“Anh... Con... con nó sắp... sắp về chưa?”. Bà Giang thều thào ngước cặp mắt mệt mỏi hỏi chồng. Nắm tay vợ, ông Sơn đáp: “Chắc nó đang về. Cố lên em!”. “Anh... anh điện bảo nó nhanh... nhanh lên... kẻo... kẻo không kịp”, bà Giang giục. Ông Sơn bối rối, hốt hoảng: “Lúc nãy anh điện, con nó bảo về tới Hà Nội rồi. Chắc vài tiếng nữa là nó về thôi em ạ”. Vừa nói, ông Sơn vừa nắn tay xoa bóp cho vợ mình. Đôi mắt bà Giang thăm thẳm có lúc nhìn như vô hồn.
Bên ngoài, mọi người thì thào, lo lắng. Có lẽ bà ấy sắp đi rồi. Thôi, giời phật chả cho bà ấy sống thì để bà ấy đi sớm lúc nào hay lúc ấy kẻo tội lắm. Mỗi lần nhìn bà ấy lên cơn vật vã ai cũng xót. Giá bảo gánh nặng thì còn san sẻ đỡ đần được, đằng này thì... Nhưng mà phải đợi thằng Tùng nó về đã chứ. Mẹ con gặp nhau lần cuối cho khỏi hận. Rõ khổ. Có mỗi thằng con trai, lúc lâm chung lại chẳng thấy đâu. Lạy giời, cho bà ấy thêm ít nữa để gặp con.
Bà Giang mắc bệnh ung thư phổi cách đây đúng một năm. Ông Sơn đưa bà đi hết viện nọ đến viện kia. Thuốc nam, thuốc bắc, cầu cúng đủ thứ vẫn chẳng ăn thua gì. Vừa xạ trị ở bệnh viện, vừa kết hợp các loại thuốc. Ai bảo đằng nào, ông quào theo đằng ấy. Hết xạ trị chuyển sang truyền hóa chất. Tóc bà rụng hết. Đầu bà trọc lông lốc. Đi đứng phải có người dìu. Từ năm chục cân, đẫy đà, phúc hậu là thế, thế mà bây giờ người bà Giang teo tóp chỉ còn da bọc xương. Truyền được hai đợt, đến đợt ba thì mạch xẹp hết, không thể lấy được ven để truyền. Rồi bà lên cơn đau. Người ta phải tiêm mooc phin cho bà. Những cơn đau ngày càng dày thêm. Cuối cùng, bệnh viện trả bà về nói là về bồi dưỡng khi nào khỏe sẽ truyền tiếp. Bà biết, số mình đã sắp hết. Đến bệnh viện còn chả bồi dưỡng được nói chi đến ở nhà. Nằm liệt giường, bà không ăn uống được gì. Mọi sinh hoạt đều do ông Sơn lo.
Cả năm trời hai vợ chồng dắt díu nhau ngược xuôi đi viện. Ăn chực nằm chờ, thức đêm thức hôm lo lắng. Nhiều đợt, bệnh nhân đông quá, ông Sơn phải nằm ở gầm cầu thang, trên vỉa hè bệnh viện cả chục ngày trời. Cơm nắm, bánh mì, nước lọc qua ngày. Nhà nghèo lo tiền thuốc thang cho bà ấy đã khổ lấy đâu ra tiền lo cho mình. Thực ra, anh em nhà ông, cả đằng nhà bà Giang nữa đều xung phong đi trông nom, chăm sóc bà nhưng ông Sơn nhất quyết không khiến ai cả. Ông bảo để ông chăm vợ ông. Chỉ có ông mới hiểu bà ấy. Vợ chồng cần nhau những lúc ốm đau này. Thế nên, ông bỏ tất cả mọi việc chỉ để đi lo cho bà. Hãn hữu lắm những chủ nhật, thứ bảy ông mới đồng ý để em dì hoặc em cô đến ngủ với vợ mình. Mặc dù vậy, đêm đó ông vẫn nằm ở gầm cầu thang để nghe ngóng, trông chừng. Dân làng ai cũng bảo ông Sơn là người yêu thương vợ nhất trần đời. Đàn ông làng Cổ Cò hãy lấy gương đó mà học tập.
Xạ trị, truyền hóa chất toàn những thứ thuốc đắt tiền. Ông Sơn đã phải bán hết những thứ có giá trong nhà để lấy tiền chạy chữa cho vợ. Rõ khổ. Nhà ba khẩu, toàn người lớn, không thuộc diện hộ nghèo nên chẳng có bảo hiểm y tế. Bình thường ốm đau đi viện đã chết rồi, đằng này lại là ung thư. Có mà tiền tấn. Lo cho thằng con học đại học tận trong thành phố Hồ Chí Minh đã bở hơi tai, giờ lại lo chữa ung thư cho vợ nữa thì tiền của nào cho đủ? Vay mượn anh em khắp nơi cũng chỉ được mấy tháng đầu. Sau rồi thì ti vi, tủ lạnh, cả mấy trăm mét vuông đất vườn nữa đã đội nón ra đi. Còn người là còn của. Cứu người là trên hết. Ông Sơn nghĩ vậy và quyết tâm chiến đấu giành giật vợ mình từ tay tử thần. Vậy mà, cuối cùng đến giờ thì ông sắp trắng tay.
Số ông Sơn thật lận đận. Mười mấy năm bộ đội ra quân về nhà tưởng nguyên lành thân thể là ngon, vậy mà đường con cái chẳng ra gì. Ba đứa đầu toàn quái thai. Chúng chỉ sống với vợ chồng ông đứa nhiều nhất được dăm năm, đứa ít nhất được mấy ngày. Đứa thì đầu to, đứa thì thiếu tay. Đứa nào đứa ấy toàn dị dạng. Chẳng đứa nào ra hồn người. Mãi sau, ông mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam do những ngày ở chiến trường. Mỗi bận vợ ông bụng mang dạ chửa, ông vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì sắp có con. Lo vì không biết đứa này có khác đứa trước không hay lại vẫn quái thai như thế. Khắc khoải lo âu. Khắc khoải chờ đợi. Vợ chồng ông nuốt nước mắt vào trong. Ông đằng đẵng theo vợ đi viện. Bệnh viện nhẵn mặt vợ chồng ông. Dân làng ai cũng cám cảnh.
Khi bà Giang đẻ thằng Tùng, nó ra đời như bao đứa trẻ khác, ai cũng mừng. Thôi thì giời có mắt. Phúc cho vợ chồng nhà ấy không đến nỗi tuyệt tự. Mai sau về già còn có chỗ mà nương tựa. Tùng hay ăn chóng lớn, thông minh, học giỏi. Vì có em gái công tác trong thành phố Hồ Chí Minh nên vợ chồng ông Sơn cho con thi đại học trong đó. Nếu đỗ thì gửi cháu ở nhà cô chú học luôn, đỡ tốn kém. Đúng như ý nguyện của bố mẹ, Tùng đã đỗ và theo học ở đây được ba năm.
Buổi chiều, bà Giang có vẻ tỉnh táo hơn. Bà không còn giục gọi con về nữa mà nằm yên thiêm thiếp mơ màng. Ông Sơn ngồi bên lặng ngắm bà trong niềm thương yêu trào dâng. Khuôn mặt khả ái của vợ ông ngày xưa đây. Dù bệnh tật có làm cho bà nhăn nheo, hốc hác thì ông vẫn nhận ra những nét đẹp thời con gái của bà. Cái thời bà là hoa khôi của làng bao nhiêu chàng trai theo đuổi. ấy vậy mà Giang vẫn một lòng một dạ chờ Sơn. Chiến tranh kết thúc, Sơn trở về. Họ nên vợ thành chồng, gắn kết Giang Sơn bền vững. Tưởng đâu họ được hạnh phúc trong những ngày hòa bình êm ái vậy mà cái chất độc da cam quái ác trong ông đã kéo dài cuộc chiến tranh mãi với hai người. Mỗi lần chửa đẻ là mỗi lần họ lại bước vào cuộc chiến mới. Giang đã cam chịu cùng ông vượt qua tất cả. Giang đã vì ông mà giữ yên tổ ấm gia đình. Ngay cả mấy năm nuôi đứa thứ ba quái dị như thế, đến lúc nó không được làm người nữa, Giang cũng không kêu ca oán thán điều gì. Giang đã bàn với ông xin con nuôi nhưng ông không chịu. Ông muốn một đứa con do chính Giang đẻ ra. Gì thì gì huyết thống vẫn hơn chứ. Và khi thằng Tùng ra đời, hai người vỡ òa trong hạnh phúc.
“Anh Sơn ơi!”. Bà Giang đột ngột mở mắt nhìn chồng và gọi. “Gì vậy em?”. “Anh bảo mọi người ra ngoài đi. Em muốn có riêng hai vợ chồng mình lúc này”. Bà Giang nói khẽ nhưng rành mạch, không ngắt quãng, không thều thào như khi nãy. Có cảm giác như bà đã bình phục trở lại. Ông Sơn vừa mừng vừa lo.
Khi chỉ còn hai người, bà Giang nói với chồng: “Anh pha cho em xin cốc nước cam”. Ông Sơn sốt sắng đi vắt cam và bưng cốc nước đến bên vợ. Đỡ bà Giang ngồi dậy tựa vai mình, ông nhẹ nhàng bón từng thìa cho bà. Từ hôm ở viện về, hôm nay bà Giang mới hào hứng uống như thế. Hết cốc nước cam, bà cảm thấy tỉnh táo hẳn. Ông Sơn lấy khăn lau mặt cho bà. Xong đâu đó, bà Giang nói: “Anh ngồi xuống đây, em có chuyện muốn nói với anh”. Thoáng giật mình, ông Sơn lo lắng. Bà ấy hôm nay lạ thế. Đôi mắt ông chăm chăm nhìn bà. Bà cũng vậy, nhìn sâu vào đôi mắt ông.
“Anh ạ. Có lẽ em chẳng còn ở với anh được bao lâu nữa đâu”. Bà Giang cất lời. “Không. Em đừng nói thế. Sẽ qua thôi mà”. Ông Sơn ngắt lời, an ủi. “Anh cứ để em nói” - Bà Giang ra hiệu gạt đi - “Cả đời vợ chồng mình sống với nhau dẫu rất nhiều khó khăn nhưng em thấy thật hạnh phúc, nhất là những ngày này. Anh luôn bên em, làm chỗ dựa cho em. Em biết ơn anh nhiều lắm”. “Em đừng nói chuyện ơn nghĩa ở đây”, ông Sơn lại cắt lời. Bà Giang lại xua tay: “Xin anh hãy cứ lắng nghe em. Em biết số mình đã sắp hết. Vì thế, em phải nói ra điều này. Trước khi nói, em xin anh hãy tha thứ cho em. Tội em lớn lắm. Chỉ có anh mới xá tội được”. Bà Giang chắp hai tay lại như làm động tác vái ông Sơn. Ông Sơn hốt hoảng giữ tay bà lại: “Kìa! Em đừng làm thế!”. Bà Giang khẩn khoản: “Anh ơi! Anh tha tội cho em, anh nhé! Mà dù anh có tha hay không thì em vẫn cứ nói”. Dừng lại giây lát như lấy hết can đảm, bà nói tiếp một cách dứt khoát: “Thằng Tùng... nó... nó không... không phải là... là con anh đâu”. Trút ra được mấy tiếng khó nhọc này, bà Giang rũ người xuống. Khóe mắt bà ứa lệ. Hốt hoảng, ông Sơn vội đỡ lấy vợ mình. “Kìa em! Em nói linh tinh gì thế?”. “Không. Đó là sự thật. Em phải nói cho anh biết. Có vậy, em mới yên lòng nhắm mắt được”. Bà lại dừng lại như thăm dò, rồi can đảm nói tiếp: “Nó là... là con... con anh Long, bạn... bạn đồng ngũ của anh đấy”.
Ràn rụa nước mắt, bà Giang nhìn sâu vào đôi mắt ông Sơn như cầu xin. Ông Sơn rụng rời chân tay. Thế là điều bí mật về thằng Tùng, cuối cùng bà ấy cũng đã nói ra. Hai mươi mốt năm rồi, bà giấu ông. Cũng hai mươi mốt năm, ông không dám nói với bà về điều này. Hai mươi mốt năm dân làng xì xèo bàn tán về Tùng. Người ta thì thào sau lưng ông. Sao thằng bé chẳng giống ông Sơn tí nào nhỉ? Chắc bà Giang “đánh dặm” ở đâu đấy? Ôi dào! Cá vào ao nhà ta là được. Ông nghe thấy hết và bỏ ngoài tai tất cả. Ông dồn hết cả tình thương yêu để chăm sóc, nuôi dạy thằng Tùng. Tình cảm vợ chồng ông, giữa ông với ông Long vẫn như xưa. Thậm chí, vợ chồng ông còn cảm thấy yêu đời hơn trước nữa. Giờ đột nhiên vợ ông nhắc tới việc này khiến trong đầu ông, cảnh hai mươi mốt năm trước bỗng ào ạt hiện về.
Ngày ấy, sau ba lần sinh nở, các con ông ra đời đều là quái thai. Ước mơ có được một đứa con như người ta vẫn không thành. Khi đó bà Giang đã ở tuổi ba lăm, còn ông cũng đang ở tuổi ba tám. Hai vợ chồng cứ chòng chọc như hai cây chuối hột trong nhà. Không có tiếng trẻ con căn nhà lạnh lẽo hẳn. Xin con nuôi thì ông không muốn. Đẻ nữa thì ông không dám, chỉ làm khổ vợ mình thêm. Cuối cùng, ông quyết định nhờ bạn. Người ông nghĩ đến đó chính là ông Long. Ông Long là người ở xã cuối huyện, cùng nhập ngũ với ông. Hai người cùng chiến trường, cùng chiến đấu mấy trận rồi mỗi người một đơn vị. Chính ông Long đã cứu ông thoát chết trong một trận bom oanh tạc của Mỹ. Sau đó, ông vào sâu phía trong, ở mãi vùng địch rải chất độc da cam. Ông Long theo đơn vị mới đánh thọc sâu về vùng đồng bằng. Rồi họ cùng nguyên lành trở về quê, may mắn hơn bao đồng đội khác. Vợ chồng ông Long có ba con, hai trai, một gái. Tất cả đều mạnh khỏe, xinh xắn.
Ông và ông Long thân nhau lắm. Năm nào họp hội đồng ngũ hai người cũng gặp nhau. Ngoài ra, công to việc lớn của nhau họ đều có mặt. Với ông, ông Long vừa là ân nhân, vừa là chiến hữu tâm đắc nhất. Tính ông Long bỗ bã, tếu táo, hết lòng với đồng đội. Ba lần vợ ông sinh nở, ông Long đều đến sẻ chia, an ủi, động viên. Chính ông Long là chỗ dựa cho vợ chồng ông vượt lên những ngày này. Phải rồi, chỉ có nhờ ông Long mới giải quyết được vụ này.
Gặp mặt đồng ngũ năm ấy, ông Sơn kéo ông Long riêng ra một góc nói nhỏ: “Vợ chồng tôi muốn xin ông một đứa con?”. Ông Long cười cười: “Ok? Đấy, ba đứa đấy. Ông thích đứa nào tôi cho”. “Không. Tôi... tôi muốn con do chính vợ tôi đẻ ra cơ!”. “Thì vợ chồng ông cứ đẻ đi. Cần tôi bày cách chứ gì?”. Ông Long hề hề tếu táo. “Chuyện nghiêm túc đấy - ông Sơn nghiêm sắc mặt - Ông phải giúp tôi. Đồng đội vào sinh ra tử có nhau. Trong chiến đấu ông đã cứu tôi. Lần này tôi muốn ông cứu tôi một lần nữa”. Rồi ông ghé sát tai ông Long thì thào. Nghe xong, ông Long giãy nảy: “Chết chết! Tôi... tôi không làm đâu. Sao lại thế được?”. Ông Sơn nài nỉ: “Được mà. Tôi xin ông đấy”. “Không. Dứt khoát không. Ông nhờ ai thì nhờ. Với tôi thì... Không. Dứt khoát là không. Rõ chưa?”.

Thêm mấy lần gặp nhau năn nỉ nữa, ông vẫn cứ chối đây đẩy. Thế rồi, kỷ niệm ngày nhập ngũ năm tiếp, sau bữa liên hoan hội đồng ngũ buổi trưa, ông Sơn kéo ông Long về nhà mình. Chiều đó, họ hàn huyên đủ thứ chuyện. Chuyện quân ngũ, chuyện gia đình, vợ con, chuyện bè bạn, chuyện làm ăn kinh tế... Chuyện nào họ cũng rất tâm đầu ý hợp. Bà Giang đi chợ làm cơm khách bữa tối. Tối đó, ba người quanh mâm cỗ, chuyện trò như pháo nổ. Rượu, bia, nước khoáng đủ thứ. Ông Sơn chủ động dẫn dắt cuộc vui. Bà Giang tất bật phục vụ chồng và khách. Chiều hè nóng nực, hai ông uống bia như uống nước giải khát. Bà Giang cũng cụng ly góp vui cùng họ. Mãi tới hơn tám giờ tối cuộc nhậu mới tàn. Hai ông ngà ngà men say. Bà Giang cũng chếnh choáng lâng lâng. Dọn dẹp qua loa, bà bê đĩa hoa quả cùng hai ông tráng miệng.
Trong lúc đó, ông Long đi vệ sinh. Ông Sơn nhìn trước, ngó sau lấy vội gói bột đã giấu sẵn trong người, sẻ vào hai ly nước rồi để hai ly nước đó về phía đối diện với ly nước của mình. Khi ông Long và bà Giang vào, ông cầm ly nước mời từng người. Bà Giang và ông Long đón nhận uống vô tư. Chuyện trò một lúc, bà Giang thấy chếnh choáng hơn xin phép đi nằm sớm. Sau đó, ông Sơn cùng ông Long cũng dìu nhau lên giường. Cả ngày bia rượu vui thú bè bạn khiến họ cũng khá mệt.
Đêm mùa hè oi nồng. Không một tí gió. Trăng rằm vằng vặc sáng. Hai ông phanh trần, quạt quay vù vù mà vẫn nóng. Nằm được một lúc, ông Sơn ghé tai ông Long thì thào: “Đêm nay, ông giúp tôi nhé. Giờ, tôi phải ra đồng đắp lại chỗ ao chiều quên chưa kịp đắp. Xong việc. Tôi sẽ về”. Nói xong, ông Sơn lặng lẽ lẩn ra cửa chẳng kịp cho ông Long phản ứng gì.
“Cái tối hôm mình mời cơm anh Long ấy - bà Giang thong thả nói - chúng mình đều đi nghỉ sớm. Em vào buồng cảm thấy trong người bứt dứt khó tả. Chưa bao giờ em thèm khát anh đến thế. Lúc lâu sau, anh Long vào với em. Lấp loáng ánh trăng qua cửa sổ, em lại cứ ngỡ là anh. Giờ nói ra được điều này, em nhẹ lòng lắm rồi. Một lần nữa, xin anh tha tội cho em, thương lấy thằng Tùng anh nhé!”.
Bà Giang thều thào, tay bà lần tìm tay ông Sơn. Ông Sơn thảng thốt: “Không. Giang ơi! Em không có tội gì cả. Chính anh mới là người có tội. Chính anh mới cần em tha tội cho anh. Em biết không? Cái tối hôm đó là do anh sắp đặt đấy. Bởi vì anh muốn chúng mình có một đứa con do chính em đẻ ra nên anh đã nhắm mắt làm liều như thế đó. Tha lỗi cho anh Giang ơi!”. Bà Giang cũng nghẹn ngào: “Giời ơi! Thì ra là thế. Hai mươi mốt năm rồi mà mình vẫn cứ giấu nhau. Tùng ơi! Con... con về đến... đến đâu rồi? Nhanh lên! Mẹ... mẹ không... không chờ con được... được nữa đâu!”.
Hai tay bà Giang giơ lên như bắt chuồn chuồn. Trán bà vã đẫm mồ hôi. Mắt bà thất thần. Ông Sơn hốt hoảng: “Kìa Giang! Em làm sao thế này? Mọi người ơi! Nhà tôi làm sao ấy?”. Nghe tiếng kêu, tất cả cùng chạy vào. Đúng lúc đó, cô cháu Tùng cũng về đến đầu ngõ. Thấy nhốn nháo trong nhà, Tùng lao vội vào buồng: “Mẹ! Con đã về!”. Bà Giang bừng tỉnh mở mắt, giơ cả hai tay về phía Tùng. Tùng sà tới, úp mặt vào ngực mẹ. Bà Giang lần xoa đầu con trai. “Tùng... Con yêu... của mẹ”.
“Giang! Cô Giang sao rồi?”. Tiếng người đàn ông oang oang ngoài ngõ. Mọi người cùng nhìn ra. Ông Long, bạn của ông Sơn. Dựng vội chiếc xe máy vào góc vườn, ông chạy xô vào trong nhà. Lách đám đông, tới gần bà Giang, ông kêu lên: “Trời ơi! Sao lại đến nông nỗi này hả Giang?”. Bà Giang thảng thốt nhìn ông Long. Đôi mắt bà trân trân ứa lệ. Ông Long phân trần với ông Sơn: “Nhận được điện của ông, tôi tức tốc đi ngay. Cứ ngỡ như mọi lần, nào ngờ cô ấy lại thế”. Quay lại nhìn bà Giang, ông Long khẽ nói: “Cố lên Giang! Sẽ qua thôi mà em”. Bà Giang khẽ mỉm cười rồi ra hiệu cho ông Sơn. Ông Sơn ghé tai sát miệng vợ. Bà Giang thều thào nói gì đó với chồng. Lát sau, ông Sơn bảo mọi người ra ngoài. Trong buồng chỉ còn lại Tùng và hai ông.
Căn buồng lặng phắc trong giây lát. Bà Giang đưa ánh mắt thân thiết lướt nhìn ba người. Phá tan không khí im lặng, ông Sơn lên tiếng: “Lúc nãy, vợ chồng tôi đã tâm sự với nhau hết rồi ông Long ạ”. Vỗ vai Tùng, chỉ tay vào ông Long, ông Sơn nói: “Tùng! Đây là bố đẻ của con. Con hãy nhận bố đi!”. Tùng ngơ ngác, há hốc mồm nhìn mọi người. Ông Long cũng vậy, trợn tròn mắt hết nhìn người nọ lại người kia. Bà Giang lấy hết sức lực còn lại thều thào: “Đúng... đúng vậy đấy, con ạ. Tha lỗi cho... cho mẹ con nhé”. Ngước về phía ông Long, bà thều thào: “Anh Long! Anh hãy nhìn chiếc dây truyền trên... trên cổ con đi. Nó là... là của... của anh đấy! Cái đêm... đêm hôm ấy, em kịp... kịp giữ lại... nó đấy”.
“Trời ơi! Tôi có tội với hai người rồi!”. Ông Long vò đầu bứt tai khẽ kêu lên. “Không” - Ông Sơn cắt lời - “Tất cả là do tôi”. Vỗ vai Tùng, ông nói tiếp: “Con là kết quả của tình thương của mẹ và tình bạn cao đẹp của bố. Con là niềm tự hào của chúng ta, con biết không?”.
Lúc này, ông Long mới có dịp nhìn Tùng. Đúng là trên cổ nó, chiếc dây truyền bằng bạc của ông ngày nào đang hiện hữu. Nó là kỷ vật của mẹ ông trao cho ông. Ông biết mất nó mà không biết mất vào khi nào. Thì ra là cái đêm hôm ấy. Đột nhiên, ông nhớ lại. Khi đó, Giang cào cấu, ngấu nghiến ông. Bừng tỉnh, ông cuống cuồng chạy vội ra ngoài nằm thẳng cẳng trên phản như ngủ say. Lát sau thì ông Sơn về.
Như một phản xạ, Tùng cũng đưa tay lên sờ chiếc dây truyền mà mẹ đeo cho nó trước ngày nó vào học đại học. Ba người đàn ông nhìn nhau. Bà Giang mỉm cười mãn nguyện, trút hơi thở cuối cùng bên cạnh họ.
Tiếng gào khóc gọi mẹ, gọi vợ, gọi Giang cùng lúc ào lên như xé ruột. Mọi người thấy vậy chạy cả vào. Trên giường, bà Giang đã thanh thản ra đi.
Nhà sáng tác Nha Trang 2017
Đ.X.T