Mới tầm hơn 3 giờ sáng, hương thơm ngọt của cây hoa dẻ trồng ngoài ban công đã len cửa vào đánh thức Nam. Mái tóc giờ đã chuyển màu muối tiêu, nhưng với ông, ký ức về những ngày sơ tán tránh tàu bay Mỹ vẫn cứ tươi nguyên, cảm nhận về những loài cây, loài hoa dại ven con đường ngày xưa vẫn y chang như hồi còn là cậu học sinh cấp hai.
Ông đổ bã chè tàu trong ấm và tưới thêm một chậu nước vào gốc cây hoa dẻ rồi đun nước pha ấm chè mới. Vừa nhâm nhi từng ngụm chè nhỏ, ông vừa hít nhẹ nhưng rất sâu, chậm rãi đưa hương hoa dẻ vào tận đáy phổi của mình. Nhiều hôm, ông lặng lẽ ngồi chờ trời sáng hẳn, càng nhiều tuổi ông càng dễ miên man chìm vào ký ức, để những kỷ niệm thời học trò dẫn ông về lại nẻo xưa.
*
Ven đoạn đường ngang qua xóm Bắc có những lùm cây dại xanh tốt quanh năm. Cây duối, quả bé như hạt ngô, óng vàng. Đuôi quả có sợi râu be bé, phần cuối chẽ ra như hình lưỡi rắn. Cây găng quả tròn, bóng, nổi rõ những đường gân, trông ngon mắt nhưng không ăn được. Cây mây đầy gai. Gai mây bé, cong và sắc như vuốt mèo. Quả mây thuộc loại bé nhất, kết thành chùm chi chít. Quả có lớp vỏ dày, xếp vảy tựa áo giáp, vân nổi như gấm thêu. Quả mây ăn được nhưng chát xít. Cây cùng quằng thuộc loại dây leo, vắt ngang dọc trên cành loài cây khác. Hoa cùng quằng trắng màu sứ, hình ống thon dài mảnh mai, tõe mấy cánh xinh xinh, ngửi gần thơm nức mũi. Cây cúc tần ngọn lá mập mạp, lá răng cưa, vò ra hôi sì. Mùa thu, cúc tần phủ dây tơ hồng vàng ươm màu nắng, mịn màng cọ nhẹ kẽ tay...
Theo gia đình đi sơ tán về nông thôn tránh bom Mỹ, cậu bé Nam coi những bụi cây ven đường là cả một thế giới thần tiên, đầy bí ẩn. Khi đói lòng, cu cậu chui vào lùm cây tìm những thứ có thể ăn được. Quả mâm xôi kết bằng những viên tròn hồng sậm, gỡ thật nhẹ, mắt chỉ kịp thấy vành tròn xinh xinh của đáy quả rời khỏi cuống, nước miếng đã chực trào ra. Quả tóc tiên vỏ vàng tươi, chứa đầy tép mang hình cái bánh bột lọc tý xíu, vừa ngọt, vừa thơm. Quả trân châu nửa xanh, nửa đỏ, vị chan chát... Bí quá thì nhằn quả duối chỉ có tẹo nước lờ lợ, nhơn nhớt... hay nhai ngọn cây đuôi tôm đã tước đi lớp vỏ dai, còn lại mấy đốt màu xanh trong, giòn giòn. Nuốt chút nước chua chua, chỉ tổ thấy đói thêm.
Dịp nghỉ hè, chịu khó chui vào bụi, lách dao chặt, Nam sẽ có những lóng tre làm súng phốc “xịn” không kém súng của đứa nào trong xóm. Vào dịp tết Đoan Ngọ, cu cậu mang liềm quơ ngọn cây mâm xôi, cây cùng quằng, đem về băm, phơi khô, làm chè cho cả nhà uống quanh năm. Chưa hết đâu, trong một lùm cây ven đường ấy, cu cậu và Thanh Hà - cô bạn gần nhà, cùng đi chung con đường đến trường - còn phát hiện được một cây hoa dẻ, lặng lẽ giấu mình lẫn vào bao loài cây lá, lặng lẽ tỏa hương.
*
“Không biết cái Hà tìm thứ gì trong bụi cây ấy? Mấy quả tóc tiên, dù mới hơi vàng vỏ, mình cũng bứt sạch cho cô nàng, từ trưa qua rồi?” - Nam chưa guồng đến nơi, Thanh Hà đã nhảy khỏi bụi cây, gương mặt rịn mồ hôi, mấy sợi tóc bết vào trán. Cô nàng nháy một bên mắt ra vẻ bí mật điều gì, rồi vừa nhảy chân sáo, vừa ôm cái cặp sách xoay đi, xoay lại vài vòng. Suốt buổi học hôm ấy, mùi thơm hoa dẻ cứ thoang thoảng quanh bàn của mấy đứa.
Sáng hôm sau, Nam đi học sớm hơn mọi ngày. Cậu ta chui vào bụi cây nghiêng ngó, dáo dác tìm, dùng cả mũi hít xem mùi hoa dẻ bay ra từ phía nào. Đây rồi, bông hoa dẻ ba cánh to, ba cánh nhỏ dày dặn, vàng ươm, giống y những cái sơ mít cái, thơm ngòn ngọt. Cu cậu lựa đặt bông hoa vào cái hộp giấy vuông đựng phấn, rồi ù té chạy đến lớp trước, đặt hộp giấy sâu vào trong hộc bàn. Mãi một lúc sau, Thanh Hà mới đến, lưng áo xanh sĩ sâm sẫm lại mấy đám nhỏ vì mồ hôi. Cô nàng vẫn lặng lẽ như mọi ngày, cho đến lúc cánh mũi hơi hếch lên, rồi một bên mắt khẽ nhíu lại khi quay về phía Nam.
Từ sau bữa đó, hai đứa đợi nhau ở bụi hoa dẻ, hái được bao nhiêu, dồn cả cho Thanh Hà. Trên đường đến trường, thi thoảng Nam lại cúi xuống sửa dép. Cu cậu muốn tụt lại sau một đoạn để đón mùi hoa dẻ từ cô nàng bay xuôi theo gió. Khi gần đến lớp, hai đứa lại tách xa ra. Chúng đều ngại lũ bạn quỷ sứ trêu chọc, ghép đôi.
*
Nơi gia đình Nam sơ tán cách một cây cầu lớn không xa là bao. Suốt ngày, suốt đêm, máy bay Mỹ bất chợt ào đến ném bom, phóng tên lửa. Nhiều lúc chúng sà quá thấp, vút qua làm mâm bát nảy lên, lũ gà tao tác, rạp mình chúi cổ chui vội vào vườn dong.
Lớp học đặt ở giữa xóm bên, mái rạ núp dưới tán cây trong vườn, bốn bên đều có lũy đất và giao thông hào. Học trò đứa nào cũng đội mũ rơm, mang theo nùn rơm đi học.
Hồi đầu, những đứa như Nam theo gia đình về đây lánh bom được bọn trẻ trong xóm gọi là “quân sơ tản”. Theo kiểu “gà cậy gần chuồng”, chúng bắt nạt “quân sơ tản” ra trò. Không lâu sau, những gia đình sơ tản đã hòa hợp với dân sở tại như anh em họ hàng.
Nhà Nam ăn gạo phiếu, mua gạo khi thì độn bột mỳ, độn ngô, khi độn “sắn gạc hươu”, loại sắn gác trên gác bếp, khó chặt vụn hơn chặt gỗ. Sắn này đem chế biến kiểu gì và dù có đói bủn rủn chân tay cũng rất khó nuốt. Tháng nào đong gạo độn bột mỳ thì mới có bánh bột mỳ đem cho bạn. Không đào đâu ra mỡ để rán, người ta làm “bánh bột mỳ áp chảo” bằng cách nhào bột mỳ hơi nhão đổ vào đáy chảo lót lá chuối tươi, rồi đặt lên bếp nướng. Nướng quá lửa, chảo bốc khói, khét mù lên, bánh loang lổ đốm đen, đốm trắng. Đem gỡ vụn lá chuối còn bám trên bánh, thế là vừa thổi, vừa ăn, ngon lành. Bận quá thì thú bột (nhào bột), nắm thành cục rồi luộc lên. Nếu có thời gian rỗi rãi thì cán bột ướt bằng vỏ chai trên mâm nhôm, sắt ra nấu canh luôn hoặc đem phơi khô làm mỳ sợi ăn dần.
Bù lại, bọn trẻ trong xóm mang những thứ nhà chúng có, đem cho “quân sơ tản”, mấy củ khoai luộc, mấy bắp ngô nướng, nhất là hoa quả, mùa nào thức nấy, nhiều nhất vẫn là vào dịp hè, nào bồng bồng, ổi, nhãn, na, thị...
Về sống ở nông thôn, Nam biết thêm quá nhiều điều về đồng ruộng, về cây cỏ và các loài vật. Lũ bạn rủ Nam lấy loại lá mọc ven núi, chiều đem ra đồng lầy thả, nhử ốc, sáng sớm mai, thọc hai tay xuống tha hồ vớt ốc. Có hôm phải đựng ốc vào bao tải mới hết. Quen dần, cu cậu không còn sợ con đỉa dai hoi bám theo khi lội ruộng, không còn thấy ghê tay khi móc giun vào lưỡi câu, câu cá...
Hai chị em Hà ở với bà nội. Bố của Hà mất vì bị tai nạn, mẹ Hà theo người đàn ông khác lên miền núi. Vất vả từ bé, nên Hà thuộc diện còi, nước da ngăm ngăm, ít nói và hiếm khi cười. Ngoài lúc đi học, cô bé phải đỡ việc cho bà, kèm cặp cái Quế. Hà sống nhường nhịn, hay giúp người khác, có vẻ người lớn hơn mấy đứa bạn gái cùng tuổi.
Một lần Hà rủ Nam đi bắt cua giữa trưa nắng. Không biết đi lúc ấy dễ bắt được cua hay để tránh gặp mấy thằng bạn lắm mồm? Lẽ ra phải tách riêng mỗi đứa men một bờ ruộng, thì Nam lại cứ bám theo sau Hà. Cu cậu không dám thò tay vào mà(*) cua vì sợ nhầm với hang rắn. Thành thử, Hà chỉ cho mà cua nào thì cậu mới sục tay vào mà cua ấy. Chang nắng đến khét mùi tóc.
Ghé mắt xem thấy chỉ có mấy con cua bò chưa kín đáy giỏ của Nam, Hà trút hết chỗ cua mình bắt được, dồn cho Nam, rồi khoát tay ra hiệu về mau. Chưa kịp chao chân vào mương nước ngay bìa xóm cho sạch bùn, hai đứa bỗng thấy thằng Trình “hít” lao xe đạp ngang qua. Xe của hắn nhảy chồm chồm do bánh quấn thêm dây cao su, đường lại lắm ổ gà. Hắn ta còn ngoái đầu lại, nghiêng cái mặt có cặp mắt ti hí gật gật mấy cái rồi quành khuất sau bụi tre.
Y như rằng, hôm sau mấy thằng bạn học cùng xóm bắt đầu ghép đôi. Thằng Trình “hít” giả ngây ngô: “Bay ơi, tỉnh chi ở ngoài tỉnh Ninh Bình nhờ?”. Thằng Long “lém” nhanh nhảu phán: “Nam Định!”. “Đếch phải” - Thằng Luận “còi” mở miệng, đai giọng - “Hà ... Nam...!”. Trình “hít” nhảy ngược lên: “Đúng rồi, Hà Nam! Hà... Nam...! Hị hị hị...”. Chắc mấy thằng ôn đã kháo nhau chuyện hai đứa đi bắt cua rồi còn giả vờ diễn kịch! Mặt cái Hà lạnh tanh nhưng mấy ngón chân lại bấm đến trắng móng xuống mặt đường đất.
Những ngày sau đó, lũ bạn vẫn tiếp tục trêu chọc, ghép đôi. Chúng viết chữ lên mặt bàn. Khi chữ cứ bị xóa đi hết lần nọ đến lần kia, chúng không viết nữa, mà dùng dao khắc rõ hai chữ “Hà - Nam”. Thôi thì kệ thây nhóm chàng làng lắm chuyện ấy. Hai đứa vẫn ngồi chung bàn với 3 đứa nữa cùng tổ, nhưng không đi cạnh nhau khi tan học về nhà, không chờ nhau hái hoa dẻ rồi đến lớp như mọi lần. Vậy mà ngày nào Nam cũng vẫn thấy thoang thoảng mùi hoa dẻ len ra từ hộc bàn, trong khi mấy đứa ngồi gần dửng dưng, có lẽ vì chúng ngửi quen mũi rồi. Chỉ đến cái hôm bỗng thiếu đi hương hoa dẻ, có đứa mới chợt kêu lên bùi ngùi: “Mất cái Hà, mất luôn mùi hoa dẻ, bay ạ...”. “Giá mảnh ruộng nhà Hà không nằm gần lán trại công nhân mỏ đá, thì mấy bà cháu không việc gì đâu” - Nam cứ nghĩ vẩn vơ thế trong mấy ngày liền...
Tranh thủ hôm nghỉ học, ba bà cháu, chị em Hà đi làm cỏ cho lúa. Máy bay Mỹ ào đến, không kịp chạy lên bờ, Hà chồm lên che cho cái Quế, chỉ kịp ngước thấy quả bom bi mẹ tách ra trên đầu. Hàng trăm quả bom bi trùm xuống. Dân quân chạy ra, khênh ba bà cháu cùng mấy cô công nhân về trạm xá. Cái Quế bị nhẹ nhất, chỉ ít viên bi xuyên vào bắp tay, bắp chân. (Hồi đó người ta bảo rất khó mổ lấy được bi ra, vì nó cứ chạy lung tung khắp người, chạy cả vào tim (!?) Hà và bà nội bị rất nặng, nghe nói lại, chú y sỹ không đếm hết được vết bi trên người, có cả nhiều vết trên đầu. Hai bà cháu cứ đuối dần... rồi mất.
Người lớn cấm bọn trẻ tụ tập ở trạm xá, sợ máy bay đến bất thình lình thì khốn. Lừa khi chú Hải dân quân chui vào lều trực chiến hút thuốc lào, Nam cùng mấy đứa con gái lẻn vào tìm nơi bà cháu Hà nằm. Cái Hạnh gan nhất bọn, kéo tấm vải trắng phủ mặt Hà. Mắt Hà nhắm như đang ngủ, những vệt máu khô bám trên trán Hà mờ dần trong mắt mấy đứa trẻ lần đầu tiên thấy một người bạn thân thiết bị chết. Cái Hạnh đưa tay gỡ mấy sợi tóc dính nơi khóe miệng Hà, nó lặng đi một chút rồi kéo tấm vải trùm lại cho Hà và ra hiệu rút. Nam cố ngoái lại lần cuối, sao hai bà cháu đều có thân hình bé thế kia, đều nhỏ thó quấn trong tấm vải liệm màu trắng đục? Nắng chiều vàng sậm lại nhưng phải chờ tối hẳn, dân quân mới đưa hai bà cháu Hà ra nghĩa địa được.
Nam được lớp giao vào nhà Hà hỏi xin lại cuốn sổ ghi đầu bài Hà giữ. Đến lớp trước giờ học, cậu ta giở cuốn sổ ra xem, thấy kẹp ở những trang cuối một bông hoa dẻ héo khô. (Mùa mưa bão cuối năm ấy, căn nhà lá của gia đình Nam bị gió bốc đi, cuốn mất luôn sách vở cùng bông hoa dẻ khô ấy). Chỗ ngồi học của Hà để trống cho tận đến khi hết năm học.
*
Sáng sớm, khi ngồi ấp tay lên ấm trà đã nguội lạnh, Nam nhận được tin nhắn của Trình “hít” hẹn buổi chiều tụ tập mấy đứa bạn học ngày xưa tại nhà hàng của hắn. Trình “hít” chỉ học hết cấp hai rồi ở nhà làm thợ khai thác đá. Từ bé hắn đã nổi tiếng ngỗ ngược, láo lếu cả với người lớn tuổi. Nhờ giỏi chạy chọt, hắn được thầu mấy ngọn núi, cứ việc bốc của trời cho mà đút túi. Hắn giàu lắm, có biệt thự lớn, dăm cái xe sang và rất thích mặc bộ ký giả màu trắng, thích sửa giọng theo kiểu giọng Bắc nhưng thi thoảng vẫn lòi đuôi gốc nhà quê. Khi nhà nước đóng cửa mỏ đá, hắn đã thu quá đậm rồi. Dầm vốn, hắn quay sang mở nhà hàng dịch vụ ăn nhậu, hát karaoke.
Thi thoảng ông chủ nhà hàng Trình Thảo (Thảo là tên vợ Trình) lại mời gọi đám bạn học hồi còn con nít đến nhậu. Cậu ta dành căn phòng ưng ý nhất để bày tiệc. Căn phòng ấy có cửa sổ nhìn ra khu vườn đặt các chậu cây cảnh, nghe nói có cây cả tỷ đồng. Sát cửa sổ có một bụi cây hoa dẻ to hiếm thấy, lá xanh sẫm, mướt mát, ngọn nhô tới lan can tầng trên. Lạ một điều là Nam chưa lần nào thấy cây ấy có hoa.
Mấy tay bạn cứng tuổi rồi, nhưng gặp nhau vẫn hỉ hả ra trò. Nhắc đôi ba chuyện cũ, đại loại hồi đi học, hình như cậu nọ thích cô kia, thằng Ngọc dốt như bò đực, “cóp py”, giở sách thành thần, thế mà giờ cũng kiếm được một chỗ kha khá, đủ nhìn xuống còn thấy khối người...
- “Số” cả, bay ạ” - Long “lém” phán rành rẽ như thế rồi bô bô “mở trang thông tin” về những đứa bạn mà nó biết giờ ra sao.
- Thằng Hoàng đi lao động ở Tiệp cặp với một cô trẻ, để mẹ lại cho con Thúy (Thúy - vợ Hoàng và là bạn cùng lớp của cả bọn), không đoái hoài, tin tức gì. Bay gặp con Thúy, bay không nhận ra được. Tóc bạc trắng đầu mà hắn không chịu nhuộm. Hắn quá tốt, chăm mẹ chồng như mẹ đẻ, nhưng “hồng nhan bạc phận”. Hoài phí một đời hoa khôi của lớp!
Long “lém” chép miệng, trầm ngâm vài giây rồi lại hào hứng:
- Ông Tùng, gan có vấn đề, hình như đám cán bộ xã biết nên đang lưỡng lự xem có cho hắn thế chỗ ông Chủ tịch mặt trận vừa nghỉ hưu không?...
*
Sau chiến tranh, gia đình Nam trở về bản quán nơi phố thị. Cậu ta đi học xong đại học rồi được điều vào Tây Nguyên công tác. Nhiều năm sau Nam mới xin chuyển được về quê và mới có dịp trở lại thăm nơi gia đình cậu ta sơ tán. Không còn những lùm cây dại ven những con đường xưa. Người ta phát quang, mở rộng và bê tông hóa mọi đường ngang, ngõ dọc. Không còn thấy những vườn cây ăn quả xum xuê. Đất vườn dành làm chỗ cho các ngôi nhà bê tông to vật vã ngự lên, trông tức mắt. Những cánh đồng được san lấp làm thành các khu chung cư, khu đô thị, chia lô liền kề, lô biệt thự. Bán không xuể, nhiều căn nhà xây thô bị bỏ hoang dài dài. Thực ra kẻ có tiền không muốn mua đầu tư như hồi khan hiếm nhà đất, người nghèo muốn mua thì đào đâu ra hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng.
Sau lần ấy, Nam ghé qua nơi người ta bán cây cảnh mua hai cây hoa dẻ, một cây đem trồng cạnh mộ hai bà cháu Hà, hai nấm mộ đất, lọt thỏm giữa những ngôi mộ ốp gạch men, ốp đá, thậm chí làm toàn bộ bằng đá phiến lớn, chạm khắc hoa văn cầu kỳ. Cây hoa dẻ còn lại, Nam đem về trồng vào cái chậu rất to, đặt ở ban công. Cứ vào cuối xuân đầu hạ, cây hoa dẻ bắt đầu nở và nở ngày càng nhiều bông rồi thưa dần. Mùi hương hoa dẻ cứ ẩn - hiện điểm nhịp đi của thời gian, mỗi nhịp là một năm tròn. Những năm tháng tuổi học trò dần xa, mờ xa, nhưng hương hoa dẻ vẫn neo giữ lại cho Nam bao kỷ niệm buồn vui về cái thời thơ dại ấy.
Sang tháng Tư âm lịch rồi, hương hoa dẻ thơm nồng hơn mấy hôm trước, ùa vào đánh thức Nam. Lại sắp đến ngày giỗ của Hà. Hôm qua bọn bạn nhắn tin báo: Cô Quế, em Hà, từ trong Nam về xây mộ ốp đá cho bà, cho chị. Ông sẽ lên bảo Quế đừng chặt bỏ mà giữ lại cây hoa dẻ trồng bên mộ...
Nằm nghĩ miên man cho đến khi nghe tiếng học sinh râm ran dưới đường, Nam mới trở dậy, đẩy cửa bước ra ban công. Mấy cháu ở cùng phố đang học lớp cuối cấp trung học cơ sở đây mà, ngang với thời lớp 7 của ông với Hà. Cháu nào cũng phổng phao, mặc đồng phục. Con trai, con gái đi chung xe đạp điện, ôm lưng nhau hồn nhiên. Ông chợt nhớ hồi ấy, bạn Hà của ông chỉ toàn đi chân đất thôi.
Nam đưa mấy ngón tay chặn khóe mắt. Ông bỗng thấy mấy bông hoa dẻ vàng tươi nơi đầu cành chìa ra ngoài đường nhòa đi. N.T.V
(*) Mà: hang cua (tiếng địa phương).