Người không bình thường (Truyện ngắn dự thi)
TRẦN ĐOAN TRANG
Người không bình thường
Truyện ngắn dự thi
1. Biết tiến sĩ Phương Hà đã lâu và ít năm gần đây trở nên thân thiết, tôi luôn ngưỡng phục cô, coi cô như một tấm gương phổ tỏa trí tuệ, dày đức nhẫn nhịn. Ở Phương Hà còn có một tình yêu thiên nhiên thảo mộc đến kỳ lạ. Nhân phó giáo sư Nhị Đàn, là người quen, hiệu trưởng một trường đại học đầu bảng của vùng, đang “cầu hiền tài như khát nước” để làm mới đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu nên tôi liền tiến cử Phương Hà với ông. Vốn là người luôn tuyên bố ra miệng, “lúc nào cũng trải thảm nhung để cầu kiến tài năng trí tuệ cho sự nghiệp đào tạo” của bản trường, hiệu trưởng - phó giáo sư Nhị Đàn, lên lịch gặp ngay. Buổi gặp diễn ra tại tư dinh của ông, có thêm tôi và một cậu tên là Tân, tuổi chưa đến bốn mươi, trưởng khoa Sinh học, nơi mà, nếu được nhận, tiến sĩ Phương Hà sẽ là cán bộ giảng dạy về hai chuyên ngành hẹp: Lý thuyết di truyền và Dinh dưỡng. Buổi gặp mặt diễn ra thân thiện và rất mực cầu thị từ cả hai phía. Ông hiệu trưởng Nhị Đàn cho mở chai rượu ngoại mà cậu trưởng khoa Sinh học, sau khi xem xét nhãn mác, đã tấm tắc khen hết nhời, rằng nó có độ tuổi hơn ba trăm năm, giá trị chất lượng cực đẳng cấp, không thể dưới mười củ (mười triệu đồng) để đãi “hiền tài” Phương Hà và khách quen. Sau khi hai bên chủ khách và chân gỗ ăn theo là tôi, chúc tụng lẫn nhau về cơ duyên hội tụ, kết liên trí tuệ và công việc, ông hiệu trưởng đồng ý “bằng miệng”, nhận tiến sĩ Phương Hà và giao cho cậu Tân trưởng khoa làm thủ tục sớm nhất, nhận theo dạng đặc cách, không cần phải qua công đoạn phỏng vấn, thẩm định như lệ thường đã bấy lâu nay. Cao hứng lên, ông còn dẫn chúng tôi ra vườn nhà và luôn đi sát cạnh Phương Hà, nghiêng nghiêng cái đầu, tóc muối tiêu, giới thiệu về những giống cây hoa quý ngoại nhập mà ông đã kỳ công tuyển lựa từ hơn chục năm trước. Thế rồi, ông bỗng cao giọng tự tin, ôm lấy vai Phương Hà, nói:
- Giá chúng mình còn trẻ, lấy nhau cùng làm vườn suốt đời thì không nhất trần gian cũng nhất tỉnh nhà đấy nhỉ?
Phương Hà đỏ bừng mặt, cô khẽ né người như một phản ứng khôn khéo bằng cử chỉ tinh tế, và nhỏ nhẹ đáp lời ông hiệu trưởng:
- Dạ! Thầy nói thật, hay là rượu quý ba trăm năm vừa nói đấy ạ?
Ông hiệu trưởng Nhị Đàn liền cười ầm lên:
- Việc hệ trọng cả đời người, việc trân quý chiêu hiền đãi sĩ, ai lại nỡ để cho rượu ké vào. Kể từ giờ tiến sĩ Phương Hà là tài sản của trường chúng tôi rồi đấy. Đây là lời quân tử nhất ngôn. Quân - tử - nhất - ngôn, ông Nhị Đàn nhắc lại bốn từ đó, chậm rãi nhấn mạnh từng tiếng một.
Tham quan vườn cây xong, khi quay vào phòng khách lại thêm một tuần nhấm nháp thức nhắm với rượu quý, thâm niên hơn ba trăm năm nữa thì cuộc gặp gỡ “cầu hiền” mới vào hồi kết. Trước khi chia tay, ông hiệu trưởng dặn Phương Hà nếu trở ngại gì thì bất cứ lúc nào cũng có thể gọi phôn cho ông. Việc cô cần làm ngay là khẩn trương nộp hồ sơ vào ngày đầu tuần tới, cậu Tân, trưởng khoa Sinh học sẽ phối hợp với phòng Tổ chức nhân sự làm quyết định để ông ký. Thấy ông hiệu trưởng Nhị Đàn và tiến sĩ Phương Hà, ai cũng có niềm vui an nhiên và thân thiện, tôi nghĩ mình vừa làm xong được một việc tốt cho cả hai phía.
2. Tôi nói, tôi biết Phương Hà đã lâu là vì có một chuyện liên quan đến vay mượn tiền nong từ nhiều năm trước giữa cô với vợ chồng một người quen của tôi.
Hồi mới tốt nghiệp đại học, tuy Phương Hà đỗ bằng loại ưu nhưng vì cùng một lúc đi xin việc cho hai người ở các cửa của Hà Nội nên không đặng. Hai người, đó là cô và Du, người yêu của cô. Sau gần nửa năm trời, tiêu tan hết mọi hy vọng, cô quyết định kéo Du, về Tố San, quê nhà lập nghiệp. Vì ở Tố San, bố cô là ông Đào Vy Thất, đang là chủ tịch thành phố, một đô thị nghỉ mát chỉ đứng sau thành phố trung tâm tỉnh. Mẹ cô là bà Hiên, làm trưởng phòng Tổ chức cán bộ, dưới quyền của bố cô. Thế nên, khi Phương Hà mới trình bày nguyện vọng của đôi trẻ, ông Thất liền quyết định bố trí cho con gái vào làm ở cơ quan mình, còn Du thì được bảo đảm chắc chắn sẽ có một chỗ làm “đầy cơ hội tiến thân” nhưng phải chậm lại một chút để khỏi mang tiếng cho ông và bà Hiên.
Bà Hiên ủng hộ cách giải quyết của chồng nhưng không muốn Phương Hà làm đám cưới với Du. Bà chê nhà Du nghèo, “dân đen”, không môn đăng hộ đối. Ông Thất thì cứ một mực an ủi vợ: “Thằng Du nó đẹp trai thế, ai cho nó là con cái nhà dân đen! Các con đã yêu nhau mấy năm rồi nên vun vào chứ đừng nên lung lạc tình cảm của chúng!”.
Bà Hiên nghe lời chồng bằng một chuỗi tặc lưỡi Thạch Sùng!
Việc làm của Phương Hà ở thành phố Tố San thì ông Thất muốn biên chế con gái vào làm ở văn phòng ủy ban, phụ trách mảng lễ tân - đối ngoại, còn bà Hiên thì lại năn nỉ chồng phải quyết định ngay cho con gái làm việc tại phòng Tài nguyên và Môi trường để có điều kiện phát triển lâu dài.
Hai ông bà tranh luận gay go, ai cũng muốn giành lẽ phải về mình đến mức họ phải gọi nhau bằng đại từ nhân xưng “đồng chí”. Cuối cùng thì “đồng chí” Thất giơ tay như một kẻ đầu hàng, rồi quyết định ngay việc làm cho Hà đúng như yêu cầu của “đồng chí” vợ, trưởng phòng Tổ chức cán bộ Phạm Thị Hiên.
Phương Hà chẳng mấy háo hức với cái ghế đầy triển vọng lâu dài mà mẹ cô đã đấu tranh không khoan nhượng với bố cô để sắp đặt cho cô. Nhưng không muốn không khí gia đình cứ phải nặng nề trong to tiếng và cãi vã suốt đêm thâu ngày dài, Phương Hà vui vẻ đi làm. Ở phòng Tài nguyên và Môi trường, từ nhân viên đến lãnh đạo phòng đón chào cô với tinh thần có thể nói là rất nhiệt liệt… hoan nghênh. Không nhiệt liệt hoan nghênh sao được khi tân nhân viên của phòng là cử nhân bằng đỏ, con gái rượu xinh đẹp nổi tiếng của ông chủ tịch thành phố Tố San đang mở mang khởi sắc và phu nhân là trưởng phòng Tổ chức cán bộ, cũng thuộc dạng quyền thế chọc trời, dốc biển, nghiêng sông.
Hàng ngày Phương Hà đi làm rất đúng giờ, khi vào việc thì chăm chỉ nhưng đến ngày cuối tuần, cô bỗng báo cáo với trưởng phòng, rằng công việc ở đấy không hề cần đến các kiến thức mà cô đã học, cô xin phép được rút để phòng tuyển nhân sự mới cho phù hợp với… chuyên môn. Ông trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường vừa nghe xong liền hoảng đến toát hết mồ hôi trán và mồ hôi sống lưng. Ông nhỏ nhẹ cùng với nụ cười ấm áp hơi run run, hết lời giải thích, rằng phòng rất cần những cử nhân xuất sắc như cô, công việc chuyên môn sẽ có nhiều người biết làm, nhưng công việc có đường hướng về quản lý lãnh đạo thì đã phải thắp đóm tìm kiếm mấy năm rồi mà chưa ra, cô chính là người xứng đáng nguồn kế thừa quý hiếm, “vừa hồng vừa chuyên” để thay ông trong tương lai gần.
Hà vẫn không bị lung lay, quyết xin nghỉ việc bằng được.
Ông trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường lập tức phải đến gặp bà Hiên để thanh minh:
- Cả phòng Tài nguyên và Môi trường, và cá nhân em quý cháu hơn cả vàng mười, ngọc tỉ, cháu vừa đến phòng được ít bữa, phòng em sang trọng hẳn lên nhưng bản thân cháu lại không thích công việc ở đấy! Em không biết là mình đã thất sá chỗ nào… I..e.. em….
Bà Hiên không chờ nghe hết câu của ông này, bấm máy gọi phôn cho con gái trong khi cô đang có mặt ở phòng làm việc của ông chủ tịch thành phố Đỗ Vy Thất. Biết thế, bà Hiên tồng tộc vào phòng của ông chồng. Vừa trông thấy con gái bà mắng phủ đầu:
- Mày là cái thứ giống gì hả Hà? Mày có lên cơn điên thì cũng chờ đến mùa chó dại đã chứ?
Ông Thất phải đứng lên, tay chỉ vào cái biển đề “Đồng chí Đỗ Vy Thất, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tố San” đặt ở bàn làm việc có cái tượng con hổ oai phong mạ vàng, nói:
- Đồng chí mẹ yêu quý ơi! Đồng chí đang ở cơ quan chính quyền cao nhất thành phố Tố San đấy nhé. Bình tĩnh đã nào!
Cùng lúc, Phương Hà đỡ mẹ cô xuống, rót cho bà một ly nước. Bà Hiên hắt toẹt vào tường rồi đứng dậy phủi mông:
- Không cái nhục nào bằng cái nhục đẻ phải cái thứ con dại, năm đời bà đoạn.
Mắng thế rồi bà ngoảy người đi ra, trông chẳng khác gì cái dáng mụ Đốp khinh nhờn đám lý toét, trương tuần trong tích chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”.
Ông Thất lắc đầu cười nhạt:
- Con hiểu là bố phải chịu đựng thế nào rồi chứ? Con ơi con hãy thương bố, trở về phòng Tài nguyên và Môi trường làm việc ngay đi, chứ không thì nhà mình từ đây sẽ là cảnh chiến trường, là cái chợ bán vịt. Con biết rồi đấy, mẹ con đã định làm gì thì sẽ làm bằng được!
Phương Hà đành phải trở lại chỗ công việc cô đã làm.
Cũng trong thời gian đó, lúc đang chờ bố mẹ vợ tương lai tìm cho một chỗ làm tốt có nhiều cơ hội thăng tiến, Du phải tạm về quê ở với bố mẹ nông dân nghèo. Có một lần, anh gặp được một cô gái, vốn là người quen cũ trong hội đi hội diễn văn nghệ sinh viên hồi học ở Hà Nội. Cô này có bố là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh sở tại. Cảm thông với hoàn cảnh thất nghiệp của Du, cô đã nhờ bố mình xin cho Du vào làm ở cơ quan của bố và cưới anh ta làm chồng sau đó chỉ mười ngày. Thêm một điều oái oăm nữa là Du được giao theo dõi về chuyên môn ngành dọc ở phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Tố San của Phương Hà.
Khi biết tin này, Phương Hà lấy cớ đó bỏ việc. Cô chỉ nói với mẹ cha cô điều đó, còn trong thẳm sâu, cô rất lo xa, rằng, hàng tuần, trưởng phòng luôn chia chác cho nhân viên một khoản “tiền cảm ơn” của đối tác bằng ngang ngửa hoặc hơn cả tháng lương. Thứ tiền đó không thể là tình cảm cho tặng vô tư được. Chúng như những đầu đinh nhọn đựng trong túi vải ải, trước sau thì cũng chuồi mũi sắc ra ngoài. Hà phải làm thủ tục trả lại trước khi bỏ việc. Ông trưởng phòng tái mặt, không nhận, rồi nhận, chỉ xin cô không để lộ cho ai biết việc này. Phương Hà chỉ đồng ý khi ông trưởng phòng viết biên nhận việc cô trả lại “tiền cảm ơn”. Cô bị người mẹ mắng mỏ tàn tệ như thứ đồ bỏ vô dụng, là thứ con dại mà bà trót đẻ ra ngoài ý muốn. Uất ức và cô đơn Phương Hà đổ bệnh, nằm bẹp nửa tháng, ăn uống gì cũng nôn thốc nôn tháo ra.
Rồi một buổi sáng tự nhiên trong đầu cô bỗng nhiên vụt ra một ý tứ mà cô đã từng đọc ở đâu đó, rằng con người ta muốn không bị vô dụng, không đừng là đồ bỏ thì trên đường đời, nếu không đi được thì phải lết, không lết được thì phải bò nhưng nhất thiết phải nhích về phía trước.
Thế là cô vùng dậy như người khỏe mạnh, ăn uống giả bữa ngon lành. Bà Hiên tưởng con gái phục thiện, lập chí nên nở cười làm mừng. Bà cùng ông chồng tìm cho con gái công việc nhàn nhã ở một trung tâm dịch vụ dạng cơ quan sự nghiệp hoạt động bằng ngân sách nhà nước song Phương Hà vẫn dứt khoát từ chối.
Lại bị mẹ ghét bỏ, sỉ nhục tiếp, Phương Hà bỏ nhà đi. Cô không đi hoang mà tìm đến một cô giáo cũ có chồng làm giám đốc ngân hàng Đầu tư ở thành phố duyên hải. Trong tay chỉ có hai chỉ vàng phòng thân mà cha cô tặng ngày mới vào đại học, cô đã dám nhờ cô giáo tín chấp để vay hai trăm triệu đồng làm vốn mở cơ sở kinh doanh dịch vụ. Cô giáo chủ nhiệm của Phương Hà là cô giáo cũ của tôi nhiều năm trước đó. Do tôi làm ở ngành luật tài chính, cô tìm đến tôi tâm sự và nhờ tư vấn, vì cô biết Phương Hà từ khi cô bé này còn nhỏ. Từ tuổi thơ cho đến khi lớn lên, cô bé chỉ biết có ăn học trong sự nuôi dưỡng, chu cấp đầy đủ của bố mẹ. Kinh tế gia đình cô không cần cô phải lao vào con đường thương mại đầy ganh đua được mất như một cuộc chiến mà người ta gọi là thương trường.
Thấy có sự hiếu kỳ, tôi đề nghị cô tôi cho được gặp Phương Hà. Trong buổi gặp ấy, cô gái trình bày tỉ mỉ với cô giáo tôi rằng, từ hồi còn đi học cuối phổ thông rồi đại học, cô đã thích làm kinh doanh. Khi về thành phố Tố San quê hương, cô càng nung nấu ý chí đó. Vì cô thấy quê mình cách Hà Nội chỉ trăm rưỡi cây số mà người dân muốn mua các thứ đồ điện tử loại cao cấp đều phải ra Hà Nội hoặc Hải Phòng. Thế là cô nghĩ, phải mở được một đại lý để bán các thứ hàng cao cấp đó. Cô cần có vốn ban đầu để thuê mặt bằng, thuê nhân viên kỹ thuật làm đại lý bán lẻ đến hộ khách hàng có nhu cầu, còn nguồn hàng thì được nhà máy cung ứng, bán đến đâu, trả nhà máy đến đó. Sau khi tạo được căn bản, cô sẽ mở siêu thị. Cô cam kết đến bằng này năm sau, cô sẽ trả đủ cả vốn lẫn lãi cho cô giáo.
Nghe thế, tôi không đủ tự tin để tư vấn nên hay không với cô giáo của mình. Còn cô tôi thì thấy thương hoàn cảnh của học trò nên đem nguyện vọng đó nói với ông chồng. Ông giám đốc chi nhánh ngân hàng Đầu tư yêu cầu Phương Hà giải thích, chứng minh từng bước đi, từng khó khăn, thuận lợi và cuối cùng là hiệu quả sinh lời. Sau hơn một giờ ngồi nghe, ông giám đốc đồng ý cho vợ mình thế chấp tài sản để giúp Phương Hà vay ngân hàng hai trăm triệu đồng. Đúng hạn, Phương Hà đem trả đủ số tiền cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng Đầu tư và biếu cô giáo cũ một màn hình ti-vi tinh thể lỏng mà hồi đó ở Tố San chưa ai có…
Khi đã thành một doanh nhân có máu mặt ở thành phố duyên hải Tố San, Phương Hà tiếp tục con đường học vấn, lấy bằng cử nhân chuyên ngành Anh ngữ và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Sinh học đề tài: “Dinh dưỡng thai nhi trong thời kỳ mẹ bầu”. Tôi có tham gia phản biện khoa học luận án của Phương Hà nên từ chuyện biết nhau hồi ở chỗ cô giáo tôi, trở thành thân quen như bạn vong niên. Trong cư xử, bao giờ Phương Hà cũng coi tôi như một người thầy.
Vừa rồi, được tin, luận án tiến sĩ Sinh học về dinh dưỡng của cô được một trường đại học lớn mua bản quyền để làm sách giáo khoa cho ngành Sinh học và Di truyền nên tôi liền tiến cử Phương Hà với ông hiệu trưởng đang trải thảm đỏ chiêu dụng hiền tài. Ông phó giáo sư Nhị Đàn.
3. Hơn nửa tháng sau cuộc gặp ở nhà ông hiệu trưởng, tự nhiên thấy sốt ruột, tôi gọi phôn cho Phương Hà hỏi thăm, xem công việc “về trường” đã đến đâu rồi thì nghe cô bảo, chưa đâu vào đâu. Cuối lời, Phương Hà nói thêm:
- Thưa cô, em không muốn về trường ấy nữa ạ.
Tôi hỏi lí do thì nghe Phương Hà cười cười đáp:
- Cô giáo ơi, hình như hôm đó ông hiệu trưởng Nhị Đàn nói bằng lời của rượu, chứ không phải bằng tâm thức cần của người làm công việc. Thôi, để ông hiệu trưởng khỏi lăn tăn nghĩ ngợi, em không nộp hồ sơ nữa. Em cảm ơn cô giáo đã dốc lòng với em. Xin cô giáo thấu cảm cho em nhé!
Thấy như có điều gì đó trắc ẩn, tôi tiếp lời hỏi thêm để tìm lý do. Nhưng Phương Hà chỉ vui vẻ đáp:
- Không có chuyện gì đâu cô giáo ạ! Em làm kinh doanh quen việc, cũng khỏe mà!
Chưa thấy thỏa đáng, hôm sau, tôi phôn cho ông hiệu trưởng Nhị Đàn. Máy đổ nhưng người nghe không bắt máy, gọi tiếp lần hai, lần ba, máy chuyển sang chế độ bận.
Cách đây mấy ngày, tình cờ gặp cậu Tân, trưởng khoa Sinh học, tại một cuộc hội thảo của Sở Giáo dục và Đào tạo, tôi hỏi, cậu ta kéo tôi ra một góc khuất bảo nhỏ:
- Em nói điều này nhưng chị đừng lộ ra với ai nhé. Sếp em, lúc vui lên là làm vừa lòng tất cả mọi người. Chị không biết, hôm gặp tiến sĩ Phương Hà, sếp vui thế nào rồi chứ? Tiếc rằng, dạo này sếp đang buồn và bận lắm, chị mà gọi, không biết sếp có thời gian bắt máy không. Với lại - giọng Tân hạ thêm một cung bậc nữa, tôi phải căng tai ra mới nghe rõ - Vâng, với lại, hình như sếp đã điều tra từ ai đó, có tin là tiến sĩ Phương Hà… không bình thường.
Như người bị sốc, tôi hỏi lại:
- Phương Hà là người không bình thường?
Tân luýnh quýnh:
- Là em nghe thế thôi, quý chị nên em mới bật mí. Chị ơi, coi như em chưa nói gì nhé, chị cũng chưa nghe gì nhé.
Tôi gật đầu, làm vẻ thân thiện để Tân yên lòng rồi chúng tôi trở lại công việc của hội thảo.
Có một lần vào buổi tối, tôi cần gọi một cú phôn công việc, lơ đãng thế nào mà lại nhầm với số của phó giáo sư Nhị Đàn. Nghe giọng ông trả lời, tôi mới biết nhầm, định xin lỗi nhưng lại chợt nghĩ, mình nhân cớ này, thử hỏi về chuyện xin việc của Phương Hà xem sao. Song, tôi mới kịp chào ông hiệu trưởng và xưng tên thì ông nói ngắn gọn, giọng nhắc nhở: “Lần sau, tiến sĩ gọi gì thì gọi vào giờ hành chính nhé!”.
Bên ông Nhị Đàn cúp máy.
Tôi thẫn thờ hoang mang một lúc rồi tự hỏi: Tiến sĩ Phương Hà; Ông hiệu trưởng Nhị Đàn; Ai là người không bình thường đây?
Mậu Đông - Quảng Lưu
8-3 - 30-4-2025
T.Đ.T