Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Văn học trẻ xứ Thanh những tín hiệu mừng và đối diện thử thách
Văn học trẻ xứ Thanh những tín hiệu mừng và đối diện thử thách

VĂN HỌC TRẺ XỨ THANH NHỮNG TÍN HIỆU MỪNG VÀ ĐỐI DIỆN THỬ THÁCH  

                            LƯU NGA

Thời nào cũng vậy, sự hiện diện của văn học trẻ luôn góp phần làm nên “làn gió mới” cho văn chương. Văn học trẻ ngày nay cũng đã và đang có nhiều cơ hội, nhiều sân chơi để các tác giả trẻ tạo tên tuổi và khẳng định mình. 
Trong Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đã khẳng định: “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 01 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh”. Như vậy đủ để thấy vai trò quan trọng của tạp chí văn học nghệ thuật các tỉnh trong việc phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ địa phương.
Mỗi một làng quê là một không gian nuôi dưỡng, chứa đựng những nét văn hóa riêng biệt, sâu đậm để trở thành phông nền cho sáng tác. Sự khác biệt trong mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật ngoài tài năng, sự học hỏi, trau dồi của nghệ sĩ còn có một phần không nhỏ, không thể không nhắc tới đó chính là căn cốt văn hóa của quê hương. Đi đến tận cùng dân tộc sẽ bắt gặp nhân loại. Nói như vậy để thấy rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn học nghệ thuật địa phương. Làm thế nào để những tác phẩm đầu tay, có thể còn non nớt thì địa chỉ người cầm bút nghĩ ngay đầu tiên đến để công bố, để đến gần với bạn đọc chính là tạp chí văn học nghệ thuật tỉnh nhà. 
Tạp chí văn học nghệ thuật địa phương trở thành “bà đỡ” tài năng trẻ cho các cây bút địa phương để từ đó ngòi bút của họ trưởng thành, vươn xa, đóng góp vào nền văn học nghệ thuật nước nhà có thể được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà nhiều tạp chí văn nghệ hướng tới.
Theo tôi, tạp chí văn nghệ địa phương cần những cây bút ở đô thị lớn, ở Trung ương, cần những cộng tác viên ngoài tỉnh nhưng cũng rất cần những cây bút đang sống và viết ở mỗi địa phương. Vốn sống, trải nghiệm và văn hóa vùng miền sẽ tạo nên những phong cách, giọng điệu khác nhau cũng như sự khác biệt cần và đủ của người làm nghệ thuật.
Hướng đi mới cho văn học trẻ
Khi phong trào sáng tác mạng phát triển thì nhiều người viết trẻ sẽ không còn thiết tha với việc in giấy tác phẩm của mình nữa, và không khó để có thể điểm tên, nếu ta đặt các tác giả ấy trong tiến trình phát triển văn học, với những đóng góp khác lạ, độc đáo, đặc biệt là dựa vào chất lượng tác phẩm của họ. Qua đó, ta sẽ có được cái nhìn toàn cảnh, phong cách của từng cá nhân. Tâm trạng chung của những người viết văn trẻ hiện nay là muốn đi tìm cái mới, cố gắng vượt qua những cái lỗi thời, mòn cũ. Đó là một mong muốn rất chính đáng. Tuy vậy, quan niệm thế nào là cái mới đích thực trong văn học thì không phải ai cũng đã tìm được câu trả lời thỏa đáng. Người viết trẻ thường chuộng lạ, đó là cơ sở làm nên sự sáng tạo. Tuy nhiên nhiều người viết trẻ bị “lạc” vào rừng văn chương hiện đại, do vậy không tự lựa chọn được con đường riêng cho mình. Sự buông thả, dễ dãi, háo danh cũng thường dẫn người ta sa vào ảo tưởng, ngộ nhận. Văn học trẻ vì thế mà vẫn loanh quanh trong rừng văn học hiện đại với quá nhiều trào lưu chưa rõ ràng. Những nhà văn trẻ sinh vào thập niên 70 của thế kỷ trước là một thế hệ đặc biệt, lớn lên trong bối cảnh đất nước chuyển mình, ở họ có một sự pha trộn giữa cái cũ ám ảnh của một thời gian khó và cái mới đầy trăn trở của thời mở cửa phát triển kinh tế. Điều này khác với thế hệ sinh ra trong thập niên 80, lớn lên hoàn toàn trong giai đoạn kinh tế thị trường nóng bỏng sự khẳng định, hay thế hệ thập niên 90 hòa trọn vẹn trong sự thay đổi hoàn toàn của xã hội thời thế giới hội nhập và hòa đồng, của biến đổi xã hội đã thấm sâu vào các sáng tác. Các thế hệ nhà văn đi trước “thuần chất hơn”. Bởi xã hội thời điểm của họ có ít lựa chọn và các lựa chọn nếu có cũng mang tính chuẩn mực, khuôn mẫu hơn. Thế hệ cuối 9X và 2K hay còn gọi là “Gen Z” hiện nay lớn lên trong thời đại số, tiếp xúc với văn hóa toàn cầu. Ngoài việc sáng tác, họ còn tập trung vào việc xây dựng và chia sẻ nội dung, các nền tảng thời thượng như facebook, instagram, tiktok... giúp người trẻ tạo lập những cá tính riêng biệt, kết nối và đến gần hơn với các trào lưu văn hóa - nghệ thuật đương thời. Do đó, có thể thấy được tầm quan trọng của thế hệ Gen Z trong việc xây dựng và biểu hiện căn tính cá nhân của thế hệ trẻ, cũng như góp phần mở đường cho họ tham dự vào đời sống sáng tác và văn hóa đương đại.
 Tuy nhiên họ lại phải đối diện với quá nhiều lựa chọn và thách thức, nhiều đến nỗi vì thiếu vốn sống nên bị hoang mang, mất phương hướng và từ đó dẫn đến việc không định hình được khuynh hướng sáng tác của mình. Sự “bối rối” tìm một hướng đi cho mình là vấn đề chung đang ảnh hưởng lớn đến sáng tác của các nhà văn trẻ hiện nay. Các nhà văn trẻ hiện nay vẫn đang chật vật khẳng định vị trí của thế hệ mình trong lịch sử văn học đất nước, nhưng ít nhất họ vẫn luôn có ý thức giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc thông qua những sáng tạo mới, họ cũng đang sống mạnh mẽ với sức trẻ, đem lại cho nền văn học đất nước thêm sinh lực, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển toàn diện.
Những năm gần đây, công tác phát triển hội viên trẻ đang được Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa chú trọng, những ban có số lượng hội viên trẻ ngày càng đông như Ban Kiến trúc, Ban Sân khấu, Ban Mỹ thuật… hay đã có Câu lạc bộ họa sĩ trẻ Lam Sơn, Câu lạc bộ kiến trúc sư trẻ với nhiều hoạt động thiết thực. Đây là điều đáng mừng và là một tín hiệu vui đối với nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Bên cạnh đó, một điều nhận thấy rõ rằng, hội viên trẻ (tức là trẻ về tuổi đời) hầu như chỉ tập trung ở các mảng nghệ thuật, còn mảng văn học bị chững lại rất nhiều. Ban Văn xuôi, những năm gần đây phải chấp nhận kết nạp cả những người viết đã qua tuổi 60, phải lấy tiêu chí trẻ về tuổi nghề để củng cố thêm lực lượng hội viên của ban mình. Chính vì vậy, tình trạng già hóa hội viên ở các ban thuộc văn học đang ngày càng gia tăng.
Văn học trẻ xứ Thanh
Có thể thấy rằng, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là một trong số ít đầu báo trong cả nước tổ chức tốt các diễn đàn, các cuộc thi sáng tác văn học nhằm nâng cao chất lượng tạp chí, đỡ đầu cho các cây bút tài năng vươn mình trong hành trình sáng tạo. Hằng năm, tạp chí đều tổ chức hội nghị cộng tác viên, mở trại sáng tác nhằm nâng cao chất lượng tạp chí, mở các cuộc thi sáng tác văn học, nhất là cuộc thi sáng tác văn học trẻ. Đây là điều kiện vô cùng hữu ích để các tác giả trẻ có thể khẳng định mình. Đồng thời cũng nhằm tăng cường diễn đàn cho các văn nghệ sĩ tỉnh Thanh nói chung, các cây bút trẻ nói riêng. Việc làm này là bước đi đúng và kịp thời, khi vừa tập hợp được những cây bút trong tỉnh và cả cây bút ngoài tỉnh. 
Chúng ta đang có một đội ngũ tác giả trẻ đầy tiềm năng, có sức viết rất sung sức. Có thể kể đến: Phạm Văn Dũng, Phạm Tiến Triều, Ngân Hằng, Thy Lan, Mai Hương, Phong Lan, Sơn Ca, Quách Lan Anh, Kiều Thu Huyền, Lâu Văn Mua, Bùi Xuân Tứ, An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Lê Thị Đáng, Mạc Phong Tuyền, Nguyễn Giáng Tiên, Bùi Hương Thảo, Nguyễn Thị Quế,… Lực lượng này có môi trường tốt, được trang bị khá đầy đủ kiến thức và các điều kiện để phát triển, có khát vọng, có niềm đam mê và đầy nhiệt huyết.
Tuy nhiên trong những năm gần đây số lượng tác giả trẻ đang dần thiếu vắng về số lượng và chất lượng trên văn đàn xứ Thanh. Có một thực tế khi nhìn cũng từ các cuộc thi sáng tác văn, thơ trẻ được tổ chức tại tạp chí qua thời gian, các cây bút trẻ đang “rơi rụng” dần hoặc chọn hướng đi khác. Lực lượng sáng tác trẻ trong sinh viên cũng vậy, số người ở lại quê hương lập nghiệp cũng không mấy người đủ mạnh mẽ, đam mê để sống với nghiệp, với nghề, hoặc vì cuộc sống mưu sinh họ chọn cách lập nghiệp và sinh sống ở một địa phương khác. Mặt khác việc hạn chế về số trang và tạp chí chỉ ra thường kỳ một tháng một số đã giới hạn việc đăng tải bài vở trong khi lượng cộng tác viên lại đông đảo.
Để khắc phục và nhằm đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh cũng như Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa những năm gần đây đã cử một thành viên trong Ban Chấp hành Hội theo dõi và phụ trách mảng văn học trẻ và nhà trường. Từ đó thường xuyên tổ chức những lớp học bồi dưỡng sáng tác trẻ, mời những giáo viên là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình nổi tiếng có chuyên môn về giảng dạy và tạo ra môi trường giao lưu, cọ xát giữa những người trẻ với nhau. Hiện nay đội ngũ văn học trẻ ở xứ Thanh đã được củng cố với những cái tên đầy hứa hẹn như: Vũ Tuyết Nhung, Bùi Xuân Tứ, Nguyễn Hải, Quỳnh Thơm, Lê Ngọc Sơn, Đoan Trang, Đình Giang, Lê Đình Trung,… Họ đang là những cây bút sung sức, dám dấn thân và đi đến tận cùng sáng tạo.
Ngoài những cái tên được xướng danh tại mảng thơ là người Thanh Hóa, thì những người trẻ viết truyện ngắn xuất hiện ít ỏi trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, mặc dù Ban Biên tập Tạp chí đã cố gắng kêu gọi và tìm kiếm, thậm chí là sẵn sàng ngồi biên tập lại tác phẩm cùng với tác giả để có một truyện ngắn chất lượng đảm bảo in được. Nhưng chủ yếu lực lượng đó là người Thanh Hóa đang sinh sống ở ngoài tỉnh. Việc phát triển hội viên trẻ gặp nhiều khó khăn là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Thanh Hóa. Do ảnh hưởng của xã hội nên lớp trẻ ngày càng ít người đến với văn chương nghệ thuật. Chính vì thế, để tìm kiếm được những tác giả trẻ có khả năng sáng tác không phải là điều dễ. Bên cạnh đó, quan điểm của riêng cá nhân tôi là cần chất lượng hơn số lượng, nên không kết nạp hội viên một cách dễ dãi. Mặt khác lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa nên tăng cường hoạt động giao lưu văn học nghệ thuật trong các trường học, đưa các chương trình văn học nghệ thuật về tổ chức ở cơ sở để tạo sức hấp dẫn với công chúng, nhân rộng tình yêu nghệ thuật, thành lập các câu lạc bộ về văn thơ trẻ, sẵn sàng tạo cơ hội để các văn nghệ sĩ giao lưu với các bạn trẻ yêu thích văn học nghệ thuật, để từ đó có thể ươm mầm những tài năng về văn học, tạo nguồn tương lai cho nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Vấn đề còn lại là làm sao để những cây bút trẻ, những bạn có năng khiếu về văn, thơ (hiện vẫn đang viết tự do, đăng trên facebook là chủ yếu) tìm đến với Hội nhiều hơn nữa. Hiện tại, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, Trang thông tin điện tử Tapchixuthanh.vn là nơi có thể tiếp nhận các tác phẩm mới và giới thiệu cho các bạn. Các bạn trẻ có thể mạnh dạn gửi những tác phẩm văn chương của mình đến để tạp chí đăng tải. Từ đó, niềm đam mê viết lách mới được thắp lửa giúp các bạn trẻ yêu và tìm đến với văn chương.
Văn học là con đường mà mỗi người phải tự tìm tòi, sáng tạo, đào sâu và tìm cho mình lối đi riêng. Và điều tạo nên tên tuổi của tác giả chính là những tác phẩm. Tác phẩm ấy phải sống được trong lòng bạn đọc, đạt được những tiêu chí về nghệ thuật, thể tài, phù hợp với các điều kiện xuất bản của các công ty sách, nhà xuất bản hiện nay. Chính vì vậy thế hệ các nhà văn trẻ cần phải làm việc nghiêm túc, miệt mài và sáng tạo hơn nữa để có thể đi xa hơn trên con đường mình đã chọn. Bên cạnh đó, các cây bút trẻ cũng cần có nhiều hơn những lực đẩy, những “bà đỡ” để có thể bật lên, để tác phẩm được ra mắt và giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
                                                                                               L.N


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 87
 Hôm nay: 5833
 Tổng số truy cập: 13568465
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa