Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Chuyện lạ đời - Hoàng Bình Trọng
Chuyện lạ đời - Hoàng Bình Trọng

1.
Đang ngơ ngác nhìn nhìn, ngó ngó thì chợt nghe ai gọi tên mình, tôi mừng quýnh. Lướt nhanh ra cổng, tôi bắt gặp một dáng hình cao gầy, đen đúa, nhưng chưng diện ngất trời, đủ cả com-lê, mũ phớt, giày đen, kính gọng vàng.
- Sao cứ đứng đực ra như trời trồng thế? - người ấy hỏi - không nhận ra nhau nữa à?
- Lạ quá, sao trên đời lại có một người giống hệt mồ ma nhà thơ Nguyên Phú... thế này?
- Thì đúng mồ ma Nguyên Phú đây, chứ có giống hệt gì nữa! Ôi, Phú Xuân ơi là Phú Xuân, mới cách mặt đó đã cách lòng!
- Nhưng Nguyên Phú... chết rồi mà!
- Nguyên Phú chết rồi, hồn ma hắn mới hiện về đón hồn ma Phú Xuân đi được chứ.
- Hồn ma Phú Xuân - Tôi gai gai cả người - Ông nói như thể tôi cũng đã chết như ông rồi không bằng ấy!
- Quái lạ, thế Phú Xuân tưởng ông còn sống sao?... Phú Xuân ơi là Phú Xuân. Thiên hạ vẫn bảo ông vô tâm bất tạng; nhưng vô tâm bất tạng đến mức không biết mình đang sống hay đã chết thì đây quả là trường hợp độc nhất vô nhị. Ha ha... đời thuở nào, chỉ vài giờ nữa người ta đã tiền hô hậu ủng rước linh cửu mình ra nghĩa địa, mà lúc này ông vẫn tin là mình còn sống!
Tôi sắp sửa nổi quạu thì có một đoàn đô tùy được trang bị như mấy con tốt đỏ trong bộ bài tam cúc đi trước dọn đường cho một chiếc xe tang trang trí khá bắt mắt từ ngoài cổng lừ lừ tiến vào. “Vô cùng thương tiếc nhà văn Phú Xuân”, hàng chữ to đùng sơn son thiếp vàng ấy đập vào mắt làm tôi cảm thấy như có một luồng điện chạy từ đầu đến chân. Tôi dạo mấy vòng quanh nhà với tâm trạng hoang mang, nghi hoặc. “Mình đang sống hay chết rồi đấy nhỉ?”. Tôi đang sống ư? Đang sống thì tại sao tôi đi chẳng ra đi, ngồi chẳng ra ngồi, mà cứ bồng bềnh như bay lượn trên khói, trên sương thế này? Đang sống thì sao tôi đã được người ta lập bàn thờ, và các thân hữu gần xa đến phúng viếng ai nấy đều mặt ủ mày chau thế kia? Tôi đang sống thì sao vợ con tôi đã mặc áo xô, chít khăn tang lăn lộn khóc lóc, réo gọi tên tôi nghe thảm thiết nhường ấy?
Vậy thì chắc tôi đã chết rồi!
Nhưng theo các nhà khoa học thì người đã chết là từ cát bụi trở về cát bụi chẳng hay biết gì nữa, sao tôi còn có khả năng nhận thức? Đã chết rồi thì sao tôi còn nghe rất rõ tiếng còi ô tô bim bim ngoài đường; còn biết trong nhà bếp nhiều cô dâu, bà thím đang tất bật bày biện mâm cỗ để cúng vái đưa tiễn tôi về nơi an nghỉ cuối cùng? Đã chết rồi sao tôi vẫn nhìn thấy mấy chàng trai trong “hội hiếu” phùng mang trợn mắt thổi điệu kèn đưa linh cho hương hồn tôi chóng siêu thoát? Đã chết rồi sao tôi còn nhận ra khuôn mặt lưỡi cày, có cái mũi mỏ quạ, cái mồm cá ngão của thi sĩ Sao Băng. Chỉ mới cách đây vài tuần, hắn ta còn khích bác tôi bồ bịch lăng nhăng, tư cách không đứng đắn. Hắn ta xếp mấy cuốn tiểu thuyết của tôi vào loại “văn chương dị mọ”, xếp mấy thi phẩm của tôi vào loại “thơ con cóc”. Vậy mà lúc đọc điếu văn trước bài vị người đã khuất, hắn bốc tôi lên tận chín tầng mây. Nào là, nhà văn kiêm nhà thơ Phú Xuân  - một con người tâm hồn trong như ngọc, trắng như ngà đáng nêu gương sáng cho lũ đàn em học tập. Nào là, danh nhân Phú Xuân - con người thông kim bác cổ, đã để lại cho đời trên hai chục đầu sách phong phú về nội dung, chuẩn mực về hình thức, tất thảy đều đủ sức lay động lòng người từ bình dân đến tri thức, từ trẻ đến già, từ thành thị đến nông thôn. Diễm phúc thay cho những ai từng được cầm trên tay một trong những tác phẩm bất hủ đó của ông. Với giọng đọc lên bổng, xuống trầm lâm li thống thiết, thỉnh thoảng lại điểm xuyến những tiếng thít tha sụt sịt, Sao Băng đã làm cho bao người lệ rơi lã chã.
Nói cho công bằng thì chẳng phải vì “nghĩa tử, nghĩa tận” mà trong điếu văn Sao Băng đã tán dóc hoàn toàn, ít ra cái chi tiết tôi đã cho ra đời hai chục đầu sách là có thật. Trong số đó có mười lăm cuốn được in bao cấp, nghĩa là tác giả chỉ nộp bản thảo cho nhà xuất bản và được nhận tiền nhuận bút sau khi sách in xong. Mặc dù tiền nhuận bút được trả quá bèo bọt, tuy nhiên ở cái thời “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ” này, mà “đứa con tinh thần” của mình ra đời có “bà đỡ” hẳn hoi, như thế thì cũng đã sáng mắt sáng lòng lắm rồi. Khổ nhất là cách xử lý với năm đầu sách còn lại. Vì không được nhà xuất bản nào in bao cấp, bắt buộc tác giả phải tuân thủ kế hoạch “tự sản, tự tiêu”, nghĩa là tự xuất tiền túi ra thuê in ấn rồi đích thân tác giả tự thồ sách đi bán lẻ. “Bán sách”, trời ơi! Chẳng hiểu sao mỗi lần nhắc đến hai tiếng đó tôi lại thấy rồm rộm trên lớp da mặt. Xin đừng tin vào lời bốc đồng của Sao Băng mà nhầm tưởng tôi thồ sách đi đến đâu là được thiên hạ hả hê đón tiếp đến đó, là ai nấy đều thấy có diễm phúc đặc biệt được nâng lên tay “tác phẩm bất hủ” của “danh nhân Phú Xuân”. Không đâu, nghìn lần không! Sách đã in ra theo kiểu “tự sản, tự tiêu” bắt buộc tác giả phải thồ đi bán. Không bán là không thu hồi được đồng vốn, là vợ tiếng bấc tiếng chì, là con mặt sa mày sỉa, là mất hết cảm hứng “nhả ngọc, phun châu”. Nhưng để bán cho hết số sách mỗi đợt in ra thì cực nhục ê chề lắm lắm. Hôm nào cũng như hôm nào, dù ấm dù lạnh, dù nắng dù mưa, ngay từ sáng sớm, Phú Xuân tôi đã chất cả một bao tải sách đầy ú ụ lên poóc-ba-ga của chiếc xe đạp cà tàng. Rồi tôi so vai. Rồi tôi rụt cổ. Tôi lấy hết sức gân cốt đạp xe đi vù vù như một anh chàng bán thuốc lá lậu. Dọc đường, Phú Xuân tôi ngại nhất là gặp người quen. Sách của tôi họ chẳng mua đã đành, mà họ còn nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, thậm chí còn giả bộ “thông cảm sâu sắc” để đưa lời mỉa mai, chế nhạo làm tôi nóng bừng cả mặt.
Nơi tôi tìm đến là các công sở, các doanh nghiệp, trường học và người bắt buộc tôi phải ra mắt là thủ trưởng các cơ quan đó. Thời buổi này người dân thường được diện kiến một vị quan chức đâu phải dễ. Thông thường Phú Xuân tôi bị ách lại ngoài phòng thường trực với lời thông báo lạnh lùng của người gác cổng: “Hôm nay sếp bận họp”, hoặc: “Sếp đang đi công tác nơi xa”... Trung bình, độ bốn năm lần thồ sách đến cơ sở nào đó, thì một lần tôi may mắn lọt qua khỏi cửa ải phòng thường trực để ra mắt thủ trưởng. Trung bình độ năm sáu vị thủ trưởng tôi hân hạnh được ra mắt, thì một vị thương tình mua cho “nhà văn có tên tuổi” dăm ba cuốn sách. Đó là chưa nói đến chuyện “thủ kho to hơn thủ trưởng”, lắm khi giám đốc duyệt mua rồi mà nhân viên kế toán cực lực phản đối thì không vẫn hoàn không. Mỗi lần đi bán sách kiểu đó, tôi như đã thành người khác. Lúc nào cũng tất tưởi, nơm nớp lo sợ mà chẳng biết vì sao. Tiếp kiến với bất cứ một “sếp bự” nào, dù có người chỉ bằng con trai đầu lòng của mình, tôi cũng gãi cổ, gãi tai, xoa chân, xoa tay, nói năng lập cà lập cập, da mặt như dày thêm hàng cen-ti-mét. Sau khi chia tay với họ, trên đường trở về, tôi rất thèm được làm một nghề gì khác, dù là gác cổng hay là quét chợ cũng được. Vì ít ra chẳng có ai ghẻ lạnh với lớp người này, còn với các nhà văn, nhà thơ tự thồ tác phẩm của mình đi rao bán như tôi, thì bị người đời xem bằng nửa con mắt là sự thường...
- Thế nào? Bây giờ hẳn đằng ấy tin là mình đã chết thật rồi chứ? - Cú vỗ khá mạnh của hồn ma nhà thơ Nguyên Phú lên vai tôi, khiến tôi giật mình, thở dài não nuột. Nguyên Phú tiếp - Này, báo để ông biết: Cái huyệt đào để chôn ông cũng ở ngoài Hói Đồng, cách ngôi mộ của tôi tám, chín bước chân thôi. Vậy là từ đây, hai ta có dịp để sớm hôm nhậu nhẹt, đàm đạo văn chương với nhau rồi đó!
- Đàm đạo văn chương! - Tôi nổi quạu - Từ cát bụi đã trở về với cát bụi rồi thì còn đàm đạo văn chương được ư?
- Hình như ông còn lưu luyến chốn trần tục lắm thì phải?
- Một ngày dương gian bằng nghìn ngày âm phủ, sao không lưu luyến! - Tôi cay đắng đáp.
- Tốt nhất ông hãy rũ bỏ bằng hết những kiến thức kiểu đó ra khỏi đầu mà nghe tôi nói đây. Người gọi là đã chết, thực tình chỉ chết phần xác, còn phần hồn thì vẫn sống, vì linh hồn là bất tử và sẽ cực kỳ sáng suốt sau khi thoát khỏi thể xác trần tục. Bởi lẽ ấy người đã chết chẳng phải không hay biết gì mà ngược lại, họ còn hiểu hết sâu rộng gấp mấy lần hồi họ đang sống. Vì thế người chết đàm đạo văn chương là chuyện tất nhiên. Chẳng những thế, cánh cầm bút dưới ấy còn thành lập các câu lạc bộ thơ văn, các hội văn nghệ từ cấp xã đến cấp trung ương nữa kia.
- Ông không bốc phét tẹo nào đó chứ?
- Tôi mà bốc phét thì xin quỷ dạ xoa ném vào vạc dầu! - Nguyên Phú thề độc, rồi hạ thấp giọng - Báo cho ông biết, mình vừa được trúng cử vào ban chấp hành hội văn nghệ tỉnh nhà khóa vừa rồi đó.
Tôi nhìn như đóng đinh vào mắt Nguyên Phú và tin anh ấy nói thật. Tôi hỏi và cảm thấy ấm lòng đôi chút:
- Này, chắc số hội viên hội văn nghệ dưới đó đông lắm nhỉ?
- Đến vài chục nghìn người cơ. Bao nhiêu vị có chữ nghĩa từ thuở khai sơn phá thạch dưới này đều đầu đơn xin vào hội thì sao chẳng đông. Nhưng đừng lo. Đông mấy thì đông, cánh cầm bút thế hệ chúng ta vẫn ở thế thượng phong.
- Lý do?
- Vì văn chương những lớp người cũ đơn điệu, mòn sáo quá, rất dễ nhàm chán. Trong lúc đó văn chương thế hệ bọn mình là thành quả bao nhiêu phen canh tân cả nội dung lẫn hình thức nên lắm lời hay ý đẹp, dễ lay động lòng người. Bởi thế, trên báo chí từ trung ương đến địa phương hầu hết chỉ sử dụng bài vở các tác giả trẻ. Thậm chí các cây bút cánh trẻ có uy tín còn được tòa soạn báo chí đặt bài cho từng số nữa kia.
- Chế độ nhuận bút dưới đó thế nào? - Tôi hỏi giật giọng, quên phắt chuyện vừa mới chết.
- Nhuận bút dưới đó... đã đời lắm, chứ không bèo bọt như chốn trần tục đâu. Một bài thơ èng èng đăng trên một tờ báo lá cải tỉnh lẻ cũng được trả đến nửa triệu. Một cuốn sách dày trên dưới hai trăm trang, nhà xuất bản trả cho tác giả số tiền tương đương chục cây vàng.
- Chục cây vàng! Ông học được trò bốc phét này từ bao giờ thế?
- Tôi mà bóc phét thì xin quỷ dạ xoa ném tôi vào vạc dầu - Nguyên Phú lại thề độc - Ngoài ra dưới này sách toàn in bao cấp, chứ không theo lối “tự sản, tự tiêu” đâu. Chu cha, cứ mỗi lần nhớ lại hình ảnh các nhà văn như ông còm lưng tôm đạp chiếc xe cà tàng thồ sách đi bán, tôi lại buồn thối ruột. Tôi càng buồn hơn khi biết một số thủ trưởng cơ quan bỏ tiền ra mua sách chỉ cốt tỏ ra mình là người hào phóng, không ki bo, chứ đâu phải là mua để đọc. Có khi họ mới mua hôm trước, hôm sau số sách ấy đã nằm trong thùng rác cơ quan. Đó là lý do để giải thích vì sao lắm người là tác giả của ba bốn chục đầu sách, mà tên tuổi của họ chẳng mấy ai biết đến.
- Ông nói đúng quá! - Tôi cay đắng phụ họa - chính tôi cũng từng thấy một số sách của mình được cô tạp vụ cơ quan nọ đem bán theo giấy loại cho các bà đồng nát. Vì vậy sau khi nghe ông giới thiệu sơ qua về tình hình sinh hoạt văn nghệ dưới đó tôi hả lòng, hả dạ lắm lắm.
- Khá, rất khá! - Nguyên Phú vỗ đùi cười đắc chí - cuối cùng thì Hoàng Phú Xuân cũng ngộ ra rồi đó! Vậy mà tôi cứ tưởng ông còn nặng nợ với cõi trần, chưa muốn chết cơ đấy.
- Lúc nãy thì thế thật, nhưng bây giờ tôi lại tiếc giá mình chết sớm đi vài chục năm thì hay biết mấy!
- Thế mới đáng mặt bậc thức giả chứ! Ha ha ha... Nhưng thôi, dù sao chúng ta vẫn hạnh phúc gấp nghìn lần các cây bút còm nhom vẫn cố bám lấy cuộc sống lay lắt trên trần thế.
Tôi nhăn nhở:
- Chúng ta có cách chi làm cho mấy đứa bạn thân đứng đằng kia sớm ngộ ra chân lý đơn giản mà rắc rối này không nhỉ?
- Ngộ, ngộ cái con khỉ. Trong đầu bọn ấy chật ních bao nhiêu kiến thức khoa học rởm, thì ngộ sao nổi. Ngay như ông đã chết rồi mà tôi còn nói đến gãy cả lưỡi mới chịu tin nữa là...
- Tôi là ngựa bất kham, ông biết rồi còn gì. Khối đứa nhu mì như cừu non, tôi tin, chúng ta sẽ xỏ mũi được. Kìa ông có thấy cái thằng to con, mặt bệt bệt như rế bánh đúc kia không? Thi sĩ Vạn Lâm đó. Về khoản đem sách “tự sản, tự tiêu” đi bán, hắn thuộc loại siêu sao. Khác xa tôi, Vạn Lâm có xe máy xịn để rong ruổi khắp mấy huyện thị trong tỉnh. Hắn lại có tài rao đãi, đặc biệt là mặt dày mày dạn, nên hễ đã xuất chiêu là trúng quả đậm. Tuy vậy, Vạn Lâm vẫn cho rằng thồ sách đi bán rao là một sự đại điếm nhục của nhà văn. Vì lẽ đó, và còn vì lẽ hắn rất quý tôi, nên tôi tin, mình kiên nhẫn, thuyết phục, hắn sẽ nghe ra.
Nguyên Phú nhún vai cười khẩy:
- Nghe gì thì nghe, chứ bảo thằng ranh con ấy cố chết sớm đi vài chục năm so với định mệnh thì nó nghe khối ra đấy.
- Nghe, chắc chắn là nghe. Vấn đề là làm sao bổ được cái đầu nó ra làm cho nó hiểu một chân lý đơn giản: Chết không phải là hết mà sau khi siêu thoát, linh hồn sẽ được sung sướng như lên thiên đường. Tôi hỏi ông, trên đời, có thằng ngốc nào là không bị hấp dẫn khi nghe thiên đường vẫy gọi?
- Khá, rất khá! Không ngờ ông tiến bộ nhanh đến thế... Hề hề hề, đã tin chắc vậy, ông thí nghiệm một phen xem sao. Biết đâu lại có chuyện... chó ngáp phải ruồi.
Tôi đến với Vạn Lâm trong lúc khuôn mặt béo căng, béo nứt của hắn đỏ hâm hia vì nốc quá nhiều rượu. Tôi huých cùi chỏ vào hông hắn. Tôi vỗ đồm độp lên vai hắn. Tôi hét to vào tai hắn: “Ra ngoài cổng để tớ bày cách cho mà lên thiên đường”. Tôi đã lặp đi, lặp lại mấy động tác ấy không dưới mười lần mà thi sĩ Vạn Lâm chẳng có bất kỳ phản ứng nào. Cáu tiết, tôi dẫm mạnh lên bàn chân hắn, véo vào mạng sườn hắn, thậm chí còn xách tai hắn như xách tai một đứa trẻ lên ba, mà hắn vẫn tỉnh queo. “Này, cậu trở mặt với tớ từ bao giờ thế? Chẳng lẽ lời nói của tớ không đáng cho cậu để lọt vào tai nữa sao? Tớ đã làm gì không hay không phải mà bị cậu coi như rơm, như rác vậy? Ôi, Vạn Lâm ơi là Vạn Lâm ơi!”. Tôi la lên theo nguyên tắc “to dần đều”, và cuối cùng nó đã trở thành một thứ âm thanh chát chúa nghe tựa tiếng cưa sắt, chặt đồng. Dường như còn muốn trêu tức tôi, Vạn Lâm vớ ngay chiếc dùi đánh liên hồi vào cái trống đại bên cạnh. Chắc chắn đây không phải loại trống bình thường. Âm thanh nó phát ra không tùng tùng cũng chẳng thình thình mà vang rền như tiếng sấm, tiếng sét. Đã thế từ trên mặt trống chốc chốc lại xoẹt vài tia chớp loằng ngoằng như những con rắn lửa. Tiếng trống như bổ vào cân não tôi, ánh chớp như thọc vào mắt tôi làm tôi choáng váng, lảo đảo. Cố hết sức tôi lao đến Vạn Lâm định giằng lấy chiếc dùi trống. Không may trượt chân, tôi ngã đánh oạch xuống đất, đầu va vào bậc tam cấp. Nhưng chẳng đau đớn gì; hơn thế, tôi lại thấy hồn mình được thoát xác, bay lên trời như Tôn Ngộ Không.
2.
- Này này! - Chợt có ai đó vỗ mạnh lên vai tôi, cố hết sức vực tôi đứng dậy, xốc nách dẫn tôi đi một quãng, rồi ấn tôi ngồi xuống - Chiêm bao thấy gì mà gào vậy hả? Trời sắp mưa to, biết không? Say rượu mà nằm chườn ườn giữa mưa bị cảm lạnh chết có phen đó.
Tôi dụi mắt nhìn quanh. Sao lạ thế này! Toàn bộ khung cảnh cuộc tang lễ tiễn đưa tôi về nơi an nghỉ cuối cùng, nào là linh xa linh cửu, nào vòng hoa câu đối, nào đội trống đội kèn, kể cả bà con nội ngoại lẫn thân hữu gần xa đều bay biến đi đâu sạch sành sanh. Tôi thấy mình đang ngồi trên một chiếc ghế đá cạnh một cây đa có nhiều rễ phụ lòa xòa như râu ông lão. Xa xa là những bồn hoa cây cảnh bị phân cách bằng những con đường nhỏ đá cuội rải đều. Tuy nhiên, bao nhiêu cảnh vật có vẻ bắt mắt đó lúc này đã nằm dưới một nền trời mây đen sũng nước với nhiều tia chớp ngoằn ngoèo làm cho chúng đều nhuốm màu tím tái nom rất ma quái.
- Nhà văn tỉnh hẳn chưa đó? - Con người lúc nãy đưa tôi đến đây hóa ra là anh công an khu phố, nói nói, cười cười - Gớm thồ sách đi bán mà nốc rượu đến say mèm, lăn ra cỏ ngủ vùi từ sáng đến giờ, nếu không có tôi thì bọn lưu manh đã cuỗm mất cả xe lẫn sách rồi nhé.
- Sự thật là vậy sao? - Tôi cảm thấy hụt hẫng như bị rơi từ trên cao xuống đất - Tôi... đã chết rồi cơ mà?
- Lại còn vậy nữa! Hà hà hà... mới gần chết chứ chưa chết thật đâu. Cả hai người cơ, hình như vị kia là nhạc sĩ Hoàng Hương Giang thì phải.
- Hoàng Hương Giang? ừ, đúng đúng, vậy hắn ta đâu rồi?
- Ông nhạc sĩ ấy đã bị một bà vợ rất hách lôi cổ như áp giải một tên tù binh về nhà rồi.
- Vậy là hắn còn sống, riêng tôi thì... đã chết!
Anh công an khu phố phá lên cười:
- Ông thì trời còn bắt sống lâu. Chết mà nhà văn còn thổ ra mấy đống to tướng dưới gốc liễu kia à? Chết mà còn biết vứt hết mấy đống vỏ chai đựng bia rượu cùng các gói lòng lợn, thịt chó ăn thừa ra khỏi mặt ghế để ngả lưng à? Này, nhà văn đã nhận ra chiếc xe đạp đầy sách nằm chỏng chơ trên bãi cỏ đằng kia không?
Nhìn theo hướng chỉ của anh công an, trí nhớ của tôi dần dần hồi phục...
Khoảng tám giờ sáng hôm nay, trên đường đi bán sách, tôi có tạt qua công viên thành phố thì bất ngờ chạm trán nhạc sĩ kiêm nhà thơ Hoàng Hương Giang. Biết hắn là con sâu rượu, tôi muốn tránh mặt, nhưng hắn giang tay cản đường rồi nắm lấy ghi đông xe của tôi: “Vào chỗ kia đánh vài choác cho khoái tỷ đã nhé?”. Tôi ngơ ngác nhìn quanh: “ở đây làm gì có hàng quán mà bảo đánh vài choác?”. Hoàng Hương Giang vỗ bôm bốp vào cái bị lác phồng căng trên vai: “Khỏi lo, khỏi lo. Trong này có đủ cả bia rượu, thịt cầy lòng lợn, đủ cả mắm tôm, húng lìu, ớt tỏi cho hai ta tha hồ nhậu nhẹt. Thực tình tớ định mua các thứ này về để bù khú với mấy tay họa sĩ đằng trong ra chơi. Nhưng: “Tửu phùng tri kỷ ẩm(1), thi ngộ cố nhân ngâm(2)”, thoáng thấy bóng ông là tớ đổi ngay ý định. Chúng mình vừa uống rượu vừa đọc thơ cho nhau nghe mới thú, chứ chạm cốc với bọn thợ vẽ chỉ tổ phí rượu. Ô kê đi”.
Tôi theo Hoàng Hương Giang vào công viên, đặt tiệc trên một chiếc ghế đá. Chẳng cần cốc chén bát đũa gì cho kích rích, hai thằng chúng tôi dùng tay vốc lòng lợn, thịt chó, chấm mắm tôm thả vào mồm nhai ngồm ngoàm; dốc rượu, dốc bia trực tiếp từ chai vào mồm nuốt ừng ực. “Rượu vào lời ra”, đó là một chân lý bất di bất dịch. Lúc này “lời là lời thơ” chứ không phải “lời nói ba vạ”. Rượu vào càng nhiều, thơ ra càng lắm. Khi mới nhập cuộc tôi tự nhủ lòng: Mình uống vừa thôi để còn đạp xe đi bán sách, nhưng lúc này bán được sách hay không mặc cha con mẹ thị tẹt, tâm hồn hai chàng lãng tử đang thăng hoa thì phải để cho chúng đi mây về gió chứ!
Sống ở dương gian đánh chén nhè
Thác về âm phủ cắp lè kè
Diêm vương phán hỏi gì bên nách?
- Be!

Một thơ một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Họa chăng chừa được lũ đàn bà...
Chúng tôi đọc lải nhải. Đọc cả thơ mình, cả thơ người khác miễn rằng chúng liên quan đến rượu. Đọc đến đâu, chúng tôi uống đến đó, hết chai này khui ngay chai khác. Đọc đến líu cả lưỡi. Uống cho đến cả lục phủ ngũ tạng nóng như nhúng vào nước sôi. Sau đó là nôn thốc, nôn tháo, là trời đất xoay tít mù, là bước đi xiêu vẹo, bổ nháo bổ nhào. Sau đó nữa thì mọi vật chung quanh đều mờ mờ ảo ảo, hư hư thực thực. Riêng bản thân tôi rơi vào tình trạng kỳ lạ có một không hai: Chẳng biết mình đang sống hay đã chết!...
Dĩ nhiên bây giờ thì tôi đã biết chắc mình còn sống nhưng lạ lùng là lòng không thấy vui cũng chẳng thấy buồn.
Bắt tay cảm ơn anh công an xong, tôi bước đến chiếc xe đạp cà tàng có bao tải sách to đùng nằm chườn ườn trên bãi cỏ, cố sức vực nó đứng dậy, ì ạch đẩy xe ra ngoài đường. Biết trời sắp đổ mưa rào nhưng tôi vẫn quyết định tiếp tục đi bán sách. Trong lúc so vai rụt cổ đạp xe đến một nơi xa lắc xa lơ, tôi thầm cầu trời khấn phật phù hộ cho mình hôm nay bán được dăm ba cuốn lấy tiền đưa cho vợ đong gạo.
        

    H.B.T

(1) Uống rượu khi gặp người tri kỷ.
(2) Ngâm thơ khi gặp bạn thân quen.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 41
 Hôm nay: 838
 Tổng số truy cập: 13601099
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa