THÀNH TỰU CỦA VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH THANH HÓA 50 NĂM SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT
THÀNH TỰU CỦA VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH THANH HÓA 50 NĂM SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT
Đồng chí ĐÀO XUÂN YÊN
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa
Trong 50 năm qua, cùng với dòng chảy của văn học, nghệ thuật (VHNT) nước nhà, VHNT tỉnh Thanh Hóa đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ và các tầng lớp Nhân dân tích cực sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần quan trọng trong việc giáo dục giá trị chân - thiện - mĩ cho nhân dân; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Thanh Hóa - vùng đất "Địa linh, nhân kiệt", giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, luôn giữ vai trò trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Xứ Thanh là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến và các dòng chúa của Việt Nam; quê hương của nhiều anh hùng dân tộc, văn thần, võ tướng nổi tiếng trong lịch sử. Người Thanh Hóa giàu lòng yêu nước, hiếu học, có tinh thần đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, cần cù, sáng tạo, luôn có ý chí và khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Xứ Thanh còn là vùng đất chứa đựng nhiều loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc, đặc sắc như: Dân ca Đông Anh, hò sông Mã, hát Khặp Thái, Xường Mường, sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”,... Đặc biệt, gần 80 năm về trước, làng Quần Tín, tỉnh Thanh Hóa được chọn là "cái nôi của văn hóa kháng chiến", nơi thành lập "Đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu IV- tiền thân của Hội Văn nghệ Việt Nam". Tại đây, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình VHNT được đào tạo(1) và cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng phục vụ công cuộc kháng chiến, cứu quốc,... Truyền thống rất đỗi tự hào của quê hương đã trở thành mạch nguồn cảm hứng và chất liệu phong phú để văn nghệ sĩ xứ Thanh tích cực sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận"; thực hiện đường lối văn nghệ của Đảng từ sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), trong 50 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chính sách khuyến khích, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ và Nhân dân tích cực sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động sáng tạo VHNT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn bắt nhịp, bám sát thực tiễn cuộc sống với dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước, nhân văn, gắn bó với dân tộc. Tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật được quan tâm xây dựng và ngày càng phát triển lớn mạnh và khá toàn diện, làm lực lượng nòng cốt cho hoạt động VHNT của tỉnh. Từ 92 hội viên ban đầu khi mới thành lập (tháng 6-1974), sau 50 năm, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã quy tụ được hơn 500 hội viên, sinh hoạt tại 11 Ban Chuyên ngành và 04 Câu lạc bộ (trong đó hơn 50% là hội viên các chuyên ngành VHNT Trung ương); có 09 NSND, 45 NSƯT; 8 văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa vinh dự được được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT(2).
Trong 50 năm qua, phát huy vai trò "Chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng", "Người thư ký của thời đại", đội ngũ văn nghệ sĩ và nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa của tỉnh Thanh Hóa đã sáng tạo, nghiên cứu, sưu tầm hàng trăm ngàn tác phẩm, công trình VHNT ở các thể loại, trong đó hàng chục ngàn tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật đã đoạt các giải thưởng của các cuộc thi, giải thưởng từ cấp tỉnh đến toàn quốc, có 8 công trình, tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Trong hoạt động sáng tác, lĩnh vực văn học thu hút đông đảo văn nghệ sĩ tham gia sáng tác so với các chuyên ngành nghệ thuật khác. Trên 4.500 đầu sách được xuất bản, phục vụ công chúng, để lại ấn tượng sâu sắc(3). Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học dân gian được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh được quan tâm sưu tầm và phát huy giá trị, như: Dân ca, dân vũ, các trò chơi, trò diễn dân gian, nhất là các lễ hội và trò diễn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia(4); một số công trình có giá trị đặc sắc đã được trao giải thưởng quốc gia(5). Tỉnh Thanh Hóa có hàng trăm nghệ nhân dân gian ở 07 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có có 62 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, 03 Nghệ nhân Ưu tú được phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được các nhà hát(6) xây dựng các chương trình, vở diễn đảm bảo giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao để phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ Nhân dân. Nổi bật là các chương trình nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân và kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; Chương trình Sân khấu Truyền hình và Sân khấu Thiếu nhi(7); các chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào các huyện miền núi, nông thôn trong tỉnh; đặc biệt, các vở diễn, chương trình nghệ thuật tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc mang đậm sắc thái xứ Thanh (ca ngợi đất và người Thanh Hóa) đều đạt các giải thưởng cao(8). Cùng với nghệ thuật chuyên nghiệp, tỉnh luôn quan tâm chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển nghệ thuật quần chúng sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, CNVC, LLVT, HSSV với hơn 1.300 CLB hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Hoạt động Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện mọi mặt để phát triển. Hội VHNT tỉnh chủ trì phối hợp với các chi hội chuyên ngành Trung ương và các ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức triển lãm vào các dịp kỷ niệm, các ngày lễ lớn; đồng thời, tích cực tham gia các cuộc thi, triển lãm do Trung ương và quốc tế tổ chức và đều đạt giải thưởng cao tại các liên hoan quốc tế, khu vực và quốc gia(9). Hoạt động điện ảnh được Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh (nay là Trung tâm Xúc tiến Du lịch và Văn hóa - Điện ảnh) tổ chức chiếu phim lưu động thường xuyên, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của 11 huyện miền núi và nhân dân các xã bãi ngang ven biển của tỉnh. Những năm gần đây, đã thu hút được xã hội hóa với 02 rạp chiếu phim tư nhân (Rạp chiếu phim của Beta Cinema; Rạp chiếu phim Lotte) tổ chức trên địa bàn TP. Thanh Hóa.
Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT Thanh Hóa đã có bước tiến đáng kể, góp phần nghiên cứu, làm rõ những vấn đề bản chất của văn học, nghệ thuật. Bên cạnh lý luận, công tác phê bình VHNT Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới đã kịp thời phát hiện, giới thiệu đến công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn nghệ có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, góp phần định hướng thị hiếu thẩm mĩ của công chúng và làm "cầu nối" giữa văn nghệ sĩ với công chúng. Trong thời gian qua, đội ngũ lý luận phê bình VHNT tỉnh Thanh Hóa có nhiều đóng góp tích cực, ghi dấu ấn trong hoạt động Lý luận phê bình VHNT, được giới chuyên môn đánh giá cao(10).
Công tác xây dựng, tạo nguồn và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ được tỉnh quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật Thanh Hóa lên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, trường tích cực đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành văn hóa, VHNT theo hướng thiết thực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo các hướng tiên tiến, hiện đại. Công tác bồi dưỡng, ươm mầm tài năng VHNT được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó, tổ chức các lớp năng khiếu nghệ thuật tại các nhà văn hóa thiếu nhi như: Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP. Thanh Hóa, Nhà Văn hóa các huyện,... Lực lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực VHNT được chọn lựa, bố trí hợp lý, đa số là những người được đào tạo cơ bản ở các chuyên ngành liên quan trực tiếp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức tốt, có năng lực, uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục.
Công tác giao lưu và hợp tác về phát triển VHNT được quan tâm thực hiện thông qua các hoạt động giao lưu với các tỉnh, thành trong nước và hoạt động văn hóa đối ngoại của tỉnh. Tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, VHNT do Trung ương tổ chức(11); đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, bộ ngành Trung ương đăng cai tổ chức các hoạt động văn hóa, VHNT cấp khu vực, Trung ương và quốc tế tại tỉnh Thanh Hóa(12). Thông qua các hoạt động, tỉnh đã quảng bá mạnh mẽ về các giá trị văn hóa tỉnh Thanh Hóa. Ngoài quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thiết lập mối quan hệ với các nước khu vực Đông Bắc Á, châu Âu, Trung Đông.
Để có những kết quả đáng phấn khởi trong hoạt động VHNT của tỉnh Thanh Hóa trong 50 năm qua, mặc dù còn không ít khó khăn, song cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tích cực sáng tác, quảng bá, nghiên cứu, sưu tầm tác phẩm VHNT bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, như: Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Ban hành Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa (gồm: Giải thưởng Văn học Nghệ thuật hàng năm và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lê Thánh Tông 5 năm, với mức thưởng cao nhất là 100 triệu đồng cho Giải đặc biệt); chính sách khen thưởng đối với văn nghệ sĩ được các giải thưởng cao trong các cuộc thi, liên hoan; được phong tăng danh hiệu NSƯT, NSND; được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật; kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, bổ sung chức năng, nhiệm vụ các đoàn nghệ thuật (hiếm có địa phương nào trong cả nước còn 6 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như tỉnh Thanh Hóa); tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên cho văn nghệ sĩ mỗi dịp tết Nguyên đán, Ngày Sân khấu Việt Nam và Ngày Văn công chuyên nghiệp xứ Thanh,... Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức gặp gỡ, giao lưu văn nghệ sĩ là người Thanh Hóa đang làm việc và sinh sống tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, kết quả đạt được trong lĩnh vực VHNT của tỉnh chưa tương xứng với bề dày và truyền thống lịch sử văn hóa, lợi thế của tỉnh, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân ngày một nâng cao. Chưa có nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đặc biệt là những tác phẩm để lại ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc trong lòng công chúng; số lượng và chất lượng tác phẩm sáng tác giữa các loại hình nghệ thuật chưa có sự đồng đều (văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc chiếm ưu thế hơn các loại hình khác); công tác quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến công chúng chưa được thực hiện thường xuyên; hoạt động Lý luận phê bình VHNT chưa có nhiều đột phá. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có lúc chưa được quan tâm đúng mức; số lượng hội viên trẻ, hội viên là người dân tộc thiểu số còn ít,...
Tuy còn có những khó khăn, hạn chế, song có thể khẳng định, trong 50 năm qua, cùng với dòng chảy của VHNT nước nhà, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển VHNT tỉnh Thanh Hóa đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ và các tầng lớp Nhân dân tích cực sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần quan trọng trong việc giáo dục giá trị chân - thiện - mĩ cho nhân dân; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; vun đắp và nhân lên niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, góp phần ổn định tình hình xã hội, tạo nền tảng và động lực để xây dựng VHNT tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển theo hướng tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu sắc thái văn hóa xứ Thanh; cổ vũ động viên Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Thanh Hóa anh hùng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực thi đua cống hiến xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước phát triển theo hướng giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030.
Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đã, đang và sẽ tác động đa chiều đến đời sống VHNT. Mặt khác, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với hoạt động VHNT. Nhận thức rõ vai trò của VHNT trong đời sống xã hội; tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong 50 năm qua, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/06/2008 của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” trong các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đảm bảo nghiêm túc, sáng tạo, thực chất, thiết thực, hiệu quả gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 04/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới”. Sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng các cấp về VHNT đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Tăng cường nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh; kịp thời phát hiện những vấn đề nhạy cảm, bức xúc, khó khăn trong lĩnh vực VHNT và đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp.
Thứ hai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về VHNT trên địa bàn tỉnh. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến lĩnh vực văn hóa, VHNT đảm bảo đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Nghiên cứu nâng mức thưởng đối với Giải thưởng Văn học Nghệ thuật hàng năm, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lê Thánh Tông (5 năm/lần), chính sách khen thưởng và các giải thưởng khác về Văn học Nghệ thuật. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch trên lĩnh vực VHNT.
Tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị thiết bị hoạt động, tăng nguồn kinh phí xây dựng chương trình hoạt động, cơ chế tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực trẻ, tài năng nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn; nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị hoạt động của Trung tâm Xúc tiến du lịch và Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Thư viện tỉnh và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Xây dựng cơ chế xã hội hóa các hoạt động lĩnh vực VHNT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động văn hóa, VHNT trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các văn hóa phẩm độc hại, xây dựng môi trường sống tốt đẹp, lành mạnh, đa dạng.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động VHNT. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT. Phấn đấu có nhiều hơn nữa tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, tác phẩm đạt giải thưởng các cuộc thi cấp khu vực, quốc gia và quốc tế; tác phẩm cần bám sát thực tiễn cuộc sống, với mạch nguồn sáng tạo là chủ nghĩa yêu nước, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người trong thời kỳ mới. Tăng cường sáng tác về chủ đề đất và người xứ Thanh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,... Nâng cao chất lượng hoạt động quảng bá, giới thiệu, xuất bản tác phẩm VHNT đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ, công nhân lao động ở các khu công nghiệp, đồng bào vùng sâu, vùng xa, khó khăn của tỉnh.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động lý luận, phê bình VHNT; tăng cường các bài viết đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực VHNT, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Làm tốt công tác phát triển hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật, chú trọng phát triển hội viên trẻ, hội viên là người dân tộc thiểu số,... Đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực VHNT, góp phần xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa, như: Nghệ thuật biểu diễn, hội họa, nhiếp ảnh. Nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành VHNT của các trường đại học trong tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả giao lưu, hợp tác về phát triển VHNT trong nước và quốc tế, mở rộng với các nước khu vực Đông Bắc Á, châu Âu, Trung Đông.
Làm tốt công tác xây dựng và phát triển VHNT là thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng, phát triển và hoàn thiện nhân cách con người, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ từng mong muốn.
Đ.X.Y
(1) Như các nhà văn, nhà thơ, nhà LLPB: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Hải Triều,...
(2) Nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ, cố Nhà thơ Minh Hiệu, cố Nhà văn Kiều Vượng, Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: Hoàng Anh Nhân, Cao Sơn Hải, Vương Anh, NSND Hoàng Hải. Bên cạnh đó, Nhà thơ, NNC Mã Giang Lân có công trình Thơ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học, Công nghệ.
(3) Tiêu biểu như: Tập Hồi ký “Gửi lại thời gian” của cố Nhà thơ Võ Quyết, Tiểu thuyết "Vùng trời thủng" của cố Nhà văn Kiều Vượng, sách "Tinh hoa văn hóa xứ Thanh" của NNC Hoàng Tuấn Phổ, sách Tuyển tập, sưu tầm Văn hóa dân gian Thanh Hóa của NNC Hoàng Anh Nhân,... tập truyện ngắn "Mối tình chàng Lung Mù" của Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, Trường ca "Ba mươi tháng Tư" và "Mạch đất hồn trống đồng" của Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm,...
(4) Tính đến tháng 4-2025, tỉnh Thanh Hóa có 27 di sản đã được cấp có thẩm quyền đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
(5) Các công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian của các Nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, Vương Anh, Cao Sơn Hải, Hoàng Tuấn Phổ,...
(6) Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa (nay là Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn).
(7) Chương trình Sân khấu Truyền hình được thực hiện từ năm 2011, mỗi tháng 1 vở kịch ngắn 45 phút, phát sóng trên Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa vào chiều thứ 7 để tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
(8) Như: Vở chèo “Tấm lòng vàng”, vở cải lương “Trống trận Ba Đình”, kịch nói “Đồng đội” và hàng trăm vở diễn khác.
(9) Như: NSNA Lê Công Bình, NSNA Lưu Trọng Thắng, NSNA Trần Đàm; các họa sĩ: Đỗ Chung, Nguyễn Thanh Sơn, Lê Thanh,..
(10) Như: các nhà LLPB Hỏa Diệu Thúy, Thy Lan, Trịnh Vĩnh Đức,...
(11) Thường xuyên tham gia các liên hoan nghệ thuật quần chúng; các cuộc triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và đều đạt giải cao.
(12) Đăng cai tổ chức liên hoan nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp toàn quốc (Kịch nói, Tuồng, Chèo); Triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh; Năm Du lịch Quốc gia,... Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường đăng cai tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quốc tế, tiêu biểu như: “Tuần lễ Văn hóa hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn”, Tuần lễ Văn hóa ASEAN, Tuần lễ Văn hóa Thanh Hóa - Nhật Bản - Hàn Quốc,...