Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Đề cao yếu tố văn hóa, bồi đắp giá trị nhân văn trong mỗi tác phẩm báo chí 
Đề cao yếu tố văn hóa, bồi đắp giá trị nhân văn trong mỗi tác phẩm báo chí 

Đề cao yếu tố văn hóa, bồi đắp giá trị nhân văn trong mỗi tác phẩm báo chí 

                                         THY LAN

Chưa bao giờ yếu tố văn hóa trong báo chí lại đặt ra cần thiết như hiện nay. Cùng với việc bùng nổ thông tin với nhiều dạng thức truyền thông thì báo chí cũng ngày càng hiện đại nhưng đồng thời cũng trở nên thân thiết, gần gũi hơn với mọi người. Tuy nhiên với việc “tự do ngôn luận” và tự do hình ảnh trên mạng xã hội khiến báo chí càng cần là cán cân định hướng dư luận để họ tập trung vào những thông tin đúng, “miễn dịch” với các thông tin xấu độc hoặc lệch lạc, nhất là đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống của con người Việt Nam. Do vậy mỗi một nhà báo, trước hết là một “kênh” thông tin chính thống, lấy văn hóa làm thước đo trong ứng xử, giao tiếp và cho các vấn đề phản ánh chuyên môn, nghiệp vụ trong các tác phẩm của mình.  
Xuyên suốt lịch sử, nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện tư tưởng nhân văn. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”. Ba phẩm chất trên đều rất quan trọng, nhưng chỉ khi báo chí đậm đà tính nhân văn mới trực tiếp giữ gìn giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam. Do đó văn hóa báo chí cần được coi trọng để gia tăng tính nhân văn trong mỗi tác phẩm báo chí. 
1. Nhận diện đúng văn hóa báo chí là trách nhiệm của người làm báo
Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao văn hóa và đạo đức người làm báo, Người cho rằng báo chí là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt, đòi hỏi người làm báo phải có năng lực cao về trí tuệ, hiểu biết, kinh nghiệm cuộc sống phong phú, có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.
Người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thắp lên ngọn lửa tri thức và lòng nhân ái trong hoạt động xã hội; thúc đẩy và lan tỏa, hưởng ứng, tích cực tham gia các phong trào thi đua; xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... đồng thời tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Nghề báo là công việc đòi hỏi cái tài và cái tâm. Thời gian qua, một số cơ quan báo chí bị đình bản có thời hạn, một số cán bộ phóng viên chưa nhận thức đúng đắn về sứ mệnh, vị trí, vai trò và trách nhiệm của người làm báo, thiếu tu dưỡng rèn luyện, chạy theo lối sống thực dụng, vị kỷ, hẹp hòi. Đáng mừng báo chí Thanh Hóa hạn chế tối đa, ngăn chặn kịp thời không có bùng phát những hành vi này, trong đó phải khẳng định vai trò các cơ quan quản lý báo chí nghiêm khắc, Hội Nhà báo Thanh Hóa sâu sát với hội viên. Chính vì vậy các cơ quan báo, các nhà báo đã hoạt động công tâm, xứng tầm tạo ra được thương hiệu báo chí tỉnh Thanh, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tin tưởng.
Từ thực tế đã có những cơ quan báo, nhà báo việc nhận diện chưa đúng về văn hóa báo chí sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, đi ngược lại định hướng báo chí cách mạng. Do đó, nhận diện đúng về văn hóa báo chí là trách nhiệm của người làm báo. Với kinh nghiệm làm nghề, có nhiều nhà báo chia sẻ, trường hợp khi tiếp xúc với những doanh nhân sai phạm pháp lý, những công dân phạm tội, nhà báo khẳng định, cư xử văn hóa bài viết sẽ có tính nhân văn cao, ngược lại sẽ ảnh hưởng rất nhiều nếu bị chi phối bởi sự kỳ thị. Viết về cái xấu, cái ác phải có tinh thần xây dựng, không nên dập vùi người khác, nhưng cũng không tung hô quá đà... những việc tốt nhưng chưa đúng thời điểm. Việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
2. Hành động văn hóa tạo nên giá trị nhân văn
Hội Nhà báo Thanh Hóa đã trải qua hành trình hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành. Hội luôn quan tâm sâu sắc đến các hoạt động tập hợp các nhà báo và xây dựng các cơ quan báo chí ngày càng có mối quan hệ phối hợp vì mục đích chung, đáp ứng yêu cầu thời đại mới. Cùng với nhiều các hoạt động chuyên môn, Hội đã tổ chức Hội nghị ký kết giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” (ngày 22-9-2023), phổ biến, quán triệt 12 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Thông qua hội nghị này, Hội Nhà báo Thanh Hóa đã khẳng định xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là việc làm hết sức cần thiết. Thông qua việc chung tay ký kết xây dựng môi trường văn hóa sẽ giúp lan tỏa tinh thần báo chí, chia sẻ bản sắc riêng của từng cơ quan, đồng thời gặp gỡ, trao đổi, giao lưu giữa các cơ quan báo chí để cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa. Mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên là những hạt nhân rất quan trọng trong tòa soạn, cần tạo một môi trường làm việc văn hóa để gắn kết và chia sẻ tinh thần văn hóa báo chí, cùng nhau tạo nên những tác phẩm báo chí có giá trị, mang tính nhân văn cao. Bên cạnh đó cũng xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng là cần thiết, cần lưu ý đến trong bối cảnh thời đại 4.0 hiện nay. Việc tạo không khí vui vẻ, môi trường làm việc khoa học, chuyên nghiệp và tôn trọng con người sẽ giúp làm việc hiệu quả hơn. Môi trường tích cực sẽ lan tỏa tính nhân văn giữa người với người, giữa cơ quan với cá nhân và lan tỏa trong từng tác phẩm báo chí. 
Hội Nhà báo Thanh Hóa luôn chú trọng đến đào tạo tầng lớp kế cận, đào tạo những phóng viên trẻ mới ra trường. Có nhiều lớp tập huấn dành cho các phóng viên trẻ, việc trao đổi được diễn ra thường xuyên để tạo cho các phóng viên môi trường làm việc tốt nhất. Hội luôn nêu cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, phóng viên trong việc xây dựng môi trường làm việc văn hóa, văn minh. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ, mỗi tác phẩm là một sản phẩm văn hóa, tâm niệm này được đội ngũ cán bộ, phóng viên tự giác thực hiện. Mỗi năm Hội Nhà báo đều tổ chức trao Giải thưởng Trần Mai Ninh cho các nhà báo có tác phẩm tốt, có giá trị nhân văn cao cả; hỗ trợ, tài trợ cho các tác phẩm báo chí chất lượng cao; đề nghị khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích. Những năm gần đây Hội có nhiều hoạt động tạo nên sự phấn khởi cho các nhà báo như cuộc thi ảnh báo chí “Nét đẹp người làm báo”. Văn hóa người làm báo được thể hiện trong ống kính, khuôn hình, gắn với tác nghiệp đã tạo nên vẻ đẹp nhân văn trong mỗi tác phẩm còn mãi trong lòng khán giả và bạn bè đồng nghiệp trong cả nước. Hội còn tổ chức cho các nhà báo đi thực tế ở những không gian văn hóa, di tích lịch sử, những nơi lưu giữ phong tục, tập quán đồng bào…; tổ chức cho các nhà báo huy động quỹ làm từ thiện… Hội Nhà báo phối hợp cùng các cơ quan báo chí Tỉnh định hướng mọi hoạt động gắn với tiêu chí văn hóa người làm báo; phấn đấu trở thành người làm báo vừa hồng vừa chuyên, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn. Đồng thời ban hành kế hoạch xây dựng môi trường văn hóa như: Giờ giấc làm việc, giao tiếp ứng xử, trang phục, hội họp, nhận xét đánh giá phê bình trong các cuộc họp giao ban, sơ kết, tổng kết... nhằm tạo môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo, làm chủ công nghệ mới đặc biệt là công nghệ báo chí hiện đại; nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, xây dựng nề nếp làm việc khoa học, trật tự, kỷ cương, phong cách ứng xử chuẩn mực, thực hành tiết kiệm, chống các biểu hiện tiêu cực, lãng phí. Văn hóa báo chí phản ánh sức mạnh nội tại của mỗi tòa soạn và mỗi người làm báo. Hơn ai hết, nhà báo phải trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu của Đảng, của nhân dân và xã hội. 
Các nhà báo Thanh Hóa đã và đang dấn thân, thích ứng, nhập cuộc với những biến đổi trong thời đại mới. Họ luôn tự trau dồi, đắp bồi sâu sắc hơn ngòi bút, lan tỏa ý thức trách nhiệm, tinh thần nhân văn trong mỗi tác phẩm báo chí. Văn hóa trở thành sợi dây gắn kết trách nhiệm, lương tâm và lòng tự trọng nghề nghiệp của mỗi người làm báo, cùng nhau hướng đến xây dựng báo chí tỉnh Thanh giàu tính nhân văn, hiện đại và hội nhập.
                                                                                                 T.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 65
 Hôm nay: 6077
 Tổng số truy cập: 13568709
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa