Khung vừa bước đến một bàn ăn, chưa kịp ngồi thì bỗng sững người khi thấy một bạn cũ đã ngồi ngay bàn trước mặt. Khung nhìn chằm chằm bạn rồi nhào đến vỗ vai đánh "bẹt" một cái, reo lên:
- Phú... Nhưng thấy Phú đĩnh đạc, phong độ rất mực, Khung bỗng chững lại như sợ mình bị nhầm. Người mà Khung reo lên gọi là Phú ấy cũng hết sức ngạc nhiên. Anh ta ngước nhìn Khung khẽ lắc đầu hỏi lại:
- Anh là?...
Phú không nhận ra bạn cũng phải. Xa nhau hơn ba mươi năm rồi. Giờ Khung lại tiều tụy thế. Người đen đúa, gầy rộc. Tóc tai cháy khét. Quần áo cũng thật lôi thôi, luộm thuộm. Hai bên vai áo đã bạc, đã sờn vải và như còn đọng những giọt mồ hôi trắng. Cái nghề chân sào là thế, lúc nào cũng chống cây sào vào hai vai đẩy trong nắng, trong mưa mà...
Thấy Phú chưa nhận ra, Khung lại phải lên tiếng:
- Khung đây... Khung làng Sơn Hạ đây... Nếu anh đúng là Phú... thì ta là bạn từ hồi còn chơi bi, đánh đáo với nhau ở làng... đây...
Phú nhìn và giơ tay vỗ vỗ nhẹ lên trán. Khi sực nhớ ra, anh vội bật đứng dậy chộp lấy tay bạn nắm chặt, lắc lắc:
- Nhớ... nhớ rồi... Khung lỳ... đúng không?
- Đúng... Khung lỳ, Khung lợm đây... Quỷ đồng Na, ma đồng Rụi cũng chẳng coi ra gì đây... Hì! Hì! (Khung còn định mày tao với bạn, nhưng thấy trước mặt còn có hai người lạ, trẻ hơn Phú, mà dáng cũng khá đĩnh đạc... nên gượm lại)... Còn ông là Phú, có tiếng hiền lành, chăm chỉ, học hành giỏi giang ở làng mà...
Hai cán bộ trẻ tay đã cầm đũa, mà mắt cứ đăm đăm nhìn Khung như cũng vui lây với niềm vui của hai người bạn cũ gặp nhau. Phú nhanh nhẹn chỉ Khung giới thiệu với hai cán bộ trẻ:
- Đây là anh Khung, người bạn từ thời để chỏm ở làng của anh... tình cờ gặp lại đây... vui quá... Bất ngờ quá...
Phú lại quay giới thiệu về hai người với Khung:
- Còn đây là hai cán bộ của lâm trường tôi. Anh em đi thăm một người cơ quan nằm viện. Về qua đây ghé vào ăn trưa... Thôi, nhờ các chú gọi thêm món đi... Khung, ông ngồi xuống cùng bọn tôi đi... Nào mời ông...
Có bốn người mà tiếng chạm cốc cũng cạch cạch, ran ran. Không khí bữa ăn bỗng vui hẳn lên. Phú tươi vui hỏi bạn:
- Cơn gió nào đưa ông lên cái miền rừng núi heo hút, điệp trùng này?
Khung vừa ực ngụm bia, vừa chậm rãi, giọng buồn buồn:
- Chả nói giấu gì ông... Cuộc đời tôi ba chìm, bảy nổi, chín nhấp nhô... lắm. Một lần vợ. Không con. Mấy lần sạt nghiệp. Một lần ngồi bóc lịch... Cuối cùng thì cũng đành phải "nhắm mắt đưa chân" theo cánh chân sào... lên trên này buôn luồng, buôn nứa về xuôi... Họ dưới sông đang xếp luồng nứa, đóng bè... Tôi tranh thủ lên phố thăm thú và kiếm tý "men" cho khuây khỏa... may quá lại gặp ông ở đây...
Khung dừng lời một chút rồi lại hỏi bạn:
- Ông... sau ngày học hết cấp hai ấy thì đi biệt những đâu? Nghe nói tết nhất, rồi thanh minh ông cũng có về... nhưng tôi không được gặp. Thế giờ thế nào rồi mà oách thế?
Một cán bộ ngồi trước mặt liền lên tiếng:
- Giới thiệu với anh... Anh Phú đây là sếp của chúng em đấy ạ...
- Sếp cơ à? Sếp gì thế? Vậy thì mừng quá...
- Dạ... Phó Giám đốc lâm trường... lại sắp được thăng quan tiến chức nữa đấy ạ!
Khung lại như reo lên:
- Chà! Chà! Tuyệt... ông giỏi quá, tiến bộ quá... Còn tôi thì thế này đây... Thảo nào lúc nãy ông không nhận ra là phải... Tôi bây giờ lại có bạn xưa là Phó Giám đốc đấy... Hà! Hà!...
Niềm vui gặp bạn cũ, hơi bia, hơi rượu... đã nhanh chóng xóa đi mọi khoảng cách cấp chức, địa vị. Có thế chứ. Bạn thì vẫn là bạn mà...
Cuộc vui kéo đã hơi dài. Thấy Khung có vẻ đã khướt mướt, Phú liền nói với hai cán bộ:
- Bây giờ hai chú về lâm trường trước nhá! Để tôi ngồi với anh Khung đây chút nữa... Nhớ cuộc họp mai, có cấp trên về dự đấy... Chuẩn bị chu đáo nhá...
- Dạ...
Hai cán bộ trẻ đi thanh toán xong vào chào hai người rồi dắt xe máy ra về.
Quán hàng miền rừng, không đông khách lắm. Phía góc này chỉ còn có bàn Phú và Khung. Tiếp tân bưng ra ấm trà. Hai người lại cùng trà nước trò chuyện. Khung liên tục hỏi Phú:
- Thế bây giờ gia đình, vợ con thế nào rồi? Sống trên này có được không? Chắc công việc bận rộn lắm nhỉ? Có hay về thăm quê không?
Phú gật đầu "Mọi việc đều tốt". Rồi Phú thành thật kể.
*
Ngày ấy bố mẹ mất, Phú phải để lại hai em cho ông bác nuôi, rồi theo ông cậu bên ngoại lên lâm trường miền Tây này. Ông cậu cho đi học trung cấp nông lâm. Học xong Phú về làm cán bộ kỹ thuật lâm trường, rồi được đề bạt lên phó phòng, trưởng phòng. Nay thì đã là một ông Phó Giám đốc chững chạc. Ngày ấy, một lần đi kiểm tra rừng về Phú gặp một cô gái trẻ, người rất hiền lành, xinh xắn... cũng quê dưới xuôi lên. Hỏi ra mới biết cô là đồng hương cùng huyện. Cô bảo cô bỏ chồng, chán đời, nghe nói trên này lâm trường đang tuyển công nhân, mới lần bước lên đây, mong kiếm được chút việc làm. Nhưng chưa gặp được ai. Cô đưa Phú xem giấy tờ tùy thân. Đúng là người chân thực. Phú động lòng thương nhận đưa cô về nói chuyện với ông cậu và Ban lãnh đạo...
Từ đấy cô được vào làm công nhân lâm trường. Cô rất cần cù, chịu khó, ngoan ngoãn, được mọi người tin yêu. Trong khi Phú cũng đã chớm có tình cảm với cô thì lại được ông cậu bảo “Cậu xem cô ấy được cả người, cả nết đấy... anh nên tính chuyện riêng đi...”. Một lần Phú hỏi chuyện chồng con, cô ấy có vẻ ngại ngần khó nói... Biết ý, thế là chả bao giờ Phú động đến chuyện riêng của cô ấy nữa... Rồi anh nghe lời ông cậu ngỏ lời với cô ấy. Cô nhất trí ngay. Thế là nên đôi, nên lứa. Công đoàn Lâm trường đứng ra tổ chức cho. Tuy là đám cưới đời sống mới nhưng cũng khá linh đình... Cô ấy vậy mà không ngờ lại là người rất thông minh, tháo vát và mạnh dạn, nhất là chuyện làm ăn dựng nghiệp.
Gặp thời "mở cửa", thời đổi mới, xóa bỏ bao cấp, lâm trường vận động công nhân nhận thầu đất, khoán rừng... cô liền bàn với chồng nhận năm héc ta đất mở trang trại, xây nhà hàng... khởi nghiệp. Cô ấy lại mạnh dạn vay vốn "Phát triển kinh tế miền núi" đầu tư mở trang trại, trồng cây, chăn nuôi và xây khách sạn. Lúc đầu Phú rất e ngại, do dự... Còn cô ấy lại rất quyết tâm, lo đảm đang mọi việc.
Thế rồi vợ chồng Phú có một trang trại rất to đẹp, quây từng khu, đâu ra đấy. Khu thì chăn nuôi bò, dê. Khu thì lợn, gà, ngan, ngỗng... Khu thì trồng cây, hoa trái trĩu trịt quanh năm... Lại có mấy ao hồ lớn thả cá, nuôi ba ba... Cô ấy thuê người làm. Lúc đầu cũng đến hàng chục người. Ngày một ăn nên, làm ra. Có vốn, cô ấy lại cho xây một khách sạn xinh xắn, bốn tầng. Nay đã có đến hơn hai mươi người làm. Thực phẩm tự cung, tự cấp được hết. Lương người làm, cô ấy trả còn cao hơn lương công nhân lâm trường. Ai cũng vui, hài lòng quyết tâm gắn kết.
Khách sạn của vợ chồng Phú đặt tên là khách sạn Tam Sơn vì ba bề có ba ngọn núi cao vút, mây trắng quanh năm, đẹp đến mê hồn. Giữa ba ngọn núi là một cánh rừng bằng phẳng, cây cỏ xanh tươi, có một con suối chảy giữa, nước trong xanh, hiền hòa. Tiếng suối sớm chiều cứ róc rách trong như tiếng hát xa. Do đó rất thu hút được khách du lịch, nhất là khách du lịch Tây ba lô. Đặc biệt khách rất thích nghỉ lại qua đêm, để còn được ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, đêm rừng thơ mộng... Lại được thưởng thức nhiều món đặc sản đậm đà hương vị rừng núi. Đến là tuyệt... Giờ vợ Phú đã nghỉ việc lâm trường, về làm một giám đốc doanh nghiệp, một tay gánh vác sơn hà, cai quản cái cơ ngơi của mình. Và trang trại, khách sạn của vợ chồng Phú đã là một điểm có tiếng hấp dẫn du khách trong vùng...
Vợ chồng Phú cũng dừng ở hai con. Thằng lớn đi học tiến sỹ Nông học bên Nhật. Cô con gái đang học đại học Nông Lâm, khoa kế toán, tương lai về sẽ làm một kế toán cho bố mẹ.
Khung nghe bạn kể đến đâu, mừng đến đấy và trào những giọt lệ vui từ khóe mắt. Nhưng nghe những chuyện của vợ chồng bạn, Khung lại càng thấy xót xa cho thân phận mình. Khi bạn dừng lời, Khung mới thốt lên:
- Ông... ông thì như thế... còn tôi... tôi... thì...
- Thì sao? Ba mươi năm rồi, chả biết tin nhau, kể cho nghe đi...
Khung bấy giờ mới ngập ngừng nói về mình.
*
Khung là con trai độc nhất trong gia đình, nên được bố mẹ chiều chuộng. Khung chỉ thích ăn chơi. Năm mười tám tuổi, Khung được bố mẹ cưới cho một cô vợ ở xã bên. Cô ấy cũng là người hiền lành, chăm chỉ, tháo vát, biết lo liệu... Thế mà Khung vẫn chê là "quê". Cưới vợ xong, Khung cũng xin được vào làm một chân chạy hàng cho công ty Thương nghiệp huyện.
Một lần Khung vào cửa hàng ăn trên phố, khi đang nâng cốc, thì có một cô gái trẻ, rất xinh tươi bước đến. Thấy Khung ngồi có một mình, ăn diện tươm tất... lại như đang có nỗi niềm, cô liền ngồi xuống cùng bàn và cất giọng bả lả:
- Nỗi niềm chi rứa thế anh... mà ngồi xoay chén buồn tênh một mình? Một cộng với một bằng hai... thế là có đôi... được chớ?
Vừa nói cô ta vừa ngồi ngay xuống bên Khung, cứ như một người thân quen, mặc dù Khung chưa tỏ thái độ gì.
Khung thấy rậm rật trong người. Khung liếc nhìn cô vẻ vừa xa lạ, ái ngại, lại vừa thích thú. Thật là chả bù cho con vợ "quê một cục" ở nhà... Cô ta khuôn mặt trái xoan. Nước da trắng hồng, mơn mởn đường tơ. Mùi mẽ thơm tho. Mái tóc uốn mềm, phiêu bồng, kiều diễm. Bộ ngực rung rinh. Đôi bờ vai căng tròn lại càng cuốn hút. Mùi nước hoa thì sực nức, ngạt ngào như muốn đưa người ta vào cõi mê hồn trận... Thật là cứ như "Liêu trai" xuất hiện. Khung vừa mới ực một hơi bia mà đã thấy người ngất ngây.
Rồi cô ta tự rót bia và tiếp tục lả lơi: “Vợ quê à? Vợ không chiều thì em chiều... Nào xin rót đau lòng ấy sang đau lòng này...”.
Cạch cốc bia xong cô ta cúi xuống vờ gãi gãi dưới chân như thể bị có con gì đốt. Cổ áo cô thật rộng, để lộ cả một đôi gò bồng đảo mây mẩy, núng nính phớt hồng. Khung liếc nhìn vào khoảng trống bộ ngực cô ta mà người như run lên... Có lẽ cô ta chủ vậy. Khi ngẩng lên gặp ánh mắt Khung dán vào bộ ngực của mình thì cô mỉm cười đắc ý.
Rồi cô liên tục nâng cốc chạm với Khung. Cô còn dâng cốc của mình lên tận miệng Khung ép uống chung. Chả mấy chốc Khung đã say đừ.
Đến lúc thấy Khung có vẻ rụt rè rút ví thanh toán với nhà hàng thì cô ta lại nhếch miệng cười:
- Để... em bao... Anh đừng ngại...
Bữa xong, cô dìu Khung về một phòng trọ riêng. Cô bảo "Cứ tự nhiên mà... Em đã biết anh rồi... Một "cán bộ" thương nghiệp như anh thì ngại gì.. Thời buổi lương thực, thương nghiệp lên ngôi mà... Nhưng mà em sẽ bao... Ôkê... Vui vẻ là chính mà...". Căn phòng ấy, gọi là phòng trọ, nhưng cũng khá tươm tất, đầy đủ tiện nghi của một khách sạn cũng khá sang trọng.
Lại một lần chuột sa chĩnh gạo, mà hoàn toàn Khung không biết đó là cái bẫy. Khung chẳng lo... Thương nghiệp lúc ấy... Một đôi lốp Sao Vàng, mươi mét vải ngoại, một cân mì chính, mươi tút thuốc lá thơm, vài đôi dép nhựa Tiền Phong... Với ai, phải ngồi tê đít bình bọt hàng buổi, chứ với Khung thì dễ như nhón tiền trong túi áo... Thế là Khung vui vẻ với cô ta hàng tuần tại căn phòng trọ ấy cứ như vợ chồng tân hôn, mà không hay rồi mình sẽ đi đến đâu.
Sau những ngày ấy, về công ty làm, Khung luôn luôn "nhập nhèm" hàng hóa tuồn ra ngoài, bán giá cao... về cùng cho cô ta vui vẻ. Khi kiểm kê công ty mới phát hiện ra hàng hóa mất mát khá nhiều mà Khung không sao lý giải được. Cuối cùng Khung phải đền bồi đến hơn bảy nghìn đồng (Tiền lúc ấy, lương cán bộ cũng mới năm, sáu mươi đồng một tháng). Khung bị sa thải.
Từ ấy Khung không hề đoái hoài gì đến gia đình nữa. Tuy nhiên, cuối tháng Khung cũng có về qua nhà. Về nhà nhìn vợ Khung đã thấy chán phè. Người đâu mà suốt ngày chỉ lụi cụi với bùn đất, ruộng đồng, với đàn gà, con lợn... chả ngọt nhạt được với chồng một câu. Mồ hôi thì lúc nào cũng đằm vai áo, sặc mùi chua loét. Đến là "quê một cục". Chán, thoáng về, Khung lại lấy lý do bận nên dắt xe thoắt đi ngay.
Lại một chiều khác về, tình cờ Khung bắt gặp vợ đang đứng nói chuyện với một người nam giới, ở gốc đa đầu làng. Khung vin cớ ấy bảo là vợ có tình nhân. Vợ giải thích là gặp một bạn học qua làng, đứng nói chuyện, chứ có gì đâu, mà Khung vẫn nhất định không nghe. Vợ Khung gắt lên "Anh đã có người khác rồi chứ gì? Anh không thiết tôi nữa thì chia tay cho sớm...". Bực thì vợ nói vậy. Chứ chuyện lấy nhau đã khó, mà chuyện bỏ nhau cũng đâu có dễ! Được dịp, lại đang bị cô gái trẻ nọ cuốn hút, Khung cáu lên luôn "Chia thì chia... báu gì cái ngữ độn...". Thế là Khung viết đơn luôn. Đang cơn bực, vợ Khung ký luôn. Ai can cũng không được...
Khung đánh mất khối vàng mười từ đấy. Và chả biết cuộc đời có tìm lại được không, Khung cũng không cần hay biết.
Chia tay vợ, Khung lần về căn phòng thuê ở khách sạn nọ với cô gái trẻ mà anh mới chỉ biết mỗi cái tên, cô bảo cứ gọi em là Liễu Hoa.... Nhưng cô gái kia cũng đã biến mất tăm, mất hút con mẹ hàng lươn rồi. Còn ba chỉ vàng Khung đã gói giấu kín trong chiếc giầy vải để ở đống quần áo cũ trong tủ phòng ấy cũng không cánh mà bay. Hỏi khách sạn tung tích cô ta đâu, thì ai cũng chỉ lắc đầu... Khung tưởng như mình muốn ngất xỉu. Thế đấy, ở đời có nhiều cái chết, nhưng chết vì mù quáng là cái chết đáng đời nhất...
Lại tay trắng bơ vơ, Khung không dám vác mặt về làng nữa. Mấy hôm ôm bụng đói vật vờ chốn thị xã, Khung lại gặp được bọn buôn bán ma túy. Buôn bán, đưa hàng ma túy ra tiền lắm. Khung lại đành nhắm mắt đưa chân, xin nhận cái chuyện chuyển ma túy cho chúng. Khi đã trót lọt được năm vụ, luôn có tiền ngàn trong tay (Tiền lúc ấy) Khung đã tưởng mình sẽ làm lại được cuộc đời. Nhưng chuyện lại vỡ lở. Khung bị bắt quả tang một tối đang đi đưa ma túy đến xóm ngoại thành. Khung bị đưa ra tòa và phải ngồi "bóc lịch" mất hai năm. Ra trại, chưa biết đi đâu, về đâu thì Khung lại gặp được một bọn chuyên đi chân sào, trong đó có một người làng, ở quán nhậu cuối phố. Khung bắt chuyện làm quen và được họ cho đi theo từ đấy...
Nghe xong chuyện bạn, Phú an ủi:
- Thôi, không làm chân sào làm gì cho vất vả nữa... Ông về giúp tôi cái chân bảo vệ, hiện tôi đang cần... Ăn ở, ông không phải lo. Thù lao thì tôi sẽ trả ông gấp đôi bọn họ. Tôi cũng sẽ để ông chức tổ trưởng bảo vệ, thế là không thằng nào ghen tỵ được... Ưng không?
Thế thì còn gì bằng. Đang chết đuối lại vớ được cọc lim, Khung gật đến sái cổ.
Phú mua cho Khung chiếc mũ bảo hiểm rồi nhanh nhẹn đèo bạn về nhà mình.
*
Chả mấy chốc, Phú đã đưa bạn về đến nhà.
Xe ập vào sân. Vừa dừng xe, Phú đã hồ hởi cất tiếng gọi vợ:
- Em ơi... Bà giám đốc ơi... ra đón khách quý này... Khách đồng hương đây...
Từ căn phòng Giám đốc, một phụ nữ còn khá trẻ, xinh tươi, lại rất sang trọng, quý phái, thong thả bước ra. Phú thì lúi cúi dắt xe vào hiên nhà.
Vừa trông thấy vợ Phú, suýt nữa thì Khung thốt lên "Lài". Cũng may Khung đang cùm cụp chiếc mũ xe máy như chiếc nồi cơm điện trên đầu, đến kín cả mặt nên chị ta chưa nhận ra.
Chẳng dám ngẩng mặt lên, Khung thoắt quay lưng chạy vụt ra cổng như có tà đuổi sau lưng.
Khi quay ra, không thấy Khung đâu, Phú vội kêu toáng:
- Bạn anh đâu rồi... Khách đâu rồi... Khung ơi...
Vợ Phú như giật thót mình khi chợt nghe chồng thốt lên tiếng "Khung". Một cái tên quen thuộc đã đi vào thời xa vắng. Một cái tên chị không buồn nhớ đến nữa. Giờ sao lại nghe vang lên ở đây. Thảo nào khi nãy vừa trong phòng bước ra chị đã thấy một cái dáng người quen quen mà chị chưa biết là ai. Rồi chị thoắt tỉnh lại. Chị liền kêu anh bảo vệ chạy đuổi theo...
Nhưng, Khung đã chạy xa, rồi mất hút...
N.B 6-2018
T.T