Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Tình khúc "Xóm Côi"
Tình khúc "Xóm Côi"

Cái tên làng Hải Linh có từ bao giờ? Không ai biết. Hình như nó có từ thuở khai thiên lập địa. Không phải, nó có từ thời các cụ cố tổ xây cái miếu bằng vôi trộn với mật mía, cứng và bền hơn cả xi măng cốt sắt bây giờ. Trong miếu thờ bộ xương Cá Ông. Trải qua bao cơn gió dập sóng vùi, cái miếu làng Hải Linh vẫn đứng đấy, trơ gan cùng tuế nguyệt, giữa mấy gốc phi lao già và những bụi hoa xương rồng. Nghe nói miếu Cá Ông thiêng lắm, hàng ngày, nhiều ngư dân trước khi ra khơi đều qua đây thắp hương, cầu cho trời yên biển lặng, cá tôm đầy thuyền.
Chuyện kể rằng ngày xưa, xưa lắm, bấy giờ làng Hải Linh mới có dăm chục nóc nhà tranh với mươi chiếc xuồng. Trong làng có cô gái xinh đẹp chửa hoang, dân làng sợ thần biển trừng phạt gây bão tố làm đắm thuyền nên gọt đầu bôi vôi, trói cô gái lên bè luồng đẩy ra xa bờ, nhưng suốt mấy ngày chiếc bè vẫn lập lờ trên mặt biển. Bất ngờ một hôm biển nổi sóng lớn, một con Cá Ông xuất hiện, phá tan chiếc bè rồi đẩy cô gái ra khơi. Chuyện truyền rằng con Cá Ông là người tình của cô gái, nhưng chưa hẳn thế, vì mấy hôm sau xác con Cá Ông nổi lên giữa biển, có thể con Cá Ông đã bị thần biển trừng phạt, nhưng vì muốn cầu sự yên lành, dân làng Hải Linh đã lập miếu thờ Cá Ông.
Nghe nói những năm sau đấy và bao năm sau nữa, con gái làng Hải Linh, những cô “răng trắng má hồng” thường phải bôi chút tro bùn lên mặt mỗi khi ra bến thuyền, nhất là lúc tắm biển vì sợ Cá Ông chú ý. “Buồn cười chưa?”.
Làng Hải Linh sau chiến tranh khác xưa lắm rồi. Bây giờ làng có tới hơn một ngàn nóc nhà, nhiều ngôi nhà ngói, nhà mái bằng đã mọc lên. Cái bến cá cũng đã đông đúc tàu thuyền, chiều chiều, những người đàn bà trong làng ra ngồi túm năm tụm ba trên bãi cát, dưới những hàng phi lao thưa, đón chồng đi biển về. Họ xì xào bàn tán, kháo chuyện trong làng, ngoài bến, thỉnh thoảng họ cười ré lên, đấm vào lưng nhau thùm thụp. Câu chuyện về con Cá Ông cõng cô gái chửa hoang lặn vào lòng biển cũng đã cũ rồi. Giờ thì họ bàn tán về những người đàn bà ế chồng đang sống ở làng, chủ yếu là những cô gái đi bộ đội hoặc thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trở về làng không lấy được chồng, trong đó có cả vợ liệt sĩ. Những lời bàn tán tưởng vô hại chỉ cốt đốt thời gian, cho khuây khỏa nỗi mong ngóng những cánh buồm, mong ngóng những con tàu còn chập chờn ngoài khơi xa. Nhưng rồi thành quen, thành chuỗi những “chuyện cười”: Cô Thịnh từng là thanh niên xung phong lấp hố bom năm nào ở Quảng Bình, bị thương cưa mất nửa cái chân trái, giờ phải đi nạng gỗ, được họ tặng cho biệt danh  “Thịnh ba chân”. Cô Lý, nguyên là bộ đội bị mảnh bom làm hỏng mất một mắt, một mắt hiêng hiếng được gọi là: “Lý nửa con mắt”. Cô Lưỡng từng là dân quân biển, bị mảnh đạn pháo kích của tàu chiến xẻo mất một bên má thành cái thẹo dài được gọi là: “Lưỡng bánh xèo”.
Trong số những chị em xuất ngũ về làng không lấy được chồng có chị Châu là người duy nhất chưa được những người rỗi việc trong làng đặt cho biệt danh. Thực ra hồi đi chiến trường chị Châu cũng từng bị thương, nhưng chị chỉ bị sức ép vì bom đánh sập hầm, bây giờ mỗi lần trở trời, khắp các xương trên cơ thể chị đau nhói. Bạn bè của chị Châu vẫn bảo: Mày là cái máy dự báo thời tiết.
ấy thế nhưng có một lần, đoàn thuyền làng Hải Linh sắp ra khơi, chị Châu cảm thấy trong người khang khác liền nói với họ: “Có lẽ biển sắp động, các bác cần đề phòng”. Quả nhiên, chiều hôm đó một cơn giông tố lớn nổi lên, do đã được chị Châu cảnh báo trước, nên đoàn thuyền tránh được nạn trở về. Bởi vậy mà người dân làng Hải Linh không dám đem chị Châu ra đùa cợt.
Có một buổi sáng chị Châu rửa mặt xong rồi ngồi trước gương soi. Bất chợt chị đứng dậy chạy ùa ra bãi cát rồi ngồi thụp xuống gốc cây phi lao ôm mặt khóc nức nở. Thời trẻ trung, chị Châu đẹp nhất làng, nhưng giờ thì môi chị đã héo, mắt rạn chân chim, người chị cứ như cái cây khô dần. Chị nhớ một buổi sáng như sáng nay, giữa ngày đánh Mỹ, chị đã tiễn anh Thủy, người yêu của chị lên đường tòng quân. Đoàn tân binh của làng Hải Linh đi dọc bãi cát này để về huyện tập trung. Lúc sắp phải chia tay nhau, chị cũng đã ngồi thụp xuống gốc cây phi lao. ừ, hồi đó những cây phi lao còn mơn mởn những cành lá. Anh Thủy nhác thấy chị đang gạt nước mắt giữa những kẽ lá phi lao thưa. Bất chợt anh tách đoàn tân binh chạy vụt trở lại mà hôn cái chụt vào má chị, cái hôn nóng hổi, nồng nàn, đau nhói và quyết liệt. Rồi anh động viên chị đừng khóc nữa và chạy hút theo đoàn tân binh. Suốt hơn một năm đầu vào chiến trường, anh Thủy viết cho chị năm lá thư, thư nào anh cũng nhắc đến cái hôn đầu tiên trong đời. Anh bảo đó là kỷ niệm thiêng liêng, da diết và sâu sắc. Anh Thủy đi được ba năm, trong lá thư cuối cùng anh bảo anh đang chiến đấu ở Quảng Trị, vừa đánh xong một trận lớn. Nhớ anh quá nên đợt tuyển tân binh có lấy nữ, chị Châu quyết viết tâm thư tòng quân, những mong gặp anh trên đường ra trận. Nhưng khi đơn vị chị vào đến Quảng Trị, thì Thủy lại đã tiến sâu vào mặt trận Tây Nguyên. Ngày hòa bình, chị Châu vừa khoác ba lô về làng thì nghe tin anh Thủy đã hi sinh. Bây giờ, tối tối lúc rảnh rỗi, chị Châu lại giở những lá thư đã úa vàng của người yêu ra xem. Đối với chị Châu, cái hôn của anh Thủy là cái hôn duy nhất trong đời chị. Nó thiêng liêng và cao cả, có lần nhân lúc vui, chị Châu hứng khởi khoe với bạn về cái hôn da diết có một không hai của người yêu. Bạn chị bảo: “Vậy là mày còn may hơn bao đứa, tao có bao đứa bạn còn trinh nguyên, chưa được một lần cầm tay đàn ông mà đã chết tức tưởi vì bom đạn”. Thực ra thì chị Châu đã có một lần nữa khi đôi môi chị đã kịp chạm vào đôi môi một người đàn ông khác. Đó là lần chị đang ở một trạm cứu thương của đơn vị. Một chiều mùa hè, rừng Trường Sơn oi ả và ngột ngạt, chị ra suối tắm, đang lúc say sưa ngụp lặn trong dòng suối mát, bỗng chị Châu nhìn thấy một anh lính trẻ trôi từ đầu ngọn suối xuống phía chị. Chị Châu nghĩ có lẽ anh lính đang tắm bị chuột rút. Chị Châu hốt hoảng bơi lại ôm lấy anh. Bất ngờ, anh lính choàng dậy ôm hôn hối hả vào đôi má, vào môi chị Châu, chị Châu bàng hoàng vùng dậy bỏ chạy lên bờ. Đó là anh lính người Hà Nội, bây giờ nghĩ lại, chị Châu thấy thật buồn cười.
Chiều hôm ấy, chị Châu nhận được giấy triệu tập của Đảng ủy xã. Giấy mời không ghi rõ lý do triệu tập. Nhưng chị Châu biết lãnh đạo xã cần gặp chị về việc gì? Số là mấy hôm vừa rồi, chị Châu và vài chị em chèo một chiếc xuồng nhỏ, lẻn ra cửa lạch Trầm, các chị đi cắt mấy bó cói dại chở về đầu bãi bồi. Chị Châu đã dựng lên đó một cái lều và rồi có ý sẽ dựng tiếp một vài cái nữa. Thực ra thì đã từ lâu, chị Châu định bụng rủ mấy chị em không chồng con ra bãi bồi lập nên một cái xóm nhỏ. Cái bãi bồi đầu lạch Trầm chỉ cách làng Hải Linh có đúng một cánh rừng phi lao. Mục đích lập nên cái xóm nhỏ lẻ loi ấy chỉ có chị Châu và mấy chị em hiểu nhau, mà chị Châu cũng không tiện nói ra, các chị không ai muốn nói ra. Chị Châu biết từ khi cái bãi bồi mỗi ngày một phình rộng, đã có lác đác người qua kẻ lại, mấy người đàn ông từ bên kia lạch vẫn thường đi le cá con bên mét nước, dấu chân qua lại rồi sẽ thành một lối đi, lâu rồi người người qua lại chắc cũng nhộn nhịp hơn. Nhưng vừa lúc chị Châu định thực hiện ý định thì xã đã cắt đất xây cho hơn ba mươi chị em có thân phận như chị một ngôi nhà tình nghĩa tập thể vừa dài vừa rộng ngay cạnh ủy ban. Nhà xây gạch máy, lợp ngói đỏ chót, kê đủ mười lăm cái giường đôi cho ba mươi người đàn bà quá lứa lỡ thì, một cái bếp ăn tập thể, một bộ bàn và bộ bàn trà, một cái ti vi mầu hẳn hoi. Xã tổ chức khánh thành long trọng đón các chị đến ở được vài tháng thì nhiều chuyện lùng xùng xảy ra. Chuyện mấy bác ngư dân đi biển về buổi tối, hay ghé vào nhà tình nghĩa xem ti vi liền bị mấy bà vợ tìm đến xỉa xói, nói ra nói vào. Một bà phát hiện ra chồng mình có người yêu cũ sống trong nhà tình nghĩa, liền rình mò riết róng, dọa dẫm đánh ghen. Chị Thu năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi, chị có dáng người cao cao và khuôn mặt rất duyên nên xã thường xuyên nhờ sang quét dọn văn phòng và thỉnh thoảng có chút tiền thù lao cho chị. Một hôm, đang giữa trưa, văn phòng vắng người, không hiểu sao chị cứ ôm cái phích nước đi đi, lại lại trong sân ủy ban mà ru con ơi hời. Đúng lúc ấy một anh cán bộ huyện bước vào. Chị Thu lập tức bỏ phích nước xuống, ôm chầm lấy anh cán bộ. Chị ôm rất chặt làm anh cán bộ hoảng quá la lên. ủy ban liền lập biên bản, rồi gọi mấy chị em bên nhà tình nghĩa tập thể sang đón chị Thu về. Ngày hôm sau, làng Hải Linh lại có thêm một “Chuyện cười”. Họ tặng cho Thu cái biệt danh “Thu động hớn”.
Chị Châu làm xong một cái lều nhỏ, ra ở được vài hôm nghe chuyện chị Thu liền đi cắt thêm ít bó bổi, có ý làm thêm một cái lều nữa.
Suốt buổi sáng hôm đó, chị Châu soi gương xong lại đi vào rừng phi lao, hầu như chị muốn tìm lại thời tuổi trẻ của mình, cái tuổi trẻ hồn nhiên với những buổi trưa hè tắm biển, đuổi bắt dã tràng trên cát. Và rồi chị dừng lại nơi anh Thủy, người yêu năm xưa đã hôn lên đôi môi chị...
Buổi trưa, chị Châu dậm mái tranh lá bổi để chiếc lều mới có hai mái dày dặn. Mấy đêm nay chị Châu ra đây ngủ, cả mấy đêm chị thao thức nằm ngắm những ngôi sao lọt qua kẽ lá bổi mỏng và lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rầm ngoài cửa lạch Trầm mà nghĩ vu vơ cho đến tận khuya chị mới thiếp đi. Chị nghĩ và nỗi khát vọng dồn nén đến nghẹt thở cứ trào lên trong ngực chị, chị nằm mơ như bất chợt nghe tiếng trẻ khóc, chị đạp tung cánh cửa nhà tình nghĩa chạy về tiếng trẻ đang vỡ òa...
Bây giờ đã là buổi chiều, bến cá làng Hải Linh bắt đầu có những tốp đàn bà con gái túm tụm dưới những tán phi lao chờ những con thuyền cập bến. Chị Châu đi về phía trụ sở xã, qua mấy đám phụ nữ đang đứng trên bãi cát, chụm đầu vào nhau kháo chuyện. Có tiếng nói to:
- Đêm qua tao dậy lúc ba giờ sáng, tao ra biển, phát hiện thấy có chuyện lạ lắm cơ chúng mày ạ...
Đó là tiếng mụ Hự, một người đàn bà buôn chuyện nổi tiếng ở làng. Mụ Hự tiếp:
- Giữa đêm tao thấy có một cái bóng, trông giống bóng người. Không phải, to cao như cánh buồm. Cái bóng đi từ biển vào, men về phía bờ lạch, cái bãi bồi ấy.
Chị Châu chột dạ. Đúng là đêm qua, trong lúc mơ màng, chị nghe như có tiếng chân bước trên cát.
Có tiếng hỏi:
- Hay mụ nhìn thấy ma trơi?
- Mưa thâm gió bấc gì mà có ma trơi.
- Mụ toét mắt thế kia, nhìn gà hóa cuốc thì có.
Mụ Hự cáu:
- Tao thề đấy. Tao nhìn thấy hẳn hoi, cái bóng ấy cao to lắm.
Một người nói:
- Có khi Cá Ông hiện hình.
Mấy cô gái trẻ ôm lấy nhau:
- Cá Ông về tìm mày...
- Tao xấu, tao không sợ. Đứa đẹp mới lo.
Chị Châu không muốn nghe nữa, chị bước nhanh về phía trụ sở xã.
Chủ tịch Lộng bệ vệ ngồi trước bàn làm việc đang chờ chị Châu.
- Mời chị ngồi. Đảng ủy, ủy ban mời chị đến để hỏi việc chị tự động lập lều ở bãi bồi, ý chị là muốn gì đây?
Chị Châu cố giữ thái độ bình tĩnh:
- Tôi thấy ở trong nhà tình nghĩa nó bức bối, nên làm tạm túp lều ra bãi bồi, thế có ảnh hưởng xấu gì đến xã?
Lộng hơi bĩu môi:
- Sao lại không ảnh hưởng. Chị nghĩ xem. Đảng ủy, ủy ban bỏ ra bấy nhiêu tiền của xây một cái nhà tình nghĩa tập thể khang trang đến thế, là để thực hiện nhiệm vụ chính trị, cũng cốt là để nâng cao mức sống cho các chị. Ngoài chính sách nhà nước, vào những ngày lễ tết, những dịp kỷ niệm xã cũng sẽ có quà. à, mùa đông năm nay, xã có ý may cho mỗi chị một bộ com lê, cho thợ may đến đo đạc cẩn thận. Sẽ sắm thêm cho các chị một cái ti vi màn ảnh rộng. Đấy, chính quyền đoàn thể quan tâm là thế, sao chị lại đầu têu việc lập lều ngoài bãi.
Chị Châu im lặng, im lặng rất lâu. Một lát chị nói:
- Tôi và chị em cùng cảnh cám ơn chính quyền, cám ơn các anh, nhưng là người thì còn có nỗi niềm riêng, anh chủ tịch à?
Chủ tịch Lộng gắt lên:
- Ai mà quan tâm hết nỗi niềm của các chị. Chị phải nhớ rằng xã sắp được phong tặng danh hiệu anh hùng rồi, anh hùng thời chống Mỹ đấy. Trong báo cáo với cấp trên để được phong anh hùng, xã có viết một đoạn thế này chị biết không? Báo cáo viết rằng: Người làng Hải Linh rất tự hào vì những đóng góp sức người, sức của cho công cuộc đánh Mỹ. Làng còn tự hào vì suốt bao năm kháng chiến, Hải Linh chúng tôi không có một người phụ nữ nào chửa hoang...
Đột nhiên một người cao lớn, khỏe mạnh trông hùng dũng xuất hiện trước mặt chủ tịch Lộng, ông vừa nghe hết những lời đối chất của hai người liền sán đến. Một giọng ngọng nghịu và gay gắt:
- Ô... ô... ng... Ba... ỏ... Vă... n... n... Vă.. ă... n... Ba... ản... đ... à... Vi... ế... t... th... ề... à... à?  Đ... ể... ể... Để... Tô... i... coi... c... o... i... là... i... ca... ì... đ... à...
Nói rồi ông ngồi phịch xuống ghế, mở cặp lấy ra cái báo cáo đang sẵn trong cặp, cái báo cáo thành tích  xin được phong xã Hải Linh là xã anh hùng. Đúng là trong báo cáo, người ta có viết dòng chữ: Cán bộ, nhân dân xã Hải Linh rất tự hào vì suốt những năm đánh Pháp, đánh Mỹ, xã không có một người phụ nữ chửa hoang.  
Ông liền lấy bút gạch mất dòng chữ ấy đi. Cả chị Châu và chủ tịch Lộng kịp nhận ra đấy là bí thư xã, người từng có biệt danh khá độc đáo: “Ngọng thẹo khùng”. Cả Lộng, chủ tịch xã, cả chị Châu và bí thư đều nhìn nhau chằm chằm...
Thực ra “Ngọng thẹo khùng” chỉ là biệt danh một thời của Lê Văn Tâm. Ngày trước, hồi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Lê Văn Tâm là một thanh niên khỏe mạnh nhất làng, từng một mình kéo một con thuyền trên bãi cát xuống mặt sóng mà thông thường phải mười người mới kéo được. Anh cũng từng lãnh đạo trung đội dân quân bám biển của làng Hải Linh, suốt nhiều năm đã chỉ huy các đội viên của mình vừa chiến đấu, vừa ứng cứu bà con ngư dân mỗi khi thuyền nghề bị máy bay oanh tạc. Nhưng rồi trong một trận pháo kích từ tàu chiến Mỹ, một loạt đạn pháo bắn trúng nhà anh, cả vợ và ba con anh, một trai hai gái bị hất tung, Tâm tìm kiếm chỉ nhặt nhạnh được một ít xương thịt của vợ con đem chôn cất. Rồi một hôm Tâm nổi khùng, xách khẩu trung liên một mình lên một chiếc thuyền giương buồm ra khơi bắn nhau với máy bay Mỹ, đuổi đánh tàu chiến, nhưng một chùm rốc két bắn trúng thuyền Tâm, thuyền chìm, Tâm bị thương nặng, hai mảnh rốc két lẻm hai bờ má, một mảnh đạn lém qua cổ anh, cái cổ của Tâm bây giờ, đông cũng như hè, cứ trông như có một chiếc khăn quàng vắt qua, mặt mũi Tâm biến dạng. Vết thương của Tâm rất sâu, nghe các bác sĩ nói mảnh đạn rốc két hồi ấy chạm vào dây thần kinh phát âm của Tâm nên anh nói ngọng. Chẳng hạn, đáng lẽ phải nói: “Thưa đồng chí”, thì Tâm lại phát âm thành: “Th...ơ...m... đô... ng... chi...”. Hay đáng nhẽ phải gọi: “Các em ơi”. Thì lại thành: “Các... ơm ...ơ...n”. Hoặc: “Cám ơn”. Thì lại: “Cớ...m... ơ...ơn”. Hồi mới hòa bình, một lần làng Hải Linh bị bão biển, thuyền đắm, người chết, một đoàn cán bộ huyện về thăm. Không hiểu thế nào xã lại tổ chức đón tiếp quá linh đình, có cả cơm rượu. Buổi chiều hôm ấy, khách và chủ vừa nâng cốc lên, bỗng nhiên Tâm xuất hiện, anh bất ngờ dồn hết cổ lại rồi nói: “Vợ...n c...o...n ... cá...c... ch...i c...ò... c...hô...ng c...hế...t... bi...ển,  kh...ô...ô...ng ...c...ò... g...i... ă...n, c...ồ ... nà...àn... t...ô...ô...i... đ....em ...em ...ph...an... ch...o...o h...o...ọ ...c...hồ...ng đ...ò...i”. Các cán bộ xã ngăn lại không được, Tâm đang cơn nóng, không ai cản được, khách với chủ chỉ ngơ ngác nhìn nhau. Từ đó người ta phong cho Tâm biệt danh: “Ngọng thẹo khùng”. Nhiều năm vừa qua, xã Hải Linh có nhiều chuyện bê bối, mấy vị bí thư, chủ tịch xã thay nhau tham nhũng, cán bộ đảng viên của xã chán ngán. Trong kỳ đại hội vừa rồi, cả Đảng bộ nhất trí bầu Lê Văn Tâm làm bí thư xã, ai cũng nghĩ: “Ngọng thẹo khùng” làm bí thư sẽ không có tham nhũng vì anh sống độc thân”.
Quả nhiên từ khi Lê Văn Tâm - “Ngọng thẹo khùng” làm bí thư xã thì mọi việc trong xã có vẻ dân chủ hơn, mọi công trình xây dựng, từ trường học, trụ sở, đường xá, nhà văn hóa, nhà tình nghĩa Tâm đều cho thành lập ban kiểm tra nhân dân. Tâm sống cũng giản dị và không hề vụ lợi. Thường thì làm việc xong, Tâm ăn ngủ ngay ở trụ sở, vì từ khi vợ con Tâm mất, Tâm chưa nghĩ đến chuyện làm nhà. Có một điều dù ngọng nghịu nhưng bí thư Tâm rất trực tính. Nhìn thái độ của Tâm, chị Châu biết sẽ có một cuộc đấu khẩu gay gắt sắp xảy ra. Chị đứng dậy xin phép đi sang nhà tình nghĩa tập thể. Mặc cho bí thư và chủ tịch ngồi đấy, gườm gườm nhìn nhau.
Chủ tịch Lộng nói như quát:
- Anh bẽ mặt tôi.
Bí thư Tâm:
- San thì...n phả...n ... sử...a, cà...i g...i san m...à... à... kh...ô...ô...n...g phả...n sử...a. 
Ngày hôm sau, Tâm lên huyện gặp lãnh đạo huyện ủy, ông trả thẻ Đảng viên, viết lá đơn xin từ chức bí thư Hải Linh, xin thôi sinh hoạt Đảng. Các lãnh đạo biết tính “Ngọng thẹo khùng” nên không thể không chấp nhận.
Tâm thôi chức bí thư, thôi sinh hoạt Đảng, anh sắm một cái te lộng ra cửa lạch Trầm hớt cá con, ăn ngủ ở rừng phi lao, một thời gian rồi dân làng Hải Linh cũng quên bí thư Tâm. Người ta đã coi “Ngọng thẹo khùng” như một người thừa của làng. Đôi khi có ai nhắc đến, nó cũng chỉ là: “Một chuyện cười”.
Chị Châu bước vào ngôi nhà tình nghĩa tập thể, ngôi nhà còn hăng mùi vôi vữa. Mười lăm cái giường đôi cho ba mươi người vẫn kê sát nhau. Thấy chị Châu đến, mọi người xúm lại. Tư, bạn cùng tuổi với chị Châu hỏi:
- Nghe nói mày bị xã kiểm điểm à? 
“Lưỡng bánh xèo” lo lắng:
- Có người bảo xã sẽ cho đội dân quân mạnh ra phá cái lều của mày đấy.
Châu vẻ mặt câng câng:
- Kiểm điểm gì tao, tao còn gì mà kiểm với điểm. Còn cái lều tao lập ra đấy, giỏi thì cứ phá, phá thì tao làm lại.
“Lý nửa con mắt” sán đến bên chị Châu, nói khẽ:
- Ôi, ở ngoài đó sợ lắm, nghe nói ma cửa lạch Trầm nó mò vào chỗ lều chị. Hồi Mỹ đánh phá, bao nhiêu người chết ở cửa lạch, lắm ma lắm.
Chị Châu dí vào đầu Lý:
- Ma tao cũng cóc sợ.
“Thịnh ba chân” gật đầu:
- ừ, có khi mà lại hay.
Chị Châu hỏi:
- Nghe nói con Lu ốm à?
Tư khẽ gật đầu:
- Không ốm nhưng nó đang buồn. Chuyện do chúng tao rỗi việc, liền nhận mấy tay lưới của thuyền ông Lự về vá. Không ngờ ông Lự đi biển vây trật mấy tía cá, ông ấy cho người điều tra biết hôm vá lưới con Lu thấy kinh, ông ấy đến đây quát tháo ầm ĩ, đòi bắt đền.
Chị Châu cười:
- Sao chúng mày không tránh đi để con Lu nó bắt đền cho ông Lự.
Mấy chị đấm lưng nhau:
- ừ nhỉ, bọn mình ngu thật.
- ừ, ngu quá, chả nghĩ ra...
Tối hôm đó chị Châu ngủ lại trong nhà tình nghĩa tập thể. Bấy giờ ở làng Hải Linh, những “biệt danh” mà người ta đặt cho các chị em thương bệnh binh mặc nhiên đã trở thành “chuyện cười” từ lâu rồi. “Chuyện cười” càng trở nên thú vị khi người ta thấy “Thịnh ba chân” nhiều khi trở nên ngẩn ngơ rồi bất thần vác cái nạng gỗ dứ dứ lên trời, miệng hô: “Bắn, bắn”... Nhất là “Lý nửa con mắt”, thỉnh thoảng cứ vùng ra khỏi nhà, đi lang thang, rồi nghêu ngao hát, những bài hát lộn xộn thêm thắt có không khí hồi chiến tranh: “Em tiễn anh lên đường... còn em ra chiến trường... “Anh ơi anh hãy về... Kẻo em đi lấy chồng...”.
“Lưỡng bánh xèo” thì trở nên trầm ngâm, thỉnh thoảng cô ngồi lặng lẽ, bất chợt thấy một ông ngư dân vác chèo đi qua thì dán mắt nhìn theo, nước mắt chị cứ ứa ra... Tất cả điều đó làm chị Châu day dứt. Hôm trở ra bãi bồi nằm trong túp lều bổi, qua mái bổi thưa thớt, dưới ánh trăng, chị nhìn thấy hình như cái bóng cao lớn của “Ngọng thẹo khùng” - người mà dân Hải Linh đã lãng quên, đang hì hục đẩy te ven lạch Trầm. Cái nghề đẩy te kheo của anh ta lẻ loi, chẳng bè bạn gì. Đàn bà con gái làng Hải Linh hễ thấy “Ngọng thẹo khùng” thì tránh xa. Hàng ngày đánh te được ít cá tôm, anh ta túm túi te bơi qua lạch, đổi ít rượu với bánh gạo. Người ta bảo: “Ngọng thẹo khùng” tính nết vẫn thất thường. Có lúc đang đẩy te, bực bội chuyện gì không biết, anh ta ào ào dấn lên, làm đôi càng te gẫy gấp, sức anh ta sào te làm bằng tre thì sao không gãy. ở làng Hải Linh, nhiều phi lao mà ít tre. Nhưng mùa lũ vừa rồi, tre từ đầu nguồn trôi về lạch Trầm nhiều lắm. “Ngọng thẹo khùng” vớt lên hàng đống tre già, để ngổn ngang dọc bờ lạch đầu bãi bồi, thật lạ. 
Từ khi chị Châu ra dựng lều bãi bồi, con đường mòn cũng đã rậm rạp chân người, ít lâu sau mấy chị thấy những đống tre vương vãi ngoài bãi bồi cũng ra vớt lên làm khung lều rồi cắt bổi lợp ở với chị Châu. Tối tối, nhất là những tối có trăng, các chị ngồi trên bãi bồi tán chuyện rồi ai về lều mình ở. Chị Châu cấm các chị không được ngủ chung. Một thời gian bãi bồi có tới gần hai mươi cái lều. Người ta gọi đấy là: “Xóm Côi”. Chỉ chừng vài năm, “Xóm Côi” có đến bảy đứa trẻ ra đời. Ba trai bốn gái. Nhưng chúng đều không có bố. Mặc, các chị bảo: Bảy cục vàng đấy.
Một buổi chiều mụ Hự thao thao với đám đàn bà trên bến cá:
- Đúng là tao đã thấy hết, tao biết hết. Tao phát hiện thấy một cái bóng cao to như cánh buồm đi từ cửa lạch vào xóm Côi. Đêm nào cũng thế hết. Có khi Cá Ông hiện hình, phải bàn với các cụ làm lễ mới ổn. Nghe nói ngoài xóm Côi có vài ba đứa bụng lại to nữa rồi... Cá Ông khỏe lắm chứ lỵ.
Chủ tịch Lộng đi qua nghe chuyện dừng lại hỏi:
- Ngoài mụ Hự ra, có còn ai nhìn thấy nữa không?
- Không. à mà có. Nhà tôi đi biển cũng từng nhìn thấy cái bóng cao lớn ấy nhưng sợ Cá Ông quở nên không dám nói. Nhà tôi bảo vào mùa Đông, mỗi khi có gió mùa Đông Bắc, cái bóng cao lớn ấy thường ở trong các lều rất lâu.
Đêm hôm sau. Đúng là đêm gió mùa Đông Bắc về. Gió về vít ngọn cây dừa đầu làng, gió kéo rền rừng phi lao. Ngoài biển sóng tung bọt trắng xóa. Nhưng xóm Côi thì yên ả. Chủ tịch Lộng huy động trung đội dân quân mạnh bao vây xóm Côi với chiến thuật “hai gọng kìm”. Khi cái bóng cao lớn như cánh buồm lướt vào xóm Côi, tất cả dân quân đều nín thở. Một lúc sau trong những túp lều có tiếng đàn bà rên ư ử. Chủ tịch Lộng ra lệnh tấn công.
Các dân quân ào lên. Cái bóng bất thần lao vọt ra biển.
Hôm sau khi ngư dân Hải Linh đang lo hồn Cá Ông báo thù thì có một xác người trôi vào bờ. Người ta nhận ra cái xác ấy là Lê Văn Tâm -  “Ngọng thẹo khùng”.
Đám tang “Ngọng thẹo khùng” khá đông người. Họ thương “Ngọng thẹo khùng” cô quả thì ít, tò mò thì nhiều, có người đến để nghĩ thêm: “Chuyện cười”. Riêng xóm Côi bỗng trắng toát khăn tang. Đàn bà trẻ con chít khăn trắng khóc như vỡ bờ lạch. 
Sóng biển gào thét, rồi tiếng sóng lại lắng xuống du dương như một bản nhạc buồn.
                                                                                  N.V.Đ


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 133
 Hôm nay: 452
 Tổng số truy cập: 13605810
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa