Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Cơn gió chạy qua (Truyện ngắn dự thi)
Cơn gió chạy qua (Truyện ngắn dự thi)


ĐÀO PHẠM THÙY TRANG 

Cơn gió chạy qua

Truyện ngắn dự thi

Cơn mưa đầu mùa khá lớn bỗng nhiên ập đến khiến cho người đi đường loạng choạng. Chưa kể còn có người chở con nhỏ, chở hàng hóa mà không có áo mưa, tăng bạt. 
Anh Hai Sún nằm co trong nhà trọ cảm thán: “Ông trời mưa đầu mùa gì mà sớm dữ. Chưa kịp để dành tiền mua gạo thì trời đã mưa rồi sao”. Anh Tư Phèo vẫn bình tĩnh ngồi phì phèo thuốc lá, cười hềnh hệch rằng: “Đời người ta có một cây súng đã mệt mỏi lắm rồi, ông tới hai sún hèn chi cứ càm ràm như đàn bà vậy. Nắng mưa là chuyện của ông trời, can thiệp được sao”. Hai Sún cãi lại rằng: “Đó chỉ là biệt danh thôi, tại tao sinh thứ hai, có răng sún nên họ đặt vậy. Chứ tên tộc giấy khai sinh là Nguyễn Hoàn Toàn đó”. Tư Phèo cười hô hố rằng: “Rồi bốn chục tuổi đầu, anh hoàn toàn được gì chưa? Hoàn toàn dữ chưa? Hoàn toàn sao đi mần xa cả tháng chưa về vậy? Sao nghèo hoài vậy?”. Hai Sún cũng phì cười đá lại rằng: “Còn mày sao Tư rồi còn Phèo? Người ta một bộ ruột gan phèo phổi là mệt rồi. Mày mắc gì tới “tư phèo”? Há há”. Thì ra tại anh Tư hút thuốc nhiều quá nên có biệt danh thôi. “Phèo” trong chữ phì phèo đó mà. Bởi đời anh sinh ra nhầm ngôi sao xấu. Anh không biết đâu. Má của anh Tư mất khi sinh thằng em Út, nên phải bồng ẵm, rửa đít cho nó từ khi còn trên tay… Lớn lên, ông già và anh phải đi làm, hông ai coi nó, nó bỏ học, bỏ nhà đi đâu nửa năm nay rồi.
Hai tiếng thở dài rất nặng của hai người đàn ông cùng nhà trọ, cùng cảnh nhà nghèo. Rồi anh Hai bật mí cho anh Tư biết mình từng là sinh viên đại học. Nhưng ngồi mòn mấy cái quần, đi rách mấy đôi giày của quãng đời đại học mà anh Hai mê game quá. Rồi anh quyết định mở tiệm game, một là chơi cho đã, hai là cũng một loại kinh doanh vào thời điểm đó.
Nhưng trời không chiều lòng người, năm thứ ba đại học, anh về hối thúc gia đình bán năm ngàn mét vuông đất lấy tiền cho chàng sinh viên năm ba mở tiệm game ở Sài Gòn. Vậy mà sáu tháng sau… chịu không thấu, phải trả mặt bằng “trả hết, trả hết cho người” nhưng còn năm ngàn mét vuông đất thì không biết bao giờ mới trả lại cho ba mẹ được.
Học hành dở dang nhưng cũng phải lấy vợ, con càng lớn, cha mẹ càng già, tiền càng ít đi nên anh Hai phải theo công trình xa và gặp anh Tư với thằng Thừa vậy đó. Thật ra thằng Thừa chỉ hơn con anh Hai có năm tuổi thôi. Nên anh thương nó lắm.
Anh em trò chuyện chán chê mà trời vẫn còn trắng xóa màu mưa trái mùa. Thanh niên tên Thừa đi lãnh lương cho ba anh em vẫn chưa về. Hai Sún, Tư Phèo và Út Thừa đều là dân tứ xứ, về đây để làm thợ hồ. 
*
Thừa không phải là anh chàng vô gia cư. Thừa có một nếp nhà nhỏ trên diện tích một trăm năm mươi mét vuông đất. Nhưng ở quê làm không nhiều tiền bằng lên phố. Thì thôi, khóa cửa nhà lại, chịu cực đi xa tầm trăm kilomet để kiếm tiền.
Cái nghề culi thợ hồ, ở quê của Thừa không phải lúc nào cũng có việc làm, nếu cứ ngồi đó chờ ai cần thì gọi hoặc tìm việc khác như cắt cỏ thuê, dỡ nhà, sửa chuồng bò, tráng sân, làm giàn nước… thì thu nhập bấp bênh lắm. Sức trai mười tám tuổi, Thừa không muốn đời mình lềnh bềnh như giề lục bình trôi như vậy.
Mẹ mất rồi, ba cô chị gái đã lấy chồng xa. Nhà đất này Thừa được mẹ để lại, nên Thừa ra đi không phải chỉ để học khôn nơi phố thị mà còn muốn tìm lại người cha đã vì “vợ bé” mà đành lòng bỏ mẹ con Thừa khi đứa con còn trong bụng mẹ.
*
Thừa lách ào vào cánh cửa phòng trọ, cái đầu ướt nhẹp nước mà nụ cười tận mang tai:
- Sống rồi! Sống rồi hai đại ca ơi! Ông cho ba anh em mình lãnh hết lương và thêm tiền thưởng mỗi thằng năm trăm ngàn. Tuần sau khai trương công trình mới! Em mua sẵn cái lẩu nè, ba anh em mình dứt nha!
Cái nồi lẩu trong màn mưa gió rầm trời hôm ấy có cá bông lau, có rau muống, có bắp chuối, có bông lục bình tím ngát thơm tho cả cơn mưa. 
Bỗng nhiên cánh cửa phòng trọ còn bị cơn gió nào đó chạy qua quất cái “rảng” làm tấm kiếng rơi xuống. Một mảnh thủy tinh đã rơi trúng trán anh Tư Phèo, máu chảy ròng ròng…
- Trời ơi… nghèo còn mắc cái eo! Thừa, chạy đi mua oxy già, bông băng lẹ coi! - Anh Hai Sún quát rồi buông chén bún, chụp gói thuốc lá lấy vài điếu vò nát rồi áp vào vết thương trên trán anh Tư Phèo.
Thừa buông cái chén, nhảy vọt lên cái xe Wave trành bằm chạy đi trong màn mưa, gió đang quăng quật tứ bề. Lòng Thừa dấy lên cảm giác bất nhẫn ông trời, vì tại sao tụi con hiền lành, thiệt thà như thế, lấy mồ hôi đổi chén cơm mà ông cay nghiệt quá? Mới lãnh được chút lương còm mà anh em lại bị vết thương này. Chắc cũng toi vài trăm mất rồi. 
*
Chiếc xe trành bằm của thằng Thừa đang chạy thì bỗng sực… sực… sực… nó hết xăng. Vậy là phải dắt bộ. Vừa đi, chàng trai mười tám tuổi vừa nghĩ mà bất nhẫn cho cuộc đời cay nghiệt quá. Anh em Thừa chỉ mong đổi mồ hôi và sức lực để kiếm chén cơm thôi mà.
Cơn mưa đầu mùa vẫn tràn ngập hạt nước trong những cơn gió chạy qua chạy lại cho mưa quất tứ bề. Con xe Wave trành bằm của thằng Thừa hết xăng giữa màn mưa thật là khốn khổ.
Lầm lũi bước trong màn mưa lạnh tím, mong ước có thể vác được chiếc xe quỷ này mà chạy cho lẹ thì hay biết mấy! Vậy mà tiếng con gái la lên: 
- Á trời! Đi đứng gì kì vậy cha nội?
Thừa xin lỗi… xin… nhưng cô gái quát: 
- Xin, xin… cái con khỉ. Coi ông già ngồi xe lăn bán vé số có sao không kìa!
Thì ra có ông già ngồi xe lăn trú mưa dưới tán dù của xe cà phê Miu - tia ấy. Cô ta bắt Thừa mua vé số để chuộc lỗi với ông già. Nhưng Thừa còn có… chín ngàn đồng. Ông già vui tính bảo: 
- Chín ngàn cũng bán vốn luôn. Biết đâu cậu hên, còn tui khỏi ôm vé số. Hai mươi hai nhen! Coi cậu cũng tầm tuổi đó!
- Dạ cảm ơn bác.
*
Đại ca Hai Sún nằm ôm điện thoại bật dậy khi thấy Thừa lách vào cửa nói mát rằng: “Tưởng mày đi Sài Gòn mua bông gòn chứ!”. Thừa thở hắt rằng: “Em xém… đụng ông già xe lăn nên về chậm. Chút nữa là thấy ông cố nội luôn rồi chứ ở đó mà trách”. Hai ông anh bây giờ mới lo lắng, họ sợ ông già bị gì rồi đền bù chắc chết cả đám. Nhưng khi biết ông không sao, còn bán cho Thừa tờ vé số chín ngàn thì họ mới thở phào. 
*
Mưa lại sàn sạt đổ xuống. Những cơn gió mang hơi nước lại chạy qua chạy lại rồi ghé vào căn trọ mười hai mét vuông ấy vút vài sợi nước. Ôm điện thoại hoài cũng chán, chợt nhớ tấm vé số Thừa mua, anh Hai Sún bèn lấy ra dò xem sao. Đài Sóc Trăng nhé 054322. “Cái gì vậy trời ơi! Hông lẽ trúng đặc biệt?”. Nhưng quả thật, họ đã trúng đặc biệt. Anh Tư Phèo và Thừa cùng kêu lên:
- Trời ơi… là… là… hai tỉ đó!!! 
- Hai tỉ, chắc luôn… trời ơi… anh em con hết khổ rồi… cảm ơn ông trời!
*
Họ chia rất đều nhau. Vì Thừa có công mua, nên sau khi trừ thuế thì còn một tỉ tám. Thừa tám trăm triệu, hai anh mỗi người năm trăm triệu. Anh Hai Sún ôm Thừa muốn nghẹt thở, rằng: 
- Tuy chia tay nhau nhưng tao vẫn nhớ mày lắm, nếu không có mày thì tao không có năm trăm triệu này. Mày là ân nhân của tao, ân nhân của vợ con tao, cha mẹ tao. Giữ liên lạc nha, để tao về nhà rồi gửi định vị cho mày tới chơi một vài bữa.
Anh Tư Phèo thì vừa phì phèo thuốc lá vừa nắm tay Thừa, nói: 
- Mày cũng thu xếp về nhà nha. Về đốt nhang cho mẹ mày mừng. Rồi rảnh rảnh chạy qua tao chơi nha. Thiệt tình đời không ai biết được ngày mai hén? Rồi mày có dự tính gì chưa?
*
Thừa chưa về nhà ngay, cậu thấy mình cần phải tìm ông già bán vé số đó để cảm ơn. Nếu không có ông, mình không thể mua tờ vé số đó mà trúng. À, còn chị bán cà phê Miu - tia nữa, phải hậu tạ chị ấy luôn. Nhưng biết tìm ông già ngồi xe lăn ấy nơi nào? À dễ ợt, chị bán cà phê Miu - tia, chắc chị biết về ông. Và quả đúng như Thừa suy đoán, chị đã chỉ nhà của ông Hai bán vé số cho Thừa. 
*
Người phụ nữ trung niên mở cửa đi ra với dáng vẻ mệt mỏi, nói: “Cô xin lỗi vì đêm qua may khuya quá nên ngủ quên, không nghe khách gọi. Mùa tết mà trai, cố làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu”. Thừa thưa: “Con đến để hậu tạ ông già bán vé số, nghe chị bán cà phê Miu - tia nói ông ấy là chồng cô?”.
Chủ nhà mở cửa mời thanh niên trẻ vào nhà. Cô không có vẻ gì mừng rỡ khi nghe hai từ hậu tạ. Bởi cô đang có điều suy nghĩ. Tại sao gương mặt chàng trai này lại rất giống chồng mình thời trẻ? Cô nói: “Ông vé số đi bán vắng nhà”. Cô mời Thừa uống nước, hỏi thăm gia cảnh, quê quán khá ân cần.
Thừa thật thà cho biết quê nhà, làng xóm, tên mẹ và ông bà nội. Riêng tên cha, Thừa bảo không nghe ai trong nhà nói đến. Cô chủ nhà tên Thúy nghe như có luồng điện hai trăm hai mươi vôn chạy rần từ đỉnh đầu xuống bàn chân. Não cô ngưng hoạt động trong vài giây thì phải.
Lẽ nào trời run đất rủi vậy sao? Lẽ nào thần giao cách cảm để Thừa gặp được cha ruột của mình trong khi ông thân tàn ma dại. Còn Thừa thì vừa cầm gần tỉ bạc trong tay? Nhưng cô không dám nói gì cả. Cô sợ mình “nói hớ” vì có thể người giống người. Cô chỉ bảo Thừa rằng: “Ông Hai không dùng điện thoại, nếu có thể thì Thừa cho cô xin số điện thoại và xin chụp tấm hình, về cô đưa cho ông xem…”. Thừa đồng ý bằng tâm thế vui vẻ của chàng trai trẻ chưa hiểu sự đời.
Khẽ chào người phụ nữ chủ nhà mà ấn tượng ban đầu đã cho Thừa nhiều thiện cảm. Rằng cô lịch sự, ân cần và rất chu đáo, dịu dàng.
Chiếc xe Wave sáng hôm đó đã đưa Thừa một lèo về lại nhà. Lòng chàng trai trẻ hân hoan vô cùng tận.
*
Thật ra sáng hôm đó ông Hai chưa đi bán vé số. Ông ở nhà sau, định lên chào khách, nhưng khi nghe chàng trai nói tên mẹ và tên ông bà nội thì ông không dám thở mạnh nữa. Những cái tên đó chính là cha mẹ và cô vợ tên Hậu của ông.
Vậy ra thằng bé này chính là con ông ư? Đứa con của cái đêm ông dắt “vợ bé” về nhưng mẹ ông đã khéo thu xếp cho ông “hâm nóng tình cảm” với vợ lớn?
Đứa con mà gần hai mươi năm qua ông không hề biết nó hiện diện trên đời này? Đứa con mà trời run đất rủi cho nó mua vé số và tìm gặp ông. Rồi… làm sao ông dám nhìn nó đây? Nó bây giờ trẻ trung, giàu có, ông già cả tàn tạ, nghèo nàn. Nhận nhau, ông sẽ là gánh nặng cho nó ư? Tâm tư giằng xé khiến ông Hai không ăn uống được. Xấp vé số cũng gọi ông bạn đồng nghiệp mà nhờ bán giùm.
Bà Thúy hiểu tâm tư chồng. Bà bảo: “Chắc ông đã nghe và biết rồi? Tất cả tôi để ông quyết định. Chúng ta không có con chung, thằng bé Thừa thì không có cha…
*
Thừa rủ rỉ với cô Út rằng: 
- Hình như con đã gặp ba con. Không gặp người, chỉ là tấm hình ông treo trên tường… con thấy giống con lắm.
Cô Út nhảy dựng: 
- Ông ở với ai? Phải với con mẹ thợ may đó không? Tao mà biết nhà, tao tới tao xé tét… 
- Hình như là thợ may thật, con thấy nhà có máy may, chỉ là không có nhiều quần áo treo thôi. 
- Mày dắt tao đi, đi liền… để tao chửi thằng anh ruột tao một chặp, gì mà mê gái đến nỗi cha mẹ chết không về để tang! 
- Ông giờ đi xe lăn đó cô Út, cô đụng vô là đền mạng lãng nhách à!
- Đi xe lăn hả? Đáng đời chưa anh Hai? Cái thứ đàn ông bỏ cha bỏ mẹ, bỏ vợ bỏ con thì trời quả báo vậy là đúng rồi! 
- Ủa mà sao cô Út lạ vậy, mẹ con không chửi ba con tiếng nào mà cô Út cứ nghe nhắc tới ông là chửi liền? 
Cô Út “quê một cục” vì nghĩ rằng thằng cháu nói mình “dữ như chằn”. Nhưng kệ, cô có dữ, có chằn nhưng cô là người thẳng tính, rạch ròi, thương nói thương, giận nói giận chứ không hiền lành, cam chịu như mẹ của Thừa, để rồi tối tối ôm gối khóc một mình. Khóc riết tim thòng rồi “về núi” luôn đó. 
“Đem tiền về cho mẹ… đem tiền về cho mẹ… đừng đem ưu phiền về cho mẹ…” - Tiếng chuông điện thoại của Thừa reo lên. Cô Út cười ha hả, nói: “Chuông điện thoại mày lạ quá ha? Rồi giờ mày đem tiền về cho ai?”.
Thừa nhận cuộc gọi, là cô Thúy mời tới nhà ăn cơm.
*
Mâm bàn thịnh soạn bày ra giữa vuông sân nhỏ dưới tán cây nhãn lâu năm tỏa bóng mát cả khung trời. Dưới thềm nhà nhỏ bày trí đơn giản vài chậu lưỡi hổ, vài chậu phát tài lá sọc. Người đàn bà chủ nhà dáng cũng nhỏ. Bây giờ cô như kẻ tội đồ, ngồi trong sân nhà mình mà nem nép một góc ghế như càng thu nhỏ hơn cái dáng gầy gò đó.
Cô Út của Thừa oang oang: 
- Trời trả bảo đã đời hén anh Hai! Ham mê vợ bé bỏ bè con thơ rồi bây giờ “quả táo nhãn lồng” cho vừa bệnh vừa què…
Thừa giật giật cánh tay bà cô ruột rằng: “Bữa nay mình làm khách đó… Ông là anh ruột của cô đó…” - khiến bà cô như sực nhớ và im lặng.
Thừa thưa với bà Thúy rằng: 
- Chắc là nhờ trời thương nên con và ba mới gặp nhau, con mới trúng số. Con cũng thèm ba lắm, mười tám năm nay con có gặp ba lần nào đâu. Nhưng có lẽ ba ở với cô quen rồi. Nên con xin biếu cô một trăm triệu để làm vốn làm ăn mà chăm sóc ba con. Riêng xin phép cô cho con mỗi khi rảnh được đến thăm ba và cô để vui nhà vui cửa.
Một cơn gió mùa hạ nào đó chạy qua vuông sân nhỏ hay cơn gió tình người thổi qua tâm hồn bà Thúy mà sự mát lành đến lạ kì. Bởi bà biết chàng trai này đã tha thứ cho họ rồi.
Bà Thúy cầm tiền mà nước mắt chảy dài. Ông Hai không nói tiếng nào, chỉ vuốt vuốt cánh tay rắn chắc của thằng con. 
Cơn gió mùa hạ hào phóng nào đó bỗng thổi qua căn nhà trọ này từng cơn mát lành giữa buổi trưa oi ả của phố thị, khiến cho bao con người cảm thấy những đau hận xưa cũng đã bay đi. 
Thừa không giấu được vui mừng nên gọi ngay cho hai ông anh Hai Sún và Tư Phèo, rằng:
- Em đã tìm được ba em rồi. Ai có ngờ cái ông già ngồi xe lăn bán tờ vé số chín ngàn bữa đó, chính là ba của em đấy! Trời xui đất rủi là có thật hai anh ơi! Bữa nào em mời hai anh tới nhà ba em chơi nhé, mình nhậu một bữa nổ trời để mừng cha con em đoàn tụ.
Bên kia đầu sóng âm cũng nghe tiếng cười rổn rảng của hai ông anh. Họ chúc mừng Thừa sau cơn mưa trời lại sáng. Nhờ bữa đó dắt xe dầm mưa và sắp đụng ông nên mới lộ diện trùm cuối cha con. Phải mà bữa đó mua ba, bốn tờ thì giờ Thừa thành trùm giàu.
Họ lại cười qua làn sóng âm giữa những cơn gió mùa hè đang chạy qua chạy lại trên tán cây nhãn ở sân nhà bà Thúy. Những tiếng cười tròn vành hạnh phúc.
                              Đ.P.T.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 97
 Hôm nay: 5469
 Tổng số truy cập: 13568101
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa