Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Biền và tôi - Từ Nguyên Tĩnh
Biền và tôi - Từ Nguyên Tĩnh

Họ tôi, xưa đến nay không mấy người đọc sách. Dẫu bậc cao niên thay nhau làm lý trưởng, phó lý, cai bạ... góp mặt việc họ, việc làng. Nhưng cấm thấy nói đến ai bụng chứa chữ nghĩa thánh hiền hoặc dùi mài kinh sử, thi cử đỗ đạt. Nói dại nếu phải thống kê chuyện bán nhà, đem ruộng gá bạc, thì nhiều vô kể. Đời ông cha sống tằn tiện dưa cà mắm muối, đời con cháu vung tay quá trán, bao nhiêu tiền của tích cóp nướng vào bài bạc. Nói đến sách vở, thật xa lạ và hoang đường.
Hậu bối nứt nòi ra, tôi và Biền... ham đọc sách. Chân đất cuốc bộ dăm bảy cây số đến trường. Vớ được mẩu giấy có chữ in hoặc cuốn sách nhầu nát, rách tướp ra, gục mặt vào đọc mải miết, quên cả công việc và ăn uống, dẫu bữa cơm một hạt gạo cõng mấy củ khoai, củ sắn. Biết là bị đòn roi, chửi mắng vì tội lơ đễnh, cắm đầu vào sách, có mài ra được cơm, gạo không. Cái đói truyền đời, trong câu ca còn đọng lại vẻ bi hài: "Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ". Không hiểu cơ duyên nào lại xui khiến tôi với lòng ham mê đọc sách trái khoáy ấy.
Giận đời lắm, người làm rách mất mấy tờ sách, tiếc đến ngẩn ngơ. Được người lớn (ham đọc sách) chẳng hạn, ban lơn cho mượn một cuốn sách là sướng rơn, mừng hú. Vào hiệu sách ở chợ Phủ, mắt hoa lên bởi sách là sách, xếp kín cả trên giá, một không gian bí hiểm, lạnh lùng. Đến nhà nào, thấy có giá sách hoặc những cuốn sách dày cộp, tất nhiên rồi, dày dặn nó chứa cái gì trong đấy mà bí hiểm và cám dỗ thế. Trố mắt nhìn thèm khát, thương cho cái bản thân mình, nghèo chữ nghĩa.
Không phải đọc sách lúc nào cũng dễ đâu, nhiều khi phải căng lên đánh đu với những triết lý thâm thúy, những chữ nước ngoài, không dám đọc to lên bởi sự phát âm ngô nghê, buồn cười lắm... Nhưng như thế lại cám dỗ đến hoang mang, đọc hết cuốn sách, nhận ra sự trống rỗng của mình, cái sợ hoang hoải lạnh người. 
Tôi nói, họ tôi không nhiều người đọc sách, điều ấy không chủ quan đâu. Không phải nói tôi và Biền thuộc loại cao quý, còn người khác không đọc sách thì thấp hèn. Không ít người mang tiếng là "mọt sách" để gán cho sự gàn dở vô tích sự. Là nói ở những nơi có lắm người đọc sách kia, nơi giảng đường, trường ốc hẳn hoi ấy. Được rồi, sẽ biết ngay sau đây cái sự đọc sách, thật cao quý và cay đắng. Đó là theo thiển ý của tôi. Đọc xong thiên truyện này, tùy bạn phán xét lấy. 
Còn nhớ, năm 1952 máy bay Pháp oanh tạc đập Bàn Thạch, sông Nông Giang từ đập đầu nguồn Bái Thượng qua làng tôi bị vỡ. Cả tỉnh không có nước trồng cấy. Nhà tôi và anh Thành, thím Tập (mẹ chú cò Thái bố Biền) tháo nhà ngang đưa lên cánh đồng Nền ét để sơ tán. Kể cũng luẩn quẩn, thật buồn cười; tránh bờ đê chưa đầy nửa cây số, tầm bổ nhào ném bom của máy bay Pháp, thì lên cánh đồng Nền ét đến đập Bàn Thạch cũng chẳng xa hơn là bao. ở đồng không mông quạnh nên nhìn máy bay cứ rõ mồn một. Nhưng điều quan trọng là lên đó nếu máy bay có bỏ bom thì chạy ra ngoài cánh đồng, lặn hụp nơi cồn có cây dại mà trốn. Nhà tôi và nhà thím Tập thuê anh Giáo Phi từ ngoài Bắc vào dạy tư, cũng đưa lên một thể, để lúc ngớt máy bay dạy cho lũ trẻ, từ vỡ lòng đến lớp ba lớp bốn. Tính đố thì làm riêng, học thuộc lòng thì chung cả một lũ. Đêm đến, nghe tiếng u u, âm âm, ngọn đèn dầu lạc thổi tắt phụt khói đen xì chui đầy lỗ mũi, miệng ê a đọc theo tay thước đập vào cánh cửa làm bảng.
Chúng em là học sinh
Sống trong vùng an ninh
Cách xa miền khói lửa
Như trong buổi thái bình.
Nghe tiếng máy bay xèng xèng, thầy trò nhảy ùm xuống cái vũng nước, có cây cầu đá. Những cồn đất nhô lên, chẳng hiểu từ đời nảo đời nào để lại. Cho rằng máy bay nó thừa đạn mà bắn mấy đứa nhóc còn chưa sạch nước mũi. Tôi cam đoan được trốn chui lủi như vậy là vui lắm, thích lắm mới chán chứ. Vì lúc không có máy bay có thể nằm lăn ra những cồn mối, có nhiều cây sim, mua và cây gai có nhiều quả chín mọng, hái được nó cho vào miệng cũng nhận ra sự lễnh loãng của vị ngòn ngọt. Rồi đập Bàn Thạch bị máy bay Pháp ném bom tanh bành. Đê vỡ, mặt mày người lớn xám ngoét. Nhà tôi bị bom tung đất đá làm sập cả bàn thờ và gian hiên rũ xuống như con gà rũ cánh, nhìn thấy cả trời. Tôi nhìn nét mặt méo xệch đầy khổ ải của mẹ mình. Tiếc con chó vện không đưa đi tản cư, không hiểu ai đập chết, giật mấy tàu cau nướng chả mùi thơm còn vướng vất đâu đây. Chum tương ở góc vườn cũng bị múc vơi đi quá nửa. Người lớn bảo rõ ràng không thể do bom làm tung tóe được, nếu vỡ thì nói làm gì đằng này cái chum vẫn còn nguyên. Tôi không hiểu sao lại nhớ cái lặt vặt ấy. Nhưng chưa kịp hoàn hồn lại tỏ ra mừng, có lẽ thầy tôi linh thiêng mà mách cho cả nhà lên Nền ét chứ không bị bom tung đất đá đập chết rồi. Thật hú vía. Mẹ tôi lại gá ruộng, mời thợ đến đẽo những cây cột nhà bếp thành tàu, bè sửa lại gian thờ, kéo cái chuồng trâu lại gần cái cửa buồng hơn. Tôi không nhớ, con trâu ai dắt đi đâu hay đã bán vào việc gì nữa. Sau này tôi hiểu, cái đói cơm, nhạt muối vắt qua mấy năm, đến tận lúc đình chiến (1954). Anh An tôi và chú Nhiệm (con thím Tập, chú ruột của Biền) đậu lên cấp 2 trên phố Phủ. Ngày ấy lên học được cấp 2 là vinh dự lắm. Vì cả mấy huyện mới có một trường. Thật kỳ bí thay, có thầy giáo của anh tôi là những người viết sách (Sau này anh tôi mượn sách về đọc, tôi đọc trộm, như cuốn sách: "Trên bước đường học tập và nghiên cứu" của thầy giáo Trần Thanh Mại, tôi cứ tiếc ngẩn ngơ, nếu mình mà sinh ra trước mươi mười năm biết đâu được học với ông thầy tài danh đó). Anh An tôi không học hết cấp 2 vì nhiều lý do, chú Nhiệm cũng chỉ học qua lớp 7, đi đo đạc ruộng đất rồi thoát ly. Thời đó, họ hàng còn gắn kết, và đầm ấm lắm.
Bạn hiểu cho, ai cũng có ký ức. Nhưng chép vài sự kiện ra để phơi bày cùng mọi người. Thành sách có chữ để đọc được, tôi phục người viết sách lắm. Tôi thử làm mấy lần, nhưng không tài nào cho mạch lạc, xuôi xuôi. Chịu thua rồi, người viết thật tài tình có lối, có lối lang.
... Hòa bình, dân công từ khắp các nơi về đắp đê khôi phục con sông nông giang từ Bái Thượng xuống Âu thuyền Bến Ngự, lấy nước tưới cho cả tỉnh Thanh Hóa khỏi bị mất mùa, đói khát.
Trong đám dân công đắp đê ấy, có nhiều con người kỳ tài. Họ thi đua cùng nhau đội các thúng đất. Từ một thúng cao lên đến 5 - 7 thúng, bước trên những con đường từ thùng đấu đào lấy đất trèo lên bờ đê, cao như mái nhà. Họ hò trêu nhau hay lắm (Gieo vào trái tim thơ dại của tôi một sự thổn thức lạ lùng):
... Hỡi cô em gái tóc xanh
Lên đê đầm đất cùng anh xem nào
Cô thiếu nữ không hiểu đào đâu ra ý nghĩ mà hò đáp lại:
... Đến đây xin được hỏi chào
Quê anh chính thực nơi nào hở anh.
Chưa đầy chục tuổi, trốn đi theo mấy anh mới vừa nứt mắt, nghịch ngợm núp ở các bờ tre, hoặc ao chum ném "dân công" các cặp trai gái, đêm trăng thổn thức không ngủ được, bị đánh thức dậy bởi những câu hò.
Những người đi dân công ấy cũng thật độc đáo. Họ đem theo những cuốn sách cáu bẩn, có chút thời gian giải lao là cắm đầu đọc. Anh An tôi cũng được đọc mót của họ. Tôi nhớ mang máng, tên sách Tàu, sách Tây: “Linh Sơn thất hiệp”, “Ngũ Bá Vương” hay “Bồng Lai hiệp khách”, “Nam tước Phôn Gôn rinh”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Người Mẹ”... còn sách ta có “Thần hổ”, “Nhị”, “Hồn bướm mơ tiên”, “Đồi thông hai mộ”, “Bước đường cùng”, “Tắt đèn”... anh tôi bảo đọc sợ lắm, đêm không dám dậy đi đái. Không biết gì, tôi cũng sợ theo.

Biền, sinh năm 1955, trong xóm cũng có mấy đứa con trai của anh em họ sinh ra năm đó, nghịch ngợm, hay bị đánh đòn. Nhưng thông minh hơn hẳn bọn trẻ con cùng trang lứa. Cùng sở thích đọc sách đã gắn kết chúng tôi gần gũi hơn... Bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Tiếng nói đã lạ. Như thể lấy hơi từ trong cuống họng, bịt mũi lại, ngọng nghịu. Lần đầu tiên thấy đàn ghi ta và ca vọng cổ. Ban đầu họ ở nhờ nhà dân. Tôi và lũ trẻ xóm từng rất vui khi được bộ đội qua làng ngủ lại đêm thời kháng chiến, nay thấy bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, gặp cái vui mới lạ. Họ giỏi ca hát hơn bộ đội miền Bắc thì phải. Sau đó họ tự đúc gạch xây doanh trại. Họ mở ra nhiều nông trường: Sao Vàng, Lam Sơn, Phúc Địa, Yên Mỹ... Kén cả con trai con gái nông thôn vào làm công nhân. Nhiều đám cưới các cô gái lấy chồng miền Nam. Có người nói lẽ ra họ có thể xây dựng doanh trại ở làng tôi, nhưng cán bộ không đồng ý, nên xây ở xã Tây Hồ. Tiếc ngẩn ngơ về những trận đá bóng, những đêm diễn kịch. Trời ơi! Điện. Lần đầu thấy điện sáng trưng. Nhức mắt. Tiếng nhạc từ loa điện tấu lên đánh thức những làng quê chỉ đèn dầu tăm tối. Đặc biệt là họ có "căng tin", chúng tôi nói theo cái tên tây ấy một cách ngượng nghịu. Đi học, dù không có tí tiền nào cả, vẫn ghé qua, không mua bán cái gì cả, bụng đói nhưng mũi muốn hít thở cái mùi bánh mì thơm ấy đang từ lò bánh bay ra.
Bạn biết không, một thư viện đồ sộ sách là sách. Có nhiều nữ sinh học trên tôi vài lớp đã được mấy anh bộ đội mượn hộ cho những cuốn sách. Anh tôi là người mượn được sách đem về đọc. Tôi đã ham muốn cầm những cuốn sách chứa trong đó sự kỳ lạ mà thôi thúc mình phải khám phá. Có những cuốn sách mới, bìa và giấy còn thơm tho. Không muốn gấp sách sợ gáy nó đau. Cũng có những cuốn sách rách tướp ra, do ai đó cẩu thả, làm rách, làm đứt gãy sự tiếp nhận của mình. Sự đau đớn và tức giận từ đâu đó trong trái tim non dại dâng lên.
 Có lẽ tôi là người đầu tiên trong họ lên được lớp tám ra học trường huyện ở phố Phủ. Thật ra Cứ, con nuôi chú Hợi tôi mới là người đầu tiên vào lớp tám, tôi cũng bắt chước vài ba tiếng Trung Quốc - Bạch thoại, do Cứ dạy cho, rất ta đây với mấy bạn cùng lớp. Rồi tôi cũng được học Trung văn khi lên cấp 3. 
Trái tim đã tấm tức những câu thơ do ảnh hưởng của các nhà thơ "phá cách". Sau này dù có được học và đọc sách, nghe những diễn giải của những bậc "cao niên" về Đường thi trong trường đại học thì cái thói quen làm thơ "trực giác" kiểu tự do, bẻ câu thơ ra, nhảy lên nhảy xuống như bậc thang đã ám ảnh, thành thói hư mất rồi. Có người chê, thơ mà bám vào sự kiện, nệ "tứ" thay cho cảm xúc là không ổn. Tự dưng lại nứt ra ở đâu cái kiểu "triết lý'' mới chán chuyện. Người mới mon men vào con đường thơ phú mà chọn cách này thì khó được chấp nhận lắm. Không học hết được cấp 3, đi lính. Sự ám ảnh của cuộc sống đầy biến động và chiến tranh đến tận xóm làng đã gieo vào lòng sự khắc khoải, khao khát cầm bút. Những cuốn sách đọc và vùi đầu vào sách, không biết có phải chướng mắt hay không, nhưng không thanh thoát trong binh nghiệp. Tất nhiên còn bị chủ nghĩa thành phần làm cho khó bề xoay chuyển sự thăng tiến. Đọc sách, viết báo là một căn bệnh đẩy đến sự thiếu cảm tình, ít gần gũi với người xung quanh. Thì rất đông con em nông dân văn hóa thấp, ngay cán bộ cũng ít người có học vấn, mà ai nhắc đến sự học làm chi khi cả nước có binh đao.
Biền là người đầu tiên của dòng họ đến được trường đại học. Thư viện của trường đại học Nông nghiệp cũng vô số sách quý để đọc. Sẵn cái ý thích đọc sách ở quê, vào đại học mở ra chân trời mới. Tôi đi lang thang đến các vùng quê của Hà Bắc để lấy tài liệu cho "sử Hàm Rồng" mà đến thăm Lê Văn Biền, học ở trường đại học Nông nghiệp II, đóng ở Lềnh, vùng gò đồi của Việt Yên (Hà Bắc). Cái tình anh em, bác cháu nội tộc đã quý. Đằng này, tôi có ý định kết duyên với cô bạn học, là con ông anh ruột của mẹ Biền... Có lẽ do đọc sách, do tấm tức làm thơ đã ám vào cuộc đời "long tong" của mình. Quân đội không dùng, đơn vị hết chuyển từ Khu Ba, ra Phòng Không - Không Quân mà các lớp "bồi dưỡng viết lách" không triệu tập đến mình. Chờ đợi thì lâu, lúc chiến thắng thật mau lẹ. Không may như các đơn vị khác, chuyển ra làm "quân quản" ở vùng mới giải phóng. Cuộc ra quân cũng "thần tốc" không kịp cho tôi trở tay. Những mẩu tin, bài thơ lẻ không giúp cho mình chuyển ngành về báo, đài. Cũng có chuyện buồn cười ra nước mắt. Một anh bạn (máy nổ) ở một đơn vị trong Hàm Rồng, có người quen ở báo, đã "sưu tầm" bài vở của tôi (mẩu tin, thơ phú) chuyển ngành về báo. Anh Mai Ngọc Thanh sốt sắng muốn tôi chuyển về báo Thanh Hóa. Đến gặp lãnh đạo báo, họ đi vắng. Gửi lý lịch cho một phóng viên (cũng là nhà thơ tỉnh lẻ) chờ để báo gọi. Nhưng lúc xuống lấy lại lý lịch thì chỉ còn cái bìa... Con người tưởng là lính tráng thì phải tốt với nhau chứ, sao lại tệ bạc thế?
Đi học. Đó là mạo hiểm. Nhưng dễ nhất đối với mình lúc này.
Tiễn Biền vào Quy Nhơn làm quy hoạch, phân viện Quy hoạch phía Nam, mình vào đại học. Thật hú vía. Canh bạc cuộc đời. Lỡ như thi không đỗ vào đại học sẽ sao đây. Tôi sẽ buồn lắm. Thất vọng ê chề. Tưởng sẽ ngày đêm miệt mài sách vở, nhưng lại vớ phải cái buồn khác. Đành rằng, tạo hóa không tha cho ai, bắt người ta phải vào cái lưới giăng sẵn: sinh, lão, bệnh, tử... Tại sao anh mình lại hy sinh khi vừa ngớt tiếng súng, đáng ra được hưởng phúc dài lâu? Con trẻ, mẹ già? Có phải sách, nhân vật trớ trêu "vô hình" phạt mình vì "tôn thờ thần sách". Tại sao người khác không bị mà bất hạnh lại gieo vào mình?
Biền chuyển vợ con từ Nghĩa Bình về huyện, sau vài năm đi làm quy hoạch đất đai, thổ nhưỡng ở phía Nam, hầu như không dính dáng gì đến kiến thức học ở trường. Bù lại là có lương, đọc sách và sưu tầm sách của các nhà văn miền Nam thời chính quyền Cộng hòa. Biết tiếng Nga, cặm cụi học thêm tiếng Anh, nhưng chuyển về huyện thì vốn ngoại ngữ ấy coi bộ cũng chẳng mấy khi sử dụng. Có người nói, người ta ra đi mới mong phát triển được tài năng, mình lại về quê, rơi vào thế hãm, làm sao mà tiến bộ được.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội, tai nạn gia đình không để yên ước mơ ở Hà Nội, định rút về quê làm một việc gì đó. Không phải nghiệp viết lách, thơ phú cũng được. Trốn tránh nỗi đau, vợ con lần nữa rời quê xuống thị thành, mang theo những cuốn sách cũ nát gom lại, vốn liếng của đời lính. Có lẽ ưu tiên cho lúc này là tồn tại trong thời kỳ bao cấp ngặt nghèo. Chăm vợ ốm và con thơ chưa quen với cuộc sống đô thị, hậu quả chiến tranh, bao cấp, manh mún.
Cái "hội nghề nghiệp" tham gia cũng biết bao thăng trầm, mất đoàn kết. Tìm một ngọn cờ thật khó khăn. Người có chuyên môn thì thiếu kinh nghiệm về quản lý, người có chút kinh nghiệm quản lý lại mau chóng hành chính hóa trong hoạt động. Anh mà lệ thuộc vào đó thì không sao mà thoát được ra để có sự hứng khởi sáng tạo. Đọc sách đã khó, viết sách cho người đọc còn khó gấp nhiều lần. Trải qua chiến tranh, bị chiến tranh ám ảnh, không biết thoát ra từ sự thật, lùi lại, nhìn lại mình để hư cấu nghệ thuật. Từng trải là vốn quý, nhưng từng trải lại là rào cản đè nặng không cho nghệ thuật cất cánh... Phải lâu lắm, ta mới thoát ra được cái hiện thực hàng chục năm sống làm lính. Lại bị mặc cảm "lính trơn'' làm sao có cái tầm của "thời đại".
Không phải lúc nào đọc sách cũng vào. Cái chán chường, chai lỳ không cho ta tiếp thu một trang nào. Cuộc sống khấm khá hơn, cơ chế thị trường mở ra, chuyện in ấn sách như tằm mùa xuân. Sách thật và sách rởm. Nhà thơ thật và nhà thơ giả nổi lên như ao bèo tấm. Sách dịch trên thế giới cũng có cơ hội in tràn lan. Nạn in sách lậu của đầu nậu ồn ào um tí tỏi. Buồn tủi cho những người cần mẫn tích cóp để in sách. Nói sự tích cóp vì nếu bỏ tiền ra in không bán nổi, chỉ còn cách phải bán nhà để bù vốn. Không thiếu, các nhà rất lung tung in sách mỏng, dày, in luộc đi luộc lại làm ô nhiễm không khí linh thiêng của "gã khổng lồ cao quý" ngày nào. Mặc nhiên, người sành đọc sách vẫn tích cóp cho mình một tủ sách có giá trị. Nhưng không phải ai cũng làm được việc này.
 Có lẽ tôi rút ra được một điều, điều này dù có là nhầm lẫn không. Trên mảnh đất sinh ra mình có nhiều người làm thơ lắm. Anh em nhà thơ LĐ, LX, đặc biệt tôi phải kể ra hai người, là Nguyễn Tuấn Dũng và Nguyễn Văn Thắng, Thắng có bút danh là Chu Linh. Họ không thành nhà thơ, nhà văn có lẽ do sự thù ghét của tạo hóa mà ra cả. Chứ về bản năng, họ có thừa phẩm chất để thăng hoa. Người đời không chịu nổi sự điên điên khùng khùng của họ. Muốn đẽo gọt cho họ tròn trịa, vào khuôn phép nhưng họ cứ thò thụt ra thành gai ngạnh, người đời không thể chịu nổi. Sự khác biệt (cái di truyền điên điên khùng khùng) đã làm hại họ. Người anh "cá tính" chết còn rất trẻ, người em chết chưa già vì ngập vào rượu và bản năng. Có thời họ đã nổi tiếng... Tôi còn nhớ, một lần trong chiến tranh tôi về qua nhà, Dũng "còm" đã tìm đến nhà tôi. Anh đưa ra một tập thơ, không dày lắm, chữ viết "rất cá tính", bằng bút lá tre và mực tím. Anh nói đến người này, người kia ở dưới tỉnh, mới đi trại "sáng tác" với mình. Anh chê thẳng thừng "thơ" tôi viết... Tôi đắng miệng không cãi vào đâu được. Kiến thức của Dũng chắc đe, cái miệng thò ra những chiếc răng mọc lộn xộn mà dân gian vẫn gọi là "hô" chực mở ra, nói sóng, nói gió, cặp mắt to áp lực với người nghe. Thật mà nói, tôi nể cái tự tin của Dũng "còm". Còn người em, Thắng - Chu Linh thì đã có thơ, văn in ở Văn nghệ Quân đội, lúc tôi học đại học thì hắn đi lấy "nhuận bút" một cuốn truyện thiếu nhi ở nhà "Kim Đồng" gặp một anh lính cùng nhập ngũ với tôi, nhưng được triệu lên "viết sử" của Quân chủng phòng không không quân. Có mở một chai rượu chanh ở trạm khách PKKQ, tôi có được tiện thể mời. Chuyện viết lách lời qua tiếng lại giữa hai người. Tôi lắng nghe như thể là vai phụ. Cũng xin nói, đọc sách bây giờ không còn của riêng tôi nữa. Bàn về sách lúc này chắc ai nhiều hơn ai?
Như tôi đã đề cập. Tốt nghiệp đại học, tôi đưa cả vợ con rời quê vì nhiều lý do. Còn Biền lại từ Nam đưa vợ và con gái về quê cho gần nhà. Còn sự tiến thoái ai biết mà lần. Tôi chở mấy chiếc rương cũ kỹ trên một chiếc xe tải còn lưng lửng, không nhớ ai cho mượn. Con gà nhốt trên xe không chặt cũng bay mất. Một ít sách cũ, bỏ đi thì tiếc, đành cho vào bì gai, nằm lăn lóc với mấy bì lúa. Con lợn đang lông lống đành để lại, tính sau.
Đó là những năm tháng cam go. Thiếu thốn đủ bề. Có bán ngôi nhà ở quê cũng không ai thèm mua. Nếu có ai nhắc đến mình, còn nhớ đến mình, đều ái ngại. Sống đã khó, nói chi đọc sách. Viết sách chỉ nghĩ đến đã sợ toát mồ hôi...
Biền về đến huyện, được phân công làm nhân viên phòng kế hoạch, cũng không ai biết Biền thích đọc sách để luận bàn. Thời đó, thiếu lương thực, gạo nhà nông chi phối cái dạ dày toàn xã hội. Cán bộ giáo viên, cũng phải xoay ra "tự túc lương thực", phải làm thân với mấy anh chủ nhiệm để bớt cho mươi sào ruộng, đất đồi để trồng sắn. Những đợt đi lao động, thả lỏng cho dạ dày biết căng làm  trò mà tạo hóa sinh ra, biết cả đấy nhưng không ai dám nói ra sự thật. Cái óc không nghĩ được điều hay nên luẩn quẩn như đèn cù. Biền quên (hay cất giấu chuyện học nông nghiệp và ngoại ngữ ở đâu không biết), sẵn kỹ năng kẽ vẽ mấy năm ở miền Nam làm phụ thiết kế, có cơ cải thiện sinh nhai. Mấy "sếp" cũng không phải là người xuất chúng lắm, không ham hố sách vở nên có dịp ngó qua giá sách, cũng không bụng dạ nào để đọc... Ai là người đầu tiên kéo Biền về Văn phòng ủy ban. Tôi nói với mấy người làm ở phòng Kế hoạch chắc gì tin, có "triệu chứng khác người"?  ở đời thật lạ, nếu anh kém, rất kém có nhắc tên lên chắc không ai nhận là "bạn", những anh mà có máu mặt, sẽ có người nhận là, đấy, tôi đã phát hiện ra nó; thậm chí nói là ''đào tạo'' cũng nên.
Tôi nhớ lại thưở còn cầm súng đánh giặc, đêm trực chiến trên trận địa Hàm Rồng. Rét mướt đói ăn, lính hay kể chuyện về món ăn, cho rằng quê mình là nhất. Rồi lại chuyện gọi tôm thành tép mà làm ồn ào không nghe được máy bay, cán bộ phải quát lên mới chịu chuyển sang chuyện khác. Họ khoe nhau, quê "choa" có nhiều người làm quan ở hàng tỉnh, hàng huyện, ở trung ương... Không tin thì đọc báo hoặc tìm sách thì biết. Có thể là họ gây sự, chuyện tôi hay đọc sách và làm thơ dớ dẫn đấy. Tôi cố gặng trong óc xem, làng xã mình, dòng họ mình có ai làm to không? Không có ai cả. Đành phải đưa bác Bèo của mình ra, ông ấy "là thày" của thiên hạ đấy. Bói trăm phát trăm trúng. Bọn lính cùng tiểu đội nhao nhao lên phản đối. Gì chứ, "Thày bói nói dựa - Bói ra ma quét nhà ra rác". Phét lác. Tôi nói liều, nếu không tin, đề nghị đại đội cho tao về lai bác ấy lên trận địa để bói xem có bắn rơi máy bay không nào. Tất cả im lặng, ai cũng thừa hiểu không đời nào đơn vị đồng ý. Nếu linh diệu như thế đã mời ông ấy ra tận bộ tổng tham mưu  bói xem có thắng địch không mới ra quân. Thắng keo ấy tôi cũng chớm buồn. Nhiều lần nghe lính khoe về những bậc cao thủ của quê họ làm to lắm.
Nhưng tất cả đều chịu thua, khi thằng Tre (tụi tôi gọi là gốc tre, vì đầu nó trông trần trụi như gốc tre già) tuyên bố: “Im lặng. Đến giờ đọc truyện Tam quốc diễn nghĩa”. Ai cũng phục nó có trí nhớ siêu phàm... Tôi đã lần mò ra tận Thị xã Thanh Hóa, thuê sách về dõi theo nó đọc thuộc lòng từng câu từng chữ, mới chịu bái nó là Sư phụ.
Họ tôi, người làm to hiếm lắm. Thì tôi và Biền chỉ cắm đầu vào sách, ai thèm cất nhấc. Tôi thì, một mạch xin về đài để làm phóng viên. Làm báo đài, ai cần đến cái vần vèo của anh chứ. Biền, viết chữ đẹp đấy, kẽ vẽ thạo đấy, nhưng còn nhiều cao thủ lắm, làm sao mà lên được chức vụ to được. Thế rồi còn bận lo kiếm sống mà mỗi khi gặp lại cũng chỉ nói đến những cuốn sách cho có chuyện. Rồi Biền cũng lên trưởng phòng. Kể cũng là to chuyện với một họ toàn nông dân.
Bẵng đi một thời gian, tôi cũng không làm báo thời sự bảo được mời về dự đại hội huyện nhà. Biền khóa ấy, đã vào huyện ủy và được phân công làm phó chủ tịch thường trực. Một nhà thơ, kiêm nhà báo ở Đài tiếng nói Việt Nam, ca ngợi về sự trở lại quê hương của Biền. Ông ta cũng không quên tôi, cái chuyện về quê. Tôi biết, chuyện tôi "về quê" là cực chẳng đã. Rồi chuyện Biền lên làm chủ tịch huyện, đối với người khác còn ngạc nhiên chứ với tôi chuyện đó là bình thường. Bởi những kiến thức học và làm lâu nay ngủ yên trong bộ nhớ, nay có dịp được đưa ra. Biết tôi là "người nhà" với chủ tịch huyện, mấy ông nhà văn, nhà báo rủ về làm sách hoặc chuyên trang. Tôi khất chuyện với lý do bận đi trại viết của Hội Nhà văn. Họ đi thực tế Thọ Xuân về, gặp tôi có vẻ hễ hả, kể. Chủ tịch Biền, quê ông đọc nhiều sách lắm. Nói chuyện sách vở không hề chán. Tôi thấy rất vui, chuyện đọc sách của Biền. Họ nói với tôi, không hiểu có thật là Biền nói không.
- Anh ta nói, làm được Chủ tịch huyện là nhờ đọc sách đấy!
Cái tủ sách của Biền thì có thật. Mấy ngàn cuốn. “Một người khổng lồ” giúp Biền vượt qua những khó khăn, tưởng chừng sức con người là có hạn.
                                                                                                                 Tháng 11-2017
                                                                                                                         T.N.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 84
 Hôm nay: 3531
 Tổng số truy cập: 13608889
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa