Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Tiếng bìm bịp đêm nước nổi - Sương Nguyệt Minh
Tiếng bìm bịp đêm nước nổi - Sương Nguyệt Minh

Tôi về đến đầu ấp thì trăng đã nhô lên khỏi ngọn cây dừa. ánh trăng vàng như mật lọt qua kẽ lá rót xuống làm mặt đất loang lổ vệt tối sáng. Gió ngoài bưng tràn tới thổi lá dừa xào xạc, một vài cánh hoa dừa bay rơi xuống vai tôi, tỏa mùi thơm dịu dịu. Tiếng khỏa nước lẫn tiếng cá đớp đớp trăng bum bũm. Tôi sững sờ, ngẩn người ra. Lấp ló bên kia bụi trâm bầu, dưới trăng mờ ảo là mái tóc và đôi vai trần người con gái đang tắm ở dưới sông. Sông Cái đang mùa nước nổi mênh mông. Con gái quê tôi thường hay tắm sông vào buổi tối. Tìm chỗ khuất mà tắm và bao giờ cũng mang theo một nắm lá bưởi. Lá bưởi để vò lên tóc cho thơm và dùng để kỳ cọ vào người nữa. Tôi đang đứng ở cuối chiều gió thổi. Gió ào đến mát lạnh mang cả mùi hương lá bưởi bay theo.  
Bất chợt có tiếng: “bíp... bìm... bịp” ở bên kia sông Cái vọng sang. Lạ thiệt! Đầu tóc tôi bồng bềnh như trong mê. Tiếng bìm bịp kêu khắc khoải cồn cào một nỗi nhớ, nỗi nhớ từ ký ức chưa gọi được tên. Tôi đã gặp cảnh này ở đâu đó. Rất xa, rất lâu rồi...
Má tôi cầm đèn bước ra sân. Than lửa trong bếp má vừa dụi đỏ hoe rồi nhấp nháy và tàn dần. Lụi cụm tối hôm thui thủi một mình. Má cực quá! Nghĩ thầm và tự nhiên tình mẫu tử trào lên làm lòng tôi rưng rưng.
- Má. Con dìa nè.
- ủa! Thằng Kiên. Sao dìa muộn zậy?
- Thì công chuyện nhà binh mà má.
- Nghỉ ngơi một lát rồi ăn cơm, con à. Bữa nay có cá kho tộ. Con út làm đó.
Ai tên út vậy cà? Nhà có còn ai đâu ngoài má con tôi. Tôi bỏ ba lô ngay thềm hè, đi đi lại lại trong nhà mình mà thấy lòng bâng khuâng quá. Cái võng gai cũ đứt te tua, cái chõng tre nhẵn bóng hơi mùi hôi của má, vườn dừa già, các gốc cây lỗ chỗ vết đạn từ hồi còn chiến tranh. Cái gì cũng như vừa quen vừa lạ. Quen bởi tôi đã sinh ra lớn lên ở đây, lạ vì tôi đi lâu lâu mới về nhà.
Má thở vắn thở dài, bảo:
- Tau già rồi. Chỉ thiếu còn nước chết. Mầy cứ lang thang không đứng đầu đứng số. Tau nhắm mắt cũng không yên.
- Thì má cứ để con từ từ. 
- Nhưng mầy đã ba lăm tuổi, ít ỏi gì.
- Chuyện vợ con cả một đời đâu phải ngày một ngày hai đâu má.
- Mầy đi tăm tăm biền biệt. Cả năm ghé dìa một đôi lần đâu có biết tao sống ra sao.
- ...
Tui lặng thinh, ngó mắt má ngấn ngấn nước. Má nâng vạt áo bà ba chấm chấm vào hai khóe mắt. Mấy năm nay má già nhanh quá. Trên trán gầy đầy vết nhăn. Lớp người cùng tuổi má, người ta đã có con đàn cháu đống. Bữa cơm nhìn lũ con nít tranh nhau đưa chén đòi xới trước mà mát lòng hả dạ. Lúc rỗi rãi bà cháu ngồi chơi, đứa nằm trước lòng, đứa quấn sau lưng là mãn nguyện. Tuổi già, thật chẳng có mong muốn nào hơn cái hạnh phúc giản dị ấy. Vậy mà má tôi vẫn còm cõi thân lẻ bóng một mình, cháu chắt không có, được đứa con trai thì đi xa, mải miết, năm về một đôi bận.
Tôi đã qua hai mối tình nhưng thân vẫn một thân. Cô gái yêu lần đầu là người thành phố, chị gái của cậu lính công vụ cho tôi. Cứ tưởng quen em, yêu chị thì thông đồng bén giọt ai ngờ được một thời gian cô gái chê tôi. Rằng tôi không hiểu tâm lý phụ nữ, không biết chiều con gái, rằng tôi sống khô khan, thanh niên mà cứ như ông cụ non... Cô gái yêu lần thứ hai người nhà quê, là bí thư xã đoàn ngay nơi tôi đóng quân. Cũng chỉ được vài tháng, cô đã giận hờn bởi đi chơi với nhau mà đầu óc tôi cứ nghĩ những chuyện ở đẩu đâu. Nói chuyện với nhau một lúc là nhạt thếch, gượng gạo... Thêm một năm lại thấy mình già, thêm một tuổi lại ngại chuyện yêu đương. Tôi là người lính xa nhà quanh năm suốt tháng. Đời binh nghiệp và công việc của một trung đoàn trưởng chỉ huy cả ngàn quân có những nguyên tắc ngặt nghèo, có những khó khăn riêng mà không phải cô gái nào cũng chấp nhận được. ấy là lúc đầu tôi nghĩ thế. Sau này, cô bí thư xã đoàn đi lấy chồng, đem thiệp hồng mời tôi, cô mới nói rằng: “Anh muốn lấy được vợ thì tốt nhứt là hãy cất tấm hình người con gái đội mũ tai bèo bỏ trong ví lúc nào cũng mang theo bên người của anh đi. Xin lỗi... Em nói anh đừng giận”. Quả thật, tôi không giận lại còn cảm ơn cô gái ấy, bởi cô đã làm tôi hiểu tôi hơn. Nhưng bảo rằng tôi bỏ tấm hình cô gái đội mũ tai bèo thì không thể. Tôi có lý do của riêng tôi...
*
Nhà tôi ở gần sông Cái ngay đầu ấp. Nhà chỉ có hai má con ở chòi chọi trên một gò đất nổi. Thỉnh thoảng chị Ngàn con bác Tám từ trong ấp leo cầu khỉ rồi men theo bờ kinh nhỏ ra nhà tôi chơi. Mùa nước rong, chị bơi thuyền đến rủ tôi đi thả lưới chung. Cá bắt được, có lúc người ta bơi xuồng đến mua ngay lúc đang thu lưới, cũng có khi phải đem cá xuống chợ Cầu Ngang bán. 
Ngày còn nhỏ, đâu quãng mười ba, mười bốn tuổi gì đó, tôi cứ như con rái cá trên đồng. Mò mẫm đêm hôm, lặn ngụp trưa chiều hết ngoài sông Cái lại vào trong bưng rồi ra ngoài đồng. Chẳng có loại tôm, cua, cá, lươn, ếch nào tôi không biết; chẳng một loại le le, cóc kèn, vịt giời, cuốc đen, sáo sậu... nào tôi không hay. Tôi thuộc tiếng kêu từng loại chim, nhưng nhớ đau đáu nhứt là tiếng con bìm bịp kêu ở bụi trâm bầu mọc sát mép nước con sông Cái. Bìm bịp kêu ấy là lúc con nước ròng lớn nhứt. Má tôi nghe tiếng bìm bịp kêu có thể đoán được thời tiết nắng hay mưa, được mùa cá hay thất bát. Và cũng biết được dân tình sẽ sống ra sao trong những ngày sắp tới. Tiếng bìm bịp kêu khắc khoải, sâu lắng chìm vào đêm nước nổi là y như có chuyện. Một dạo, tàu lính đi lại trên sông nhiều sục sóng xô tới tấp vào bờ trùm lên cả bụi trâm bầu. Rồi chúng xả súng bắn vào các lùm cây, bụi rậm hai bên bờ sông. Tiếng bìm bịp mất hẳn. Chẳng biết nó bị bắn chết hay sợ bỏ đi nơi khác. Vắng tiếng bìm bịp, đêm đêm hai má con nằm buồn khô. Má tôi bần thần và tôi cũng thấy nhơ nhớ. 
Chị Ngàn hay đến rủ tôi đi thả lưới chung. Trời nhập nhoạng tối là chị từ trong ấp bơi xuồng ra gọi rồi đợi tôi ở cầu khỉ. Tôi xách giỏ leo lên xuồng nhà mình bơi theo xuồng chị đến cánh đồng cá. Gọi là cánh đồng cá dứt khoát phải nhiều cá hơn cánh đồng khác, bởi nó gần sông Cái, gần rừng tràm lại nhiều ao đìa nên cá thường tập trung vào các điểm chớ không đi tùm lum. Nước từ sông Hậu trích một phần cho sông Cái, sông Cái đổ vào vô số các kinh rạch rồi tràn về. Nước lớn ròng tràn cả bờ kinh rạch vào đồng thì nước cũng chảy trong đồng như sông lớn vậy. Cánh đồng ngờm ngợp nước nổi như rộng hơn lúc thường, minh mông xa tít tắp. Đồng nước nổi đó đây thấp thoáng các cây gáo trút lá gầy guộc thân, cành khẳng khiu. Nhiều xuồng đã đến đây cả tuần, nhiều xuồng mới đến lúc chiều hôm; như tôi, chị Ngàn và ít người ở lân cận thì chập tối tới cũng không muộn. Thả lưới của tôi xong, thả tiếp lưới của chị. Cá vào lưới nào cũng là của chung. Khi các xuồng tản ra tìm chỗ cắm sào thì cái bóng mờ mờ còn sót lại của chiều hôm mất hút. Miệt đồng chầm chậm vào đêm. Sóng nước lăn tăn. Trời hơi lành lạnh và sương bắt đầu giăng giăng trên mặt nước, vấn vít lên thuyền, quấn quyện vào người tôi và chị Ngàn. Tôi cảm nhận được hơi thở của đồng nước minh mang mùa nước nổi, cảm nhận được mùi bùn ngai ngái bị cây sào kéo lên. Chị Ngàn xắn quần cao trên đầu gối để lộ đôi bắp chân trần trăng trắng. Mắt đen huyền và gương mặt trái xoan luôn tươi rạng rỡ, tôi vẫn kịp nhìn rõ trước khi màn đêm buông tràn xuống cánh đồng. Lưới không may mắc vào cành cây dưới nước, chị Ngàn hơi cúi người cùng gỡ, tay chị chạm vào tay tôi, tay tôi chạm vào cái vòng đeo cổ tay chị. Cái vòng mà tôi kỳ cạch khoét, gọt từ mai con rùa to như thúng cái bắt được ở đìa. Tôi lóng ngóng bởi hơi thở ấm nồng và mấy sợi tóc mai của chị chạm vào má tôi. Cảm giác xốn sang trào đến làm trái tim mười bốn tuổi của thằng con trai đang lớn có những nhịp rung mạnh và lòng tôi nôn nao. Nhưng tình cảm trong trắng tinh khiết đó thường bị trời nước và công việc bơi xuồng gỡ cá chen lấp.
Thả lưới đêm nước rong nhiều khi gặp đủ điều bất trắc. Ví như dông bất chợt, có khi chìm xuồng, dàn câu lưới, chết người. Gặp dông là phải chèo lẹ vào ẩn trong rừng tràm, chờ mây mưa tan, dông gió lặng mới ra thăm cá tiếp.  
Một đêm... Hai đêm... Ba đêm... Bao nhiêu đêm, tôi cũng không còn nhớ nữa. Chỉ nhớ rằng: tôi và chị Ngàn trong số đông thường giăng lưới bốn bắt cá rô, cá mè. Còn một số người bắt cá linh thì cắm sào buông lưới ở các điểm ven sông Cái. Mùa nước rong, chỗ ruộng cạn cũng như ao đìa ngập nước như nhau hết. Người ở gần quen thung thổ thì nhớ được, người ở xa có khi phải chọc sào hay đoán lựa vào các đám lùm tùm nhiều bóng tối, cá vẫn thường trú ngụ ở chỗ um tùm, xập xoà lau cỏ. Quãng tám giờ tối, người nào đến chậm hoặc vụng nhứt thì cũng đã chọn xong điểm thả và lưới đã nằm hoàn toàn dưới nước; có người đã thăm lưới bắt cá đợt đầu. Các thuyền nhóm lửa, lửa đốt bằng củi gốc tre chẻ ra phơi khô cho đượm. Vậy là đó đây lập loè lửa đỏ hoe. Tôi và chị Ngàn cũng đốt lửa trong lòng xuồng. Thường chỉ đốt ở một xuồng chớ chẳng bao giờ đốt mỗi xuồng một đống lửa. Chị Ngàn ngồi sát bên tôi. Đôi mắt sáng đen huyền của chị thỉnh thoảng lại bắt lửa ánh lên. Chị mặc áo bà ba màu đen bó sát người nổi rõ những đường cong và chỗ eo mềm mại. Hơi ấm từ lửa, từ chị truyền sang tôi ấm áp dễ chịu. Đi gỡ cá được vài lần thì đêm vào khuya. Chúng tôi nướng cá ăn đêm cho đỡ đói. Chị Ngàn lấy cành tre tươi mang theo xiên vào miệng mấy con cá lóc. Lửa cháy bập bùng. Con cá trên than hồng giẫy đuôi một lát rồi duỗi thẳng ra. Ước chừng đã chín chị đưa cho tôi một xiên. Chị và tôi lấy rơm vàng trong mui thuyền vo thành bùi nhùi cọ vào vảy cá cháy để lộ ra mình con cá lóc lọ lem. Cá nóng bốc khói, thơm ngon, ngọt, lòng cá ăn đăng đắng. Vừa ăn tôi vừa bảo:
- Trời chẳng dông gió gì mà có lúc em thấy có xuồng chui vô rừng tràm. Họ đi đâu, chị Ngàn?
- Họ vô bắt tôm hay làm chi đó. Mà Kiên để ý làm chi cho mệt xác.
- Bọn lính ở bót Cầu ngang bắn cầm canh suốt đêm. Em chỉ lo bọn nó bắn cắc... bùm ra đồng cá. 
- Nơi nè xa. Nhưng trước sau rồi bọn nó cũng sục tới. Thôi mà nói chuyện đó làm chi, Kiên.
Ăn cá nướng xong, chị bảo tôi:
- Kiên nằm nghỉ một lúc mà giữ sức.
- Hổng đâu. Em thích thức cùng chị.
- Một đêm còn được, chớ đêm này qua đêm khác chịu sao nổi.
- Zậy thì chị ngủ trước. Em coi lưới cho.
- Chị thức đêm giỏi hơn em. Chị sẽ liệu thời gian gỡ cá. Đừng lo.
Vậy là tôi ngủ. Lúc đầu còn thao thức. Tôi he hé mắt nhìn trộm chị ngồi bên đống lửa đốt bằng củi gốc tre già. Quả thực! Chưa có lúc nào tôi được nhìn chị tự nhiên và thoả thuê như vậy. Thế rồi đang sức ăn, tuổi lớn tôi phiêu du trong các giấc mơ mà hôm sau nhớ lại tự nhiên tôi ngượng ngịu, soi gương chắc mặt sẽ đỏ bừng. Tôi thấy mình nằm nghiêng úp mặt vào ngực chị Ngàn. Ngực chị lúc dềnh lên, lúc nén xuống, lại dềnh lên theo nhịp thở. Tôi nghe thấy cả tiếng tim mình đập bổi hổi bồi hồi và tiếng tim chị đập nhanh gấp gáp. Tôi cũng cảm nhận được hơi thở nóng ấm ở cổ và bên tai. Kỳ lạ! Giấc mơ của tôi lại y như thật. Sang nửa đêm về sáng, chợt thức giấc, tôi thấy mình đang nằm gọn trong lòng mẹ. Nhưng ngực mẹ tôi tong teo, gầy ốm chớ có rắn chắc, căng mẩy thế này đâu. Hoá ra là chị Ngàn, chị đang gối đầu tay nằm nghiêng quay mặt về bên tôi ngủ ngon say. Một bên chân tôi gác lên đùi chị mà tôi không hề biết mình gác từ lúc nào. Đùi chị mềm như nhung hơi ấm truyền sang người tôi làm tôi nôn nao, rạo rực. Sợ làm chị thức giấc tôi nhè nhẹ nhắc chân mình ra khỏi đùi chị. Và trong giấc ngủ tiếp theo của thằng con trai đang lớn tôi cũng xoay người lung tung, lại gác chân tiếp lên người chị, chẳng biết trời đất ở nơi đâu. May mà không rớt xuống đồng nước. Đột nhiên có tiếng cá quẫy rất to. Chị Ngàn thức giấc. Chị vội vã nhấc chân tôi ra khỏi người chị và ngồi dậy. Tôi cũng ngồi lên. Chị Ngàn vén tóc loà xoà hai bên má, búi gọn ra sau gáy, chị có vẻ ngượng ngùng:
- ấy chết. Chị tệ quá.
Tôi cũng lên tiếng bằng cái giọng khê nồng:
- Ngủ tiếp đi. Chị Ngàn.
- Có tính ngủ đâu. Mỏi lưng quá! Chị nằm vươn mình thư giãn một chút mà thiếp đi lúc nào không hay. Kiên thức dậy lâu chưa? 
- Em cũng vừa.
Xa xa lửa đỏ cũng nhấp nháy, nhấp nháy trong các xuồng. Họ cũng người thức người ngủ. Tôi và chị Ngàn thăm cá, gỡ lưới tới gần sáng, chẳng ai buồn ngủ nữa. Tôi cứ miên man trong vô vàn suy nghĩ. Tôi và chị đã có đêm nước nổi như thế. Đêm nước nổi trải rộng trên cánh đồng bao la. Màn đêm giao hoà với màn nước pha loãng thành một không gian anh ánh bàng bạc, mờ mờ rộng ra xa tít tắp. 
Bỗng nhiên có tiếng kêu: “bíp... bìm... bịp...” từ sông cái vọng tới. Tiếng bìm bịp kêu chìm vào đêm nước nổi minh mang. Lúc đầu tôi đã mừng rơn. Vậy là con bìm bịp đi tránh đạn đã trở về. Lúc sau, càng nghe, càng không thấy giống tiếng kêu của con bìm bịp ở bụi trâm bầu bên sông Cái mà giống như tiếng người bắt chước. Chị Ngàn cũng nghe bìm bịp kêu, chị bần thần cả người. Một lát sau, chị bảo:
- Chị thấy lạnh, có dễ ốm mất. Chị dìa sớm thôi. Kiên ở lại thả lưới một mình được hông?
- Em sợ gì mà hổng được. Nhưng sao bỗng dưng chị...
- à... Chập tối con út Nga khóc, quấy quá trời. Má chị mới sanh nó chưa tháng tuổi. Khổ, má chị cũng thức đêm hoài. Chị sốt ruột lắm. Chị để lưới lại, Kiên à.
- Chị. Hay là...
- Đừng nghĩ ngợi gì hết. Kiên à.
Chị nói rồi bước sang xuồng của mình, rút sào. Tôi trút vội nửa giỏ cá sang lòng xuồng chị.
- Nhiều thế, Kiên. Chị dìa trước nghen.
Chị quẫy chèo bơi xuồng đi gấp gáp. Tôi nói với theo:
- Hay là em cùng dìa? Chị đau dọc đường thì sao?
- Kiên. Hổng cần đâu.
Từ lúc đó tôi chẳng thiết tha gì cá với lưới nữa. Chị Ngàn ốm đau gì đâu. Bộ đau ốm mà quẫy chèo dữ zậy? Nằm vắt tay lên trán, tôi nhìn sao trời mông lung mặc cho đống lửa đốt bằng củi tre bập bùng rồi tắt hẳn. 
Sáng, tôi xách giỏ cá lặng lẽ bỏ ở sân rồi đi nằm. Má tưởng tôi ốm, nhưng khi thấy cái mặt lầm lầm lì lì của tôi, má bảo:
- Con Ngàn đâu? Hay nó bỏ mầy đi thả lưới chung với người khác.
- Dìa rồi. Má đi mà hỏi người ta.
- Cái thằng. Ăn nói chi mà kỳ cục.
- ...
 Má tôi đi chợ Cầu Ngang bán cá về bảo:
- Mầy đi đứng cẩn thận. Tao thấy ở phố huyện áo lính đầy đường.
- Má còn thấy chi nữa, má?
- Cái bốt nó xây chình ình ngay cạnh đường xuống chợ. Thời loạn đến rồi con ạ.
- Thảo nào bọn lính đi xuồng sùng sục dưới sông Cái má à.
Tối. Không thấy chị Ngàn đến rủ đi thả lưới. Tôi chờ một hồi vẫn bặt vô âm tín. Chả đi thì thôi, cần gì. Tôi bỏ lưới của chị lên sân, dặn má khi nào chị đến lấy thì đưa. Tôi lại bơi xuồng ra đồng cá. Khác với nhiều đêm trước, tay chân tôi lóng ngóng, vụng về như lần đầu đi thả lưới. Gỡ cá cứ đánh sổng luôn xuống nước. Rất lạ, các xuồng bắt cá hình như ít hơn. Và thỉnh thoảng lại thấy một cái xuồng bơi nhanh mải miết rồi mất hút vào rừng tràm. 
Tôi vẫn thả lưới mặc dù không hào hứng, nhưng tới sáng mới về. Má tôi bảo: “Con Ngàn sang thì mầy đã đi rồi. Nó lấy lưới quãng mầy đi ra đến sông Cái”. “Mặc. Của người ta, người ta lấy, mắc gì đến con”. “Cái thằng này kỳ cục”. “Con nói thiệt. Vừa gặp kìa. Người ta cũng đi thả lưới chứ bộ”. “Mầy coi kỹ không?”. “Lòng xuồng lưới dính bùn đất, tóc tai ướt nhèm; người ta đi thả lưới riêng suốt đêm. Má hổng biết đâu. Chỉ phải được vài con cá mè chết ươn. Cho chết”...
Lại một đêm... Hai đêm... Ba đêm, tôi đi thả lưới một mình trên đồng cá. Và cứ đến khi con nước lớn là lại nghe tiếng bìm bịp kêu. Tiếng kêu khắc khoải mà sao giống tiếng người bắt chước quá. Sáng tôi lại gặp chị Ngàn bơi thuyền về ấp. Tôi làm ngơ không thèm chào, bơi xuồng rẽ sang lối khác. Chị Ngàn bơi theo hình như định nói điều gì đó lại thôi không bơi đuổi theo nữa. Tôi giận, lối giận hờn của cậu bé ở tuổi trẻ con chưa qua, người lớn chưa tới. Thì người ta bỏ tôi đi thả lưới chung với người khác, tôi cần chi người ấy. 
Má tôi bảo: 
- Thôi, đừng đi thả lưới đêm nữa. Má thấy có gì bất ổn quá.
- Nửa đêm ở đồng cá con nghe được tiếng ì ầm xa xa của bọn đầm già. Rồi thấy cả đường đạn lửa đỏ bọn lính bắn vạch lên trời ở phía bốt Cầu Ngang, má à.
- Tao nghĩ loạn lạc nó đến đất mình rồi.
- Thì trước nó cũng đến rồi.
- Trước loáng thoáng thôi, giờ đến thiệt.
- ...
Cho đến một đêm trên đồng cá không có ánh bàng bạc của không gian minh mang mà tối mờ mờ lại có tiếng bìm bịp kêu. Vẫn phía khu rừng tràm có bóng xuồng và mất hút vào tối tăm. Nửa đêm thì có tiếng súng rộ ở phía bốt Cầu Ngang. Tiếng súng nổ rất lâu rồi lửa cháy sáng một góc trời. Có dễ đánh nhau to. Gần sáng, trời vẫn mờ mờ, tôi đang lúi húi thu lưới thì nghe tiếng chèo khoả nước gấp gáp. Tôi căng mắt nhìn qua ánh đèn soi cá và chợt kêu: “Chị Ngàn!”. Chị bảo: “Khe khẽ chớ Kiên”. Chị đội cái mũ tai bèo, mặc bộ đồ bà ba đen tối hôm thả lưới vẫn thường mặc. Dưới lòng xuồng là một người con trai mặc quân phục xanh lá cây. Cái mũ tai bèo đặt hờ trên bụng ảnh, trán quấn băng trắng. Tôi nhận ra có một cái gì đó rất hệ trọng. Chị nói vội vã: “Chị đi kẻo trời sáng.”. “Thế ra chị là...”. “Thôi, giữ cho chị cái nè, cái ảnh chị đó, Kiên à”. Tôi cầm nhanh ấn vào túi ngực. “Còn cái nè đưa cho má chị khi nào con út Nga lớn nó dùng, cái vòng đeo tay làm bằng mai rùa Kiên cho chị đó”. “Chị Ngàn. Chị định đi luôn sao?”. “Chị sẽ dìa. Nói giùm má chị cứ yên tâm”. Chị xoa xoa tay lên đầu tôi rồi bất chợt kéo đầu tôi ôm vào ngực chị. Hai con xuồng chòng chành, chòng chành, chị buông tôi ra: “Thôi chị đi kẻo mấy ảnh chờ”. 
Tất cả mọi chuyện đều bất ngờ, liên tiếp bất ngờ. Tôi ngẩn người chẳng biết nói năng chi. Đến khi bóng chị và con xuồng mất hút vào đêm tối mờ mờ, tôi mới sực tỉnh là mình chưa kịp nói gì. Tôi cầm chèo khoả nước bơi xuồng gấp gáp, gấp gáp đuổi theo. Nhưng rừng tràm đã chặn trước mặt tôi với vô vàn cây, vô vàn lối đi. Tôi biết mình đã xa chị Ngàn không biết bao giờ mới gặp lại.
Chị Ngàn đi một tháng không về, ba tháng không về, chẵn tám tháng thì giải phóng cũng không về. Tôi lớn lên, rồi vô bộ đội chủ lực, đánh đấm liên miên ở biên giới. Thư má tôi viết cũng nói chị Ngàn chưa thấy về ấp. Một thời gian nữa, má tôi biên thư báo tin gia đình bác Tám đã chuyển về phố huyện...
*
Má tôi ngồi lụm cụm ở thềm nhà ngoáy trầu. Tôi cởi trần ra bể nước mưa tắm, đổ nước ào ào. Lính tráng tắm bao giờ cũng vậy, ào ạt và chóng vánh. Má tôi đặt cho cái đèn soi ở bàn. Tôi mở cửa sổ cho thoáng và lúi húi mở ba lô cất đồ ở trong nhà. Bất chợt lại có tiếng kêu: “Bíp... bìm... bịp” từ sông Cái vọng đến. Tôi giật mình:
- Má. Mấy lần trước con dìa không nghe thấy tiếng bìm bịp kêu?
- Là vì mầy dìa không trúng đợt con nước. Đêm nay nước nổi.
Đêm nước nổi. Tiếng má như đánh thức một lần nữa ký ức xa xôi của tôi. Rồi lại kéo luôn tôi trở về thực tại bởi tiếng cằn nhằn có vẻ sốt ruột của má: 
- Mầy bày cơm dần đi. Chờ con út dìa ăn luôn thể.
- út nào hở má.
- Con út Nga em con Ngàn ngày xưa con bác Tám đó. Nó dìa đây một tháng rồi, đâu bọn nó nghiên cứu nuôi tôm nuôi cá gì đó. 
- Má. Có phải cái cô học Đại học nông nghiệp Cần Thơ má thỉnh thoảng kể? Phải đến gần chục năm con hổng gặp.
- Nó đó. Mầy có gặp bây giờ cũng hổng nhận được. Ra trường mấy năm rồi, người ta giữ lại trường chả chịu ở, nó xin dìa quê - Má tôi có vẻ sốt ruột - Cái con út này tắm táp cách gì mà lâu dữ zậy.  
- Con dìa rồi đây, bác Tư  ơ... ơi. 
Có tiếng con gái léo xéo kéo, kéo dài giọng ở ngoài cổng. Giọng má tôi trách móc mà rất âu yếm: 
- ờ. Cơm canh nguội hết trơn hết trọi rồi, út. 
Cô gái săm sắm đi vào sân. Mái tóc buông xoã xuống bờ vai. Mùi hương bưởi - lại là mùi hương lá bưởi phảng phất bay ngây ngất. Tôi nghĩ đến lúc trăng lên ở đầu ấp. Và hình ảnh đôi vai trần dưới sông lấp ló bên kia bụi trâm bầu lướt rất nhanh trong đầu. Cô gái chợt sững người khi tôi từ trong nhà bước ra:
- ủa. Hôm nay có khách hả bác Tư?
- Thằng Kiên đó. Nó dìa từ lúc trăng lên.
- Trời đất! Cô út lớn quá ha - Tôi nói bằng một giọng rất thân mật, khác với cái giọng vẫn oang oang thường ngày.
- Dạ. Em có nghe bác Tư kể. Gặp anh Kiên ngoài đường em cũng hổng nhận ra.
Cô gái để chậu quần áo xuống sân, ngồi se sẽ bên cạnh má tôi rồi đưa tay vén tóc ra đằng sau. Lúc này trăng cũng đã tràn xuống sân. Khuôn mặt cô gái sáng và cái cổ cao trắng ngần hiện lên rờ rỡ. áo bà ba đen ôm sát người, eo thắt lại nổi rõ vồng ngực đang căng mẩy.  Tôi kìm lòng ý tứ không nhìn thẳng vào mặt cô gái và hỏi:
- Thế là cô út có biết tôi.
- Dạ. Ngày còn xíu xíu nè đã thấy anh Kiên khoác ba lô dìa phép.
Má tôi nói chêm vào:
- Mầy đi tăm tăm biền biệt có mấy khi dìa. Mà có dìa thì chúng nó có con rồi, đứa nào chưa lấy vợ lấy chồng thì lên thành phố học hành làm ăn. Làng ấp trống hết trơn, Kiên à.
- Bác Tư nói trúng đó anh Kiên. Em dìa còn chả có bạn chơi nữa là anh, toàn phải chơi với bọn mới lớn lầng lầng.
- Thì anh cũng zậy.
 - Da... dạ...
Tiếng dạ kéo dài nghe dễ thương quá. 
Ăn cơm xong thì trăng lên cao, ánh vàng đổ lênh láng ngoài đường. út Nga xin phép ra Trại nhân giống xem cá vật đẻ. Má tôi ý tứ bảo: “Để thằng Kiên chèo xuồng cho. Đi nhanh rồi dìa kẻo lạnh”.
Lâu quá tôi không chèo xuồng, hai tay lóng ngóng quá làm tuột cả dây gai buộc bai chèo. út Nga bước lại giành phần quấn lại dây cho chắc. Tay út chạm vào tay tôi, tay tôi chạm phải cái vòng đeo ở cổ tay út. “Anh Kiên thấy em kỳ không? Tụi bạn em thì đeo vòng ngọc, em thì đeo vòng làm bằng mai rùa. Của chị Ngàn em ngày xưa đeo đó, anh Kiên.”. Tôi lặng người. Đúng đây rồi, cái vòng làm bằng mai rùa tôi gọt nhẵn tặng chị Ngàn ngày trước, giờ út đeo. út bảo: “Má em kể, ngày chị Ngàn chưa vô rừng, đêm nước rong là bơi xuồng thả lưới ở đồng cá kia kìa, anh Kiên”. Tôi định nói: “Dạo đó anh đã giận hờn với chị”, nhưng lại thôi. “Má em cứ bảo em giống chị Ngàn. Nhìn ảnh chị, ảnh em giống nhau thiệt anh Kiên à”. “ờ. Như đúc zậy”. “Lắm lúc em cứ nghĩ chị Ngàn còn sống đang ở đâu đó”. Tôi cũng định bảo: “Anh cũng thế. Anh đi tìm chị đến hơn hai mươi năm rồi.”. “Quê mình nghèo quá anh Kiên à”. “Nghèo sao út dìa quê”. “Quê mình được cái tình người, tình người kéo em dìa. Bao giờ anh Kiên đi”. “Cũng còn đang tính”... 
Cứ như vậy, những câu hỏi, nói thật thà, chân tình xen lẫn bâng quơ, rụt dè. Ký ức và hiện tại đan xen, đồng hiện, tôi miên man chìm trong hơi thở đêm đồng nước nổi. Bất chợt có tiếng bíp... bìm... bịp từ sông Cái vọng tới. Rõ là tiếng bìm bịp chớ không phải tiếng người bắt chước. 
Đêm nước nổi. Đêm nước nổi như hơn hai mươi năm trước. Cũng gió nổi lên từ sông Cái, cũng con xuồng trên đồng nước nổi minh mang. Nhưng đêm nay có trăng sáng, đêm nay không có tiếng ì ầm của con đầm già và những viên đạn lửa vạch lên trời. Và út Nga mặc áo bà ba đen bó sát người, tóc buông xoã bờ vai, khuôn mặt đẹp rờ rỡ dưới trăng vàng. 
                

                     S.N.M


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 73
 Hôm nay: 586
 Tổng số truy cập: 13605944
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa