KIỀU HUYỀN
Vui với Đồng Lách!
Xuân này, về Đồng Lách, xã Tân Trường (Thị xã Nghi Sơn) dù còn nhiều khó khăn, nhưng hiện trên mỗi gương mặt là sự hào hứng, tươi vui. “Chúng tôi sắp có đường đẹp rồi!”.
Khoảng chừng 5 năm trước, chỉ nghe đến tên Đồng Lách cũng khiến ngập ngừng và ngán ngẩm. Vào được Đồng Lách là nỗi kinh hoàng của nhiều người, đặc biệt là từ dốc Khế đến khu trung tâm thôn. Ở nơi gọi là trung tâm thôn ấy, ánh sáng cũng còn thiếu, mây không buồn giăng, người nào người ấy ủ dột, nhà nhỏ mà trống huơ trống hoác, bao phủ thung lũng là những làn khói bếp vừa đun vừa làm ấm cho ngôi nhà.
- Xuân này thôn mình vẫn lỡ hẹn vì chưa có đường nhựa, anh nhỉ?
- Tôi nhớ không nhầm là năm nào cô cũng hỏi câu ni?
Kể ra cũng đúng thật, anh Lục Văn Chuyên giữ chức Trưởng thôn qua 3 cái tết Nguyên đán, không ít lần anh trả lời chúng tôi về mong muốn có một con đường để anh và người trong thôn đỡ vất vả. Đến nay, anh Ngân Văn Cường làm trưởng thôn, còn anh Lục Văn Chuyên chuyển sang chức danh Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn, nhưng giấc mơ về “dự án làm đường vài chục tỉ” này vẫn khiến anh trăn trở. Dù vậy, anh vẫn phải sống ở thực tại với con đường lởm chởm đá và những hố sâu.
- Sắp tới thị xã Nghi Sơn và xã Tân Trường lại tổ chức san gạt để bà con đi tạm, đón tết đấy cô ạ.
Dù chưa có đường nhưng đời sống bà con ở đây thay đổi theo từng năm. Chả là Đồng Lách như một thung lũng hoang vu, heo hắt. Theo lý lịch di tích đền bà chúa Lách thì thôn có cách đây tầm 400 năm. Khi ấy, một phụ nữ họ Quách, tên Hoa về đây khai hoang. Đi theo tiếng gọi của bà Hoa là 3 hộ gia đình người dân tộc Thái, vì thế, có thời kỳ nơi này được gọi là “xóm 3 nhà”. Một vùng rộng lớn nhưng heo hút và không có người, bởi nơi này rừng thiêng nước độc, sống lâu là mang theo bệnh tật, người gầy mòn, ốm yếu dần. Gần như chỉ có hộ chuyển đi chứ không có hộ đến tụ cư. Còn tên Đồng Lách được đặt với “thôn cảnh” chỉ lau lách mới sống được; các loại cây lúa, ngô, sắn thì quặt quẹo do thiếu nước, đất đai cằn khô. Đã biệt lập rồi mà lại không thể sản xuất cũng như tự cung tự cấp nên cái nghèo đeo bám mãi.
Nếu lấy mốc về sự thay đổi của thôn chắc chắn phải kể từ năm 2016. “Trước đó, người dân sống trong ánh sáng “heo hắt” của đèn dầu. Mà đèn dầu cũng phải tiết kiệm để dùng khi cả nhà ăn cơm, hoặc con cái học bài, rồi tất cả lại chìm trong bóng tối. Cả làng chỉ một gia đình có tivi, ai muốn xem thì góp tiền mua dầu chạy máy phát điện, nhưng cũng chỉ dám xem từ 19 đến 21 giờ. Cô đã xem chương trình “Việc tử tế” trên VTV hẳn còn nhớ thôn này có ông Phạm Văn Xuân, một người tử tế được bà con công nhận và yêu mến. Ông Xuân sắm được một chiếc máy cày, ban ngày đưa máy lên nương, xuống ruộng cày đất, tối đến dùng động cơ máy cày chuyển thành máy phát điện cho bà con xem truyền hình, chiếc tivi duy nhất trong thôn cũng do ông tự sắm.
Không có điện dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp cũng khan hiếm trầm trọng. Nhiều nhà dân phải dùng xe trâu ra tận Nhà máy Xi măng Công Thanh xin nước chở về dùng. Trên địa bàn xã có hai đập chứa nước (đập Đền Bà và đập Khe Luồng) nhưng vào mùa khô, lượng nước không đủ cung cấp cho sản xuất”, anh Chuyên kể với chúng tôi bằng giọng thủ thỉ như đọc truyện đêm khuya về một thời xa lơ, xa lắc.
Không có điện, đồng nghĩa hơn 90% là hộ nghèo. Cái thời tối đen như mực ấy đã qua rồi. Từ khi điện về thôn thì cuộc sống đã thay đổi.
Hóng chuyện của chúng tôi, chị Lữ Thị Phiếu, chủ cửa hàng tạp hóa duy nhất của thôn nói: “Tôi nhớ lắm, đó là ngày 24 tháng Chạp năm Bính Thân 2016, cả thôn bước sang trang mới, điện sáng về làng, hơn cả người mù bỗng nhiên sáng mắt ấy cô ạ”.
Tôi đùa góp: “Có điện thì nhà chị mới buôn bán nhiều mặt hàng hơn nhỉ?”. Chị ngại ngùng nhìn chúng tôi cười cười.
Mà đúng thế, cửa hàng tạp hóa của nhà chị kể từ ngày có điện, bên cạnh các mặt hàng khô, những mặt hàng như sữa chua, kem, mới được chị nhập về; đồ ăn như xúc xích cho bọn trẻ nhỏ cũng mới có. Có điện, thôn rộn ràng hơn vì được tài trợ lắp hệ thống loa phóng thanh; điểm trường tiểu học với 50 học sinh mới có phòng học sạch đẹp; có điện chiếu sáng… các gia đình mới sắm được tủ lạnh, tivi... rồi ánh điện máy hàn đã lóe sáng trên những khung thép của mái nhà lợp tôn.
“Nhà tôi tạm tạm, ở đây khá nhất có 3 gia đình: Hà Văn Thắng, Lô Văn Quang, Lương Văn Tưởng. Có vốn liếng lại siêng năng chịu khó, họ mua xe tải, rồi nhận thầu rừng, khai thác rừng”.
Nhiều năm làm ở xã, lại có vợ người ở thôn Đồng Lách, ông Phạm Văn Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã hiểu những khó khăn nơi đây. Ông kể lại chuyện trước đây mỗi lần vào Đồng Lách, xe ô tô thì chịu chết, phải đi xe máy số, chứ loại xe tay ga thì chỉ có khóc. Đến bây giờ, ngày trời nắng, con đường mù bụi đất; ngày mưa thì lầy lội, đất đá dính chặt vào bánh xe không đi nổi. “Là người địa phương nhưng trời mưa là vợ tôi không dám đi xe một mình. Đường trơn trượt, lòi đá, không chắc tay là dễ quay xe lắm. Đặc biệt, dốc cao, trống gió, mỗi lần về thôn là vợ tôi kêu đau đầu”.
Hiện tại, Đồng Lách có 124 hộ, với 550 nhân khẩu sinh sống. Tuy nhiên vì diện tích đất sản xuất nhỏ và không liền kề nên bà con khó trồng trọt. Tính tổng thể diện tích lúa ở đây là 15ha và 10ha cây trồng các loại. Nước sinh hoạt cả thôn có 4 cái giếng khoan. Nước trong veo nhưng nhiều vôi, thậm chí nhiễm phèn. Chỉ cần bơm lên sau vài phút, váng nổi không khác gì dầu nhớt. Dù biết sử dụng loại nước này sẽ hại cho sức khoẻ nhưng bà con cũng không còn cách nào khác.
Nhìn thấy cuộc sống tù túng, vất vả ấy, xác định ở nhà là chết đói, thanh niên trong thôn lớn lên là xin đi làm công nhân. Hiện nay, thôn có hơn 40 thanh niên lựa chọn đi làm ở tỉnh ngoài như: Bắc Ninh, Thái Nguyên… “Trên địa bàn thị xã có khá nhiều công ty nhưng bọn trẻ không thể ngày nào cũng đi đi về về, rất mất an toàn. Tất cả cũng bởi con đường đất rất nguy hiểm”, anh Lục Văn Chuyên cho biết.
Đứng ngay ở dốc Khế, ngắm nhìn khung cảnh xung quanh bát ngát chỉ có cây và những ngọn núi trập trùng, tôi bất chợt nghĩ đến những con đường xa tít tắp mà mình đã đến. Đó là những con đường vào bản xa nơi miền biên viễn. “Cô đứng tránh vào đây, xe đi lên không có tầm nhìn dễ gây tai nạn”, vừa nói anh Lục Văn Chuyên vừa đẩy tôi vào sát núi. Quả thật, con đường đất dẫn vào thôn Đồng Lách đã được mở rộng hơn song vẫn khá hiểm trở; một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm. Những khúc cua gẫy gấp khiến người ta cứ giật mình thon thót, lo lắng về những bất trắc xảy ra. Chả chắc mà các phụ huynh ở đây hằng ngày đưa con đến trường trong cảm giác lo sợ.
Nói chuyện với chúng tôi chị Lữ Thị Phiếu tâm sự, con cái học tiểu học còn nhẹ nhàng, chứ chỉ cần vào trung học cơ sở là nhiều nhà phải cho con trọ học ở dưới chân dốc. Một vài gia đình có thời gian đưa đón thì chở con xuống rồi bọn nhỏ lấy xe đạp, gửi theo tháng, tự đi đến trường. Chiều lại căn giờ con tan học xuống đón về. Vất vả thế nhưng chẳng nhẽ lại cho con nghỉ học, phải cho bọn nó biết cái chữ, đọc thông viết thạo. Đa số trẻ em ở thôn chỉ theo được hết trung học cơ sở, rồi về làm ruộng, hoặc là đi xa nhà hẳn làm công nhân.
Bên cạnh những khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục của trẻ em khi ở độ tuổi đến trường, người dân thôn Đồng Lách còn gặp vất vả sử dụng dịch vụ và quyền lợi chăm sóc y tế. Anh Chuyên chia sẻ thêm: Mỗi lúc có việc nguy cấp, gọi xe rất khó, đặc biệt là vào ban đêm. Không gọi được xe, bà con phải dùng võng khiêng người bệnh vượt gần 4km xuống núi mới có xe đi bệnh viện.
Không có đường, nuôi được con gà, con lợn, làm được luống rau, thậm chí cắt vài tạ mít chín, nghĩ đến đi bán cũng oải. Bán hết trong ngày còn đỡ, nếu ế ẩm thì lại lóc cóc chở về, mai tiếp tục mang xuống bán. “Lãi lời chưa biết nhưng chưa đủ tiền công đâu”, anh Chuyên rành rọt kể. Phụ nữ trong thôn rảnh rỗi lắm nhưng cũng không dám xin làm công ty may chỉ vì tay lái yếu, mỗi lần đi về là run.
Rồi anh nói với chúng tôi một bài toán quá cũ:
- Chúng tôi chỉ mong con đường dài 3,7km vào thôn được triển khai làm càng nhanh càng tốt. Bà con vốn đã nghèo rồi, nhưng không có cơ hội giao thương hàng hóa. Ngay dưới trung tâm xã, 1 viên gạch (cớm) có giá 1.000 đồng thì lên đây cỡ 1.600 đồng; khối cát là 300 đồng thì ở đây cũng phải 400 đồng. Nghèo nhưng mua cái gì cũng giá cao.
- Tại sao chi phí cao thế, trong khi chỉ có đoạn đường ngắn?
- Cô cứ hiểu đơn giản, chênh lệch giá đổ hết vào chi phí vận chuyển. Nếu ở nơi khác, cùng quãng đường 4km chỉ mất 10 phút phi xe vèo cái vào thẳng cổng, đằng này lên đây xe phải đi hơn nửa tiếng đồng hồ và liên tục cài số 1. Mất thời gian, hại xe, tốn xăng. Độc đạo nên làm gì có phương án thay thế, bắt buộc phải lên thôi.
Cũng bởi vì con đường gây cách trở về mọi mặt mà người dân ở đây dẫu có điện nhưng vẫn thói quen cũ, 8 giờ là đi ngủ hết. Không ngủ thì cũng chẳng đi đâu chơi được? Chỉ thương bọn thanh niên, trẻ mà phải sống theo nếp của người già, chẳng được vui vẻ.
Cuộc sống vì thế cứ gian nan, quẩn quanh. Lần nào đến đây tôi cũng mang theo một nỗi buồn. Cái buồn lượn quanh con núi, qua những khúc cua, thỉnh thoảng lại chợt bừng giấc vì những viên đá to dằn xuống như bắt con người ta phải trở về với thực tại. Có lẽ vì quen với cái nghèo nên người dân cũng không đòi hỏi hay mong cầu gì. Cũng vì giao thương khó khăn mà những người phụ nữ phải ở quanh góc nhà, chăm chỉ nuôi mấy con chó, con gà… Họ biết là nếu đi làm công nhân, lương tháng 6 đến 8 triệu đồng, nhưng cũng chịu, nhìn “thèm”. Cuộc sống của họ quá lặng lẽ, đối lập với sự năng động và tốc độ phát triển của một đô thị đang phát triển.
Ông Lê Hồng Quế, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Trường trải lòng: "Giữa lòng Khu kinh tế Nghi Sơn lại còn một thôn không có đường đi là rất vô lý. Để Tân Trường có thể lên phường thì thôn Đồng Lách phải có đường đi, mong rằng, tỉnh và thị xã sớm xử lý khó khăn này, chúng tôi mong mỏi lắm".
Thị xã Nghi Sơn sôi động là thế, với không biết bao nhiêu công trình tỷ đô la Mỹ, nhưng một con đường dài không đến 4km mãi vẫn không thể thực hiện được, chỉ vì lý do đây cũng chỉ là đường liên thôn, mà kinh phí đầu tư để làm đường quá lớn, thì thật sự cũng đáng để trăn trở.
*
“Sắp có con đường 70 tỉ đồng, cô nhé. Có điện rồi, nay mà có đường nữa thì đi đâu cũng sướng người, con cái chỉ cần làm công ty gần nhà, chiều chiều về quây quần với bố mẹ và con cái; bọn trẻ không phải vất vả đi học; người già có cơ hội một lần đi ra Hải Hòa tắm biển”, anh Lục Văn Chuyên nói trong nỗi háo hức chờ đợi.
Thật mừng là Hội đồng nhân dân thị xã Nghi Sơn mới có Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Đồng Lách, xã Tân trường đi khu Công nghiệp số 14.
Mùa xuân - mùa của ước mơ và hy vọng. Với người dân thôn Đồng Lách cũng vậy, qua xuân này, họ sẽ có đường mới. Giấc mơ về một con đường mới với nhiều niềm vui mới đang mở ra.
Rời Đồng Lách vào cuối chiều, những cơn gió lạnh táp vào mặt khiến tôi rùng mình. Chặng phía trước dường như đã ngắn hơn khi thông tin về con đường được đến với mọi người. Không còn là giấc mơ nữa, tôi đã tưởng tượng ra con đường lên Đồng Lát thời gian tới xe bon bon chạy; mọi người sẽ đến đây không chỉ vì tò mò về bản nghèo mà là lên để thưởng thức khung cảnh thanh bình, đứng ở nơi dốc Khế ngắm nhìn mây giăng giăng trên núi và phía dưới là một thị xã năng động với những ngôi nhà cao tầng, những dự án tiền tỉ.
K.H