ĐÌNH GIANG
Lá thơ xuân
Tôi đã hình dung những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo như những bức thơ xuân đầy ân tình mà bà con các dân tộc Mông, Dao, Thái… gửi gắm đến lãnh đạo huyện vùng biên giới xứ Thanh. Lá đơn ấy không chỉ là những trang giấy khô khan hay một thủ tục hành chính đơn thuần. Nó còn là “cột mốc” quan trọng đánh dấu sự chuyển mình trong tư duy và nhận thức. Chúng mang theo sự chân thành, lẫn niềm kiêu hãnh của lòng tự trọng, và ý chí mạnh mẽ vươn lên, khát khao về một tương lai tươi sáng.
*
Pa Búa nằm cheo leo giữa những dãy đồi núi cao chót vót. Bản vùng sâu, vùng xa này cách trung tâm xã Trung Lý, huyện Mường Lát tới gần 50 kilomet. Địa hình chia cắt bởi đồi núi, sông suối nên hễ ai muốn rời bản, hoặc có khách từ nơi khác đến như chúng tôi, cũng trở thành một sự kiện thu hút nhiều người. Từ cụ già quanh năm bó gối giữ lửa trong bếp, cho đến lũ trẻ con nhao nhao loan tin từ đầu đường đến cuối bản. Tỉ như, chuyện vợ chồng A Vư hôm nay xuống núi, bà con nghĩ ngay đến việc hai vợ chồng trẻ lại đi làm ăn, mà không quên dặn dò: “Gần tết rồi vợ chồng A Vư còn đi đâu nữa! Đi rồi về mang nhiều cái áo ấm cho bọn trẻ nhé!”. Với vợ chồng A Vư, bản Pa Búa nghèo thật đấy nhưng là về vật chất thôi. Pa Búa cũng giàu mà! Giàu về đất đai với nhiều quả đồi, ngọn núi. Người Pa Búa cũng giàu về tình cảm! Ưng cái bụng ai rồi thì xem như con cái trong gia đình.
Dậy từ sáng sớm để tươm tất đồ đoàn xuống núi. Hôm nay vợ chồng A Vư ra trung tâm, đi chợ tình. Một trong những thói quen của bà con người Mông vùng biên ngày cận tết. Chợ tận dưới Nhi Sơn, cách mấy quả núi, còn phải lên đò vượt sông Mã nên hai vợ chồng đi từ khi con gà chưa gáy, bà con còn vùi trong những tấm chăn thổ cẩm. Chợ tình Nhi Sơn, ngôi chợ phiên lớn nhất của huyện vùng biên giáp Lào, chỉ họp vào duy nhất một ngày là 15 dương lịch hàng tháng. Chợ tình, nơi mà A Vư lần đầu gặp vợ mình là Thào Thị Pâu. Mới nhìn là ưng cái bụng, thế là A Vư bắt Pâu về làm vợ. “Nói vậy thôi à! Cũng phải được Pâu cho thì mình mới bắt được!” - A Vư gãi đầu cười có phần e ngại cho sự biện minh. Giờ thì tục bắt vợ của người Mông ở Pa Búa vẫn còn nhưng khác nhiều so với thời A Vư. Khi các cặp đôi ưng cái bụng nhau rồi, đã trải qua một quá trình tìm hiểu từ trước, được hai bên gia đình đồng thuận thì vào dịp lễ tết hay như chợ tình… người con trai sẽ tiến bắt người con gái về làm vợ.
Bên những tiếng sáo, tiếng khèn là sự rộn rã của tiếng nói cười đến từ các ngả đường. Bà con đang hối hả đến chợ. Người gùi, người bồng bế con, người đèo xe máy những mặt hàng nông sản. Ai cũng vội để giành cho mình một vị trí đắc địa. Ở chợ tình Nhi Sơn, có nhiều nông sản mà bà con người Mông trồng được mang ra đây để trao đổi, bán buôn. Chợ vẫn tồn tại hai hình thức là trao đổi hàng hóa và mua bán bằng tiền mặt. Thay vì những túp lều, túp lán và bãi đất trống mấp mô trước kia, chợ Nhi Sơn nay đã được đầu tư khang trang hơn. Những dãy kiot được xây dựng và phân loại thành các phân khu chức năng khác nhau. Dãy để bán hàng gia dụng, dao dựa… Dãy để bán đồ ăn, đồ uống… Dãy để bán rau, củ, quả… Đông đúc và thu hút nhiều người nhất chính là dãy bán các trang phục truyền thống. Với đồng bào Mông, trang phục là một trong những biểu trưng của văn hóa. Vào dịp lễ tết, hội hè, người phụ nữ và đàn ông không thể thiếu việc trưng diện những bộ trang phục sặc sỡ từ các chất liệu như len, thổ cẩm...
Với vợ chồng A Vư, xuống chợ tình ngoài việc được no cái bụng từ những món ăn ngon, như: thắng cố, thịt lợn mán, bát cháo lòng… thì đây cũng là dịp để hai vợ chồng ôn lại kỷ niệm, đi để chơi, để giữ gìn nét văn hóa ngày xuân, để mua sắm những vật dụng, đồ đoàn thiết yếu cho dịp tết. A Vư khoe: “Tết này hai vợ chồng được chủ xưởng ngoài Nam Định cho nghỉ sớm một tuần. Trước khi nghỉ, còn thưởng thêm cho mỗi người một tháng lương”. Nhớ lại những tháng ngày hai vợ chồng ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhà đông con, mà A Vư thở dài thườn thượt: Chỉ trông chờ vào ít đất rẫy, con gà, con lợn nuôi trong vườn, cuộc sống thực sự bế tắc. Khi được cái bụng nhà A Thào người trong họ, ở bản Pù Ngùa giới thiệu, khuyên xuống núi, ra Nam Định cùng tìm việc. Vợ chồng A Vư cũng vì đói mà đánh liều rời bản! May mắn cho hai vợ chồng khi xuống núi không lâu thì được chủ một xưởng sản xuất nến nhận vào làm. Mỗi tháng hai vợ chồng trừ đi chi phí ăn ở, để ra gần mươi triệu. Tết này có tiền, A Vư sắm thêm ít áo ấm cho lũ trẻ và mấy đứa nhỏ gần nhà. Mua thêm ít thịt trâu, thịt bò về gác bếp… vừa để đãi khách, vừa để dành ra năm có cái mà ăn.
Sinh năm 1992, mới ngoài 30 tuổi nhưng hai vợ chồng A Vư đã có với nhau 5 mặt con. Đứa lớn năm nay học lớp 10, đứa thứ hai lớp 8, đứa thứ ba lớp 5, đứa thứ tư lớp 3 và đứa út mới gần 3 tuổi. Có lẽ vì sinh nở nhiều mà Pâu, vợ A Vư nhìn già hơn so với tuổi. Tôi hỏi A Vư có đẻ nữa không? A Vư cười khanh khách đáp: “Mình đâu có đẻ, vợ nó đẻ đấy chứ. Nói thế thôi, A Vư có con trai, có con gái rồi sẽ không bắt cái Pâu đẻ nữa! Dành tiền để nuôi các con ăn học! Với lại, vợ chồng A Vư đã viết đơn gửi lên xã xin thoát nghèo rồi. Vợ chồng A Vư sẽ nỗ lực, cố gắng làm ăn, mình còn cái sức khỏe mà!”.
Thường ngày khi hai vợ chồng A Vư xuống núi đi làm ăn xa, thì các con giao phó lại cho bà ngoại chăm sóc, đưa đón đi học, lo cơm lo nước. Bà ngoại các cháu tần tảo, không chỉ cáng đáng chăm mấy đứa nhỏ, bà còn chịu trách nhiệm đảm bảo cho đàn lợn mán hơn chục con luôn béo khỏe, dõi theo bốn con trâu chăn thả trên rừng… Giờ thì tôi đã hiểu, dựa vào đâu mà vợ chồng A Vư quyết tâm viết đơn xin thoát nghèo. Dẫu vậy, nói như A Vư khi hai vợ chồng làm đơn, bà con ở Pa Búa ban đầu cũng không ưng cái bụng. Bà con nói: “Cái đầu vợ chồng A Vư nên suy nghĩ lại việc bắt cái tay viết đơn đi. Thoát nghèo thì con cái đi học phải đóng góp. Nhà vợ chồng mày đông con. Thoát nghèo thì không được hỗ trợ cái gạo, cái y tế khi ốm đau. Thậm chí nó lại thành cái lệ để mấy ông cán bộ xã bắt bà con tao thoát nghèo! Có ai bắt nhà A Vư mày phải thoát nghèo đâu, vợ chồng chúng mày cứ tiếp tục nghèo đi!”. Nhưng cũng có những người đánh giá cao tinh thần của hai vợ chồng. Xem đó là điều đặc biệt lắm mà Pa Búa chưa ai làm được! Đơn cử như các già làng, trưởng bản, rồi thì cán bộ xã, cán bộ biên phòng… “Tết này, xã đưa vợ chồng nhà A Vư vào diện tuyên dương là hộ người Mông đầu tiên của bản Pa Búa, của xã Trung Lý viết đơn xin thoát nghèo. Ngoài ra, hai vợ chồng còn là điển hình cho những người dám vượt núi đi làm ăn xa có của ăn, của để” - đó là niềm hãnh diện mà vợ chồng A Vư được Trưởng bản Pa Búa Sùng A Thể thông tin. Trưởng bản Sùng A Thể cũng tự hào khi tết này, với bà con Pa Búa ấm no hơn so với những mùa rẫy trước. Nhờ cây sắn cao sản cho năng suất, giá cả ổn định, nhiều gia đình thu về cả trăm triệu đồng tiền bán sắn. Số tiền trong mơ mà bà con chưa từng nghĩ tới.
Quá trưa, chợ phiên càng trở nên đông đúc hơn. Sau những giờ phút tham quan, mua sắm, cái bụng đã đói thì bà con chuyển dần về các khu ăn uống. Nơi đây không chỉ thu hút bà con bản Mông mà có cả những du khách người Kinh, bà con bản người Thái, người Dao, Khơ Mú… các bản, xã lân cận. Trong các món ăn, thắng cố là món truyền thống được nhiều bà con yêu thích. Tôi và vợ chồng A Vư tự thưởng cho mình một bát thắng cố to, một vò rượu ngô thơm nồng. Món thắng cố được người nấu giới thiệu làm từ tất cả các bộ phận của con ngựa, kết hợp với các loại gia vị đặc trưng của núi rừng tạo nên hương vị độc đáo. Bát thắng cố nóng hổi, thêm chén rượu ngô thơm nồng, chúng tôi hòa cùng sự rôm rã, đông vui cùng bà con cho đến quá trưa…
*
Chia tay vợ chồng A Vư với câu chuyện thoát nghèo cùng những dư âm món thắng cố của phiên chợ tình, tôi ngược bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát để thỏa cái sự tò mò về giống cam ngoại quốc được du nhập về đây trồng, giúp đời sống bà con no ấm hơn. Sự khởi sắc để khởi nguồn cho những lá đơn xin thoát nghèo. Tôi tò mò: “Giống cam gì mà vào dịp tết luôn cháy hàng, không đủ cung cấp cho thị trường thế đồng chí Phó chủ tịch xã?”. Anh Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Chiểu chỉ tay về hướng những thảng đồi xanh mướt bên kia con suối Xim, nói: “Nhà báo cứ vào tìm hiểu, trải nghiệm!”. Anh Thứ, người đàn ông hơn tôi hai tuổi, dáng cao, giọng nói ấm và đầy nhiệt huyết. Anh hồ hởi khoe, phía cánh đồng xa kia là những thửa ruộng lúa nếp Cay Nọi, một sản phẩm hàng hóa của địa phương, với diện tích hơn 300 hecta. Còn kia, là bản Pùng, bản Mường, bản Xim… với những ngôi nhà mái bằng, nhà tầng khang trang nhờ có con em đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động. Đi qua cánh đồng lúa thơm mát, chúng tôi tiến vào bản Suối Tút, nơi trồng giống cam Lào, loài cây đang mang lại những niềm hy vọng mới cho bà con dân bản. Con đường bê tông ngược bản mới được đầu tư nên hành trình hơn 10 kilomet không mấy khó nhọc. Theo lời anh Thứ giới thiệu, thì bản Suối Tút là nơi sinh sống của hai mươi lăm hộ người Dao, nơi đây không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua các bộ trang phục, nếp nhà, chữ viết và các bài thuốc nam, mà còn nổi bật lên bởi sự khang trang, sạch sẽ. Bà con người Dao nơi đây sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và một số hộ có con em đi làm ăn xa... Nhưng tính cần cù, chịu thương chịu khó trong làm ăn từ lâu ăn sâu vào đặc điểm, con người đồng bào. Vì vậy, đời sống kinh tế của bản thuộc dạng khấm khá của địa phương. Cả bản chỉ còn có 5 hộ nghèo!
Dẫn tôi ghé thăm gia đình ông Tặng Văn Lai, khi ông đang tất bật thu hoạch lứa cam cuối vụ. Cầm trên tay những quả cam mọng nước, ông Lai kể cho chúng tôi nghe về hành trình đầy khó nhọc để đưa giống cam Lào này về đất bản. Đó là khoảng đầu năm 2013, sau một chuyến thăm thân ở huyện Viêng Xay, ông Lai được nghe kể về giống cam Lào đặc biệt thơm ngon, có thể giúp bà con nơi đây vượt qua đói nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Từ đó, một quyết tâm mạnh mẽ nảy sinh trong ông là phải đưa được giống cam này về trồng tại bản Suối Tút. Ông Lai đã không ngần ngại vượt qua những ngọn đồi, con suối để đến bản Piềng Liềng, cụm Sóc Tong thuộc huyện Viêng Xay để học kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật trồng và cả những bí quyết đặc biệt để cây cam phát triển tốt trên đất miền núi. Khi mới bắt tay vào trồng cam, ông Lai gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là sự thiếu thốn về nguồn giống chất lượng, do đây là loại cây trồng chưa phổ biến ở địa phương. Mua giống cam từ Viêng Xay không phải chuyện đơn giản, ông phải tự lo chi phí vận chuyển và tìm cách chăm sóc cây non giữa điều kiện khí hậu và đất đai có phần khắc nghiệt của vùng núi. Thậm chí, những trận mưa lũ bất ngờ trong mùa hè đã gây thiệt hại cho vườn cam ban đầu của ông. Không nản lòng, ông Lai tiếp tục áp dụng các phương pháp chăm sóc khoa học mà mình học được, kiên trì thử nghiệm và điều chỉnh theo từng mùa vụ. Sau nhiều năm kiên trì, vườn cam của ông Lai bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, ngay cả khi cam đã ra quả, vẫn còn một thử thách nữa là thị trường tiêu thụ. Ban đầu, bà con trong bản không tin tưởng vào giống cam Lào, vì họ chưa thấy loại cây này mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhưng ông Lai không bỏ cuộc. Ông bắt đầu tự tay thu hoạch và mang cam ra chợ huyện bán. Dần dần, cam Lào bắt đầu được biết đến, và người dân Suối Tút cũng nhận thấy tiềm năng của loại cây này. Bà con Suối Tút bắt đầu học hỏi, trồng thử nghiệm. Đến nay, cả bản Suối Tút đã có gần ba mươi hộ trồng cam, với tổng diện tích hơn 10 hecta. Đặc biệt, riêng gia đình ông Lai, trong vụ cam này, sản lượng ước đạt gần hai tấn, sau khi trừ chi phí, ông dự tính thu về hơn 100 triệu đồng.
Ở bản Suối Tút, ngoài câu chuyện của ông Lai - người đưa giống cam Lào về đất bản thì còn đó một câu chuyện đặc biệt mà tôi được nghe về anh Tặng Văn Sinh, người vượt hơn mười cây số ra trung tâm xã bắt cán bộ hướng dẫn viết đơn xin thoát nghèo. Hành động của anh Sinh không chỉ là sự quyết tâm cá nhân, mà còn là sự thay đổi sâu sắc trong tư duy của bà con dân bản. Hỏi về kinh tế gia đình anh Sinh, đây cũng là một trong những hộ đang trồng cam Lào cho nguồn thu nhập. Nhưng điều đặc biệt là anh còn phát triển thêm chăn nuôi. Lúc nông nhàn, hai vợ chồng anh Sinh còn lặn lội vào Tây Nguyên làm thuê cho những đồi cafe, đồi tiêu, đồi điều… để kiếm thêm thu nhập. Những ngày tháng vất vả đó đã giúp kinh tế của gia đình anh ngày càng vững. Đó là cơ sở thôi thúc anh ra xã viết lá đơn xin thoát nghèo. Anh Sinh nói: “Tôi thực sự đã cảm nhận được một sự thay đổi rõ rệt trong nếp nghĩ, cách làm của mình sau lá đơn. Nó giúp bản thân tự tin, nỗ lực hơn trong cuộc sống và sự hãnh diện với bạn bè, bà con dân bản”.
Không chỉ dừng lại ở đó, anh Sinh còn vận động thêm 8 hộ gia đình khác có điều kiện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Theo anh Vi Văn Thứ thì trường hợp anh Sinh là tấm gương mà tới đây xã sẽ biểu dương trong buổi tổng kết năm. Ngày trước người Mông, Dao, Mường… chủ yếu sống quanh quẩn bên những bờ suối, phụ thuộc vào rẫy ngô, nương lúa nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám đằng đẵng. Nay tư duy của bà con đã thay đổi. Cụm từ “xung phong thoát nghèo” giờ đã không còn nằm trên giấy tờ, mà được bà con nơi đây hiện thực hóa bằng hành động với những mô hình kinh tế. Nhiều gia đình đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, đưa con em đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động... “Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn 13%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Khi bà con biết làm kinh tế, có thu nhập ổn định, thì người dân không còn sợ nghèo, sẵn sàng viết đơn xin thoát nghèo” - lời vị Phó Chủ tịch xã Quang Chiểu nói.
Đó cũng là tâm tư của ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát khi nói về nhiệm vụ để huyện thoát nghèo. Đó là phải “xóa nghèo từ tư duy” để hướng đến “giảm nghèo về kinh tế”. Thay đổi lớn nhất của Mường Lát đến nay chính là nhiều mô hình kinh tế mới được hình thành. Là hàng trăm, hàng nghìn con em mạnh dạn vượt núi, rời bản đi làm ăn xa… Khi có điều kiện, các hộ dân tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo. Việc này không chỉ giúp chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là minh chứng cho những thay đổi trong nhận thức, tư duy, khát vọng thoát nghèo của người dân. Thống kê cho thấy, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện vùng biên đã có hàng trăm lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo, tập trung nhiều ở các xã như: Quang Chiểu, Mường Chanh, Trung Lý... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm qua các năm. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn hơn 25%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 29 triệu đồng/người/năm. Đó cũng là căn cứ để bắt đầu từ năm 2023 huyện Mường Lát đã giảm dần việc xin gạo cứu trợ, và năm 2024 là năm đầu tiên sau gần 30 năm thành lập huyện, Mường Lát không còn phải xin gạo cứu đói mùa giáp hạt từ tỉnh.
Mường Lát giờ đây không còn xa ngái, nghèo khó, mịt mù. Thay vào đó, cuộc sống bản làng vùng biên đang từng ngày khởi sắc, hiện hữu qua những bản làng khang trang, những vườn cam Lào tươi tốt. Ở đó, mỗi trái cam vàng như biểu trưng cho thành quả từ sự kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân. Những đôi bàn tay từng quen với đất đá, giờ đây đã có thể chạm đến những giấc mơ lớn lao hơn, hy vọng về một ngày mai tươi sáng.
Đ.G