Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   "Nữ Oa" của làng - Mai Hương
"Nữ Oa" của làng - Mai Hương

       Hắn lượn qua lượn lại bến đò mấy lần. Trăng non phủ màu bàng bạc lên lá cây, lúc sáng, lúc tối vì trời nhiều mây. Cái đèn bão treo trên nóc tum lá cọ cứ sáng quắc lên như con mắt canh chừng. Bên trong, Xoan cứ khâu khâu vá vá, không biết rằng ngoài kia có đôi mắt cú vọ đang dòm dỏ. Phía triền đê, bọn trẻ nít vẫn đuổi nhau chơi trò “úm ba la xì bùa” ầm ĩ. Mấy thanh niên đang tuổi hẹn hò thì ngồi trên trảng cỏ hóng mát, kháo chuyện râm ran. Hôm nay, hắn phải thực hiện bằng được mưu đồ bấy lâu, hắn phải chờ cho tất cả đi ngủ đã. 
       Khuya, ánh trăng nhờ nhờ chếch tây. Bọn trẻ đã ai về nhà nấy. Xóm làng chìm vào giấc ngủ. Xoan ngó lên, với chiếc đèn treo vào trong cho khuất bóng, rồi bước ra phía ngoài sạp bè. Trời đêm đã dịu hơn, nhưng vì không có gió nên vẫn oi nồng. Xoan từ từ cởi bỏ xiêm y, òa vào dòng nước mát dịu. Vùng vẫy thỏa thích một hồi, cô trở về sạp bè. Nhưng lạ quá, áo quần đâu hết rồi? Cô ngạc nhiên: hôm nay làm gì có gió để nó bay mất! Cô tìm quẩn quanh một hồi, rồi đành bỏ cuộc, bước vào trong để lấy bộ quần áo khác. Bỗng một cánh tay thô ráp ôm chầm đằng sau, một bàn tay cứng ngắc bịt lấy miệng Xoan. Cô rụng rời chân tay, á khẩu vì quá hoảng sợ, rồi bắt đầu ú ớ vùng vẫy. Kẻ kia dí cái mồm hôi xì thuốc lào vào sát má Xoan, vừa liếm láp vừa thì thào: “Im nào, anh đây! Đừng chống cự! Em có làm gì cũng chả ai đến cứu đâu. Ngoan rồi anh cho quà!”. Xoan hiểu ra tình thế, lấy hết sức bình sinh quẫy đạp. Ngôi nhà bè chao đảo, chiếc đèn bão rung lắc chực rơi xuống. Cuối cùng, do thân thể ướt nước trơn láng, nên cô cũng tuột được khỏi đôi tay tởm lợm đó và đạp hắn rơi tõm xuống nước, khi chưa kịp định dạng hắn là ai. Cô hổn hển đóng sập tấm liếp, lập cập tìm then cài thật kỹ. Tay chân cô run bắn, tim như nhảy khỏi lồng ngực. Cô ngồi định thần, nghe tiếng đạp nước của tên thủ ác xa dần...
       Cả đêm không ngủ vì lo sợ, sáng ra, Xoan cắp chiếc nón mê đi lên xã. Nghĩ lui nghĩ tới, không biết phải làm gì để bảo vệ mình, nên cô quyết định trình báo sự việc đêm qua với chính quyền, những mong họ có cách gì giúp đỡ người thân cô thế cô. Vừa bước qua cổng sắt ủy ban, cô giật bắn vì tiếng e hèm thật to: “Cô kia, mới sáng vào đây làm gì!”. Xoan thần hồn nát thần tính vì dư chấn của cuộc áp bức đêm qua, miệng lắp bắp: “Dạ thưa, dạ thưa... bác cán bộ... cháu... cháu...”. “Vào đây rồi trình bày!”. Cô lật đật theo sau cái lưng to bè của “bác cán bộ”. Hóa ra ông này to nhất xã, cô biết thế khi thấy trong căn phòng của ông có cái biển đỏ chót đề tên: Nguyễn Đức Thiện, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã.

*


       Xoan là con gái một gia đình thuyền chài. Nhà cô đã nhiều đời làm nghề đưa đò và nuôi cá lồng bè để sinh sống. Năm ngoái, sau một trận lũ bất ngờ, thầy mẹ cô bị dòng lũ cuốn đi khi đang cố gắng kéo chiếc lồng cá bị nước đẩy ra xa. Một thân gỗ lớn bất ngờ đâm vào, khiến thầy mẹ cô bị đẩy văng vào đúng vực nước xoáy. Xoan thành kẻ mồ côi, sống một mình trên bến sông với chiếc đò ngang kiếm gạo qua ngày. Cô từng có anh trai và chị gái, nhưng họ bị đuối nước chết từ khi còn rất bé, thầy mẹ sinh thêm được một mình cô. Giờ thầy mẹ lại mất, Xoan ở một mình. Cô phải tự tay đóng lồng bè để nuôi cá mưu sinh. Người làng rất thương cô, nhưng chẳng bà mẹ nào dám hỏi làm dâu, vì thân phận cô là con nhà thuyền chài lại còn mồ côi, chẳng còn chỗ nào nương tựa. Xoan cũng mơ ước được như bao cô gái khác, có một mối tình, có một gia đình hạnh phúc, nhưng đám trai làng chỉ trêu ghẹo, chẳng ai thật lòng với cô. 
       Thực ra trong số trai làng, có một người rất tốt, thỉnh thoảng lặng lẽ giúp cô vô điều kiện. Nhà anh có đất bãi ven sông, ngay phía trên bãi cát cô hay tỉa bầu. Nhiều lần ra gánh nước, vun gốc cho bầu, cô ngạc nhiên phát hiện có ai đó đã làm hộ mình. Những lúc cô đi vắng, chưa kịp chăm bãi bầu, anh lại “tự tiện” làm không cần hỏi ý kiến gia chủ. Có hôm lên chợ huyện bán cá trở về, cô thấy ai đó đã hái giúp rất nhiều ngọn bầu, bó thành từng bó xếp gọn một góc sạp thuyền, cô chỉ việc mang vào làng bán. Phải giả vờ “đi chợ vắng nhà” xem “chàng Tấm” là ai, cô mới biết chính là anh chàng mỗi chiều hay gánh nước tưới ngô ở bãi trên. Nhưng chưa kịp cảm ơn anh, thì một hôm mẹ anh đến chống nạnh, lớn giọng: “Con nhà thuyền chài kia! Mi là cái thá gì mà dám dòm ngó con trai tao! Còn lợi dụng nó làm đủ mọi việc cho nữa! Này nhá, nhà bà không có chỗ chứa, tránh xa con bà ra không bà khoét mắt. Đũa mốc chòi mâm son!”. Rồi bà hậm hực bỏ đi khi cô còn ngơ ngác chưa kịp hiểu mô tê gì. Chiều đó, đúng lúc chàng trai quẩy đôi thùng ra cánh bãi, Xoan te tái chạy đến, cố tình tỏ vẻ đanh đá: “Này anh kia, tôi không khiến anh làm giúp tôi nhá, không ơn huệ gì đâu nhá! Anh có biết tôi vừa bị sỉ nhục thế nào không! Anh đừng quấy rầy cuộc sống của tôi!”. Nói rồi cô ngoăn ngoắt bỏ đi, để anh chàng cũng ngơ ngác không kém gì cô lúc trước. 
       Sáng hôm sau, anh chàng qua đò, năn nỉ cỡ nào Xoan cũng nhất quyết không chở. Mãi đến khi anh chàng nói lên huyện để nhập ngũ, nếu cô không cho qua đò có khi anh còn bị đi tù vì tội đào ngũ, Xoan mới cầm sào lên. Khi ra xa bờ, anh mới khe khẽ nói: “Tôi xin lỗi Xoan, tôi chỉ nghĩ cô một thân một mình thui  thủi, nên cố gắng giúp. Ai dè Xoan lại vì tôi mà phải chịu điều tiếng như vậy. Tôi thay mặt mẹ xin lỗi cô”. Xoan không nói không rằng. Cho đến khi sang tận bên kia sông, trước khi chàng trai lên bờ, Xoan mới nói: “Nhờ nói với mẹ anh: Tôi là người biết thân biết phận nên tôi sẽ không làm phiền ai, không lợi dụng ai. Tôi chỉ muốn sống làm con người thôi! Chuyến đò này tôi không lấy công để trả ơn anh giúp tôi, chúng ta không nợ nhau gì nữa!”. Chàng trai bần thần: “Thôi Xoan đừng nặng lòng, mong lần sau tôi gọi đò thì Xoan sang đón, đừng từ chối tôi”. ánh mắt chàng trai trong nắng ban mai thật lạ, Xoan không dám nhìn thẳng vào mà vội quay mũi, chống sào thật nhanh.

*


       Xoan sợ sệt ngồi mớm xuống một góc chiếc ghế gỗ khá đẹp trong phòng ông Chủ tịch. Cả bộ bàn ghế chắc nịch, nhưng lạnh thon thót, có lẽ vì cô không quen những chỗ sang trọng. Ông Thiện bảo: Phòng này không phải phòng tiếp dân, tiếp dân ở bên kia, nhưng hôm nay đặc cách, Chủ tịch sẽ trực tiếp tiếp dân. “Nào có chuyện gì trình bày đi!”. “Dạ thưa bác...”, “Nói nhanh lên, còn bao nhiêu việc cần giải quyết, ngồi đây nghe cô dạ thưa sốt cả ruột!”, “Dạ thưa...”, Xoan càng run hơn. “Thôi nào, bình tĩnh! Có chuyện gì cứ nói! Chú sẽ giúp!”. Thấy ông Chủ tịch nhẹ nhàng hơn, Xoan bình tĩnh kể lại đầu đuôi câu chuyện, nhưng vì xấu hổ, nên cô nói tránh sang lý do bị kẻ xấu đến dọa nạt khống chế để cướp cá trong lồng, chứ không phải bị ức hiếp. “Thôi được, cháu yên tâm, chú sẽ bảo vệ cháu, yên tâm nhá!”.
Xoan cắp chiếc mê nón đứng lên, len lén chào. Vừa ra khỏi cửa phòng, Xoan giật nẩy khi nghe tiếng điếu cày rít lên tong tóc. Cô nhớ tới hơi thở sặc mùi thuốc lào phà vào gáy cổ mình đêm qua, nỗi sợ hãi lại ập đến khiến cô rợn tóc gáy, chân như muốn khuỵu xuống.
       Vừa về đến thuyền, chiếc radio nhỏ bằng bàn tay thông báo: Cơn bão cực lớn đang đổ bộ vào miền trung, lũ ở các sông có thể dâng cao bất ngờ. Xoan nhớ tới thầy mẹ, hình ảnh cuối cùng về những người thân yêu nhất ghim vào đầu óc cô thật thảm khốc, khiến tim cô lại nhói lên quặn thắt. Nhưng không có nhiều thời gian để đau khổ, cô phải xắn tay lên rồi.
       Xoan kéo lồng cá sát vào bờ, ghì chặt bằng một cọc neo sâu xuống bãi cát. Con đò thì cô buộc sợi thừng dài, đóng cọc xa lên tận chân bãi cao. Nước nổi đến đâu, kéo thuyền lên đến đó. Chỉ khó nhất là lồng cá, phải thức để canh, nếu ngủ quên mà lũ dâng đột ngột thì sẽ trôi mất. Lồng cá vừa là phương tiện mưu sinh, vừa là ngôi nhà chứa mọi tài sản nghèo khó của cô, nên bằng mọi giá không thể để mất nó. 
       Buổi chiều, ông Chủ tịch xã Nguyễn Đức Thiện bỗng dưng đội áo mưa ra bến đò. Mặt mũi ông bít kín chỉ hở hai con mắt. Ông đến sát kề Xoan mới lên tiếng, đầu tiên vẫn là cái e hèm giật thót tim: “Này, có vấn đề gì không? Xem thế nào rồi, à lồng cá kéo lên rồi hả, thuyền neo rồi hả, tốt! Hay là dọn lên ở tạm chỗ nhà chú phía cuối làng. Cái nhà  cạnh trang trại lâu nay vẫn để không, cháu cứ vào mà ở. Bỏ sông nước đi, lên làm trang trại cho chú, chú trả lương”. Xoan lí nhí trả lời: “Cháu cảm ơn ạ” mà không dám nhìn vào đôi mắt có ánh nhìn như  xoáy của ông Chủ tịch. Đúng là lãnh đạo có khác, đến cả cái nhìn cũng rất uy quyền, rất đáng sợ. “Suy nghĩ đi, thế nhé! Có gì chú sẽ quay lại sau”. Cái lưng to bè của ông Chủ tịch lừng lững trên cánh bãi, khuất dần trong đám ngô đã trổ cờ.

*


       Mưa rất lớn. Đêm nay là đêm thứ hai Xoan thức canh lũ. Ban ngày còn có thể lơ là đôi chút, chứ ban đêm chỉ cần ngủ quên mươi phút, lũ về sẽ không kịp trở tay, nên Xoan không dám chợp mắt. Chiếc đèn bão chong chong thức cùng cô. Thật lạ, trời đang mưa thế mà tự dưng có bóng đèn như một cục máu đỏ xuất hiện trên bãi sông. Tầm này còn ai ra sông làm gì? Hay là ma? Cô hoảng sợ dúm cả người trong giây lát. Cô chộp vội con dao, thủ thế. Theo dõi qua liếp nứa, cô thấy người cầm đèn chuẩn bị leo lên lồng bè. Cô giật giọng: “Ai? Đứng lại”, “Ôi trời, con cháu tôi! Chú đây, chú Thiện Chủ tịch đây! Chú đi kiểm tra bão. Gớm quát làm chú giật cả mình! Thế nào rồi! Cửa đóng then cài chặt thế không biết. Để chú vào trú mưa một chút!”. 
       Xoan lưỡng lự định không mở cửa, nhưng thấy giọng ôn tồn của ông Chủ tịch nên đành tháo chốt. Ông Thiện rũ áo mưa bên ngoài, rồi chui hẳn vào trong. Khoang bè bé xíu, chỉ vừa chỗ cho Xoan ở tạm bợ, thêm ông Chủ tịch to lừng lững, cứ chòng chành. “Này, mấy hôm nữa tính lên ở làm trang trại cho chú, bỏ cái bè này đi”, “Vâng để từ từ cháu tính!”, “Từ từ cái gì nữa, chú giúp là phải làm ngay và luôn, đừng phụ lòng chú!”. Dưới ánh đèn bão, đôi mắt ông Thiện cứ như hai con đom đóm lớn, sáng quắc lên sau đôi mày rậm rì. Xoan không biết tướng người ấy đáng tin hay đáng sợ nữa. Nhưng ông Thiện chỉ có ý tốt, có làm gì xấu với cô đâu mà sợ. Ông nhìn quanh “nhà” của Xoan rồi hạ giọng: “Cháu sống đơn sơ quá! Để mai kia chú cho ít tiền mà mua thêm quần áo đồ dùng chứ ở thế này vất vả lắm!”. Xoan lí nhí: “Dạ cháu đủ đồ rồi ạ”. Cô bối rối cúi đầu, tay vẫn cầm con dao từ lúc trước một cách vô thức. Ông Chủ tịch liếc xuống, cười sang sảng: “Gớm cảnh giác quá cơ, chú chứ ai mà sợ. Có chú đây rồi, yên tâm! Cả làng có mình cháu sống cảnh mồ côi, chú nhất định phải che chở đùm bọc cho cháu, nhá! Thôi chú về đây!”.
       Cơn mưa ồ ạt không dứt từ đầu hôm tới giờ, nếu trên thượng nguồn cũng đổ mưa thế này thì lũ về sẽ rất lớn. Chiếc đài ọt ẹt Xoan không dám tắt, để nghe tin diễn biến cơn bão. Gần sáng, tiếng nước réo ồ ồ khiến Xoan bật dậy. Ngó lên phía đầu nguồn vẫn còn tối như hũ nút, nhưng dòng nước cứ ồng ộc như tiếng thú dữ hộc lên kinh rợn. Biết ngay có biến, Xoan nhao ra. Chiếc thuyền bị nước xô luật quật, dây neo như muốn đứt phựt, cô vội vã kéo thuyền, thắt dây lại. Quay ra, chiếc lồng bè có “ngôi nhà” của cô bên trên đã lắt lay trôi xuôi. Cô hoảng hồn định bơi ra ghì lại, nhưng không kịp nữa rồi, lũ đã giật đứt cọc néo, tống luôn “ngôi nhà” của cô vào cái họng hung tợn của nó. Chiếc đèn bão như một cái chấm than nhòa đi trong mắt Xoan, rồi phụt tắt. 
       Không kịp suy nghĩ nhiều, Xoan nhổ luôn cọc neo, dong thuyền vào bờ. Cô chạy đến đâu, nước dâng đến đấy đúng như trận đồ Thủy Tinh đánh Sơn Tinh. Thuyền dong vào đến gốc đa trên triền đê thì lũ cũng chấm đến phần rễ đa đang nổi lên như đàn rắn. Cô đã thoát chết trong gang tấc. Làng vẫn im lìm, chưa ai biết lũ dâng to thế nào. Ngôi làng này nằm ở doi đất hình dẻ quạt ngã ba sông, một bên là sông Cái, một bên là sông Con, nên phía nào cũng có đê. Nếu lũ sông Cái dâng lên đến tận gốc đa thế này thì phía sông Con, chắc chắn lũ sắp tràn đê. Chỉ cần một điểm đê vỡ thì cả làng sẽ chìm trong biển nước, không còn đường nào thoát. Bỗng đất dưới chân Xoan tụt một mảng lớn, đê bị sạt! Nghĩ đến cảnh vỡ đê, Xoan rùng mình. Cô chợt thấy trên cành đa có treo chiếc kẻng được làm từ vỏ quả bom. Chiếc kẻnh này thường được dóng lên mỗi khi làng có việc lớn. Cô tìm một hòn đá, đập liên hồi vào kẻng. 
       Cả làng xao xác chạy ra khi tiếng kẻng vang động, chó sủa inh tai. Ông Chủ tịch nhà gần nhất, cầm đèn pin chạy ra quát: “Đứa nào đương không lại đánh kẻng?”. ánh đèn le lói trên mặt nước, ông giật mình: “Chết mẹ! Vỡ đê đến nơi!”. Rồi hét lớn với mấy bóng người vừa kịp ló ra: “Nhanh, hộ đê! Hộ đê! Gọi cho tôi  ông Trưởng công an với  ông Xã đội trưởng!”. Rồi ông cùng toán người rầm rập chạy về phía đê sông Con. Một lúc sau, tiếng trống, tiếng phèng la vang động phía cuối làng nơi đê sông Con mỏng manh đang oằn mình trong lũ. 
       Trời vừa sáng. Con đê quai bỗng rùng mình rung chuyển. Một lỗ lớn trên thân đê bị mối đục bắt đầu bung ra, nước ồng ộc chảy vào đồng. 
       “Làng nước ơi, đê vỡ rồi! Hộ đê khẩn cấp, khẩn cấp!”. Một lần nữa, tiếng trống, tiếng kẻng, tiếng chân người chạy rầm rập. Trẻ con người già dắt díu nhau chạy ngược lên ngọn đồi đầu làng, thanh niên được huy động chạy về cuối làng để hộ đê. Muốn lên đồi thì phải băng qua cánh đồng, nếu nước đã vào đồng thì chịu chết. Nên không thể để nước vào đồng, phải lấp ngay lỗ hổng thân đê. Vật tư bốn tại chỗ được chở ra. Ông Chủ tịch hô hét ầm ĩ: “Bọn thanh niên làm ăn thế này thì chết!        Giao cho chuẩn bị vật tư mà đến lúc vỡ đê thấy lèo tèo vài cục đá cục đất, vài thanh luồng mục thế này. Chết cả nút! Nhà ai gần nhất phá tường rào, phá nhà chở đến đây!”.
       Bọn thanh niên nhìn nhau, rồi nhìn ông Chủ tịch. Nếu tính nhà ai gần nhất thì chỉ có ngôi nhà cấp 4 trông coi trang trại xây bằng đá hộc của ông Chủ tịch là gần nhất, cách điểm đê vỡ có vài chục mét; chứ các nhà khác cũng cách xa hơn nửa km. Lúc này nước cứ réo lên ồ ồ, như muốn xô đổ cả cung đê quai. Nhưng không ai dám lên ý kiến đề nghị ông Chủ tịch cho phá ngôi nhà trang trại. 
       Bỗng Xoan xuất hiện, kêu lớn: “Chú Chủ tịch, đề nghị cho phá ngôi nhà của chú để ứng cứu đê!”. Ông Chủ tịch “ơ” một tiếng: “Cô này nói hay nhỉ! Nhà đó tôi bán rồi! Bảo tôi phá nhà người ta sao được!”. Mọi người đều đơ người ra chẳng biết xử lý thế nào, trong khi nước lũ cứ làm con đê như rung lên. Những chân ruộng gần nhất bắt đầu ngập trắng. 
       Không thể lưỡng lự một phút nào nữa hết, Xoan giật giọng: “Chú Chủ tịch, cháu chẳng là gì cả trong cái làng này, nhưng nếu nước ngập thì cả làng chết hết, ngôi nhà của chú cũng chẳng còn. Cháu hứa cứu được đê, cháu sẽ làm trâu ngựa làm thuê đền cái nhà cho chú!”.
       Nói rồi, Xoan tự mình giật lấy cái xà beng trong tay Bí thư đoàn thanh niên, xăm xăm bước đến ngôi nhà. Cô quai thật mạnh nhát xà beng vào khung học cửa sổ, lẩy ra hòn đá lớn đầu tiên. Cụ trưởng làng râu tóc bạc phơ khoát tay: “Nào các thanh niên, vào đi chứ, sao lại để nữ nhi làm một mình. Lần này ông Chủ tịch chịu thiệt vì dân đi, chúng tôi sẽ đền sau!”.
Chẳng mấy chốc, ngôi nhà được phá dỡ, chuyển toàn bộ gạch đá lấp vào lỗ hổng thân đê, cùng rất nhiều thân cây lớn trong trang trại của ông Chủ tịch cũng được chặt xuống để làm cọc bao. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, lỗ hổng đã được bít kín, chặn đứng dòng lũ.
       Camera của Đài truyền hình rất kịp thời có mặt, quay lại cảnh hộ đê của làng. Và gần như ngay lập tức, trên báo mạng đã đưa tin ông Chủ tịch xã Nguyễn Đức Thiện sẵn sàng hiến cả ngôi nhà và trang trại cây để vá đê chống lũ. Xoan nghe bọn thanh niên kháo nhau thế, chứ cô đâu biết mạng mẽo gì mà hóng.
       Bỗng phía làng bên lại bùng lên tiếng la hét náo loạn. Làng của Xoan ba bề là đê, một bề là núi nên chỉ cần bảo vệ được đê thì sẽ an toàn, còn ngôi làng bên kia chân núi tuy không bị ảnh hưởng lũ sông, nhưng lại bị ngập mỗi  khi  đập tràn thủy điện xả lũ qua hệ thống sông nông giang. Tin cấp báo lũ thủy điện đã vượt quá cao trình đê bao sông nông giang, cần huy động toàn bộ thuyền bè trong vùng sang cứu trợ. Tiếng loa thông báo vừa dứt, ông Chủ tịch xuất hiện ngay trước mặt Xoan: “Này cô kia! Cô có thuyền, khẩn cấp đi cứu trợ!”. Xoan lảo đảo đứng dậy, vừa đói vừa mệt: “Vâng để cháu vào miếu xin quả oản ăn tạm rồi cháu đi. Từ tối qua tới giờ cháu chưa được ăn gì cả!”, “Đi ngay không được chần chừ!”. Rồi bỗng dưng ông hạ giọng: “Thôi đi đi, về chú sẽ có thưởng!”.
       Xoan không kịp nghĩ vì sao ông Chủ tịch đổi giọng nhanh thế, cô chống thuyền lao đi. Làng bên tiếng khóc lóc kêu gào, tiếng bò lợn rống, gà vịt quang quác tạo thành bản hợp âm kinh rợn. Xoan quần quật chống thuyền hết chuyến này sang chuyến khác, hết nhà này sang nhà khác. Cũng may có chiếc thuyền hiếm hoi của cô mà hàng chục gia đình đã được cứu mạng kịp thời. Và cô cũng không còn nhớ mình đã cứu được những ai, chỉ biết lao thuyền vun vút trong mưa hết chuyến này đến chuyến khác. Còn người, còn của. 
       Cũng may có một đơn vị bộ đội đã kịp về hỗ trợ, vừa lúc Xoan kiệt sức, không thể gắng thêm được nữa. Xoan trở về gốc đa đầu làng với cơ thể rã rời. Con thuyền giao lại cho bộ đội mượn tiếp tục giúp dân. Xoan không còn gì hết ngoài bộ quần áo ướt rượt trên người. Cô bắt đầu ngây ngấy sốt. ở ngôi miếu nhỏ gần đó, các bà đang rì rầm cầu trời khấn phật cho xóm làng tai qua nạn khỏi. Khi các bà đã ra về, Xoan cố lết vào trong miếu, vì đây là nơi duy nhất còn khô ráo, rồi  gục xuống mê man. Trong cơn mê sảng, Xoan thấy một con quái vật hai cánh tay như hai gọng kìm thít lấy cổ mình. Cô phải chiến đấu giống hệt Thạch Sanh trong truyện cổ tích đánh Trăn tinh. Khi cuộc chiến với quái vật chưa ngã ngũ, cô lại thấy cái bóng lừng lững của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Thiện xuất hiện, e hèm, giọng sang sảng: “Cô còn nợ tôi cái nhà đấy, nhớ mà làm trâu làm ngựa trả nợ cho tôi!”.
       Rồi Xoan nghe tiếng người lao xao. Mùi khói hương đặc sệt. Cô cố mở mi mắt nặng trịch. Một số bà mặc áo pháp lam đang quây quanh cô: “May quá! Cháu tỉnh rồi!”. Cô nhớ ra mình đang ở miếu thờ. Còn nữa, vây quanh có màu xanh áo lính. à đây chính là những người cùng cô đẩy thuyền cứu dân chạy lũ đây. Có cả chàng trai đã từng giúp cô tưới bầu hôm nọ nữa, nay trong màu áo lính. Anh lặng lẽ nâng bát nước thuốc đặc quánh, thơm nức mùi hương nhu: “Xoan cố uống đi cho nhanh khỏe! May nhờ có em mà cả nhà anh thoát nạn kịp thời, không thì anh chẳng trông thấy mẹ nữa. Cảm ơn em nhiều lắm!”. “Lúc này, Xoan mới để ý phía sau anh, có một phụ nữ len lén lau nước mắt, đó chính là người đã mắng mỏ cô thậm tệ chỉ vì cô là “con nhà thuyền chài”. Bà mạnh dạn cầm tay cô: “Con gái, mẹ xin lỗi con, cho mẹ gọi con là con gái vì con đã cứu mạng cả gia đình mẹ”. Thực ra lúc cứu hộ, Xoan cứ nhìn thấy người là đưa lên thuyền, không kịp nhìn mặt ai nên chẳng nhớ mình đã cứu người phụ nữ này.
       Một cái bóng lừng lững che tối cả cửa miếu, giọng e hèm quen thuộc của ông Chủ tịch cất lên: “Ơ kìa, sao lại để người nằm trong miếu thế này, ô uế cả chỗ linh thiêng! ốm à, ốm thì đưa ra trạm xá ngay đi chứ!”. Các bà nhao nhao lên: Trạm xá lụt hết rồi còn đâu! “ừ... à... Cái Xoan hả! Chú tưởng ai. Thôi thế này, đưa tạm vào nhà tôi, giường chiếu đầy đủ. Bà nhà tôi đi lên thành phố thăm thằng Cả rồi, nhà cửa rộng rãi. Tôi bảo trưởng trạm y tế đến khám chữa cho!”. Các bà lao xao: “Vậy tốt quá! Cháu nó có còn nhà cửa gì đâu. Nhà chúng tôi cũng ngập hết rồi. Trăm sự nhờ ông giúp!”.
       Xoan đã tỉnh táo hơn nhờ bát thuốc của chàng trai và tô cháo gà của các bà nấu cho. Sau một giấc ngủ dài thiêm thiếp, cô tỉnh dậy. Lần đầu tiên trong đời, cô ngủ trên một chiếc giường ấm áp thế này. Bỗng có tiếng cửa mở rất khẽ. Trong bóng tối, cô hé mắt nhìn xem ai. Cái bóng lừng lững nhẹ nhàng đi vào, trong một thoáng cô nghĩ là bóng ma nên rùng mình. Bóng người ngồi ghé bên giường, tay lần mò đặt vào ngực cô. Theo phản xạ, cô nhoài người qua một bên né tránh. Bóng người đổ ập vào cô, Xoan lợm giọng! Cái mùi, đúng cái mùi thuốc lào phà vào mặt cô đêm ấy, cùng giọng thì thào: “Ngoan nào, ngoan nào, cho anh yêu, anh cho quà!”. Cô đã kịp nhận ra cái bóng lừng lững ấy, cánh tay như gọng kìm ấy, hơi thở sặc mùi hôi và cái giọng thì thào tởm lợm ấy, là của ai! Cô hét lên, vùng vẫy cố thoát khỏi cánh tay dâm tặc. Nhưng vừa qua một trận ốm, sức cô quá yếu. Khi cô tưởng như mình sắp bị bóp chết, thì bỗng “hự, huỵch”, một cái bóng khác nhanh nhẹ đánh gục cái bóng lừng lững kia chỉ trong vài cú ra đòn, rồi cõng cô đang lả đi chạy như bay ra khỏi ngôi nhà đáng sợ ấy.
       Đến khi người kia dừng lại, Xoan đã thấy mình ở ngay gốc đa, nơi có ngôi miếu thờ. Ngôi miếu có một bếp lửa hồng bập bùng và các anh bộ đội đang vây quanh.
       Từ hôm ấy, Xoan đi đến đâu, người làng cũng thăm hỏi trìu mến, gọi cô là “Nữ Oa của làng”. Bỗng dưng phóng viên báo chí đến hỏi chuyện cô rất nhiều. Cô bảo các anh chị đừng hỏi em, em chả biết nói gì hết vì em chỉ là con nhà thuyền chài, mới học hết tiểu học thôi. Ông Chủ tịch Nguyễn Đức Thiện gặp cô thì lánh đi đường khác, không chú chú cháu cháu như trước. Nhưng tránh được cô, lại gặp một lũ trẻ con nghịch ngợm réo gọi “Cháu chào ông Đực Thiến ạ!”. Ông dậm chân bực bõ: “Toàn con nhà láo toét!”. Rồi đi thẳng.
       Người con trai tưới bầu cho Xoan hôm nào cũng chính là người đã kịp thời cứu cô khỏi gọng kìm của kẻ ác dâm đêm nọ.  Chọn ngày đẹp trời, anh cùng mẹ sắm một cơi trầu xin hỏi cưới cô. Nhưng thầy mẹ cô đã mất, nhà cửa không có. Cụ trưởng làng tóc bạc từng khoát tay chỉ huy thanh niên hộ đê hôm nọ đã đứng ra thay mặt họ nhà gái, nhận cơi trầu, còn Đoàn Thanh niên xã thì tổ chức cho “Nữ Oa của làng” một lễ vu quy đông vui náo nức nhất vùng!
                                                                                                                     M.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 83
 Hôm nay: 5883
 Tổng số truy cập: 13611241
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa