lửa (lúc này ga Thanh Hóa đang là giai đoạn cao điểm tập kết hàng chuyển vào nam). Tôi còn nhớ rất rõ ngày 21 tháng 6 năm 1972 tôi được lệnh điều động lên Sao Vàng bổ sung cho một trung đoàn mới để chi viện cho chiến trường miền nam. Chia tay nhau ngày hôm trước thì ngày hôm sau 22-6 Nicson mở chiến dịch đánh phá Hàm Rồng (sau ngày giải phóng nghe bạn bè kể tôi mới được biết hôm đó máy bay Mỹ tổ chức đánh Hàm Rồng lần thứ 2 nhưng tập trung đánh các trận địa pháo hòng hủy diệt lực lượng phòng không của ta).
Lên đơn vị mới tôi được phân công làm đại đội trưởng một đại đội, huấn luyện một lớp tân binh hầu hết là sinh viên năm thứ nhất trường đại học nông nghiệp Hà Nội (trong đó có Toản quê huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Tháng 9 năm 1972, đơn vị tôi hành quân vào Nam tham gia chiến đấu tại các chiến trường miền đông Nam Bộ. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, đơn vị tôi vào làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất. Nhằm tạo điều kiện cho kế hoạch phát triển kinh tế sau ngày thống nhất đất nước, số sinh viên được ra quân trở lại trường học (sau này tôi có về Thanh Hóa tìm Toản và chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau).
Đóng quân ở sân bay Tân Sơn Nhất chưa được bao lâu đơn vị tôi lại hành quân lên biên giới Tây Nam tham gia chiến dịch đánh quân Pôn Pốt. Cho mãi đến tháng 9 năm 1980 do điều kiện sức khỏe cộng với hoàn cảnh gia đình, tôi được cấp trên cho ra quân tìm việc để chuyển ngành. Tôi trở về quê và hỏi tìm tin tức của Tùng nhưng không ai biết (Vì sau ngày Tùng và tôi đi bộ đội gia đình Tùng cũng không trở lại quê). Sau đó nhờ một người bạn cùng đơn vị cũ giới thiệu, tôi chuyển ngành về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin thành phố Hồ Chí Minh và đưa vợ con vào sinh sống ở một huyện ngoại thành. Suốt những năm tháng đã qua mỗi lần trở lại thăm quê tôi đều hỏi dò tìm tung tích của Tùng mà vẫn bặt vô âm tín. Chiến tranh kết thúc, kẻ còn, người mất, vì vậy tôi đành chấp nhận sự hẫng hụt và nỗi cô đơn khi mất những người bạn thân.
Tùng rót rượu đưa cho tôi và Toản rồi rót vào 5 chén để bên, Nhìn mâm cơm tôi ngạc nhiên vì thấy mâm cơm có tới 8 chén uống rượu với 8 bộ bát đũa ăn cơm. Tôi hỏi Tùng:
- Sao không chờ khách đến đủ rồi cùng uống cho vui!
Im lặng. Tùng rót rượu vào 5 chén còn lại rồi nói trong nghẹn ngào, đôi mắt đỏ hoe chỉ vào từng chén rượu:
- Khách tao mời đấy: Ông còn nhớ chứ! Thằng Kíp, thằng Hòa, thằng Nhân, thằng Sơn, thằng Chinh ở cùng tiểu đội nó bỏ tao mà đi đã 40 năm rồi, hôm nay là ngày giỗ chúng nó đấy.
Nói đến đây bỗng Tùng òa lên khóc, tay cầm từng chén rượu tưới xuống đất. Tôi như chết lặng người khi hiểu ra vì sao có thêm những chén rượu, tôi chỉ biết chắp 2 tay vái lạy những ly rượu mà Tùng đang “mời bạn” và chúng tôi ôm nhau cùng khóc...!
... Ngày ấy trận địa C34 nằm ở sân ga bây giờ, khẩu đội tao nằm ở cái gốc cây tao ngồi bán nước: 15 giờ chiều 22-6-1972, tiểu đội tao vừa hết ca trực ban, thằng Kíp dân Thái Nguyên ông còn nhớ chứ? Vợ nó vào thăm mới về nên tiểu đội có cân chè Thái. Tao bảo nó pha chè để tiểu đội cùng uống, ấm chè vừa pha xong chưa thằng nào kịp uống thì kẻng báo động. Tao bảo thằng Kíp thay tao chỉ huy khẩu đội rồi chạy về hầm chỉ huy của trung đội trưởng Thái, vì hôm đó ông Thái đi tập huấn trên trung đoàn bộ nên tao được chỉ định thay thế. Mười phút sau một tốp máy bay Mỹ hơn 20 chiếc gồm A6A, F4 vào đánh cầu Hàm Rồng và nhà ga. Có một điều khác với mọi khi là chúng chỉ dùng một tốp 4 chiếc đánh cầu bằng bom tia laze còn lại tập trung đánh các trận địa pháo bằng bom sát thương và bom bi. Vừa chỉ huy bắn được hai “điểm xạ” thì tao thấy một tiếng nổ dữ dội ngay trong hầm pháo của tao, khẩu pháo bị hất tung ra khỏi công sự. Tao quát lớn: “Có đứa nào bị thương không? Rồi nhảy khỏi hầm chỉ huy chạy về phía khẩu đội, mới chạy được mấy bước thì một quả bom bi nổ chậm nổ dưới chân tao, thế là tao chẳng còn biết gì nữa...”.
Tùng cầm chén rượu ngửa cổ uống một hơi rồi chậm rãi kể tiếp: Mười ngày sau tao mới tỉnh lại thì thấy một người phụ nữ mặc áo blu trắng đang thay băng ở chân cho tao. Tùng chỉ tay vào Tuyết nói: Chính là bà xã tao bây giờ đấy. Sau này nghe Tuyết kể lại, Tuyết là y tá được bệnh viện giao nhiệm vụ chăm sóc tao. Quả bom bi nổ làm bàn chân trái tao dập nát, bụng bị thủng do nhiều viên bi xuyên vào. Cũng may mà chỉ bị 1 viên bi làm thủng ruột nên phải cắt bỏ một đoạn và cái bàn chân tao phải cưa bỏ. Sau này khi ông Trại chính trị viên tiểu đoàn ghé thăm tao, ông kể lại: khẩu đội pháo cả 5 thằng tan xác gom nhặt lại được một phần chia cho 5 ngôi mộ của chúng nó, phần lớn thân xác chúng nó nằm lại lòng đất trên sân ga.
Tao buồn lắm vì biết mình không còn cơ hội để tham gia chiến đấu nữa. Những lúc thấy tao khóc vì thương nhớ đồng đội. Tuyết thường đến động viên an ủi tao. Rồi một hôm tình cờ nghe được câu chuyện kể lại của đồng chí thương binh cùng phòng tao mới biết được hoàn cảnh của Tuyết cũng thật éo le. Gia đình Tuyết vốn gốc quê Nghĩa Hưng, năm 1954 gia đình di cư vào sống tại làng Hạc Oa, xã Đông Cương với người anh họ. Tuyết là con một, học hết lớp 7 Tuyết đi bộ đội rồi được đi học lớp y tá và về công tác tại quân y viện 105.
Đêm ngày 21 tháng 4 năm 1972 Mỹ dùng B52 đánh Hàm Rồng, một loạt bom B52 rơi vào làng Hạc Oa cướp đi hơn 100 sinh mạng người dân trong đó có bố mẹ Tuyết. Kể đến đây Tùng quay lại nắm hai bàn tay run rẩy của Tuyết đang đứng sau - Mà thôi uống cái đã! Rồi như sực nhớ ra, Tùng quay sang hỏi tôi: - Sao ông biết tôi ở đấy mà tìm? Tôi mỉm cười chỉ tay sang Toản nói: - Chính là cậu chàng này đấy! Chả là cách đây 2 tháng Toản gửi cho tớ một cuốn sách “Kỷ yếu cựu chiến binh Hàm Rồng Thanh Hóa” (do ban liên lạc cựu chiến binh Hàm Rồng biên soạn năm 2010, trong đó có ảnh và địa chỉ của những người lính Hàm Rồng đang sinh sống tại Thanh Hóa). Cuốn sách này Toản được tặng khi tham dự lễ kỷ niệm 37 năm chiến thắng Hàm Rồng (30-4-1965 - 30-4-2012). Khi nhận ra ông, mừng quá tớ điện ngay cho Toản nhờ tìm giúp, nào ngờ hai người thân nhau đã lâu do cái duyên cùng tham gia công tác hội cựu chiến binh xã.
Cầm chén rượu xoay xoay trên tay Tùng gật gật cái đầu rồi lẩm bẩm: “Trái đất tròn... duyên phận...”. Tôi cắt ngang dòng suy nghĩ của Tùng hỏi: - Còn chuyện ông ra ga bán nước là sao? Uống cạn ly rượu đang cầm trên tay, Tùng kể tiếp: Sau hơn một năm điều trị có lẽ cái duyên, cái phận đã đưa tao và Tuyết đến với nhau; rồi sau 4 năm về trại an dưỡng ở Thanh Hóa cũng là lúc Tuyết ra quân, vợ chồng tao về sống trên mảnh đất của bố mẹ Tuyết để lại. Bề bộn lo toan cuộc sống gia đình, tham gia công tác xã hội cho mãi đến 22 tháng 6 năm 1978 đúng vào ngày 5 đứa hy sinh tao mới ra ga tìm lại vị trí trận địa chính là cây bàng nơi tao ngồi bán nước rồi thắp cho chúng nó nén hương. Đêm ấy tao nằm mơ thấy 5 đứa gọi tao bảo: “Anh Tùng ơi chúng em thèm uống nước trà Thái...”. Hôm sau tao kể lại cho Tuyết nghe và có ý định ra ga bán nước để cho 5 đứa chúng nó cùng được uống. Thương tao lại lo sức khỏe của tao vì thương tật cứ trở trời lại đau nên lúc đầu bà xã không đồng ý. Nhưng rồi suốt tuần ấy thấy tao buồn nên Tuyết đổi ý nhưng có yêu cầu mỗi ngày chỉ được bán từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều. Từ đó cứ chiều đến tao lóc cóc đạp xe đạp đi ra ga bán. Lúc đó ở ga Thanh Hóa có trào lưu uống trà Thái nóng nên cũng đông người uống. Mà nghĩ cũng buồn cười chỉ có 1 phích nước sôi với tích trà ủ trong giỏ với mấy chiếc ghế nhựa con mà cũng đông khách. Nhưng tao có một nguyên tắc cứ một khách uống thì một chén lại dành cho chúng nó, vì vậy nhiều hôm chỉ một tiếng sau là hết. Thú thực hoàn cảnh kinh tế hai vợ chồng tao cũng không đến nỗi nào, tao thì có chế độ thương binh, Tuyết khi về làm ở trạm xá xã cũng có lương, con cái thì không có nên chỉ biết lấy thú vui tham gia công tác xã hội và đi bán nước hàng ngày để được bầu bạn với chúng nó làm nguồn động viên mình. Tao ngồi bán nước cũng được hơn 5 năm thì nghỉ do sức khỏe không cho phép. Tao buồn lắm nhiều lúc nghĩ tới chúng nó mà thương không hiểu chúng nó dưới đấy có nước trà uống không? Cách đây 2 năm Toản nghỉ hưu về xã tham gia công tác chủ tịch hội cựu chiến binh, tao vẫn làm chi hội trưởng cựu chiến binh làng Hạc Oa này. Từ đó có Toản bầu bạn nên tao cũng đỡ buồn. Khi nghe tao kể chuyện và phàn nàn vì không còn sức khỏe để đi bán nước Toản mới nảy ra ý định khuyên tao mỗi năm một lần đi bán nước vào ngày hy sinh của chúng nó. Và chiều nay tao ra ga bán nước là vì thế!
Đêm đã về khuya chúng tôi vẫn ngồi bên nhau trong cơn nửa tỉnh, nửa say! Và cho đến lúc này tôi mới vỡ lẽ vì sao Tùng đi bán nước; vì sao tìm được nhau đã gần hai tháng mà Tùng vẫn nén lại tình cảm yêu cầu tôi ra đúng vào cái ngày này - cái ngày của một buổi chiều đau thương mất mát mà 40 năm đã đi qua...
Tây Thạnh, tháng 6 năm 2017
Đ.X.Đ