Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Văn nghệ sĩ Thanh Hóa 50 năm đồng hành cùng dân tộc sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 - 30-4-2025)
Văn nghệ sĩ Thanh Hóa 50 năm đồng hành cùng dân tộc sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 - 30-4-2025)

VĂN NGHỆ SĨ THANH HÓA 50 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT (30-4-1975 - 30-4-2025)   

                        TRỊNH VĨNH ĐỨC

Văn nghệ sĩ Thanh Hóa đã lưu dấu vào nền Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam hiện đại sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 - 30-4-2025) với số lượng tác phẩm phong phú và đa dạng, góp vào bức tranh toàn cảnh về quê hương, đất nước, con người... vô cùng độc đáo, sáng tạo. Sáng tạo ấy, đã kết tinh các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống... đồng thời ý thức rõ trách nhiệm công dân với “khát vọng vươn mình" trên hành trình đổi mới đi lên cùng dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại 50 năm một chặng đường, với bao biến đổi của đời sống xã hội, diễn tiến của lịch sử, văn nghệ sĩ Thanh Hóa càng khẳng định vai trò và nhiệm vụ của VHNT Thanh Hóa hết sức vẻ vang đối với đất nước. Như một dấu mốc lịch sử, năm 2025 là năm bản lề khép mở, để rồi VHNT Thanh Hóa tổng kết một chặng đường dài nửa thế kỷ đi qua, và mở ra một chặng đường mới 50 năm tiếp theo. 
Ngay sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử vừa kết thúc, dù ở thời chiến hay thời bình, tinh thần đổi mới tư duy trong giới cầm bút của văn nghệ sĩ Thanh Hóa không những thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng mà còn xác định rõ vai trò trách nhiệm trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Quán triệt tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) và các kỳ đại hội tiếp theo, văn nghệ sĩ Thanh Hóa có thêm nguồn năng lượng mới, trong quan điểm và trách nhiệm sáng tác. Thực tiễn đã chứng minh, các tác phẩm VHNT của các văn nghệ sĩ Thanh Hóa luôn có mặt trong những thời điểm đất nước khó khăn. Đội ngũ cầm bút là những nghệ sĩ giàu lòng yêu nước, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, gắn bó máu thịt với Tổ quốc và nhân dân. Trong lĩnh vực sáng tác có sự đổi mới, tìm kiếm một ý thức mỹ học mới. Trong sáng tạo nghệ thuật, ngay trong thời kỳ đổi mới, cái nhìn sử thi đã nhường chỗ cho cái nhìn thế sự đời tư. Dẫu cho vòng xoáy của kinh tế thị trường, đô thị hóa và nhịp sống đương đại có lúc làm ảnh hưởng đến giá trị ý thức con người, nhưng những tên tuổi văn nghệ sĩ Thanh Hóa bước ra từ thời chiến chuyển qua hậu chiến vẫn còn đó những quan điểm nghệ thuật đúng đắn, và những thành tựu tiêu biểu, sáng mãi cho đến hôm nay.
 Những thành tựu chủ yếu về lĩnh vực văn học: Phải khẳng định, trên cơ sở nhìn lại thực trạng VHNT 50 năm sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975 của nền VHNT Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã đánh dấu kỷ nguyên đất nước đổi mới, phát triển. Nếu như VHNT Việt Nam chuyển mình phát triển mạnh mẽ sau năm 1975 thu hút được nhiều thành tựu quan trọng, đã phát huy được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước gắn với dân tộc, với nhân dân, thì VHNT Thanh Hóa với lực lượng văn nghệ sĩ sáng tác và nghiên cứu, lý luận phê bình văn học cũng phát triển lên một thang bậc mới.
Đi đầu trong lĩnh vực văn chương, người tâm huyết hết lòng với văn nghệ Thanh Hóa là nhà văn Nguyễn Thế Phương. Ông là người đặt nền móng cho nền VHNT Thanh Hóa ra đời. Những tác phẩm và hình ảnh của ông được lưu giữ tại nhà Bảo tàng Văn học Việt Nam hiện nay. Năm tháng đi qua, dòng đời cuộn chảy, Thanh Hóa đã có hàng loạt các tác giả đóng góp trí tuệ cho nền VHNT của tỉnh và nước nhà, như: Xuân Sách, Lữ Giang, Nguyễn Ngọc Liễn, Trần Hiệp, Hoàng Tuấn Phổ, Mã Giang Lân, Anh Chi, Mai Ngọc Thanh, Lê Sĩ Oanh, Lê Hữu Thuấn, Từ Nguyên Tĩnh, Kiều Vượng… Cũng cần phải nhắc lại, văn học viết sau ngày 30-4-1975 vẫn tiếp tục chảy qua cái nhìn bi tráng được tái hiện. Với tinh thần sáng tạo, các văn nghệ sĩ Thanh Hóa không bỏ qua những ký ức về một thời đạn lửa. Dẫu chiến tranh kết thúc, vẫn còn sót lại những dư chấn. Song, các nhà văn Thanh Hóa lại càng suy ngẫm, chiêm nghiệm, bản lĩnh hơn, để rồi hằn lên trang viết của mình bằng những trang văn ghim vào lịch sử. Không phải ngẫu nhiên bài ký “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?” của Phùng Gia Lộc trở thành hiện tượng văn học xứ Thanh, khắc tên tác giả xứ Thanh vào dấu mốc cho thời kỳ văn học đổi mới của nền văn học nước nhà. Ngoài ra những tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất vẫn là các tác giả: Nguyễn Thế Phương, Minh Hiệu, Trần Hiệp, Nguyễn Ngọc Liễn, Vương Anh, Đặng Ái, Phùng Thiên Tân, Mai Ngọc Thanh, Lê Xuân Giang, Từ Nguyên Tĩnh, Kiều Vượng. Văn Đắc, Nguyễn Văn Đệ, Hà Thị Cẩm Anh, Trịnh Tuyên… Đây là những cây bút xứ Thanh có nhiều duyên nghiệp gắn bó với văn nghệ xứ Thanh đạt được nhiều thành tựu thời kỳ đổi mới. Nhiều tác phẩm văn học được xuất bản, nhiều bài ký, tùy bút, phóng sự được hiện lên nóng hổi trên nhiều trang báo, có tác dụng kích thích sự phát triển, động viên mọi người thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự chuyển mình của xứ Thanh được phản ánh, cuộc sống mới, con người mới trong thời kỳ văn học đổi mới càng sống động hơn bao giờ hết. Sự vươn mình thay đổi, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức trong một bộ phận xã hội. Nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn với bút ký Tháng ba huyện Quảng; Nhà thơ Văn Đắc với các bài ký: Vùng mía Lam Sơn, Bến En vẫy gọi, Làng tiến sĩ, Đất ngọt; Nhà thơ Minh Hiệu với Quế ngọc Châu Thường; Nhà thơ Mai Ngọc Thanh với hàng loạt bài ký: Bây giờ Đồn Trang, Như thế là tình yêu, Làng tôi, Thấy ở vùng đất cổ; Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh với Xuân Thành một lời hứa, Vùng kinh tế mới Triệu Sơn; Nhà văn Kiều Vượng với Chặng đường tình nghĩa, Một đoạn đời, Những cuộc đời thầm lặng; Nhà văn Lê Sĩ Oanh với Niềm hi vọng; Nhà văn Nguyễn Bảo với Đất của ông Nghè; Nhà văn Chu Giang với Qua vực Xuân Thành; Nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ với Đất đỏ Triệu Sơn; Nhà văn Đỗ Văn Phác với Khi cơn bão đi qua; Nhà thơ Trịnh Ngọc Dự với Trần Đình Chi và tổ lái xe của anh. Đỗ Xuân Thanh với Cây lúa và cô kỹ sư thủy lợi; Nhà văn Lê Ngọc Minh với Một chuyến về quê. Nhà văn Nguyễn Văn Đệ với tác phẩm bút ký Đảng viên làng tôi, Bài ca giữa vụ cá (1996) được giải Nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam và Một chuyến đi biển (1997) đạt giải Nhì Báo Văn nghệ. Gánh vác trách nhiệm với nhà văn Thanh Hóa trước đất nước, khi nói về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, tác giả Thanh Hóa đã có bài kịp thời đem đến sự động viên tinh thần lớn. Trần Hiệp với 2 tác phẩm bút ký: Người Thanh Hóa ở Vị Xuyên, Lên Đồng Đăng gặp con em Thanh Hóa vừa thể hiện được cái chung, cái riêng khi nói về tinh thần yêu nước, đoàn kết của con em Thanh Hóa trước ngoại xâm. Trở về với tình yêu, thế sự, Lữ Giang có tác phẩm Ánh sáng và mây mù, Đằng sau cây thánh giá, Người Kim Đài. Trần Hiệp với Xi măng Bỉm Sơn, Sa lưới. Đặng Ái với Dã quỳ nở trong mưa. Lê Văn Vọng với Thung lũng cánh diều. Vương Anh với Bản mường trong tranh đã mang lại sự đa dạng trong điểm nhìn, làm phong phú đề tài, nội dung tác phẩm. Riêng tiểu thuyết và truyện ngắn sau 1975, nhà văn Nguyễn Thế Phương có tiểu thuyết Ngày trở về (1977), Chân trời gió mưa (1990). Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh từ năm 1992 đến 2008 ra mắt 7 tập truyện ngắn. Ông đã có tác phẩm Mối tình chàng Lung Mù đạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022. Không gian chính trong các tác phẩm của Từ Nguyên Tĩnh là trận địa Hàm Rồng những năm đánh Mỹ và vùng đất nông thôn Thọ Xuân, nơi quê ông sinh ra. Nhà văn Kiều Vượng với tác phẩm Người cuối cùng ở lại, Vùng trời thủng và nhiều tác phẩm khác, đem lại hiệu ứng mới trên diễn đàn văn học cả nước. 
Nhìn chung các văn nghệ sĩ Thanh Hóa như Nguyễn Ngọc Liễn, Mai Ngọc Thanh, Hoàng Tuấn Phổ, Trần Hiệp, Từ Nguyên Tĩnh, Kiều Vượng, Anh Chi, Mạnh Lê, Mã Giang Lân, Nguyễn Ngọc Quế, Lê Văn Vọng, Đào Phụng, Nguyễn Minh Khiêm… đã có nhiều tác phẩm sống động, trên mỗi trang viết. Ở họ liên tục cho ra mắt hàng chục tập sách sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, với nhiều sắc diện khác nhau, đã đạt được thành tựu nhất định. Mỗi một nét riêng trong thế giới nghệ thuật của từng tác phẩm, đều khẳng định tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ Thanh Hóa đối với sự phát triển của tỉnh và dân tộc. Đặc biệt, khi viết về đề tài lịch sử, nghiên cứu văn hóa, Hoàng Tuấn Phổ là một hiện tượng nhà văn xứ Thanh. Ông có hàng chục cuốn tiểu thuyết đa dạng đề tài lịch sử và nghiên cứu văn hóa ra đời. Cuốn sách “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” đã được giải thưởng sách Trung ương. Phải khẳng định, văn nghệ sĩ Thanh Hóa đã có nhiều trăm đầu sách của các tác giả nói trên, đóng đinh vào bản đồ văn học Thanh Hóa như một dấu mốc son, hiện nguyên trong thời kỳ văn học đổi mới, góp phần tạo thêm động lực đất nước phát triển. 
 Bước vào hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, các văn nghệ sĩ Thanh Hóa lớn mạnh thêm về đội ngũ. Ngoài nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, Kiều Vượng và một số nhà văn đang công tác trong và ngoài tỉnh khá nổi, Thanh Hóa còn được bổ sung thêm đội ngũ nhà văn mới gồm các nhà văn: Đào Hữu Phương, Hoàng Trọng Cường, Nguyễn Minh Khiêm, Lê Ngọc Minh, Cẩm Hương, Viên Lan Anh, Hỏa Diệu Thúy, Thy Lan. Và gần đây đội ngũ nhà văn được bổ sung thêm Lê Vạn Quỳnh, Lê Tú Anh, Trịnh Vĩnh Đức, Trịnh Tuyên... Đó là nguồn bổ sung rất cần thiết, để các nhà văn Thanh Hóa làm phong phú hơn cho ra đời nhiều tác phẩm mới với nhiều thể loại. Về Lý luận phê bình, thực tế gần đây đã có nhiều nhà phê bình trẻ Thanh Hóa đạt giải tác phẩm xuất bản do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao thưởng.
Một vấn đề cần nhắc đến trong hành trình VHNT 50 năm qua là các nhà văn bao giờ cũng nhắc nhớ về nguồn cội. Điều này, đã tạo nên sự phong phú cho đội ngũ văn nghệ sĩ Thanh Hóa có nhiều đất để phát huy sáng tạo. Sẽ là thiếu, nếu như không nhắc đến các văn nghệ sĩ quê hương xứ Thanh đang công tác ngoài tỉnh, nhưng vẫn đi về liên kết cùng với Hội VHNT Thanh Hóa tại quê hương, có số lượng tác phẩm xuất bản khá nhiều. Tiêu biểu mới gần đây Giáo sư Hà Minh Đức có tập bút ký “Xứ Thanh người và cảnh một thời” tạo nên một bức tranh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch mới cho vùng đất xứ Thanh phát triển. Những tên tuổi được định danh trên văn đàn như Triệu Bôn, Trần Thiết, Lê Đình Cánh, Lê Văn Vọng, Lê Bá Thự, Nguyễn Minh Khuê, Nguyễn Bảo, Phạm Hoa, Nguyễn Ngọc Quế, Lê Ngọc Minh, Lê Huy Hòa, Nguyễn Trường, Lã Nguyên, Chu Giang, Lê Xuân… đã tạo nên sự cộng hưởng văn chương có sức ảnh hưởng trên địa bàn toàn quốc, tạo thêm diện mạo mới bổ sung vào diện mạo mới để Văn học Thanh Hóa thêm đa dạng sắc màu.
Có thể nói, trong hành trình phát huy sáng tạo trong lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu VHNT, văn nghệ sĩ Thanh Hóa trong hành trình 50 năm cùng dân tộc sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975 đã làm nên tiếng nói thời đại, góp phần xây dựng hình ảnh văn hóa, văn chương nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới đất nước vươn mình đi lên ngày càng lớn mạnh tầm vóc. 
Những thành tựu chủ yếu về lĩnh vực nghệ thuật: Đã có nhiều tên tuổi nghệ sĩ Thanh Hóa được ghi danh trong mỗi thời kỳ xây dựng phát triển đất nước. Đáng chú ý về mỹ thuật có Tạ Quang Bạo, nhà điêu khắc có tiếng với những bức tượng tròn và dài nổi danh trong nước và quốc tế. Vẫn còn đó cụm tượng “Viếng đồng đội” đặt tại nghĩa trang đường 9 in tạc hình liệt sĩ vào trời xanh mang dấu ấn của ông. Riêng Lê Đình Quỳ với nhiều bức tượng ông sáng tác về gương anh hùng liệt sĩ đã có mặt trên nhiều tỉnh của cả nước. Thời gian không bao giờ mất đi những sáng tạo nghệ thuật. Nhắc đến ông là nhắc đến một nghệ sĩ tài hoa có nhiều tác phẩm nghệ thuật vươn tới đỉnh cao, khắc vào dòng chảy nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Với họa sĩ Phan Bảo, Đỗ Chung, Lê Xuân Quảng, ba họa sĩ có tiếng xứ Thanh, mỗi người có một thế mạnh riêng, nhưng đều có “Khát vọng vươn lên” được ấp ủ từ hồi còn trẻ. Điều đặc biệt tranh của các họa sĩ này đã được triển lãm ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, thu hút hàng nghìn người đến thưởng lãm. Sự đang dạng đề tài, loại hình tranh đem theo nhiều hấp dẫn cho người xem yêu thích. Nếu như họa sĩ Đỗ Chung mạnh về tranh trìu tượng thì họa sĩ Phan Bảo mạnh về vẽ khắc họa chân dung. Còn họa sĩ Đỗ Xuân Quảng lại phơi phới với sức tưởng tượng phóng khoáng, khi nhìn nhận thế giới thiên nhiên và con người. Tất cả như dồn lại nhiều khoảnh khắc xuất thần, để tạo nên bản sắc văn hóa xứ Thanh, tâm hồn xứ Thanh, sự đổi mới xứ Thanh trong nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng. Về nghệ thuật không thể thiếu âm nhạc. Hoàng Hải, Mai Kiên, Đồng Tâm, Thế Việt, Văn Cốc, Đỗ Hoài Nam, Đoàn Dũng, Nguyễn Trọng Bích, Phạm Khánh Hoàng… là những nhạc sĩ gắn với những ca khúc ca ngợi xứ Thanh và đất nước đi cùng năm tháng. Mới gần đây thôi, các nhạc sĩ Đồng Tâm, Thế Việt, Hoài Nam, Mai Kiên, Đoàn Dũng, đều có tác phẩm âm nhạc dự thi đoạt giải trong các cuộc thi âm nhạc toàn quốc. Nhạc sĩ Hoàng Hải được nhận giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc. Về nghệ thuật nhiếp ảnh có các nghệ sĩ nhiếp ảnh: Phạm Công Thắng, Trần Đàm, Lưu Trọng Thắng… trong mỗi cuộc thi đều đoạt giải cao từ Trung ương tới địa phương. Về điện ảnh có nhà viết kịch bản điện ảnh đạt nhiều giải thưởng Trung ương như nhà viết kịch bản điện ảnh Lê Ngọc Minh. Gần như mỗi cuộc thi trong các ngành lĩnh vực nghệ thuật, nhiều gương mặt nghệ sĩ được tỏa sáng để rồi kết đọng lại những cá nhân ưu tú. Đến năm 2024, các văn nghệ sĩ xứ Thanh có 8 người được nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Các văn nghệ sĩ Thanh Hóa thực sự đã đóng góp nhiều sức lực, trí tuệ, khẳng định vai trò của văn hóa, VHNT góp phần xây dựng phát triển kinh tế văn hóa tỉnh nhà lên tầm cao mới. Đến nay có gần 5000 tác phẩm VHNT đồng hành cùng đất nước được công bố ở tất cả các thể loại được in ấn xuất bản. Có hơn 1250 tác phẩm dự thi, từ cấp tỉnh đến Trung ương đạt giải trong nhiều năm. Riêng lĩnh vực nghiên cứu phê bình các tác phẩm văn học, văn nghệ sĩ Thanh Hóa hai năm (2023, 2024) vừa qua đều có giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt năm 2024 Thanh Hóa đạt 4 giải thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương trao tặng về thể loại nghiên cứu phê bình VHNT.
Có thể khẳng định, những thành tựu VHNT của văn nghệ sĩ Thanh Hóa đạt được trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 - 30-4-2025) là bài ca bất diệt. Nó khẳng định niềm tin mới về sự phát triển đi lên rất vẻ vang của đội ngũ, đồng thời mở ra một trang mới trong thời kỳ đất nước hội nhập phát triển. 
Từ nhận thức chung, thêm một lần khẳng định, tiềm năng VHNT của văn nghệ sĩ Thanh Hóa nói riêng, đất nước nói chung là rất lớn. Nó không những biết phát huy sức mạnh của văn hóa, VHNT theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, văn học nghệ thuật trong thời đại mới của các địa phương và cả nước mà còn đóng góp không nhỏ trong việc bồi đắp văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cho hôm nay và cả mai sau.
                                                                                          T.V.Đ


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 57
 Hôm nay: 5702
 Tổng số truy cập: 13568334
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa