Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Nhiếp ảnh nghệ thuật Thanh Hóa đồng hành cùng sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật
Nhiếp ảnh nghệ thuật Thanh Hóa đồng hành cùng sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật

NHIẾP ẢNH NGHỆ THUẬT THANH HÓA ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT   

                           LÊ CÔNG BÌNH

Nhiếp ảnh nghệ thuật là một phần không thể thiếu của nền văn hóa đương đại, đóng góp rất nhiều vào việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa, xã hội của mỗi địa phương. Mỗi giai đoạn, thời khắc quan trọng của đất nước, của dân tộc đều có sự song hành của các nghệ sĩ nghiếp ảnh. Thanh Hóa là một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ Việt Nam, với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, cũng đã chứng kiến sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của nhiếp ảnh nghệ thuật. Những năm gần đây, nhiếp ảnh nghệ thuật Thanh Hóa đã có bước phát triển mới với nhiều khởi sắc, nhiều khuynh hướng sáng tạo, hình thành một bức tranh đa dạng, phong phú về một chuyên ngành nghệ thuật độc đáo, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người của tỉnh Thanh nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung ra thế giới.
Nhiếp ảnh Thanh Hóa bắt đầu hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX, khi kỹ thuật nhiếp ảnh được du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiếp ảnh tại Thanh Hóa chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ sau những năm 1954, đặc biệt là từ khi đất nước giành được độc lập. Thời kỳ đầu, nhiếp ảnh tại Thanh Hóa chủ yếu phục vụ cho các mục đích tuyên truyền, ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng, đời sống sinh hoạt, chiến tranh và cách mạng. Các nhiếp ảnh gia chủ yếu ghi lại những khoảnh khắc, hình ảnh chân thực về cuộc sống và công cuộc đấu tranh của nhân dân Thanh Hóa trong các cuộc chiến tranh.
Giai đoạn đầu tiên kể từ khi thành lập đến năm 1986, phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật Thanh Hóa cũng như các địa phương khác trên cả nước hoạt động rất khó khăn. Vật tư đắt đỏ, trang thiết bị đều cũ và phong trào chưa phát triển mạnh. Các nhiếp ảnh gia có tiếng tăm ở thời kỳ này như: Quốc Lập, Trần Chương, Văn An, Nguyễn San, hoạt động ở mức độ ảnh tư liệu và thời sự là chủ yếu. Sau năm 1987 khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhiếp ảnh nghệ thuật Thanh Hóa cũng bước sang một giai đoạn phát triển mới. Thời kỳ này có các tác giả kế cận tham gia ảnh nghệ thuật và đem lại những thành tích nhất định tại liên hoan khu vực như: Phạm Công Thắng, Lưu Trọng Thắng, Trần Liên Chương, Nguyễn Thống, Xuân Tứ... Các nhiếp ảnh gia bắt đầu tiếp cận các phương pháp sáng tác nhiếp ảnh hiện đại hơn, chú trọng đến yếu tố nghệ thuật và tính sáng tạo trong từng bức ảnh. Những chủ đề được khai thác phong phú hơn, từ đời sống, phong cảnh, con người đến các đề tài mang tính nhân văn, phản ánh sâu sắc những biến đổi xã hội và văn hóa. Thời điểm này các nhiếp ảnh gia không chỉ ghi lại những cảnh vật đơn thuần mà còn sáng tạo và tìm kiếm những góc nhìn mới, mang tính nghệ thuật cao. Họ sử dụng các kỹ thuật ánh sáng, màu sắc, bố cục để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. 
Đặc trưng của địa phương Thanh Hóa là có rừng, có biển, có ruộng bậc thang, làng nghề truyền thống, có các dân tộc anh em sinh sống và các lễ hội tâm linh gắn liền với các di sản. Được xem là một “Việt Nam thu nhỏ” nên đây có rất nhiều chất liệu cho sáng tác văn học nghệ thuật, đặc biệt là bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật. Trong quá trình phát triển giai đoạn từ năm 2000 đến nay nhiếp ảnh nghệ thuật tại Thanh Hóa, không thể không nhắc đến những đóng góp quan trọng của các nhiếp ảnh gia nổi bật như: Trần Đàm, Trần Liên Chương, Xuân Tứ, Lưu Trọng Thắng, Trương Bá Vinh, Nguyễn Thống, Nguyễn Thế Dung, Vũ Lâm Thảo, Lê Công Bình và nhiều tên tuổi khác đã góp phần tạo nên những dấu ấn đặc biệt trong nền nhiếp ảnh nghệ thuật của Thanh Hóa. Những tác phẩm của họ không chỉ phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và văn hóa Thanh Hóa mà còn thể hiện tâm hồn và sự sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ. Họ đã giúp nâng tầm nghệ thuật nhiếp ảnh, đưa những hình ảnh của Thanh Hóa lên một tầm cao mới, gắn kết với xu hướng nhiếp ảnh hiện đại và quốc tế. Những bức ảnh của họ thể hiện sự đa dạng trong các thể loại, phong cảnh, văn hóa và các hoạt động xã hội của tỉnh, đồng thời cũng phản ánh những vấn đề sâu sắc về môi trường, xã hội và con người. Vừa xây dựng phong trào, vừa tham gia các hoạt động nhiếp ảnh trong tỉnh và quốc gia, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Hóa đã tích cực tham gia và đóng góp vào sự thành công của nhiều sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài tỉnh. Các công trình thế kỷ trên mảnh đất xứ Thanh như: cầu Hoàng Long, công trình thuỷ điện Cửa Đạt, thuỷ điện Hồi Xuân, thuỷ điện Trung Sơn... cho đến đường dây tải điện 500KV mạch 3 đoạn qua Thanh Hóa... đều được các tác giả lựa chọn khuôn hình để quảng bá đến đông đảo công chúng. Lễ hội truyền thống hay các di tích, danh lam, thắng cảnh qua góc nhìn của các nhà nhiếp ảnh đều hiện lên lung linh và hấp dẫn. Một số nhiếp ảnh gia tài năng của Thanh Hóa đã khẳng định mình, được xác định vị trí trong giới ảnh nghệ thuật cả trong và ngoài tỉnh. Những tên tuổi này không chỉ góp phần làm phong phú thêm kho tàng ảnh của tỉnh mà còn xuất hiện trong các triển lãm quốc gia, quốc tế, mang lại sự phong phú và đang dạng cho cộng đồng nhiếp ảnh Thanh Hóa.
Nhiều tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thanh Hóa đã được tham gia các cuộc triển lãm nghệ thuật quốc gia và quốc tế, nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn và công chúng. Họ đã ghi lại những khoảnh khắc quý giá, tôn vinh di sản văn hóa xứ Thanh qua góc nhìn nghệ thuật độc đáo, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.
Các nhiếp ảnh gia Thanh Hóa đã tham gia nhiều cuộc thi nhiếp ảnh lớn ở trong nước và quốc tế, và đã đạt được một số thành tích ấn tượng. Những giải thưởng này không chỉ khẳng định tài năng của các nhiếp ảnh gia Thanh Hóa mà còn giúp đưa hình ảnh của tỉnh Thanh đến với bạn bè quốc tế. Đạt được giải thưởng cũng là động lực để các nhiếp ảnh gia tiếp tục sáng tạo và phát triển sự nghiệp.
Năm 2006 tác giả Nguyễn Thế Dung đoạt Huy chương Vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực với tác phẩm “Vũ điệu của gió” và tác phẩm “Khởi sắc vùng đồi” đạt Giải khuyến khích Cuộc thi ảnh nghệ thuật Việt Nam. Sau thành công này Nguyễn Thế Dung được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa năm 2009.
Năm 2008 lần đầu tiên Nhiếp ảnh Thanh Hóa có tác giả Lê Công Bình với tác phẩm “Thượng nguồn Sông Chu” đoạt Huy chương Vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực và đoạt Giải thưởng xuất sắc của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam về chuyên ngành Nhiếp ảnh. Năm 2009 tác giả Nguyễn Thống với tác phẩm “Công trình mới” đoạt giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Phát huy từ những thành tích đó nhiều nhà nhiếp ảnh Thanh Hóa đã tham gia các triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật cấp quốc gia và đạt được những thành tích đáng khích lệ. Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam VN07 năm 2011, nhiếp ảnh Thanh Hóa lần đầu tiên đoạt Huy chương Đồng VAPA cho tác phẩm “Thượng nguồn sông Chu” của tác giả Lê Công Bình và cũng trong năm 2011 Thanh Hóa có 2 tác giả là Lê Công Bình với tác phẩm “Thượng nguồn Sông Chu” và tác giả Lưu Trọng Thắng với tác phẩm “Mùa vàng Bá Thước” đoạt Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc quốc gia. Các năm sau đó hầu như các tác giả Thanh Hóa đều có ảnh triển lãm quốc tế tại Việt Nam hoặc Triển lãm Ảnh nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (Bộ VHTT&DL). Năm 2015 tác giả Lê Công Bình với tác phẩm “Xuôi dòng” đoạt Huy chương Vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực. Triển lãm “Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới (1986-2016)” nhiếp ảnh Thanh Hóa có ba tác giả là Nguyễn Thống, Vũ Lâm Thảo, Lê Công Bình có tác phẩm tiêu biểu được chọn triển lãm. Sự hiện diện và đóng góp của họ tại các sự kiện này thể hiện sự phát triển và hội nhập của nhiếp ảnh Thanh Hóa vào dòng chảy chung của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam. Tại các cuộc thi cấp quốc gia của Bộ VHTT&DL về chủ đề “Di sản”, tác giả Lê Công Bình đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Về với cội nguồn - Thành Nhà Hồ” năm 2021. Cũng trong năm 2021 tác giả Lê Công Bình đoạt giải Nhì cuộc thi Nông nghiệp và Lương thực do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) trao tặng. Cuộc thi Happy Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông, tác giả Lê Công Bình đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Ngày hè vui” năm 2024. Đây là sân chơi lớn dành cho các tác giả trên toàn quốc tham gia nên việc tìm kiếm giải thưởng phải thật sự nỗ lực mới thành công.
Những bức ảnh nghệ thuật về thiên nhiên và các danh lam thắng cảnh tại Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ trong công việc quảng bá du lịch của tỉnh. Những hình ảnh ấn tượng về các địa danh nổi bật như: Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ, Hàm Rồng, Pù Luông, Lam Kinh… đã giúp thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, từ đó tạo ra những cơ hội phát triển du lịch bền vững cho tỉnh.
Nhóm Câu lạc bộ nhiếp ảnh nghệ thuật cũng khá thành công và phát triển mạnh mẽ tại Thanh Hóa. Đây là nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư. Câu lạc bộ này không chỉ tổ chức các hoạt động ảnh mà còn tổ chức các cuộc họp, các buổi thảo luận về ảnh, giúp nâng cao trình độ và hiểu biết của các thành viên và cũng là nơi tạo nguồn cho lớp hội viên nhiếp ảnh kế cận. Quá trình sáng tác thực tế các nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Hóa đã tập trung khai thác, ghi lại và tôn vinh những sắc màu văn hóa độc đáo của xứ Thanh. Họ đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa phong phú của tỉnh thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh đến với công chúng trong và ngoài nước.
Các nghệ sĩ tổ chức nhiều triển lãm cá nhân có phong cách và sắc thái riêng của xứ Thanh được đông đảo công chúng đón nhận tạo hiệu ứng tốt cho phong trào. Tiêu biểu là NSNA Trương Bá Vinh có 3 lần triển lãm cá nhân. NSNA Trần Đàm có 4 lần triển lãm cá nhân, NSNA Nguyễn Thống 1 lần triển lãm cá nhân. Nhóm miền Tây Thanh Hóa 1 lần triển lãm cá nhân và xuất bản 1 cuốn sách ảnh nghệ thuật của nhóm. NSNA Lưu Trọng Thắng với 3 đầu sách về du lịch và làng nghề xứ Thanh. Xuất bản sách ảnh nghệ thuật cũng là thế mạnh của các NSNA trong đó phải kể đến NSNA Trần Đàm đã cho ra hơn 10 đầu sách ảnh thời sự - nghệ thuật với nhiều tác phẩm có giá trị được ông chọn lọc công phu trong hơn 20 năm cầm máy.
Đặc biệt NSNA Trần Đàm bằng tất cả tâm huyết của mình đã gây dựng và thành lập được Chi hội NSNA Việt Nam với 3 hội viên ban đầu và phát triển mạnh mẽ có chất lượng cao. Đến nay chi hội đã có 10 hội viên là nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam A.VAPA luôn là nòng cốt cho phong trào nhiếp ảnh tỉnh Thanh.
Giai đoạn 2010-2023 là giai đoạn bùng nổ của nhiếp ảnh Thanh Hóa với các cuộc thi quốc tế. Bằng sự hy sinh, cống hiến và năng lực của mình các NSNA Thanh Hóa đã đem về hàng trăm Huy chương và giải thưởng các loại. Góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Việt Nam trong đó có hình ảnh Thanh Hóa nói riêng đến với công chúng trong và ngoài nước. Do đặc thù về địa lý nên vô hình trung các tác giả miền Tây Thanh Hóa đã hình thành nhóm nhiếp ảnh và hoạt động mạnh mẽ, có kết quả cao trong giai đoạn này. Hầu hết các cuộc liên hoan ảnh khu vực hoặc quốc tế các tác giả nhóm miền Tây Thanh Hóa đều có nhiều ảnh triển lãm và đoạt giải. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh Thanh Hóa đã được giới thiệu tại các triển lãm, sự kiện nhiếp ảnh quốc tế, tạo cơ hội cho các nhiếp ảnh gia Thanh Hóa học hỏi, giao lưu và kết nối với cộng đồng nhiếp ảnh toàn cầu. Những cơ hội này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nghệ thuật mà còn tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, con người Thanh Hóa đối với bạn bè quốc tế.
Cũng trong giai đoạn này các tác giả nhiếp ảnh Thanh Hóa được FIAP phong tặng các tước hiệu nhiếp ảnh quốc tế cao quý. Tác giả Lê Công Bình 2 lần được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế FIAP tặng Bes Author FIAP (Tác giả xuất sắc nhất cuộc thi) tại Hoa Kỳ và Romania. Liên minh nhiếp ảnh toàn cầu GPU tại Thụy Điển tặng Bes Author GPU; Có 4 tác giả được phong tước hiệu AFIAP (Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quốc tế) là: Trần Đàm - AFIAP Hội NSNA Việt Nam tặng tước hiệu ES.VAPA (Nghê sĩ có cống hiến xuất sắc), Nguyễn Thống - AFIAP, Nguyễn Thế Dung - AFIAP Hội đồng nghiệp nhiếp ảnh Hoa Kỳ tặng tước hiệu AICS, Trương Bá Vinh - AFIAP Hội đồng nghiệp nhiếp ảnh Hoa Kỳ tặng tước hiệu AICS. Tác giả được phong tước hiệu EFIAP (Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc quốc tế) là Vũ Lâm Thảo - EFIAP Hội đồng nghiệp nhiếp ảnh Hoa Kỳ tặng tước hiệu AICS. Có khoảng 15 giải thưởng và huy chương các loại, khoảng 300 tác phẩm triển lãm tại các quốc gia. Tác giả được phong tước hiệu EFIAP/Silver (Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc hạng Bạc quốc tế) có NSNA Lê Công Bình - EFIAP/Silver Hội đồng nghiệp nhiếp ảnh Hoa Kỳ tặng tước hiệu F.ICS (Xuất sắc), Hội Nhiếp ảnh Romania tặng tước hiệu FAGUS (Xuất sắc). Có khoảng 200 giải thưởng và huy chương các loại, khoảng 1.200 tác phẩm triển lãm tại các quốc gia.
Trong việc thẩm định và tham gia tổ chức các cuộc thi ảnh nghệ thuật các tác giả có bề dày kinh nghiệm và đã được tập huấn thẩm định tác phẩm nhiếp ảnh luôn thể hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình góp phần thúc đẩy phong trào ngày càng lớn mạnh. Phối kết hợp với các Sở, Ban, Ngành địa phương xây dựng kế hoạch thúc đẩy và quảng bá hình ảnh con người Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động nhiếp ảnh. Dìu dắt, định hướng, giúp đỡ các tay máy trẻ và những người yêu môn nhiếp ảnh nghệ thuật tham gia các tổ chức nhiếp ảnh uy tín được nhà nước và các cấp chính quyền công nhận để tạo nguồn cho lực lượng nhiếp ảnh kế cận.
Cùng với những thành tích đạt được nhiếp ảnh Thanh Hóa cũng đã gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển nâng cao chất lượng nghiệp vụ. Đa số các tác giả tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhiều người có bệnh nền. Phương pháp tiếp cận với phong cách hiện đại và kỹ thuật hậu kỳ còn rất yếu. Việc nâng cấp trang thiết bị hiện nay cũng là vấn đề nan giải. Các thiết bị ghi hình thế hệ mới rất đắt tiền không phải ai cũng có điều kiện để đầu tư. Cách tư duy và xử lý hình ảnh chưa theo kịp xu hướng nên kết quả chưa cao. Mặc dù Thanh Hóa có nhiều tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, nhưng các cơ sở vật chất phục vụ việc phát triển nhiếp ảnh chuyên nghiệp, như các phòng trưng bày, nhà sản xuất hình ảnh vườn, hoặc các thiết bị hiện đại khá hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tạo ra sức sáng tạo và chất lượng công việc của các nhiếp ảnh gia. Việc thiếu các khóa đào tạo chuyên sâu và cơ hội giao lưu học hỏi giữa các nhiếp ảnh gia trong và ngoài tỉnh vẫn là một vấn đề. Các nhiếp ảnh gia ở Thanh Hóa phần lớn phải tự mày mò học hỏi, ít có cơ hội tham gia các lớp học chuyên nghiệp hoặc các chương trình đào tạo nâng cao. Nhiều nhiếp ảnh gia Thanh Hóa vẫn gặp khó khăn trong công việc quảng bá tác phẩm của mình, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Mạng xã hội và nền tảng trực tuyến có thể trợ giúp nhưng vẫn còn nhiều người thiếu kỹ năng để tiếp tục sản phẩm hoặc xây dựng hiệu quả thương mại.
Mặc dù nhiếp ảnh nghệ thuật có thể đóng góp nhiều cho sự phát triển văn hóa địa phương, nhưng sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức xã hội đôi khi chưa đủ mạnh. Các chương trình hỗ trợ sáng tác, hỗ trợ tài chính hoặc quan tâm đến các phòng trưng bày triển lãm, cuộc thi ảnh vẫn còn thiếu và chưa đủ để thúc đẩy phong trào phát triển.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là sức mạnh của các ứng dụng chỉnh sửa ảnh trên điện thoại và các phần mềm chỉnh sửa ảnh mạnh mẽ, nhiều người có thể tạo ra những bức ảnh đẹp mà không cần phải đầu tư vào kỹ thuật ảnh chuyên nghiệp. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt và làm giảm giá trị của truyền thống kỹ thuật nhiếp ảnh. Một trong những mục tiêu của nhiếp ảnh nghệ thuật là bảo trì, tồn tại và giới thiệu giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu các dự án dài hạn hoặc chú thích quan trọng trong các chủ đề này đôi khi giảm khả năng sử dụng máy ảnh truyền thống như một công cụ quan trọng trong công việc tuyên truyền, phát huy bản sắc văn hóa Thanh Hóa.
Các nhiếp ảnh gia ở Thanh Hóa gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nền tảng quảng bá rộng rãi như các phòng triển lãm nghệ thuật chuyên nghiệp, các cuộc thi hoặc sự kiện nghệ thuật lớn hơn. Họ ít có cơ hội giới thiệu tác phẩm của mình tại các triển lãm ở trong nước và quốc tế, khiến cho tác phẩm của họ chưa được biết đến rộng rãi. Một trong những khó khăn lớn nhất của các nhiếp ảnh gia ở Thanh Hóa là việc thiếu hiểu biết và ý thức về quyền lợi bản quyền tác phẩm. Nhiều sản phẩm ảnh vẫn bị sao chép, phát tán mà không có ý kiến của tác giả, và nhiếp ảnh gia không biết cách bảo vệ quyền lợi của mình bằng một cách hợp pháp. Trong khi các nhiếp ảnh gia ở các thành phố lớn có thể tiếp cận các luật sư hoặc tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi bản quyền thì nhiếp ảnh gia ở Thanh Hóa lại gặp khó khăn trong công việc tiếp theo các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp. Việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm nhiếp ảnh cũng không được nhiều người thực hiện, khiến họ dễ dàng bị xâm phạm quyền lợi mà không biết cách xử lý. Trong thời đại kỹ thuật số, việc chia sẻ và sao chép tác phẩm nhiếp ảnh trên internet rất dễ dàng, và đôi khi việc bảo vệ bản quyền trở nên phức tạp hơn khi tác phẩm của nhiếp ảnh gia bị sử dụng trái phép trên các nền tảng mạng xã hội hoặc các trang web, đồng trang web mà không có ý tưởng hoạt động.
Để khắc phục những khó khăn cần có các khóa đào tạo và hội thảo về quyền lợi bản quyền, giúp các nhiếp ảnh gia Thanh Hóa hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình và cách thức bảo vệ các sản phẩm của họ. Các chương trình này cần được tổ chức thường xuyên để nâng cao khả năng nhận thức cho cộng đồng nhiếp ảnh… Chính quyền địa phương và các tổ chức văn hóa có thể tổ chức các sự kiện nghệ thuật, phát triển các phòng trưng bày ảnh hoặc tạo ra các không gian nghệ thuật để các nhiếp ảnh gia Thanh Hóa có thể quảng bá sản phẩm của mình. Mạng lưới kết nối nghệ sĩ với công ty và các nhà sưu tập có thể thúc đẩy sự phát triển của phong cách chụp ảnh nghệ thuật tại địa phương.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng trong nhiều năm qua, nhiếp ảnh nghệ thuật Thanh Hóa đã có những bước tiến đáng kể, khẳng định được sự phát triển mạnh mẽ của phong cách nhiếp ảnh tại địa phương. Với những thành tựu đạt được nhiếp ảnh nghệ thuật Thanh Hóa đã góp phần làm phong phú hoạt động văn học nghệ thuật, là bằng chứng sinh động, chân thực cho lòng yêu nước, yêu quê hương. Sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng của các nhiếp ảnh gia sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển văn hóa, du lịch và nghệ thuật của tỉnh Thanh Hóa.
                                

L.C.B


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 56
 Hôm nay: 5707
 Tổng số truy cập: 13568339
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa