Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Người không có lý lịch - Phạm Văn Liệu
Người không có lý lịch - Phạm Văn Liệu

Uất ức, nhục nhã, hổ thẹn, cô đi vội vàng như bị ma đuổi sau lưng. Cô chỉ biết rằng phải đi thật xa. Đi đến nơi đâu mà không ai còn biết tung tích về mình nữa. Cứ thẳng đường tàu mà đi. Đói thì ăn xin củ khoai, củ sắn đỡ lòng. Khát thì uống nước sông, nước đồng. Cô không cho phép mình gục ngã. Bây giờ mà nằm xuống là không bao giờ dậy được nữa. Ngày thứ năm, cô đã trông thấy quầng sáng thị thành. Đến được đó rồi thì làm thuê, đi ở, thậm chí là đi ăn mày nuôi thân cũng được. Cuối tháng ba, đêm tối đen, màn sương giăng trước mặt, thấm qua làn áo mỏng, làm da thịt rét buốt. Cô như thân cò trắng bị gãy cánh trước cơn giông bão cuộc đời, rơi vào hố sâu nhầy nhụa, đen tối, vô định. Cảm giác xâm chiếm tâm hồn cô lúc này là sự sợ hãi và tủi thân. Bất ngờ, ba cái bóng còn đen hơn cả đêm đen, vươn những cánh tay như những cái vòi bạch tuộc, và nhanh như cắt tóm gọn cô. Qua động thái, cô hiểu là chúng sẽ đưa cô về “động” để thỏa mãn cơn thú tính, rồi đem bán cô vào nhà chứa. Bóng đen đi trước nắm tay cô lôi đi xềnh xệch, hai bóng đen sau lăm lăm dao kiếm vừa hộ tống, vừa cảnh giác. Chúng kéo lê cô đi được một đoạn thì một bất ngờ xảy đến. Từ trong đêm đen bỗng vọt ra một bóng đen khác phóng một cú đá làm bóng đen đi đầu văng ra rìa đường, kêu hộc lên, nằm bất động. Hai bóng đen sau thấy đại ca của mình bị đốn ngã, chỉ chống đỡ yếu ớt rồi bỏ chạy. Cô tối tăm mặt mũi, tâm thần hoảng loạn, thân thể rã rời ngã khụy xuống đất. Bóng đen kia vừa nắm tay cô lôi đi, vừa hốt hoảng nói: “Chạy mau kẻo bọn chúng hội quân đuổi theo”. Cô không thể cưỡng lại được cánh tay cứng như sắt nguội của bóng đen, cũng không biết lần này là may hay rủi, cô hoàn toàn mất chủ động, chỉ biết phó mặc cho số phận. Cô không còn ý thức được thời gian nữa, chỉ nghe tiếng nói “đến rồi”. Nhờ ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn vàng vọt hắt lại, cô mới nhận ra một túp nhà xiêu vẹo. Bóng đen mở khóa rồi lôi tuột cô vào nhà như vội cất giấu một thứ đồ vật, không thèm để ý cô có muốn hay không. Đèn bật sáng. Không phải là nhà mà là cái ổ chuột thì đúng hơn. Ngập ngụa, bề bộn những là chăn chiếu, quần áo, bát đũa, chai lọ... Mùi ẩm mốc khén đặc xông lên, xộc vào mũi. Người đàn ông dùng chân té dẹp vài thứ sang một bên, để lộ ra cái giường nhỏ hẹp, rồi nói như ra lệnh “ngồi xuống đấy”. Bắt đầu cuộc nói chuyện như là cuộc hỏi cung mà cô là tội nhân. “Tên?”- người kia hỏi.  “Hận” - cô nhanh chóng chọn cho mình cái tên mới mà cô cho là phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. “Hận à, nghe có vẻ ai oán, sầu đời nhỉ? Quê?.  “Định thẩm tra lý lịch à? Đây không có lý lịch!”. “Không có lý lịch? Hay! Hợp cạ rồi. Còn tôi là Phi, cũng không có lý lịch”. Ngay từ khi lao ra khỏi nhà, dấn thân vào con đường sương gió, cô đã xác định mình cần phải cứng rắn lên và cô đã giả tạo thế “đó tám lạng, đây nửa cân” với người đàn ông lạ. “Thôi cô nằm ngủ trên giường, tôi nằm dưới đất, sáng mai tính”- Phi vừa nói vừa trải chiếu xuống đất nằm co quắp. Anh ta còn không quên dặn thêm: “Mà này, đừng có dại dột ra khỏi đây, chúng ăn thịt cô ngay. Không chừng chúng đang rình quanh nhà đấy”. “Định bắt tù tôi à?”. “Tùy, nghĩ thế nào cũng được, tôi chỉ muốn tốt cho cô”. Vừa sợ vừa mệt, cô lịm đi trong giấc ngủ. Khi cô tỉnh dậy thì Phi đã đi mất, cửa đã bị khóa. “Chúng sẽ ăn thịt cô, chúng đang rình quanh nhà” - Nghĩ đến những lời nói của Phi tối qua như từ cõi âm ty vọng lại, cô khiếp đảm, so vai rụt cổ, ngồi thu lu, bất động. Sao lắm điều tai ách thế này, cô tủi thân, nước mắt ứa trào. Mãi gần trưa người đàn ông đó mới về, tay anh xách hai túi lớn đặt ngay cạnh giường cô ngồi. Phi ngó qua như chỉ để xác định rằng cô vẫn còn đó, rồi anh lặng lẽ mở hai túi đồ. Anh khẽ nói: “Đây là quần áo, tôi chỉ ước lượng người mà mua, cô mặc tạm. Còn đây là thức ăn, nước uống cả ngày của cô, tối tôi về muộn”. Bây giờ cô mới nhìn kỹ người đàn ông tên Phi này. Dữ dằn. Cao to. Rắn chắc. Như tạc bằng sắt nguội. Má bên trái có vết sẹo dài. Ngực, bụng và hai cánh tay vô số những vết bầm tím mới cũ chồng lên nhau. Thái độ dữ dằn. Cô đoán những lời nói vừa rồi, có lẽ anh ta cố gắng lắm, và dành riêng cho phụ nữ nên mới nhẹ nhàng được như vậy. Trước khi đi, Phi còn nhắc thêm “chớ ra ngoài”, rồi khóa cửa, nhưng ngần ngại thế nào lại ném chìa khóa cho cô. Một tuần sau, cô mới dám hé cửa nhìn ra ngoài. Thấy ai đi qua, cô cũng tưởng tượng họ đang rình để bắt mình. Hàng tháng sau Phi mới cho cô ra ngoài nhưng nhất thiết phải được anh ta “hộ tống”.
Sống ở chốn toàn những thành phần bất hảo, lại phải dựa dẫm vào Phi, bất đắc dĩ, Hận mới trở thành tay chân tiêu thụ những thứ bất chính Phi chôm chỉa được. Có một lần, và cũng là lần duy nhất, Hận nghe chuyện “hắn lớn lên ở trại mồ côi. Năm bảy, tám tuổi, hắn trông lớn và khỏe mạnh hơn hẳn những đứa cùng trang lứa. Đang ở giai đoạn phát triển về hình thể, sức lực, và thay đổi về tâm lý, hắn làm gì cũng hậu đậu, đỗ vỡ, hư hỏng. Bạn bè gọi hắn là Phi, hàm ý là người bỏ đi. Có lần, người ta xúi Phi xin mụ bán ổi ở ngõ chợ mấy quả. Không những không cho, mụ còn vác đòn gánh đuổi đánh Phi. Cái sẹo bên má là dấu tích của mấu đòn gánh mụ “tặng” cho Phi lần ấy. Thiên hạ rì rầm nguyền rủa mụ “đồ loạn luân, đẻ con ra, đem ném ngõ chợ mà không thương xót!”. Nghe thủng chuyện, mặc cảm, xấu hổ, Phi trốn khỏi trại, phiêu bạt đến một thành phố xa lạ. Giường trời chiếu đất, cơm nước thiên hạ nuôi, Phi trở thành một thanh niên cường tráng. Phi lọt vào mắt xanh của một mụ nạ dòng giàu có. ở với mụ, Phi được vỗ béo, không phải làm gì, suốt ngày chỉ xem băng đĩa đồi trụy, lạ lẫm. Sau đó mụ ta lật bài ngửa, nuôi Phi để làm tình với mụ. Bất ngờ, cay đắng nhưng Phi lấy đâu ra số tiền mà mụ ta đặt ra với cái giá trên trời về những khoản mà mụ đã cung phụng anh gần tháng nay. Phi phải làm nô lệ tình dục của mụ và sau này là cả hai đứa con gái mụ cũng tuổi suýt soát như Phi. Khốn nạn hơn, mụ đem Phi đi chào hàng với mấy mụ cùng phường dâm loạn khác để “kinh doanh”. Phi thành trai bao. Ngày đêm, Phi bị máu tham lam, cuồng loạn, với nhiều chiêu trò thú vật của bọn đàn bà ác dâm cấu xé, bòn rút tận xương tủy rã rời. Phi như người mất hồn vía, lý trí, chỉ còn động chân, động tay. Hôm Phi phải đi phục vụ mấy mụ quái kiệt suốt cả ngày, vừa về ngả cái thân xác gần như bị liệt xuống giường thì đứa con gái đầu của mụ chủ sán lại đòi được thỏa mãn. Từ chối, thậm chí là van xin không được, Phi điên tiết, bóp cổ con đĩ, làm nó chết ngay tại giường. Phi hoảng hồn bỏ trốn đến đây...”.  Một nam, một nữ, sinh hoạt trong căn nhà chừng mười mét vuông, muốn hay không cũng đã quen hơi bén tiếng. Hận thành người tình miễn cưỡng của Phi lúc nào không biết...
Hai cựu chiến binh ngồi xếp bằng tròn, “ẩm tửu luận tiền” ngay hiên nhà mát mẻ. Ông chủ nhà “luận về một số thanh thiếu niên bây giờ không chịu lao động chân chính, mà lao vào con đường ăn chơi, nghiện hút, đĩ điếm, không những làm xói mòn đạo đức mà còn làm yếu đi sức vóc dân tộc... Ông khách say sưa kể về việc làm của mình: “Trước đây chúng ta chiến đấu để giải phóng con người. Bây giờ, chiến đấu để xây dựng con người. Cuộc chiến này tuy thầm lặng, không tiếng súng nhưng xem ra còn quyết liệt, cam go hơn nhiều... Tôi mở trang trại là để thu hút những người thất cơ lỡ vận, những thành phần bất hảo, giúp họ có việc làm cũng là góp phần xây dựng con người. Trong phạm vi trang trại của tôi, họ lao động trong một môi trường công bằng. Do vậy, họ phấn khởi. Họ hiểu nhau. Họ thương yêu nhau. Nhiều người bây giờ đã thành gia thất, xin ở lại xây dựng trang trại lâu dài. Tôi đã thí điểm thành công công thức đơn giản: lao động + công bằng = người tử tế”. Câu chuyện đang vào giai đoạn trăn trở về lý tưởng, hoài bão của những thanh niên hiện tại thì cậu con trai ông chủ cũng vừa về tới. “à, đây rồi, thằng con tôi làm quản giáo ở trại phục hồi nhân phẩm, ở đó chắc có nhiều chuyện nổi cộm, nó sẽ kể cho ông nghe”. Anh chàng trung úy trẻ không cần ai đặt câu hỏi đã hồ hởi vào chuyện: “Dạ, đúng là phức tạp lắm ạ... Điển hình là có hai nhân vật vào trại hơn năm nay, với tội danh ăn cắp. Cả hai đều ngang ngạnh, lắm thủ đoạn. Đặc biệt diễn biến tâm lý phức tạp, mang nặng nỗi u uẩn, tuyệt vọng, không ai hóa giải nổi. Bên An ninh gửi vào trại với phần khai cá nhân “người không có lý lịch”. Bên trại cũng đã tìm hiểu nhưng họ chỉ khai là không cha mẹ, người thân, không quê hương, xứ sở”. Ông khách có vẻ đặc biệt chú ý hai người này: “Nói thật, tôi không đồng tình lắm với cách nhìn người kiểu chủ nghĩa lý lịch. Nhưng kinh nghiệm nhiều năm tiếp xúc với những người lầm lỗi, tôi ngờ rằng hai người này có căn nguyên bất thường nào đây”. Ông ướm hỏi anh công an: “Tôi có thể gặp và nếu cần tôi có thể đứng ra bảo lãnh họ được không?”. Ông có vẻ suy tư: “Cứu người phúc đẳng hà sa, cậu ạ”. Nghe vậy, anh chàng trung úy vội thông báo: “Dạ, nhưng gần đây khi theo xe của trại ra ngoài lấy thực phẩm, cả hai đã dũng cảm giúp công an bắt tên cướp nguy hiểm có vũ khí, nên được tuyên dương thành tích và được cho ra trại trước thời hạn. Khi nào họ ra, cháu sẽ báo cho bác”.
Phi và Hận đã về với ông Thống. Cả hai được đi thăm một vòng trang trại rộng gần trăm mẫu. Trang trại chia thành nhiều khu: Khu trồng lúa chất lượng cao, khu chăn nuôi gia súc gia cầm, khu sản xuất đồ mộc, khu cơ khí chế tạo,... Phi làm ở tổ cơ khí. Với thân hình vạm vỡ, cơ bắp rắn rỏi, dẻo dai, anh đã chọn đúng đất dụng võ. Anh làm việc không biết mệt. Giờ nghỉ, Phi lại đi vài đường quyền mà anh học được trong quãng đời giang hồ bụi bặm, một phần là “văn ôn võ luyện”, một phần là để các bạn “thưởng ngoạn chơi”. Anh nhanh chóng thân thiện, hòa nhập với cuộc sống lao động, với cộng đồng, đoạn tuyệt quãng đời tội lỗi, xấu xa. Thời gian sống giang hồ, Hận đanh đá, chua ngoa, nhìn ai cũng phải cố tìm ra chỗ yếu của họ để đối phó, gặp hoàn cảnh nào cũng phải dở chiêu lừa lọc, ăn thua để tồn tại. Bây giờ, Hận cảm thấy mình không đáng được đối xử công bằng. Bởi dù sao tay cô cũng đã nhúng chàm! Cô không dám nói to, không dám đi mạnh, cứ co ro trong cái vỏ ốc mặc cảm. Hận tiếp nhận chân giá trị của thân tình, nhân ái có phần nhọc nhằn, trăn trở hơn. Trong tổ chăn nuôi với Hận, có chị biết được nỗi niềm tâm sự của cô, đã cố gắng khuyên nhủ: “Thôi em ạ, chị biết đàn bà chúng mình dễ bị tổn thương. Em cứ coi những sai lầm trong quá khứ như là một trận ốm nặng, bây giờ thuốc thang, kiêng khem sẽ khỏi. Như chị, ngày trước, làm công nhân, có tài cán gì đâu, chỉ có chút nhan sắc trời cho. Muốn chiếm đoạt chị, thằng dê già “nâng đỡ”, đội chị lên chức tước vù vù. Từ công nhân bình thường lên cấp phó rồi trưởng phòng. Không biết mình bị lợi dụng, chị say máu công thần, thế tận hưởng danh lợi.  Chúng xúi chị mua bằng cấp dán vào lý lịch, đưa chị lên đến chức phó giám đốc. Thế là nó được cả tình, lại được thỏa sức móc tiền nhà nước, thông qua “bù nhìn” là chị. Đoàn kiểm tra về, chúng tìm ra sai phạm và hủy lý lịch của chị, chị lãnh đủ. Ra tù, không còn đường quay lại: quê hương dè bỉu, cửa nhà tan nát. Chị xấu hổ, lang thang như loài cú vọ, ban ngày sống chui rúc, ban đêm mới dám ló mặt ra! Nghe tin bác Thống mở trang trại, chị xin đầu quân. Lúc đầu chị cũng thấy “nặng nợ” lắm. Được cho ăn, cho việc làm, được đối xử công bằng. Bây giờ chị sống thoải mái, thu nhập khá, chị đã hoàn lương - chị cười rổn rảng - đang xem có thằng nào ở đây rổ rá cạp lại cũng được, cho yên bề...”. Nghe lời chị, Hận vui vẻ lao vào công việc. Cô yêu thích, say sưa chăm sóc những con vật nuôi quên cả thời gian. Cô đã bớt dần nỗi u hoài, sống chan hòa, cởi mở hơn với các chị em trong tổ. Ông Thống vui mừng thật sự. Thấy cô tính toán thông thạo, ông hỏi về chuyện học hành, cô chỉ lắc đầu buồn bã. Tuy vậy, ông vẫn có ý định đưa cô lên làm kế toán. Ông phát hiện Hận có cái vòng bằng đồng đeo ở cổ tay mà lâu nay cô vẫn có ý giấu giếm. Chã lẽ một con bé ma cô một thời tung tẩy ở thành phố lại chỉ có cái vòng trang sức bằng đồng mà không phải bằng vàng hay một thứ kim loại quý khác? Ông gặng hỏi, Hận lảng tránh, không trả lời. Ông thầm nghĩ chắc đó là vật chứng của một kỷ niệm buồn. Ông nhớ tới hai cái vòng tay cũng bằng đồng... Và từ hôm ấy chuyện “cái vòng đeo tay bằng đồng” cứ trăn trở trong lòng ông. Ông biết Hận và Phi thân nhau, thăm dò cái anh chàng thô lậu, bộc trực này có lẽ có chút ít thông tin. “... Cô ấy giấu kín việc này lắm. Cháu cũng chỉ trông thấy cái vòng ấy đôi lần. Hỏi nhiều thì cô ấy nổi khùng, chửi té tát, cháu cũng chỉ có biết vậy”. “Chả lẽ...?” - ông càng day dứt trong lòng.
Ngày chủ nhật, ông Thống thả bộ quanh trang trại. Ông gặp đôi nam nữ trò chuyện dưới bóng cây. Ông lên tiếng từ xa: “Các cháu có chuyện gì mà vui vẻ thế, có thể cho bác nghe với được không?”. Phi lúng túng: “Dạ... chào bác Thống, không có gì đâu ạ?”. Cả hai lúng túng. Hận lảng sang chuyện khác: “Đứng đây nhìn toàn cảnh mới thấy trang trại ta giàu đẹp quá phải không bác?”. “Cũng là nhờ vào sức lao động của mọi người mà hôm nay mới được như thế. Trước đây toàn bộ khu đất này hoang hóa. Bác tiếc quá đã bán hết gia tài, mua để làm trang trại. Bác muốn làm một việc gì đó đem lại chút lợi ích cho mọi người và cũng là để khuây khỏa một nỗi buồn rất lớn trong đời”. Hận sửng sốt: “Bác có nỗi buồn gì mà lớn như vậy ạ?”. Ông Thống bộc bạch: “Đã từ lâu bác đào sâu chôn chặt chuyện buồn này. Nhưng hôm nay, cháu đã hỏi thì bác kể ... Cưới vợ được một tuần thì bác nhập ngũ. Bác chỉ nhận được duy nhất một lá thư vợ gửi báo tin “Chúng mình đã có con, con gái, xinh và ngoan lắm”. Sau đó bác vào B5 chiến đấu suốt gần chục năm nữa. Chỉ tưởng tượng ra con mình qua những dòng chữ thân yêu của vợ, bác đã hạnh phúc lắm. Khi đất nước thống nhất, bác khấp khởi vui mừng trong lòng vì mình sắp được trở về nhà và ôm gọn trong vòng tay đứa con gái bé bỏng. Nhưng đến đầu làng thì bác rụng rời tay chân khi biết vợ và con bác đã bị sát hại vì một quả bom kẻ thù ném trúng hầm trú ẩn. Nếu không có bản lĩnh quân nhân kiên định, không có tình người chườm đắp vết thương lòng thì bác đã không thể sống tiếp trên cõi đời này”. Bất thần, không còn gìn giữ ranh giới, khoảng cách, Hận ôm lấy ông Thống. Hận  nghẹn ngào: “Bố cháu cũng là bộ đội. Nhưng khác là mẹ cháu còn mà bố cháu đã hy sinh...”. Bí mật của đời cô dần được tiết lộ, cả Phi và ông Thống đều sửng sốt. Ba người chụm lại, xích lại gần nhau hơn. Im lặng chốc lát, ông Thống nắm tay Hận, kéo tay áo cô lên, lộ ra chiếc vòng tay bằng đồng. Ông nói bằng giọng cảm thán: “Có phải chiếc vòng tay bằng đồng này...?”. “Vâng, đây chính là kỷ vật thiêng liêng của bố cháu... Ngày đó có anh bộ đội từ chiến trường đem về cho mẹ con cháu tư trang liệt sỹ, trong đó có hai chiếc vòng bằng đồng. Anh bộ đội ấy kể, trước khi mất, bố cháu trăng trối lại rằng “Tôi ký thác lại cho vợ và con gái tôi... nếu còn sống, nhờ đồng chí chuyển đến tận tay...”. Ông Thống thất thần, lảo đảo, ôm riết lấy cô gái vào lòng. Ông gần như gào lên: “Trời! Cháu là Hà, con mẹ Hoa? Bác chính là người mang hai cái vòng tay bằng đồng mà bố cháu chế tác bằng vỏ đạn ở chiến trường về cho mẹ con cháu đây! Mà sao cháu tôi thay đổi đến thế này? Sao cháu lại đổi tên là Hận? Vì sao? Vì sao?...”. Ông nhìn Phi. Anh chàng đã lấy lại bình tĩnh sau khi nghe câu chuyện của hai người. Hồi nhớ lại chuyện cách đây dăm năm trước, Phi kể lại: “Khi đã tin nhau, Hận nhờ cháu lần theo địa chỉ cô ấy cung cấp, làm cuộc điều tra bí mật về một gia đình. Đến đầu làng, cháu tìm cách tiếp cận bà chủ quán nước và một số người có mặt tại đó thì được biết rằng vợ chồng cô Hoa có một cô con gái xinh tươi, ngoan hiền, tên là Hà. Gia đình họ sống hạnh phúc. Vợ chồng đều là giáo viên cấp ba. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chồng cô Hoa tạm xa mái trường, xa vợ con thương yêu, lên đường đánh giặc. Khi con gái được mười tuổi thì người bố hy sinh nơi chiến trường. Sau đó có nhiều người muốn cùng cô Hoa xây đắp hạnh phúc mới nhưng cô đều từ chối, một mình nuôi dạy con gái ăn học. Không phải cô không có nhu cầu thường tình của một người đàn bà xinh đẹp đang độ tuổi thanh xuân, nhưng mỗi khi nghĩ đến cảnh con chung, con riêng thì cô lại ái ngại. Càng thương nhớ chồng, cô càng dồn hết tình thương yêu cho đứa con sớm mồ côi cha. Khi con gái học cấp ba, cô Hoa ngã lòng, về chung sống với một đồng nghiệp. Những năm đầu, chồng mới của cô cũng giữ lời hứa chăm sóc đứa con riêng của vợ. Nhưng năm Hà thi đậu vào đại học thì chồng Hoa lộ nguyên hình là tên “yêu râu xanh”. Lợi dụng hôm vợ vắng nhà, hắn quyết định cưỡng đoạt đứa con riêng của vợ. Hắn như con hổ đói lao vào đứa con gái ngây thơ, yếu ớt như con thỏ non. Hà bị ông bố dượng cắn xé, ngấu nghiến thân xác. Cô gái hoảng loạn, cố gắng dùng chút sức bình sinh cuối cùng cắn điên cuồng vào vai, vào cổ hắn. Nhưng cô không thể thoát khỏi thân xác lực lưỡng và hai cánh tay cứng như hai gọng kìm sắt đè nghiến, xiết chặt của tên dâm bạo vốn đã có âm mưu từ trước. Hà đã bị thất thân! Tỉnh dậy sau trận hãm hiếp, thân xác bị giày vò đến ngất xỉu, Hà nhìn tên khốn nạn như con lợn no nê đang nằm ngủ say trên giường. ánh mắt rằn lên những tia lửa của cô dừng lại ở chiếc kéo may của mẹ để sẵn trên bàn. Hà điên cuồng vớ lấy, trút tất cả lòng hận thù vào hai tay, cô dùng chiếc kéo nhọn đâm liên tiếp vào tên súc sinh đó. Máu tóe ra khắp giường, bắn cả lên trần thành từng vệt dài như những dòng bút lục bằng máu trong bản án cưỡng dâm. Đôi tay run run của Hà khựng lại khi cô nhận ra tên khốn nạn đã chết. Khi định thần lại, Hà vội cởi bỏ bộ quần áo đã bị xé rách te tua, vấy bẩn dòng máu tởm lợm của gã bố dượng. Sau đó cô vơ vội vài thứ cần thiết rồi lao ra khỏi nhà... Vụ án kinh hoàng đã thu hút sự chú ý của người dân xung quanh. Mọi người cho biết thêm, dấu vết để lại hiện trường đã khẳng định sự việc. Tuy nhiên, nhân chứng quan trọng của vụ án đã biến mất nên cơ quan pháp luật phải gác lại, để lại sự khinh bỉ, căm ghét lâu dài cho kẻ khốn nạn...”. Nói đến đây Phi bỗng dừng lại. Anh hướng mắt về phía ông Thống, rồi cất giọng trầm trầm: “Trong thâm tâm cháu đã nghĩ Hận chính là cô Hà đó nhưng cô ấy cứ chối bay chối biến. Cô ấy tuyên bố không được nhắc lại chuyện này, nếu để lộ ra cô ấy sẽ cắn lưỡi tự tử. Cháu sợ... nhưng hôm nay...”.
            

P.V.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 63
 Hôm nay: 794
 Tổng số truy cập: 13601055
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa