Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Bạn vong niên - Nguyễn Huy Súc
Bạn vong niên - Nguyễn Huy Súc


Ông Tuân nghe tổng giám đốc báo cáo kế hoạch đưa vào hoạt động nhà máy nước sạch cho khu công nghiệp Mậu Lâm với công suất tám chục ngàn khối mỗi ngày xong, vừa sang đến phần tiến độ thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng, resort và sân golf ở Nha Trang Khánh Hòa thì cô văn thư vào thưa với ông có khách. Khách không đăng ký trước nhưng vì khách là người già đã có quy định của chủ tịch là ưu tiên nên cô văn thư đành mời khách chờ và cô phải vào phòng họp xin ý kiến chủ tịch. “Khách có đăng ký sao không cho bác biết trước?”. “Dạ thưa, khách là một cụ già. Cụ nói từ ngoài Bắc đi vào Nam nhân tiện rẽ qua đây thăm chủ tịch”. Nghe vậy, người ông Tuân nghĩ đến đầu tiên là ông Thành. “Có phải là ông Thành không?”. “Dạ thưa, đúng ạ. Anh thanh niên đi cùng ông cụ bảo cháu vào nói với chủ tịch là có ông Thành Đường Lâm rẽ qua chơi. Nhưng ông cụ xua tay ra hiệu như không cho anh ta nói thêm nên cháu không dám thưa với chủ tịch tên của ông cụ!”. “Được! Để bác ra ngay!”. 
Hai người bạn già ôm lấy nhau ở phòng khách. Một người râu tóc đã bạc trắng như cước, một người tóc còn muối tiêu. “Sao bác không tin trước để em đón bác”. “Đón gì, mất thời gian của chú. Như thế này là đón rồi. Chú đang bận họp à?”. “Dạ! em đang họp Hội đồng quản trị và ban giám đốc để quyết định ngày đưa nhà máy nước sạch vào hoạt động”. “Thế thì ông cháu tôi lại làm mất thời gian của chú rồi”. “Dạ không sao. Còn có anh em. Cậu trợ lý sẽ ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến cuộc họp, em sẽ xem lại và có ý kiến sau... Mời bác vào phòng em”. Vừa ngồi xuống ông Thành đã nói: “Hai ông cháu tôi chuyến này vào thăm vợ chồng anh Đại, anh Khiển và mấy gia đình ở Bản Hâu Nọi trên đường ta từ Buôn Mê Thuột về Nha Trang, lâu lắm mình chưa có dịp vào thăm lại miền quê đó mà chú. Bố mẹ cháu Tuấn bảo nên đi máy bay nhưng cháu Tuấn lại muốn đi một vài nơi nên nó bảo để nó đánh ô tô đi rồi tối đâu ngủ đấy, vừa thăm được nhiều nơi mà lại khỏe”. “Thế để em đưa hai ông cháu đi suối cá Cẩm Lương, thác Ma Hao tiện thể thăm lại các nơi ta ở huấn luyện những ngày trước khi ta B?”. “Để khi ra, tự ông cháu tôi đi là được, chú không phải bận tâm, mất thời gian của chú”. “Hai tháng trước em có vào làm việc ở miền trong. Em đã thống nhất với địa phương cho công ty em tài trợ Quảng Trị xây một trường học ở Đông Hà và mười ngôi nhà cho các gia đình diện chính sách. Trường thì do Tổng công ty em thi công luôn, địa phương giao mặt bằng tổng công ty em sẽ bàn giao công trình, phương thức chìa khóa trao tay. Mười ngôi nhà cho các đối tượng chính sách thì tổng công ty bàn giao tiền cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh chọn đối tượng cụ thể để phân bổ rồi chuyển tiền cho các gia đình làm. Mỗi căn hai trăm triệu!”. “Tôi có nghe mấy anh đi công tác ghé qua nhà nói. Chú tính như thế cũng phải. Trường, mình phải thi công theo mẫu chung của Bộ có tính đến yếu tố vùng miền, còn nhà thì giao tiền để địa phương, bà con họ hàng, anh em thêm vào làm cho sát yêu cầu sinh hoạt của các hộ”. “Mời bác ở lại Thanh tối nay mai hãy đi Vinh”. “Thôi! Để ông cháu tôi vào Vinh, còn sớm mà, vả lại cháu Tuấn đã hẹn với bạn bè nó trong Vinh đặt chỗ và tối nay giao lưu. Khi trở ra tôi sẽ ở lại Thanh đi Lam Kinh, suối cá, thác Ma Hao, Bến En... thăm lại những nơi năm xưa mình huấn luyện trước khi vào Nam!”. 
*
Tiểu đoàn trưởng Trần Thùy nhận kế hoạch tác chiến xong khi sắp bước ra khỏi lán thì trung đoàn trưởng Nguyễn Thành còn hỏi thêm về Nguyễn Chí Tuân: “Cậu Tuân vẫn khỏe chứ? Cứ nằng nặc xin xuống đơn vị chiến đấu, không chịu vị trí liên lạc của trung đoàn”. “Đồng chí ấy giờ là B trưởng B2 của C4. Khỏe. Đánh hăng! Hôm đánh vào cao điểm 504 trung đội của Tuân diệt gọn hai trung đội ngụy có năm cố vấn Mỹ và một trung đội thuộc tiểu đoàn “Bạch Mã” của quân Đại Hàn tăng cường cố giữ cao điểm để bảo vệ thành phố”. “Mình có nghe báo cáo. Tuân và mấy chiến sỹ đang được đề nghị cấp trên công nhận là dũng sỹ diệt Mỹ lần thứ ba”...

Minh họa: Nguyễn Hoàng Linh

Thời gian giữa hai trận đánh sao mà đằng đẵng. Tuân kiểm tra lại mọi chuẩn bị của các tiểu đội rồi trở về vị trí của mình. Bao kỷ niệm của quê hương tràn về làm anh nhớ lại lời dặn của chú anh lúc lên đường: “Cố gắng lên con nhé! Trai thời chiến là phải thế, đừng để cho nước mắt rơi mà bạn bè cười cho. Cầm lấy cái này, của mẹ con bảo chú thím giữ cho con đấy. Giờ thì chú thím đưa lại cho con để con giữ làm kỷ niệm, để nhắc nhở con hành động đúng với sự ngưỡng mộ của bố mẹ con!”. Tuân sờ lên sợi dây bằng bạc mẹ anh gửi lại người chú bảo phải đeo cho Tuân làm khước. Cha Tuân mất vì sốt rét khi đi dân công làm đường tận vùng Cành Nàng - La Hán, thời kháng chiến chống Pháp, rồi mẹ anh cũng qua đời sau đó một tháng khi sinh con em dại, nghe đâu bị băng huyết. Tuân sống với chú thím. Năm 1960 Tuân cùng gia đình chú thím đi định cư ở miền núi Thành Lâm. Chú thím có hai con, thêm Tuân nữa là năm miệng ăn. Chú đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới theo tinh thần “đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Ngày đó kinh tế còn khó khăn Tuân định nghỉ học ở nhà cùng chú thím khai khẩn đồi hoang trồng nhiều ngô sắn. Nhưng chú thím không chịu. Đường đến trường xa nên thím bàn với chú tìm cho Tuân nhà trọ học. Cũng may tìm được nhà gần trường, chủ nhà lại là người gốc gác ở dưới xuôi chuyển lên nên dễ hiểu nhau. Chú gửi gạo cho Tuân ăn cơm cùng gia chủ. Được một tuần thì thím xuống nói chuyện với nhà chủ, được cái vợ chồng chủ nhà cũng thểu thảo, chị vợ bảo thôi thì cứ nhà ăn chi thì ăn nấy. Mới lên đang khó khăn thì có ngô góp ngô, có khoai góp khoai, sắn thì đây ối. Nói vậy thôi chứ cũng trong hoàn cảnh gọi là đi khai hoang xây dựng quê mới nên thím hiểu. Chủ nhật được nghỉ Tuân về cùng chú thím quần quật suốt ngày vỡ thêm những thẹo đất ven suối để trồng lúa nước, gọi là tìm thêm gạo cho giảm độn ngô trong bữa ăn. Chiều chủ nhật phải trở lại trường để sáng thứ hai kịp học. Mỗi tháng thím ưu tiên đong cho Tuân bốn chục ống bò gạo và ba chục ống ngô xay góp với nhà chủ  ăn chắc bụng để còn học, thím bảo thế. Mỗi tuần thím còn dúi thêm cho năm hào để đóng các khoản tiền phát sinh ở trường. Chú bỏ các thứ vào hai cái đãy và lấy một đoạn ống nứa làm đòn gánh, chú quảy ra đến con suối đầu làng giáp dốc Trác chú mới giao lên vai cho Tuân rồi trở về...  
Còn hai tháng nữa mới hết lớp bảy thì có đợt tuyển quân, Tuân khai thêm lên một tuổi để đi khám. Hôm khám Tuân phải nhướng lên khi cô y tá đo chiều cao, bỏ vào hai túi quần hai cục đá nữa mới vượt qua được phòng cân đo...
Tháng trước Tuân đã gửi thư về nhà cho chú thím và các em, phải đến sáu bảy tháng nay Tuân không nhận được thư nhà vì đơn vị chuyển luôn luôn theo lệnh truy kích địch...
Đoàn xe của đơn vị Tuân bò ra từ cánh rừng già ven đường rồi phóng nhanh về phía thành phố. Xe của Tuân đi đầu. Phía sau còn một đoàn dài. Bụi mù mịt cuộn tròn lấy tiếng nổ ầm ầm của xe pháo. Những vệt lửa pháo bắn trả từ trong thành phố ra thưa dần rồi mất hẳn. Xe của Tuân dừng ngay đoạn bắt đầu gặp những nhà thấp xen lẫn nhà cao san sát. “Đây là bắt đầu vô nội thành rồi”, cô chiến sỹ dẫn đường người địa phương mặc bộ đồ đen quấn chiếc khăn rằn trên đầu nói vậy. Tất cả được lệnh xuống xe phối hợp với lực lượng trong thành phố truy kích địch. Từng đoàn quân tỏa ra các nẻo đường, xông vào các tòa nhà công sở, tòa thị chính, nha cảnh sát, nhà máy điện, nhà máy nước... Trong các khu nhà cao tầng vẫn còn có tiếng súng liên thanh. Tuân dẫn đầu một mũi xông vào tòa nhà của Nha cảnh sát. Cửa các phòng mở ra khép vào theo gió. Các loại giấy tờ bay cùng với mùi khét lẹt của khói súng đạn. Có những phòng còn thấy những tiền bạc, dây chuyền bằng bạc, bằng vàng, bằng đá quý... Tuân đứng trước một phòng có cửa khóa, anh giữ chặt súng trong tay, lớn tiếng gọi: “Còn ai trong nớ ra ngay! Ra hàng đi, cách mạng sẽ khoan hồng!”. Không thấy người trả lời. Mấy chiến sỹ đập cửa. Vẫn im lìm. Tuân bảo đồng đội lùi lại rồi anh nhằm khẩu AK vào ổ khóa nhả đạn một loạt, cửa phòng bật tung không thấy thằng lính ngụy nào chỉ thấy nhiều cặp giấy tờ tung tóe và hai ba cái két sắt. Tuân vẫy tay như ra lệnh: “Tìm tiếp ở các phòng!”. Phải đến mươi phút sau Tuân và đồng đội mới soát hết các phòng trên lầu hai, không gặp tên cảnh sát Ngụy nào Tuân ra đầu nhà giương AK nhằm vào két nước của nhà máy nước có hàng rào chung với Nha cảnh sát làm một băng: “Chúng bay còn trốn hả? Ông cho chúng mày chết khát và đi theo cái của nợ này của Mỹ này!”. Băng đạn nổ hết, từ trên lầu hai, Tuân và đồng đội nhìn thấy nước từ trên két nước chảy như có người đổ xối xuống đất. Đại đội trưởng Túy từ lầu ba chạy xuống thấy vậy liền la lên: “Ai bắn vào két nước?” Tuân trả lời: Báo cáo đại trưởng: “Tôi!”. “Ai cho đồng chí làm vậy. Sai rồi! Sao lại bắn vào két nước”. “Tìm mãi không thấy thằng nào, chắc bọn chúng đang trốn đâu đấy thôi, ta phải cắt đường nước uống của chúng!”. “Đây là đâu mà đồng chí lại làm thế. Nên nhớ đây là thành phố, nước uống chung của cả thành phố chứ không phải một đường dẫn nước duy nhất vào đồn giặc như ở bưng ta thường gặp. Bây giờ Mỹ Ngụy chạy rồi còn có dân chứ. Đồng chí làm vậy chỉ có dân chết khát!”. “Đâu mà chả là của bọn Mỹ Ngụy? Tiếc đếch chi cái đồ của Mỹ Ngụy, đại đội trưởng!”. “Sai rồi. Tất cả tài sản, nhà cửa tòa cao dẫy rộng này là của nhân dân. Ta có nhiệm vụ phải bảo vệ! Lấy lại thành phố càng mất ít đạn càng tốt chứ! Tôi lệnh cho đồng chí Tuân cùng các đồng chí tiếp tục truy kích địch, chuyện này nói sau”. “Rõ!”. Tuân chỉ huy cùng đồng đội truy tìm đám tàn quân...
Sau khi tiếp quản thành phố, dựa vào báo cáo của các tổ quan sát diễn biến khi kết thúc chiến sự, ủy ban quân quản có lệnh truy tìm những kẻ lợi dụng lúc tranh tối, tranh sáng phá hoại các công trình công cộng. Nhiều công trình tìm ra là do chủ mưu phá hoại của địch. Riêng chuyện bắn thủng két nước nhiều điểm còn mâu thuẫn giữa kết luận của các tổ quan sát diễn biến chiến sự từ trên cao với dưới mặt đất nên bộ phận theo dõi còn khoanh vòng để có hướng tìm thủ phạm. 
Qua đài phát thanh của thành phố, ủy ban quân quản tuyên bố thành phố đã được giải phóng, các cơ quan xí nghiệp trước kia do chế độ cũ quản lý giờ thuộc về nhân dân lao động. ủy ban quân quản kêu gọi tất cả công chức các cơ quan, công nhân làm trong các xí nghiệp, các nhà máy trở lại làm việc bình thường. Chính quyền mới sẽ ghi công và khen thưởng những ai đã bảo vệ tài sản, máy móc trong khi quân ta truy đuổi đối phương để giành lại thành phố. Chính quyền mới khuyến khích và có chế độ khen thưởng những ai có thành tích, có sáng kiến khôi phục lại các máy móc, thiết bị trong các xí nghiệp, trong các nhà máy hoạt động trở lại. Một số cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị quân đội được điều sang để cùng với đội ngũ công chức chế độ cũ ở lại khôi phục lại mọi hoạt động của thành phố.
Nhà máy nước phía nam thành phố được lệnh khôi phục gấp để cung cấp nước cho gần sáu vạn dân ở các phường phía nam và bộ đội, cán bộ mới vô thành. Một số công nhân cùng các chiến sỹ bộ đội giải phóng tỏa xuống các phường khắc phục những đoạn đường ống hỏng do đạn pháo, do mìn khi giao tranh giữa quân ta với địch. Sự cố nặng nhất là khắc phục thủng két nước trên cao đến hơn bốn chục mét. Kỹ sư của nhà máy đã bỏ chạy trước khi quân ta tiến vào thành. ủy ban quân quản đã phải báo lên cấp trên xin hướng giải quyết. Một phần ba thành phố dân sống trong tình trạng không có hoặc thiếu nước sinh hoạt. Ngoài các xe bồn của ba nhà máy cấp nước của thành phố ra, ủy ban quân quản phải điều động xe bồn của công ty cây xanh và công viên, xe quân sự dùng tăng bạt không ngấm nước tạo thành xe chở nước từ nhà máy nước phía Bắc và nhà máy nước Nhơn Triều về cấp cho mỗi người năm lít mỗi ngày. Những hộ của các phường gần sông chính quyền cho bộ đội cùng cán bộ y tế xuống từng hộ phát thuốc lọc khử khuẩn để nhân dân lấy nước sông dùng tạm, có một điều khó là nhiều đoạn sông ô nhiễm, đổi màu nước vì xác động vật, có khi cả xác người chết dưới sông khi giao tranh ta chưa tìm được. 
... Tuân gầy rộc đi, đôi mắt sâu hoắm. Anh bỏ cơm hai ngày liền và đến ngày thứ ba anh lên gặp đại đội trưởng báo cáo để lên gặp tiểu đoàn trưởng Trần Thùy xin được ra nhận tội bắn vào tháp nước. Nghe Tuân báo cáo xong, tiểu đoàn trưởng Trần Thùy ngồi suy nghĩ hồi lâu rồi anh gọi dây nói báo cáo lên đại tá Nguyễn Thành giờ đã là Chính ủy sư đoàn. Nhận được điện thoại chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, ô tô của Chính ủy Nguyễn Thành đã táp ngay đến tiểu đoàn bộ. Ông nói với thiếu tá Trần Thùy: “Một trung đội trưởng đang là nguồn đại đội trưởng đã nhiều lần là dũng sỹ diệt Mỹ, hướng của sư đoàn là đồng chí Tuân sẽ tham gia đoàn cán bộ và chiến sỹ tiêu biểu đi báo công ngoài quân khu sắp tới, thế mà lại vướng vào chuyện này. Vô tình chiến sỹ đi cứu mạng nhân dân lại dính vào tội làm cho hàng vạn người dân gặp khó khăn vì nước uống trong những ngày đầu thành phố mới được giải phóng!”. “Chung quy lại là sự bồng bột, thiếu hiểu biết trong nhận thức, lại gặp lúc mối thù đối với bè lũ cướp nước và  bán nước lên đến cao độ, nó đã lấn át những suy nghĩ cái gì nên cái gì không; cái gì của ta, cái gì không ta!”. Thiếu tá Trần Thùy nghẹn ngào sau một tiếng thở dài. “Báo cáo các thủ trưởng tôi có tội với nhân dân xin cho tôi được nhận tội!”. Đại tá Nguyễn Thành nhìn Tuân, ông không nói được gì thêm trước người chiến sỹ đã gắn bó với ông những khi nguy cấp, đã chuyển lệnh của ông xuống các đơn vị chiến đấu và đưa những báo cáo của ông lên chỉ huy cấp trên, nước mắt ông trào ra, ông ôm lấy Tuân: “Phải thế thôi em à, không có con đường nào khác! Anh và thiếu tá Trần Thùy rất đau khi em ở trong tình cảnh này, nhưng các anh thấy vững lòng khi tự em đã xác định được tội lỗi của mình trước dân!”. 
Ngay chiều hôm đó quân pháp đã đưa Nguyễn Chí Tuân lên ủy ban quân quản thành phố. 
Sự cố thủng tháp nước được khắc phục xong, đưa nước về đến từng hộ, cuộc sống nhân dân được khắc phục dần. 
Một tháng sau đó tòa án quân sự được xử lưu động công khai tại khu đất rộng trước nhà máy nước. Sau khi nghe bị cáo trả lời những câu hỏi của quý tòa và tham khảo ý kiến của viện kiểm sát quân sự, của các luật sư bào chữa, bản luận tội có điểm đến hoàn cảnh xuất thân của bị cáo, đến học lực và trình độ nhận thức, đến thành tích trong chiến đấu và cân nhấc thời điểm dẫn đến tội lỗi của bị cáo. Chủ tọa phiên tòa tuyên án bị cáo Nguyễn Chí Tuân lĩnh án sáu tháng tù giam. Nhiều cánh tay của nhân dân dự phiên tòa giơ lên xin giảm tội cho bị cáo nhưng không được. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng. Kỷ luật quân đội không có vùng cấm! Có công được thưởng, có tội phải bị nghiêm trị.
... Sáu tháng chấp hành án, Nguyễn Chí Tuân có nhiều tiến bộ. Hôm anh được trả tự do, chú thím anh từ Bắc vào, xe của đại tá Chính ủy Nguyễn Thành và trung tá Trần Thùy chờ ngoài cửa trại giam. Thấy Tuân từ bên trong cổng trại giam bước ra trong bộ đồ bà ba mầu nâu với chiếc khăn rằn vắt vai, mọi người mừng hết đỗi. Chú thím của Tuân nước mắt giàn giụa. Trung tá Trần Thùy đưa cho anh bộ quần áo Tô Châu mới tinh khoác lên bên ngoài chiếc áo bà ba. Xe của Chính ủy Nguyễn Thành đưa chú thím và Tuân về sư đoàn bộ. Anh em trong trung đội cũ của Tuân giờ nhiều người trở thành chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, mỗi người mỗi đơn vị, họ bấm đốt ngón tay tính ngày Tuân được ra trại nên tề tựu về đón anh. 
Tuân về ngoài Bắc cùng chú thím. Các bạn bè của Tuân chuẩn bị cho anh những món quà về quê. Những bộ quần áo, tăng võng cũ có mới có do đồng đội gom lại làm hành trang cho Tuân trở về quê đầy đủ như một chiến sỹ bận giải quyết những việc hậu chiến nay mới có dịp trở về thăm nơi chôn rau cắt rốn. 
Về quê, việc đầu tiên là Tuân đến trình diện tại ủy ban hành chính xã. Chính quyền địa phương đã được thông báo trước về hoàn cảnh của Tuân nên những phòng đều hồ hởi hỏi thăm sức khỏe của anh. Ngay khi Tuân về, Bích Nụ bạn học cùng lớp với Tuân giờ đã là trung cấp nông lâm đang là trại trưởng trại chăn nuôi của hợp tác xã, đến đón anh và cùng anh vui với bạn bè. Ông chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp đề nghị Tuân ra làm tại trại giống của hợp tác. 
Tuân nghỉ thăm bà con một tuần rồi ra trại giống làm việc. Hôm anh đang dự lớp tập huấn đầu bờ ngay trên trà lúa giống mới của anh phụ trách thì Bích Nụ ra báo cho anh về có khách. Hóa ra là thủ trưởng Thành. Đại tá Thành nhân ra Bộ Quốc phòng làm việc rẽ về quê Tuân đặt vấn đề với địa phương để Tuân được đến trường bồi dưỡng văn hóa của quân khu học văn hóa. Đại tá chính ủy đứng ra bảo lãnh cho Tuân được đi khỏi nơi cư trú để đi học. Kinh phí ăn học do chính đại tá Thành cùng một số sỹ quan trước cùng đơn vị với Tuân đài thọ bằng lương tháng của họ. Thế là Tuân lại tạm biệt chú thím, các em và bạn bè, đặc biệt là Bích Nụ để đi học. 
Hơn một năm sau Tuân tốt nghiệp lớp mười và thi vào đại học.
Trở về quê chờ kết quả thi đại học Tuân xây dựng gia đình với Bích Nụ. Trại chăn nuôi do Bích Nụ phụ trách đã thành công trên lĩnh vực lai tạo và nhân các giống lợn. Bích Nụ cũng thi đậu vào hệ chuyên tu của trường đại học Nông nghiệp I. Tuân đạt điểm cao, là thủ khoa đầu vào của trường đại học Bách khoa, khoa cơ điện. 
Vợ chồng Tuân thuê nhà trọ khu xóm ven đê sông Hồng. Sáng Tuân đạp xe đến trường Bách khoa, còn Bích Nụ nhờ có người anh làm phó giám đốc nhà máy cơ điện Hữu Nghị bên Đông Anh lo cho một suất đi theo xe tuyến đưa đón công nhân nhà máy nên sáng sang trường chiều về nhà đều có xe. Ngoài giờ học Tuân đóng thêm than tổ ong đi giao cho các quán. Bích Nụ được một người chị họ giới thiệu cho nhận len về móc mũ cho mấy bà buôn ở chợ Đồng Xuân. Học về, hai vợ chồng nấu ăn quáng quàng rồi ai vào việc nấy cho đến chín giờ tối với ngồi vào bàn học bài. Vào dịp nghỉ hè năm thứ hai, Bích Nụ đến cữ sinh em bé. Thím lên Hà Nội đón cô về sinh ở quê. Hai tháng nghỉ đẻ ở nhà, Bích Nụ trở lại trường học năm cuối. Hết thím rồi mẹ Bích Nụ ra chăm cháu. Tuân không đóng than tổ ong nữa mà đi làm công trình điện với các thầy, thu nhập khá hơn nhiều công việc đóng than tổ ong.  
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, Tuân được về công tác tại điện lực thành phố. Việc cải tạo lại lưới điện bị xuống cấp do thời gian, do chiến tranh, do phát triển thêm các hộ trong khu dân cư, do các hộ chuyển nhượng đất cho nhau làm phát triển tự phát thêm các điểm dân cư mới đẻ ra chuyện mọc thêm những đường điện, trộm điện... Công tác quản lý và cải tạo mạng điện cần phải cấp bách và gặp muôn vàn khó khăn. Tuân cùng anh em trong phòng đã kiên trì trình bày lên thành phố việc áp dụng những phương án tạo nguồn vốn để cải tạo mạng lưới điện tương đối hoàn chỉnh. Lượng thất thoát điện trên đường tải giảm dần, đặc biệt nạn trộm cắp điện gần như không còn. 
Bích Nụ ra trường được giữ lại làm việc tại trại thực nghiệm giống của trường. Hai vợ chồng mới lo ổn định được đất và mấy gian nhà cấp bốn thì Tuân lại phải đi tu nghiệp thêm ở trường đại học Lomonosov ở Liên Xô. Với bằng tiến sỹ, về nước được một năm sau anh đảm nhận vị trí giám đốc sở điện lực thành phố thay cho người tiền nhiệm đến tuổi nghỉ chế độ. Trong thời gian ở Liên Xô anh gặp lại một số đồng đội, người thì hướng dẫn đoàn hợp tác lao động, người thì làm việc ở ngoại giao đoàn, về nước có điều kiện đi nhiều nơi anh lại gặp lại những bạn bè cũ, thành ra khi anh được về nghỉ chế độ anh đã cùng mấy người bạn mở công ty thiết kế và thi công chuyên ngành điện nước. Dần dà công ty của anh phát triển thành tổng công ty kinh doanh đa ngành nghề: Vật liệu điện, thiết kế và thi công các mạng điện; khai thác, cung cấp nước cho các khu công nghiệp và các khu dân cư, vật tư ngành nước, nhà đất, nhà nghỉ, khách sạn, vận tải, khai khoáng, nhưng mạnh nhất vẫn là lĩnh vực cung cấp nước sạch cho các khu dân sinh và các cụm công nghiệp.
*
Tiễn ông Thành ra xe, ông Tuân quay về phòng làm việc thì người thư ký đã chờ sẵn để báo cáo diễn biến cuộc họp khi vắng ông: Báo cáo chủ tịch việc khai trương nhà máy nước khu công nghiệp Mậu Lâm đúng dự kiến,  ngày 10 tháng 5, nhằm ngày Nhâm Thìn, tháng Quý Hợi, cắt băng lúc 9 giờ 5 phút; Bổ sung kỹ sư Tiến vào phòng cung ứng và xuất nhập khẩu vật tư. Tăng cường thêm kỹ sư Thu Thủy và kỹ sư Ngọc Liên cho tổ các dự án nhà nghỉ và resort ở Nha Trang. Kế toán trường Tuyết Mai về làm tại văn phòng Tổng công ty... Tất cả các ý kiến phân tích em có ghi lại đây để chờ ý kiến quyết định của Chủ tịch. Người thư ký đưa cái USB vào máy tính, tua đến phần ông Tuân không dự được vì bận tiếp ông Thành rồi ngồi chờ trả lời những câu hỏi của ông Tuân.
Ông Tuân chăm chú nghe lại từng lời phát biểu của các thành viên và những điểm cốt lõi kết luận của tổng giám đốc.
Ngoài hiên, một làn gió mồ côi thoảng qua đưa mùi thơm của hoa lộc vừng vào trong phòng làm ông nhớ đến hương thơm của mùi hoa sữa trên đường Nguyễn Du ở Hà Nội những năm đầu thời sinh viên, đêm đêm ông thường đạp xe đi giao than tổ ong cho các quán nước trên vỉa hè các phố ven hồ Hale. Mới đó mà đã hơn bốn mươi năm trôi qua, trên đầu ông mái tóc bạc còn ghi bao kỷ niệm nghĩa tình của chú thím, của bạn bè đồng ngũ đã cưu mang ông lúc khó khăn để ông vững bước trụ được với cuộc sống, trong đó có những người bạn vong niên như Thiếu tướng Nguyễn Thành. Hai anh em sinh đôi, bé ra trước khóc tiếng chào đời trước bé ra sau một phút vẫn được làm anh, đằng này Thiếu tướng Nguyễn Thành hơn Tuân tới một giáp, đại tá Trần Thùy hơn anh bảy, tám tuổi, họ lại được tôi luyện qua trận mạc rồi thành những người chỉ huy. Với Nguyễn Chí Tuân, may mắn là anh gặp được những người bạn vong niên như thế.
            

Thu 2018
              N.H.S

    
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 70
 Hôm nay: 3078
 Tổng số truy cập: 13603339
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa