Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Năm mươi năm một chặng đường...
Năm mươi năm một chặng đường...

NĂM MƯƠI NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG...  

                        HÀ THỊ CẨM ANH

Tôi không còn nhớ được là do cơ duyên gì mà năm ấy - năm 1961 của thế kỷ XX - cái năm mà thơ ca đã hớn hở chào “... Sáu mốt đỉnh cao muôn trượng...” một lũ nhóc đầu trần, chân đất, áo rách, quần vá là người dân tộc miền núi chúng tôi gồm: Bùi Nam Châm (Bùi Nhị Lê) và Hà Thị Ngọ (Hà Thị Cẩm Anh) - người Mường, huyện Cẩm Thủy; Vi Lập Công - người Thái, huyện Thường Xuân; Phạm Vân Du - người Mường, huyện Ngọc Lặc đã dám theo quái kiệt Phạm Vương Túc (Vương Anh) - người Mường, huyện Ngọc Lặc lúc bấy giờ để lập một nhóm những đứa có trình độ a bờ cờ về sáng tác thơ và văn, rồi ngang nhiên đặt tên là: “Tổ Văn học Ngọc Trạo” do Phạm Vương Túc khởi xướng. Đã thế, cái nhóm trẻ con nhếch nhác trong “Tổ Văn học Ngọc Trạo” chúng tôi cứ thế hồn nhiên mà hoạt động. Mỗi năm chúng tôi tập trung sinh hoạt hai lần. Mỗi lần vài hôm. Trụ sở chính là nhà của anh Phạm Vương Túc tại làng Lú Khoen, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc. Cũng không ít lần cả tổ chúng tôi được triệu tập bất thường. Những lần được triệu tập bất thường này là vì có cán bộ gạo cội từ dưới Ty Văn hóa lên miền núi công tác. Đó là nhà thơ Minh Hiệu, hoặc là nhà viết kịch, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Anh Nhân. Chúng tôi được triệu tập đến để nghe nhà thơ Minh Hiệu nói về thơ ca, về văn học, và nghe nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân nói về kinh nghiệm sáng tác thơ, văn và kinh nghiệm sưu tầm văn hóa dân gian.  
Kinh phí để “Tổ Văn học Ngọc Trạo” sinh hoạt chẳng có gì! Chúng tôi không phải đóng góp một đồng xu. Bởi vì lúc đó kinh tế nói chung còn đang rất khó khăn. Miền núi lại càng khó khăn hơn! Ai đó có được vài hào bạc trong túi đã là xa xỉ lắm rồi. Đối với “Tổ Văn học Ngọc Trạo” chúng tôi thì khỏi phải bàn. Chỉ mỗi Phạm Vương Túc và Bùi Nam Châm là lớn hơn một chút, còn Vi Lập Công, Hà Thị Ngọ và Phạm Vân Du vẫn còn là một lũ “nhóc con” thuộc tầng lớp “bần hàn” nên vẫn còn phải bám vào vạt áo của cha, vào lai váy của mẹ mà sống thì lấy gì để mà đóng góp? Đã thế, chúng tôi vẫn cứ liều. Cứ thế ngang nhiên mà hoạt động. Bởi ngày hai bữa ăn trong thời gian tập trung để “học nghiệp vụ” đã có người lo cho rồi. Có gì ăn nấy. Bữa sáng là sắn, là ngô. Bữa trưa, bữa tối cũng là cơm độn ngô, độn sắn do gia đình Phạm Vương Túc cung cấp miễn phí. Thức ăn thì ngày nào cũng như ngày nào, đều do bố mẹ của Phạm Vương Túc lo liệu. Buổi sáng và buổi chiều cụ bà xuống suối bắt cá, ra đồng bắt cua, bắt ốc còn cụ ông thì lên núi, vào rừng lấy hoa chuối, lấy măng sặt, măng nứa, măng tre. Cứ thế mỗi năm hai lần tổ “Văn học Ngọc Trạo” tập trung nhau để sinh hoạt mà còn hoạt động một thời gian khá dài. Dài từ năm 1961 cho đến tận năm 1965 khi chiến tranh leo thang, phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ xảy ra. Vả lại lúc đó chúng tôi cũng đã lớn hơn một chút. Bùi Nam Châm và Phạm Vương Túc thì bận đi học chuyên nghiệp, Phạm Vân Du đi lính, Vi Lập Công học xong cấp ba Ngọc Lặc rồi về Thường Xuân, còn tôi thì đi làm ở trại chăn nuôi lợn của Hợp tác xã nông nghiệp ở Cẩm Sơn (Cẩm Thủy). Hơn nữa là đến năm 1965 thì hầu hết các thành viên trong “Tổ Văn học Ngọc Trạo” đã tiếp cận được với “văn học chính thống” của Ty Văn hóa (Nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa).
Thời gian trôi thật nhanh. Mới đấy mà đã sáu mươi tư năm rồi. Sáu mươi tư năm theo đuổi văn chương. Buồn, vui, thành công và thất bại tôi đều đã trải qua nhưng làm sao quên được những kỷ niệm tuổi thơ? Làm sao quên được bước đi chập chững đầu tiên đến với văn chương của mấy đứa trẻ người Mường, người Thái ngu ngơ ngày ấy, bây giờ tóc đã bạc trắng màu sương gió của thời gian? Tôi là một người phụ nữ Mường ít học nhưng vẫn cố bám vào con đường văn chương lắm đèo, nhiều dốc của quê mình nên đã may mắn trở thành “nhà”, thành “túp”. Vương Anh thì đã vinh dự được nhận Giải thưởng lớn về Văn học - Nghệ thuật của nước nhà. Bùi Nhị Lê cũng đã để lại cho đời hơn mười đầu sách văn học và các công trình nghiên cứu văn hóa của người Mường. Hiện nay anh là một hội viên được xếp trong tốp đầu những cây bút là người dân tộc Mường của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Phạm Vân Du thì đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vi Lập Công thì phải sống một cuộc sống lận đận cho đến khi rời cõi tạm mãi tận Đắk Nông xa xôi.
Cũng cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại kỷ niệm từ cái ngày xa xưa ấy, tôi vẫn cảm thấy mình thật là may mắn! Bởi đó là những bước chập chững đầu tiên giúp tôi đi và đến được với con đường văn chương để rồi đi trong suốt cả cuộc đời mình. Bởi cũng nhờ cái “Tổ Văn học Ngọc Trạo” do Vương Anh, một người anh, một người bạn, một nhà thơ gạo cội của dân tộc Mường đã khởi xướng, đã thành lập ngày ấy (năm 1961) ở làng Lú Khoen của anh mà năm 1963 tôi đã trình làng văn được một truyện ngắn mang tên “Thím Cò Khoai”. Năm 1964 là một bài ký “Trên công trường Gò Lý”. “Thím Cò Khoai” là tác phẩm đầu tiên đã giúp tôi, một phụ nữ dân tộc Mường mới học hết lớp năm phổ thông của xứ Thanh này có đủ can đảm và có đủ tự tin để đi tiếp con đường văn chương cao và dốc trong suốt cả cuộc đời mình.
Ngày nay, đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật là người dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa đã đông lên gấp rất nhiều lần lũ nhóc chúng tôi ở cái “Tổ Văn học Ngọc Trạo” thời ấy. Tác giả là người dân tộc Mường có nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - nhà thơ Cao Sơn Hải; các nhà thơ Vương Anh, Bùi Nhị Lê, Trương Thị Mầu, Phạm Thị Kim Khánh, Phạm Tiến Triều, Cao Nguyên Quyền, Bùi Xuân Tứ, Bùi Kim Quy; nhà văn Hà Thị Cẩm Anh; nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Hồng Nhi, Phạm Thị Kim Quy... Tác giả là người dân tộc Thái có các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: Cao Bằng Nghĩa, Hà Nam Ninh, Phạm Quang Thẩm, Phạm Xuân Cừ, Hà Văn Thương. Đặc biệt là đã có sự góp mặt của một tác giả trẻ người dân tộc Mông ở vùng cao Mường Lát là nhà thơ Lâu Văn Mua. 
So với số lượng các văn nghệ sĩ của cả tỉnh thì số lượng các tác giả là người dân tộc thiểu số của tỉnh, cũng như của Hội Văn học Nghệ thuật chưa phải là một tỉ lệ cao, nhưng số lượng và chất lượng của các sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu của các tác giả người dân tộc thiểu số không kém hơn các tác giả là người miền xuôi. Anh chị em là người dân tộc thiểu số sinh hoạt đều khắp cả các Ban Chuyên ngành của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, và họ đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong lao động sáng tạo văn học nghệ thuật. Còn về số lượng hội viên là người dân tộc thiểu số thì vẫn chỉ mới chiếm một tỷ lệ rất thấp trong các ban nhưng chất lượng và số lượng các tác phẩm của các tác giả là người dân tộc Mường, Thái cũng đều được đánh giá cao. Tiêu biểu như các tác giả: Vương Anh, Cao Sơn Hải, Phạm Thị Kim Khánh, Trương Thị Mầu, Hà Thị Cẩm Anh, Bùi Nhị Lê, Cao Nguyên Quyền, Hà Nam Ninh. Bởi vậy có thể khẳng định rằng: Văn học dân tộc thiểu số của Thanh Hóa ngày càng phát triển và ngày càng khẳng định được vị trí và vai trò của mình bao gồm cả sáng tác, sưu tầm về văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số của tỉnh nhà. Chẳng thế mà cả Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa có 08 tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đó là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Minh Hiệu, nhạc sĩ Hoàng Hải, nhà văn Kiều Vượng, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Anh Nhân, nhà thơ Vương Anh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ thì hội viên là người dân tộc thiểu số được nhận giải thưởng cao quý này đã có tới hai người. Hai tác giả đó là nhà thơ Vương Anh - người dân tộc Mường, huyện Ngọc Lặc; Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải - người dân tộc Mường, huyện Cẩm Thủy - Đó cũng là một tỷ lệ cao. Một tỷ lệ rất đáng kể so với mặt bằng chung.
Văn học dân tộc thiểu số của tỉnh Thanh Hóa hiện nay thật sự đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong dòng chảy của nền văn học hiện đại tỉnh nhà. Nhất là trong 50 năm qua, sau khi hòa bình được lập lại, thống nhất hai miền Nam - Bắc, non sông thu về một mối. Nhân dân hai miền Nam - Bắc nước ta đã đạt được những bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thì văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Bởi vậy mà văn học nghệ thuật luôn được Đảng và Nhà nước của chúng ta quan tâm, chú trọng và luôn được nâng cao tầm vị trí trong xã hội Việt Nam. Trong đó có mảng văn học dân tộc thiểu số. 
Năm mươi năm qua văn học dân tộc thiểu số đã không ngừng phát triển kể cả số lượng tác giả cũng như chất lượng các tác phẩm. Để nâng đỡ cho các tác giả là người dân tộc thiểu số mỗi ngày một thêm phát triển, và chất lượng các tác phẩm mỗi ngày được nâng cao, các hội văn học nghệ thuật cả nước nói chung và Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa nói riêng đã áp dụng những biện pháp cụ thể như: Xét tài trợ tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật; xét tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật hàng năm, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lê Thánh Tông (giải 5 năm). Các hoạt động đó đã kích thích sự sáng tạo của các văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số, đồng thời cũng là để giảm thiểu bớt những khó khăn về việc in ấn, xuất bản các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật sau khi các tác giả đã hoàn thành. 
Bên cạnh việc quan tâm đầu tư cho tác giả và tác phẩm, các thế hệ lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa còn rất coi trọng công tác phát triển hội viên là người dân tộc thiểu số. Chỉ tính trong mười năm, đó là từ năm 2007 đến năm 2017 Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã mở được 07 lớp bồi dưỡng cho các tác giả trẻ là người miền núi và dân tộc. Mỗi lớp từ 10 đến 15 người, được tổ chức tại Sầm Sơn, Ngọc Lặc và tại Văn phòng Hội. Qua các lớp bồi dưỡng đó đến nay đã có được các tác giả trẻ nhiều triển vọng như: Phạm Tiến Triều, Phạm Xuân Tứ, Phạm Thị Kim Khánh, Phạm Tú Anh (Mường); Lâu Văn Mua (Mông); Phạm Văn Cừ (Thái)... Sự quan tâm, chăm sóc của Đảng và Nhà nước đối với các tác giả là người dân tộc thiểu số đã khiến tôi nhớ lại: Vào những năm 1968-1972 là những năm kinh tế của đất nước cực kỳ khó khăn, bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong thời kỳ cam go nhất, ác liệt nhất, nhân dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc đều phải gồng mình lên, phải ăn nhịn để dành. Một hạt gạo nhân dân miền Bắc làm ra dưới mưa bom, dưới lửa đạn tàn khốc của kẻ thù phải chia làm ba phần. Một phần gửi ra chiến trường để nuôi quân đánh giặc. Một phần để giúp bạn bè là hàng xóm láng giềng đang có cùng hoàn cảnh bị giặc ngoại xâm chiếm đóng như mình. Một phần dành dụm để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Thế nhưng khi thấy tôi, một người phụ nữ dân tộc Mường có chút năng khiếu về viết văn nhưng mới chỉ thoát nạn mù chữ (tôi mới chỉ học hết lớp 5 phổ thông lúc bấy giờ và lúc ấy đang làm việc ở trại chăn nuôi lợn của Hợp tác xã) nhưng các nhà lãnh đạo của ngành văn hóa lúc bấy giờ đã tin tưởng và đã không ngần ngại dành hẳn cho tôi một suất học bổng để tôi được đi học trường bổ túc văn hóa suốt bốn năm liền (1968-1972). Sau khi tôi học xong lớp 10 hệ bổ túc văn hóa tập trung, cấp trên lại cũng ngay lập tức đưa tôi vào biên chế Nhà nước. Năm 1972 tôi về làm việc tại Ban Vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa. Đến năm 1974 Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa được thành lập. Trong hơn 30 năm công tác ở Hội, tôi đã có nhiều chuyến đi thâm nhập thực tế sáng tác ở các huyện miền núi để viết ký. Những ngày không đeo ba lô ngược rừng thì ở cơ quan đọc sách. Bởi vì khi ấy cơ quan giao cho tôi trông coi cả một tủ sách. Và mãi cho đến bây giờ khi đã trình làng được vài chục đầu sách tôi mới hiểu được một cách sâu sắc là các thế hệ lãnh đạo Văn học Nghệ thuật luôn tạo mọi điều kiện cho tôi học để bù vào chỗ thiếu hụt về kiến thức văn hóa cơ bản của tôi. Đó là học trong thực tế cuộc sống bằng những chuyến đi. Học trong sách vở là những ấn phẩm của bạn bè, của đồng nghiệp. Nếu như không có sự quan tâm ấy, không có sự học ấy thì một cây bút người dân tộc thiểu số như tôi sẽ không thể đi trọn được cuộc đời bằng những tập truyện ngắn, những cuốn tiểu thuyết và những kịch bản điện ảnh về đề tài miền núi trên con đường văn chương lắm đèo nhiều dốc? Con đường văn chương tuy lắm đèo, nhiều dốc nhưng bây giờ hơn lúc nào hết đã được Đảng, được Nhà nước thông qua các cơ quan và những người trực tiếp lãnh đạo Văn học Nghệ thuật mở ra rộng thênh thang để chờ đón các tác giả trẻ. Các tác giả trẻ, dù là dân tộc Kinh hay Mường? Thái hay Mông? Dao hay Thổ thì đều được đối xử công bằng, đều được quan tâm như nhau. Bởi vậy mà những cây bút trẻ có tài năng và sự đam mê văn chương đừng ngại dấn thân! Các tác giả trẻ sẽ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Thực tế đã chứng minh là các thế hệ lãnh đạo của Hội Văn học Nghệ thuật luôn quan tâm đến mảng văn học miền núi và những tác giả là người dân tộc thiểu số từ nhiều năm nay, nên cũng giống như các cây bút người dân tộc Kinh ở các Ban Chuyên ngành, mỗi năm Hội đều tổ chức cho các tác giả là người dân tộc thiểu số đi thực tế sáng tác đến các địa phương trong tỉnh. Các tác phẩm, công trình của các cây bút người dân tộc thiểu số được xét tài trợ, hỗ trợ sáng tạo một cách công bằng. Những tác phẩm có chất lượng tốt đều được trao giải thưởng xứng đáng.
Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã luôn khẳng định rằng: Văn học các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể thiếu được trong dòng chảy văn học của tỉnh nhà. Điều này chính là cánh cửa đã mở sẵn và mở ra rất rộng để chờ các bạn trẻ bước chân vào. 
*
Văn học các dân tộc thiểu số của Thanh Hóa luôn thể hiện được màu sắc riêng trong quá trình phát triển. Ở thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng xuất hiện những cây bút tài năng, sắc sảo. Lớp trước là Vương Anh, Bùi Nhị Lê, Cao Sơn Hải, Hà Thị Cẩm Anh; Lớp sau như Phạm Thị Kim Khánh, Trương Thị Mầu, Phạm Xuân Tứ, Phạm Tiến Triều, Lâu Văn Mua, Phạm Tú Anh. Một ví dụ như Phạm Thị Kim Khánh, thơ của chị có hơi khó đọc, bởi nó gồ ghề và bí ẩn như những con đường núi:
... chàng và nàng cười
Ngất ngư
Mệt nhoài
Oải ra
Trên đá.
    (Tưởng tượng - Tập thơ “Mùa lá”)
Hay:
... Tay và tay bặt hơi ấm bàn tay
Có bặt không những trông ngóng hàng ngày
Bặt quỳnh dưới khuya, bặt hồng đón nắng
Thôi đành vậy cũng xin đừng bằng lặng
Bặt những điều vàng đá trong nhau.
    (Bặt - Tập thơ “Mùa lá”)
Thơ Phạm Thị Kim Khánh khiến cho người đọc mệt bở hơi tai nhưng khi đọc hết bài thơ thì ta có được cái cảm giác như là mình đã leo được lên đến đỉnh dốc rồi đứng đó mà thở phào. Bao nhiêu mệt mỏi qua đi, bao nhiêu niềm vui và khoái cảm đọng lại với núi non hùng vĩ, với gió mát, trăng thanh, với chim kêu vượn hót, với những mái nhà sàn thấp thoáng trong khói lam chiều, vẳng câu Xường giao duyên tình tứ của nàng và câu Xường ru ấm áp của bà, của mẹ với tình yêu đôi lứa ngọt ngào.
Em chào rạng sáng
Em chúc hoàng hôn
Ôm ru khối tình đêm muộn
Hình dung anh đang bên mình...
    (Thoại - Tập thơ “Mùa lá”)
 Còn Hà Thị Cẩm Anh thì trải lòng mình với mọi người: “... Trước những việc mà tôi vẫn cho là nỗi đau của mình, tôi chỉ còn biết đi tìm sự an ủi trong những câu mo Mường, những câu hát Xường của người xưa để lại. Thật sự là tôi đã phải nương tựa vào nền tảng văn hóa tốt đẹp của dân tộc tôi, của đất nước tôi để mà sống, để mà tồn tại và tôi đã sống, đã tồn tại được cho đến tận bây giờ, lúc mà chị đã đến bên tôi, đã ở bên cạnh tôi Đen ạ!”. (Trích tiểu thuyết “Ma đen và góa phụ Mường Chiềng” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2024).  
Qua các sáng tác của các cây bút người dân tộc thiểu số ta đã nhận ra được là mỗi tác giả một sắc thái riêng. Bùi Nhị Lê thì lặng lẽ hiền lành như bản tính của anh. Trương Thị Mầu thì hối hả, bận rộn nhưng cũng rất đa tình.
Phăm phăm góp nhớ mọi miền.
Rồi thì:
Ba lô lên vai
Đoàn thiện nguyện chúng tôi
Gặp nhau trên đỉnh núi cò cài...
Để rồi:
Bất chợt nhận ra anh
Như chùm tia nắng ngọt lành trong veo...
(Trích trong tập thơ “Níu bóng nhà sàn” - Trương Thị Mầu) 
Tác giả vùng cao biên giới Lâu Văn Mua thì khát khao nhưng mộc mạc, vụng về. Còn tác giả Phạm Tiến Triều thì sâu lắng và da diết:
Đêm một mình đối diện
Với một vầng trăng xuông
Vắng em thành cô quạnh 
Giữa muôn vàn nhớ thương.
Nhưng dù là ai, ở đâu, và dân tộc nào cũng đều mang được cái nét riêng độc đáo của dân tộc mình trong từng tác phẩm. Đó là cảnh sắc thiên nhiên miền núi và đặc điểm của con người mang tính chất vùng miền rất đậm đặc. Mảng văn học miền núi và dân tộc của Hội Văn học Nghệ thuật trong 50 năm qua chưa thật sự đạt được độ dày, và đồng đều ở các chuyên ngành như chúng ta mong muốn, nhưng chúng ta cũng thấy được rất rõ là văn học dân tộc thiểu số trong 50 năm qua cũng đã đạt được những thành tựu đáng nể, nhất là ở sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian. Có thể kể đến: Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật) với các công trình nghiên cứu văn hóa Mường đồ sộ; Hà Nam Ninh (Nghệ nhân ưu tú - người dân tộc Thái) với các công trình về “Hệ thống câu đối chữ Thái”, Sưu tầm nghiên cứu về Hà Công Thái ở Mường Khô; Phạm Quang Thẩm (người dân tộc Thái) có các đề tài nghiên cứu về: “Mo tang lễ - Mo Vía - Ca dao tục ngữ dân tộc Thái Quan Hóa”; Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cừ có bộ sưu tầm truyện cổ Thái như: “Chuyện tình Pha Dua” và công trình nghiên cứu “Tục ngữ Thái miền Tây xứ Thanh”…
Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số của Thanh Hóa có sức hấp dẫn riêng, là mảnh đất màu mỡ để các tác giả thể hiện một cách rõ ràng hơn về bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Bởi thiên nhiên, con người, văn hóa các dân tộc miền núi luôn là nguồn cảm hứng bất tận, là chất liệu để người viết khai thác và sáng tạo nên những tác phẩm có chất lượng được người đọc đón nhận. Chính vì điều này mà những cây bút là người dân tộc thiểu số mang mỗi người một vẻ. Bởi những tác giả này đã được nuôi dưỡng cảm xúc từ bé bằng tiếng cồng, tiếng chiêng, bằng tiếng Xường ru của bà, của mẹ, thậm chí là bằng cả những tiếng mõ trâu lốc cốc trên đường làng vào mỗi buổi sớm, mỗi buổi chiều. Bởi vậy mà trong các tác phẩm văn học của các tác giả người dân tộc, miền núi đều mang giọng điệu và bút pháp giàu chất văn học dân gian truyền thống của người dân tộc, tiêu biểu như thơ Trương Thị Mầu, Phạm Tiến Triều, Phạm Thị Kim Khánh, Lâu Văn Mua...
Năm mươi năm qua mảng văn học miền núi đã vận động, phát triển và cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong dòng chảy văn học của tỉnh nhà. Mong rằng trong thời gian tới những lãnh đạo và những người có trách nhiệm với văn học nghệ thuật quan tâm hơn nữa đến mảng văn học miền núi và những tác giả là người dân tộc thiểu số. Bởi lớp tác giả như tôi, như Vương Anh, Bùi Nhị Lê, Cao Sơn Hải... lúc này đã không còn sức lực để trèo dốc, để leo núi mà nghe tiếng thác chảy, tiếng chim hót và tiếng Xường, tiếng Khặp. Tất cả phải nhờ vào lớp trẻ. Được sự quan tâm chăm sóc của Đảng, được sự nuôi dưỡng của nhân dân, nhất định lớp trẻ là những cây bút người Thái, người Mường, người Mông, người Thổ và các dân tộc anh em khác trong cộng đồng người Việt của tỉnh ta mỗi ngày sẽ thêm đông đảo, hùng hậu, và có nhiều tài năng văn học nghệ thuật vươn tới tầm quốc gia và vươn ra thế giới trong tương lai gần.
                                                                                      H.T.C.A


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 96
 Hôm nay: 6153
 Tổng số truy cập: 13568785
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa