Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Người nấu ăn (Người nấu ăn)
Người nấu ăn (Người nấu ăn)


NGUYỄN THU HẰNG 

Người nấu ăn

Truyện ngắn dự thi

Thoan đang cố treo nốt hai túi dưa muối, hai túi trứng lên ghi đông xe thì điện thoại rung chuông báo bảy giờ mười lăm phút nhưng đó thực ra là chuông báo tới giờ cô phải ra công ty. Sẽ có hai mươi phút cho cô di chuyển từ nhà tới khu nhà bếp của công ti. Gạo, cá, thịt, rau, giấy ăn, mắm muối… đã chất đầy hai cái sọt sau xe. Hành, tỏi, mướp xếp đầy trong giỏ xe. Những nguyên liệu này đủ cho cô làm bữa trưa, tối cho bốn mươi lăm nhân khẩu của công ty. Đeo chiếc túi trước ngực, Thoan đội cái nón, trèo lên xe, đạp vội. Ghi đông loạng choạng, xe chật chưỡng một đoạn rồi cũng lăn bánh đều đều.
 Nắng pha mảng trên những bức tường, hắt vào mặt Thoan, nhòe nhạt. Mấy giọt mồ hôi từ trán rơi vào khóe mắt, cay xót. Cô thương thằng Minh quặn ruột, cố kìm những giọt nước mắt đã trực ứa ra. Trời nắng to thế này, thằng Minh chắc sẽ mệt đi nhiều. Minh không chịu được nóng. Hồi bé mỗi khi hè tới, người nó ngứa ngáy, nổi mề đay từng cục, tắm đủ thứ nước lá, từ lá khế chua, đến lá chân chim, lá gáo, xà cừ, cúc đất, rồi xát chanh, quất đầy người, cũng chỉ được hôm trước hôm sau. Ngứa, nó gãi xước da, tóe máu…
Dẫy bờ giậu dại kia Thoan thường ra cắt cây chân chim về tắm cho con. Ngày ấy, dẫy giậu dại dài bao quanh bờ mương, thằng Minh mới cao bằng cây cà gai chạy đuổi bắt mấy con chuồn chuồn theo bờ giậu mỏi chân chưa hết. Thoan tưởng như bóng con trai đang chạy trước mặt cô. Cô dấn chân đạp xe. Giờ thì Minh không đi được nữa, chồng cô bảo đã đến đoạn nâng dạy cho ăn uống, vệ sinh cũng khó khăn. Bốn năm nay, Minh đổ bệnh. Giai đoạn đầu thì còn tháng ở viện, tháng về nhà, đến giờ thì phải nằm viện suốt. 
*
Tối qua, Thoan gọi điện cho chồng, Chánh cho biết bệnh Minh chiều hướng nặng hơn, thuốc giảm đau ngày phải tiêm ba mũi, máu, hai ngày phải tiếp một lần, bên đùi trái đã teo đi, miệng sùi những mảng đỏ, nói năng không rõ tiếng… Thoan bật khóc, nói với chồng: “Em sẽ lên với con”. Chánh gạt ngay: “Em cứ ở nhà đi làm, lên một ngày cũng không giải quyết được việc gì, mẹ con nhìn nhau chỉ khóc sẽ ảnh hưởng tới tinh thần của thằng Minh. Đi thế vi phạm hợp đồng, về bị mất việc thì lấy tiền đâu mà lo cho con hả em”. Điện thoại tắt, Thoan ngồi gục vào góc tường, khóc rưng rức. Đã gần một năm nay, khi bệnh Minh có chiều hướng xấu đi, nó đã không thể và không muốn về quê, nên Thoan chưa gặp con lần nào. Mỗi lần Minh nằm viện là Chánh lại khăn gói lên nuôi con. Đợt này đúng lúc bệnh Minh trở nặng, thì chỗ cổ tay phải của Chánh lại sùi những cục u như chùm cà. Chánh giấu Thoan đi mổ, như cách đây chín năm Chánh giấu Thoan và gia đình tự đi mổ chỗ u ấy và xạ trị. Không có người, được hai hôm Chánh đã xin ra viện để sang chăm thằng Minh. Cái Loan, vợ thằng Minh vừa đi làm vừa đưa hai thằng con nhỏ đi lớp, vừa chạy ra chạy vào bệnh viện, người cứ quắt lại như cây chuối khô. Vợ chồng Thoan thương con dâu như thương con trai. Hai đứa chúng lấy nhau êm ấm được tám năm, sinh được thằng cu Tôm và cu Tép, mua được cái nhà cấp bốn thì Minh đổ bệnh. Lúc đầu bác sĩ bảo bị bệnh lạ về máu. Biết bao lần làm xét nghiệm, chuẩn đoán, các hướng điều trị khác nhau nhưng rồi bệnh càng ngày càng nặng. Sau thì bác sĩ cũng đành gọi tên bệnh là K máu.
 Khi Chánh theo con đi bệnh viện thì Thoan vừa đi nấu ăn cho công ty vừa gửi lễ lạt tới cửa điện, chùa, đình kêu cầu. Có hai lần, Minh khỏe được mấy tháng trời, da dẻ hồng hào, Minh đưa vợ con về quê chơi. Nhìn con, Thoan an tâm đôi phần, cô lại sắm lễ đến tạ ơn Phật Thánh. Đến công ty, cô không quên sắm lễ thắp hương ở cái miếu nhỏ phía Tây trước khu bếp ăn. Nghe kể, ngôi miếu có từ thời Pháp thuộc, thờ một người công nhân đường sắt bị cảm chết ngay trên cung đường mình bảo trì, phụ trách. Ngôi miếu được người dân dựng lên ngay đầu cánh đồng, gần chỗ ngã tư có đường tàu chạy qua. Khi công ty H về thuê đất xây dựng đã không dám dỡ bỏ ngôi miếu. Cách đây mười năm, Thoan nộp đơn xin chân nấu ăn cho công ty cũng đã đến thắp hương ở ngôi miếu trước. 
Trong cuộc phỏng vấn ấy, chính ông giám đốc đã nói: “Trong quân đội người nấu ăn được gọi là anh nuôi, ở công ty, chúng tôi gọi chị là chị nuôi. Chị nuôi sẽ là người quan trọng đầu tiên, bậc nhất trong công ty này, bởi chị là người giữ gìn sức khỏe cho chúng tôi làm việc. Công ty chỉ có bốn mươi lăm người nên chỉ có một chân nấu ăn. Chị sẽ được ký hợp đồng dài hạn, sẽ được hưởng các chế độ như mọi công nhân khác. Nhưng có điều công nhân có thể xin nghỉ phép vì có công nhân khác làm được phần việc ấy. Còn chị nuôi chúng tôi chỉ có một nên sẽ không có người thay thế. Vậy nên chị sẽ làm việc không có phép, và chúng tôi sẽ trả thêm lương cho chị vào những ngày không phép đó và vào những ngày chủ nhật khi thợ tăng ca. Chị sẽ không vi phạm hợp đồng chứ?”. Thoan đã gật đầu và ký vào bản hợp đồng. Cô làm việc tận tuỵ từ bấy đến nay. Tổng kết cuối năm nào Thoan cũng được nhận giấy khen cùng bốn công nhân khác. 
Thoan cứ làm việc tối mắt tối mũi. Tranh thủ lúc sớm, tối, Thoan trồng rau ở mảnh ruộng phần trăm, có rau dưa đủ cung cấp cho bếp ăn của mình. Thằng Minh bệnh đã bốn năm, Thoan chưa từng xin nghỉ buổi nào, kể cả chủ nhật. Vì lời hứa với giám đốc, vì những điều khoản trong hợp đồng, vì lời Chánh dặn, vì con hay vì tiền… hay vì tất cả những cái đó? Không cần biết, hôm nay, Thoan đã quyết rồi, Thoan sẽ xin nghỉ để lên thăm con. Dù như thế là Thoan đã vi phạm hợp đồng, lại còn xin nghỉ không báo trước. Nhưng báo trước sao được, ruột gan Thoan nóng như có lửa, thằng Minh biết còn trụ được bao lâu? Đáng lẽ Thoan phải lên với con sớm hơn, khi nó còn minh mẫn, còn nhận ra cô. Tại cô cứ lần chần, tại Chánh cứ gàn, không cho lên. Bữa trưa nay Thoan sẽ nấu nướng tươm tất cho mọi người, còn bữa tối, Thoan đã chuẩn bị trước, cá đang kho, rau bí đã nhặt cho tủ lạnh, xương đã ninh kĩ, chỉ cần một người nấu thôi. Nếu ông giám đốc đồng ý, Thoan sẽ nhờ người em họ ra, nếu không thì cử một cô công nhân xuống. Thằng Minh đang yếu đi. Thoan phải lên với con thôi. Nhưng nếu giám đốc không đồng ý thì cô cũng cứ xin nghỉ để lên với con, muốn ra sao thì ra. Nó là đứa con trai Thoan dứt ruột đẻ ra, Thoan sẽ lên với con chiều nay. Sẽ nấu cho con ăn một bữa cơm nhà. Sẽ ở với con một đêm. Chánh cũng cần phải nghỉ dù chỉ là một đêm. Chánh đã thức bao đêm với con, tay Chánh vừa mổ xong…
Thoan nhanh tay thái những miếng thịt cuối cùng. Hành phi trên chảo đang dậy mùi thơm, cơm cắm trong nồi đang sôi lạch tạch, mùi gạo mới tám thơm thoảng bay lên. Thằng Minh thích ăn cơm gạo tám thơm mới, Thoan sẽ nấu cơm gạo mới cho nó ăn. Thoan đổ thịt vào chảo, đảo luôn tay. Khói bay tỏa ra, mắt Thoan lại cay. Nhìn ra phía trước cái miếu có người đang đứng vái. Thoan nhận ra cậu Ca, thợ hàn trẻ chưa vợ ở tổ một. Những buổi tan ca sớm, Ca hay xuống giúp Thoan chia cơm hay múc canh. Ca nhà nghèo, sáng ngủ dậy muộn thường nhịn ăn đi làm nên giải lao hay xuống bếp xin Thoan có cái gì ăn tạm chống cơn tụt huyết áp. 
Ca đi vào cửa bếp, mặt nhăn nhó. “Còn ít cơm nguội với thịt rang đấy, chú có đói thì ăn tạm”. Cậu Ca tựa vào tường xua tay: “Nay em bị đau bụng, chị có dầu gió cho em mượn. Chắc tại ăn cháo lòng sáng rồi! Thằng Tân rủ đi”. “Trong cái túi tôi treo trên tường kia, chú lấy đi, tôi đang bận lắm!”. Ca bôi xong thì ngồi bệt xuống bậc cửa, ôm bụng rên rỉ: “Mãi không khỏi để vào làm lại bị trừ lương thì lấy tiền đâu mua thuốc cho u em đây. Sáng nay, u em còn kêu đau chân không đi được bảo trưa về gọi y tá tiêm. Em thì chưa có lương, chị có tiền mặt không cho em vay tạm năm trăm nghìn”. Mẹ Ca bị bệnh tim, mỗi tháng tiền thuốc cũng hơn hai triệu, giờ lại bị khớp nặng. Thoan thở dài, định từ chối nhưng nghĩ ngần lại rút túi quần lấy tờ một trăm nghìn đưa Ca: “Chị chỉ có vậy thôi”. “Em cảm ơn chị. Mấy hôm nữa có lương em sẽ trả chị ngay”. Ca như đỡ đau bụng, đứng dậy đi vào xưởng làm.
Thoan chia đủ bốn mươi lăm suất ăn vào khay, đậy nắp để trên mặt bàn bếp vừa xong thì một toán công nhân trẻ bước vào, trong đó có Ca. Cậu Ca bước nhanh tới chỗ Xoan: “Bọn em xong sớm, em định xuống đỡ chị việc sắp mâm mà đã xong hết rồi à?”. Thoan vừa lau bàn vừa gật đầu. Những người công nhân lần lượt bê suất cơm của mình ngồi vào bàn ăn. Một lúc sau thì thêm chục người tổ khác xuống ăn, phòng ăn ồn ào hẳn. Nét mặt ai cũng dãn ra, hồng hào, tiếng cười nói vô tư. Cô Thơm khen thịt kho nay mềm, ngọt. Chị Tám thì thích món canh tép. Chú Tâm thì vừa ăn vừa nghe điện thoại. Chợt nét mặt Tâm nheo lại, miếng cơm đang xúc lên lại đổ xuống khay…
 Họ là những người cùng làng với Thoan và còn là những con người từ những nơi khác tới. Giờ trong cùng công ty họ gắn bó hơn. Ăn cùng bữa cơm, họ coi nhau như gia đình thứ hai. Có buổi, thấy Thoan sụt sịt ốm, cô Thơm, chị Tám, cô Mẩy tan sớm còn xuống giúp một tay. Đôi vợ chồng như Mẩy - Mùi từ tận Hà Giang xuống làm thuê, cả năm mới về quê ăn tết một lần. Lúc đến, họ mang tới cho Thoan chai mật ong bạc hà và cả bó rau tầm bóp. Mẩy còn dặn: “Nấu canh ăn, đắng đấy, nhưng tốt lắm. Ăn rau tầm bóp người yếu khỏe ra, người đẻ thì mau hồi phục và còn phòng chống được ung thư”. Thoan muốn ứa nước mắt, Mẩy lấy tay che miệng: “Chết dở, em ngay miệng, chị đừng để bụng nhé”. Lúc này, ngồi ở bàn trong cùng, Mẩy đang gấp sang khay Mùi miếng thịt nạc. Mỗi bữa, Thoan đều dành vài phút đứng ngắm những người công nhân ăn cơm như một thói quen. Cô nghe họ nói chuyện, nhìn nét mặt của họ và cách một vài người ăn xong đứng lên lau bàn, kê ghế gọn vào trong bàn và bê bát ra chậu cho cô rửa là cô lại thêm yêu công việc của mình hơn, lại muốn bữa sau sẽ nấu ăn ngon hơn cho mọi người. Ăn xong họ sẽ lên xưởng, tìm chỗ nào đó ngả lưng chợp mắt để tới một giờ chiều lại bắt tay vào công việc. Nhiều người cũng như Thoan làm luôn cả phép, họ không nghỉ cả ốm, không nghỉ chủ nhật khi có đơn hàng. Cuộc sống vốn bộn bề lo toan. 
Nhưng chiều nay, Thoan sẽ xin nghỉ để lên với thằng Minh. Cả đêm qua Thoan mất ngủ vì nghĩ đến con và đi đến quyết định này. Thoan sẽ không nói cho Chánh biết bởi kiểu gì Chánh cũng sẽ gàn không cho cô nghỉ làm lên thăm con. Chánh lo sợ cô mất việc vì vi phạm hợp đồng, sẽ mất đi một khoản để lo cho con ở bệnh viện. Nhưng thằng Minh đang yếu dần, cô không thể không lên với con. Trái tim Thoan đau nhức nhối mấy ngày qua. Đêm qua càng đau hơn. Cô không lần chần một ngày nào nữa. Cô muốn gặp con, muốn ôm con vào lòng một cái. Nó đã là bố hai đứa trẻ, đã ba mươi ba tuổi nhưng nó vẫn là thằng Minh bé bỏng của cô. Cô muốn nấu cho con một bữa cơm gạo tám thơm cô tự cấy, rau trong vườn tự trồng. Cô muốn tự tay xúc cho con ăn như hồi bé cô vẫn xúc, rồi lấy khăn rửa mặt, rửa tay cho con. Muốn ngồi bên giường nhìn con ngủ. Lời giám đốc vẫn vẳng bên tai: “Chị sẽ được ký hợp đồng lao động dài hạn, sẽ được hưởng các chế độ như mọi công nhân khác. Nhưng có điều công nhân có thể xin nghỉ phép vì có công nhân khác làm được phần việc ấy. Còn chị nuôi chúng tôi chỉ có một nên sẽ không có người thay thế. Vậy nên chị sẽ làm việc không có phép, và chúng tôi sẽ trả thêm lương cho chị vào những ngày không phép đó và vào những ngày chủ nhật khi thợ tăng ca”. Cô không biết mình có được quay trở lại căn bếp này không khi cô vi phạm hợp đồng? Không biết còn được đứng kia nấu ăn cho mọi người không nữa? Công ty rất nguyên tắc. Cậu Ca đã kể với Thoan những buổi đầu đi làm còn non nớt, Ca đang làm xin nghỉ đột xuất đưa mẹ đi bệnh viện. Cuối tháng ấy, Ca bị trừ hai ngày lương và cuối năm bị mất danh hiệu lao động chuyên cần. Từ đấy, Ca hầu như không dám nghỉ nữa. Mỗi lần nghỉ là một lần mất tiền, nghỉ vài lần sẽ mất chân. Cậu Ca kể đã có bốn công nhân bị mất chân vì nghỉ đột xuất, vì vi phạm hợp đồng. “Việc của chị càng không thể nghỉ được. Nghỉ là người ta tìm người khác thế chỗ ngay đấy”. Ca từng dặn Thoan thế. Thoan đã răm rắp tuân thủ nguyên tắc. Trong mười năm làm ở đây, Thoan chưa lên tầng hai, chưa bước chân vào phòng giám đốc xin nghỉ bao giờ. Nhưng trưa nay thì Thoan sẽ lên, dù Thoan biết như thế là vi phạm hợp đồng.
Thoan mang nồi xoong ra cọ rửa trước. Có mấy người xuống hỏi xin thêm canh, Thoan vội vã đi vào múc canh từ cái nồi cho mọi người rồi lại chân năm tay mười dọn dẹp tiếp. Cần phải xong sớm hơn mọi khi nửa tiếng. Lúc ấy giám đốc có lẽ cũng ăn xong, Thoan sẽ lên báo cáo.
*
Đứng trước cửa phòng giám đốc, Thoan rụt rè đưa tay lên mấy lần mới dám gõ cửa. Nhưng ngón tay cô còn chưa chạm vào cánh cửa thì trong phòng có tiếng quát vọng ra, cánh cửa mở. Tiếng giám đốc quát lớn: “Làm việc không có kỷ luật gì. Thế là vi phạm hợp đồng. Bất ngờ thế lấy ai thay được vị trí của anh. Chú mất thì cũng phải làm xong, chiều tối về chứ chú anh đã đưa ma ngay đâu. Nghỉ phép cũng phải báo cáo trước chứ? Cậu muốn thôi việc hả?”. Chú Tâm mở cánh cửa, cúi gằm mặt xuống đi ra. Thoan tái mặt lùi vào cạnh tường, tay phải đặt lên ngực mong kìm tiếng đập thình thịch. Thấy Thoan, chú Tâm buồn bã chẳng thèm cất tiếng chào. Thoan nhớ tới lúc ăn trưa, chú Tâm nghe điện thoại đã buồn chẳng thiết ăn nữa. “Ông chú em đi lúc nào?”. Chú Tâm buồn bã: “Ông bị đột quỵ, vừa đi lúc trưa. Em muốn về ngay. Bố em mất sớm, chú như cha, ông ấy đứng ra lo đám cưới cho em. Đến tối mới vác mặt về họ hàng chửi chết”. “Kể cũng khó cho em”. “Thôi, em xuống xưởng xin tổ trưởng cho làm ngay để chiều xin về sớm vậy”. Nhìn chú Tâm bước những bước dài đi xuống, Thoan hít một hơi thật sâu, can đảm bước vào phòng. 
Giám đốc nhìn lên, mặt vẫn đỏ văng, ánh mắt tỏ vẻ bất ngờ khi nhìn thấy Thoan: “Chào chị Thoan, mời chị ngồi”. Thoan ngồi, hai tay vân vê tà áo. Không dám nhìn thẳng giám đốc, Thoan nói: “Thưa giám đốc. Tôi xin lỗi đã không thể báo trước. Con tôi ở bệnh viện, đang trở bệnh. Tôi lên để xin nghỉ chiều nay. Thực phẩm cho buổi chiều tôi đã chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh rồi…”. Thoan còn định nói nữa nhưng giọng cô bỗng nghẹn lại, mặt cô tái đi, người cô run lên và tim cô đập mạnh, nhoi nhói, nhức nhối. Cô cúi mặt xuống bàn, không dám nhìn giám đốc. Ông ấy chắc sắp đập bàn và lên giọng nói với cô về những quy định, những điều khoản trong hợp đồng đã ký. Sẽ nhắc chuyện không kiếm ai ra thay Thoan và đe dọa nếu nghỉ ông ấy sẽ phải tìm người thay thế cô vì cô đã vi phạm hợp đồng. Mấy người vào xin nghỉ không thành ra kể với nhau trong bữa ăn như thế. Tiếng đập bàn vang lên nhưng không phải là tiếng bàn tay mà là tiếng của mấy quyển sổ, chồng hồ sơ trong tay giám đốc sắp xuống bàn. Thoan giật mình ngước mắt nhìn giám đốc. Cô đã sẵn sàng nghe những điều giám đốc sẽ nói. Cô đã sẵn sàng để bước ra khỏi phòng này sau khi nghe ông ấy nói xong. Cô đã sẵn sàng vì cô biết như thế là cô đã vi phạm hợp đồng. Xe đạp cô đã dựng cạnh tường dưới sân, mọi thứ cô đã chằng sẵn. Thoan nhìn giám đốc. Giám đốc nhìn cô, ánh mắt ông ấy chợt chùng xuống: “Cô Thoan đã làm việc mười năm qua không nghỉ buổi nào. Chiều nay cô cứ lên thăm con đi, việc cơm nước sẽ có người khác lo”. Hai giọt nước mắt Thoan ứa ra. Cô chào giám đốc rồi đứng lên, bước nhanh ra khỏi phòng. Lúc đóng cửa phòng lại, Thoan cúi người chào lần nữa, nhưng giám đốc đã quay lưng lại và đang bấm điện thoại.
Thoan chạy nhanh vào bếp lấy giấy bút ra ghi những món cô định nấu tối nay cùng với thực phẩm đã chuẩn bị để ở những ngăn nào. Cô còn cẩn thận ghi cả việc đổ lượng nước vào nấu cơm thế nào cho cơm đỡ nát. Gạo tám thơm nhà cô trồng không cần nhiều nước như những thứ gạo khác. Rau bí nhà cô trồng đã nhặt sẵn, không phun thuốc sâu nên cũng không cần ngâm nước muối kẻo nát rau và mất chất. Thoan cài tờ giấy lên tường chỗ gần tủ lạnh rồi bê mấy rổ khay bát, đũa xê ra chỗ nắng phơi. Nhìn lại mọi thứ có vẻ đã ổn, cô quấn khăn đội nón bước ra xe đạp. Tới cửa bếp ăn thì cô Huệ trợ lí giám đốc và Ca, Mẩy đi tới. Cô Huệ nắm tay Thoan: “Giám đốc và công ty gửi quà cho cậu Minh, nhờ chị chuyển giúp. Giám đốc dặn chị có thể ở đấy với con ngày mai, ngày mốt cũng được”. Bất ngờ làm Thoan nghẹn lời, chỉ có mấy giọt nước mắt tuôn ra. Cậu Ca cũng đưa cho Thoan mấy cái phong bì: “Đường xá xa xôi quá, chúng em không lên thăm Minh được. Đây là một chút gọi là tình cảm của mọi người dưới xưởng gửi quà cho Minh. Mọi người chúc Minh vượt qua gia đoạn này”. Cô Mẩy tiếp: “Chị cứ yên tâm, cô Huệ vừa bảo em sẽ thay chị nấu bếp cho anh chị em”. Cô Huệ nói với Ca: “Chú đưa chị Thoan ra bắt xe cho kịp chuyến, trời nay nắng lắm”. Những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên hai gò má Thoan, nắng ngoài đường như dịu đi.  
            N.T.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 66
 Hôm nay: 5564
 Tổng số truy cập: 13568196
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa