Cuối năm, công việc của đài huyện bận rộn hơn các tháng khác. Ngoài việc tiếp sóng đài cấp trên, viết bài đưa tin các hoạt động của huyện trên sóng và cộng tác với các cơ quan báo chí của tỉnh, cán bộ nhân viên nhà đài còn phải theo sát các hội nghị. Họ phải lo khâu trang âm tuyên truyền, lo ghi hình, ghi âm, lo truyền thanh trực tiếp diễn biến, kết quả các hội nghị đó. Mà hội nghị cuối năm thì liên miên. Ngành nào cũng phải tổng kết. Ban nào cũng phải đưa tin. Đoàn thể nào cũng cần phải cổ động. Thế nên, anh em nhà đài, chỉ có năm người thôi, phải chia nhau đi dự các hội nghị. Nhiều khi cũng phải chạy sô. Cả tướng lẫn quân đều bận rộn.
Ông Tiến làm trưởng đài này đã chục năm nay. Mọi ngõ ngách công việc, mọi tính cách nhân viên, ông đều hiểu khá tường tận. Bốn người dưới quyền, ông “để ý” nhất cậu Trung. Cậu này kém ông bốn tuổi, về đài được dăm năm nay. Là một phóng viên năng nổ, viết được, quay được, Trung nói năng hoạt bát và MC rất có duyên. Cậu ta có tài đóng kịch, bắt chước giọng nói lãnh tụ khá chuẩn. Bài và ảnh của Trung thường xuyên xuất hiện trên một số báo chí Trung ương và của tỉnh. Trung luôn đúng mực, khiêm tốn học hỏi và cầu thị. Chỉ mỗi cái tính tếu táo hay bày những trò nghịch ngầm làm cho ông Tiến nhiều lúc phải bực mình. “Nghề anh em mình là nghề nói qua loa, đừng nên quan trọng hóa quá mà rối. Cứ tằng tằng mà làm. Đâu khắc có đó. Như thịt chó có mắm tôm í mà”. Trung cứ toang toác vậy. Cái thằng... Ai lại ví von như thế cơ chứ?
Nhớ lần cô Nhân chuẩn bị bài phát biểu cho ông, Trung đã bí mật bóc ghim, tráo đầu một vài trang. Khi lên bục, ông Tiến toát mồ hôi xoay ngược, xoay xuôi văn bản ra để đọc. Xong việc, ông đã nạt cho Nhân một trận. Cô này cãi chày cãi cối rằng: “Em đã chuẩn bị rất chu đáo cho sếp rồi. Không thể lộn đầu các trang được”. Ông Tiến nhíu mày, nhăn trán hình dung lại “quá trình luân chuyển” của cái cặp tài liệu. Nhân nhờ Trung đưa cho ông. Mãi đến lúc vào họp nó mới đưa. Ông bận bắt tay, chào hỏi cánh đài xã không kịp kiểm tra, đọc trước. Đúng rồi! Chỉ có thằng Trung chứ còn đứa nào vào đây nữa? Cái Nhân không cẩu thả đến thế. Thằng Trung này lại chơi xỏ mình đây. Hôm ấy, lại không có kính nữa chứ. Chẳng biết ông quên hay là nó giấu đi cũng nên? May mà hội nghị của ngành, thành phần chỉ là những cán bộ đài truyền thanh xã, không có cấp trên dự, ông là to nhất, không thì... Phát biểu xong, trên bục bước xuống, ông đảo mắt về phía Trung. Nó tỉnh bơ nhìn ông cười cười. Lúc giải lao, đến bên ông nó khen: “Hôm nay, sếp nói qua loa hay quá” khiến ông càng bực.
Một hôm, đang dựng chương trình, Trung hề hề nửa đùa nửa thật bô bô với anh em nhà đài. “Bác Tiến nhà mình tên là Tiến, Vũ Quyết Tiến hẳn hoi mà đường công danh tậm tịt quá. Mười năm vưỡn cái chức trưởng đài, chẳng tiến lên tí nào”. Ông Tiến nghe vậy nói át đi: “Chức tước mà làm gì? ở với các chú cho vui”. Trung xua tay: “Không được! Anh nói thế là không được. Không có chí tiến thủ. Anh phải tiến lên cho anh em chúng em nhờ, chúng em có cửa để tiến theo với chứ. Ai lại cứ kìm hãm nhau mãi thế này à?”. Nó gọi ông lúc bác, lúc anh, vung tay lý sự làm ông vừa tức vừa buồn cười.
Ngồi nghe Trung, ông Tiến gật gù. Kể ra nó nói cũng phải. Của đáng tội, kỳ đại hội vừa rồi, ông cũng nằm trong quy hoạch cấp ủy để cơ cấu chân trưởng phòng Văn hóa. Thế mà khi bầu cử, rõ ràng ông quân đỏ lại bị trượt vỏ chuối nhường chỗ cho cô Yến huyện đoàn, hai mươi lăm tuổi, quân xanh thế chân. Phụ nữ có khác. Họ có thế mạnh riêng. Tuổi lại trẻ nữa. Còn ông, khi đó cũng “băm lung tung”, suýt soát bốn mươi rồi. Nghĩ lại mà buồn. Thôi thì, âu cũng là cái số. Ơ! Dưng mà... hay thằng này định tranh cái chức trưởng đài của mình nhỉ? Dễ lắm. Nó đã nói thẳng ra rồi đấy thôi. Thế thì bằng mình nuôi ong tay áo à?
Tự nhiên, ông Tiến cũng lo lo. Một mặt, ông tận dụng hết khả năng của Trung trong chuyên môn, sử dụng anh như con dao pha. Mặt khác, ông lại ngấm ngầm kìm hãm anh trong sự phát triển. Không thể để nó vượt mặt qua mình được. Đầu gối sao lại to hơn bắp đùi? Chả gì mình cũng hơn tuổi nó, lại là sếp của nó, phải cho nó biết thế nào là trên là dưới chứ. Dù anh có giỏi chuyên môn đi chăng nữa thì anh vẫn dưới quyền quản lý của tôi. Lao động quản lý là loại lao động đặc thù. Cấp trên tin tưởng phân công tôi, không phải ai muốn cũng là được đâu nha. Đấy, mình hơn nó ở cái điểm này nữa cơ đấy.
Ông Tiến thuộc dạng người rất tôn kính cấp trên. Tôn kính đến mức sợ sệt. Cấp trên như là cha, là mẹ của ông vậy. Một lời nói của ông thường vụ nào đấy, dẫu chỉ nói vui thôi, ông Tiến cũng cho đó là “ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo”. Trước mặt họ, ông xun xoe, khúm núm đến khổ sở. Một điều “báo cáo”, hai điều “báo cáo”. Rồi thì “xin ý kiến anh”. Rồi thì “em xin tiếp thu, lĩnh hội để triển khai ngay ạ”. Có những việc cỏn con thuộc phạm vi xử lý của mình ông cũng “xin ý kiến”. Sốt cả ruột!
Trong cơ quan ủy ban huyện, ông Tiến lại tôn sùng nhất ông Bắc, phó chủ tịch huyện phụ trách khối văn xã. Điều to điều nhỏ, việc lớn việc bé ông đều báo cáo ông này. Ông Bắc kém ông Tiến dăm tuổi nhưng ông Tiến toàn gọi ông Bắc là anh. Trước mặt ông Bắc, ông xoa tay khét lẹt rồi mới ấp a ấp úng nói. Nào là: “Báo cáo phó chủ tịch huyện tình hình đài dạo này thế này ạ, xin ý kiến chỉ đạo của anh”. Nào là: “Anh mặc bộ đồ này hợp lắm, nhìn cứ như lãnh đạo tỉnh ấy. Công nhận dáng anh mặc kiểu nào cũng đẹp”... Cánh cấp dưới như Trung và số nhân viên nhà đài chứng kiến cảnh ấy nhiều lúc cũng cảm thấy ngượng.
Không chỉ có vậy, ông Tiến còn rất hay quà cáp biếu xén cấp trên. Cứ hôm nào về quê xuống là thể nào ông cũng có quà cho ông Bắc. Hôm thì đôi gà đồi chạy bộ. Bữa lại con cá chép dăm cân ao nhà. Lúc thì quả mít dai đầu mùa. Rồi thì dăm cân nếp hoa vàng đầu vụ... Chẳng biết có phải của nhà ông thật không hay đi mua mà lần nào cũng “cây nhà lá vườn” như thế? Đủ các lý do biếu tặng. Nhìn ông đùm rúm gà, gạo, mít, cá... sau chiếc xe máy đến nhà ông Bắc mà tội. Rồi thì ngày giỗ, ngày Tết, sinh nhật, liên hoan của nhà ông Bắc nữa chứ. Cứ công to, việc lớn nào của nhà ông ấy là ông xăm xoe từ đầu đến cuối. Nửa đêm gà gáy, sớm trưa chiều tối, còn năng nổ hơn cả người nhà ông Bắc. Bà vợ ông Bắc quý ông Tiến lắm. Cái gì cũng chú Tiến. Việc này phải có chú Tiến mới xong. Chú đừng bày vẽ quà cáp vậy, chị ngại lắm... Nói thì nói vậy nhưng bà xách gà, đón gạo rất hoan hỉ. Gì chứ cái đồ nhà quê này sạch và ngon phải biết.
Ông Tiến tận tụy với công việc nhà ông Bắc đã đành, có những việc ông còn huy động cả đội quân nhà đài đến giúp nữa. Phải làm những việc như thế anh em bậm bực, ấm ức lắm. Riêng Trung thì vô tư hề hề. “Có gì đâu. Mình cứ tham gia. Đến ngay việc gia đình của nhà ông Tiến đấy, ông ấy còn bỏ để phục vụ sếp lớn nữa là. Đằng nào cũng đi làm. Cứ giờ hành chính mà làm. Nếu làm ngoài giờ thì mình đòi nghỉ bù. Còn lúc này thì không nên trái lệnh”. ở điểm này ông Tiến rất ok Trung. Ông sẵn sàng làm theo đề nghị của Trung. Thế nhưng, nó có nghỉ bù đâu. Lại xuống xã, đi cơ sở. Viết bài, đưa tin, quay phim, chụp ảnh... gửi phát đăng đầy trên các báo, đài khác đấy thôi. Làm báo mà năng động như nó quả cũng hiếm.
Tuy vậy, có lần, chướng tai gai mắt quá, Trung đã góp ý thẳng với ông Tiến. “Có cần thiết phải như vậy không bác? Theo em, cứ phạm vi chức trách mình mà làm, bác ạ!”. Ông Tiến nghiêm mặt chấn chỉnh: “Cậu đúng là là... không làm lãnh đạo không biết được đâu. Phải tranh thủ cấp trên chứ. Như thế vừa được lòng các anh ấy lại vừa có gì thì các anh ấy đỡ cho. Với lại, người Việt mình cái tình là chính mà cậu. Nó tế nhị lắm”. Tình gì ông - Trung bậm bực nghĩ - Có mà cơ hội, lợi dụng thì có. Sao chỉ “tình” với ông Bắc, với các ông thường vụ mà không “tình” với anh em kia kìa? Chẳng qua là ông nhắm đến việc khác đấy. à, phải rồi! Lại sắp tới kỳ đại hội đây mà. Ông muốn vào cấp ủy chứ gì? Lại tái cơ cấu ước mơ lần trước chứ gì?
Trung được phân công lên đài tỉnh nhận một số phương tiện theo dự án phát triển hệ thống đài truyền thanh huyện. Một chiếc Sony ba cục, một bộ trang âm 15 oát, một máy ảnh và rất nhiều sách báo, tài liệu nữa. Anh em nhà đài phấn khởi lắm. Đã từ lâu họ mơ ước có những thứ đó để tác nghiệp. Bóc hộp xốp ra, mắt người nào người ấy tròn xoe ngỡ ngàng. Mồm miệng xuýt xoa. Tay mân mê sờ mó. Mũi hít hà thưởng thức. Đang háo hức vậy thì ông Tiến đứng dậy xách chiếc đài Sony ba cục, cầm cái máy ảnh Canon thưn thứn đi khỏi phòng. Cả bọn ngơ ngác trông theo. Trung phán luôn: “Mang biếu ông Bắc đấy”. Nhân không tin: “Thiết bị phục vụ chuyên môn đài mình cơ mà? Sao lại đem cho ông Bắc?”. “Rồi các cậu xem. Nếu không đúng, tớ xin đi đầu xuống đất”, Trung khẳng định.
Y như rằng, ông Tiến đến phòng ông Bắc thật. Khuôn mặt hớn hở, ông Bắc ôm cái đài khệ nệ bước vào phòng phó chủ tịch huyện. Đặt nó và cái máy ảnh lên bàn, ông cười rất tươi. “Báo cáo anh, đài vừa nhận một số thiết bị theo dự án, em mang lên anh, để anh dùng phục vụ cho công tác ạ”. Ông Bắc thoáng ngạc nhiên: “Đã lấy rồi à? Đúng đề xuất chứ?”. “Vâng. Không thiếu một thứ gì anh ạ”. “Tốt. Dự án mà”. “Anh em bảo để phó chủ tịch huyện dùng cái đài và cái máy ảnh”. “Sao lại tớ? Trang bị cho đài cơ mà?”. “Thì anh là trưởng khối văn xã, phụ trách đài, phải nắm bắt thông tin để chỉ đạo chứ”. “Nhưng mà tớ bận suốt ngày, thời gian đâu mà nghe? Thôi, ông mang về đài sử dụng chung đi”. “Ngày anh bận thì đêm nghe. Anh mang về cho chị và các cháu nghe luôn thể. Chứ đài chúng em cái cũ vẫn còn dùng tốt mà. Với lại, để anh em nó đọc tài liệu, chứ ỷ lại vào ra-đi-ô nó lười đi anh ạ. Tài liệu mới nhận về nhiều lắm. Tha hồ đọc. Thời gian đâu mà nghe đài nữa anh”. Cuối cùng, ông Bắc nhận cái Sony ba cục, còn cái máy ảnh Canon thì ông Tiến dùng.
Quanh quẩn, thế mà đã hai mươi sáu Tết. Sớm nay, sau khi cùng anh em lo trang âm phục vụ đoàn cán bộ huyện viếng nghĩa trang liệt sĩ về, ông Tiến lại cắp cặp tranh thủ đi chúc Tết lãnh đạo. Đã có chỉ đạo cấm quà cáp chúc Tết cấp trên rồi nhưng ông Tiến vẫn cứ lặng lẽ chúc ngầm. Không đến nhà sếp nữa. Gặp ở các hội nghị. Cho phong bì kẹp vào giữa quyển tạp chí nào đấy rồi đưa sếp “đọc”. Thế thôi. Gọn nhẹ. Bí mật. An toàn. Những năm trước, rút tiền kho bạc về (tất nhiên là ghi chi cho các hoạt động Tết rồi), ông cùng thủ quỹ đóng phong bì. Dày mỏng tùy theo chức tước và mối quan hệ. Có hôm, ông còn cho Nhân đi cùng đến nhà sếp chúc Tết nữa. Năm nay thì không. Nhân rút tiền về đưa tất cho ông để ông lo. Cái này nó tế nhị lắm.
Tối qua, đang chuẩn bị đi ngủ thì điện thoại reo. Nhấc ống nghe lên, đầu dây đằng kia vang lên giọng nói của ông Hách, thường vụ. Đại ý ông ấy nói rằng “năm nay đài làm ăn phát đạt, dự án mới xông xênh, anh em trưởng thành, tiến bộ, năm tới cứ thế mà tấn tới. Đủ lông, đủ cánh rồi, chắc không cần tới tớ nữa đâu. Chúc mừng nha”. Ông Tiến giật mình. Chết rồi! Chưa kịp chúc Tết ông này đây mà. Khéo lão này biết việc mình tặng đài cho ông Bắc cũng nên? Sao lão ấy thính thế? Lão nói vậy là có ý cho mình ra rìa đây. Rõ khổ! Làm cái anh cấp trưởng thật khổ. Đối nhân xử thế dịp Tết này thật khổ. Chúc Tết sớm quá thì sếp bảo coi sếp là khách, là đối tác vòng ngoài nên đi sớm cho xong việc. Tết chậm quá cũng chết. Sếp nghĩ mình coi sếp là loại vứt đi nên mới đến muộn. Thôi, hôm nay cũng phải giải quyết cho xong vụ này để ăn Tết cho ngon. Nhân tiện, cũng mạnh dạn gửi gắm niềm tin trong nhân sự kỳ đại hội tới này mới được. Khuyến mại lão ấy cái máy ảnh dự án cho thêm phần nặng ký. Chả gì lão cũng ở cơ quan định hướng tuyên truyền.
Sau khi làm nốt cuộc chúc Tết này, ông Tiến thở phào. Xong! Tất cả những chỗ quan trọng đều đã ổn! Việc trực Tết cũng đã phân công cụ thể rồi. Cậu Trung ngang bướng cho trực đêm giao thừa và ngày mùng một năm mới. Còn lại mỗi người trực một ngày Tết. Mình là lãnh đạo không phải trực nhưng quán xuyến chung. Giờ mới đến phần lo cho gia đình. Ông Tiến vội vã về nhà. Vừa thấy ông, bà vợ ông đã nheo nhéo: “Cỗ bàn cúng tất niên tôi đã làm xong rồi đấy. Sẵn quần áo, ông thắp hương khấn vái đi. Mẹ con tôi làm nốt chỗ bánh này thì ăn cơm”.
Như một cái máy, ông Tiến cất vội chiếc cặp rồi leo lên tầng hai. Bàn thờ nhà ông để trên đó. Quan sát một lượt, ông gật gù. Công nhận mụ vợ mình chu đáo. Cành đào, mâm ngũ quả, cặp bánh chưng, hộp mứt Tết, mâm cỗ cúng... thật đầy đủ. Cả nước, cả rượu nữa. Cây hương vòng mụ ấy cũng đã cắm sẵn rồi. Đúng là đảm đang tề gia nội trợ. Mình toàn đi lo cho thiên hạ, không có mụ vợ thì hết hơi. Tết nhà mình có họa mà lạnh tanh. Chỉnh trang lại quần áo, ông thắp hương cắm lên ban thờ rồi khấn vái.
Đang xuýt xoa lẩm bẩm thì mụ vợ ông gọi với lên: “Ông Tiến! Có điện thoại này!”. Mặc, ông vẫn khấn. Mụ vợ ông lại gọi. Lần này tiếng gọi có vẻ gấp gáp hơn. Bắt buộc ông Tiến phải ngừng khấn. Ngó xuống tầng dưới, ông hỏi: “Điện thoại của ai đấy? Bà hỏi xem nào?”. Giây lát sau, vợ ông líu ríu nói vọng lên: “Ông Quang nào ở trên tỉnh í. Ông xuống ngay đi!”. Nghe nói đến “trên tỉnh”, ông Tiến hấp tấp bỏ dở việc cúng chạy vội xuống. Ông Quang? Có phải ông Quang giám đốc đài tỉnh không? Sao năm nay ông ấy lại gọi điện cho mình nhỉ? Quà chúc Tết mình cũng chu đáo rồi mà? Hay là có việc gì? Chắc là quan trọng lắm nên mới gọi mình vào giờ này?
Run run áp cái ống nghe vào tai, ông Tiến hồi hộp nói: “A lô! Em Tiến đây ạ. Có phải anh Quang giám đốc đài tỉnh không ạ?”. “Chính xác! Quang đây! Cậu không nhận ra giọng tớ à? Mà máy nhà cậu không hiện số tớ sao?”. “Dạ! Em nhận ra rồi ạ. Điện thoại em đời cũ không có chế độ hiện số máy gọi đến anh ạ. Mà có việc gì anh gọi em thế?”. “Ơ hay! Tớ gọi cậu chúc Tết không được à?”. “Ôi! Quý hóa quá! Thế thì còn gì bằng! Anh chờ em một tí nha”. “Chúc Tết mà cũng phải chờ à?”. “Không phải thế ạ. Em muốn ghi âm lại lời chúc của anh. Anh chờ em một tí để em lấy máy ghi. Thật vinh hạnh cho em quá. Được giám đốc đài tỉnh chúc Tết sớm thì còn gì bằng”. Có tiếng phì cười phía đầu dây bên kia nhưng ông Tiến không nhận ra.
Chẳng chờ cho ông Quang có đồng ý hay không, ông Tiến đặt nhẹ cái ống nghe xuống, chạy lấy máy ghi âm. Bật máy lên, ông Tiến “a lô” tiếp. Giọng nói từ đầu dây bên kia vọng tới: “Anh Tiến này! Tôi chỉ chúc Tết anh và gia đình thôi. Có gì mà phải ghi âm?”. “Em biết thế. Chính thế mới vinh hạnh cho em chứ. Em ghi lại lời vàng ý ngọc của anh làm kỷ niệm và lấy may mắn cho năm mới ạ”. “Cậu làm tớ xúc động đấy. Chúc cậu và gia đình năm mới sức khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc cho đài ta cứ thế phát triển. Tin bài phong phú, sóng khỏe vang xa, nhà nhà vui vẻ”. Lời chúc khá dài. Ông Tiến như mụ đi. Vinh hạnh cho ông quá. Ông ấy chúc Tết cứ như thơ ấy. May mà máy ghi âm để nhà ghi lại được không thì...
Cuộc thoại ngừng lâu rồi mà ông Tiến vẫn cứ giữ chặt ống nghe, áp mãi vào tai mình. Rồi ông ngồi ngây ra. Mặt ông hớn hở. Đầu ông vênh lên. “Bà thấy chưa? Giám đốc đài tỉnh chúc Tết tôi đấy. Phải thế nào ông ấy mới thế chứ”. Vợ ông cũng hớn hở. Niềm vui tràn ra hiện rõ trên khuôn mặt vợ chồng ông Tiến. Sực nhớ ra điều gì, ông Tiến vội nói: “Thôi, mẹ con bà ở nhà cứ tất niên đi, tôi phải đi ngay bây giờ đây”. Vợ ông ngạc nhiên: “Ơ! Cái nhà ông này! Sao lại đi đâu vào giờ này?”. “Tôi lên đài, gọi chúng nó đến bóc băng dựng chương trình chúc Tết của giám đốc đài tỉnh”. “Sao ông bảo ông ấy chúc Tết ông và gia đình mình?”. “Thì vưỡn! Nhưng mà có chúc cả đài, cả huyện nữa. Vì thế, mới phải bóc băng, mới phải dựng sóng để phát cho cả huyện nghe nữa. Như thế, vị thế của tôi nó mới tăng lên, bà hiểu không?”. Vừa nói, ông Tiến vừa trèo lên xe, nổ máy. Vợ ông ú ớ nói với theo: “Nhưng mà... ông đã khấn vái xong đâu?”. “Thì bà khấn nốt cho tôi cái. Việc làng việc nước đừng sao được”. Ông Tiến ngoái lại nói. Chiếc xe máy phọt khói vù đi.
Đang bần thần vì phải trực đài chiều ba mươi Tết, Trung thấy ông Tiến lù lù phi xe máy đến. Anh khá ngạc nhiên. “Sao bác lại lên vào giờ này?”. “Việc quan trọng. Cậu a lô gọi thằng Hòa nó lên ngay giúp tôi”. Ông Tiến vừa nói vừa chạy vào phòng cách âm. Trung hỏi lại lần nữa. Ông Tiến bực dọc: “Thì tôi bảo cậu gọi nó thì cứ gọi đi. Tết đến đít rồi mà còn cứ lằng nhằng”.
Mươi phút sau, Hòa phi xe máy tới. Ông Tiến cầm máy ghi âm đưa Hòa: “Cậu bóc cái băng này, dựng chương trình để giao thừa xong, cậu Trung trực sẽ phát”. “Băng gì vậy anh? Sao gấp thế?”, Hòa hỏi lại. “Giám đốc đài tỉnh vừa điện thoại chúc Tết tớ. Chúc cả đài, cả huyện nữa. Mình làm chương trình phát cho toàn huyện nghe cho nhân dân phấn khởi”. “Giám đốc đài tỉnh? Chúc Tết anh?”. “Chứ sao?”. Ông Tiến gật đầu trả lời. Trung nghe vậy suýt phì cười. Rồi mặt anh tái dần. Làm sao bây giờ? Không ngờ ông ấy lại háo danh đến thế.
“Anh Tiến ơi! Theo em thì không nên phát cái băng này anh ạ”. Trung lên tiếng. Ông Tiến gạt đi. “Cậu thì biết cái gì. ý kiến quý báu của giám đốc đài tỉnh, ông ấy chúc Tết mình, phát là phải chứ. Có Tết nào ông ấy thế đâu?”. “Nhưng mà...”. “Không nhưng nhị gì hết. Hòa! Cậu làm đi”.
“ái chà! Mấy anh em nhà đài tích cực phết. Trực đông thế này cơ à?”. Ba người đang chăm chú chuẩn bị mở máy ghi âm thì có giọng nói vang lên. Tất cả ngoảnh ra. Ông Bắc đã đứng lù lù ở cửa. Cả ba cùng chào ông Bắc. “Các cậu đang làm gì vậy?”. Ông Tiến giọng hớn hở vội vàng khoe: “Báo cáo anh, anh em đang bóc băng, dựng chương trình Tết anh ạ”. “Sao dựng muộn thế?”. “Báo cáo anh. Chả là giám đốc đài tỉnh vừa chúc Tết em, chúc Tết đài và chúc Tết nhân dân huyện ta anh ạ. Em cho anh em nó dựng để phát luôn sau giao thừa. Tiện đây xin ý kiến anh luôn”. “Thế cơ à? Nhất ông Tiến đấy. Đâu, cho tớ nghe qua cái nào”.
Hòa bật máy ghi âm. Tiếng nói rành rọt vang lên. Tất cả khoảng ba phút. Nghe đến đâu, mặt ông Tiến nở ra đến đấy. Ông hãnh diện nhìn mọi người, nhất là ông Bắc. Ông Bắc gật gù. Trung đứng yên như trời trồng. Hòa sáng mắt. Nghe xong, ông Tiến hồi hộp hỏi ông Bắc: “Thế nào anh? Có nên phát không ạ?”. Ông Bắc trầm tư ít phút rồi nói: “Trước hết, chúc mừng ông được sự quan tâm của giám đốc đài tỉnh. Ông phải thế nào thì ông ấy mới quý, mới chúc Tết ông như vậy chứ. Phải không hai chú?”. Quay sang Trung và Hòa, ông Bắc hỏi. Ông Tiến được thể vênh mặt lên. Đôi mắt ông sáng ngời. Mặt ông hớn hở không giấu nổi vẻ tự hào. “Tuy nhiên, theo tôi, ông không nên cho phát cái băng này - Ông Bắc nói tiếp. Mặt ông Tiến xịu lại - Sở dĩ tôi nói không nên vì còn bí thư, chủ tịch huyện chứ. Các ông ấy chúc Tết ở hội nghị sao đài không ghi, không phát? Vấn đề này tế nhị lắm. Tôi nói vậy, mấy anh em hiểu chứ?”.
Không gian như lặng đi. Không khí trầm hẳn xuống. Trung lên tiếng: “Anh Bắc nói đúng đấy anh Tiến ạ. Ta nên điều hòa các mối quan hệ. Việc giám đốc đài tỉnh chúc Tết anh, chúc Tết đài là quá vinh dự cho anh Tiến rồi. Ta nên giữ đó làm kỷ niệm, để phấn đấu. Chứ phát ra các ngành khác họ lại tị. Có khi họ bảo mình cậy có đài, phát riêng cho ngành mình thì lợi bất cập hại đấy”. Ông Bắc vỗ vai ông Tiến: “Ông thế là vinh dự rồi. Được tỉnh chúc Tết riêng đấy. Tôi đây này, chả có ai chúc đâu nha. Thế nhé. Thôi, cậu nào trực thì trực, còn đâu thì giải tán về tất niên cho vợ con nó mừng. Tiện đây, tớ cũng chúc mừng năm mới sớm các cậu và nhà đài”. Nói xong, ông Bắc rảo gót trở lại phòng làm việc. Đêm nay ông trực lãnh đạo ủy ban huyện. Ông Tiến cầm cái máy ghi âm, dắt xe theo chân ông Bắc. Trong phòng chỉ còn lại Trung và Hòa.
Chờ cho hai ông đi một đoạn khá xa, Trung quay lại ôm Hòa nhảy cẫng lên: “May quá! Hòa ơi! Suýt nữa thì tao chết”. Hòa ngạc nhiên gỡ tay Trung: “Anh làm sao thế? Sao mà may?”. Buông Hòa ra, Trung kéo Hòa ngồi xuống thì thầm: “Mày biết không, chính tao là giám đốc đài tỉnh đấy?”. “Anh nói gì em không hiểu?”. Trung hạ giọng một mức nữa: “Chiều muộn, ngồi trực một mình, buồn quá, lấy máy điện thoại tao giả giọng giám đốc đài tỉnh chúc Tết ông Tiến mày ạ”. Hòa ngây người trợn mắt. Trung kể lại giọng ông Tiến xun xoe thế nào, lấy máy ghi âm ra sao...
Kể xong, cả hai cùng phá ra cười. Hòa nói: “Anh quái thật! Thế mà phát sóng cả huyện chúc Tết qua loa thì... Thôi! Em về đây. Hẹn anh sang năm gặp nhau nhé. Chúc trực Tết vui vẻ”. “Ok. Chúc mừng năm mới nha!”. Hòa về rồi, Trung vừa huýt sáo vừa vặn volum hết cỡ tiếp sóng đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếng nhạc, lời ca tưng bừng, rộn rã. Mùa xuân đã đến thật rồi!
Đ.X.T