Văn nghệ sĩ - chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng số hóa
Văn nghệ sĩ - chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng số hóa
NGUYỄN HẢI
“Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và tri thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Lời dạy đó của Bác Hồ được trích trong bức thư Người viết “Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ” vào ngày 25 tháng 5 năm 1947, khẳng định mặt trận văn hóa như một “cuộc chiến khổng lồ” giữa chính và tà, giữa cách mạng và phản cách mạng. Nếu trong kháng chiến, mặt trận quân sự và chính trị là trung tâm thì trong thời kỳ hiện đại, đặc biệt là khi cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, thì mặt trận tư tưởng số hóa đang ngày càng trở thành một không gian chiến lược mới, quyết định sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội. Trong bối cảnh đó, đội ngũ văn nghệ sĩ - những người giữ lửa tâm hồn dân tộc, không chỉ là người sáng tạo nghệ thuật mà còn là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng số hóa. Trong cuộc chiến đó, người “nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm văn nghệ là vũ khí” đấu tranh; đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và hệ thống chính trị.
Không gian mới, thách thức mới
Sự phát triển bùng nổ của công nghệ số, mạng xã hội và các nền tảng truyền thông kỹ thuật số đã tạo ra một không gian tư tưởng mới: không biên giới, sức lan tỏa nhanh và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Trong không gian ấy, các giá trị truyền thống, văn hóa, đạo đức và lý tưởng cách mạng của dân tộc đang phải cạnh tranh gay gắt với dòng chảy thông tin hỗn độn, nhiều chiều, đôi khi lệch chuẩn, phản văn hóa, lừa đảo thậm chí là chống phá.
Mặt trận tư tưởng số hóa không còn chỉ là lĩnh vực truyền thông báo chí truyền thống, mà là tổng hòa của các kênh tiếp cận mới: nền tảng mạng xã hội, truyền thông đa phương tiện, trí tuệ nhân tạo... Với đặc điểm lan truyền mạnh, không kiểm duyệt trước, không có ranh giới quốc gia, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, gìn giữ văn hóa dân tộc trong không gian số đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Ở đó, mỗi bài viết, mỗi hình ảnh, mỗi lời bình đều có thể trở thành một công cụ dẫn dắt hoặc làm lệch hướng tư tưởng cộng đồng.
Nước ta có hơn 101 triệu người, tính đến tháng 6 năm 2024 chúng ta có 76,5 triệu người dùng Zalo chiếm hơn 75% dân số cả nước; Facebook có hơn 72 triệu người dùng chiếm hơn 71% dân số; YouTube có 63 triệu người dùng chiếm hơn 62% dân số và Tiktok là 67 triệu người dùng chiếm hơn 66% dân số… chưa tính các mạng xã hội và các nền tảng số khác. Rõ ràng không gian mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm trong công tác quản lí, điều hành, định hướng. Chắc chắn chúng ta vẫn chưa quên những sự kiện nổi bật được lan truyền, dẫn dắt trên không gian mạng tạo ra những làn sóng dư luận căng thẳng như: giàn khoan Hải Dương 981; Đại dịch Covid-19; dự án bô xít Tây Nguyên; luật đặc khu hành chính; luận điệu trong “phi chính trị hóa quân đội”, cách mạng màu; đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp… và cụm từ “mạng ảo mà hậu quả thật” đã trở thành quen thuộc khi có không ít người dính vào lao lý vì “quyền lực ảo” trên “không gian ảo”.
Khi khoa học công nghệ phát triển, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh... đã làm không gian mạng thay đổi sâu sắc. Nhiều quốc gia đã nhận thức rõ về những mối đe dọa đối với an ninh mạng, coi đây là thách thức mới, mối đe dọa nguy hiểm cao nên đã cụ thể hóa các nguyên tắc ứng xử thành luật, nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý đủ mạnh chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng. Đó cũng là lí do cho việc thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng. Không đứng ngoài cuộc, Việt Nam đã nhanh chóng nhận diện và chủ động phòng ngừa với sự ra đời của Luật An ninh mạng năm 2018.
Người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa số
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, văn nghệ sĩ đã luôn đồng hành cùng dân tộc như những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Trong số hàng vạn nghệ sĩ - chiến sĩ vừa cầm súng vừa cầm bút ngày ấy chúng ta có thể điểm qua một số cái tên tiêu biểu như: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Hoàng Vân, Xuân Giao, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Mã Giang Lân, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy… Các tác phẩm văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ đều là vũ khí mạnh mẽ cổ vũ tinh thần yêu nước, truyền bá lý tưởng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào và niềm tin chiến thắng. Họ là lực lượng nòng cốt trong công cuộc vận động quần chúng nhân dân đồng sức đồng lòng cùng toàn Đảng, toàn quân đấu tranh cho độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.
Bước sang thời bình văn nghệ sĩ bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền còn mang thêm trọng trách xây dựng nhân cách xã hội, bồi đắp tâm hồn, nâng cao thẩm mỹ và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Tính tiên phong không còn chỉ nằm ở sự dấn thân sáng tạo mà còn ở khả năng thích nghi với hoàn cảnh, sự biến đổi của thời thế, sự phát triển của công nghệ, sử dụng thành thạo các công cụ số để truyền tải giá trị tích cực của văn học, nghệ thuật tới công chúng. Ngày nay, người nghệ sĩ có thể là nhà văn viết blog, là nhạc sĩ phát hành ca khúc qua Spotify, là họa sĩ số trên Instagram, là nhà thơ TikTok, nhà văn facebook... Họ tồn tại trong một môi trường mà nghệ thuật không chỉ nằm trong phòng trưng bày hay rạp hát, không chỉ ở cuốn sổ tay hay các tập sách in mà còn nằm trên màn hình điện thoại, trong các chương trình livestream, và trong từng lượt chia sẻ của cộng đồng mạng. Họ không chỉ sáng tạo, mà còn phải “chiến đấu” để bảo vệ bản sắc, để không bị hòa tan trong thế giới phẳng, môi trường văn hóa mở toàn cầu.
Sẽ không khó để bắt gặp nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn với những bước chân không mỏi đến khắp vùng miền trên cả nước và tới đâu cũng có những bài thơ, câu thơ ngọt lịm hương vị tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước được đăng tải trên Facebook cá nhân; Nếu ca sĩ Đen Vâu trở thành biểu tượng của giới trẻ khi biết “đem tiền về cho mẹ” thì ca sĩ Hòa Minzy mang Bắc Bling - một hình ảnh đại diện của văn hóa Việt Nam - quảng bá khắp toàn cầu với hơn 400 triệu view trên hai nền tảng số là Youtube và Tiktok…
Từ những ví dụ điển hình đó để thấy văn nghệ sĩ từ thế kỷ trước hay các nghệ sĩ trẻ ở hiện tại họ đã và đang thể hiện được trách nhiệm công dân của mình, không đứng ngoài cuộc trong dòng chảy công nghệ số hóa. Họ vẫn luôn ý thức được vai trò của mình không chỉ là người sáng tạo mà còn là người bảo vệ và định hướng các giá trị cốt lõi của văn hóa, bởi họ biết rằng “văn hóa còn thì dân tộc còn” và khi họ sắm vai đại sứ họ sẽ mang những điều tốt đẹp nhất, hiện đại nhất và dân tộc nhất đến với khán giả của mình.
Tất nhiên, xã hội là tổng hợp các dạng thức, kiểu hình và nhân tố. Bên cạnh rất nhiều những văn nghệ sĩ lựa chọn đứng về phía nhân dân, đứng về phía quốc gia, dân tộc, đứng về văn hóa cội nguồn thì vẫn có không ít các cá nhân mượn danh tri thức, mượn danh nghệ sĩ để đi ngược lại với truyền thống uống nước nhớ nguồn, đi ngược với lợi ích quốc gia dân tộc, họ chọn vật chất, họ chọn phản bội, họ chọn cách ứng xử thiếu văn hóa bằng các clip “bẩn”, bằng các bài viết mang tính kích động hoặc xuyên tạc lịch sử, chính trị, văn hóa… nhằm thu hút tính tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận người xem nhẹ dạ cả tin và có phông văn hóa thấp… mà lâu nay chúng ta vẫn hay gọi những hiện tượng đó là “phản văn hóa”. Thực tế chỉ ra rằng khi ai đó đi ngược lại với số đông, đi ngược lại với lẽ phải thì chắc chắn sớm muộn những thứ đó cũng sẽ bị đào thải, bài trừ.
Xây dựng cộng đồng nghệ thuật số tích cực
Trong những năm đầu cách mạng tháng 8 thành công, chúng ta không chỉ phải đối đầu với giặc ngoại xâm mà còn phải diệt “giặc đói”, “giặc dốt” và phong trào Bình dân học vụ đã trở thành một mặt trận, một biểu tượng của trí tuệ và ý chí dân tộc. Đó không chỉ là một cuộc vận động học tập đơn thuần mà tầm vóc của nó có thể coi là một cuộc cách mạng khai trí - giúp nhân dân tiếp cận tri thức, hiểu biết thời cuộc, gắn bó với cách mạng và dựng xây đất nước bằng chính tri thức của mình.
Ngày nay, tinh thần ấy được khơi dậy trong hình thức mới - Phong trào “Bình dân học vụ số” với sứ mệnh: phổ cập kiến thức văn hóa - nghệ thuật - công nghệ đến từng người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, người lao động, đồng bào ở vùng sâu vùng xa biên giới, hải đảo. Trong cuộc cách mạng này văn nghệ sĩ không chỉ là người lao động sáng tạo nghệ thuật, mà còn là những người đi đầu thực hiện sứ mệnh truyền cảm hứng học tập, cổ vũ khai sáng, kết nối cộng đồng, sử dụng các nền tảng số như YouTube, Facebook, TikTok, podcast, ebook, mạng xã hội sáng tạo... để thực hiện khát vọng nâng cao dân trí, làm giàu tâm hồn nhân dân trong thời đại số. Việc tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ trên nền tảng số thành những cộng đồng sáng tạo lành mạnh là cách hữu hiệu để đến được gần hơn với nhân dân, lan tỏa được nhiều giá trị tích cực hơn đến với đồng bào, như có người đã từng nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình; Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, thiết nghĩ đối với “Bình dân học vụ số” thì “dục tốc” sẽ “bất đạt”. Những mô hình như mạng lưới sáng tạo trẻ, nhóm nghệ sĩ nhân văn, tạp chí văn nghệ điện tử... nên được khuyến khích, đầu tư và hỗ trợ để kết nối, nhân rộng ảnh hưởng và đặc biệt là phục vụ có hiệu quả cho công tác tạo xu hướng trên các nền tảng số nhằm mục đích định hướng, dẫn dắt cộng đồng hướng tới các giá trị chân - thiện - mĩ, đồng thời tạo đối trọng đủ mạnh để lấn át, bài trừ các xu hướng xấu, bẩn, thù địch.
Trên không gian mạng những điều tích cực lẫn tiêu cực, thật và giả tất cả đều tồn tại đan xen. Để văn nghệ sĩ không bị hòa tan hoặc lạc lối trong biển thông tin ấy, Hội Văn học Nghệ thuật phải là trung tâm đoàn kết, ở đó Hội đóng vai trò người nhạc trưởng vững vàng về tư tưởng, linh hoạt về phương pháp, hiện đại trong tổ chức hoạt động, giúp hội viên giữ vững bản lĩnh, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo và đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - từ mặt trận tư tưởng số hóa. Hội cần phải làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa đường lối, chủ trương của Đảng với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng, bảo vệ trận địa tư tưởng qua hoạt động quản lý, điều hành, định hướng đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó Hội còn có vai trò đặc biệt trong giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên. Thông qua các đợt sinh hoạt chuyên đề, hội nghị học tập Nghị quyết, tọa đàm chính luận… Hội giúp văn nghệ sĩ hiểu đúng, hiểu đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chuyển tải tinh thần ấy vào trong tác phẩm văn học, nghệ thuật với nội dung lành mạnh, mang tư tưởng nhân văn và các giá trị nghệ thuật cao cả. Để khi tác phẩm được giới thiệu, quảng bá và đến với độc giả nó là một sản phẩm sạch, đẹp, an toàn và hữu dụng.
Chưa bao giờ vai trò của người nghệ sĩ lại vừa rộng mở, vừa đầy thử thách như hiện nay. Họ là người tiếp lửa văn hóa dân tộc, là chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng nhưng quyết liệt và bền bỉ. Trong không gian số - nơi giá trị và phản giá trị cùng tồn tại, thì bản lĩnh tư tưởng, kỹ năng công nghệ và tinh thần tiên phong của văn nghệ sĩ chính là lá chắn vững vàng nhất để bảo vệ nền tảng văn hóa, tư tưởng của dân tộc. Họ ý thức sâu sắc rằng, mỗi câu chữ, mỗi hình ảnh, mỗi tác phẩm được lan tỏa trên không gian mạng đều góp phần xây dựng hoặc làm suy yếu nền tảng tinh thần của xã hội. Văn nghệ sĩ không chỉ làm đẹp đời bằng nghệ thuật, mà còn làm mạnh đất nước bằng tư tưởng, cảm xúc và niềm tin. Hơn lúc nào hết, họ cần được cổ vũ động viên, hỗ trợ giúp đỡ, đồng hành và định hướng đúng đắn từ các tổ chức Đảng, Nhà nước và Hội Văn học Nghệ thuật để họ thực sự trở thành những “chiến sĩ tiên phong” trên mặt trận tư tưởng số hóa hôm nay.
N.H