Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Vai trò của nhân dân Thanh Hóa trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng
Vai trò của nhân dân Thanh Hóa trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng

VAI TRÒ CỦA NHÂN DÂN THANH HÓA TRONG CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ CẦU HÀM RỒNG   

                                                LÊ XUÂN GIANG
                     Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa

Cách đây vừa tròn 60 năm, chiến thắng lẫy lừng của quân và dân Hàm Rồng trong 2 ngày mùng 3 và mùng 4 tháng 4 năm 1965, bắn rơi 47 máy bay của giặc Mỹ, nhiều chiếc rơi tại chỗ, bắt sống nhiều giặc lái, đã làm nức lòng quân và dân cả nước cùng bè bạn khắp năm châu, giáng một đoàn chí tử vào uy thế của Không lực Hoa Kỳ lúc bấy giờ, khiến giới quân sự Mỹ phải thốt lên rằng: Đó là 2 ngày đen tối của Không lực Hoa Kỳ. 
Nhưng Hàm Rồng không chỉ có 2 ngày mùng 3 và mùng 4 tháng 4 năm 1965, Hàm Rồng còn có hơn hai ngàn ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, vượt lên mưa bom bão đạn của kẻ thù, với lời thề: “Đứng trên núi Ngọc ta thề. Chưa hết giặc Mỹ chưa về quê hương”, với quyết tâm: “Thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục”. Với tinh thần ấy, quân và dân Hàm Rồng đã chiến đấu gần một ngàn trận lớn nhỏ, bắn rơi 117 máy bay các loại của giặc Mỹ, bảo vệ vững chắc cầu Hàm Rồng nhiều năm liền, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần chi viện người và của cho chiến trường miền Nam ruột thịt. 
Với chiến công hiển hách ấy, Hàm Rồng trở thành một chiếc cầu bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất trên miền Bắc, là nơi 3 lần bắn rơi tại chỗ các chiếc máy bay chẵn nghìn và chẵn trăm trên miền Bắc và ở Thanh Hóa. Ngày 5 tháng 6 năm 1967 Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mỹ thứ 2000 trên miền Bắc. Ngày 26 tháng 12 năm 1971 Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ 100 tại Hàm Rồng. Ngày 7 tháng 5 năm 1972 Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ 300 tại Thanh Hóa. Và Hàm Rồng là chiếc cầu được bảo vệ an toàn lâu dài nhất trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc nước ta. 
Tôi và cựu chiến binh Hàm Rồng thấu hiểu sâu sắc rằng, có được những chiến công lẫy lừng ấy trước hết là có đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Nhà nước ta, và đặc biệt có vai trò vô cùng to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa nói chung, nhân dân khu vực Hàm Rồng nói riêng trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu.
Sáu mươi năm đã trôi qua, là cựu chiến binh Hàm Rồng, tôi vẫn không quên hình ảnh đồng chí Ngô Thuyền - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đêm mùng 3 tháng 4 năm 1965 đến trận địa đồi Không Tên động viên bộ đội; hình ảnh Trung đội trưởng Nguyễn Thị Hằng - Chỉ huy trung đội dân quân Nam Ngạn chiến đấu trên bờ đê sông Mã; hình ảnh anh hùng Ngô Thị Tuyển vác 2 hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng mình ra trận địa để bộ đội có đạn chiến đấu; hình ảnh cô Lê Thị Dung và anh Ngô Thọ Sáu dân quân Nam Ngạn bơi ra tàu Hải quân cùng chiến đấu với bộ đội trên tàu; hình ảnh sư thầy Đàm Thị Xuân cùng các mẹ, các chị nấu cơm cho bộ Hải quân trước sân chùa trong trận ngày 26 tháng 5 năm 1965. Đó là hình ảnh “Giặc đến nhà cả làng ra trận” - Một mô hình chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xuất hiện đầu tiên ở làng Nam Ngạn anh hùng. 
Tôi cũng không bao giờ quên hình ảnh 7 cô gái làng Yên Vực bơi thuyền chở đạn qua sông để trận địa pháo trên quê hương mình có đạn đánh giặc; hình ảnh cô dân quân làng Đông Quang Lương Thị Thục xé áo của mình lau đạn cho bộ đội trên trận địa đồi Không Tên trong trận mùng 3 tháng 4 năm 1965; hình ảnh cô dân quân làng Đông Sơn Dương Thị Viện vác đạn lên trận địa Đại đội 4 trong trận 21, 22 và 23 tháng 9 năm 1966; hình ảnh các cô dân quân làng Phượng Đình thay thế pháo thủ trên trận địa Đồng Đá, tự vệ nhà máy Điện Hàm Rồng lên thay pháo thủ chiến đấu trên trận địa 57, v.v... 
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng, tôi và những cựu chiến binh Hàm Rồng luôn luôn biết ơn sâu sắc tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa và đặc biệt cảm ơn nhân dân khu vực Hàm Rồng, nhất là nhân dân ở các làng Nam Ngạn, Yên Vực, Đông Sơn, Từ Quang, Phượng Đình, Định Hòa, Hạc Oa, Đông Tác, v.v... đã sát cánh cùng pháo thủ Hàm Rồng chiến đấu và phục vụ chiến đấu ròng rã trên hai ngàn ngày đêm, để hôm nay chúng ta tự hào với chiếc cầu Hàm Rồng anh hùng trên quê hương Thanh Hóa anh hùng. Tôi cũng cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào khi chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất Hàm Rồng lịch sử; nhiều trận địa pháo nay trở thành công trường nhà máy; trận địa đồi Không Tên nay đã có Tượng đài Thanh Niên xung phong; trận địa đồi 57 nay là Đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng; đồi C4 anh hùng có Thiền viện Trúc Lâm; bên bờ đê làng Nam Ngạn có khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã năm 1972, v.v... 
Tôi tin tưởng và mong muốn rằng: Cùng với đất nước, Hàm Rồng sẽ vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, trở thành trung tâm du lịch của tỉnh Thanh Hóa, tương xứng với chiến công vĩ đại của Hàm Rồng năm xưa. Là một người gắn bó với công việc quản lý Văn học, Nghệ thuật, viết văn, viết báo, những công việc cụ thể, hay những trang viết của tôi đã, đang và sẽ luôn hướng về mảnh đất Hàm Rồng lịch sử này, như là sự nhắc nhớ kỷ niệm của tôi và đồng đội tôi. Đồng thời cũng mong thế hệ trẻ hiểu hơn về không khí chiến đấu và chiến thắng, những số phận, những góc sâu tâm hồn… mà chỉ chúng tôi trong cuộc chứng kiến và cảm nhận những hy sinh, mất mát của quân và dân Hàm Rồng chiến đấu để giành thắng lợi, để đất nước, quê hương hôm nay được độc lập, hòa bình, thịnh vượng... vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 
                                                                               

        L.X.G


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 81
 Hôm nay: 5979
 Tổng số truy cập: 13568611
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa