Mãi chiều tối xe mới lăn bánh. Sợ mùa này mưa nhiều, đường bị sụt lở, lại là đi ban đêm nên chúng tôi không dám đi theo đường tuần tra, mà vòng theo đường dân sinh. Bởi vậy mà phải đến gần mười giờ đêm chúng tôi mới đến được Đồn biên phòng Tam Thanh huyện Quan Sơn.
Cổng Đồn trên một con dốc cao. Thấy chúng tôi đến, anh em trong đồn ùa ra đón. Chính trị viên Cao Xuân Tỉnh, phó đồn trưởng Hà Văn Lương, chính trị viên phó Bùi Văn Tuấn... tay bắt mặt mừng như người thân đi xa về, hầu như không có khoảng cách của sự khách sáo.
Chính trị viên Cao Xuân Tỉnh nói:
- Hôm nay các anh đến, một số đồng chí chỉ huy của chúng tôi đi địa bàn, nên chỉ có tôi và hai đồng chí phó ở nhà tiếp các anh.
Đồn biên phòng Tam Thanh (Bộ đội biên phòng Thanh Hóa) từng có phiên hiệu là đồn 45 Công an vũ trang. Sau khi lực lượng Công an nhân dân vũ trang đổi tên thành Bộ đội biên phòng và chuyển sang trực thuộc Bộ Quốc phòng thì có phiên hiệu là đồn 501, rồi bây giờ gọi là Đồn Tam Thanh. Đồn đứng chân ở bản Na Ấu, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn.
Tranh thủ lúc anh em chuẩn bị nơi nghỉ, tôi thăm phòng truyền thống của đồn. Tấm bằng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được treo trang trọng cùng với các huân, huy chương, cờ thưởng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng, của tỉnh Thanh Hóa, ở vị trí trang trọng trong phòng truyền thống.
Đồn biên phòng 45 anh hùng, ký ức tôi lại hiện lên, đây là một trong những đồn khó khăn nhất của tuyến núi Thanh Hóa. Những năm 79, 80 của thế kỷ trước, anh em trong đồn khi về xuôi công tác hay đi phép, hay từ ở xuôi lên đồn, thường phải đi ba, bốn ngày mới tới nơi. Lúc bấy giờ huyện Quan Sơn đang còn là huyện Quan Hóa, chưa chia tách thành ba huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát như bây giờ. Nên huyện lỵ Quan Hóa đóng tận Hồi Xuân. Vị trí huyện lỵ Quan Sơn bây giờ hồi đó có cụm dân cư nho nhỏ, có Bến xe khách, xe từ thị xã Thanh Hóa lên, tuần hai chuyến. Bến xe ở vị trí ki lô mét số 35, tính từ Đồng Tâm (Bá Thước, ki lô mét số Không), nên gọi là Ki lô mét Ba lăm. Từ Ki lô mét Ba lăm lên đến cửa khẩu Na Mèo còn 53 cây số nữa. Nhưng đường xá vô cùng khó khăn nên xe ca chỉ đến cây số thứ 35 là phải quay về xuôi, không thể đi được nữa. Ngày đó, xe ca đi Ki lô mét Ba lăm là xe đi xa nhất của tỉnh Thanh Hóa. Tất nhiên vẫn còn có các xe của lâm trường, duy tu và các xe công cán của tỉnh, của huyện đi tiếp. Cho nên anh em đồn 43 Na Mèo khi về xuôi phải đi bộ xuống tận Ki lô mét Ba lăm mới được ngồi xe ca. Và khi trở lên cũng vậy, xuống xe còn phải cuốc bộ hơn năm chục cây số nữa mới đến đồn. Một lần, Quân lực của Ban Chỉ huy Công an vũ trang tỉnh (Hồi đó còn gọi là Ban Chỉ huy) triệu tập văn thư các đồn về tỉnh để tập huấn. Lớp tận huấn khai mạc đã hai ngày mới thấy Chu Văn Sơn, đồn 45 đeo ba lô đến. Ông Miện, trợ lý Quân lực quát: “Sao đến chậm vậy, lại tranh thủ về nhà hả. Trả về đồn”. Sơn mếu máo thanh minh “Em được chỉ huy cho đi trước hai ngày nhưng không có xe lên. Em phải nằm chờ ở bến xe ba ngày mới có xe xuống đấy ạ”. Nghe vậy, chuẩn úy trợ lý quân lực Nguyễn Văn Tiến, thường gọi là Tiến cao, vì anh cao lêu nghêu như cây sào, từng là chủ công của đội bóng chuyền Công an vũ trang, mới bảo “Thôi cậu đi nhận phòng, xuống nhà bếp báo cơm rồi chiều lên học”. Ba mươi tám năm rồi, bạn Chu Văn Sơn, hạ sỹ Chu Văn Sơn đồn 45 năm xưa của tôi giờ ở đâu, có còn nhớ kỷ niệm vừa cười vừa mếu này không.
Nếu đêm vùng biên cương yên tĩnh, lãng mạn đáng yêu bởi tiếng thì thào của cây rừng, tiếng suối chảy róc rách thì buổi sáng vùng rừng Tam Thanh trong veo như giọt nước. Không khí trong lành thật quyến rũ. Đồn đứng chân trên mỏm đồi nhỏ, phía dưới xa là chòm bản, ruộng nước và con suối. Bởi vậy mà hai phía đều là lối đi của bà con dân bản. Bình minh hơi muộn. ở rừng là thế, bởi chung quanh là những ngọn núi vút cao cùng với rừng bạt ngàn, âm u. Khi mặt trời vượt được tán cây rừng để chiếu tia nắng xuống, thì... theo như cách nói của người dưới xuôi, là mặt trời đã lên con sào. Tôi chợt nhớ bài thơ tôi viết gần bốn mươi năm trước ở vùng rừng biên cương xứ Thanh, khi tôi còn là chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang:
Bình minh biên phòng như quá muộn
Bởi ở dưới vòm cây và bốn bề núi vút cao
Trong nắng sớm một tiếng gà muộn gáy
Kíp tuần tra về, sắc nắng xôn xao.
Dưới đường, bà con dân bản đi chợ, đi lên nương, rồi tiếng mõ trâu, tiếng gà quác và cả tiếng xe máy xình xịch đưa trẻ tới trường... khiến vùng rừng thân thiết lạ thường.
Đồn biên phòng Tam Thanh có nhiệm vụ quản lý 22 cây số đường biên với nước bạn Lào, với 10 mốc quốc giới thuộc hai xã Tam Thanh và Tam Lư huyện Quan Sơn. Đồn có một trạm kiểm soát hành chính nằm trên cửa khẩu sang nước bạn Lào: Trạm kiểm soát Kham. Trạm Kham nằm bên bờ sông Lò, nước chảy ầm ào ngày đêm. Khi lũ về thì nước dâng cao và chảy xiết kinh khủng. Nhưng khi lũ rút, sông trở nên hiền lành lạ thường, vừa êm đềm thơ mộng, vừa thân thiện để ngư phu tung lưới bắt cá và lặng lẽ chở luồng nứa về xuôi.
Chúng tôi đi cùng đoàn cán bộ của đồn sang khám bệnh và phát thuốc cho bà con người Lào thuộc cụm Mường Pao, huyện Sầm Tớ. Đoàn do thượng tá chính trị viên Cao Xuân Tỉnh dẫn đầu, cùng thiếu tá quân y Lê Đức Thuận, đại úy Vi Văn Hạnh. Dừng tại trạm kiểm soát hành chính Kham, Tỉnh nói:
- Chúng ta sắp đến đường biên rồi đấy. Sang bên đất Lào đường đi vô cùng khó khăn đấy nhé.
Quả có vậy. Đường nhựa của ta chỉ đến cửa khẩu. Sang đến đất Lào đường núi hiểm trở hẳn. Nhìn lên, vách núi dựng ngược, cao thăm thẳm, đúng là “Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”. Phía dưới thì vực sâu hun hút dễ tới cả trăm mét. Thiếu úy lái xe Lê Văn Tài có thâm niên chưa đầy hai năm lái xe mà tay lái khá ra phết. Con đường trên đất bạn hầu như chỉ vừa hai bên bánh xe. Những khúc cua tay áo góc hẹp như chiếc com pa, lại bị nước xối lẹm hết đường, khiến mọi người trên xe như đứng tim. Nhưng Tài đã cho xe vượt qua một cách ngoạn mục.
Khi gần đến trạm kiểm soát biên phòng Lào thì gặp suối. Con suối Sô Lông cắt ngang đường tạo nên một vực sâu hoắm. Suối cạn nước. Lòng suối lổn nhổn những đá là đá, tảng thì như mặt bàn, như thùng phuy, hòn thì như cái nồi cơm điện, như quả dừa, quả bưởi. Vì đi lần đầu, Tài nhờ mọi người xuống cho nhẹ xe. ấy thế mà khi xuống tới lòng suối, lúc lấy đà vọt lên thì xe bị pan ti nê bởi cát lầy. Càng ga cát càng bị bới lên tung tóe. Mọi người phải vác đá chèn, vừa chèn vừa đẩy xe mới lên được.
Gần đến cụm Mường Pao, chợt xe khựng lại một lần nữa. Con đường bị con sông Phưa cắt ngang. Sông không sâu lắm, nhưng bờ sông cao như núi và lòng thì rộng đến vài chục mét. Rất may ở đó có cái mảng của cậu thanh niên Lào chực sẵn. Cậu ở đây để đưa bà con qua sông đi rừng hoặc sang Việt Nam chữa bệnh. Thế là cả đoàn rời xe xuống mảng để qua sông. Không có mưa mà nước sông hơi xiết, đục ngầu. Vết phù sa còn đọng tận trên ngọn cây. Hẳn nơi đây vừa qua cơn lũ lớn.
Con đường tỉnh lộ chạy qua Mường Pao rộng thênh thang, mới được rải nhựa, phẳng lỳ. Chỉ lòng đường mới bị lấm lem màu đất, còn hai bên đường màu hắc ín đen vẫn tươi nguyên. Con đường nối huyện lỵ Sầm Tớ với thị xã Sầm Nưa tỉnh Hủa Phăn. Những nếp nhà sàn nhấp nhô hai bên đường đỏ au mái tôn xen lẫn vài mái lá cọ còn sót lại, gợi đến một vùng quê êm đềm của Việt Nam. Tự dưng thấy gần gũi hẳn, tựa như đang đi ở một thị trấn vùng cao quê mình vậy.
Chúng tôi vào trường học cụm Mường Pao. Trường chung cho cả hai cấp tiểu học và trung học. Tôi hỏi Tỉnh:
- Có phải báo cáo hay làm thủ tục gì không.
Tỉnh nói:
- Không anh ạ. Dân ở đây với bộ đội biên phòng Việt Nam ta thân thiết như người nhà rồi mà.
Thấy chúng tôi đến. Thầy hiệu trưởng Sun Kéo chạy ra, giơ tay bắt và nói bằng tiếng Việt khá sõi:
- Chúc sức khỏe.
Thầy hiệu trưởng còn rất trẻ. Nói bằng tiếng Lào mời chúng tôi vào phòng khách. Tôi ra hiệu cảm ơn và xin phép đi thăm các lớp học, vì thời gian còn rất ít. Sun Kéo hướng dẫn chúng tôi vào thăm lớp do cô giáo Nang Khăm Vang làm chủ nhiệm. Cô Nang Khăm Vang cho các em học sinh đứng lên chắp tay chào khách. Chúng tôi xin phép được ngồi cùng các em trong lớp. Cả cô và trò vui vẻ hẳn lên. Các em học sinh Lào thật đáng yêu và dễ mến. Các thầy, cô giáo ở đây ai cũng biết một ít tiếng Việt. Tôi có cảm giác anh em bộ đội biên phòng và bà con ở đây, nhất là các thầy cô giáo, đều không có khoảng cách bởi khái niệm quốc gia.
Tôi cảm thức, người Lào rất thân thiện. Nét thân thiện hiện lên trên gương mặt của từng người, cả thầy và trò, cả dân bản lẫn người qua đường.
Thiếu tá quân y sỹ Lê Đức Thuận khám bệnh và phát thuốc cho bà con bản Piềng Phưa tại nhà ông Bun Si bản Piềng Phưa, cụm Mường Pao. Ông Bun Si từng một lần bị gãy chân. Bên Lào chữa mãi không lành. May gặp được anh bộ đội biên phòng Việt Nam Lê Đức Thuận, anh đã chữa cho ông lành chân, ông Bun Si và bà con bản Piềng Phưa coi Thuận là ân nhân.
Ở Lào, Cụm tương đương với cấp xã ở Việt Nam, nhưng không tổ chức thành đơn vị hành chính. Dưới Cụm là Bản. Bản gần như là đơn vị hành chính. Cụm Mường Pao thuộc huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, tỉnh kết nghĩa thân thiết với Thanh Hóa.
Nghe tin bộ đội biên phòng Việt Nam sang khám bệnh, bà con trong bản tập trung đến nhà ông Bun Si khá đông và cũng rất nhiều trẻ con. Các anh Tỉnh, anh Thuận, anh Hạnh đều thông thạo tiếng Lào. Bà con ở đây coi các anh như người của bản, của cụm.
Cao Xuân Tỉnh tâm sự:
- Đối với cán bộ chiến sỹ biên phòng, nhiệm vụ đối ngoại biên phòng hết sức quan trọng. ở đây thể hiện được tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, hai địa phương, ba lực lượng vũ trang (Phía bên Lào cả lực lượng bộ đội và công an đều làm nhiệm vụ biên giới và cửa khẩu). Bởi vậy Đồn đã phối hợp với địa phương hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm quy chế biên giới Việt - Lào, làm tốt công tác đối ngoại nhân dân. Thông qua việc tiếp xúc, làm việc và thăm hỏi lẫn nhau giữa các đơn vị vũ trang, chính quyền địa phương và nhân dân hai bên biên giới, qua đó giữ vững mối quan hệ hữu nghị đoàn kết Việt - Lào.

Hằng năm, cứ mỗi dịp tết Bunpimay (tết té nước), đồn đều cùng chính quyền huyện Quan Sơn và hai xã Tam Thanh, Tam Lư sang chúc tết nhân dân cụm Mường Pao, trung đội biên phòng Piềng Phưa, Trạm công an Piềng Phưa, đại đội 216, chính quyền huyện Sầm Tớ... Đồng thời bên bạn cũng sang chúc tết nhân dịp tết Nguyên đán của ta. Cán bộ và bộ đội biên phòng ta múa lăm vông chả kém gì bạn đâu anh ạ. Vui lắm anh.
*
Tìm hiểu về công tác đảng và công tác chính trị của đồn biên phòng Tam Thanh, thượng tá Chính trị viên Cao Xuân Tỉnh, cho biết:
- Trước hết, cấp ủy đồn đặc biệt coi trọng việc giáo dục, chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Coi đây là yếu tố quan trọng, quyết định kết quả của mọi hoạt động. Bởi vậy Cấp ủy đã triển khai sâu rộng việc “Học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với Bộ đội Biên phòng” gắn với thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Đảng bộ đồn biên phòng Tam Thanh có 3 chi bộ, đó là các Chi bộ Tổng hợp, Chi bộ Trinh sát, phòng chống ma túy, vận động quần chúng và Chi bộ Kiểm soát hành chính. Đồng chí Chính trị viên là Bí thư đảng bộ.
Khi được hỏi về biện pháp tổ chức thực hiện nghị quyết đảng các cấp, thượng tá Cao Xuân Tỉnh, Chính trị viên, Bí thư đảng bộ cho biết: Việc tổ chức thực hiện được tiến hành thường xuyên, liên tục, với những nội dung, biện pháp cụ thể, có kiểm tra, sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm. Xác định mọi cán bộ, đảng viên, mà trước hết là cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy phải phát huy trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc... Nhiệm vụ đề ra phải sát với đặc điểm tình hình của đơn vị, đưa các nội dung của cuộc vận động trở thành hoạt động hằng ngày của bộ đội. Đảng bộ lãnh đạo duy trì và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong đơn vị.
Ở đảng bộ đồn Tam Thanh, quy định đặt ra là hàng tháng phải tổ chức sinh hoạt tiếp xúc giữa cấp ủy, chỉ huy đồn với cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị qua đó lấy ý kiến tham gia đóng góp của cán bộ, chiến sỹ về phương pháp lãnh đạo của Ban Chỉ huy đồn; đồng thời cũng kịp thời nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ và giải quyết thấu tình, đạt lý. Mọi vấn đề đều được tập thể thảo luận và quyết định theo đa số; phát huy tốt vai trò của Hội đồng quân nhân trong việc thực hiện quy chế dân chủ trong đơn vị trên cả 3 mặt: chính trị, quân sự và kinh tế đời sống.
Coi đoàn thanh niên là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua, cấp ủy, đảng bộ đồn đặc biệt chú trọng công tác thanh niên thông qua những chỉ đạo cụ thể. Bởi vậy mà đoàn thanh niên đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, hiệu quả. Chi đoàn đồn Tam Thanh đã thường xuyên phối hợp với đoàn thanh niên hai xã Tam Thanh, Tam Lư, đoàn trường THCS nội trú huyện Quan Sơn và các nhà trường đứng chân trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động thiện nguyện, xung kích trong các phong trào thi đua “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”, “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú”, v.v... Chi đoàn cũng đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, chất lượng bữa ăn cho bộ đội.
Công tác phát triển đảng được đảng bộ quan tâm đặc biệt. Thông qua các phong trào thi đua và phong trào đoàn thanh niên, Đảng bộ đã phát hiện, bồi dưỡng và hoàn tất thủ tục đề nghị Đảng ủy cấp trên chuẩn y kết nạp 5 quần chúng ưu tú vào đảng. Đồng thời lựa chọn giới thiệu 3 đoàn viên ưu tú khác tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp đảng.
Điều không thể phủ nhận là, nhờ có làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng mà nội bộ đơn vị đoàn kết thống nhất. Cán bộ, chiến sỹ yên tâm tư tưởng công tác, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội và pháp luật của nhà nước. Địa bàn đơn vị phụ trách cơ bản ổn định, chủ quyền lãnh thổ được bảo vệ vững chắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân từng bước được nâng lên.
Rõ ràng, khi tư tưởng đã thông, thì bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần xung kích được nhân lên. Trong thời gian qua, đồn đã tổ chức được 56 buổi với 392 lượt người tham gia tuần tra đường biên, cột mốc. Tuần tra song phương được 4 buổi với 48 lượt người tham gia. Làm thủ tục xuất biên cho 752 lượt người và nhập biên cho 1215 lượt người.
Do làm tốt công tác tuần tra, xử lý và nắm chắc tình hình, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, mà trong thời gian qua, đơn vị đã bắt và khởi tố 2 vụ với 2 đối tượng, tang vật thu giữ 0,796 gam heroin; 0,225 gam ma túy tổng hợp; 231,2 gam thuốc phiện; 2 xe máy, 2 điện thoại di động. Phối hợp với công an huyện Quan Sơn phá thành công một chuyên án bắt một đối tượng, tang vật 821,15 gam thuốc phiện, 2 xe máy, v.v...
Coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, là phương châm hành động của cán bộ chiến sỹ biên phòng. Bởi vậy mà đồn Tam Thanh đặc biệt chú trọng công tác vận động quần chúng. Không chỉ riêng đội vận động quần chúng, mà tất cả cán bộ, chiến sỹ trong đồn đều coi trọng việc đi sâu, đi sát, hòa mình với quần chúng, nắm bắt mọi tâm tư tình cảm của người dân để kịp thời có biện pháp hữu hiệu trong công tác. Thông qua vận động, tuyên truyền mà người dân trong địa bàn cũng nhận thức được nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia và sự bình yên của vùng biên là nhiệm vụ chung của toàn dân, trong đó lực lượng biên phòng là nòng cốt. Đồng thời cũng đã phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ từ xã đến bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và toàn dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Thực hiện nghiêm các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới gắn với bảo vệ tài nguyên quốc gia. Nâng cao hiệu quả trong phong trào quần chúng Bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ vững mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt-Lào. Tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia các hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy, pháo nổ; Khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã trái phép. Đồn cũng đã phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể địa phương vận động nhân dân đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tích cực thực hiện phong trào “Bộ đội biên phòng chung tay xây dựng Nông thôn mới”,v.v... Đồn đã hỗ trợ bản Phiềng Khóe một tấn xi măng để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tặng hai xã Tam Thanh và Tam Lư mỗi xã 10.000.000 đồng bằng hiện vật khi các xã xây dựng công sở và đón nhận danh hiệu đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới.
Hai xã Tam Thanh và Tam Lư là hai xã khó khăn của huyện Quan Sơn. Trong khi huyện Quan Sơn lại là huyện khó khăn của tỉnh. Dân số hai xã hơn 5.200 người, gồm 3 dân tộc cùng chung sống: Thái, Kinh, Mường, thuộc 9 bản của Tam Thanh và 6 bản của Tam Lư. Nhờ có chương trình 135 mà đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy đồn, Đội Vận động quần chúng thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư của quần chúng nhân dân để kịp thời hướng dẫn, động viên bà con ổn định đời sống. Mỗi cán bộ đi địa bàn vừa là người thầy giáo, người cán bộ khuyến nông, khuyến lâm lại vừa là người thầy thuốc, ví như khuyên bà con cần đến trạm y tế khi có bệnh chứ không ở nhà cúng ma, cúng vía, v.v... Được sự hướng dẫn của Bộ đội biên phòng, người dân đã bỏ hẳn tập tục canh tác lạc hậu, phát triển kinh tế theo hướng VACR. Nhờ vậy mà nhiều gia đình có thu nhập khá, đời sống được cải thiện.
*
Trạm y tế xã Tam Thanh có cơ ngơi khang trang nằm bên bờ sông Lò. Công trình do huyện Đông Sơn xây tặng hồi tháng ba năm 2015. Trạm có một bác sỹ và ba y sỹ. Đây là cơ sở khám chữa bệnh quân dân y kết hợp, do đồn biên phòng Tam Thanh phối hợp. Hàng ngày cán bộ quân y của đồn ra đây cùng khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng và cả nước bạn Lào. Từ đầu năm đến nay trạm đã khám chữa bệnh cho 2892 lượt/ người dân trên địa bàn và 156 lượt/ người thuộc huyện Sầm Tớ nước CHDCND Lào. Quân y của đồn biên phòng cũng đã phối hợp với trạm xá xã tổ chức 4 đợt tuyên truyền với 427 lượt người nghe về công tác vệ sinh phòng dịch và thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Bác sỹ Hà Văn Tuyển, trạm trưởng hồ hởi cho chúng tôi biết, tới đây trạm sẽ được trang bị máy siêu âm. Một trạm xá cấp xã ở vùng cao được trang bị máy siêu âm, quả là một ưu đãi lớn của chính phủ. Chắc chắn lúc đó, việc khám và chữa bệnh cho nhân dân sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn. Tuyển kể, nhiều bệnh nhân người Lào đã vượt hàng chục cây số đường rừng dốc cao, suối sâu hiểm trở sang đây chữa bệnh. Tuyển tâm sự: ở bên đó, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân còn hạn chế lắm. Bệnh viện huyện thì chỉ độ dăm bác sỹ. Còn ở trạm xá cụm thì chỉ có vài y tá thôi. Bởi vậy mà rất nhiều người Lào do sử dụng thuốc không đúng cách đã không những không khỏi bệnh mà còn sinh ra bệnh khác, nên đã tìm đến đây.
*
Có một điểm sáng vùng biên. Tôi cảm nhận điều đó khi đến với đồn biên phòng Tam Thanh. Một vùng đất, một không gian và những con người - Những con người, người chiến sỹ quân hàm xanh rất đỗi thân thiết đối với tôi. Bởi gần bốn mươi năm trước, tôi cũng đã từng khoác lên mình màu áo lính với ve áo màu xanh lá cây. Hai chữ Tam Thanh, cùng với những cái tên Pù Nhi, Na Mèo, Hiền Kiệt, Tam Chung, Quang Chiểu, Tén Tần, Yên Khương, Bát Mọt, Sơn Điện, Đồng Tâm... in đậm trong ký ức tôi từ thuở ấy. Bởi nơi ấy có đồng đội tôi...
Tháng 10-2017
L.B