Do giặc giã, loạn lạc, Chi, người con trai làng Gianh xứ Đông đã phiêu bạt tận đồng bằng sông Cửu Long. Một lần, anh nhận đan thúng thuê cho một bà chủ vựa lúa, giờ giải lao, bà nhờ anh trèo lên cây khế gân cạnh bờ sông, ngay ngã ba đường làng, trẩy dùm bà ít trái để nấu canh chua, câu chuyện như một truyền thuyết về chàng Gân đã được bà chủ kể cho anh nghe trong lúc anh đang hái khế. Chàng vốn là trẻ mồ côi được ông thợ rèn tên Gân thương yêu, cưu mang, nên dân vùng kẻ chợ gọi luôn là Gân Con. Khi Gân Con đã giỏi rèn thì bố nuôi bị giặc bắt đem xử tử vì có chỉ điểm báo ông tham gia một cuộc khởi nghĩa nhưng thất bại.
Lò rèn dưới tán cây khế ngay ngã ba đường vẫn sớm hôm đỏ lửa, tiếng quai búa của chàng Gân trầm đục mà đanh vang, đôi bả vai vồng lên như nhiều cục cơm nắm cuộn đắp lên nhau, đôi cánh tay nâu bóng căng lên khắp lượt những dây thừng dây chão, lửa lò bập bùng cháy nơi đáy mắt chàng.
Ngoài đồng lúa đang chín rộ, màu vàng đầm ấm tít tắp tận chân trời, nhiều người đã mang liềm hái đến rèn rũa cho sắc ngọt đón mùa.
Hôm ấy chợ họp phiên chính, cô út ra chợ bán rau xong sớm, bèn mua mấy cái bánh cam giấu trong lá sen non vào quán thợ rèn lấy hàng, bánh ấy cô định mời anh thợ rèn để tỏ lòng cảm ơn. Nhưng vừa tới cửa quán thì cô út thấy cảnh tượng kinh hoàng, người trai rèn đang bị binh lính đánh đập dã man, máu me bê bết, tay chân bị trói quặt lại, tất cả đồ nghề, hàng họ trong quán bị ném đập tung tóe, lổng chổng đầy đường. Ông lão bán chiếu kể, bọn chúng đến ép Gân rèn cho mấy lưỡi gươm, lưỡi dao loại đặc biệt, Gân lắc đầu, chỉ quen rèn nông cụ không biết rèn vũ khí, chúng uy hiếp không được quay ra vu cho Gân là kẻ tạo phản, bắt trói, đánh đập. Tên bụng phệ thé lên lần cuối, Gân vẫn lắc đầu, một cái đòn phang phập xuống gáy, Gân quằn người, rồi đuỗn ra, thằng lính cao nghêu ra sờ mũi, thản nhiên nói, tắt thở rồi. Cô út ôm mặt khuỵ xuống, rổ đựng bánh, cam rơi đổ ụp dưới chân lấm lem đất cát, than tro. Bọn lính hất xác Gân xuống sông chỗ sát gốc khế, cấm chỉ vớt lên, ai chống lệnh sẽ bị chặt đầu.
Quá nửa đêm, đợi cho toán lính cuối cùng đi tuần qua một lúc lâu, đàn ông trong làng rủ nhau ra sông tìm vớt xác Gân. Họ bơi lặn, mò mẫm, lưới chài quần thảo tới sáng cũng không tìm thấy xác đâu, mệt bã, lên bờ người ngồi kẻ nằm vật vạ dưới gốc cây khế. Chính lúc này mọi người mới nhìn lên cây khế, chợt phát hiện ra từ gốc tới thân cành khế đã sần sùi nổi gân guốc lên những khe rãnh như bắp tay bắp chân người thợ rèn đang quai búa, gân lá thẫm hơn, hoa tím ngăn ngắt, từ cây khế toát lên một sự khắc khoải tột cùng, sự căm hờn ngùn ngụt, sự chung trinh mãnh liệt, sự thuần phác đến nguyên thuỷ... Từ ấy, người ta gọi cây khế đó là khế gân.
Người con trai làng Gianh thỏa thuê ngắm cây khế với những đường gân guốc chạy dài vặn vẹo theo thân tạo nên những nét u nần cổ thụ, cành khế chắc nịch, vỏ đã xù xì tróc vẩy, mốc mác như cánh tay người thợ rèn dấp dính những giọt mồ hôi, lại được ăn khế chấm muối ớt, khế nấu canh chua, vị chua giòn mát ngọt càng khiến anh mê tít giống khế gân nên lúc lên tàu về Bắc đã xin bà chủ nhà một cành khế chiết đang giâm trong vườn. Tiễn Chi đi, bà chủ mới run run nắm chặt tay anh dặn mang cây về thì nhớ chăm sóc giống khế quý, một bác tóc hoa râm làm cùng với Chi tiết lộ, trong làng, nhiều người ra xin chiết cây, nhưng chỉ có cô út này mới chiết giâm được cành khế gân thành những cây con sống được.
*
Cụ Cốc năm nay đã chín mươi hai tuổi, râu tóc trắng phơ phơ, mắt tinh, lưng không còng nhưng hàm răng thì cái còn cái mất, thường ngồi dưới gốc khế gân cạnh bờ ao làng đan rổ, rá nhưng thực ra là cụ có ý đợi bọn trẻ con chúng tôi tới để kể chuyện. Câu chuyện tại sao cây khế gân lại có mặt trên đất làng Gianh đã được hơn sáu mươi năm này là cụ đã kể cho chúng tôi nghe vào buổi trưa hè nắng rực ran ran tiếng ve sầu. Với chất giọng trầm trầm có chút thiếu hơi bởi mấy cái răng cửa đã gãy của cụ, câu chuyện càng trở nên hấp dẫn, huyền bí lạ lùng. Đôi khi cao hứng, cụ Cốc trèo lên cây khế ngồi ở cành thấp nhất kể chuyện, còn lũ chúng tôi mỗi đứa một cành trên cao vừa ăn khế suỵt soạt vừa nghe chuyện của cụ. Những lần như thế, cụ không đan lát được cái mê rổ mê rá nào, nhưng trông cụ chẳng khác gì trẻ mười ba, mắt hấp háy cười, miệng cũng tóm tép nhai khế, mặc vị chua chua rôn rốt muốn đánh rụng vài cái răng nữa. Cái Tâm đã rụng thêm hai cái răng cửa, thằng Quân thì ba, chúng thắc mắc với cụ có lẽ tại khế gân chua làm cụ cháu cùng gẫy răng. Cả bọn cùng cười vang rung cành, rụng lá. Cụ bảo cả bọn tụt xuống gốc, lần sau muốn trèo hái quả, để quả không rụng xuống ao, để quả không chua xít lưỡi, nhớ phải cốc khế. Nhưng cốc khế thế nào? Chẳng lẽ, giống như củng vào đầu nhau, vừa nói thằng Quân vừa lấy tay cốc đầu tôi làm mẫu, tôi cốc lại, hai đứa đuổi nhau quanh gốc khế.
Cụ Cốc nói rằng: Cốc cốc cốc cốc, khế gân lông lốc, chùm nhỏ chùm to, quả bé để kho, quả to chấm muối, cốc cốc cốc cốc, ai muốn ăn ốc, thì lội xuống ao, ai muốn trèo cao, thì lên cây khế, cốc cốc cốc cốc, cho xin ngọt chua, để làm giải khát, khế gân khẽ hát, cho ngay cho ngay.
Cụ Cốc đổi tay cốc như múa vào gốc cây, bọn tôi nhẩm thuộc lời cốc, múa theo, giọng đuổi nhau át cả tiếng lũ ve trên cành cao khiến chúng ngơ ngác giật mình im bặt.
*
Ngày trước Chi đan giỏi nhất làng, nào thúng, mủng, nong, nia, rổ, rá, dần, sàng, sau khi anh phiêu bạt tứ xứ trở về thì tay thợ đã vào bậc nhất nhì xứ Đông. Mỗi khi người vợ gánh hàng ra chợ bao nhiêu thì bán chạy hết bấy nhiêu. Lúc cây khế đến độ nhuận sắc gân khoe mã trổ, cơ bắp cuồn cuộn như tráng sĩ cạnh bờ ao thì đầu làng mọc lên một cái đồn Tây sừng sững. Dân làng khúm núm, co ro, sợ sệt trên chính làng mình, đồng mình, chợ mình, vì mấy thằng Tây có súng, có lựu đạn, cứ hay lồng lên như trâu điên, dân làng không thế, chết với chúng lúc nào chẳng biết.
Một sáng, vọng từ đồn có tiếng chân người chạy rình rịch, tiếng súng nổ, tiếng quát tháo, đánh đập... vài người gan trời thập thò sau bụi tre thám thính, rồi tụ lại trong gian buồng nhà anh Chi, cùng đánh cạp thúng, cạp nia và bàn bạc chuyện kín. Bọn Tây vừa cất được ổ Việt Minh bên làng Chằm do có Việt gian chỉ điểm. Chúng đem về cái kho chứa vũ khí đã bỏ không sau đồn để nhốt lại tra tấn, đánh đập, dù chết mấy người đó cũng không hé răng nửa lời. Nhốt mãi, tra mãi, không xong, lại chưa có lệnh cấp trên đem đi xử, bọn Tây đang cần người xây hàng rào dây thép gai, bèn lùa các tù nhân đi lao động khổ sai. Nào xúc cát, khuân gạch, múc vôi, gánh nước, đánh vữa, cuốc móng, xây chát, căng dây thép gai... những việc thợ hồ, dân nông thôn ai cũng có thể làm được.
Trưa ấy, anh Chi đang ngồi chẻ tre làm cạp thúng dưới gốc khế, thấy một thằng Tây mũi hếch có nốt ruồi ngay đầu mũi to như hạt đỗ đen kèm một tù nhân đi vào giếng làng gánh nước. Dạo này nóng nực trên đồn khan nước, thằng Tây muốn tắm nước giếng có bèo ong cho mát lạnh như kem mới sướng, đã cắt công một tù nhân đi gánh nước về đổ bể để dùng dần. Qua rặng tre đầu ngõ, tới bờ ao có gốc khế, thằng Tây nhìn cái lưng áo nâu vá chằng vá đụp của anh Chi rồi lại nhìn lên ngọn khế núc na núc nỉu những quả, nuốt nước bọt. Nó nói tiếng Việt trọ trẹ, muốn ăn khế. Chi gật đầu, thằng Tây Mụn ruồi bèn sai người tù nhân trèo lên hái khế cho ăn. Khế xuống, nó ngấu nghiến chén, nhăn mặt xuýt xoa khế chua chua quá.
Anh Chi ngừng tay dao, tiến lại cây khế trèo ngang lưng, ôm cây cốc khế. Cốc cốc cốc cốc, khế gân lông lốc, chùm nhỏ chùm to, quả bé để kho, quả to chấm muối, cốc cốc cốc cốc, ai muốn ăn ốc, thì lội xuống ao, ai muốn trèo cao, thì lên cây khế, cốc cốc cốc cốc cho xin ngọt chua, để làm giải khát, khế gân khẽ hát, cho ngay cho ngay. Lại nói, trưa mai qua, sẽ để dành cây khế cho Tây Mụn ruồi cốc trước rồi trèo lên tự hái mà ăn, khế sẽ ngọt chua thơm mát chân răng. Người tù nhân gánh nước nhìn Chi, ánh mắt cả hai khẽ ánh lên tia sáng.
Hôm sau, Tây Mụn ruồi lại dẫn anh tù gánh nước rẽ qua thật, nó gọi lơ lớ: Này Cốc mày ơi, cho tao cốc khế! Chi ra, bảo cứ lên mà cốc rồi thích hái bao nhiêu thì hái, đang giở tay cạp thúng mai kịp phiên chợ. Tây Mụn ruồi lại nói, tao thích loại khế sần sùi này, Cốc mày có cây nhỏ cho tao một cây. Anh Chi gật đầu. Mụn ruồi trèo lên cốc khế, giọng du dương như tiếng chim hót, cái mông to cứ ngoi lên tụt xuống mãi cũng trèo lên một trạc cây. Trong quãng thời gian ấy, dưới ngõ, Chi nháy mắt ra hiệu, người tù Việt Minh ba chân bốn cẳng chạy tắt vào một ngõ nhỏ, xiên ngang vườn chuối hoang, vọt lên đồng, trốn mất. Tây Mụn ruồi chén no nê khế, còn nhồi nặc nè đầy bốn túi, tụt xuống không thấy tù nhân gánh nước đâu chạy quáng quàng vào sân hỏi, Chi đang đánh cây khế con trong vườn bê ra cho Tây, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, lắc đầu không biết.
*
Thế còn những người còn lại có bị sao không? Chúng tôi nhao nhao hỏi. Cụ Cốc kể tiếp, ba hôm sau, một đêm, Việt Minh nổ súng đột kích vào đồn, bọn lính Tây sợ bạt vía hò nhau lên xe cam nhông chạy nháo nhác như lũ vịt đồng mong thoát mạng, đội Việt Minh cứu được các tù nhân, cướp được nhiều súng, đạn và các vũ khí khác.
Chúng tôi hoan hỉ, thở phào nhẹ cả người tưởng như vừa xem xong một cảnh phim gay cấn mà kết thúc đúng theo ý mình.
Bỗng tiếng người lớn đua nhau reo réo gọi chúng tôi về, trâu buộc lâu đang phá chuồng rầm rầm. Đang ngồi bu xung quanh cụ Cốc như đàn gà con vây lấy gà mẹ đợi mớm mồi, câu chuyện bỏ dở còn thèm hơn cả quả khế chua vừa mới được cắn một miếng. Cơm chưa ăn gạo còn đó. Cụ Cốc động viên, cụ với một thanh tre chẻ nan chờ chúng tôi chăn trâu về bởi thằng Quân hò hẹn, chiều tối chúng cháu chăn trâu về thì cụ kể tiếp, chứ để đến trưa mai lâu quá nó nguội mất. Cụ Cốc gật gù nhất trí.
Ra đồng chăn trâu, cưỡi trâu, tắm sông, bẻ hoa sen, lặn đánh củ sen làm chúng tôi dần nguôi đi câu chuyện kể dở dang của cụ Cốc ở gốc khế, nhưng lúc đàn trâu khua mõ lốc cốc về làng, nằm ngửa trên lưng trâu, mắt chạm li ti chùm hoa khế tím lấp ló sau tán lá xanh thẫm thì cơn thèm chuyện thèm cả khế lại dâng lên đầy cuống họng. Có tiếng “họ”, ba con trâu dừng lại nghe ngóng trong khi chủ chúng đã nhảy phốc hết xuống đất. Cụ Cốc đang ngồi uống nước vối với một cụ tóc râu trắng như vôi, da dẻ cũng trắng như vôi, còn đôi mắt thì có ánh xanh như phiến lá khế. Cụ ấy nói muốn dắt trâu với chất giọng trầm bổng như nhịp mõ trâu. Con trâu của tôi là thuần nhất, tôi cầm thừng trao tay cụ, cụ dắt trâu đi vài bước, đoạn vuốt ve bộ lông mượt mà của nó, bàn tay nổi dây thừng dây chão như tay cụ Cốc như thân cây khế gân, rồi cụ ấy nói, cũng có một con trâu muốn khoe cụ Cốc và dân làng, giờ nó đang ở giữa Hoàng thành Thăng Long.
Một con trâu ở giữa Hoàng Thành? Chúng tôi há miệng thốt lên đầy kinh ngạc.
*
Sau vụ dẫn đường cho đội Việt Minh đột kích đồn Tây, anh Chi tham gia hoạt động Việt Minh dưới bí danh Cốc, cái tên chính Mụn ruồi đặt cho, sau đó thành tên gọi tới giờ. Mấy ngày sau bọn Tây lại điều thêm quân lính để quay lại đồn.
Tây Mụn ruồi bị ma khế hút hồn, trưa nào cũng lảng vảng qua cốc khế, sau còn nghiện cả trò cưỡi trâu mà anh Chi dạy cho, nghiện cả trò uống rượu nút lá chuối với khế chua, mỗi lúc biêng biêng vì rượu, Mụn ruồi kể huyên thuyên nhiều chuyện trong đồn, về cây khế đang trồng trong một cái xô trên nóc bể nếu được ra quân sẽ mang theo về nước, tay anh Chi ngoăn ngoắt đan mê thúng nhưng chẳng một từ nào của Tây Mụn ruồi lọt khỏi tai anh Chi.
Thời gian sau, Việt Minh khắp vùng đồng loạt nổi dậy, Tây trên đồn thua bỏ chạy, nhiều tên bị bắn, bị bắt làm tù binh, đồn bốt tan hoang, khi Cốc cùng anh em trèo lên chỗ nóc bể chứa nước giếng thì không thấy cây khế con ở đấy nữa.
Cụ Cốc vừa ngừng lời, da trắng mắt xanh bỗng ửng đỏ cánh mũi, tôi chợt nhìn thấy cái mụn ruồi như hạt đỗ đen phơi quá nắng đính trên đó. Cụ Cốc trầm tĩnh sau hớp nước vối, người này chính là chàng Tây Mụn ruồi ngày đấy. Chúng tôi đổ dồn nhìn cụ Tây Mụn ruồi. Tên ông ấy là Giắc nhưng ta quen gọi là Mụn ruồi, giống như ta tên Chi nhưng từ khi Mụn ruồi nghiện ăn khế lại gọi ta là Cốc.
Cụ Mụn ruồi bật tiếng cười khà khà khoái chí, tiếp ngay chuyện:
Trong trận cuối cùng đó, Mụn ruồi ôm cây khế bỏ chạy, sau bị viên đạn găm vào bắp chân, bị thương, và về nước sau đấy mấy tháng, mang theo cả cây khế nhỏ. Mấy chục năm chăm sóc, tỉa tót, tạo tác, cây khế gân đã thành tác phẩm Bon sai nghệ thuật có tên “Con trâu”. Con trâu của nghệ nhân Giắc Mụn ruồi đã đi rất nhiều nước, giờ nó theo Mụn ruồi về thăm lại Việt Nam mà chưa về thăm lại cây mẹ ngay vì cây con sẽ dự triễn lãm Bon sai Quốc tế diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long khai mạc vào sáng ngày mai, xin mời cụ Cốc và các bạn trẻ sáng mai cùng lên thăm Thủ đô, dự lễ khai mạc triển lãm, rồi sau đó sẽ dắt Con trâu về thăm lại làng Gianh, thăm lại cây mẹ khế gân cụ Cốc.
N.T.H