Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Muộn mằn - Trần Hiệp
Muộn mằn - Trần Hiệp

Có lẽ ít ai trong chúng ta có được cái ưu thế khi bước vào đời như anh. Khỏe mạnh, đẹp trai, lừng lẫy nhiều chiến tích, tài sản bố mẹ để lại chẳng thiếu gì. Anh đã yêu những ai nữa thì tôi không rõ, nhưng tôi biết anh đã yêu hai người. Dân làng ai cũng tấm tắc khen hai chị ấy là đẹp người, đẹp nết, con nhà tử tế. Thế mà vào tuổi ngoài bốn mươi, anh trở thành người cô đơn với hai bàn tay trắng.
Nhà anh ở cạnh nhà tôi, cách nhau chỉ một bờ dậu cúc tần. Tôi vào tuổi biết phân biệt đôi điều sơ đẳng ở đời thì anh đã học hết cấp ba. Về tuổi tác, anh hơn tôi gần chục tuổi; về gia thế, nhà anh thì khang trang, giàu có, nhà tôi thì lụp xụp, túng thiếu quanh năm. Mỗi lần gặp nhau, tôi chào anh, anh chỉ ừ hữ cho qua hoặc hỏi lại: “Tẻo đi đâu đấy?” mà không chờ tôi trả lời, anh rảo bước đi đằng anh, tôi đi đằng tôi. Cho đến sau này, tôi đã là một cô gái hẳn hoi, anh vẫn coi tôi như một cô bé hàng xóm bình thường, mặc dù trong làng đã có nhiều chàng trai quấn quýt theo đuổi tôi. Dì tôi bình phẩm với mẹ mà tôi nghe lỏm được: “Cái Tẻo nhà này không đẹp lộng lẫy như cái Vân con nhà bác Nam, hay duyên dáng như cái Huệ con nhà bác An, nhưng càng nhìn càng thấy nó xinh. Nó có duyên thầm nhưng mạnh mẽ. Đời nó rồi không khổ như chị đâu”.
Duyên thầm là cái gì nhỉ? Tôi lấy gương soi chỉ thấy một cô gái má ửng hồng, đôi mắt đượm ưu tư, cái mũi vừa cao lại vừa thẳng, miệng hơi rộng nhưng được bù lại bằng cái cằm nhọn, tóc thì không khác tóc dì tôi, đen nhánh như chải dầu, dài quá gối. Công bằng mà nói cũng trên trung bình. Nhưng mỗi lần gặp anh, bị anh coi thường thì tôi đâm nghi ngờ điều dì tôi đã nói với mẹ. Tôi cứ buồn một cách vô cớ, mẹ tôi như đã đi guốc trong bụng tôi, người bảo: “Quê mình là đất học, con cứ buồn vẩn vơ rồi học không vào được đâu”. Biết phận mình, tôi gắng học và đã vào được đại học. Những năm tôi đi học, anh vào quân đội chiến đấu ở trong Nam. Năm 1975, từ trong rừng cờ Đại Thắng anh trở về quê thì bố mẹ anh đã mất, nhà cửa thiếu người trông coi. Theo anh kể, anh đã bị thương nhiều lần ở Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và cả khi về giải phóng Cần Thơ. Sức khỏe bị giảm sút, da sạm đen, môi bầm tím, mắt có quầng. Thấy anh mà tôi không cầm được nước mắt. Ai ngờ tôi vẫn còn được gặp lại anh. Anh đã mang cấp hàm đại úy, trên ngực bốn tấm Huân chương lấp lánh mang sắc cờ giải phóng. Với chiến công ấy, cấp bậc ấy, anh có thể vào Học viện Quân sự để trở thành sĩ quan cao cấp hoặc vào đại học nào đó để trở thành một nhà khoa học. Nhưng anh cho là không còn giặc giã nào nữa, từng ấy năm chinh chiến đã quá đủ cho một đời con trai. Còn vào đại học, theo anh, khối người có học hành gì đâu mà vẫn vinh thân phì da. Cứ từ cái cơ ngơi này của cha ông để lại mà đi lên, nhiều người dù nằm mơ cũng không thể tưởng tượng có được một cơ ngơi như thế. Dân làng thì đoán non đoán già, vì có của chìm nên cậu ấy không thể dứt bỏ.
Lúc này tôi đã là nhà báo Tiểu Ly. Chả là tôi họ Lê, tên Tẻo, phải gọi trật đi cho nó đỡ thẹn. Nhà báo mà mang cái tên Lê Thị Tẻo thì buồn cười lắm. Anh biết điều đó thế mà vẫn bô bô gọi tôi như hồi còn bé: “Tẻo, mày về khi nào? Lớn lắm rồi. Lấy chồng chưa?” rồi anh lại rảo bước. Tôi như kẻ bị bùa lú, đứng nhìn theo anh mà rơi nước mắt. Nhưng với chị Vân, chị Huệ mỗi lần đến nhà anh, mới thấy bóng các chị anh đã chạy ra mời chào líu cả lưỡi, có lẽ chưa bao giờ anh vui như khi gặp các chị ấy.
Khỏi phải kể về nhan sắc, nết na của hai chị ấy, như Thúy Kiều, Thúy Vân vậy. Chị Vân là con bác Nam, sĩ quan cao cấp từ thời chống Pháp. Chị có bốn anh trai, người nào cũng học rộng, có người du học hàng bảy, tám năm ở nước ngoài, họ đều làm cán bộ ở Tỉnh, ở Trung ương, gia đình bề thế đến mức không ai dám đụng đến bất kỳ ai trong họ hàng nhà chị. Chị Huệ là con cụ đồ An, bạn của bố anh, giàu có vào loại nhất nhì trong xã, anh cả là liệt sĩ, một chị là giáo viên cấp ba. Cả hai chị đều có người nhà trong Thường vụ Huyện ủy.
Có lẽ cũng nên nói một chút về gia đình anh. Nhà anh nằm ở trên một mảnh đất lý tưởng, rộng khoảng năm sào Trung Bộ, rất màu mỡ, có vườn cây ao cá, quốc lộ 1A chạy ngay cạnh nhà, biển đằng trước, rừng đằng sau, ngôi nhà gỗ năm gian, lợp ngói mũi từ xa xưa. Trong nhà treo bức tam đại tự, đôi câu đối chữ vàng khắc trên nền gỗ vàng tâm sơn đen. Nhà anh cũng đông anh em. Những người con gái lấy chồng xa, các anh con trai thất tán mỗi người một nơi vì không ở nhà nổi bởi sự kỹ tính của cụ đồ, bố anh, đã từng sống hai phần ba thế kỷ. Đông anh em mà anh là con út lại trở thành lẻ loi.
Cuộc đời làm báo đưa tôi đi nhiều nơi. Tôi có nhiều bạn trai nhưng chẳng hiểu vì sao tôi chẳng “kết” với ai được. Đã ngoài “băm” rồi mà tôi vẫn chưa thấy lo lắng chuyện chồng con. Tôi vẫn nghĩ về anh, không biết có phải tình yêu vô vọng? Hình như tôi đã tự hẹn với mình: nếu anh chưa lấy vợ thì tôi chưa đi lấy chồng. Tôi ít có dịp về nhà. Bố mẹ tôi qua đời, anh cả chuyển nhà đi chỗ khác. Mỗi lần về quê tôi tìm mọi cách để được gặp anh và sau đó là những đêm thao thức. Gần đây về quê tôi quyết định đến thăm nhà anh.
Bao nhiêu năm rồi, nhà anh vẫn ở chỗ cũ. Vườn cây ăn quả đằng trước, đằng sau nhà, đều đã cỗi, cao vồng lên, xơ xác; hàng cam cạnh sân gạch xưa kia đẹp là thế, bây giờ cũng lêu đêu mấy cành lá phất phơ và những buồng quả teo tóp, lưa thưa. Hai hàng chè mạn ở cổng đâm lên tua tủa như rau ngót đến mùa nẩy lộc, mạnh ngọn nào ngọn ấy vồng lên, thiếu bàn tay tỉa xén. Mái nhà xỉn đen, chung quanh lại có thêm những ngôi nhà mái bằng, nhà hai tầng, nhà anh như bị lún xuống. Cái sân gạch rộng vài trăm mét vuông chỉ còn lối đi và khoảng giữa sáng tươi màu gạch, còn như đã phủ một lớp rêu, mấy góc sân có những cây mạ mọc lên trông chẳng khác gì sân hợp tác xã thời nay.
Anh ngồi đấy, trên bộ tràng kỷ lim bóng loáng, trước tủ chè khảm xà cừ, bộ ấm chén trà Trung Quốc thời xưa xếp trên cái bàn chân quỳ, chạm rồng chầu. Tuy anh vẫn hồng hào, khỏe mạnh nhưng mái tóc đã ngả màu, lốm đốm một vài sợi bạc. Khác với các lần trước, lần này anh ra tận cửa đón tôi. Anh mừng rỡ mà thoáng buồn. Con trai mà mi dài là khổ, có đúng không? Anh nhìn tôi tươi cười rồi cụp hai hàng mi ngay. 
- Cô Tẻo, lâu lắm rồi mới gặp! Vẫn trẻ trung, đã chồng con chưa? Chắc mọi điều đều tốt đẹp.
Đáp lại lời anh, tôi chỉ cười. Có lẽ nụ cười cũng héo hắt lắm. Anh pha trà mời tôi rồi ngồi thừ ra. Không lẽ anh đã về già. Khi tôi hỏi thăm anh, những câu hỏi thông thường, anh đã tâm sự với tôi mà không giấu giếm điều gì. Mãi sau này tôi mới biết, có lần anh cả tôi nói với anh là tôi rất yêu anh mà anh lại vô tình. 
- Cô Tẻo này, à tôi nhớ ra rồi, tên cô bây giờ là Tiểu Ly nghe ngồ ngộ, khiêm tốn mà lại rất Tàu.
- Đó là bút danh của em. Anh cứ gọi cái tên cúng cơm của em cũng chẳng sao. Ngộ lắm hả anh? Chắc không hay bằng Bích Vân, Kim Huệ?
Tôi châm chọc anh. 
- Không, đó là những cái tên học đòi, sáo mòn, có sẵn từ lâu rồi. Khác với Tiểu Ly, nó không lặp lại theo người khác.
- Cái tên có gì là quan trọng.
- Không quan trọng, nhưng cũng không phải là không nói lên cái gì. Thiếu gì tên mà có nhiều văn nghệ sĩ lại lấy bút danh bằng tên quê hương như Thu Bồn, Mã Giang, Cửu Long Giang?
- Người ta học đòi, nhưng anh có học đòi được gì ở người ta không.
Anh nhìn ra sân. Cơ má giật giật. Mắt anh lóng lánh. Gió biển rì rầm, hàng cây sau nhà như đang thì thầm tâm sự. Bất thần anh quay lại nhìn tôi, cái nhìn rất lạ ở nơi anh lần đầu tôi thấy. 
- Không! Người ta bảo: “Lắm cha con khó lấy chồng”, còn tôi thì lắm người yêu; đúng ra chỉ có hai người mà thành ra không lấy được vợ. Tôi với họ như hai đứa bé đứng trước hai quả cam, được chọn một. Quả to thì không đẹp, quả đẹp thì không to, cứ lưỡng lự mãi. Cuối cùng, hai chú bé mỗi chú lấy một quả, còn tôi thì....
Anh cười, cái cười chua chát, héo hắt và có phần khôi hài. Lặng đi một lát, anh nói cho tôi nghe về hai người con gái ấy mà như thủ thỉ với riêng mình. 
- Vân đến với tôi - anh nói, nồng nàn và đằm thắm. Cô ấy là giáo viên dạy văn cấp ba. Mỗi lần đến với tôi cô ấy lại sững người ra vì thấy tôi tha thẩn chẳng biết làm gì như một kẻ ngớ ngẩn, nhà cửa, vườn tược bề bộn. Cô chấp nhận tất cả những gì hiển hiện trong hoàn cảnh của tôi và nguyện chấp nhận mọi khó khăn để xây dựng hạnh phúc của hai người. Nhưng có một lần Vân nói với tôi: “Sau này phải phá tất cả cái nhà này đi, làm lại cái khác gọn gàng, cao ráo, sáng sủa hơn. Vào nhà chỉ thấy vướng những cột là cột, rồi còn xà, bẫy, tam đại tự, câu đối, vướng mắt, em không chịu được”. Chỉ có thế mà ba lần tôi định cưới Vân rồi lại thôi. Cô ấy chấp nhận tôi, nhưng không chấp nhận tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi. Còn Huệ, một bác sĩ đông y, thấy tôi đơn độc cô khóc, cô bàn với tôi khi đã cưới nhau thì bán khu nhà này, lên phố huyện mua nhà khác, tạo lập cuộc sống mới, hai vợ chồng luôn ở bên nhau, mỗi người một việc. Cũng đã hai lần định cưới Huệ rồi tôi lại thôi. Cả hai người đều yêu tôi, nhưng họ không chấp nhận cách sống của tôi, họ đòi phải phá tất cả đi làm lại hoặc tìm chốn khác. Còn tôi, tôi không thể như thế được. Đường đường là một thằng đàn ông đã từng xông pha trận mạc mà phải lệ thuộc, chạy theo người khác ư? Mấy đời tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi tạo lập nên cái cơ ngơi này, nay các cụ không còn nữa, anh em mỗi người một nơi, lẽ nào tôi lại tung hê đi tất cả. Vả lại, còn một điều nữa...
Anh mở bớt cúc áo, chiếc áo bộ đội bạc màu, mặc giữa trưa hè, ướt đẫm mồ hôi. Anh cầm hai cái quạt nan dưới ngăn bàn đưa cho tôi một chiếc, anh cầm một chiếc phẩy phẩy mấy cái, lượng gió chẳng được bao nhiêu nên không hề giảm cái bức bối trong anh, mồ hôi vẫn túa ra. Quả là ngồi trong cái nhà này tức tối thật, ba bề kín bưng, đằng trước bộ cánh cửa bức bàn như những cái hộp đặt ngay trước mắt. Dù đã mở hết cửa nhưng cây cối um tùm, căn nhà vẫn không sáng sủa như những căn nhà khác. Tôi ái ngại cho anh, nước mắt chỉ chực tuôn trào. 
- Vâng, còn điều này nữa Tiểu Ly ạ. Cưới cô Vân tôi lại nể cô Huệ, cưới cô Huệ tôi lại không đành lòng với cô Vân. Họ là những người tốt, nết na, yêu mình chân thành, lẽ nào lấy người này bỏ người kia. Có lẽ đấy là cách số phận hãm hại tôi. Rồi còn anh em họ hàng các cô ấy. Ông anh con ông bác cô Vân làm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, ông anh cô Huệ là Thường vụ Phó Chủ tịch huyện, làm sao một trong hai ông ấy lại không phát khùng lên khi biết mình làm nhục, ruồng rẫy em ông ấy. Nghĩ kỹ quá nhiều mà tôi mất tất cả.
Anh lại cười, lặp lại cái cười héo hắt: 
- Chỉ những kẻ chẳng suy tính gì nhiều, thấy được là vồ lấy thì họ được tất cả, được mãi. Năm tháng cứ trôi đi, tuổi tác chẳng ủng hộ tôi. Bạn bè, xóm giềng ai cũng khen tôi đứng đắn, tu tỉnh nhưng ai cũng chê tôi “đứng núi này trông núi nọ”. Bây giờ đã bốn mươi lăm coi như đã về già, gia tài chưa khánh kiệt nhưng đã xơ xác, tôi có thiết làm gì đâu, mà làm nên thì ít, làm hỏng thì nhiều. Tôi như một kẻ bế tắc, không chỉ trong yêu đương mà cả trong làm ăn, nay theo cách của người này, mai theo cách của người kia mà không lượng sức mình, không xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của mình. Nhiều phen vất vả mà chẳng làm nên trò trống. Bạn tôi, có đứa bảo tôi hâm. Đã đến lúc nghĩ lại liệu có muộn quá không?
Nghe anh nói tôi cầm lòng không đặng, vẫn trách anh mà vẫn thương anh. 
- Hai chị ấy vẫn chờ anh kia mà.
Anh thở dài, nhìn ra ngoài sân nắng lóa mắt, mấy đôi bồ câu trên chuồng đang gù nhau. Con mèo dưới sân ngồi ngửa cổ nhìn lên, chẳng thể vồ cũng tức tối ngao ngao. 
- Con gái có thì, ai chờ mình được mãi. Cả hai đều đã chuyển vào Nam. Người ở Vũng Tàu, người ở Nha Trang, cũng vì tôi mà họ không thân thiết nhau như xưa. Hai cô vẫn có thư cho tôi. Vân khuyên tôi nên xây dựng gia đình với Huệ, Huệ thì bảo tôi đừng để cho Vân khổ. Cả hai cô đều đã lấy chồng, người này vẫn tưởng người kia chờ đợi tôi - Anh lại cười, đúng là “buổi cày cũng lỗ, buổi giỗ cũng hỏng”. Cái không cần biết thì họ lại biết, cái cần biết thì họ không biết cho.
Tôi ngồi nghe nói và nghĩ mãi, định nói cái điều mà tôi đã từng nghĩ mà khó quá. Nửa chiều hôm ấy tôi từ giã anh. Nắng đã xiên khoai. Đàn chim chích ở hai hồi nhà ríu rít đến váng óc. Con xồm xù lông to như cái cối đá, lè lưỡi theo sau anh tiễn tôi ra đến tận ngõ. Mãi đến lúc này tôi mới nắm tay anh và bảo: 
- Anh phải vui lên. Bốn lăm đâu phải là già. Đừng ngại. Quá trông cậy vào người khác và ước vọng quá xa là không tưởng. Hẹn sẽ gặp lại anh. Nghe anh tâm sự em thích lắm.
Hình như hai má tôi đã đỏ lựng. Anh nắm tay tôi lắc mãi và tôi thấy mắt anh ngân ngấn nước. Chia tay anh, tôi đi dưới hai hàng cây cành lá um tùm như đi trong cái nâm rừng già. Lòng tôi khuấy động lạ lùng. Nhưng tôi lại giận anh. Anh đã nói tất cả nhưng có điều cần phải nói anh đã không nói. Còn tôi, không lẽ người ta đã bỏ chạy tôi lại vơ vào, người đời có chê cười không? Con người lạ thế, chỉ thấy mình mạnh, mình hay mà không thấy mình yếu chỗ nào, dở chỗ nào; thấy quá khứ huy hoàng mà không thấy tương lai tươi sáng song cũng chẳng thể trơn tru bằng phẳng.
Bẵng đi vài tháng vì bận công việc và thi lấy bằng tiếng Anh, tôi mới có dịp về quê thăm anh. Lần này không còn là “mượn cớ” mà tôi chủ động rõ ràng về thăm anh ấy. Đoạn đường từ nhà anh cả tôi đến nhà anh ấy là cả một quãng dài hai bên là những cây dừa lá tỏa giao nhau. Tôi đạp xe lúc hối hả, lúc lưỡng lự; tiếng lá dừa cọ xát lao xao, gió từ đồng lúa ùa vào mơn man mát rượi mà tôi cứ thấy trong tim rạo rực, linh tính báo cho tôi như có điều gì chẳng lành về anh. Tôi bước vào ngõ nhà anh mà tưởng mình nhầm, sỏi dưới chân lạo xạo, tiếng líp xe đạp kêu tanh tách mà con xồm đâu rồi không thấy xổ ra? Ngôi nhà như được kích cao lên, những khung cửa sổ đã thay cho bộ cánh bức bàn, cây cối phát bớt đi. Những chậu hoa mới đang nở rộ, cái sân có thu hẹp lại một ít mà lại rộng ra, vui lên. Tiếng trẻ thơ bi bô rộn rã và tiếng cười giòn tan của các cô gái, còn tiếng tim tôi thì đập thình thịch, cái gì đã làm thay đổi nơi đây? Anh đâu rồi? Ngập ngừng nửa tiến, nửa lui. Bỗng tiếng một cô gái rất quen reo lên: 
- A! Chị Tẻo, chị Tiểu Ly đã về. Các cháu chào cô đi nào!
Một dàn hợp âm nghe thương thương quá: “Cháu chào cô ạ”.
Nhà anh đã là trường nuôi dạy trẻ rồi sao? Những bức tranh trẻ thơ và hoa đã thay đổi bộ mặt các bức tường rêu phong, hai hồi nhà cũng đã có thêm bốn cửa sổ. “Nhưng anh đâu rồi?”. 
- Chắc chị mới về, ghé thăm người hàng xóm cũ.
Các cô ấy đã gỡ bí cho tôi. Tôi cười và quay lại với ba cô gái trẻ. Nhưng tim tôi đang thắt lại, hai tai như bị xát ớt. 
- Anh ấy đi lâu rồi. Cho đến nay dân làng chưa biết anh ấy ở đâu. Ai cũng thương anh ấy.
- Có chuyện gì thế?
Tôi hỏi mà thanh quản như bị nghẹn tắc. Tôi phải cố kìm nén để khỏi bật ra tiếng nức nở khi thấy mắt cô nào cũng rơm rớm.
- Vợ chồng chị Vân và đứa con trai múp míp ngồi trên chiếc xe Đờ-rim bóng nhoáng màu cà phê về thăm quê, anh như người bị choáng, đóng cửa nằm líp mấy ngày liền. Mẹ con chị Vân đến gõ cửa thăm anh nhưng anh lờ đi như nhà vắng người. Mấy tuần sau, vợ chồng chị Huệ đi trên chiếc Lát-đa của ông Phó Chủ tịch huyện về làng thì anh biến mất.
Một cô khác chen vào:
- Không lấy được nhau thì là bạn bè, việc gì mà phải bỏ nhà ra đi.
Một cô khác: 
- Cũng tức mà thẹn lắm chứ. Cũng tại anh ấy, hai người lấy ai thì lấy, đằng này lại để tuột cả đôi.
- Tuột thì lấy người khác, thiếu gì con gái, việc gì phải bỏ cả nhà cửa, quê hương mà đi như chạy trốn.
Các cô ấy bộc bạch, trong trắng và trẻ nên vô tư. Cuộc đời đâu có đơn giản như thế. 
- Thế là anh ấy đi mà không ai biết à?
- Vâng! Mãi mấy tuần sau xã mới nhận được thư anh ấy. Anh kê khai tất cả những gì của ông bà, cha mẹ để lại và giao cho xã toàn quyền sử dụng, anh ấy chỉ có hai yêu cầu, bàn thờ vẫn để nguyên chỗ cũ, cần thiết thì che lại (tôi ngước nhìn đã có một tấm vải chắn ngang che khuất cả câu đối, bàn thờ, tam đại tự và trên nền vải đỏ có dòng chữ “Nhà trẻ Hoa Hồng”); việc thứ hai, nếu xã có cải tạo cái nhà này thành nhà trẻ thì anh ấy rất vui. Anh ấy cũng nói với xã nếu có việc gì cần lắm thì tin cho ông Tư Mắm số nhà... đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh, may ra có dịp anh ấy gặp lại ông Tư nhưng yêu cầu xã đừng cho ai biết địa chỉ này.
Một lần nữa, anh lại thiếu bản lĩnh đối mặt với sự thật cuộc đời. Cuộc đời có lắm điều ngẫu nhiên mà như trêu tức nhau một cách tàn nhẫn.
Tôi bùi ngùi chia tay các cô giáo, các cháu bé và ngay chiều hôm ấy trở về cơ quan. Từ hôm ấy, đêm nào đi ngủ tôi cũng nghĩ về anh, cuộc đời anh ấy rồi sẽ đi đến đâu? Anh là người con trai hiếm có, không rượu chè, không cờ bạc, dân làng từ già đến trẻ đều yêu thương, có yêu đương nhưng không sàm sỡ. Cái mà anh say mê nhất là đọc sách. Anh đọc và ghi chép như một nhà nghiên cứu. Các bạn anh phải la lên: “Anh đang gặm sách như mọt”. Đông - Tây, Kim - Cổ anh đều đọc một cách thích thú. Tiếc thay, anh thiếu một người dìu dắt mà anh thì quá tự tin.
Vào một ngày trời mưa như trút, đường phố nước ngập bánh xe, tôi nhận được thư anh. Ngoài bì anh đề tên, còn địa chỉ chỉ có hai chữ “Tha phương”. Hai tay tôi run bắn mà chẳng hiểu vì sao, con tim yếu đuối của tôi lại gõ nhịp liên hồi. Chốt cửa phòng, thay quần áo, tôi lên giường đắp chăn và mở phong bì thư của anh. Anh đã tự tạo ra bước ngoặt cuộc đời và giấu tung tích với quê hương, vì sao còn viết thư cho tôi?
Tiểu Ly ơi, tất cả đã muộn rồi phải không em? Ngàn lần anh xin lỗi Tiểu Ly. Nếu anh cả không nói thì anh không hiểu được lòng em. Cảm ơn một tấm lòng biết yêu thương và biết chịu đựng. Anh không ngờ bé Tẻo có bản lĩnh đến như thế. Nhưng muộn rồi. Muộn quá rồi em ạ. Tạ ơn trời đất đã cho anh gặp em lần cuối cùng ấy. Anh đọc được những gì đang diễn ra trong lòng em qua ánh mắt em. Cái cửa sổ tâm hồn ấy đã nói giùm em và cũng mách bảo cho anh. Dale Carnegie tác giả “Đắc nhân tâm” có bảo: “Phải trọng ý kiến người khác”. Còn Đức Kytô thì nói: “Con hãy mau mau theo ý kiến của đối thủ con đi”.
Em có bảo anh, cái quan trọng của mỗi người là phải định được hướng đi hợp với sức của mình. Anh đã trở lại nơi anh từng chiến đấu, cùng sống chết với đồng đội. Bao nhiêu năm nay dành tất cả thì giờ rảnh rỗi cho đọc sách thật không uổng, anh đã có việc làm, dù muộn mằn anh lại đi học hàm thụ ban đêm. Anh sẽ làm tất cả những gì để nhanh tới cái đích của mình đã định, để xứng đáng với bạn bè và không phụ lòng em.
Chúc em hạnh phúc.
Vĩnh biệt em.
Anh.

Tôi òa khóc. Phải chăng tôi thương cho số phận một con người? Ngoài kia trời vẫn mưa tầm tã. Tôi đọc đi rồi đọc lại thư anh đến ba lần. Bây giờ tôi mới biết được từng nét chữ của anh. Nét nào ra nét ấy, chữ nào ra chữ ấy. Tôi đặt lá thư trên ngực, nhìn trân trân lên trần nhà mà suy nghĩ về anh. Ngày hôm sau tôi xin cơ quan nghỉ phép, đáp tàu vào thành phố Hồ Chí Minh. Tàu đã chạy qua quê tôi, cách Hà Nội ngót hai trăm cây số, tôi mới tự hỏi: “Liệu có tìm được nhà anh Tư Mắm? Liệu có gặp được anh? Nói với anh điều gì?”. Tai tôi tự nhiên nóng bừng bừng. Phải rồi, nhân một chuyến công tác tìm gặp đồng hương. Có thế thôi ư? Trái tim tôi đã trở lại nhịp đập bình thường nhưng lòng tôi bốc lửa, hối hả như con tàu đang lao trên hai thanh sắt.
          

 T.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 68
 Hôm nay: 1382
 Tổng số truy cập: 13601643
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa