Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Người đàn ông vá rào đá (Truyện ngắn)
Người đàn ông vá rào đá (Truyện ngắn)

PHAN ĐỨC LỘC

Người đàn ông vá rào đá

Pú Xi vào mùa gió đui. Những cơn gió sắc như lá cỏ lau, xiên trước, chọc sau, thốc dọc, thọc ngang, chẳng theo quy luật nào cả. Vườn cải đương độ hoa vàng đổ rạp ngổn ngang. Mấy con gà nhiếp trốn trong hốc cây pằng di ẩm mục, run bần bật. Cạnh đó, con trâu bạc già nua cứ hết cọ đầu vào chân trái rồi cọ đầu sang chân phải, tiếng lục lạc giòn lốc cốc, tan vào trong gió mang mang. Gió chui qua các kẽ hở trên hàng rào đá, vi vu, hoang hoải…
Từ đời ông sang đời bố, đến đời Pó, hàng rào đá vẫn đứng đó, phơi nắng, tắm mưa, oằn oèo, vẹo xiêu nhưng chưa bao giờ đổ sập. Nó chắn gió. Nó ngăn thú rừng. Nó là nơi mẹ Pó đứng ngóng về những đỉnh núi mịt mùng mây khói xa xăm. Pó mang lù cở ra suối nhặt đá về vá hàng rào. Suối cạn trơ đáy, rêu bám dày nhơn nhớt trên những phiến đá thâm u. Pó chọn những mảnh đá dẹt và sắc, chẳng mấy chốc mà đầy lù cở. Đang định trở về, Pó giẫm trúng một viên đá mặt trăng chừng bằng ngón tay cái, nhẵn thín. Pó mừng quýnh lượm viên đá lên, thổi phù rồi kéo gấu áo chùi khẽ, vân đá mịn màng sáng lên lóng lánh. Chắc cái Chua sẽ thích lắm đây! Nghĩ thế, Pó cõng lù cở đá, nhằm hướng nhà ông thợ bạc mà đến…
May quá, hai chiếc nhẫn bạc của Pó vừa đủ đổi một sợi dây chuyền đính đá mặt trăng. Pó cõng lù cở đá về nhà, lòng xôn xao, khấp khởi. Dốc cao bẻ gập đầu gối nhưng Pó vẫn bước chắc chân. Đầu Pó nghĩ tới Chua, quên luôn cái mệt. Đến cổng cũng vừa lúc mặt trời lên ngang bằng ngọn pằng di. Pó đổ đá ra, tỉ mẩn vá vào những cái lỗ hổng trên hàng rào. Trai tráng ở Pú Xi, ai cũng thạo việc này. Chưa xếp được rào đá thì làm sao đủ sức lấy vợ. Pó năm nay vừa tròn hai mươi, tuổi thì đủ rồi, hàng rào đá cũng dựng được rồi, nhưng chưa đủ tiền thách cưới. Bố Pó mất, để lại món nợ to bằng ba con trâu mờm. Thành thử, mùa nối mùa, bao nhiêu ngô, lúa hai mẹ con làm ra đều bám gót chân chủ nợ tản đi khắp nẻo. Nhà Pó nghèo, nghèo đến mức con chuột mới chui vào liền lật đật chui ra, nghèo tới nỗi bát đĩa trong chạn tựa đầu vào nhau lạnh ngắt. Chỉ những cơn gió đui đến mùa là quẩn quanh thổi rạp. Pó phải vá kĩ hàng rào đá lại để giữ cái vía lành, vía tốt trong nhà mình. Hồi bé, Pó từng nghe ông nội bảo “hàng rào đá cũng giống như lòng người, qua thời gian sẽ mang thêm nhiều vết thương và khoảng trống”. Sau này lớn lên, bước ra cuộc đời rộng lớn muôn màu ngoài kia, Pó mới hiểu hết một phần câu nói ấy. Chỗ đá Pó cõng về chỉ đủ vá một nửa hàng rào…
Buổi chiều, Pó lại ra suối tìm đá. Loại đá vá hàng rào phải là đá suối láng mịn, săn chắc, để lúc trời nóng, đá nở ra vừa khít cả hàng rào, con ruồi, con ong cũng không chui qua được. Thời tiết Pú Xi đỏng đảnh như tính nết người con gái đang yêu. Mới sáng còn se se lạnh, hơi sương bảng lảng giăng khắp không gian, chiều về đã nóng hầm hập, nắng vàng như trấu nếp. Pó cởi trần, quàng chiếc áo ngang cổ rồi cõng một lù cở vun đầy đá, bước băng băng về nhà. Đến đỉnh con dốc Mã Quỳ, nơi cây pằng di trụi lá mọc cô đơn như kẻ thất tình, Pó gặp một người đàn ông lạ đứng gần chiếc ô tô hồng, chĩa máy ảnh vào Pó, chụp lia lịa. Pó đưa tay lên che mặt:
- Ông làm gì đấy?
- Tôi là một nhiếp ảnh gia. Cho tôi chụp cậu một vài bức được không?
Pó xua tay:
- Ây dà, không được! Không được! Tôi thì có gì mà chụp. Ông xóa ngay đi!
Nói rồi, Pó cứ bước xăm xăm, không ngoái đầu lại. Gã nhiếp ảnh gia vẫn tấp tởi chạy theo Pó, chụp trộm từ sau lưng. Rồi hắn cứ lải nhải bên tai Pó:
- Khoan đã, chàng trai. Dừng lại nghe tôi bảo. Tôi sẽ trả tiền mẫu ảnh cho cậu. Cậu không thiệt đâu mà sợ!
Gã nhiếp ảnh gia rút ra một điếu xì gà, châm lửa, đưa cho Pó. Mùi thuốc xì gà xông vào cánh mũi Pó, thơm ngây ngất, khác hẳn mùi thuốc lào mà Pó vẫn hay hút. Pó cầm lấy điếu thuốc, chân đi chậm lại một nhịp. Gã nhiếp ảnh gia nói liên hồi như tiếng gió đui thổi qua hàng rào đá:
- Tôi đã có thâm niên hai mươi năm chụp ảnh cho nhiều người mẫu nổi tiếng, nhưng chưa gặp một người nào có hình thể chuẩn mực và ăn ảnh như cậu. Một chiều cao vừa đủ, cơ bụng săn, bắp chân chắc, nước da rám nắng khỏe khoắn và đặc biệt là gương mặt góc cạnh hút hồn có thể bắt trọn mọi khoảnh khắc.
- Thì sao nào? - Pó đưa đôi mắt cương nghị nhìn gã nhiếp ảnh gia - Ông đừng đi theo tôi nữa. Tôi bận lắm.
- Tin tôi đi, ngoại hình của cậu rất đáng đồng tiền bát gạo. Cậu sinh ra để thành siêu mẫu chứ không phải để làm mấy thứ công việc chân tay nặng nhọc, tầm thường này đâu! Tôi không vòng vo dài dòng nữa, nói tóm lại, nếu có chiến lược truyền thông phù hợp, cậu sẽ trở nên giàu có.
Pó bước qua cổng nhà mình. Những cơn gió đui hốt bụi vãi tứ tung. Con trâu bạc đứng chôn chân nơi vườn cải giương cặp sừng bóng nhọn và đôi mắt đen thẳm chào vị khách lạ. Gã nhiếp ảnh gia hơi giật mình, chỉ dám đứng khép nép bên ngoài, ngóng theo. Đúng lúc ấy, một người phụ nữ tóc vàng gọi gã nhéo nhẳng. Gã rút ví lấy hai tờ năm trăm nghìn gấp lại, nhét ngay ngắn vào kẽ hở trên hàng rào đá:
- Tiền cát-xê của cậu nhé. Nếu không phiền thì sáng mai, tôi sẽ đến nhà cậu để bàn chuyện rõ hơn. Tôi có chút việc bận với phòng Văn hóa rồi. Chào cậu!
Tối đến, tiếng chó sủa râm ran khắp bản. Pó mang sáo tới ngồi vắt vẻo bên hàng rào đá nhà Chua, thổi véo von. Trăng đủng đỉnh thả xuống những tia sáng huyền hồ, mê mị khiến tiếng sáo thêm chùng chùng, da diết. “Anh chỉ biết yêu em bằng lời sáo/ Nỗi đợi lên rêu vách nhớ tâm hồn/ Pằng di rụng lá đêm trăng/ Ý nghĩ chạm vào nhịp lẻ/ Bao giờ chúng ta thành đôi/ Em về nhuộm lanh dệt vải/ Anh cõng đá xây nhà mới trên đồi/ Những đứa trẻ lớn nhanh như măng nứa”. Chua thổn thức mở khẽ ô cửa sổ hướng về phía bờ rào đá, không dám bật đèn. Một lát sau, Chua đã bước đến cạnh Pó. Cả hai không nói lời nào, Pó ngừng sáo, nắm chặt lấy bàn tay Chua, chạy về phía con dốc Mã Quỳ. Những cơn gió đui tốc vào mặt hai đứa buôn buốt…
- Anh có cái này tặng Chua!
Sợi dây chuyền mặt trăng bắt ánh trăng tỏa ra thứ ánh sáng xanh lam óng ánh.
- Đẹp quá! - Chua thốt lên rồi tần ngần. - Chắc nó đắt tiền lắm?
- Không mất đồng nào cả. Viên đá này, anh tìm được ngoài suối.
- Thế còn sợi bạc? - Bất giác, Chua nắm lấy những ngón tay thô ráp của Pó, giọng run run. - Anh mang hai chiếc nhẫn bạc đổi lấy sợi dây chuyền này à?
Pó gãi gãi đầu. Chua dúi lại sợi dây chuyền vào tay Pó:
- Em không dám nhận đâu! Em có vòng bạc rồi. 
- Em cứ nhận cho bụng anh vui. - Pó đeo sợi dây chuyền vào cổ Chua - Anh mới có tiền, mai anh mua chiếc nhẫn khác.
- Anh mới tìm được việc gì à?
- Chiều nay, anh đã gặp một người đàn ông ngay dốc Mã Quỳ này…
Nhà Pó đã nghèo, nhà Chua còn nghèo hơn. Có những cái tết, gác bếp nhà Chua chẳng treo miếng thịt nào. Nhà Chua sáu chị em gái. Bố mẹ Chua đã già nua còm cõi cả rồi. Chua là chị cả, việc gì cũng đến tay. Đôi tay Chua không chỉ biết xe lanh dệt vải, cấy lúa trồng ngô mà mấy việc của con trai như cày nương, bửa củi, Chua cũng đều làm nhoay nhoáy. Lần ấy, Chua sang nhà Pó mượn con trâu bạc đi cày nương xa. Con trâu này vốn khó tính khó nết, hay vùng vằng vô cớ. Đến cả Pó đôi khi còn phải nhường nó mấy phần. Vậy mà chẳng hiểu sao, nó nghe lời Chua răm rắp, lưng lửng chiều đã cày xong vạt nương lô nhô đá sỏi, rộng cả một quăng dao. Nhá nhem tối, Chua lưng cõng lù cở ngô bắp, vai vác bó cỏ tươi, tay dắt con trâu sang nhà Pó trả. Pó đỡ lấy bó cỏ, cột trâu vào gốc pằng di, xởi lởi:
- Nhà này có ngô rồi! Không lấy ngô đâu lớ. Chỉ lấy cỏ thôi! Lúc nào cần trâu thì cứ sang mượn nhé. Để nó rỗi chân quá, nó lại hư!
Câu nói của Pó khiến lòng Chua ấm áp như ngồi bên bếp lửa. Chua bẽn lẽn:
- Vâng, em về.
 Khi cây ngô trên nương bén rễ thì tình yêu của họ nhú mầm. Bố Chua bảo: “Thằng Pó nó đẹp trai, tốt bụng nhưng nhà nghèo lấy nhà nghèo thì khác gì hai cái cây không rễ tựa vào nhau, một cơn gió đui thổi qua là đổ ập”. Trong bản, thằng Lầu cũng thích Chua từ lâu mà không dám thổ lộ. Thằng Lầu không đẹp trai bằng Pó nhưng cái bụng nó tốt ngang bụng Pó, nhà nó lại có hai chiếc xe máy, mấy đồi ngô rộng hút mắt và một bầy trâu đông kìn kịt. Lầu không biết thổi sáo. Lầu chỉ biết đứng từ đằng xa, nhìn bóng Chua và bóng Pó đan vào nhau mà lòng thắt nghẹn. Ấy vậy, Lầu vẫn không chịu bỏ cuộc. Thi thoảng, Lầu lại mang biếu nhà Chua khi thì miếng mỡ lợn nần nẫn, lúc thì hũ muối trắng ngần, chục quả trứng gà, cặp ngan, đôi ngỗng... Chua nguầy nguậy từ chối nhưng bố mẹ Chua cứ nhận tất rồi cấm Chua gặp Pó. “Mày dốt lắm, con gái à. Mày mở đôi mắt ra mà nhìn cho rõ, bố mày nghèo lấy mẹ mày cũng nghèo, cả đời lo cái ăn cho mấy chị em mày không nổi. Cây khôn không mọc trên đất cằn. Ngựa khôn không giẫm lại dấu chân cũ. Con gái khôn phải chọn chồng cho kỹ, con ơi!”. Lời bố nói không chui được vào đầu Chua. Trên đất cằn, cỏ dại, tam giác mạch và cây cải mèo vẫn xanh tốt đấy thôi. Con ngựa giẫm lại dấu chân cũ là con ngựa biết tìm đường về nhà. Trái tim Chua chỉ có Pó…
Khuya ấy, những cơn gió đui vẫn quăng quờ ngang dọc như muốn lật tung hàng rào đá Pó mới vá xong. Pó vân vê hai tờ tiền mới cứng xam xáp trong lòng tay mướt mồ hôi, đầu trằn trọc suy nghĩ mông lung. Chỉ cần cho người ta chụp vài bức ảnh đã có chừng này tiền, bằng dăm bao tải ngô chứ ít gì. Sao lại có cách kiếm tiền dễ vậy nhỉ? Hay ông thợ ảnh đưa nhầm tiền? Pó trở dậy, bật công tắc đèn, soi mặt mình vào gương. Khuôn mặt vuông vuông với phần quai hàm hơi nhô ra loăn xoăn râu quai nón. Hai hàng lông mày rậm che chắn cho đôi mắt sâu lay láy. Pó nhìn nghiêng, thấy sống mũi mình thẳng tắp. Đúng là Pó chẳng bao giờ quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình. Trai tráng ở rẻo cao này chỉ cần vâm váp, khỏe mạnh là được, để trèo núi không mỏi gối, xay ngô không mỏi tay, cõng đá không mỏi lưng, uống rượu không mỏi bụng. Pó tắt đèn, trở lại giường nhưng vẫn chưa chợp mắt nổi. Hết trở lưng vào trong, Pó lại lật lưng ra ngoài. Làm cái nghề như ông kia bảo kiếm được nhiều tiền vậy sao? Nếu vậy thì một hai tháng, mình sẽ đủ tiền cưới vợ. Bố mẹ Chua sẽ không chê mình nghèo nữa…
Tảng sáng, Pó vừa kẽo kẹt mở cánh cửa cổng ọp ẹp thì chiếc ô tô màu hồng đậu cách cổng nhà mình mấy bước chân. Gã nhiếp ảnh gia bước ra, co ro trong áo khoác bùng nhùng, cổ đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh. Hắn nhìn Pó như thể nhìn một người bạn thân quen lâu ngày gặp lại:
- Chào cậu. Tôi không làm phiền cậu chứ?
- Không!
- Tôi có thể vào thăm nhà cậu được không?
- Được!
Gã nhiếp ảnh gia rón rén bước vào nhà Pó. Trong khi Pó vào bếp hâm lại nồi nước lá pằng di mời khách, mắt gã nhiếp ảnh gia cứ dán chằm chằm lên mấy cái lỗ thủng trên mái nhà. Hắn nói đầy ẩn ý, đúng là vùng đất cằn lại hay sản sinh ra cây quý. Hắn vẽ ra trước mắt Pó tương lai rộng mở và lấp lánh ánh sáng tại một thành phố lớn. Ở đó, Pó chẳng cần đụng chân, mó tay vào việc gì cả, chỉ cần đứng làm mẫu cho người ta chụp ảnh là thu được bộn tiền. Nếu chăm chỉ, chịu khó, mỗi tháng kiếm được năm chục triệu là chuyện thường. Năm chục triệu? Năm chục triệu bằng cả hai con trâu mờm hoặc hai chiếc xe máy nhà thằng Lầu. Vậy Pó chỉ cần làm một năm là bằng tất cả tài sản nhà thằng Lầu cộng lại. Khi ấy, chẳng còn ai dám coi thường nhà Pó. Pó sẽ đường hoàng đón Chua về làm vợ, lo cho vợ và mẹ một cuộc sống đủ đầy. Đám cưới Pó sẽ thịt thật nhiều lợn, nhiều trâu, mời khắp bản trên, bản dưới. Nghĩ đến đó, lồng ngực Pó lâng lâng niềm vui. Một tàn lửa chạm vào mu bàn tay Pó kéo Pó ra khỏi dòng tưởng tượng. Pó nhìn sâu vào mắt gã nhiếp ảnh gia:
- Ông có lừa tôi không đấy?
- Cậu nhìn lại nhà cậu xem có cái gì đáng giá để tôi lừa đây? Tôi tiếc cái ngoại hình của cậu nên mới nhiệt tình vẽ đường cho cậu. - Gã nhiếp ảnh gia vỗ vai Pó. - Tất nhiên, tôi cũng có lợi một nửa chứ tôi đâu rảnh mà làm không công!
Pó quyết liều một phen, được ăn cả, ngã cũng chẳng có gì để mất. Mẹ Pó và Chua tiễn Pó ra đến con dốc Mã Quỳ. Chua e ấp vùi đầu vào ngực Pó. “Anh đi bao lâu, em cũng đợi. Chỉ sợ đến lúc anh có tiền rồi, anh quên con đường về bản”. Pó nắm lấy tay Chua bịn rịn. “Anh sẽ về sớm thôi”. Những lời ca ngày cũ cứ tha thiết tuôn ra: “Bao giờ chúng ta thành đôi/ Em về nhuộm lanh dệt vải/ Anh cõng đá xây nhà mới trên đồi/ Những đứa trẻ lớn nhanh như măng nứa”. Pó ngồi lên ô tô gã nhiếp ảnh gia xuống thành phố lớn. Đời Pó không sợ nắng, chẳng sợ mưa, vứt đâu cũng sống được, nhưng lần đầu tiên ngồi ô tô lại bị say xe đến lộn ruột. Đi được nửa quãng đường, bụng dạ Pó mới quen hơi xe. Đúng là ô tô chạy nhanh hơn con ngựa, ghế xe êm hơn yên ngựa. Mỏi mắt, Pó mơ màng chìm vào giấc ngủ…
Pha phanh xe gấp của gã nhiếp ảnh gia khiến Pó gập đầu về phía trước, giật tỉnh. Bên ngoài cửa sổ, thành phố hiện ra với con đường dài trải nhựa thẳng tắp, xe cộ đông nghìn nghịt. Hai bên đường, nhà cao tầng mọc chen chúc. Một vài biển quảng cáo đã nhấp nháy ánh đèn xanh đỏ. Ô tô rẽ vào một nhà hàng hải sản sầm uất. Gã nhiếp ảnh gia đi trước, Pó rụt rè theo sau. Mọi người cứ hiếu kì len lén nhìn Pó. Chắc bộ quần áo làm bằng vải lanh của Pó trông lạ quá. Gã nhiếp ảnh gia mời Pó món cua hoàng đế hấp. Lần đầu tiên trong đời, Pó thấy một con cua to đến vậy. Pó lóng nga lóng ngóng chẳng biết tách thịt con cua thế nào. Gã nhiếp ảnh gia cầm kéo rạch nhanh một đường trên chân cua, gắp ra thớ thịt màu trắng cam mềm mướt đút cho Pó. Chần chừ nhìn miếng thịt cua, Pó khẽ há miệng. Vị thịt ngọt đậm, khác hẳn thịt cua đá mà Pó vẫn hay bắt ngoài suối. “Cậu ở trên kia chắc được ăn nhiều sơn hào rồi, giờ nếm qua hải vị xem sao. Cua này năm triệu một cân đấy”. Miếng thịt cua vừa chui tuột xuống dạ dày, Pó đưa tay lên miệng. Năm triệu đồng một cân? Pó đã vừa nuốt xong mấy mùa ngô vào bụng. Đọc được suy nghĩ của Pó, gã nhiếp ảnh gia cười hềnh hệch. “Tôi mời, không trừ vào tiền cát-xê của cậu đâu mà sợ. Ăn cho khỏe, cho đẹp còn làm việc. Sắp tới bận rộn lắm đấy”.
Xuống thành phố, gần như cái gì với Pó cũng là lần đầu tiên. Ngày làm việc đầu tiên, Pó chụp hình cho một cửa hàng đồ cưới. Lần đầu tiên, Pó được mặc áo vest. Bộ quần áo sang trọng và cô dâu xinh đẹp bên cạnh khiến Pó bối rối. “Tôi không chụp ảnh với người con gái khác đâu. Tôi có người yêu rồi. Chua biết được thì Chua buồn lắm”. Gã nhiếp ảnh gia phải giải thích: “Đây là diễn, diễn chứ không phải thật, cậu hiểu không? Chụp xong ai về nhà nấy chứ có liên quan gì đến nhau đâu mà sợ? Hợp đồng ký với người ta rồi, cậu không chụp thì đền gấp mười lần, ốm tiền”. Pó đành đứng im như pho tượng đá, mặc cho cô người mẫu hết nắm tay lại ôm eo, bá cổ. Nhiếp ảnh gia liên tục càu nhàu: “Tương tác với bạn diễn, cười lên nào, nhìn đắm đuối vào mắt nhau”. Pó ngượng nghịu làm theo. Sau một ngày làm việc ròng rã từ trưa đến tối mịt, Pó nhận ra làm người mẫu không hề đơn giản. Đứng bất động còn mệt hơn hoạt động. Chân tay Pó mỏi rã rời như vừa cày xong cả quả đồi. Đổi lại, tay nhiếp anh gia chia cho Pó năm triệu. Pó đếm đi đếm lại hai mươi lăm tờ hai trăm nghìn đỏ mới. Đời Pó chưa bao giờ kiếm tiền dễ đến vậy, nhanh đến vậy, nhiều đến vậy.
Những ngày làm việc tiếp theo cũng diễn ra suôn sẻ như dòng nước suối chảy vào ống bương. Pó dần quen việc. Gã nhiếp ảnh gia vẫn chia thù lao cho Pó sòng phẳng. Hắn nói, hắn xem Pó như tri kỉ nên mới cho Pó ở miễn phí cùng nhà. Hắn còn mua tặng Pó một chiếc iphone mới, hướng dẫn Pó những tiện ích cơ bản. Mấy ngày sau, hắn dạy Pó cách chơi Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo… Chừng nửa tháng thì Pó dùng điện thoại sành điệu. Gã nhiếp ảnh gia điều khiển Pó bằng những món đồ đắt giá. Những đồng tiền xanh đỏ dẫn lối, đưa đường cho Pó đến một thế giới thượng lưu xa hoa, tráng lệ, khác hẳn cái bản nhỏ nằm chênh vênh bên sườn núi như một chiếc tổ chim bị bỏ hoang. Những bức ảnh Pó đăng, lượng like tăng vùn vụt. Pó nổi tiếng thật rồi. Pó quên mình là một chàng trai bản, có những hôm còn không thấy nhớ Chua. Gã nhiếp ảnh gia dạy Pó, làm người mẫu chỉ để lấy cái danh đi dự event. Pó ném mình vào các cuộc vui đến tận đêm khuya. Đối tác của Pó thường là những máy bay bà già lẳng lơ gắn mác doanh nhân. Họ nâng ly rượu lợi dụng chúc tụng để đụng chạm vào da thịt Pó như sờ thử một viên kim cương quý hiếm. Họ nhìn vào giữa hai đùi Pó bằng đôi mắt hau háu được trang điểm lòe loẹt. Thường thì gã nhiếp ảnh gia sẽ sấn đến gỡ tay mấy mụ sồn sồn ra, mỉa mai một vài câu, đại loại như, mật ngọt nhưng không dành cho ruồi nhặng!
Vậy mật ngọt dành cho ai? Đêm ấy, Pó say bí tỉ. Gã nhiếp ảnh gia xịt nước hoa thơm nức, mặc bộ đồ ngủ mỏng tang, lân la mò sang phòng Pó. Hắn luồn ngón tay rờ rẫm ngực Pó, thấy Pó không nhúc nhích, hắn bạo dạn xoa xuống bụng. Pó choàng dậy, xô hắn ngã dúi dụi. Hắn run rẩy bò lại gần mép giường, thầm thì:
- Pó có biết tôi đã yêu Pó ngay từ cái nhìn đầu tiên không?
- Đàn ông sao mà… yêu đàn ông được?
- Tình yêu không phân biệt giới tính. Miễn sao là hai trái tim của chúng ta cùng chung nhịp đập.
- Ông bị điên rồi!
- Nếu thế, tôi nguyện bị điên suốt đời suốt kiếp!
- Tôi có người yêu rồi. Ông cút ra khỏi phòng tôi ngay!
Gã nhiếp ảnh gia cun cút ra khỏi phòng Pó. Lát sau, hắn quay lại, chìa một tấm ảnh ra trước mặt Pó, cười ha hả:
- Đây! Cậu nhìn cho rõ đây!
Đó là bức ảnh cưới của Chua và thằng Lầu chụp bên hàng rào đá. Lầu mặc bộ quần áo chàm, cầm chiếc ô đen. Chua mặc chiếc váy xếp nếp xòe ra bảy sắc cầu vồng sặc sỡ và đính đầy những đồng bạc trắng lấp loáng. Pó nghe trái tim đột ngột lạnh ngắt như có cơn gió đui vừa chui vào. Pó sửng sốt gục đầu vào chăn đệm, khóc hừn hựt. Rượu khóc hay Pó khóc? “Chua ơi, sao em lại phản bội anh? Em lấy chồng rồi thì anh kiếm được nhiều tiền cũng để làm gì đây?”. Pó đấm vào thành giường thùm thụp, mu bàn tay tơ tướp máu. Gã nhiếp ảnh gia đến ôm ngăn Pó. Pó vung tay hất hắn ra rồi cả hai mất đà ngã uỵch xuống nền nhà. Cơ thể Pó úp lên cơ thể hắn, mắt chạm mắt, ngực chạm ngực, môi chạm môi. Mùi nước hoa nồng nặc cộng với hơi rượu say khiến đầu óc Pó chếnh choáng, toàn thân nóng lên hầm hập. Pó bị cuốn vào một vùng ảo giác. Gã nhiếp ảnh gia mơn trớn vuốt ve lưng Pó. “Có bao nhiêu tức giận, cậu hãy trút lên thân xác tôi đi”. Pó trừng trừng nhìn hắn, thấy chập chờn hình ảnh gương mặt Chua. Pó ngoạm lấy ngực hắn, nhay nghiền, cắn xé. Hắn rên lên từng chặp đê mê…
Sau đêm ấy, gã nhiếp ảnh gia tặng Pó chiếc nhẫn vàng đính ngọc trai hắn vẫn hay đeo. Hắn nũng nịu đổi cách xưng hô với Pó thành tôi - mình. Pó cũng vứt hẳn hình bóng Chua ra khỏi kí ức. Càng ngày, Pó càng nổi tiếng và đắt show. Pó được mệnh danh là mĩ nam ngàn năm có một. Một vũ trường dành cho giới đồng tính nam mời Pó làm gương mặt thương hiệu. Số tiền khổng lồ khiến Pó không thể không gật đầu đồng ý. Nhiệm vụ của Pó đơn giản là cởi trần, đứng trong một chiếc lồng sắt lớn, lắc lư uốn éo theo ánh sáng lênh láng và điệu nhạc xập xình. Cơ bụng Pó như những múi mít thơm nức thu hút dân gay hí hởn vây quanh. Da thịt Pó trần trụi cho hàng trăm cặp mắt săm soi, bình phẩm. Họ ngậm tiền vào mồm, mớm cho Pó từng đồng, tay không quên khoắng khua loạn xạ. Pó vẫn còn biết nhục. Nhưng cái nhục là cục tiền tươi…
Tỉnh dậy sau một đêm bay lắc quay cuồng, Pó nhận được tin mẹ bị viêm phổi, liền bắt xe khách trở về Pú Xi ngay. Xe trả Pó ở chân dốc Mã Quỳ khi trời vừa hửng sáng, hương hoa pằng di lẫn mùi phân trâu ngai ngái phả ra ngào ngạt. Pó leo lên đỉnh dốc, miệng thở hồng hộc, đắng ngắt. Phía trước, nhà Pó đang bập bùng ánh lửa. Pó mở cửa cổng lách cách, gió thổi u u qua kẽ hở rào đá. Đàn gà dậy sớm, lúc túc kiếm mồi. Con trâu bạc nằm vểnh sừng bên gốc cây pằng di, nguẩy đuôi đuổi muỗi. Cái sào bên hiên treo đung đưa mấy bó thân cải khô nồng nã. Nơi khóe bếp vẳng ra tiếng hát thiết tha, thân thuộc: “Anh chỉ biết yêu em bằng lời sáo. Em yêu anh bằng tiếng hát ban mai. Hoa pằng di nở bừng trong nắng. Ta yêu nhau lòng không bạc, dạ không phai. Bao giờ chúng ta thành đôi. Em về nhuộm lanh dệt vải. Anh cõng đá vá lại hàng rào. Bầy con thơ lớn nhanh như măng nứa…”.
Pó nhón nhén bước chân qua bậu cửa. Mẹ Pó nằm thoi thóp trên giường. Chua đang nuôi lửa sắc thuốc. Sợi dây chuyền trên ngần cổ Chua loang loáng phát sáng soi ánh lửa chờn vờn. Tiếng siêu nước sôi đều òng ọc. Chiếc vali trên tay Pó trượt xuống. Thấy Pó, Chua thảng thốt reo lên:
- Anh Pó! Bác ơi, anh Pó về rồi!
Tim hẫng đi một nhịp, Pó đứng lặng như chôn chân vào nền nhà:
- Mẹ! Chua!
Chua đỡ chiếc vali cho Pó. Mẹ Pó ho lụ khụ:
- Ây dà, tao tưởng cái chân mày quên đường về bản rồi, Pó ạ! Không có cái Chua thì tao chết mọt xương rồi.
Như thể sợ thằng con quên mặt người trong bản, mẹ Pó cứ lảm nhảm những chuyện vu vơ. Thằng Lầu đã cưới vợ. Nhưng Chua chưa lấy chồng. Chua vẫn ở đây, chờ đợi Pó ngày ngày, tháng tháng. Chiều chiều, Chua chỉ biết ra đứng ở gốc cây pằng di bên dốc Mã Quỳ, đau đáu ngóng về chân trời mờ tím. Cây pằng di không cô đơn nữa. Bên chân nó, một cây pằng di non đang đón nắng vươn cao quá đầu người. Chỉ còn mình Chua cô đơn. Những con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu có khiến đôi chân Pó lạc đường? Pó chợt nhớ đến bức ảnh của gã nhiếp ảnh gia. Giờ Pó mới tỉnh táo vỡ ra, gã nhiếp ảnh gia chỉ cần lách tách nháy chuột máy vi tính là có thể ghép đầu người này vào thân người khác. Tại sao đêm ấy mình ngu ngốc tin hắn ta thế nhỉ? Mình đã trách nhầm Chua rồi! Mình đã sai thật rồi! Chua rót nước thuốc trao tay Pó để Pó bón cho mẹ. Pó nâng đầu mẹ kê lên đùi mình. Chua xát xát hai bàn tay vào nhau rồi bóp chân cho mẹ Pó, tuần tự, nhẹ nhàng. Mẹ Pó gầy như quả mướp khô. Thương mẹ, thương Chua, nước mắt Pó rơi vào bát nước thuốc. Mẹ nhăn mặt:
- Thuốc đắng và mặn quá!
Trời sáng hẳn, Pó nhờ thằng Lầu chở mẹ xuống Trung tâm Y tế huyện. Pó và Chua đi bộ theo sau, bàn tay đan vào bàn tay. Con dốc này nối tiếp con dốc kia. Ngọn núi này chồng lên ngọn núi khác. Dọc theo vách núi, cây pằng di đang trổ ra những chùm quả mọng. Lâu rồi, Chua cũng chưa xuống thị trấn. Thị trấn ngay trước tầm mắt, nhìn thì gần mà đi mỏi cả chân. Trên con đường đất đỏ in hằn xuôi ngược dấu chân trâu, vó ngựa, lời từ miệng Pó cứ trung thực tràn ra như cỏ mọc trên đá sỏi. Mặt trời lên cao, bóng Pó chạm vào bóng Chua. Chuyện dưới thành phố dài bằng cả quãng đường. Có những từ hiện đại quá, Chua nghe không hiểu hết. Chua siết chặt tay Pó, rủ rỉ:
- Cũng tại em khuyên anh đi nên anh mới chịu khổ. Anh về không bị đau, không bị toạc là em mừng bụng rồi. Anh đừng xuống thành phố nữa.
- Anh không đi đâu nữa. Anh ở lại bản với mẹ, với em. Có ngô, ta ăn ngô. Có sắn, ta ăn sắn thôi.
Nhặt hai hạt pằng di ven đường, Chua dịu dàng:
- Anh gieo một hạt, em gieo một hạt. Người già bảo, cây pằng di sẽ hút nỗi buồn trong lòng người trồng mà lớn lên!
Chuyến này về vội quá, Pó chỉ kịp mang mấy trăm nghìn. Pó ghé vào tiệm kim hoàn bán chiếc nhẫn vàng đính ngọc trai. Ông chủ tiệm cầm chiếc kính lúp soi lên soi xuống, thở hắt ra. Nhẫn giả! Chẳng còn cách nào, Chua đành bán đi sợi dây chuyền Pó tặng, được hơn một triệu. Pó áy náy nhìn Chua. Chua giục, mẹ anh đang chờ!
Bác sĩ bảo, mẹ Pó chỉ phải nằm viện điều trị vài ngày. Pó ở lại chăm sóc mẹ, nhờ Lầu chở Chua về bản trước. Ngồi trên băng ghế chờ làm thủ tục nhập viện, theo thói quen, Pó tranh thủ lướt mạng đọc tin tức. Bỗng một tiêu đề bài báo đập thẳng vào mắt Pó: “Triệt phá đường dây mại dâm đồng tính nam tại thành phố...”. Trung tâm bài báo là hình ảnh người đàn ông nhòe mặt, cổ đeo chiếc máy ảnh lớn. Như bị chích điện vào sống lưng, Pó giật mình, không dám đọc. Pó đứng dậy, nhét điện thoại vào sâu túi quần, thầm nghĩ, đằng nào Pú Xi cũng không có sóng, bán nốt nó đi sẽ được thêm chút tiền chữa bệnh cho mẹ…
Pú Xi tàn mùa gió đui. Mái nhà phủ dày rêu mượt. Pằng di lột vỏ thay da. Đàn gà thi nhau tắm kiến. Con trâu vẫy vẫy đôi tai. Lứa cải mẹ Pó mới vãi nơi mảnh vườn ẩm vừa bật lên những mầm lá hình trái tim nho nhỏ. Pó cõng từ suối về một lù cở đá đầy. Hàng rào lâu không có bàn tay đàn ông vá thêm đá cứ oằn nghiêng như sống lưng trâu già. Trên hàng rào ấy, hai chiếc váy mới phơi đang phất phơ trong nắng ấm tựa đôi bướm say tình, lộng lẫy…
                             P.Đ.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 935
 Hôm nay: 45894
 Tổng số truy cập: 12606531
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa