Ông Lê Văn Lân là anh em họ tôi. Tôi là cháu ông chánh Hỉm (cố Cửu) ông là cháu ông chánh Lương (quen gọi là ông chánh Lơng), mà ông chánh Hỉm là anh ruột ông chánh Lơng, bảo không anh em là gì, gần nữa là khác. Ông Lân nghe bố kể lại, ông nội mất năm 1928, bốn năm sau ông mới ra đời (1932) tám năm sau (1936) ông nội tôi cũng mất... Mãi 11 năm sau, tôi mới ra đời, một khoảng cách 14, 15 năm; ông Lân hơn tôi ngần ấy tuổi, cách xa hàng thế hệ, người ham công việc, gặp điều kiện tốt lập biết bao công trạng. Tại sao lại dài dòng như thế? Lúc ông tôi không làm lý trưởng nữa, đã vận động để em mình, ông Lơng ra làm lý trưởng, gây thanh thế cho dòng họ. Nhưng ông Lơng làm lý trưởng (có chức có quyền, sẵn tiền bạc công quỹ) lao vào cờ bạc nên phá sản, nợ đìa ra, ông tôi lại bắt nợ của em mình, chả hiểu đó là cái lẽ thường, hay gây oán cho con cháu mai sau. Hoàn cảnh kinh tế đã xô đẩy nhà tôi và nhà ông Lân rẽ theo hai lối. Nhà tôi trung nông hạ thành phần, nhà ông Lân thành phần bần nông. Mãi đến năm ngoái tôi mới nghe ông Lân kể lại, lúc sửa lại ngôi nhà ngói còn sót lại của ông tôi - Ông chánh Hỉm, gọi theo tên con là cố Cửu làm nơi sinh hoạt dòng họ. Trước đây họ tôi nhà ngói sân gạch san sát, chỉ riêng ông tôi thống kê có đến mấy chục gian. Thời gian đã làm mai một hết cả. Do con cháu bài bạc, gán nợ cho người ta. Do mối mọt mà tàn lụi, còn lại nền gạch vỡ hoang phế dấu tích một thời.
Lạ thật, tổ tiên ở nơi đâu, trôi dạt đến lập nghiệp, khai khẩn, biến đồi hoang thành đất lành, chắt bóp làm nên ruộng, nên vườn. Từ anh tiều phu nghèo rớt mồng tơi dần có bát ăn bát để, rồi tích cóp phòng cơ, tậu ruộng thuê người làm "bóc lột nhân công" thành "địa chủ".
Không hiểu ra làm sao nữa, con cái lại ham chơi cờ bạc, bòn mót bán dần cơ nghiệp của cha ông mà quay lại phận nghèo. Mới có chuyện, ông nọ, ông kia bán đi bao dinh cơ lao vào cờ bạc... Còn lại căn nhà của ông tôi sót lại. Đáng ra tôi là phận em sẽ được dong chơi, thơ phú. Nhưng anh Thành - con bác Cửu Lơi là con trưởng mà không người nối dõi, người em trai lại mãi trong Tây Ninh, mới tặng lại nhà làm nơi họ mạc thờ tự và sinh hoạt. Tôi thành người có vai vế của họ. Khốn nỗi, không liền chân, mà ông Lân đang là Trưởng Ban trị sự của dòng họ. Tôi muốn ông đứng ra gánh vác chuyện này. Nói gì thì nói, các bậc cao niên đã về với tiên tổ cả. Ông Lân chả gì cũng từng có chức vụ quan trọng trong quân đội và quan đầu hàng huyện. Trong quân đội ông lên đến chức Phó Chủ nhiệm chính trị tỉnh đội, còn dân sự ông từng làm Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, so với Biền trưởng cành hai, làm chủ tịch huyện nhưng là cháu, ông Lân đứng ra nhận trọng trách nâng cấp "nhà cố Cửu" vẫn đúng hơn. Bàn với ông Lân có vẻ thuận. Nhưng ông Lân bàn với Biền, cái lý lại nghiêng về Biền. Rằng nhà này là của cố Cửu để lại. Xét thấy, chủ trì phải là các bác ở cành một đứng ra, các cành khác hưởng ứng, không thì ai dám đụng vào "nhà thiêng" của các cố chứ. Tôi không thể trốn tránh được. Cái khó là không liền chân. Cái khó nữa là tiềm lực của cành một này, kinh tế quá eo hẹp. Ông Lân bàn với Biền (cháu họ, nhưng hiện là trưởng của cành hai):
- Bác Tĩnh phải đứng ra thôi!
- Đừng lo, có cả họ làm hậu thuẫn - Biền nói để động viên tôi.
Tôi mất ngủ nhiều đêm vì lo: "ngôi nhà cố Cửu"... Hoàn cảnh mình, không hanh thông chuyện con cái. Mấy ông anh mất cả, vả lại cành một này, phần lớn là "nông dân", không nhìn thấy ai có máu mặt. Nhưng đằng nào cũng phải họp bàn, chứ biết phàn nàn cùng ai. Ông tôi xưa giàu có, các ông em khác cũng giàu có kém chi. Nhưng mà phá sản. Phá sản là may, nếu còn biết đâu phải quy thế này thế nọ. Ông Lân chứ đâu, nghèo khó, lần hồi củi rả kiếm ăn, rồi đi hoạt động, thành cốt cán. Ai bảo tôi không tìm hiểu cho kỹ để viết truyện này, truyện nọ. Họ hàng nào chả là nông dân.
Thế là họp "ban trị sự", tôi hồi hộp chờ đợi.
- Tôi có lời thế này! Cái nhà anh Thành để lại, anh Ngạc đang ở tận Tây Ninh... đã hiến lại cho "họ ta". Là nơi thờ "ông cố Cò Trấc và cố Cửu"... Tôi muốn nhấn mạnh vào ông năm đời, có nghĩa là ông đã sinh thành nên các ông làm nên dòng họ này... Nếu nhấn mạnh về ông tôi thì trách nhiệm của ông Lân, cậu Biền chỉ liên đới - Đó là việc của các bác chứ. Họ giúp được chừng nào hay chừng đó... Cái tư tưởng thiếu tập trung, biết đâu sẽ phân tán?
Ông Lân phát biểu, đọc nội dung "văn bản" sự ủy nhiệm cho "ban trị sự" nghe. Lê Văn Biền cũng tán thành cách đặt vấn đề "sự ủng hộ", lấy tinh thần xung phong là chính chứ không bổ bán, áp đặt.
Tôi lo lắng thật sự. Một mình tôi làm sao cáng đáng được chuyện lớn này?
Người có khả năng đôi ba chục, người khó một triệu, năm trăm... Hai tháng trời, ngôi nhà của cố Cửu được thợ (cháu Nghĩa con em trong họ) nâng cấp như lột xác, khang trang và vững chãi. Vui rồi. Bàn với anh em họ mạc, đằng nào cũng phải gặp gỡ họ hàng để giao lưu, động viên con cháu phát huy truyền thống, đùm bọc, thương yêu nhau.
*
Tôi thở phào nhẹ nhõm, cùng chú bác lo mời thầy đến lễ đặt bàn thờ, chắp nối long mạch và khánh thành nâng cấp ngôi nhà có thâm niên hai ba trăm tuổi.
Tôi mới ngỏ cái ý, rằng tuy là anh em nhưng tôi không biết gì về đoạn trường của ông Lân. Ông Lân chối, rằng có soạn "hồi ký" cho các con xem gọi là "hiểu về bố". Nhưng tôi nói, có những điều tôi chưa hiểu lắm về chú. Tôi đi đó đây viết báo, viết văn trong thiên hạ, tại làm sao lại không nói được điều gì hả chú.
Bất đắc dĩ, ông Lân mới có "mấy cái gạch đầu dòng"...
Lại nói chuyện về người ông - Ông chánh Lơng có chữ nho, làm tới 10 năm lý trưởng, nhà khá giả có bát ăn bát để. Ai bảo lại lao vào cờ bạc, nợ nần, lúc chết còn đám đất và ba gian nhà tranh, ông Ngũ - bác ông Lân ở. Khi chết, ông chánh Lơng còn nợ "làng phiên" tới 60 quan tiền, các con ông và gia đình ông Lân năm này qua năm khác phải trả nợ mà không dứt. Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, chính quyền về ta mới xóa hết nợ, may thật.
Trước tôi rất lơ mơ về "làng phiên" nghe mẹ tôi ru:
Cốc! Cốc... đánh mõ đi tuần
Cha tôi nói dối đau chân ở nhà
Làng phiên thịt một con gà
Con ơi! Đưa gậy cho cha đi tuần
Ông Lân nghe bố mình kể lại.
Ông tôi - Cố Cửu thu cả nhà và đất nên ông nội ông Lân phải đi ở nhờ. Tôi muốn biết về cuộc đời ông Lân, dĩ nhiên là các ông chú của tôi nữa nên được nghe hồi ức xa xôi như tiếng vọng của quá khứ, dẫu có chìm nổi thấm đẫm nỗi buồn. Bố mẹ ông Lân là con thứ nên không có miếng đất cắm dùi. Đất ở đâu khi ông nội - Ông chánh Lơng nợ đìa "làng phiên". Bố mẹ ông Lân dắt díu nhau vào đất Làn Lạt để kiếm sống. Thời xưa, Làn Lạt hoang vu lắm, gần đó là Lăng Vua không ai dám ở. Đi mươi cây số là đến sông làng Chiềng, một khúc sông nhập vào sông nhà Lê quanh năm ngập nước, một vùng gò đồi sỏi đá, lúp xúp sim mua. Trưa hè nếu ai phải đi qua, tiếng bìm bịp bất chợt kêu lên, ớn lạnh bởi sự hoang vắng, cô liêu. Người đi củi vào buổi trưa mà đi qua Làng Chiềng còn giật mình vì sợ trộm cướp đón đường.
Thuở nhỏ tôi không mấy cảm tình với ông Lân. Bởi hoàn cảnh nhà mình thì bị nâng lên đặt xuống để "quy" thành phần. Mà ông ấy lại "bần, cố nông". Ông ấy là cán bộ gì trên huyện mà cái xã này phải nể sợ kia chứ? Dù ông nội tôi mất từ trước cách mạng, các chú bác tôi cờ bạc, đã bán cả nhà cửa, ruộng vườn đến nỗi phải đi ở nhờ, thậm chí có chú còn được chia "quả thực" nhưng cái tiếng "giàu như nhà cố Cửu" cho cả làng vay tiền đóng thuế còn lưu truyền mãi trong dân gian. Khi cần có tấm gương nghĩa cử thì nhắc đến ông tôi. Nhưng khi cần nêu ví dụ ''bóc lột" thì cũng nhắc đến. Dĩ nhiên là nhìn vào nhà ngói, sân gạch như nhà tôi, người ta quy lên thành phần là khó thoát. Ông Lân, một trong những người đi hoạt động thanh niên cứu quốc rất sớm, năm 1948 lúc 16 tuổi, hoạt động ở quê nhà, làm giao thông liên lạc cho xã, hai cha con phải lên rừng kiếm củi để lấy kế sinh nhai. Anh Thành Tâm kể lại hoàn cảnh nhà chú ấy, khổ lắm không có nhà cửa để ở, làm cái mái che ở trái nhà anh để ở nhờ, hai chị gái đi ở cho nhà giàu.
Tự truyện của ông Lân ghi lại cho con cháu: Chi bộ Đảng đầu tiên của Thọ Xuân ra đời ngày 22-7-1930 tại nhà ông Lê Văn Sỹ thôn Yên Trường, xã Thọ Lập. Một số người đã được giác ngộ ở Quần Kênh và Ba Làng (Trước cách mạng Tháng Tám, Quần Kênh, Bàn Thạch và Hoằng Kim vốn là xã Xuân Sinh). Ba người tham gia cách mạng đầu tiên ở làng Bàn Thạch là ông Lê Đăng Thớm, Lê Văn Thưởng và ông Lê Hữu Lai.
Ba Làng đã có Hội Tương tế - ái hữu vào năm 1935, gồm 19 hội viên. Hoạt động công khai, dưới hình thức tương trợ nhau khắc phục những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng thực ra là những cảm tình của cách mạng, được cách mạng giác ngộ. Thời gian này, phong trào cách mạng đã lan đến vùng Nam Thượng, Mỹ Lý, Quần Kênh... Có các cuộc diễn thuyết ở chợ Neo, Quần Tín, Vực Thượng... Quần chúng, nhân dân đến xem rất đông. Bọn quan lại và tay sai chính quyền Nam triều vô cùng khiếp sợ. Một số người hoạt động cách mạng bị bắt đi tù ở Buôn Mê Thuột và Quảng Ngãi được tha vào tháng 3 năm 1945, chánh lý hào mục rất lo sợ. Lúc này phong trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ở Thọ Xuân lên rất cao. ở Bàn Thạch, ông Lê Đăng Thớm chỉ huy phong trào, thành lập 3 đội tự vệ do ông Thảo, ông Kà, ông Hinh chỉ huy.
Mẹ ông Lân vốn là người Ba Làng, nhà ở xóm trại Làn Lạt, có họ hàng với ông Thớm, ông Thảo, ông Lai... nên ảnh hưởng đến ông Lân, một thanh niên trẻ tuổi, đến với cách mạng là chuyện hiển nhiên.
*

Năm 1950 tình hình chính trị trong nước diễn biến phức tạp, để chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, Trung ương Đảng quyết định đóng cửa không kết nạp đảng viên mới. Tổ chức chỉnh đốn trong Đảng để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Trong quân đội chỉnh cán chỉnh quân chuyển dần chiến lược phòng ngự sang tổng phản công.
Năm 1952, Đại hội Đảng lần thứ II, đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội quyết định phát động quần chúng giảm tô tiến tới cải cách ruộng đất để tăng cường sức mạnh cho tiền tuyến. ở xã Xuân Quang đợt chỉnh Đảng cũng có người phải ra khỏi Đảng.
Tháng 3-1950, ông Lân đang làm giao thông cho ủy ban kháng chiến xã được bầu vào thường vụ đoàn xã. Năm 1952, anh Hoàng Văn Tiến bị kỷ luật thôi chức Bí thư đoàn xã, anh Lê Đình Thú thay. Khi chuẩn bị phát động quần chúng giảm tô, anh Thú nghỉ, ông Lê Văn Lân được bầu làm Bí thư, sau giảm tô chia xã mới, ông Lân về làm Bí thư đoàn xã Xuân Quang.
Trong thời gian làm cán bộ đoàn xã, ông Lân lãnh đạo 4 đợt dân công đi phục vụ hỏa tuyến, các chiến dịch: Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Xuân Quang có 4 đại đội dân công, ông Lân chỉ huy C1 gồm 150 người đang trên đường tiếp vận đến xã Phú Lệ, huyện Lang Chánh thì phong trào hữu nghị "Việt - Trung - Xô" lan đến. Đại đội dân công của ông Lân không chỉ văn nghệ giỏi mà vận chuyển lương thực, bàn giao cho tiền tuyến đầy đủ, không có người đào ngũ, quân số ốm đau ít nhất nên đoạt giải nhất thi đua.
Tháng 6 năm 1954, đang làm Bí thư đoàn xã Xuân Quang thì có quyết định điều về tỉnh đoàn Thanh Hóa. ở tỉnh đoàn Thanh Hóa, ông Lân được tăng cường xuống huyện đoàn Hoằng Hóa chỉ đạo tăng gia sản xuất. Trong tự thuật của mình, ông nhớ nhất hai sự kiện: Cải cách ruộng đất bắt đầu phát động ở Thanh Hóa, tháng 8 năm 1954. Vỡ đê sông Chu ở Thọ Trường và Xuân Khánh (huyện Thọ Xuân) Thanh Hóa mất mùa, đói kém. Cải cách ruộng đất Hoằng Hóa được làm thí điểm ở vùng tự do, ít sai hơn nơi khác bởi có nhiều trí thức giỏi như GS Trần Văn Giàu, nhà thơ Hoàng Trung Thông... Năm 1955, ông Lân được điều động về quê nhà Thọ Xuân tham gia "sửa sai" trong Cải cách ruộng đất. Tháng 5 năm 1955, ông lại được điều lên phụ trách thanh niên công trường 217 - làm đường Bá Thước đi Na Mèo. Rừng núi Bá Thước, Quan Hóa lúc này còn hoang vu, nguyên sinh, không một dấu chân người. Những người thanh niên háo hức đi tiên phong mở đường, mặc cho thú dữ và bệnh sốt rét hoành hành đe dọa đến tính mạng. Mới 23 tuổi đầu, khát khao được chiến đấu, cống hiến thôi thúc trái tim tuổi trẻ. Tháng 3 năm 1956, ông được tỉnh đoàn gọi về bổ sung vào thường vụ huyện đoàn Thọ Xuân.
Đầu năm 1957, phát hiện nhiều sai phạm trong Cải cách ruộng đất, Đảng tiến hành sửa sai. Học tập thư của Hồ Chủ tịch, huyện Thọ Xuân được sắp xếp lại, một số cán bộ cũ được minh oan trở lại công tác, một số cán bộ đề bạt sai được bãi miễn hoặc chuyển đi nơi khác hoặc về địa phương.
Được trên cho đi học văn hóa, thỏa cơn khát về kiến thức. Bố mẹ nghèo, là con trai duy nhất, được học hết lớp 3, ông tưởng mình không bao giờ được tới trường để học. Chỉ có cách mạng mới đổi đời cho mình. Ông Lân học hết lớp 9/10. Tháng 9-1959, ông Lân được bầu chức vụ Phó Bí thư huyện đoàn. Đầu năm 1960 chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Sau mười năm Đảng mở cửa kết nạp lớp đảng viên mới lấy tên là 6/1, ngày 25-1-1960, ông Lân được kết nạp vào Đảng, lúc này đã 28 tuổi. Một niềm vui lớn, năm 1962 đi học lớp lý luận do Trung ương đoàn tổ chức ở Hà Nội, ông được gặp Bác Hồ đến thăm trường.
Tháng 6 năm 1963, ông được bầu làm Bí thư huyện đoàn và tháng tám năm đó, Đại hội Đảng bộ huyện bầu vào huyện ủy viên.
Năm 1964, Thanh Hóa thành lập huyện Triệu Sơn, một số xã cắt về Triệu Sơn, nhưng biến động lớn là một số cán bộ chủ chốt được điều đi thành lập huyện mới. Ông Lân được điều về làm Chánh văn phòng huyện ủy. Mới vừa quen công việc văn phòng, tháng 8 năm 1965, ông được cử đi học lớp chính trị do Ban Tuyên huấn Trung ương mở. Sáu tháng học tập trở về, ông được giao làm công tác tuyên huấn. Tháng 1 năm 1966, ông được bổ sung vào Ban Thường vụ huyện ủy.
Tháng 8 năm 1964, giặc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, cho máy bay bắn phá miền Bắc. Đầu năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, hòng đưa nước ta "trở về thời kỳ đồ đá", Thọ Xuân là trọng điểm bắn phá của Mỹ vì có sân bay Sao Vàng và đập Bái Thượng. Đảng chủ trương tăng cường lãnh đạo cho quân đội, một số cán bộ trẻ dân sự được điều động nhập ngũ. Ông Lê Văn Lân là cán bộ Thường vụ huyện ủy được điều động sang làm Bí thư Đảng ủy, kiêm chính trị viên huyện đội. Thế là chưa một ngày lính đã làm chỉ huy huyện đội trọng điểm.
Năm đó, tôi đi bộ đội được một năm, về quê thấy ông Lân mang quân hàm thượng úy, dân xóm Thị ai cũng tấm tắc: "Đi bộ đội thế mà sướng, ở ngay nhà mà mang quân hàm to".
"Đời binh nghiệp" ông Lân tưởng là chỉ được ba năm. Năm 1969, Mỹ ném bom hạn chế từ Quảng Bình trở vào, huyện Thọ Xuân xin tỉnh đội cho về làm công tác Đảng. Tháng 6 năm 1970, Đại hội Đảng bộ Thọ Xuân lần thứ 12, tỉnh đồng ý chuyển ông Lân về dân chính, bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy để chuyển sang chính quyền. Nhưng vì chờ Hội đồng nhân dân bầu nên chuyển sang trực Đảng. Đến Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ 13 (tháng 3-1972) ông Lân mới chính thức về tỉnh đội Thanh Hóa. Sau đó được cử làm Bí thư Đảng ủy - Chính trị viên tiểu đoàn 6, trung đoàn 14, Quân khu Ba. Sáu tháng huấn luyện tân binh, dẫn quân vào giao cho Quân khu Năm, rồi về lại khung huấn luyện. Nhưng được về tuyên huấn, tham gia viết tổng kết "Lực lượng vũ trang Thanh Hóa chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ". Cũng như những lần giao nhiệm vụ mới, dù chưa có kinh nghiệm nhưng vừa làm vừa học hỏi, rồi cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Tháng 6 năm 1973, Quân khu 3 gọi ông đi đào tạo Chính ủy tại Học viện Chính trị. Kết thúc khóa học, ông tình nguyện đi B. Tổng cục Chính trị quyết định bổ sung cho Quân khu Bình - Trị - Thiên. Hoàn cảnh gia đình ông lúc đó cũng gặp nhiều khó khăn, con lớn 10 tuổi, con nhỏ mới 2 tuổi. Chiến tranh, không ai đoán trước được số phận sẽ ra sao.
Ông Lân làm trưởng đoàn dẫn 12 cán bộ vào bàn giao cho Quân khu, bản thân được giao xuống làm Chính ủy trung đoàn 414 công binh. Sang đầu năm 1975, ông được gọi về làm Thường trực ủy ban kiểm tra Quân khu. Tháng 3 năm 1975, ta mở chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế, ông được cử xuống làm phái viên Quân khu tại trung đoàn 6. ở trung đoàn 6, cùng với chỉ huy trung đoàn tổ chức sinh hoạt, ổn định tư tưởng, củng cố tinh thần chiến đấu để bộ đội yên tâm phấn khởi bước vào chiến dịch. Trung đoàn 6 hành quân chiếm lĩnh vị trí đúng thời gian. Đánh tan bọn thủy quân lục chiến ở đồn Long Thọ. Ngày 26 tháng 3 năm 1975, lá cờ giải phóng tung bay trên Phu Văn Lâu.
*
Sau giải phóng miền Nam (4-1975), Quân khu Thừa Thiên - Huế nhập vào Quân khu 4, ông Lân về Quân khu 4, được đề bạt phó phòng kiểm tra Đảng ủy Quân khu. Năm 1980, ông được cử làm Chủ nhiệm chính trị sư đoàn 348. Năm 1981, ông xin về Tỉnh đội Thanh Hóa, giữ chức vụ phó chủ nhiệm chính trị. Năm 1985 ông được về hưu, lúc này đã 54 tuổi, tiễn con đầu là Lê Hồng Sơn vào lính. Tưởng được nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, nhưng ông làm tiếp gần 20 năm chủ nhiệm câu lạc bộ Lam Kinh của huyện Thọ Xuân. Ông tham gia Mặt trận Tổ quốc xã một khóa, Cựu chiến binh xã một khóa. Trong dòng họ, ông Lân muốn "từ chức" trưởng ban trị sự. Tôi nói đùa, chú không thể kết thúc "nhiệm kỳ" như thế được. ít ra phải làm được việc gì cho họ chứ. Thế là họp bàn, sưu tầm gia phả, chắp nối lại mạch nguồn, năm tháng do biến động của lịch sử, chiến tranh mà phôi phai. Mồ mả tổ tiên cùng anh em trong họ chỉnh trang lại cho nó khỏi thất lạc.
Có lúc ngẫm lại, tôi từng trách ông Lân, làm tới chức "Phó Bí thư Thường trực huyện ủy" mà chẳng giúp gì cho anh em trong họ được mát mặt. Con cháu không đi lính thì cặm cụi với ruộng vườn, sao lại có thể như vậy được? Có thể tôi sai chăng, khư khư với cách nghĩ "một người làm quan cả họ được nhờ", khi mình phải dấn thân vào trận mạc, giáp mặt với bom đạn mà phấn đấu, gặp khó khăn, còn ông Lân do cha ông phá sản mà bần cùng, gặp thời thế làm nên chuyện... Mọi thứ trôi về dĩ vãng, ông Lân cần cù, hồ hởi dù làm những việc sự vụ của dòng họ. Họp họ, vui vẻ, cẩn trọng như làm việc trong huyện, đội ngũ quân đội; cái đức tính ấy nơi ông thật quý. Điều mà ông Lân gặp may, là những đứa con sinh ra, dẫu không giỏi giang hơn người nhưng đều học hành, đứa làm giáo viên, đứa làm công chức, cậu con cả Lê Hồng Sơn, lúc ông vào quân đội mới sinh, nay mang quân hàm đại tá, hơn bố là rõ rồi; về đến họ hàng là thân tình hồ hởi, không quản là việc nhỏ hay lớn.
Tôi muốn viết một cái gì về ông Lân, ông nói đầy cảm kích:
- Bác ạ! Cũng muốn đóng góp điều gì cho họ hàng, các cháu đoàn kết phấn đấu, nhưng sức lực có hạn. Tôi ''gạch đầu dòng" để bác xem tham khảo thôi.
Mấy gạch đầu dòng cả một đời người dấn thân. Ông Lân là người hiếm ở họ hàng tôi. Không viết được cái gì về ông quả là không phải. Ai chả từ "nông dân" mà ra...
Ngôi nhà còn sót lại của dòng họ đã sửa sang lại. Ông Lân muốn sửa sang lại gia phả, để thế hệ sau hiểu đúng về cha ông mình.
Tháng 3-2018
T.N.T
* Theo tài liệu ông Lê Văn Lân cung cấp.