Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Mùa lộc vừng thay lá - Đào Hữu Phương
Mùa lộc vừng thay lá - Đào Hữu Phương

1. Bình vừa thực hiện xong cuộc phỏng vấn một phó chủ tịch phường thì nhận được điện thoại của đồng nghiệp nhắn về tòa soạn có việc gấp. Anh vội lên xe về cơ quan ngay. Vừa bước vào phòng khách Bình ngạc nhiên thấy chị dâu đang ngồi chờ, vẻ rất sốt ruột. Bình lên tiếng: “Kìa chị. Chị ra lâu chưa?”. Hà đứng dậy, nhìn Bình run run nói: “Tôi vừa xuống xe. May quá. Chỉ lo không gặp được Bình”. “Chị ra chơi hay tìm tôi có việc gì thế? ở nhà bố mẹ và anh An có khỏe không?”. “Bố mẹ vẫn khỏe. Còn anh An thì...”. Hà bỏ dở câu trả lời. Bình linh cảm có chuyện gì bất ổn vội giục chị dâu: “Thôi, để tôi đưa chị về nhà trọ đã”. Bình mượn thêm chiếc mũ bảo hiểm đưa Hà đội rồi giục chị dâu lên xe. Vừa bước vào căn phòng nhỏ Hà đã ngồi xuống giường bưng mặt khóc rấm rứt. Bình lo lắng hỏi: “Kìa chị. Có chuyện gì nghiêm trọng không?”. Hà thổn thức hồi lâu rồi mới nói, giọng đầy trách móc: “Bình có bận lắm không mà đằng đẵng mấy năm không về để bố mẹ ngày nào cũng nhắc? Anh An thì biệt tích từ hai năm nay rồi”. Bình giật mình: “Hai năm? Nghĩa là từ sau ngày anh chị làm đám cưới?”. “Vâng! Anh ấy chở hàng lên Lạng Sơn rồi ở tịt luôn trên ấy”. Bình ngạc nhiên: “Hàng gì? Chở cho ai? Sao vừa cưới vợ mà đã vội đi làm thế? Chị nói rõ hơn xem nào?”. Hà kể: “Chúng tôi vừa tổ chức xong lễ cưới hôm trước thì hôm sau ông chủ xe nhận được một hợp đồng chở hàng lên cửa khẩu Lạng Sơn. Ông ấy hứa trả công rất cao nên anh An và một lái xe nữa đã nhận lời cùng đi. Năm ngày sau chỉ có ông chủ và anh kia về. Họ bảo anh ấy ở lại tìm việc làm rồi sẽ về sau. Nhưng hết tháng vẫn không thấy về. Người lái xe đã chạy thêm mấy chuyến lên biên giới nhưng vẫn không gặp anh ấy. ít ngày sau thì tôi nhận được tiền anh ấy gửi qua đường bưu điện. Trong lá thư gửi kèm anh ấy chỉ dặn tôi dùng số tiền ấy để chi tiêu và bồi dưỡng cho bố mẹ còn tuyệt nhiên không đả động gì đến lý do mình ở lại. Từ ngày ấy đều đều tháng nào anh ấy cũng gửi tiền còn thư thì lâu lâu mới có. Mà có viết cũng chỉ đôi ba dòng nhắc tôi giữ gìn sức khỏe và quan tâm chăm sóc bố mẹ”. “Số tiền anh ấy gửi về có nhiều không? Gửi từ bưu cục nào?”. “Mỗi lần ít cũng năm triệu. Còn nơi gửi thì thay đổi liên tục”. Lạ thật! Linh cảm của người làm báo khiến Bình chợt thấy bất an khi nghĩ đến chuyện anh mình có thể đã sa vào một băng nhóm xã hội đen nào đó trên vùng biên ải. Anh hỏi: “Vậy bố mẹ có nói gì không?”. “Bố mẹ rất buồn. Tôi chắc là anh ấy đã lấy vợ vì trong lần gửi tiền gần đây nhất anh ấy còn gửi cho tôi cái này”. Hà vừa nói vừa lấy trong túi xách một tờ giấy đưa cho Bình. Bình mở ra xem rồi thốt lên: “Đơn li hôn! Thế này thì quá thật. Chắc là ông tướng lấy vợ trên ấy thật rồi! Bây giờ chị định tính sao? Bố mẹ đã biết chuyện này chưa?”. “Tôi chưa cho bố mẹ biết. Tôi định đi Lạng Sơn tìm bằng được anh ấy để nếu anh ấy đã lấy vợ thật thì cũng phải ba mặt một lời cho ra nhẽ!”. “Lên Lạng Sơn tìm chồng? Chị biết một năm có bao nhiêu đàn bà con gái đã bị bọn buôn người lừa gạt đưa lên vùng đất ấy để bán qua biên giới không?”. Hà lau nước mắt, nói: “Tôi biết! Nhưng tôi cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi ra đây là để nhờ Bình cùng lên trên ấy với tôi!”. Bình đặt lá đơn li hôn xuống bàn, nhìn chị dâu ái ngại: “Trên ấy phức tạp lắm. Thà như biết nơi ở của ông ấy rồi thì không nói làm gì, đằng này... biết ông ấy ở chỗ nào mà tìm. Thôi, thế này vậy. Chị nghỉ lại đây cho lại sức rồi mai tôi đưa ra xe về quê. Việc đi tìm anh ấy để tôi lo”. Hà tỏ ra nôn nóng và rất cương quyết: “Tôi không về đâu. Bình cứ để tôi cùng đi. Nhất định tôi phải tìm bằng được anh ấy”. Bình lắc đầu. “Không được! Lên trên ấy tìm người không đơn giản như chị nghĩ đâu. Chị cứ yên tâm mà về đi. Tôi sẽ xin Tổng Biên tập cho lên Lạng Sơn công tác một hai tuần, như vậy mới có giấy tờ hợp lệ và điều kiện để mà đi lùng sục các ngõ ngách may ra mới tìm ra anh ấy”. Nghe Bình nói có lý, Hà đã phần nào yên tâm. “Vậy cũng được. Bình cố gắng giúp tôi. Ba giờ chiều còn chuyến xe muộn, tôi về luôn đây”.
Không giữ được Hà ở lại, Bình đành đưa chị dâu ra bến đón xe về quê.
2. Cả đêm Bình thao thức không tài nào chợp mắt được. Anh không ngờ cơ sự lại ra nông nỗi này. Bình giận anh trai mình bao nhiêu thì lại càng thương chị dâu bấy nhiêu. Hà vẫn đẹp như ngày xưa, một vẻ đẹp dịu dàng khiến Bình đã phải nhiều đêm mất ngủ. Kỷ niệm những ngày còn ngồi ghế nhà trường lại trở về trong kí ức anh...
Lên trung học phổ thông, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, Bình phải xuống thị trấn để nhập học. Không như các lớp đại trà, thường chỉ tập trung học sinh một hai xã, lớp 10A, lớp chọn của khối lại có mặt hầu hết học sinh của cả tám xã và thị trấn trong vùng. Nhiều đứa nhà cách trường tới hơn chục cây số. Là lớp trưởng, Bình có điều kiện tìm hiểu và quan tâm đến hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp. Trịnh Thị Hà, cô nữ sinh có khuôn mặt dịu dàng và đôi mắt sáng nhưng lúc nào cũng ẩn chứa một nét buồn nằm trong số những học sinh ở xa trường nhất. Quê Hà được xếp vào diện vùng sâu, vùng xa của huyện, đó là làng Chủa, tên gọi cổ là Chủ Sơn còn sử sách gọi là Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương, trấn Thanh Hoa xưa. Nhà Hà cách trường tới 15 cây số nhưng chưa một buổi học nào Hà đến lớp muộn, kể cả những ngày mưa gió, dù phương tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp thống nhất nữ đã cũ. Hoàn cảnh gia đình Hà rất éo le. Bố Hà là thương binh, còn mẹ Hà là cựu Thanh niên xung phong, ốm đau luôn nhưng cho đến giờ ngoài cái kỷ niệm chương bà vẫn chưa được hưởng bất cứ một chế độ nào do giấy tờ gốc không còn lưu giữ được. Hà là học sinh duy nhất không đăng ký học thêm của các thầy cô, bù lại trong lớp Hà rất tập trung nghe giảng và làm bài đầy đủ ở nhà nên điểm số của tất cả các môn học bao giờ cũng cao. Cô giáo chủ nhiệm thường lấy Hà làm tấm gương để cho cả lớp học tập. Với mong muốn lớp 10A không chỉ là lớp có nề nếp và chất lượng học tập cao nhất trường mà còn là một tập thể gắn kết tình bạn của bốn mươi học sinh nên Bình chủ động bàn với các bạn sẽ lần lượt tổ chức mừng sinh nhật cho tất cả mọi người. Đến lượt mình, Bình xin phép bố mẹ cho tổ chức một sinh nhật đơn giản và ấm cúng để giới thiệu gia cảnh của mình với bạn bè. Thật may hôm ấy lại đúng vào chủ nhật nên Bình hi vọng thế nào các bạn cũng có mặt đông đủ, nhất là Hà, người bạn gái mà Bình đặc biệt quan tâm và quý mến. Hà đã không làm Bình thất vọng. Tuy không đến sớm như các bạn, nhưng Hà còn mang đến cho buổi sinh nhật một không khí thật đặc biệt, dân dã và đầm ấm với những bông hoa xuyến chi mới hái còn ướt sương đêm và cây lộc vừng non Hà hứa sẽ tặng Bình. Hôm ấy cả bố mẹ và anh trai Bình cũng ở nhà nhưng mọi người chỉ góp mặt ít phút để tặng quà sinh nhật và cảm ơn sự có mặt của bạn bè Bình rồi mỗi người viện một lí do rút lui để lại toàn bộ không gian và thời gian cho Bình và bạn bè ca hát, trò chuyện. Bình vô cùng biết ơn bố mẹ và anh trai. Nhưng chỉ sau đó vài tiếng, khi cả nhà quây quần bên mâm cơm thì chuyện hi hữu đã xảy ra. Mẹ nhìn mấy bông hoa xuyến chi rồi nhìn Bình hỏi:
- Cô bé tặng con mấy bông hoa xuyến chi này tên là gì, ở xã nào vậy? 
Bình được dịp khoe với cả nhà:
- Bạn ấy là Hà, ở tận làng Chủa trong Xuân Thắng. Làng Chủa là quê bà Trịnh Thị Ngọc Thương, thân mẫu Đức Thái tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi đấy mẹ ạ! Hà học giỏi lắm! Nhưng nhà lại rất nghèo. Bố bạn ấy là thương binh, mẹ là cựu thanh niên xung phong nhưng không được hưởng chế độ gì...
- Vậy ư? - Mẹ suýt xoa - Từ trong ấy mà nó ra tận đây dự sinh nhật con thì nhiệt tình thật. Mẹ rất thích mấy bông xuyến chi. Lâu lắm rồi hôm nay mẹ lại mới được ngắm loài hoa đặc trưng của vùng bán sơn địa ấy. Nhìn nó mẹ lại nhớ những năm tháng tuổi trẻ của mình. Mẹ đã có gần chục năm dạy học ở cái xã miền núi ấy...
- Mẹ! - Anh An nãy giờ ngồi chống đũa nghe mẹ và Bình nói chuyện giờ mới lên tiếng - Con nghĩ thế này! Mẹ không những đã mê mấy bông hoa rừng mà còn rất thích cô gái đã tặng hoa cho em Bình. Con cũng thế! Vậy thế này. Em Bình sẽ giữ cây lộc vừng làm kỷ niệm cho riêng mình và tặng lại mẹ mấy bông hoa xuyến chi, còn con hứa với mẹ trong một tương lai gần sẽ đưa Hà về làm dâu mẹ.
- Cái thằng! - Bố trừng mắt, quát - Chỉ được cái tào lao...
- Con nói nghiêm túc đấy! - Anh An vẫn câng câng - Con hứa với bố mẹ sẽ chinh phục bằng được trái tim cô ấy!
Bình không lạ gì tính khí ông anh trai của mình. Một khi anh đã thích làm việc gì thì bằng mọi giá sẽ quyết tâm làm bằng được. Ví như việc chọn nghề lái xe. Ngay từ đầu năm học lớp 12 anh đã tuyên bố với cả nhà là tốt nghiệp trung học phổ thông anh sẽ không thi đại học để tập trung cho ý nguyện cả đời của mình là trở thành một lái xe giỏi. Và rồi anh đã thực hiện mơ ước ấy. Chỉ không lâu sau anh đã có trong tay tấm bằng lái hạng E, có thể lái được cả xe tải trên mười tấn và xe khách. Những ai thuê anh đều trả lương rất hậu. Bố mẹ đã nhiều lần gợi ý anh chuyện lập gia đình nhưng không thấy anh đả động gì vì chưa tìm được người ưng ý. Vậy mà, đùng một cái hôm nay chỉ mới gặp và nhìn qua cô nữ sinh lớp mười anh đã say như điếu đổ. Thấy Bình ngồi thừ bên mâm cơm, anh trở đầu đũa chọc vào hông, hỏi kháy:
- Thế nào, thằng em? Suy nghĩ gì mà thừ người ra thế? Hay là muốn giữ lại cho mình? Anh nói thật nhá. Nếu có ý ấy thì nên dẹp đi! Bất quá em cũng chỉ hơn cô ấy vài tháng tuổi, không thể gọi là muội muội được. Phải là tẩu tẩu! Hãy tự nguyện “thiết kế” cho anh đi! Anh sẽ rất biết ơn và hậu tạ!
Bình cười:
- Chỉ sợ anh không chờ được thôi. Cô ấy còn ba năm trung học, bốn đến năm năm đại học mới có tấm bằng để đi tìm việc làm. Liệu lúc ấy...
- Khỏi lo đi em trai! Không lâu đến thế đâu! Chỉ năm năm nữa là cô ấy đi làm rồi. Ngày xưa mẹ mình chẳng phải cũng học giỏi có tiếng trong huyện đấy ư? Nhưng mẹ có chọn cho mình con đường vào đại học đâu mà lại đi trung cấp Sư phạm. Con đường ấy nó ngắn, hợp với những người có hoàn cảnh khó khăn như mẹ ngày ấy, như cô ấy bây giờ. Đấy rồi em xem!
Cả nhà cười vang vì cái kiểu suy luận và nói năng bổ bã của anh. Rồi mỗi người một việc, không ai quan tâm đến chuyện ấy nữa. Bình tập trung cho việc học. Riêng tình cảm với cô nữ sinh cùng lớp Bình tỏ ra thận trọng, xưng hô đúng mực và quan tâm nhiều hơn mỗi lần gia đình Hà gặp khó khăn. Có một điều kì lạ là ba năm sau khi cả lớp háo hức bàn chuyện chọn trường để nộp hồ sơ dự thi đại học thì duy nhất trong lớp chỉ có mình Hà nộp hồ sơ thi trung cấp Sư phạm. Không chỉ bạn bè mà cả cô giáo chủ nhiệm và Ban Giám hiệu nhà trường đều rất ngạc nhiên vì với thành tích học tập của Hà, việc thi đỗ một, hai trường đại học thuộc đại học Quốc gia là điều chắc chắn trong tầm tay. Vậy mà...
Bình thi đỗ khoa Báo chí một trường đại học. ở Hà thành Bình không biết bằng cách nào mà tuần nào cứ đến chiều thứ bảy anh trai mình lại đánh cả cái xe tải kềnh càng đến đậu gần lối rẽ vào trường trung cấp Sư phạm để đón Hà về quê. Như trong thư Hà kể thì thùng xe hôm thì chẳng có thứ gì nhưng có hôm lại chất đầy hàng. Mọi sự diễn ra tiếp theo đúng như câu chuyện tào lao anh nói với cả nhà lần sinh nhật Bình năm học lớp 10. Hai năm sau Hà tốt nghiệp và về quê đi dạy. Giữa học kỳ một năm thứ ba Bình nhận được thư anh trai báo về dự đám cưới. Người con gái anh chọn không ai khác mà chính là Hà. Bình vừa mừng vừa buồn. Mừng vì anh trai đã lấy được vợ. Buồn vì cảm thấy như vừa bị anh lấy đi một thứ quý giá nhất của đời mình. Ngày vui của anh, lấy lí do phải tập trung cho việc học tập Bình đã không về. Bình nghĩ có thể từ nay Bình sẽ rất ít về quê vì trong trái tim anh, hình bóng Hà không làm sao tan đi được.   
3. Lên Lạng Sơn, việc đầu tiên Bình phải làm là ổn định nơi ăn nghỉ rồi đến báo Xứ Lạng tìm gặp một bạn học cùng khóa hiện đang là phóng viên của báo để nhờ bạn giúp đỡ. Thật may cho Bình vì hôm ấy bạn anh cũng có mặt ở cơ quan. Sau ít phút hàn huyên vì lâu ngày mới gặp lại, Bình nói mục đích chuyến đi của mình và đề nghị bạn tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Bạn anh sốt sắng nói:
- Mình biết hai năm trước trên này có một nữ giám đốc tuyển được một lái xe cao to, đẹp trai rồi cặp bồ luôn. Bây giờ hình như họ đã có với nhau một đứa con. Bọn mình thử đến chỗ ấy xem.
Chỉ sau hơn mười phút chạy xe máy, hai người đã đến trước trụ sở một công ty trách nhiệm hữu hạn. Cùng lúc ấy từ trong công ty một chiếc Toyota lăn bánh lao ra. Bạn anh vòng lại bám theo. Chiếc Toyota chạy thẳng lên cửa khẩu. Đến trước công sở Hải quan thì dừng lại. Cửa xe bật mở, một quý bà xuống xe đi thẳng vào cơ quan. Lúc sau lái xe cũng mở cửa thập thững lại quán nước gần đấy ngồi. Bình hồi hộp nói:
- Đúng anh ấy rồi. Cậu ở đây chờ mình một lúc.
Bình đi thẳng vào quán, đến ngồi trước mặt anh trai. 
- Kìa Bình! Em làm gì trên này thế? Đi viết báo à? - Anh trai Bình giật mình hỏi.
Bình đặt lá đơn li hôn lên bàn, nói:
- Tôi lên đây vì cái này!
An mở lá đơn ra xem, hỏi:
- Em về nhà hôm nào?
- Tôi chưa về! Cái này là của chị dâu đưa...
- Hà ra Hà Nội làm gì?
- Chị ấy ra nhờ tôi đưa lên đây để tìm anh...
An dớn dác nhìn quanh, mặt biến sắc:
- Thế... cô ấy đâu?
- Tôi bảo chị ấy về rồi! Một mình tôi đi là đủ.
An đã lấy lại bình tĩnh. Anh lấm lét nhìn vào công sở cơ quan Hải Quan rồi nhìn đồng hồ, nói:
- Cô ấy sắp ra rồi. Em cho anh số điện thoại, nửa giờ sau anh sẽ liên lạc lại.
- Vậy anh không mời tôi đến nhà thăm chị dâu và cháu à?
- Kìa Bình! Thông cảm cho anh. Bây giờ chưa phải lúc. Lát nữa gặp nhau anh sẽ nói hết mọi chuyện.
Bình ghi số điện thoại và địa chỉ nhà nghỉ đưa cho An rồi đứng dậy, nói:
- Anh đừng để tôi phải chờ lâu đấy!
Bình không phải chờ lâu. Hơn hai mươi phút sau An đã có mặt ở nhà nghỉ. Vừa ngồi xuống ghế An đã ôm đầu nguyền rủa mình:
- Anh là thằng đàn ông khốn nạn! Anh đã phản bội tình yêu của Hà và làm bố mẹ thất vọng...
Bình xua tay, ngắt lời anh:
- Thôi! Khỏi cần than thở những chuyện ấy. Anh vào đề luôn đi! Mà trước hết hãy trả lời tôi câu hỏi này đã. Lần tổ chức đám cưới bố mẹ có đỡ cho ít nào không? Anh chi tiêu thế nào mà mới cưới vợ hôm trước, hôm sau đã phải đi làm cho người ta? Cần tiền đến thế kia à?
- Đâu phải vì chuyện tiền nong. Chuyện là thế này. Hà là cô gái quá chú trọng chuyện giữ gìn trinh tiết. Cô ấy kiên quyết bắt anh phải chờ đến ngày cưới. Nhưng đúng vào ngày ấy thì cô ấy lại gặp chuyện của đàn bà. Anh ngán quá. Đúng lúc ấy thì có người đến khẩn khoản nhờ anh và một lái xe nữa chạy cho một chuyến lên cửa khẩu Lạng Sơn. Anh tính cả đi và về hết năm ngày. Vậy là anh nhận lời vì như thế còn dễ chịu hơn nằm bên vợ mới cưới mà không được làm cái việc của một thằng đàn ông. 
- Như vậy là...
- Hà vẫn còn con gái! Anh thề có trời đấy! - An đưa hai tay lên đầu, thề thốt - Lên đến cửa khẩu anh để cho anh bạn cùng đi và ông chủ đưa hàng vào nơi tập kết còn mình thì ngồi lại quán nước chờ. Lúc ấy có một quý bà hơn anh chừng một hai tuổi, ăn mặc sang trọng, cổ đeo dây chuyền vàng đến ngồi cạnh anh hỏi: “Anh vừa lái chiếc Huyndai lúc nãy à?”. Anh gật đầu. Người đẹp hỏi tiếp: “Công xá họ trả anh bao nhiêu?”. Anh trả lời: “Nếu đủ hàng thì mỗi tháng năm triệu!”. Người đẹp chỉ chiếc Toyota Camry màu đen sang trọng đỗ gần đấy nói: “Tôi trả anh mỗi tháng sáu triệu, mọi chi phí khác tôi lo. Anh chuyển sang lái cho tôi đi!”. Anh nói: “Nhưng tôi có phải người ở đây đâu. Tôi từ Thanh Hoá lên”. Người đẹp cười: “Thanh Hóa hay miền Nam không quan trọng. Người Việt mình còn sang tận Nga làm ăn thì sao. Anh đồng ý nhận lời tôi nhé! Nếu quyết thì cùng tôi về công ty, ta làm cái hợp đồng” Vậy là không biết dính phải bùa mê thuốc lú hay ma xui quỷ khiến thế nào anh ra xe cùng về công ty với cô ta. Đến đây anh mới biết người thuê mình là Giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên lo các dịch vụ nhận và làm thủ tục xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản của các đầu mối trong nước qua biên giới. Quan hệ của cô ta rất rộng. Anh nghĩ đơn giản với mức thu nhập này cộng với khoản tiền thưởng khá hậu cô ấy hứa anh sẽ sớm có trong tay một số vốn để mua đất, làm nhà rồi dần dần sẽ đưa Hà lên vùng đất màu mỡ này sinh cơ lập nghiệp. Nào ngờ...
- Trúng kế mỹ nhân phải không? - Bình ngắt lời anh trai - Chuyện xưa như trái đất! Thật không còn ra cái thể thống gì nữa! Phần tiếp theo anh không cần kể nữa. Bây giờ tôi muốn hỏi anh: Anh định giải quyết việc này thế nào?
- Anh không còn sự lựa chọn nào khác. Bọn anh đã có với nhau một đứa con - An lấy trong túi ra tấm ảnh một bé trai bụ bẫm và kháu khỉnh đưa cho Bình - Đích tôn của ông bà, cháu của em đây! Anh đã viết đơn li hôn gửi về cho Hà để cô ấy được tự do. Những gì anh đã gây nên làm tổn thương đến cô ấy anh sẽ bù đắp... Mong em hãy hiểu cho anh. Hãy nói với bố mẹ cho anh tạ lỗi. Nói với Hà hãy rộng lòng tha thứ...
Bình nhìn anh trai gục đầu trên bàn vừa giận lại vừa thương. Anh cẩn thận cặp tấm ảnh cháu bé vào sổ tay rồi buông một tiếng thở dài:
- Thôi, anh về đi! Mọi việc sau này để tôi lo.   
4. Hà dựng xe máy dưới gốc bàng, hồi hộp đếm từng chuyến xe đi qua. Khi chiếc Huyndai giường nằm cao cấp chuyên chạy tuyến Lạng Sơn xuất hiện thì cô gần như lao ra để đón Bình. Vừa xuống xe Bình đã hỏi:
- Hà đợi tôi lâu chưa? Bố mẹ có nhà không?
- Bố mẹ đi dự đại hội cựu giáo chức. Tôi chờ gần nửa tiếng rồi. Nhận được điện thoại của Bình là tôi ra đây luôn - Hà trả lời rồi nôn nóng hỏi - Bình có gặp anh An không? 
- Có! - Bình lấy mũ bảo hiểm đội rồi giục - Hà lên xe đi. Về nhà hãy nói chuyện...
- Có gì Bình nói luôn đi! Tôi không thể chờ thêm được nữa! - Hà vừa nói vừa tìm chỗ ngồi xuống.
- Kìa Hà... Không còn cách nào khác, Bình đành phải ngồi xuống, kể hết mọi chuyện cho Hà nghe.
Người vợ trẻ bị chồng phụ tình và phản bội chăm chú lắng nghe mà hai mắt ướt đầm đìa... Mãi lúc sau Hà mới lau nước mắt nói:
- Cuộc đời tôi rồi cũng coi như là bỏ đi vì đã chọn nhầm người. Tôi chỉ thương bố mẹ. Thôi, chuyện gì đã qua hãy cho nó qua đi. Tôi cũng chỉ cần biết rõ ngọn nguồn như thế! Cảm ơn Bình đã vất vả vì tôi.
Hai người ngồi im lặng rất lâu bên cái gốc sần sùi của cây bàng cổ thụ. Bình dù đã rất cố gắng vẫn không tìm nổi một lời để an ủi Hà. Chợt như nghĩ ra điều gì, anh hỏi:
- Hà ơi! Hà còn nhớ cây lộc vừng Hà tặng tôi ngày học lớp mười không? Bây giờ cây lớn lắm rồi. Không biết mọi người có còn giữ nó?
- Cây quý Bình trồng năm ấy vẫn còn và đã lớn. Chỉ có điều...
Bình linh cảm có điều gì bất ổn đã xảy ra với cây lộc vừng nên vội ngắt lời Hà:
- Nó làm sao?
- Không sao cả! Chỉ có điều trước đây nó đứng trước ngõ còn bây giờ lại đứng ở góc vườn sau nhà thôi.
- Vì sao thế? Mọi người đã bấng nó đem trồng chỗ khác à?
Hà lắc đầu:
- Không! Chuyện là thế này. Năm ngoái xã nắn lại con đường qua làng. Sẵn món tiền anh An gửi về bố mẹ cho chuyển lại hướng nhà theo trục đường mới. Nhà mình bây giờ sân trước thành vườn sau. Cây lộc vừng vì thế cũng thay đổi vị trí so với ngôi nhà mới. Nó lại lớn rồi nên bố mẹ cũng không tính chuyện bấng lên trồng lại nữa.
Bình thở phào:
- Ra thế! - Rồi anh nắm tay Hà, giục - Ta về nhà đi. Tôi muốn xem cái cây quý mình trồng lớn chừng nào rồi.
Bình dừng xe, chờ Hà mở khóa cổng rồi theo Hà đi nhanh ra vườn sau. Anh nhanh chóng nhận ra vị trí cái ngõ nhỏ ngày xưa và cây lộc vừng kỷ niệm. Nhưng một cảm giác hụt hẫng, thất vọng bất chợt ùa đến khi anh nhìn thấy một tán lá vàng và từng chiếc lá lẻ loi đang nối nhau rời cành rơi xuống đất. Bình run rẩy đặt tay mình lên bờ vai Hà hỏi:
- Sao lại thế, Hà ơi? Cây chết rồi à?
Hà ngước nhìn Bình, ngơ ngác hỏi lại:
- Bình bảo sao? Cây nào chết?
- Cây lộc vừng! Hà nhìn kìa. Lá vàng... 
Hà mỉm cười, nhẹ nhàng nói:
- Không phải đâu! Tiết này là mùa cây thay lá đấy! Năm nào cũng vậy, cứ qua rằm tháng giêng là lá cây lại chuyển sang màu vàng rồi dần dần lìa cành. Mùa lộc vừng thay lá diễn ra nhanh lắm. Bình lại gần mà xem. Lá vàng chưa rụng hết nhưng những chồi non li ti đã nhú đầy cành rồi. Chỉ vài ngày những chồi non ấy sẽ thành một tán lá xanh đầy sức sống. Rồi không bao lâu nữa cây sẽ trổ hoa. Ôi! Hoa lộc vừng! Bình đã thấy bao giờ chưa? Nó có một vẻ đẹp thật mê hồn mà không một loài hoa nào sánh được. Cứ mỗi mùa hoa lộc vừng nở cả nhà ai cũng nhắc Bình - Giọng Hà đột nhiên chùng xuống -  Hà Nội có gì cuốn hút hay vì không ưa Hà mà từ ngày tôi về làm dâu bố mẹ đến giờ không thấy Bình về qua nhà thế? 
Bình ấp úng:
- Hà... thông cảm cho tôi! Thật ra thì tôi rất muốn về. Nhưng mà... tôi sợ. Tôi muốn quên đi tất cả. Tất cả vì hạnh phúc của Hà và anh trai.
- Nói thế nghĩa là Bình cũng...
- Thật ra việc tôi ở tịt ngoài Hà Nội không phải vì công việc làm báo bận bịu mà vì tôi sợ hàng ngày phải giáp mặt chị dâu nên không dám về quê... Tôi ngại...
Hà vụt úp mặt vào thân cây, vừa rấm rứt khóc vừa nói:
- Còn tôi cũng có sung sướng gì đâu. Mang tiếng có chồng mà chưa một lần được làm vợ. Bây giờ ra cơ sự thế này rồi tôi biết đi đâu về đâu!
Bình đưa cả hai tay áp vào ngực mình, vừa thở vừa nói trong nhịp đập gấp gáp:
- Hà không phải đi đâu cả. Hãy ở lại đây với bố mẹ. Tôi... tôi sẽ về... 
            

Đ.H.P
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 62
 Hôm nay: 4107
 Tổng số truy cập: 13604368
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa