Tiếng hát chiều cuối năm - Hà Thị Cẩm Anh
Thằng bé cứ lang thang mãi ngoài đường lớn. Cuối cùng nó dừng lại ở một bến xe khách. Có một chuyến xe sắp chuyển bánh rời khỏi thành phố. Thế là Đa bước lên và ngồi vào hàng ghế cuối cùng. Đa sẽ đi đâu, sẽ về đâu vào ngày cùng, tháng tận này? Đa không biết và cũng không muốn biết! Mọi thứ với nó bây giờ đều đã chấm hết. Người cha đáng kính bây giờ không còn là cha nó nữa. Học sinh giỏi toán của một trường chuyên cấp tỉnh. Đội viên đội thi tuyển toán Quốc gia cũng đã bỏ lại thành phố này. Vị trí con một. Ngôi biệt thự ba tầng ở giữa trung tâm thành phố với một khu vườn rộng có rất nhiều cây kiểng giá cả tỉ đồng một cây. Chiếc ô tô của cha. Chiếc xe Méc đen bóng của mẹ. Tất cả những thứ đó bây giờ đã hóa thành những chiếc bong bóng xà phòng. Đã vỡ bung bét ra tất cả chỉ trong vòng một buổi sáng khi chủ nhân đích thực của mọi thứ của cải kia trở về. Đó là một thằng bé ba tuổi. Nó trở về cùng với mẹ. Người đàn bà này chẳng phải là ai xa lạ mà chính là cô thư ký riêng của cha. Hai mẹ con trở về trên một chiếc xe bốn chỗ ngồi còn sang trọng hơn cả chiếc xe của cha. Chiếc xe mới đập hộp, còn chưa kịp đeo biển số đăng ký.
Nghe tiếng còi xe hối hả giục, Đa bỏ bài toán đang làm dở, chạy xuống để mở cổng. Người đàn bà ngồi trên xe xuống kính nhìn cậu từ đầu đến chân rồi lên tiếng:
- Cậu là người hầu của nhà này. Đúng không? Đã là người hầu thì phải biết thân, biết phận chứ? Cậu có điếc không mà còi xe cả tiếng đồng hồ không xuống mở cổng?
Đa vừa giận vừa tức nhưng thằng bé vẫn nhã nhặn:
- Cháu xin lỗi! Cháu đang bận tí việc cô ạ.
- Bận gì thì bận cũng phải để đấy! Lẽ đời là thế. Chủ tớ phải có ranh giới rõ ràng.
Đa ngớ cả người ra:
- Cháu là thằng Đa mà cô! Cô không nhận ra cháu ạ?
Người đàn bà chì chiết:
- Ta biết! Anh là thằng Đa. Thằng Đa mà năm ngoái bố anh bị tai nạn cần phải tiếp máu, nhưng khi thử máu thì anh lại mang dòng máu khác chứ gì? Chỉ có loại con hoang mới khác máu, tanh lòng như thế! Thằng Đa mà từ dạo ấy bố của con trai ta vẫn gọi anh là thằng Đa Mang. Đúng không? Người ta nói: "Đã trót đa mang thì phải đèo bòng". Những thứ khiến cho người khác phải đa mang, phải đèo bòng đều là gánh nặng. Đã là gánh nặng thì bao giờ cũng khiến cho người ta khó chịu. Nhất là ta.
Nói xong người đàn bà mở cửa xe rồi toét miệng ra cười với đứa trẻ đang ngồi trong xe:
- Xuống xe rồi vào nhà đi con!
Nói xong người đàn bà rút cái điện thoại từ trong xắc ra, bấm tút tút. Cô ta gọi:
- Alô! Con với em đã về đến nhà rồi! Anh ở đâu thế? Sao không nhanh lên một chút! Lũ người hầu chết tiệt nhà anh. Em về cả tiếng mới thấy một đứa ra mở cổng. Thằng Hạnh Phúc mệt lả rồi đấy. Anh về ngay để mở cửa phòng cho con nó ngủ.
Người đàn bà hình như muốn Đa nghe cho thật rõ nên cứ nói oang oang, giọng khá ỏng ẹo. Đa đang định bỏ lên phòng mình nhưng khi nghe được cuộc nói chuyện điện thoại giữa cô ta với cha mình nên cứ đứng trơ ra giữa cầu thang. Đa đã hiểu được phần nào câu chuyện khủng khiếp này. Một lát sau cha cậu trở về. Ông vừa bước chân ra khỏi cửa xe, đứa bé giăng khỏi tay mẹ, vừa chạy lao lại phía ông vừa hét toáng lên:
- Bố! Bố về rồi!
Người mà bấy lâu nay Đa vẫn gọi là cha giang rộng vòng tay cho thằng bé con kia lao vào. Khi đã ôm trọn thằng bé trong vòng tay của mình, người đàn ông đưa một ngón tay đặt ngang lên miệng mình ra hiệu cho hai mẹ con nói nhỏ một chút. Người đàn bà cất tiếng cười khanh khách:
- Anh sợ gì chứ? Anh chỉ có một thằng con trai. Bây giờ đứa con anh dứt ruột đẻ ra đã trở về thì cái đứa khác máu tanh lòng kia phải ra đi. Đa mang thế đủ rồi. Nếu nó không đi thì em và con sẽ đi. Tùy anh chọn.
- Cái gì thì cũng phải từng bước. Bây giờ mẹ thằng Đa đang ở nước ngoài. Đợi sau tết bà ấy trở về rồi hẵng hay.
Người đàn bà kia dằn giọng:
- Tại sao mọi thứ không giải quyết dứt điểm trước tết này đi? Chị ta có quyền gì chứ? Cuộc hôn nhân của anh với chị ta làm gì có giấy giá thú? Hai người chỉ đem nhau từ rừng về rồi sống với nhau như nhân tình. Còn em? Bây giờ em đã là vợ anh. Có giấy giá thú hẳn hoi. Em mới là chủ nhân đích thực của ngôi nhà này. Em sẽ là người quyết định mọi chuyện.
Nói xong người đàn bà rút từ trong cái xắc đeo tay ra một tờ giấy rồi ném toẹt xuống bàn. Người đàn ông, cha thằng Đa trợn tròn cả hai mắt lên. Ông ta run run cầm tờ giấy, đọc lướt qua một lượt rồi ngước mắt nhìn người đàn bà mới đến đang đứng ngay trước mặt mình:
- Làm sao em có được tờ hôn thú này?
- Tiền! Có tiền là giải quyết được mọi thứ!
- Sao em không bàn với anh?
- Bàn? Em làm việc này là vì anh, vì con trai chúng ta. Em đâu có phạm luật hôn nhân và gia đình? Anh chưa có vợ, vì chưa bao giờ anh đăng ký kết hôn. Còn em, em cũng là gái chưa có chồng! Tất cả đều hợp pháp. Đúng không?
Đa vốn không quen hóng chuyện. Lâu nay cậu vẫn thế. Kẻ sang, người nghèo. Các cô, chú nhân viên ở Công ty. Mỗi người đến nhà tìm cha mẹ cậu đều vì công việc của mình. Chuyện của người lớn. Đa quan tâm làm gì? Để được yên tĩnh học bài và làm bài sau mỗi buổi đến trường, Đa xin cha mẹ cho mình được dọn lên căn phòng còn bỏ trống ở tầng ba để vừa làm phòng ngủ vừa làm chỗ học tập, nhưng lần này cậu không muốn nghe cũng không được, vì cô thư ký của cha cậu, người khách thường xuyên của ngôi nhà này cứ nói oang oang. Cô ta bảo mình mới là người vợ chính thức và hợp pháp của cha, mới là chủ nhân đích thực của ngôi nhà này. Cậu bé cảm thấy xa xẩm hết cả mặt mày khi nghe cô ta nói rằng: Đa chỉ là một kẻ khác máu tanh lòng với cha. Còn mẹ cũng chỉ là nhân tình của ông. Cha và mẹ vẫn kể: Hai người đã cưới nhau từ khi họ còn là công nhân của ngành Lâm nghiệp. Mẹ và cha đều là người Mường Dồ, cùng là công nhân của một đội trồng rừng. Lâm trường làm ăn thua lỗ triền miên, cuộc sống quá khó khăn, cha xin đi xuất khẩu lao động. Ba năm sau, cha trở về bán ngôi nhà trên núi và mấy sào đất ở phố huyện rồi đưa mẹ và Đa xuống thành phố. Có được chút vốn liếng đem về trong chuyến đi xuất khẩu lao động, cùng với số tiền bán nhà, bán đất ở Mường Dồ, cha quyết định mở Công ty riêng. Cha liên tục gặp vận may. Chỉ sáu, bẩy năm Công ty Nguyên Đa của cha đã có vốn liếng lên tới cả trăm tỷ đồng, cứ theo đà ấy, Công ty Nguyên Đa cứ mỗi năm lại đẻ ra thêm một Công ty con nữa. Cha đã trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị của một Tổng công ty lớn và rất nhiều công ty thành viên. Hơn mười năm, kể từ khi cha đưa hai mẹ con về thành phố, cha và mẹ sống thật êm ấm và hạnh phúc trong ngôi nhà mà cả hai người đã tạo dựng lên bằng chính tài năng và sức lao động không mệt mỏi của mình. Bỗng chốc mẹ trở thành nhân tình bất hợp pháp của cha, vì cha và mẹ lấy nhau nhưng không có giấy giá thú. Hồi ấy và có lẽ cả bây giờ cũng thế, người miền núi lấy vợ, lấy chồng, tấm giấy giá thú không quan trọng bằng sự công nhận của ma nhà, của tổ tiên, sự chứng kiến và công nhận của họ hàng nội ngoại và hàng xóm láng giềng. Người đàn bà kia có lý: Với pháp luật thì hai người vẫn chưa được công nhận là vợ chồng chính thức.
Đa chết điếng khi nhìn thấy cô thư ký của cha dí sát tờ hôn thú vào mặt ông. Đa nôn khan. Máu tràn ra khóe miệng. Cậu lảo đảo trườn mình qua hàng lan can của cầu thang từ tầng ba xuống, chạy như lao ra cổng.
Đa chạy ra khỏi nhà, rồi bắt đầu đi lững thững trên đường phố như một kẻ vô gia cư. Cậu bé đã cố dằn lòng, nhưng những giọt nước mắt cay đắng vẫn cứ ứa ra rồi chảy dài xuống má. Đa đưa tay áo lên quệt ngang mặt để lau nước mắt. Mỗi lần lau khô nước mắt, cậu học trò tội nghiệp lại cất tiếng cười. Tiếng cười của cậu bé khiến cho nhiều người đi đường phải kìm nén tiếng thở dài. Đa vẫn loạng choạng bước. Đa cảm thấy nhớ mẹ cồn cào. Bà đang lặn lội đi tìm công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người nghèo. Bà đi ký hợp đồng xuất khẩu hàng mây tre đan của người Mường Dồ với một số nước châu Âu cho năm tới. Qua tết Nguyên đán mẹ mới trở về. Khi trở về, mẹ sẽ ra sao? Chắc bà cũng sẽ bị tống ra khỏi nhà mình với hai bàn tay trắng như đứa con trai tội nghiệp này của bà?
*
Chiều ba mươi tết. Con đường về miền Tây chênh vênh và uốn lượn theo những con đèo cao và những cánh rừng rậm rạp bỗng trở nên vắng vẻ hẳn so với mấy ngày cuối năm ồn ào và tất bật của những chuyến xe ngược rừng, xuôi phố. Với sự đồng lõa của những cơn gió, lớp mây trắng đục ngầu của mấy tháng mùa Đông âm u và rét mướt đã bị đẩy vào các hõm núi sâu hun hút của rẫy Pù Luông. Nắng ấm vàng rực. Những cánh rừng mới được tái sinh của thung lũng Si Dồ sau những ngày dài ngủ ly bì trong mưa bụi dầm dề của mùa Đông bỗng thức dậy, xòe rộng tán lá xanh mơn mởn để đón nhận những giọt nắng chiều ấm áp. Đa xuống xe ở giữa đèo Chư Lẹ rồi cứ chân trần, đầu rối mà bước đi. Những bước chân nặng nề và mệt lả. Bỗng nhiên có một giọng tiếng hát ở đâu đó từ rất xa trong rừng chiều vọng ra. Tiếng hát của một người đàn ông. Có lẽ người hát đã đứng tuổi. Tiếng hát của ông ta khàn đục và buồn. Đa sững người ra và đứng như bị dính chặt cả hai bàn chân trần xuống mặt đường lạnh ngắt. Đa không hiểu gì về lời của bài hát. Nhưng giai điệu của bài hát thì Đa cảm thấy rất quen thân. Bố mẹ đều là người từ rừng xuống phố. Mỗi năm cứ đến thời gian Đa được nghỉ hè, cha mẹ lại đưa con trai về thung lũng Si Dồ mở lớp dạy nghề mây tre đan xuất khẩu cho người nghèo để họ khỏi phải sống chật vật bằng cách phá rừng làm lũ, làm rẫy. Cả nhà cùng nhau sống vui vẻ cả tháng trời trong ngôi nhà sàn đơn sơ của người bác ruột. Mùa Xuân, cha mẹ lại đưa Đa về quê xem hội Mường, vì thế mà Đa biết được người đàn ông kia đang hát Xường. Một bài Xường ru con. Hình như người đàn ông này đang rất nhớ con. Từng câu từng lời của bài Xường ru này đều rất buồn, đều phảng phất nỗi nhớ thương con da diết. Hình như ông cũng đang rất cô đơn. Một mình sống trong rừng giữa chiều ba mươi Tết làm sao mà chịu nổi? Lẽ nào các con lại nỡ bỏ quên cha của mình giữa rừng chiều đã nhạt nắng như thế này? Các con ông đang ở đâu? Bài Xường ru của người đàn ông càng làm cho cậu học trò cô đơn thêm khổ sở. Nước mắt chảy dài trên đôi má xanh xao. Cậu bé đứng thần người ra giữa đỉnh đèo cho đến khi mặt trời sắp lặn xuống sau đỉnh núi Cánh Diều. Đa không có chỗ nào để đến. Cậu cũng không biết đi con đường nào mới có thể tìm được một nơi nương tựa cho mình vào những giờ phút chuyển giao giữa hai con Linh vật của rừng xanh? Những câu Xường ru buồn se sắt của người đàn ông như hút lấy đứa trẻ. Thằng bé đi vào rừng. Ngày cuối Đông lao xao những ngọn gió. Những giọt nắng vàng hoe, ấm áp lọt qua tán lá của rừng chiều rơi xuống nhẩy trên lối mòn.
*
Sau tết Nguyên đán. Một vụ án lừa đảo đã làm chấn động cả thành phố. Một người tù mới được giảm án nhân dịp tết đã tìm đến Tòa án và đứng ra làm nhân chứng cho vụ án này. Đó là người kế toán trưởng của Tổng Công ty Nguyên Đa, cha đẻ của thằng bé ba tuổi mà chiều Ba mươi tết mẹ nó đã thẳng tay tống cổ đứa con trai duy nhất của ông Tổng Giám đốc ra khỏi nhà. Anh ta đã bị chính người vợ sắp cưới của mình, cô thư ký riêng của Tổng Giám đốc dùng gian kế đẩy vào vòng tù tội chỉ vì anh đã không đồng lõa với cô ta bầy mưu, tính kế chiếm đoạt một số tiền lớn dành để ủng hộ người nghèo của Công ty Nguyên Đa. Cũng chính lúc phải ra hầu tòa ông Tổng Giám đốc Công ty đang rất ăn nên làm ra ấy mới biết: Mình mắc chứng bệnh vô sinh. Căn bệnh của ông là do di chứng của chất độc màu da cam mà bố ông, một người lính của Binh đoàn Trường Sơn đã bị nhiễm phải. Thằng Nguyên Đa là giọt máu duy nhất của một gia đình có hai anh em đều bị mắc phải di chứng của chiến tranh do người cha để lại còn lành lặn. Sau ba lần sinh nở, chị dâu ông đều đẻ ra những quái thai. Lần sinh nở thứ tư, do quá lo lắng và hoảng sợ. Bà sợ mình lại đẻ ra quái thai thêm một lần nữa, vì thế mà bà đã chết ngay trên bàn đẻ. May mắn làm sao, thằng Nguyên Đa lại là một đứa trẻ bụ bẫm và lành lặn. Hết hợp đồng xuất khẩu lao động trở về nước cũng là lúc thằng Nguyên Đa hơn ba tuổi. Đúng khớp với thời gian ông nghỉ phép về nước và vợ ông đã báo tin mang thai và sinh con khi ông vắng nhà. Nhìn thấy đứa con trai đẹp như thiên thần, ông mừng rơi nước mắt. Lớn lên, thằng Nguyên Đa học rất giỏi. Lại ngoan ngoãn hiền lành vì thế mà ông rất yêu con và lại càng thêm yêu vợ. Chỉ duy nhất vào một buổi trưa ông nán lại Công ty để chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp buổi chiều. Cô thư ký ở phòng bên cũng không chịu ra về. Thấy sếp của mình bận việc, cô ta pha một cốc nước hoa quả đem sang và sau đấy thì có chuyện xảy ra giữa hai người. Một tháng sau cô thư ký thông báo cho ông biết là mình đã có thai. Ông choáng váng và hối tiếc vì việc không hay ho ấy xảy ra. Cô thư ký thì đeo bám và dọa dẫm. Cực chẳng đã. Ông phải sang tên cho cô ta một Công ty trong Tổng Công ty Nguyên Đa nhưng cô thư ký vẫn không ngừng đeo bám. Thằng bé con kia ra đời sớm hơn hai tháng rưỡi, lại chả giống ông tý nào nhưng người đàn ông rộng lượng ấy cũng chả quan tâm. Ông cung phụng cho nó tất cả những gì mà mẹ nó yêu cầu. Một lần ông bị tai nạn giao thông cần phải tiếp máu. Tất cả người thân trong nhà, trong họ đều thử máu để sẵn sàng tiếp máu cho ông. Cả thằng Nguyên Đa cũng thử. Thằng Nguyên Đa không cùng nhóm máu với ông khiến cho mẹ đứa trẻ kia nhảy dựng mãi lên. Cô ta nhất quyết đòi ông Tổng giám đốc Công ty Nguyên Đa tống cổ đứa con hoang là thằng Nguyên Đa kia ra khỏi nhà để trả lại vị trí hợp pháp cho con trai mình. Ông không biết thằng Nguyên Đa là cháu ruột, con người anh trai của mình. Vợ ông cũng không nói. Bà và cả anh trai ông đều không muốn ông biết mình bị mắc phải căn bệnh vô sinh mà hai người đã biết được trong một lần ông ốm nặng phải đi điều trị tại một Bệnh viện cấp tỉnh khi gia đình ông còn ở Mường Dồ. Sau khi vợ mất, anh trai ông đã giao con mình cho em dâu nuôi dưỡng rồi nhận mấy chục héc ta rừng của Lâm trường để khoanh nuôi. Người anh vào ở hẳn trong núi để làm bạn với cỏ cây, hoa lá muông thú, chim chóc. Buổi chiều nào ông cũng lên cửa vóng nhà chòi để hát Xường ru cho đỡ nhớ con, thương vợ. Ông cũng đâu có ngờ: Tiếng hát Xường của ông vào một buổi chiều đã nâng đỡ cho bước chân con mình, đã tránh được sự đổ vỡ gia đình của người em trai. Tiếng hát Xường vào buổi chiều cuối năm ấy cũng đã cứu Tổng Công ty Nguyên Đa thoát khỏi cơn sóng gió. Người nghèo ở thung lũng Si Dồ thấy thế cũng lấy làm mừng.
H.T.C.A